Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Trung Quốc bác bỏ phản đối của Việt Nam - BBC

Comments

Trung Quốc lên tiếng bác bỏ lời phản đối của Việt Nam về chuyện hải quân nước họ tập trận ở Hoàng Sa.

Theo bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã hôm 27.11.2007, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tần Cương đã nói việc Việt Nam phản đối là "thiếu cơ sở" (groundless).

Theo ông, "Cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc ở các đảo Tây Sa là hoạt động bình thường trong vùng lãnh hải của Trung Quốc,"

Ông cũng nói "Trung Quốc có chủ quyền không ai có thể chối cãi được với các đảo Tây Sa và vùng nước kế cận."

Theo ông, "tranh chấp về vùng này giữa Trung Quốc và Việt Nam là hoàn toàn không có".

Vẫn Tân Hoa Xã trích lời ông Tần Cương trả lời phóng viên trong buổi họp báo hàng tuần rằng: "Cáo buộc của Việt Nam là hoàn toàn vô lý".

Cách đây ít hôm, Thông tấn xã Việt Nam trích lời người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Dũng nói việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại khu vực này ngày 16 đến 23/11 là "vi phạm chủ quyền Việt Nam".

Theo nguồn tin này, ông Lê Dũng nói:

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nói sự kiện mới này "không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước".

Trên thực tế, Trung Quốc đã chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa ngay trước khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc tháng Tư 1975.

Dù các bên tranh chấp đã ký Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (biển Nam Hải) vào năm 2002, khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra các hoạt động gây căng thẳng.

Nguồn: BBC Việt Ngữ

Đọc tiếp...

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

Hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về Hoàng Sa

Comments


Thấm thoát đã hơn 3 tháng kể từ khi chúng tôi viết Entry đầu tiên về Hoàng Sa...

Trong thời gian qua,chúng tôi rất vui được sự ủng hộ của các bạn cộng đồng Blogger trong việc phổ biến kiến thức về Hoàng Sa đến với mọi người. Đã có những bài viết của những Blogger nổi tiếng về vấn đề Hoàng Sa như bài viết của bạn Mèo Lười, của nghệ sĩ Tuấn Hải...

Tuy nhiên,xét một cách tổng thể thì Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa vẫn chưa thu hút được sự chú ý của nhiều bạn trẻ, tính phổ biến của TTDL Hoàng Sa là chưa cao, nhiều ý định khi triển khai đã không được thành công như mong đợi.Trong thời gian qua chúng tôi đã cố gắng viết bài quảng cáo, giới thiệu trên một số diễn đàn nhưng hầu hết đều bị xóa vì liên quan đến chính trị nhạy cảm...

Vì vậy kính mong các bạn trẻ hãy giúp chúng tôi phổ biến trang web này đến với nhiều người hơn nữa. Nếu các bạn có blog, website hãy đặt liên kết với Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa, treo Logo trên blog...

Rất mong sự giúp đỡ của các bạn.

Tái bút:

Vì Logo thiết kế vội và tay nghề không cao nên chưa được đẹp,nếu bạn nào có khả năng thiết kế tốt hơn xin gửi mail đính kèm logo về : hoangsa_org@yahoo.com

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2007

Trung Quốc mở rộng du lịch Hoàng Sa

Comments
Cục Du lịch tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) mới thông qua một dự án phát triển du lịch ở khu vực biển đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Yunghsing (ngư dân Việt Nam hay gọi là Phú Lâm), nằm cách đảo Hải Nam 300km, là đảo chính trên quần đảo Hoàng Sa.

Theo tờ Nhật báo Lao động (Trung Quốc), đảo Yunghsing với những rặng san hô trải dài là một điểm du lịch ưa thích của những người yêu lặn biển.

Trên đảo có một đường băng hàng không và hai cầu cảng có thể là chỗ thả neo cho tàu có tải trọng lên tới 5.000 tấn.

Trên thực tế, Trung Quốc bắt đầu tiến hành các tour tham quan tại đó một vài năm trước và sử dụng tàu thuyền quân sự để vận chuyển du khách.

