Thứ Năm, 27 tháng 3, 2008

Trắng đêm cùng lễ khao lề tế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn

Comments
Đêm 26-3, tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức lễ khao lề tế lính Hoàng Sa đã thu hút hàng trăm khách thập phương trong và ngoài tỉnh, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học về tham dự.

Lễ chầu rượu tại buổi lễ khao lề tế lính Hoàng Sa của tộc họ Phạm Văn, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi

Lễ tế diễn ra từ 18 giờ ngày 26-3 đến 1 giờ sáng 27-3. Đây là dịp tộc họ Phạm Văn tưởng nhớ các vị tiền hiền một thời tham gia đội “dân binh” dưới triều Nguyễn (thế kỷ 17 đến năm 1815) đi khai thác biển Đông trên quần đảo Hoàng Sa. Nhân dịp này, tộc họ Phạm Văn cũng cúng tế vị tiền hiền Phạm Hữu Nhật - nguyên là suất đội, đội trưởng thủy quân chỉ huy lính thủy đi cắm cột mốc chủ quyền trên đảo Hoàng Sa.

Lễ tế diễn ra đậm nét văn hóa dân gian với phần lễ cáo yết: chầu rượu, dâng sớ trình lễ khao lề. Phần chính lễ gồm: lễ cúng tổ tiên, sau đó pháp sư đọc bài khấn thế lính Hoàng Sa trước linh vị lính Hoàng Sa; lễ khao lề thả xuống biển chiếc thuyền buồm có hình nhân thế mạng và vật cúng tế tưởng niệm đội lính Hoàng Sa.

Vị pháp sư khấn lễ khao lề tế lính Hoàng Sa

Sửa soạn bài vị trên chiếc thuyền buồm làm bằng bè chuối có hình nhân tại buổi lễ khao lề tế lính Hoàng Sa

Rước thuyền buồm làm bằng bè chuối được trang hoàng lộng lẫy trong lễ khao lề tế lính Hoàng Sa từ đình làng tộc họ Phạm Văn ra biển

Lần đầu tiên đến tham dự lễ khao lề tế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn, chăm chú theo dõi từng phần lễ tế từ chiều đến tận 1 giờ sáng, tiến sỹ Andrew Haroy, Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) - nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, bày tỏ cảm xúc: "Thật thú vị khi được xem lễ tế đội lính Hoàng Sa đặc biệt này. Tuy lễ tế chỉ diễn ra trong một tộc họ Phạm Văn nhưng không ngờ qui mô tổ chức lại lớn hệt như lễ hội của cả một làng quê. Nét văn hóa làng của lễ tế này trải qua hai thế kỷ (17-19) nhưng còn lưu giữ giá trị truyền thống khá nguyên vẹn.

Thuyền buồm có hình nhân thế mạng tế lính Hoàng Sa được thả xuống biển dập dềnh theo song biển vào lúc 22 giờ 30 phút đêm 26-3

Sau lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, tộc họ Phạm Văn mời khách thập phương cùng dự tiệc tại đình làng của tộc họ ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn đậm nét văn hoá làng

Trầm ngâm ngồi lắng nghe vị pháp sư đội áo mão màu son nổi bật trang nghiêm kính cẩn đọc bài khấn tế đội lính Hoàng Sa, ông Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nhận định: "Trải qua thăng trầm hai thế kỷ, đến nay tộc họ Phạm Văn ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn vẫn còn gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của tộc họ, cụ thể là lễ khao lề tế lính Hoàng Sa. Đây cũng là giá trị văn hóa của dân tộc".

