Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

Trung Quốc ý tưởng xây 3 đảo nhân tạo “khống chế triệt để Trường Sa”

Comments

Mạng Sina 11/2/2008 và Mạng Hải quân Trung Quốc 11/4/2008 nêu ý tưởng Trung Quốc cần xây 2 đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm đóng quân, tác chiến với hải quân các nước liên quan và "kiểm soát triệt để" Trường Sa. Các tác giả Trung Quốc cho rằng tình hình nguy cấp hơn cả Đài Loan.

Mạng Hải quân Trung Quốc ngày 11/4/2008 đưa tin, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có chuyến thị sát ở tỉnh Hải Nam, đến thăm và có những biểu hiện quan trọng khẳng định trọng tâm nhiệm vụ và khích lệ tinh thần binh sĩ các đơn vị hải quân đóng tại Tam Á thuộc Hạm đội Nam Hải của Hải quân Trung Quốc.

Để hưởng ứng và tuyên truyền cho sự kiện này, trên phương tiện thông tin của Quân giải phóng, đặc biệt là Mạng hải quân Trung Quốc đã có một số bài viết với nội dung tuyên truyền sức mạnh của hải quân Trung Quốc và ý đồ về Trường Sa:

Năm ngoái, Việt Nam vừa tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, đến tháng 4 năm nay, Philippines lại muốn nâng cấp cơ sở quân sự của họ trên quần đảo Trường Sa. Điều đó nghe ra có vẻ nực cười lại cũng có chút đáng thương, nhưng đồng thời cũng khiến chúng ta nhận thức tỉnh táo rằng Trường Sa đã trở thành vấn đề cần phải giải quyết một cách cấp thiết, trong tình hình hiện nay, thậm chí còn nguy cấp hơn cả vấn đề Đài Loan. Vấn đề Trường Sa, mới nhìn có vẻ "muôn hình vạn trạng", khó xử lý, nhưng suy nghĩ một cách tỉ mỉ, cũng không khó giải quyết đến như thế, then chốt là ở chỗ cần xem đã hạ quyết tâm đến bao nhiêu.

Nói đến Trường Sa, chúng ta sẽ nghĩ đến hình ảnh sư tử và chó săn trong thế giới động vật. Sư tử bắt được một con mồi lớn, một đàn chó săn lớn lại vây xung quanh không rời, chỉ cần sư tử lơi lỏng một chút là chúng chồm vào ngay. Về cơ bản, cục diện ở Trường Sa hiện nay cũng giống như vậy. Một số nước muốn tranh giành địa bàn với Trung Quốc như Việt Nam, Philippinnes, Malaysia đều không có lực lượng hải quân mạnh như Trung Quốc, nhưng mấu chốt vấn đề là Trường Sa lại nằm ở ngay trước cửa nhà họ, nên họ có thể lao ra cướp bất cứ lúc nào.

Trường Sa là khu vực không có đảo lớn. Đảo Thái Bình mà Đài Loan chiếm giữ cũng chỉ có diện tích 0,4km2. Hiện nay hải quân Trung Quốc không có tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay. Tàu chiến thông thường không thể neo đậu lâu dài trong khu vực. Việc đóng quân ở mấy hòn đảo Trường Sa cũng chỉ có tính tượng trưng, cơ bản không có sức chiến đấu mạnh mẽ.

Có thể nói giải quyết vấn đề Trường Sa trước hết cần phải có căn cứ để đóng quân và tác chiến. Không có đảo chúng ta hoàn toàn có thể làm đảo nhân tạo. Trong số mấy hòn đảo mà ta chiếm giữ thì địa hình đảo Xích Qua (tức đá Gạc Ma) phức tạp, chung quanh không dễ xây quân cảng; đảo Mỹ Tế (tức đá Vành Khăn) hình tròn, không thích hợp cho việc xây dựng tàu sân bay; chỉ có bãi Chử Bích (tức đá Su Bi) là có thể vừa xây được quân cảng vừa xây được sân bay.