Một tour kéo dài ba ngày và bốn đêm có giá khoảng 4.000 đến 5.000 tệ (hơn 10 triệu đồng).

Trong hai năm qua, khoảng 4 nghìn khách du lịch Trung Quốc đã mua tour du lịch trên. Phần lớn các du khách là các doanh nhân thành đạt của các công ty tư nhân và nhà nước.

Tờ Nhật báo Lao động cũng trích lời một quan chức chính phủ Trung Quốc nói rằng du lịch sẽ mang lại những lợi ích kinh tế lớn cho Hoàng Sa cũng như củng cố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.

Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974, sau một trận chiến dữ dội với hải quân của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Hiện có ba bên là Việt Nam Trung Quốc và Đài Loan tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Đọc tiếp...

Đài Loan phản bác tuyên bố từ Việt Nam - BBC

Comments
Hôm thứ ba (20.11), Đài Bắc phản bác bình luận mới đây của Việt Nam rằng Đài Loan vi phạm chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo trong đó có đoạn: “Về mặt lịch sử và địa lý, Trường Sa là lãnh thổ truyền thống của Đài Loan. Chủ quyền và quyền hạn trên các hòn đảo ở đây là không thể tranh cãi”.

Tuyên bố cũng cho biết rằng Đài Loan đã triển khai lính tới đảo Taiping (Ba Bình) nhiều năm nay và đã xây một đường băng nhằm vận chuyển các nhu yếu phẩm tới đây.

Hãng tin DPA trích lời các nghị sĩ đối lập Đài Loan cho biết, đường băng được mở rộng trên đảo Ba Bình nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của người đứng đầu chính quyền Trần Thủy Biển tới đảo này, trước khi nhiệm kỳ hai của ông này kết thúc vào tháng Năm năm 2008.

Bằng chứng

Tuyên bố của Đài Loan được đưa ra sau khi hôm 15/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng lên tiếng phản đối việc Đài Loan xây dựng lại đường băng và bia kỷ niệm công trình trên đảo Ba Bình.

Ông Dũng nói: "Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Ông nói thêm: “Mọi hoạt động tiến hành tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị pháp lý".

Khu vực mà Việt Nam gọi là Trường Sa, còn được các nước bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines tuyên bố chủ quyền.

Năm 1988 từng xảy ra đụng độ vũ trang giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Trường Sa, trong đó hơn 70 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng.

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

Tranh luận tiếng Trung về "Nam Hải" - BBC

Comments
Trước hết xin giải thích về Nam Hải theo khái niệm địa lý của Trung Quốc mà có khi họ cũng gọi là Biển Đông hay là Đông Hải.

Tên tiếng Anh của Biển Đông là South China Sea – phiên dịch ra trong tiếng Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa (Nam Trung Quốc Hải) hay là giản xưng cuối cùng cũng là Nam Hải.

Tuy nhiên cách gọi Nam Hải, Nam Trung Quốc Hải này không thống nhất về mặt văn tự ngữ nghĩa.

Trong văn bản Trung Quốc nhiều khi cũng gọi là Đông Hải như tiếng Việt để chỉ South China Sea: ví dụ ca từ trong bài hát ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung có đoạn:

"Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một Biển Đông mối tình hữu nghị giống như rạng đông".

Ca từ tiếng Hoa nếu phiên âm ra bằng âm Hán Việt sẽ như sau:

"Việt Nam Trung Hoa sơn liên sơn, giang liên giang, cộng lâm Đông Hải ngã môn hữu nghị tượng triều dương".

Đối với vị trí địa lý, người Trung Quốc ý thức rất rõ Biển Đông thông đạo với eo biển Malacca như một cửa khẩu quan trọng của Trung Quốc ra với năm châu bốn biển. Nếu cửa khẩu này có vấn đề thì tất cả các giao thương của Trung Quốc với thế giới bên ngoài bị đình đốn lập tức. Toàn bộ mậu dịch hàng hải của Trung Quốc như bị bóp nghẹt.