Đây là bằng chứng hùng hồn không thể chối cãi Hoàng Sa là của Việt Nam. Dự kiến trong tháng 4 tới, Sở Văn hóa thông tin Quảng Ngãi sẽ phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức lễ khao lề tế lính Hoàng Sa tại với nhiều hoạt động lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc như: lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền, hội dồi bòng… nhằm khơi dậy, quảng bá tiềm năng du lịch tại huyện đảo Lý Sơn xinh đẹp này.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2008

Sống đẹp và có lý tưởng - Thanh Thảo

Comments

Ban biên tập: Nhà thơ Thanh Thảo là cây bút bình luận chính trị - xã hội nổi tiếng của Báo Thanh Niên mà chúng tôi rất kính trọng.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM vừa đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Nhà nước trao tặng vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo giai đoạn 1997-2006. Đó là sự công nhận, đồng thời là những yêu cầu và kỳ vọng mà đất nước và nhân dân đặt vào thế hệ trẻ.

Trong những thành tích mà tuổi trẻ TP.HCM đạt được, có những thành tích do làm phong trào, nhưng cũng có những thành tích do biết khơi đúng khát vọng vươn lên, khát vọng chinh phục, đối đầu thách thức của cá nhân những người trẻ. Tôi rất ấn tượng với những người trẻ ngay trong cuộc sống nhiều bộn bề, nhiều ngang trái hôm nay lại biết sống một cách đẹp, một cách có lý tưởng, và trở thành những tấm gương không ồn ào, không hình thức mà có sức lôi cuốn nhiều người trẻ và không còn trẻ khác biết sống như mình và hơn mình.

Bây giờ mà nói thanh niên cần sống một cách có lý tưởng, chắc có người sẽ cười, nhất là khi người nói chuyện đó lại là người rất ít khi nói chuyện lý tưởng như tôi. Nhưng tự thâm tâm, tôi luôn nghĩ mình là người sống có lý tưởng, một lý tưởng mình đã nghiền ngẫm, chiêm nghiệm và quyết theo từ ngày còn trẻ. Đó là lý tưởng yêu nước và vì nhân dân, một lý tưởng không hề trừu tượng, không hề hình thức, không theo phong trào. Đơn giản, vì tôi nghĩ, Tổ quốc và nhân dân mãi mãi là hai hằng số. Đúng là "sông có thể cạn, núi có thể mòn…" nhưng Tổ quốc và nhân dân thì không bao giờ thay đổi.

Dù không nói nhiều về chuyện này, nhưng tôi tin, rất nhiều người trẻ bây giờ là những người yêu nước, yêu dân. Những biểu hiện của lòng yêu nước thì ai cũng biết, như những người trẻ tuổi đã thể hiện với từng tấc đất của Tổ quốc dù ở Trường Sa hay Hoàng Sa, nhưng những biểu hiện của tình yêu nhân dân thì phong phú hơn nhiều và không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Một khi những người trẻ biết quan tâm tới những người quanh mình, biết sẻ chia và hành động vì cộng đồng, thì chính là họ đang "yêu nhân dân" một cách cụ thể nhất, một cách thiết thực nhất. Những đóng góp, dù nhỏ, của những người trẻ vì người nghèo, vì trẻ em tàn tật, vì những người bất hạnh, cả vì những người thua thiệt hơn mình, là những điểm sáng trong chính phần đời đẹp nhất của họ: tuổi trẻ.

Tôi đã gặp những thanh niên lặn lội lên rừng xuống biển, tới những nơi vùng sâu vùng xa heo hút để làm những việc vô danh vì người nghèo, vì những người bất hạnh. Mà những người nghèo, những người bất hạnh ở nước ta thì còn nhiều lắm. Tôi cũng đã gặp những người trẻ biết nhường nhịn, biết sẻ chia, sống không ích kỷ, không bo bo giành phần hơn cho bản thân mình. Tôi cũng gặp những người trẻ dám nói "không" với quyền lực đen tối, với những cám dỗ tầm thường, với những kẻ tham nhũng, với cả những đồng tiền không trong sạch.

