Thứ Tư, 7 tháng 5, 2008

Ký sự Trường Sa - Kỳ 1: Những núm ruột gửi nơi đảo xa

Comments

Phải đến Trường Sa, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc những ngày này để thấy những đổi thay, để nắm chặt tay và biết tin vào những người lính đang ngày đêm giữ bờ cõi ngoài biển rộng đảo xa.

Sóng dữ biển Đông

Sáng ngày Một tháng Năm. Sài Gòn bỗng có chút se lạnh xao xác sau một ngày mưa tầm tã vì ảnh hưởng gió rét từ phương Bắc tràn xuống. Tôi gõ cửa một căn nhà nằm trong hẻm của con phố nhỏ Tân Hưng, phía sau cao ốc Thuận Kiều. Bà cụ già nhìn qua khe cửa: Cậu gặp ai? Cháu muốn hỏi đây có phải nhà cô Châu không? Châu là con gái lớn của tôi, cậu là ai thế? Cháu vừa từ Trường Sa về.

Đột nhiên bà cụ dừng tay mở khoá: Để tôi gọi ông nhà lên đã. Rồi bà lập cập quay vào. Một lúc lâu sau bà cụ quay lên mở cửa mời tôi vào nhà. Không nhìn thẳng vào tôi, bà cụ lại quay lưng đi sâu vào cuối căn nhà ống. Để tôi tự mình bước vào, tự kéo ghế ngồi. Căn phòng nhỏ bỗng nhiên trở nên rộng thênh.

anh1.jpg

Bác sĩ Trần Hoàng Phong trong căn phòng Quân y trên đảo.

Nhìn lên bức tường chính, tôi nhanh chóng nhận ra trung tá Trần Hoàng Phong trong bức ảnh chụp chung cùng đại gia đình. Cụ thân sinh là đại tá, còn bà cụ vừa mở cửa cho tôi đeo quân hàm trung tá. Một gia đình quân nhân! Thốt nhiên, tôi nhận ra mình đã nói một câu dù đầy đủ thông tin nhưng sao quá ngắn gọn. Và chợt hiểu vì sao bà cụ lập cập muốn gọi “ông nhà” lên mà rồi lại nấn ná ngồi sau góc bếp rất lâu.

Bác sĩ Trần Hoàng Phong là một người khá nổi tiếng vì chuyến ra Trường Sa đầy giông bão của anh. Nhận lệnh đi công tác, anh lên đường ra đảo ngay trong những ngày thời tiết xấu.

Đang trên đường lên cụm đảo Núi Le, anh được lệnh thay đổi hải trình, phải vào ngay đảo Trường Sa Đông để cấp cứu cho một bệnh nhân viêm phúc mạc ruột thừa đã mổ được 8 ngày tại đây nhưng tình hình diễn biến rất xấu. Những ai đã từng đi biển, đều hiểu không dễ để đi qua các rạn san hô, lên đảo trong những ngày biển động sóng lừng. Chỉ có thể thả xuồng, nương gió, lách sóng, kiên nhẫn quăng dây hàng giờ liền mới có thể cập bờ.

Cuộc vật lộn sau đó với bệnh tình của bệnh nhân Phương, công nhân của Công ty nuôi trồng Thủy sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) và sóng dữ kéo dài từ 5 giờ sáng đến tận 9 giờ đêm. Vừa cấp cứu trên đảo, trên xuồng, trên tàu, bác sĩ Phong đã cùng đồng đội đưa được bệnh nhân về Trường Sa Lớn để điều trị, sau đó nhanh chóng chuyển về đất liền trong chuyến tàu gần nhất.

ts6.jpg

Nụ hoa của cây bàng vuông trên đảo.

“Nghề giữ nước” gia truyền

Ca cấp cứu của bác sĩ Phong nổi tiếng tới mức gặp những người lính quân y nào trên đảo cũng được nghe kể về nó. Nhưng ở nhà, phải nửa năm sau, mọi người mới biết tin về chuyến đi và hành nghề y gian nan trên biển đó của anh.