Trung Quốc đại lục thực sự không có ưu thế tiếp giáp với đại dương - vừa ra khỏi khu vực Hoàng Hải và Đông Trung Quốc Hải là đụng ngay với Nhật Bản và bị Đài Loan án ngữ. Vượt ra khỏi hải vực này là đụng với các quần đảo của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.

Cho nên, Nam Trung Quốc Hải (Biển Đông) là địa bàn lý tưởng nhất để Trung Quốc phát triển uy thế về hải quân.

Hải quân Luận đàm

Bài tổng hợp dưới đây dựa theo một bài viết ký tên là Thuỷ Tinh Lang Nha đăng trên một trang web Hoa ngữ hôm 05.05.2007 (Hải quân Luận đàm-xem đường dẫn bên phải). Xin giới thiệu để bạn đọc của BBC tham khảo:

"Trung Quốc nên to gan ăn cua một lần, không phải Đài Loan mà là Việt Nam là Nam Hải.

Điều này có mười phần ý nghĩa quan trọng:

Thứ Nhất: Vị trí chiến lược của Nam Hải hiện tại vẫn chưa có sự xung động nguyên do là xung quanh chưa xuất hiện một cường quốc nào. Một khi xuất hiện rồi, vị trí chiến lược của Nam Hải sẽ tức tốc nổi lên. Trung Quốc mất đi Nam Hải, cũng giống như là mất hẳn sự tự do ra vào Ấn Độ Dương uy hiếp đường biển thông qua eo biển Malacca.

Thứ Hai: Vị trí địa lý của Nam Hải, điều kiện thuỷ văn thích hợp cho hải quân Trung Quốc đặc biệt là chuyện sống còn của hạm đội tàu ngầm. Nếu như Nam Hải vào tay ai khác, họ sẽ thành lập căn cứ quân sự, gài đặt hệ thống thành sonar thăm dò dưới đáy biển. Đầu này Nam Hải, đầu kia Nhật Bản, ở giữa Đài Loan là coi như là hải quân Trung Quốc chết cứng.

Trung Quốc nói sự vươn dậy của họ hoàn toàn vì hòa bình

Thứ Ba: Một khi Việt Nam khống chế một bộ phận lớn của Nam Trung Quốc Hải, hay là âm thầm được thừa nhận, Trung Quốc sau này sẽ rất khó lòng mà lấy lại, trừ khi phát động xâm lược. Có lẽ điều này sẽ khiến một số quốc gia lo lắng (ai chưa từng chiếm lãnh qua lãnh thổ của Trung Quốc). Nếu Trung Quốc lớn mạnh thì những chuyện này đều cần được nhắc tới1. Nước Nga lo lắng cho vùng Tây Bá Lợi Á của họ, Mông Cổ tự lo lắng cho nền độc lập, Ấn Độ tự lo lắng cho vùng chiếm đóng ở Tạng Nam (phía Nam của Tây Tạng). Sợ rằng rồi Trung Quốc không thấy là dại thế nào, cũng như không thể làm gì, để chuyện xảy ra rồi thật khó mà thay đổi.

Thứ Tư: Vị trí của Việt Nam đang có một bộ phận lớn các đảo ở Nam Hải, Việt Nam tại khối ASEAN, và việc Việt Nam nằm trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc của Mỹ đang nhanh chóng gia tăng. Sau này cục diện thiết tưởng sẽ không còn đối đầu với một quốc gia Việt Nam. Vấn đề Nam Hải sẽ càng trở nên phức tạp. Tôi dám quả quyết rằng, một khi Việt Nam chiếm hữu thành công Nam Trung Quốc Hải, hải quân Việt Nam lớn mạnh rồi họ sẽ thành một lực lượng quan trọng ở khối ASEAN. Mỹ sẽ đồn trú ở Vịnh Cam Ranh, như vậy Trung Quốc phải làm sao đây?  