Sống như thế là sống có lý tưởng rồi chứ còn gì! Và như thế, chính họ đã khiến tôi tin còn những điều tốt đẹp và những người tốt đẹp ở cuộc đời này. Họ cổ vũ tôi hãy sống đúng như cách mình đã lựa chọn từ những năm còn trẻ, sống như những gì mình đã được những người nhân ái, biết hy sinh, dám hy sinh vì lý tưởng "lập trình" cho. Những người tốt, dù "ở Tứ Xuyên" (như tên một vở kịch nổi tiếng của Bertolt Brecht Người tốt ở Tứ Xuyên) hay ở bất cứ đâu trên thế giới này đều có sức lôi cuốn âm thầm nhưng mãnh liệt. Hãy sống như những người tốt, theo những người tốt, và như thế, những người trẻ có thể tin chắc mình đang sống đẹp, đang sống như một người có lý tưởng.

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Tuyển công chức cho Trường Sa

Comments

12 đoàn viên của tỉnh Khánh Hòa vừa trúng tuyển đợt tuyển dụng công chức xã, thị trấn thuộc huyện đảo Trường Sa năm 2008.

Số công chức này tuổi từ 21-28, được tuyển vào các chức danh cán bộ văn hóa - xã hội, địa chính - xây dựng, văn phòng - thống kê, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch. UBND huyện sẽ ra quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức danh, đơn vị công tác cho từng công chức trên. Huyện Trường Sa có 3 đơn vị hành chính trực thuộc là thị trấn Trường Sa (gồm đảo Trường Sa Lớn cùng các đảo, bãi phụ cận), xã Song Tử Tây (gồm đảo Song Tử Tây cùng các đảo, bãi phụ cận) và xã Sinh Tồn (gồm đảo Sinh Tồn cùng các đảo, bãi phụ cận).

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Những cái tên không được phép lãng quên!

Comments

Hoàng Sa và Trường Sa là một phần thịt xương của Tổ quốc dẫu xa xôi giữa biển Đông nhưng chưa bao giờ mờ nhạt trong trái tim người Việt. PV Thanh Niên có dịp trò chuyện với một người cầm bút đã dành nhiều trang viết cho Hoàng Sa - Trường Sa, nhà văn - nhà báo Vĩnh Quyền.

* Nhiều năm rồi, từ diễn đàn quốc tế đến quán cà phê góc phố, với người quen kẻ lạ, anh thường mở các hội thảo mi-ni về Hoàng Sa - Trường Sa. Tại sao anh lại tự nhận vai trò người đưa tin của biển đảo Tổ quốc?

- Trước hết là để chuộc tội bản thân. Làm con dân một nước có đặc điểm địa lý đất dài tới đâu biển ôm theo tới đấy cùng với hàng nghìn đảo lớn nhỏ mà phải đến năm ngoài bốn mươi tuổi (1993), tôi mới giật mình nhận ra mình chẳng hiểu gì nhiều về biển đảo của Việt Nam, trong khi quần đảo Hoàng Sa và một bộ phận quần đảo Trường Sa đang nằm trong tay Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines... Đó là một trọng tội. Gần đây, tôi sung sướng thấy trên mạng hàng nghìn trang viết tâm huyết của các blogger dành cho Hoàng Sa - Trường Sa, trên mặt báo xuất hiện nhiều bài về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, trong đó có loạt bài rất quý của TS Nguyễn Nhã...

* Anh nhận ra điều đó từ khi nào?

- Năm 1993, tôi ra Trường Sa. Nghề viết phóng sự, bút ký dạy tôi phải kiểm tra kiến thức về nơi sắp đến. Và tôi có dịp nhận ra mình không đáng là con dân một nước có Hoàng Sa - Trường Sa: trong đầu và trong tủ sách gia đình tôi chẳng có gì đáng kể về hai quần đảo cửa ngõ biển Đông của Tổ quốc! Chưa hết, trước khi xuống tàu ra Trường Sa, tôi ngủ lại Nha Trang một đêm và ở đấy tôi nhận được một bài học nhớ đời. Trên bãi biển Nha Trang, tôi tình cờ gặp lại người thầy cũ trước 1975. Ông là một giảng viên thỉnh giảng. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hải dương học ở Nhật Bản về, ông bị động viên, trở thành sĩ quan giảng dạy ở học viện hải quân của quân đội Sài Gòn.

