Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Làm ngọn "hải đăng người" cho dân mình ra khơi!

Comments

Biển cả, với người Việt Nam xưa, thường mang đến nhiều sợ hãi hơn là cảm hứng. Có nhiều lý do, trong đó, có chuyện thiên tai và địch họa vẫn thường xuyên đến với mảnh đất này từ phía biển. Nỗi sợ hãi ấy, cần phải được nhanh chóng xoá đi trong thời buổi mỗi quốc gia muốn phát triển, đều phải ý thức được việc “ra biển lớn” bây giờ...

Những điểm tựa trên biển Đông

Tàu chúng tôi đang trên hành trình qua đảo Núi Le. Bỗng nhiên, đại tá Nguyễn Hữu Vinh giữa trưa nắng chói chang, lập ngay một nhóm công tác do thượng tá Lương Văn Thịnh chỉ huy. Lệnh hạ xuồng được đưa ra. Chúng tôi cùng lên hết trên boong tàu. Mạn phải, phía trước, một chiếc tàu đang dập dềnh ẩn hiện sau từng đợt sóng.

Thượng tá Lương Văn Thịnh chỉ huy nhóm thuỷ thủ, tách đoàn, dùng xuồng tiếp cận. Đó là một chiếc tàu cá của Việt Nam, bị tàu lạ tịch thu hết lưới, chỉ còn dầu chạy về, đang neo đậu chờ giúp đỡ. Nhóm thuỷ thủ mang theo quà của Hải quân và chuyển những lời thăm hỏi thân tình, khiến những ngư dân Quảng Ngãi trên tàu rất ấm lòng.

Với chúng tôi, có thể nói là may mắn đến một lần trong đời, khi đi Trường Sa vào đúng đêm Rằm. Bữa cơm chiều đầu tiên trên biển, nhiều người vừa ăn vừa dạng chân đứng tấn để quen dần với nhịp lắc của sóng biển. Thế rồi mọi người bỗng buông bát lên hết trên boong để chứng kiến cảnh trăng nhô cao dần phía trước mũi con tàu.

Một đêm Rằm trọn vẹn trên biển quê hương, khiến cho tất cả cảm thấy, dường như biển cả thật đẹp, thật gần gũi. Đêm càng sâu, trăng càng sáng. Buồng chỉ huy tắt hết đèn, và luôn kín chỗ bởi nhiều người lần đầu đi biển đều muốn có một chỗ đứng cao nhất có thể nhìn ngắm khoảng không lấp lánh sóng bạc rộng lớn phía trước.

Biển bạc. Nhưng với Quý, thiếu uý Hải quân thì khác. Anh kể: “ Với người đi biển, khoảng mênh mông phía trước mang đến cảm giác cô đơn và lo âu. Sau những khoảnh khắc trời trong, biển lặng, trăng sáng, là dự cảm, là cảnh giác về những vùng thời tiết xấu, về những bất trắc đến từ những chiếc tàu lạ”.

anh2.jpg
Tàu Hải quân tiếp cận, giúp đỡ ngư dân. Ảnh: HN

Năm trước, chính đoàn thuỷ thủ này đã thực hiện một chuyến đi biển suốt tháng trời mà hầu hết thuỷ thủ đoàn đều nôn ra máu, để kéo tàu ngư dân gặp nạn giữa biển khơi. Trong tình trạng đơn độc, tàu cá gãy trục chính chân vịt, tàu Hải quân cứu nạn chính là niềm hy vọng duy nhất của ngư dân.

Chuyến đó, tàu đã kéo được con tàu đánh cá tả tơi về tới đảo Lý Sơn. Những ngư dân vất vả của huyện đảo này không còn gì nhiều, họ gửi tặng những người lính dũng cảm chục cân tỏi để thay lời cảm tạ.

Không chỉ bão tố, những ngư dân đi đánh bắt cá xa bờ nhiều khi còn gặp nạn vì bị tàu lạ bắt nạt, tranh chấp ngư trường, bị xả súng bắn, trấn lột dầu, nước ngọt và thu lưới. Thượng tá Lê Dũng Anh, trợ lý tác chiến của Quân chủng Hải quân nói: “ Không phải lúc nào cũng có thể kịp điều tàu để ứng trực, giúp đỡ ngư dân gặp nạn trên biển. Trong trường hợp đó, những đốm sáng phía xa kia, những ngọn đèn trên đảo chìm đảo nổi, chính là điểm tựa cho ngư dân vững lòng làm ăn trên vùng biển của mình”.