Thứ Năm: Hiện tại hoặc càng sớm càng tốt phải giải quyết vấn đề ở Nam Hải, đối với Việt Nam phải cứng rắn, phải sớm đánh tan những dòm ngó của quốc gia này đối với Trung Quốc để chặn đứng việc ác hóa vấn đề Nam Hải. Vả lại từ việc cứng rắn đối với Nam Hải để xem xét thái độ của Mỹ. Nếu như Mỹ mạnh dạn can thiệp thì cũng đừng kỳ vọng là là Mỹ đứng yên để Trung Quốc dùng vũ lực giải phóng Đài Loan, mà hòa bình giải phóng đến khi nào mới được, ma quỷ mới biết? Cho nên cứng rắn đối với Việt Nam có thể giúp giải quyết vấn đề Đài Loan. Thăm dò nước khác phản ứng thế nào đối với việc Trung Quốc bảo vệ lãnh thổ có tác dụng quan trọng như việc ném đá hỏi đường.

Thứ Sáu: Hiện tại điều kiện sẵn có để cứng rắn với Việt Nam như sau:

Đầu tiên: Việt Nam đơn phương phá hoại hiệp định. Chúng ta xuất binh đều dựa vào căn cứ và lý do là buộc Việt Nam tôn trọng hiệp định mà không phải là lý do thu phục Nam Hải (làm khối ASEAN và các nước phải im miệng) mà trên thực tế là mục đích lấy lại tuyệt đại đa số đảo ở Nam Sa (Trường Sa). Phần còn lại thông qua đàm phán để giải quyết.

Điều thứ hai: Thực lực hải quân Việt nam vẫn còn rất yếu, chúng ta có thể dùng lực lượng nhỏ để đủ thắng hải quân Việt Nam. Ưu thế lớn nhất của chúng ta là tàu ngầm và chúng ta cần phải lợi dụng điều này. Anh Quốc đối với cuộc chiến Mã Lai hy sinh phải nói là không ít. Chúng ta không quản hy sinh mà được Nam Hải thì giá trị của nó cũng như giá trị của Mã Đảo (Eo biển Malacca!!!) đối với Anh quốc.   

Tới 80% lượng dầu Trung Quốc nhập về phải đi qua eo biển Malacca
Điều thứ ba: Việt Nam và Trung Quốc là quốc gia tiếp giáp biên giới, Trung Quốc tăng cường bố trí quân lực sát biên giới để uy hiếp Việt Nam. Do Hà Nội cách biên giới Việt Trung chưa đầy hai trăm dặm, điều này làm cho Việt Nam mất đi ý chí đề kháng, tự biết sức của mình. 

Điều thứ Tư: Hoa Kỳ đang bận rộn với nhiều chiến trận; ngoại giao và quân sự đều đang mệt mỏi. Quan trọng nhất là làn sóng phản chiến trong nội bộ Hoa Kỳ đang lên cao. Hoa Kỳ chỉ còn cách biểu lộ “quan tâm”, “lo lắng” nhưng Hoa Kỳ sẽ không chủ động can thiệp.  

Điều thứ Năm: Nhật Bản không vì chuyện Việt Nam và Trung Quốc mà can dự, cùng lắm thì đòi lấn tới các khu dầu khí thuộc Đông Trung Quốc Hải. Chúng ta có thể vòng vo uyển chuyển. Nhưng đối với Việt Nam thì phải giải quyết nhanh chóng. Khi Nhật Bản vẫn chưa định thần, chúng ta đã giải quyết xong vấn đề Nam Hải và tuần tra vùng biển này.  

Điều thứ Sáu: Khối ASEAN gồm mười nước là Lào, Cambodia, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Mã Lai, Singapore, Brunei, Phillipines, và Indonesia. Bốn nước chiếm các đảo của Trung Quốc gồm có Việt Nam (29 đảo), Mã Lai (3 đảo), Indonesia (2 đảo), Phillipines (7 đảo) trong lúc đó nước chủ quyền Trung Quốc chỉ có 6 đảo. Trong các nước đó chỉ có Philippines là cường liệt phản đối còn các quốc gia khác đều lấy vị trí trung lập thông qua ngoại giao như Mã Lai, Indonesia.

Chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của các nước như Cambodia, Lào, Miến Điện và Thái Lan. Một bên im lặng, một bên lên tiếng thì ASEAN không có gì phải lo sợ. Chúng ta không có sự lo sợ nào cả. Chỉ cần đứng thế trung lập với chúng ta thì mọi chuyện đều có thể vượt qua như tình huống của Cambodia, Miến Điện, Lào… Chúng ta đâu cần Việt Nam và ASEAN đối xử tốt? Tại sao lại phải lo lắng cho mình?

Tổng kết cuối cùng như sau: Việt Nam chiếm lĩnh Nam Hải trên mặt pháp lý không trụ được (phá hoại hiệp định 1958 trên bản đồ ghi rằng Nam Hải là của Trung Quốc) + hải quân Việt Nam yếu nhỏ + Việt Nam tiếp giáp biên giới với Trung Quốc sợ rằng khi có chiến tranh bùng nổ, kinh tế suy sụp ngay lập tức + không có Mỹ Nhật thực sự can thiệp giúp đỡ + khối ASEAN phản ứng yếu, lại có bộ phận ủng hộ chúng ta = Việt Nam không dám cùng Trung Quốc khai chiến cũng như không có thực lực để khai chiến (họ phải lo lắng về phần lục địa). Cho nên, chiến tranh đánh là không đứng lên được. Phía chúng ta cũng cần tự hỏi, tại sao Nam Hải lại quan trọng như vậy (tất chiến) và chúng ta có khả năng thu phục Nam Hải (khả chiến) mà chúng ta lại không đi đánh, vậy thì sao lại vất đi cơ hội đó, để vấn đề Nam Hải tiến tới ác hóa, quốc tế hóa?"

Tranh luận trên mạng

Theo tìm hiểu của BBC Tiếng Việt, bài trên thuộc loại quan điểm cực đoan, thậm chí của những người hoang tưởng (lunatics) đôi khi xuất hiện trên các trang mạng hoặc chatroom Trung Quốc, và không phản ánh quan điểm của các nhà làm chính sách nước này.

Một biên tập viên ban tiếng Hoa của BBC nhận xét sau khi đọc bài:

"Chính quyền Trung Quốc chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa, tạo cho mình vị trí tiền phong bảo vệ dân tộc Trung Hoa nhưng đây là con dao hai lưỡi. Người viết này nay tấn công chính quyền vì không có thái độ cứng rắn về lãnh thổ với Việt Nam. Thái độ bất mãn như thế này có thể biến thành các vấn đề phức tạp hơn là một chuyện đơn lẻ. Những người này sẽ còn phê phán chính quyền vì cho rằng chính quyền 'thất bại' trong nhiều lĩnh vực".

Vẫn theo đồng nghiệp của chúng tôi thì:

"Ưu tiên của Bắc Kinh hiện nay là duy trì nhịp độ phát triển kinh tế và hòa bình chứ không phải chiến tranh với các nước láng giềng".

Phần dẫn và cách hành văn trong bài là của bạn Trần Đông Đức. Ban Việt Ngữ đã kiểm tra lại phần dịch với chuyên gia phiên dịch Trung-Việt và được xác nhận là chính xác. Bài viết tiếng Hoa phản ánh quan điểm của tác giả, không phải là quan điểm của chính quyền Trung Quốc.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2007

"Tại sao Hoàng Sa?"- K'lu

Comments

Close

Khẩu đội pháo chốt tại một điểm của Hoàng Sa

Close
Máy bay của Không quân Trung Quốc tại bầu trời Hoàng Sa

"Tại sao Hoàng Sa?"

1 Không muốn nhắc về một cái tên cũ, khi mảnh đất ấy không còn thuộc về Tổ quốc mình. Nhưng mấy ngày này có rất nhiều blog của đồng nghiệp và bạn bè nhắc đến nên cũng muốn có một vài dòng.