Trong 2 giờ của môn nhiệm ý Con người và môi trường sống, ông đã để lại trong tôi hai câu nói không thể nào quên: “Du khảo địa lý cho ta thấy được, sờ nắn được lịch sử, cho ta tình yêu nước rất cụ thể”. Và: “Đề nghị các anh chị dùng từ đất nước thay cho từ sông núi - giang sơn vốn là khái niệm Tổ quốc của lục địa Trung Hoa, nơi có núi cao sông dài. Việt Nam đất tới đâu biển theo tới đó, đất nước mới là khái niệm Tổ quốc của người Việt ta”. Người thầy cũ không thể nhận ra tôi, tôi phải tự giới thiệu công việc sắp làm và xin được cho tham khảo tài liệu trước khi ra Trường Sa. Ông vui vẻ nhận lời, mời về nhà. Ông đưa các con ra chào khách, giới thiệu tên từng đứa: Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng. Đêm ấy, ở khách sạn, tôi chong đèn đọc tập bản thảo của ông. Và tôi đã trào nước mắt trước một trang văn khoa học không hề màu mè văn chương.

Tôi biết tôi đã đắc tội với Tổ quốc. Tôi đã dửng dưng không hề biết gì về những Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng... Mà đó lại là tên những đảo lớn của quần đảo Hoàng Sa, phần lãnh thổ của đất nước tôi đang bị Trung Quốc chiếm đóng! Tài liệu cho biết, liên tục hai năm 1815, 1816 vua Gia Long cử Suất đội thủy quân Phạm Quang Ảnh đưa đoàn khảo sát ra Hoàng Sa. Liên tục những năm 1833, 1834, 1835, 1836 vua Minh Mạng cử các Suất đội Phạm Hữu Nhật, Lê Duy Mộng, Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên cùng Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm trụ chủ quyền, dựng bia, lập miếu, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ... Các đời vua Nguyễn sau đã lấy tên người có công đặt tên cho đảo, những cái tên Việt Nam của người Việt Nam. Gần hai trăm năm sau, tôi đã gặp một người yêu đảo đến mức lấy tên đảo đặt tên con, để nhắc mình không được phép quên những hòn đảo đang đau đáu chờ ngày trở về với đất mẹ Việt Nam. Đêm ấy tôi đã viết trong nhật ký: “Hãy nhớ lấy những cái tên không được phép lãng quên”.

* Tại sao có sự thiếu thông tin về biển đảo Tổ quốc trong phần lớn chúng ta?

- Đó là hậu quả của một nền giáo dục lệch lạc. Chúng ta từng bị sốc trước thông tin hàng nghìn thí sinh đại học năm 2006 có điểm 0 môn sử: 3.656 em ở ĐH Thái Nguyên, 655 em ở ĐHSP Hà Nội, 923 em ở ĐHSP TP.HCM... Thực ra, đó chính là điểm 0 dành cho những người có trách nhiệm về khoa học lịch sử, cho Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho cả xã hội. Khi tuổi trẻ một đất nước nghèo nàn cảm xúc và cảm hứng về quốc sử thì đất nước ấy ắt phải trả giá đắt. Giới trẻ hiện nay có được chút ít hiểu biết, cảm xúc gì về Hoàng Sa - Trường Sa chủ yếu nhờ báo chí, chứ không phải từ hệ thống sách giáo khoa văn - sử, từ những giờ dạy sử địa hết sức vô cảm ở nhà trường. Về Hoàng Sa - Trường Sa, chúng ta phải tăng cường bài vở, tận dụng các buổi ngoại khóa, các sinh hoạt đoàn thể để truyền đến các chủ nhân tương lai của đất nước những tài liệu khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

* Là người theo học ngành Hán Nôm, đọc được các văn bản cổ, lại viết tiểu thuyết lịch sử, anh có thể nói gì về tình trạng chưa phổ biến một cách đúng mực tài sản văn hóa do ông cha ta để lại hiện nay?