Đại uý đảo trưởng Nguyễn Đức Dân và những người lính trên đảo Núi Le từ lâu đã trở nên quen thuộc với ngư dân. Họ cảnh báo thời tiết, chữa bệnh, giúp đỡ dầu, nước ngọt, thức ăn cho các tàu cá. “Với ngư dân mình, lính Hải quân thương yêu giúp đỡ hết mình. Chia sẻ hết tất cả kể cả khi bản thân lính đảo cũng đang gặp thiếu thốn do tàu hậu cần ra chậm”.Thượng tá Nguyễn Đại Dương, chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn tâm sự. Để người dân vượt qua những lo âu, sợ hãi, vươn ra biển để làm ăn, chung tay bảo vệ
chủ quyền, đang cần thêm nhiều điểm tựa như thế trên biển Đông.

Buồn vui máu lệ

anh3.jpg
“Kỹ xảo” tung dây cập mạn của Hải quân.

Khi chúng tôi vượt qua phao số không, đi vào đường hàng hải quốc tế, một cảnh tượng điệp trùng hiện ra trước mặt. Tàu chở dầu, tàu chở ô tô, tàu chở hàng khô, tàu du lịch…tấp nập ngược xuôi cho ta hình dung sống động về một thế giới năng động giao thương hôm nay. Quần đảo Trường Sa, hệ thống đảo tiền tiêu chính là vòng cung an ninh ôm trọn con đường hàng hải và vùng biển quê hương.

Chính điều đó cũng đặt vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam này vào tình thế của những tranh chấp nhạy cảm. Mặc dù đã có bộ qui tắc ứng xử trên biển Đông, vẫn có nước lớn cậy mình có súng lớn tàu to, như thể hiện sự khát thèm tiếp tục tìm đất đai cấp phong cho những Mã Viện mới. Chính vì vậy, việc bám trụ thường xuyên trên từng nhà giàn của bãi ngầm là đồng thời luôn đối diện với bất trắc.

Thuở đất nước còn chiến tranh, thuỷ lôi phong toả cả cảng Hải Phòng. Hải quân Việt Nam lúc đó chỉ có những chiến hạm nhỏ bé, nhưng nổi tiếng với những thuỷ thủ già dặn, được gọi là “thượng sỹ inox”. Vì họ gan góc đến độ tàu khu trục đối phương áp sát định bắt sống cả thuỷ thủ đoàn, mà vẫn ngồi điềm nhiên, bên mấy quả lựu đạn và con dao găm, tính chuyện tàu địch nếu cập mạn thì nhảy qua boong “đánh tay bo”.

Đất nước đã có hoà bình hàng chục năm, nhưng máu những người lính Hải quân vẫn tiếp tục đổ xuống để bảo vệ từng mỏm cát, từng rặng san hô trên vùng biển chủ quyền. Hôm nay, đến Trường Sa, đi qua từng đảo chìm, chúng tôi vẫn còn được nghe kể về họ. Và thấm thía những “buồn vui máu lệ”.

Là Trần Hữu Quảng, trụ ở nhà giàn DK trên bãi Phúc Tần, khi nhà giàn bị sập, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trong sóng dữ, cuối cùng anh nhường chiếc phao và phong lương khô cuối cho chiến sỹ yếu nhất rồi anh dũng hy sinh.

Là Vũ Quang Chương, Nguyễn Văn An trụ ở nhà giàn bãi Phúc Nguyên. Khi sập nhà, sau khi tổ chức cho đồng đội rời xuống xuồng an toàn, cả hai cuộn lá cờ Tổ quốc vào lòng và sau đó hy sinh.