Blog của nhà báo Bùi Thanh, của anh Ngô Đồng... nhắc nhớ về cái ngày 33 năm trước, mảnh đất tiền tiêu của nước Việt rơi vào tay Trung Quốc. Về nỗi buồn trước sự thờ ơ của rất nhiều người khi những cái tên Vàng Anh hay Trà - Chanh lấn át mất từ Hoàng Sa.

Đọc xong blog của anh Ngô Đồng (mượn từ blog của Apo), K'ku đã comment rằng:

"Chúng ta nên hỏi chúng ta thôi. Người ta quan tâm đến Vàng Anh vì Vàng Anh được lên báo, còn nỗi đau Hoàng Sa thì buộc phải câm nín, không một tờ báo nào được nói đến. Vì mối quan hệ bang giao, như ngàn đời nay cha ông ta vẫn phải chịu cái "ách" của bọn "xì thẩu".

Nhưng Vàng Anh, một hai năm sau người ta sẽ quên mất, còn Hoàng Sa 33 năm rồi và nhiều lần 33 năm nữa chắc rằng rất nhiều người Việt Nam sẽ không quên.

Chúng ta không hèn nhưng chúng ta yếu hơn anh bạn láng giềng, điều đó phải chấp nhận, như cha ông ta đã chấp nhận. Lấy nhu hoãn cương, không ai đặng lòng, nhưng nhờ thế mà ngàn năm bị độ hộ vẫn còn giữ được cái mảnh đất cong hình chữ S này, dù không nguyên vẹn cho lắm!"

2 Ba năm trước, nhờ anh của một đứa bạn tôi được vào thăm quân cảng Cam Ranh, nơi có những tàu chiến đang trú đậu với nhiệm vụ canh giữ Trường Sa và làm chốt giữ tỏa ra suốt 3000 cây số bờ biển và hơn 1 triệu km vuông thềm lục địa. Con tàu mà tôi bước lên, được ở suốt một đêm trên đó dài hơn 60 m. Vũ khí hiện đại nhất là hai khẩu đại bác 37 ly, bốn quả tên lửa tự tìm mục tiêu... với tầm hoạt động có bán kính khoảng 600 km. Thuyền trưởng mói rằng đó là một trong những con tàu chiến hiện đại nhất Việt Nam.

Tôi không rành về quân sự nhưng mở Wikimedia, con số chiến hạm của Trung Quốc là 14 cái. Chiến hạm của họ có cái dài gần 300 m, so với chiến hạm ấy, con tàu mà tôi thấy có lẽ chỉ như một chiếc xuồng.

Bạn và tôi sẽ hỏi: Tại sao? Tại sao ta không có những chiến hạm như họ để mà chống đỡ?. Tôi không tìm được câu trả lời như mình muốn. Chỉ tìm được một con số: Ngân sách quốc phòng (được công bố) của họ là hơn 60 tỷ USD năm vừa rồi, gần bằng GDP của chúng ta. Ngân sách quốc phòng của chúng ta dĩ nhiên không được công bố, nhưng, không thể nào lấy hết tiền của của nhân dân để đổ và mua súng ống cho cân bằng với Trung Quốc. Mà thế giới thì đâu phải chỉ mỗi mình Trung Quốc.

3 Hồi nhỏ khi mới biết chữ, bố tôi đã treo bản đồ và chỉ cho tôi đất nước mình nằm ở đâu, chỉ cho tôi cả Hoàng Sa với hàng chữ mở ngoặc - "thuộc tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng". Hàng chữ ấy cho đến bây giờ vẫn còn trên tất cả các bản đồ chính thức của Việt Nam ( được thay bằng "thuộc thành phố Đà Nẵng).