- Có tình trạng trên bởi sự đứt gãy trong lộ trình kế truyền văn hóa - lịch sử, từ khi chúng ta bỏ văn tự Hán Nôm. Chữ Nôm đã được sáng tạo để bù đắp vào phần mà chữ Hán không đảm đương được (như sổ đinh, sổ điền cần ghi đúng tên người, tên đất thuần Việt, sớ cầu siêu, cầu an trong tôn giáo...). Sau năm 939, khi thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, chữ Nôm trở thành biểu tượng tinh thần Việt. Thế kỷ 13 đã có dòng văn học chữ Nôm. Và triều đại thể hiện ý thức độc lập văn tự nhất là Tây Sơn. Trong 24 năm (1778 - 1802), toàn bộ văn kiện hành chính triều Tây Sơn được viết bằng chữ Nôm.

Từ năm 939 đến 1920, chữ Nôm song song với chữ Hán, là phương tiện ghi chép, truyền tải một khối lượng khổng lồ tư liệu lịch sử, văn học và tri thức của ông cha trên nhiều lĩnh vực: địa chí, pháp luật, y học... Con cháu đời sau không đọc hiểu được sách của ông cha trong cả một nghìn năm lịch sử chẳng phải là điều khủng khiếp hay sao? Theo khảo sát mới nhất, trên thế giới hiện nay, kể cả ở Việt Nam, chỉ còn khoảng 100 người đọc được chữ Nôm! Trong khi đó, Triều Tiên và Nhật Bản cũng vận dụng chữ Hán để sáng tạo chữ riêng của mình nhưng họ đã không phải chịu đựng tổn thất như chúng ta.

* Để tuổi trẻ Việt Nam gần gũi hơn, có trách nhiệm hơn với Hoàng Sa - Trường Sa, theo anh còn phải làm gì nữa?

- Rất mừng là giai đoạn này có rất nhiều người Việt trẻ đã dành tình yêu và sự quan tâm lớn cho biển đảo Tổ quốc, như trong nhiều blog của họ. Nhưng đó chỉ là ý thức cá nhân. Phải tổ chức cho lớp trẻ vượt sóng ra Trường Sa, phải cho sống lại các Đội Hoàng Sa như thời Nguyễn. Quá ít thanh niên được đặt chân ra đảo, để khắc ghi vào tâm khảm hình ảnh máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc. Vạn trang sách báo không bằng một lần đến Trường Sa. Từ Trường Sa chúng ta lại tổ chức những hoạt động hướng về Hoàng Sa... Sao chúng ta không đặt tên cho những con tàu biển mới là Hoàng Sa 1, Hoàng Sa 2...? Sao chúng ta không có những ngôi trường mang tên Hoàng Sa, Trường Sa...? Tại sao mỗi tỉnh thành không đặt tên những đường ven sông ven biển là Hoàng Sa, Trường Sa...?

Ngày nào Hoàng Sa - Trường Sa còn bị xâm phạm, sự toàn vẹn lãnh thổ còn bị đe dọa, thì mỗi người trong chúng ta, mỗi ngày, phải thường xuyên hướng về biển đảo, chứ không đợi đến ngày tết, ngày lễ mới nói đến. Càng không đợi đến khi nước này nước kia mở rộng hoạt động xâm phạm thì mới cấp tốc đưa tin, phản ứng...

Ảnh: nhà văn Vĩnh Quyền ở Trường Sa 1993

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Bài phát biểu của GS Tương Lai tại hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam

Comments

Cũng như mọi năm, tại Hội nghị Ủy ban trung ương MTTQVN lần này, tôi xin được phát biểu ý kiến, và lần này tôi xin nêu ý kiến về hai vấn đề.