Bố anh nhận được tin này qua một bài báo. Ông cụ đóng khung nó cùng bức ảnh năm anh lên 10 tuổi, giữ trong ngăn tủ. Và ghi chú: Nhận được bản tin này vào lúc 17h ngày 17/1/2008. Tính từ ngày con trai lên đường làm nhiệm vụ đến nay đã được 7 tháng 13 ngày. Ba mẹ, vợ con, các anh chị, các cháu, bạn bè thân thiết xa gần ai cũng vui mừng tự hào và xúc động.

Mong con trai thân thương cùng đồng đội chân cứng đá mềm, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ góp phần bảo vệ đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió. Tin tưởng con sẽ ngẩng cao đầu trở về trong vinh quang và sự mến phục của mọi người.

Vừa giống lại vừa khác với gia đình những người lính giữ đảo khác, gia đình anh Phong có thể gọi là một gia đình quân nhân toàn thể. Ông bà cụ đã đi qua 2 cuộc kháng chiến. Vợ anh là thiếu tá bác sỹ. Các chị gái và anh rể cũng từng hoặc vẫn đang công tác trong quân đội... Anh Phong là con trai một của gia đình. Nhưng chừng đó cũng chưa nói hết những hi sinh lặng thầm của gia đình khá đặc biệt này.

Ngày anh lên đường đi Trường Sa, con trai anh đang mổ tim, còn mẹ anh đang nằm viện để thay khớp nhân tạo. Là một người lính đã lên đường từ ngày cầm tầm vông, mã tấu chống lại lính lê dương, bố anh vui vẻ chia tay con trai như cách của những người lính ra đi mỗi khi đất nước cần.

Đến Trường Sa, có thể gặp trong câu chuyện của lính đảo về những thời hạn 10 năm, 20 năm bám trụ, trải qua hầu hết các đảo lớn, đảo chìm, nhà giàn... của họ.

Tất cả đều là tình nguyện. Trên đảo Phan Vinh, chúng tôi gặp Nguyễn Anh Tiệp, quê ở Hà Tĩnh. Bố anh cũng là lính Hải quân, trải hầu hết năm tháng tuổi trẻ trên các đảo Nam Yết, Sinh Tồn. Tiệp nói về việc tình nguyện ra đảo như một lẽ tự nhiên.

Ngoài việc tập luyện và học tập, anh cùng những người lính khác chăm chút từng mét vuông đất trên đảo, biến nó thành những vườn cây hai ba tầng xanh mướt. Với những người ở Phan Vinh hay Đá Tây, Núi Le hay Đá Lát, việc gác đêm giữ bờ cõi và canh tác trên “đám ruộng” nhỏ xinh bên bờ công sự tự nhiên như là công việc “cha truyền con nối”.

Và câu chuyện bảo vệ Tổ quốc như làm một nghề gia truyền của gia đình bác sĩ Trần Hoàng Phong nhận được rất nhiều sự đồng cảm của người lính nơi đây.

ts5.jpg

Nguyễn Anh Tiệp lại tiếp tục công việc giữ đảo gia truyền mà bố để lại.

4 chữ “SSHS”

Đi trên boong tàu của Hải quân, hay đến bất cứ điểm đảo nào, sẽ gặp rất nhiều những chữ viết tắt. SSCĐ là sẵn sàng chiến đấu. BTTC là bố trí tác chiến. Riêng 4 chữ SSHS không sơn ở bất cứ đâu, nhưng luôn hiện diện trong tim óc của những người lính đảo.

Đại tá Nguyễn Hữu Vinh, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân tâm sự cùng tôi lúc ngồi trên boong trong một đêm tàu neo đậu ở Đá Tây: Lính ra Trường Sa là những người tình nguyện. Người ra Trường Sa là xác định cho mình trước tiên 4 chữ “SSHS”. Thiên nhiên hung dữ, kẻ thù thâm độc, sự sống và cái chết nơi biển đảo xa hôm nay gắn liền với nhau, trở nên bình thường tới mức những người tình nguyện xem đó như là điều đương nhiên.

