Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

Hãi hùng những chuyến ra khơi

Comments

*Ban biên tập: Khi đọc bài này, người đọc phải tự hiểu cụm từ "tàu nước ngoài" có lúc dùng để chỉ chung tàu của Indonesia, Malaysia, Trung Quốc (không thấy nói tới Philippines); nhưng có lúc ám chỉ tàu Trung Quốc (tại khu vực quần đảo Hoàng Sa).

Đi biển, ngoài sóng to gió lớn, giờ đây nỗi kinh hoàng của ngư dân càng chất chồng thêm bởi nạn bị tàu nước ngoài đuổi bắt, thậm chí cướp tàu, cướp tài sản. Dù không bị cướp, chỉ bị giam tàu, giam người là nhiều ngư dân đã tán gia bại sản...

Trong ngôi nhà nhỏ xây bằng đá ong ở thôn Gành Cả nằm sát mé biển, thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), ông Trần Văn Thu xắn tay áo lên để lộ một vết sẹo to trên cánh tay. Đó là hậu quả của một lần tàu ông bị tàu nước ngoài đuổi bắt trên biển.

Câu chuyện của những nạn nhân

Ông Thu vốn là người đã nhiều năm nuôi tôm ở vùng cửa biển Sa Kỳ. Rồi tôm bị dịch bệnh chết, lâm cảnh nợ nần nên ông xuống tàu đi bạn. Chuyến đi đầu tiên đó không ngờ mãi một năm sau mới được trở về với vết sẹo trên tay. Lần đó tàu ông đánh bắt gần khu vực quần đảo Hoàng Sa. Ông kể: "Họ dùng tàu lớn rượt đuổi rồi bắn xối xả nên tàu mình bị thủng. Anh em ngư dân hoảng sợ dồn về một góc rồi lần lượt sáu người đều bị thương. Trong lúc hoảng sợ tui đưa tay ôm đầu. Viên đạn bắn xuyên qua bắp tay...". Tàu bị bắt, bị đòi nộp phạt 240 triệu đồng!

Close

Ông Trần Văn Thu chỉ vết đạn trên bắp tay. Chuyến đi biển đầu tiên của ông quá dài: 1 năm!

Còn anh Trần Khanh ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn từ sau khi đi bạn trên tàu của ông Nguyễn Vũ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn bị tàu Trung Quốc bắt, chịu cảnh tù đày bốn tháng mới được thả về giờ làm công khuân đá cây, khuân cá ngoài cửa biển Sa Kỳ. Anh kể: "Bị giam trong cảnh đói khát, lo âu, người bị phù thũng. Khi được thả về, chân bước không nổi".

Song được như anh Khanh là may mắn. Ngư dân Nguyễn Văn Tâm, từng cứu một con tàu bị nạn trong bão Chanchu và đưa thi thể một ngư dân cùng quê ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa từ biển trở về, nay đang bị giam giữ ở Trung Quốc, bị phạt 42 tháng tù giam, còn tàu bị tịch thu.

Anh Đỗ Tấn Hùng, Nguyễn Lực ở xã Đức Thắng đi bạn trên tàu mang số hiệu BV-5475-TS của ông Tưởng Văn Thân ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị tàu nước ngoài bắn chết. Và mới đây, vào ngày 16-4-2008, trong cơn bão số 1, chiếc tàu mang số hiệu QNg-2961 có bảy ngư dân hành nghề câu khơi ở vùng biển Trường Sa bị Indonesia bắt giữ, chưa biết khi nào được thả.

Lâm cảnh nợ nần

Ở huyện Tư Nghĩa, chị Lê Thị Lặn, vợ anh Phạm Văn Kỳ (đi bạn trên chiếc tàu đánh cá QNg-2961-TS do ông Võ Bốc làm thuyền trưởng bị Indonesia bắt ngày

16-4-2008), than: "Khổ quá, hôm ảnh bị bắt tới giờ, tui chạy tới chạy lui hỏi thăm bảy gia đình có cùng cảnh ngộ mà chẳng biết làm gì để cứu ảnh". Cũng từ đó, chiều xuống chị ẵm đứa con mới bảy tháng tuổi cứ ngóng về phía biển xa...

Ông Nguyễn Văn Tâm - 77 tuổi, ba của ngư dân Nguyễn Văn Lâm, hiện đang bị phạt tù ở nước ngoài - nghẹn ngào: "Khổ quá! Thằng Tâm nhờ tui đứng ra thế chấp ngôi nhà của mình, vay ngân hàng 100 triệu đồng. Còn nó đi mượn bà con chín cây vàng, cộng với số tiền vợ chồng nó tích cóp được là 60 triệu để nâng cấp con tàu. Vậy mà vừa ra khơi là bị bắt!".

Sau khi Lâm bị bắt, ông Tâm khăn gói ra Hà Nội nhờ ngành chức năng can thiệp. Trở về thấy giấy đòi nợ của ngân hàng. Lên xuống khất hoài không được, chẳng còn cách nào khác ông đành bán miếng đất 1.000m2 được 90 triệu đồng, cộng với tiền bà con giúp trên chục triệu đồng đi trả nợ.

Ở thôn Định Tân, xã Bình Châu nằm sát bên cửa biển Sa Kỳ, chị Đỗ Thị Kim Loan - vợ anh Đỗ Ngọc Thọ hành nghề lặn đêm cũng bị hải quân Malaysia bắt vào tháng 6-2007 và hiện đang bị phạt tù ở nước ngoài - thường ngày ra bến sông Sa Kỳ mua mớ cá tươi chạy chợ. Chị rưng rưng nước mắt nói: "Thì cũng cố gắng chạy chợ nuôi con, chờ chồng... Nhưng khổ lắm, lúc nợ đến đòi tui chỉ còn cách... trốn".

Đại tá Nguyễn Thanh Phương, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: Trước tình trạng tàu của ngư dân bị nước ngoài bắt ngày càng nhiều, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng đã phối hợp với Bảo Việt Quảng Ngãi tổ chức tuyên truyền cho ngư dân về Luật biển quốc tế, Luật biển VN, các hiệp định về vùng biển mà Nhà nước ta ký kết với nước ngoài. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tiến hành củng cố các tổ ngư dân tự quản tàu thuyền để họ giúp đỡ nhau trong khi đánh bắt hải sản ngoài khơi xa, nhất là vùng chồng lấn, nơi thường diễn ra nạn đuổi bắt.

Theo thống kê của bộ đội biên phòng Quảng Ngãi, trong năm 2006, ở Quảng Ngãi có 22 tàu với 240 lao động bị nước ngoài bắt giữ. Năm 2007 có 25 tàu với 319 lao động bị bắt, trong đó có bảy ngư dân bị bắn bị thương, hai ngư dân bị bắn chết.

Hai tháng đầu năm 2008, ở Quảng Ngãi lại có 15 thuyền và 85 lao động bị nước ngoài bắt giữ. Những trường hợp bị nước ngoài bắt hầu hết bị thu giữ tàu, chủ tàu và ngư dân bị phạt tù hoặc phạt tiền, có trường hợp như tàu của ngư dân Nguyễn Văn Quang ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn bị phạt đến 8.000 USD.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com