Vấn đề thứ nhất: diễn đàn của Mặt trận là một diễn đàn rộng rãi nhất, cởi mở nhất của nước ta hiện nay. Tại đây, làm sao qui tụ được trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, thiết tha với vận mệnh dân tộc, không phân biệt quá khứ, tôn giáo tín ngưỡng, ý thức hệ, là đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn lịch sử mới. Những ý kiến đó có thể trái tai với những cá nhân nào đó, cho dù đang ở cương vị nào, nhưng miễn là ý kiến ấy xuất phát từ một động cơ trong sáng vì nước, vì dân thì rất cần khuyến khích phát biểu. Có như vậy thì Mặt trận mới thực hiện chức năng cao cả của nó là một tổ chức chính trị rộng lớn nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, chứ không chỉ là một tổ chức hoạt động từ thiện, xóa đói giảm nghèo, mặc dầu hoạt động này trong thời gian qua đã có đóng góp rất lớn và thiết thực, cần được tiếp tục phát huy.

Văn kiện Đại hội X của Đảng cộng sản Việt nam đã ghi rõ "Ở đâu có dân chủ, ở đó có đoàn kết, đồng thuận và phát triển" (tr.344). Tạo điều kiện, tạo môi trường để phát huy dân chủ thực sự phải là một chức năng chủ yếu của Mặt trận, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi mà tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu, đòi hỏi phải quy tụ được sức mạnh của toàn dân tộc, trước hết là sức mạnh trí tuệ của người Việt nam, tạo nên được một sự đồng thuận mới, là một nhu cầu của chính sự phát triển và hội nhập ấy. Muốn quy tụ được hiền tài để cùng nhau gánh vác sự nghiệp của đất nước thì phải thật lòng đoàn kết. Có thật lòng đoàn kết mới có dân chủ thực sự. Chất lượng của khối đại đoàn kết dân tộc được nâng cao đến đâu thì việc thực hành dân chủ tiến triển được đến đó. Sức nam châm có lực hút hiền tài là thái độ chân thành thật lòng đoàn kết được thể hiện rõ ràng gắn liền với độ rộng mở của dân chủ thực sự trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để cho những tài năng thật sự có thể phát huy. Đúng là "phải thật sự công tâm, khách quan và đặc biệt là phải thực sự dân chủ; vì không dân chủ, hay chỉ dân chủ hình thức thì không chọn được người tài" như sự khẳng định của người đứng đầu Chính phủ trong cuộc đối thoại trực tuyến đầu năm ngoái.

Khi vị thế của Việt nam đang được nâng cao, thì năng lực và kinh nghiệm để đảm trách những hoạt động quốc tế, trên thương trường cũng như trên chính trường, là những đòi hỏi bức xúc. Để đáp ứng đòi hỏi đó thì việc thật lòng đoàn kết và thực sự dân chủ là điều kiện tiên quyết để mời gọi những hiền tài, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, tự nguyện tham gia cùng gánh vác công việc khó khăn đó. Người làm công tác Mặt trận phải thấu triệt vai trò lớn lao quy tụ hiền tài của tổ chức chính trị lớn nhất trong hệ thống chính trị của cả nước. Để làm được điều đó, người làm công tác Mặt trận phải có chính tâm và có hiểu biết.

Về chính tâm, xin dẫn lời người xưa. Sách Luận ngữ, thiên Nhan Uyên có chép chuyện Quý Khang tử hỏi Khổng Tử về chính trị. Khổng Tử đáp: "Chính trị là chính đính. Ông cai trị dân một cách chính đính thì ai dám không chính đính". Trả lời Ai Công về cách cai trị để dân nghe theo, Khổng Tử chỉ nói một điều: "Đề cử người ngay thẳng lên trên người cong queo thì dân phục tùng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân bất phục". Mà để làm được điều đó thì ngoài sự chính tâm, cần phải có hiếu biết.

Câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về sự hiểu biết và cách học để có sự hiểu biết đó là một đúc kết có giá trị vĩnh cữu. Giá trị vĩnh cửu ấy càng tăng thêm trong điều kiện của thời đại kinh tế tri thức và nền văn minh trí tuệ của thế kỷ XXI: "Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã". Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận không biết, như vậy chính là biết.