Giữa trưa nắng, trên lối cầu tàu nhỏ dẫn vào Trường Sa Đông, những nấm mộ người hi sinh nằm thoải dốc bên bờ sóng. Khi chết đi rồi, họ vẫn nằm lại đây, gối đầu lên bờ cát nhỏ, như những người gác suốt thời gian. Bốn phía là chân trời. Mặt trời mỗi ngày đi qua đây, sưởi khô những bọt sóng trên từng nấm mồ phủ cát trắng.

Sáng sớm, khi đi qua nhà giàn Tư Chính, chúng tôi đã tổ chức một lễ tưởng niệm và thả hoa xuống biển, nhớ đến những cán bộ, nhân viên của Trạm dịch vụ khoa học kỹ thuật nơi đây. Họ đứng canh trời, báo khí tượng, cảnh giới. Có những ngày bão dữ, vẫn trụ đến phút cuối, chỉ kịp gửi một câu chào người ở nhà, trước khi gửi thân xuống biển quê nhà.

ts.jpg

Bình minh trên vùng biển của Tổ quốc thân yêu.

Bốn chữ “SSHS” còn thường trực trong tim của người thân nơi đất liền như những người trong gia đình anh Phong. Thường xuyên, thường trực đến mức chỉ mới nghe một câu nói của khách lạ “Cháu từ Trường Sa về” là họ đã chuẩn bị tâm thế để nghe tiếp những tin tức mất mát về con em mình.

Chính vì thế mà ông bà cụ nhà anh Phong lặng lẽ ngồi rất lâu dưới bếp, như trì hoãn chưa muốn gặp tôi. Chỉ đến khi tôi chuyển những tấm hình mới nhất về anh, thì cụ bà, rồi cụ ông mới bật khóc.

Có thể biết rất nhiều điều về biển đảo quê hương trong những tháng năm này. Nhưng không bao giờ có thể gọi là đủ để hiểu hết tấm lòng của vô vàn những người Việt Nam đã qua nhiều năm binh đao ly loạn, hôm nay vẫn vẹn nguyên khi đối diện với nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Khi biết sâu thẳm trong từng người, từng gia đình lính đảo và nhiều người khác nữa, họ vẫn khắc trong tim mình 4 chữ “Sẵn Sàng Hi Sinh”.

ts2.jpg

P.S: Chúng tôi đã có một chuyến đi dài trên biển, từ nắng sang mưa, từ đảo nổi sang đảo chìm và đã rất muốn kể tất cả với bạn đọc như là một chuỗi nhật ký trên biển.

Nhưng rồi ký sự này đã bắt đầu không phải từ biển mà từ đất liền, không bắt đầu từ lúc xuất phát mà bắt đầu từ một ngày sau khi chuyến đi kết thúc. Bởi ở đó, nơi biển đảo thiêng liêng, có đủ đầy các chiều không gian thời gian, có những câu chuyện về nhiều lớp người khác nhau nối tiếp cùng hiện diện trên từng mỏm cát quê hương. Bởi nói về Trường Sa, không thể là câu chuyện về một chuyến đi. Đó phải là một câu chuyện về Tổ quốc.

Nguồn: Hoa Học Trò Online

Ban biên tập: Chúng tôi rất xúc động khi đọc bài viết này trên báo Hoa Học Trò, đặc biệt đoạn viết về khẩu hiệu "SSCĐ", "SSHS", được các chiến sĩ, người thân của các chiến sĩ luôn khắc ghi trong tim. Thật biết ơn những con người không quản ngại hi sinh vì Tổ Quốc. Cảm ơn báo Hoa Học Trò đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn sự hi sinh cao cả đó!
Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com