Năm 1988 lúc 6 tuổi, tôi nghe một buổi phát thanh tiếng Việt của đài Tiếng nói nhân dân Trung Quốc cùng với bố về trận hải chiến ở Trường Sa giữa hai nước. Bố tôi nghe xong vỗ một phát mạnh lên cái Radio làm rơi cả mấy cục pin đã nhão nhoét. Tôi không hiểu điều gì nhưng sau này lớn lên, tìm những tài liệu cũ (không chính thức) trên mạng, tôi biết được năm đó đã có một tàu hải quân của ta bị Trung Quốc ngoắc neo kéo về...

Tôi đọc trên ở nhiều tài liệu, forum và thấy nhiều người quy kết rằng năm 1955 có một văn bản đăng trên báo Nhân Dân do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã làm cho Hoàng Sa không thể trở về với Việt Nam. Tôi không dám lạm bàn, vì năm 1955 và năm 1974 nữa, tôi chưa ra đời. Chỉ mong những ai đó nếu không trải nghiệm được lịch sử thì đừng bao giờ quy kết.

Năm cuối đại học tôi nhảy tàu ra Hà Nội chơi và bắt xe lên Tân Thanh (Lạng Sơn) cùng một thằng bạn thân. Hai đứa đã làm được một trong những việc hả hê nhất suốt 25 năm từ lúc chào đời là theo dân cửu vạn, chon một góc khuất không có lính biên phòng, đứng bên này Việt Nam tè sang đất Trung Quốc.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn hả hê vì điều ấy. Nhưng sự hả hê ấy của tôi cũng như những lời quy kết nêu ở trên, tôi nghĩ nó rất vụn vặt, tầm nhìn hẹp hòi. Và tóm lại là không giải quyết được vấn đề, không nhìn được sâu vào cái mất mát và sự tự ái mà chúng ta đang gánh chịu.

4 Tại sao Hoàng Sa? - Bài viết của nhà báo Bùi Thanh trên mục Bút bi báo Tuổi Trẻ hai năm trước, cuối cùng đã đọng lại bằng một lời nhắc nhớ rằng chúng ta không bao giờ quên mảnh đất ấy đã thấm máu cha ông mình. Bởi:

Đã từng có những đội quân từ thời chúa Nguyễn bỏ xác ở Hoàng Sa, nay vẫn còn miếu thờ bên bờ biển Quảng Ngãi.

Đã từng có một đài khí tượng của Việt Nam mang số hiệu 48860 trước năm 1974 ở Hoàng Sa.

Và dù cho trang thông tin của Yahoo hay bất cứ trang nào khác gọi Hòang Sa là Xisha Dao thuộc về Trung Quốc thì vẫn đang và sẽ luôn còn những tấm bản đồ của chúng ta ghi chú Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng hay một tỉnh nào đó của Việt Nam.

Tôi biết sẽ có nhiều bạn không đồng tình với tôi về một tư tưởng "an phận". Tôi còn quá trẻ, không trải nghiệm lịch sử, không đủ kiến thức để có thể nói lại tất cả những phản biện...

Nhưng tôi cũng như nhiều người trẻ khác vẫn luôn đau đáu và quyết liệt rằng: "Tại sao Hoàng Sa?".

Câu hỏi ấy, sự đau đáu ấy tôi xin trả lời bằng quan điểm đã comment trên blog của đồng nghiệp: "Chúng ta không hèn nhưng chúng ta yếu hơn anh bạn láng giềng, điều đó phải chấp nhận, như cha ông ta đã chấp nhận. Lấy nhu hoãn cương, không ai đặng lòng, nhưng nhờ thế mà ngàn năm bị đô hộ vẫn giữ được mảnh đất cong hình chữ S này...".

Nguồn: Blogger K'lu

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2007

Ra mắt diễn đàn Hoàng Sa

Comments

Nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin về Hoàng Sa Trường sa nói riêng và các vấn đề về chính trị xã hội Việt Nam nói chung...Ban Quản Trị Trung tâm Dữ Liệu Hoàng Sa quyết định ra mắt Diễn Đàn Hoàng Sa
Rất mong được sự đóng góp ủng hộ của tất cả các bạn...
Thân mến Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com