Trong nhận thức của tôi, qua mấy nhiệm kỳ tham gia vào UBTƯMTTQ từ năm 1983 đến nay, tôi nghiệm ra rằng, làm công tác Mặt trận vừa rất dễ, vừa rất khó. Dễ thì như loại tôi, mỗi năm cố gắng suy nghĩ để có được một bài phát biểu và rồi xuân thu nhị kỳ có đôi lần họp Hội đồng tư vấn. Hoặc như một số cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ như các cán bộ, viên chức của bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Nhưng khó, cực khó là làm sao để cho công tác Mặt trận thực sự là công tác vận động tri thức, nhân sĩ và các tầng lớp nhân dân kết thành khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết thật lòng để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Người cán bộ Mặt trận phải có sức thu hút và thuyết phục mọi người, trước hết là những người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Và đấy cũng là kỳ vọng của chúng tôi đối với Mặt trận.

Vấn đề thứ hai: Mặt trận phải là nơi khơi động và phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định đó là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Cụ Hồ chỉ rõ: "Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày…"

"Chúng ta" đây là ai? Là Đảng, là Mặt trận. Đặc biệt là Mặt trận. Chính vì thế, tôi rất băn khoăn thắc mắc và hôm nay, trên diễn đàn rộng lớn và hợp pháp này, muốn nói to lên thắc mắc băn khoăn đó để mong được giải đáp.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ theo dõi được qua báo chí và mạng internet, tôi hết sức lạ là tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt nam chúng ta không có bất cứ một tiếng nói, một động thái nào trong vấn đề Hoàng sa và Trường sa." Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng", như lời cụ Hồ vừa dẫn ra ở trên, đáng lý Mặt trận Tổ quốc, kế tục truyền thống của Hội nghị Diên Hồng đời Trần, truyền thống của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng…, phải làm sống lại tinh thần bất khuất, quật cường khắc trên cánh tay hai chữ "sát thát", làm cho tinh thần yêu nước kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Đằng này Mặt trận tuyệt đối im lặng. Thật là lạ. Một chuyện xảy ra tận Cuba bên kia bán cầu, Mặt trận đã có ngay lời tuyên bố đanh thép. Thế mà, Hoàng sa, Trường sa máu thịt của Tổ quốc bị người ta mưu toan lấn chiếm, biến thành quận huyện của của họ, thì Mặt trận lại im thin thít. Vì sao? Mặt trận Tổ quốc có còn kế thừa truyền thống của Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng nữa không?

Trong một bài báo viết nhân dịp này, tôi dẫn ra chỉ dụ của vua Lê Thánh Tông nhắn nhủ "bọn thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy": "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại có thể vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì phải tội tru di", chép rõ ràng trong Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục, Kỷ Nhà Lê, bị tòa soạn cắt mất. Thậm chí cắt cả câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi dẫn ra ở trên. Tôi hỏi, Tòa soạn trả lời là có sự chỉ đạo buộc họ phải làm như vậy mặc dầu họ không muốn.

Ai mà chỉ đạo lạ vậy. Họ có còn là con cháu của Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung. Hồ Chí Minh nữa không? Sao lại ngăn chặn tinh thần yêu nước của nhân dân, của thanh niên, sinh viên? Liệu Mặt trận có tham gia vào sự chỉ đạo này không? Người của tòa báo nọ giải thích với tôi, đây là sự tế nhị ngoại giao. Có thể có chuyện đó. Hoạt động ngoại giao đòi hỏi sự tế nhị, chuyện đó tôi không dám bàn. Nhưng để cho nhà ngoại giao tế nhị, thì nhân dân lại phải biểu tỏ ý chí của mình để làm hậu thuẫn cho nhà ngoại giao.