Về việc xây đảo trên các bãi trước đây cũng có người đã đề cập đến, nay xin phân tích lại một chút: Bãi Chử Bích nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, là bãi có hình vòng cung; từ Đông Bắc sang Tây Nam dài 6,5km, rộng 3,7km; ở giữa là hồ nông, khi thủy triều rút, toàn bộ bãi sẽ lộ thiên. Mức độ chênh lệch khi thủy triều lên xuống khoảng 5m. Tức là nếu chúng ta đổ đất xây cao 10m, thì hoàn toàn có thể xây dựng nên một hòn đảo nhân tạo còn cao hơn đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm) ở quần đảo Hoàng Sa (chỉ khoảng 5mét). Nếu phía đông bắc lấp dài 3km và rộng từ 300-500 mét, thì chí ít có thể xây dựng sân bay có quy mô lớn gấp 3 lần sân bay ở đảo Vĩnh Hưng. Phía Tây nam lấp dài 5km và rộng 1km có thể dùng để xây dựng căn cứ. Như vậy có thể tạo ra đảo nhân tạo với diện tích 6km2.

Đảo Vĩnh Hưng được coi là tàu sân bay không bao giờ chìm của Hoàng Sa, nhưng diện tích cũng không quá 2km2, còn đảo Chử Bích xây dựng xong có diện tích gấp 3 lần so với đảo Vĩnh Hưng, sẽ lớn gấp 15 lần đảo Thái Bình. Việc san lấp diện tích 6km2 cao 10 mét vẫn phải cần đến 60 triệu m3 đất đá, nhiều gấp 4 lần so với công trình Tam Hiệp. Về khối lượng, 60 triệu m3 đất đá nặng khoảng 120 triệu tấn. Khối lượng đất đá này phải vận chuyện từ tỉnh Hải Nam cách 1.000km. Dùng tàu cỡ 10 vạn tấn, phải vận chuyển mất khoảng 1.000 lượt.

Nếu huy động 10 tàu, thì sẽ khoảng 100 lượt. Đập Tam Điệp đầu tư mất 200 tỉ nhân dân tệ (NDT), 200 tỉ NDT bằng một nửa chi phí quân sự, nếu đầu tư làm đảo nhân tạo chi phí sẽ giảm hơn nhiều, vì ở đây không cần chi phí phải di dân và xây dựng công trình tải điện. Đập Tam Điệp xây dựng xong có thể cung cấp 85 tỉ kw điện. Quần đảo Trường Sa 800 nghìn km2, gấp 21 lần Đài Loan. Ngoài ra điều quan trọng hơn là trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông lên tới 35 tỉ tấn, chiếm 19% trữ lượng thế giới, được gọi là “vùng Vịnh thứ hai” của thế giới.

Ngoài ra, quần đảo Trường Sa còn có đảo Đạn Hoàn cũng có vị trí chiến lược quan trọng. Đảo Đạn Hoàn (đá Hoa Lau) nằm ở phía Trung Nam quần đảo Trường Sa, nhỏ hơn bãi Chử Bích một chút, hiện bị Malaysia chiếm giữ. Do đảo này có vị trí chiến lược quan trọng nên Malaysia mới lấy đảo này làm trung tâm chỉ huy, đã sớm xây dựng sân bay ở đây. Đảo Đạn Hoàn cũng hình vòng cung, ở giữa hồ. Do Malaysia đóng quân nên việc thu hồi không dễ dàng, nhưng so với việc thu hồi toàn bộ quần đảo Trường Sa thì cũng không đáng kể gì. Sau khi thu hồi đảo Đạn Hoàn, việc xây dựng đảo nhân tạo đơn giản hơn.

Nếu có được 2 đảo nhân tạo, thì cự ly giữa căn cứ hải quân Tam Á (ở đảo Hải Nam) – đảo Vĩnh Hưng – đảo Chử Bích – đảo Đạn Hoàn sẽ là 330 – 700 – 400 km, hoàn toàn nằm trong bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu hiện nay của lực lượng không quân, khi có tình hình gì có thể hỗ trợ các đảo. Sau khi 2 đảo xây xong, đảo thứ 3 cần xây đó là đảo Hoàng Nham ở quần đảo Trung Sa, cũng đang tồn tại tranh chấp. Khoảng cách từ đảo Hoàng Nham đến đảo Vĩnh Hưng và đảo Chử Bích đều không đến 700 km. 3 đảo này sẽ tạo thành tam giác thép vô cùng vững chắc ở Biển Đông.

(Theo Tổ Quốc)
Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com