Là Lê Đức Hồng với câu chào xúc động “Vĩnh biệt đất liền” qua điện đài trước khi đồng đội ở nhà chỉ còn nghe tiếng gào rú của sóng biển trong tổ hợp. Là những thuỷ thủ anh dũng hy sinh khi bảo về chủ quyền trên bãi ngầm Gạc Ma. Là người thuyền trưởng dũng cảm mưu trí, dù tàu bị bắn, vẫn lựa được dòng chảy để dũi mũi tàu lên bãi Len Đao, tự biến con tàu thành pháo đài phòng thủ năm 1988…

anh1.jpg
Những người lính trên nhà giàn đón khách đất liền. Ảnh: HN

Đứng như những đỉnh trời

Trưa nắng, đứng trên Đá Tây, bốn bề gió thổi, người nào cũng đỏ au như tôm luộc. Những người lính, như đại uý Nguyễn Xuân Triệu mà tôi gặp, đã đứng như thế ở điểm đảo này hàng năm trời. Họ tự đứng thẳng để làm bóng mát cho mình, làm bóng mát an bình cho ngư dân mỗi khi qua đây. Cũng một đêm ở đây, chúng tôi thả cước vào lúc 3 giờ sáng và câu được một con cá mú nặng chừng hơn hai chục cân. Anh em lính đảo cười, cá như thế vẫn là cá nhỏ.

Vùng biển rất giàu tiềm năng này đang chờ người dân ta mạnh dạn sáng tạo vượt ra khai thác, nuôi trồng, làm giàu. Mùa bão, những tàu cá ngư dân về đây neo đậu tránh bão, yên tâm vì có điểm chốt Hải quân nhỏ bé nhưng kiên gan đứng như đỉnh trời. Đại uý Triệu cho biết, điểm đảo nhỏ bé này đã giúp cho gần hai trăm lượt thuyền ngư dân vào tránh bão nơi đây trong thời gian qua.

Tôi làm quen với trung uý Trần Văn Phúc trên đảo Núi Le vì một mẩu giấy anh ghi vội với lời nhắn: “Anh về gặp người bạn, lấy và gửi giúp Phúc cái đĩa diệt virus này”.

Hoá ra Phúc mang theo máy tính xách tay ra đảo. Ngày học tập, trồng rau. Đêm đốc gác… Thời gian còn lại Phúc cặm cụi ngồi lập trình, viết một phần mềm về thi trắc nghiệm. Có một thế hệ sĩ quan mới, nối tiếp được truyền thống gan góc của lớp “thượng sỹ inox” năm xưa, và giỏi giang mưu trí như thế ở Trường Sa hôm nay. Có thể gặp họ đang “xay” tủ sách có hàng nghìn cuốn, trên cánh võng dưới tán phong ba, hay bên góc bóng râm của những nhà giàn. Những sĩ quan trẻ rất đẹp trai ở Tư Chính còn biến cái gác một bốn bề gió lộng của nhà giàn thành phòng tập thể hình, với đầy đủ các loại tạ gánh tạ nằm.

Tàu chúng tôi nhổ neo trong đêm, sau khi chia tay với những chàng trai nhà giàn Tư Chính. Trăng cuối tháng như đuổi theo sau đuôi tàu, neo trên đầu cánh võng tôi mắc cạnh những thuỷ thủ trực đêm. Ngược chiều với tàu chúng tôi, từng đoàn tàu cá miệt mài chong đèn, hướng mũi ra khơi xa bắt đầu một đợt đánh cá dài ngày trên biển. Những tàu chở dầu từ mỏ Rồng, mỏ Bạch Hổ cần mẫn đi ra đường hàng hải quốc tế.

anh4.jpg
Xuống cập mạn tiếp tế cho quân dân trên đảo.

Những người ngư dân, những thuỷ thủ viễn dương đã ngày một tự tin hơn. Bởi ngoài kia, đêm nối ngày, những ngọn hải đăng người vẫn cháy sáng như những điểm tựa cho ước vọng vượt ra với đại dương của người Việt Nam.

PS: Phía mạn phải con tàu chúng tôi đi có dán tấm bản đồ đi biển. Trên đó, có những chấm tròn lớn chỉ các đảo nổi đảo chìm nơi có những người dân và bộ đội Hải quân đang chốt giữ. Những chấm tròn màu nhạt hơn chỉ những bãi ngầm bị các quốc gia khác ngang ngược chiếm đoạt.

Hầu như mỗi lần đi qua đây, mỗi người đều dùng đầu ngón trỏ di vào những chấm nhạt, dừng lại hồi lâu. Đến những ngày cuối của chuyến đi, tấm bản đồ như ướt nước, những chấm tròn đỏ chỉ vùng đảo mà chúng ta đang bền bỉ đòi lại chủ quyền nhoè đi hiện lên thật nhói đau.

Nguồn: Hoa Học Trò Online

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com