Từng tấc đất của Tổ quốc thẫm đẫm máu Việt nam không thể nào để bị cướp mất, trong đó có những tấc đất Hoàng Sa, Trường Sa. Một bà bán rau ngoài chợ hỏi một cách hồn nhiên khiến người đang cầm mớ rau ngỡ ngàng đến sững sờ: "Làm cách nào để biểu tỏ lòng yêu nước đây hở ông, con tôi nó hỏi tôi thế, liệu yêu nước có bị nhắc nhở không". Bác lái taxi hỏi một câu bâng quơ mà khiến người ngồi trên xe hiểu rằng ông ta hỏi mình, cổ cứ tắc nghẹn, lúng túng không nói được ra lời, cho dù là một lời tạ lỗi "thế là mình đành để mất hở ông, làm sao có chuyện đó được, phải dấn mạnh lên thì chúng nó mới chịu lùi chứ". Một ông già dừng xe cạnh tấm biển chỉ tên đường Lê Duẩn, con đường chạy thẳng vào dinh Thống Nhất, nói nhỏ nhẹ với những người đứng cạnh, "thế mới biết ông cha mình giỏi thật, bao nhiêu năm kiên cường giữ nước trong cái thế cái lực kém xa bây giờ". Ông già am hiểu lịch sử ấy nhắc đến việc ông vừa đọc được trên một tờ báo tuần trước câu chuyện một người nước ngoài miêu tả rất thú vị về nước Việt nam mình: trên bản đồ thế giới hình thể đất nước trông giống như một người nông dân đội nón ở trên đầu, oằn mình dưới sức nặng của cả khối lục địa Trung Hoa từ trên nén xuống khiến cái lưng của Việt nam phải uốn cong để đủ sức chịu đựng lâu dài, và cũng nhằm dồn lực để bật dậy khi cần thiết. Đó là dáng uốn cong của cánh cung để tạo ra sức bật. Và trước khi đạp xe đi tiếp, ông buông một câu: ý dân là ý trời!

Để có Hiệp định Genève 1954, phải có 09 năm kháng chiến và chiến thắng Điện Biên Phủ 7.5.1954. Để có Hiệp định Paris 1973, lại phải có " Điện biên phủ trên không" từ ngày 18 đến ngày 29.12.1972. Trước đó 5 năm, cũng vào tháng 12 năm 1967, sau khi nghe báo cáo của Tư lệnh Phòng không-Không quân, Bác nói: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà nội, rồi có thua mới chịu thua… Nó chỉ chịu thua sau khi thua trên vùng trời Hà nội. Vì vậy nhiệm vụ của các chú rất nặng nề". Và rồi hiện thực lịch sử đã minh chứng cho lời "tiên tri" Bác Hồ. Trong lời "tiên tri" đó, ẩn chứa một nhận định mang tính qui luật: "Chỉ có thể đàm phán khi có thực lực được hậu thuẫn bởi ý chí và sức mạnh được khởi động từ nhân dân. Và điều này đâu phải là sự khám phá của thế kỷ XX."

Lần mở lịch sử, thấy có sự trùng hợp rất thú vị về "Hội thề Đông Quan" cũng diễn ra vào tháng 12, ngày 10.12.1427, cách nay đúng 580 năm. Hội thề Đông Quan bên bờ sông Nhị đó đã mở đường cho Vương Thông rút quân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lời Lê Lợi: "Không thích giết người là bản tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình giết thì là điềm xấu không gì lớn bằng… chi bằng tha mạng sống cho ức vạn, để dập tắt mối chiến tranh cho đời sau, sử xanh ghi chép, tiếng thơm muôn đời, há chẳng lớn lao sao". Những lời tâm huyết đó chỉ có thể trên cái nền của những chiến công chói lọi mà Nguyễn Trãi đã viết trong "Cáo bình Ngô": "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo. Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay… Voi uống cạn sông, gươm mài vẹt núi. Đánh một trận sạch không kình ngạc, Đánh hai trận tan tác chim muông… Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy đường, Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước".

"Là bản tâm của bậc nhân đức", đồng thời cũng là những ứng xử phù hợp với thực tế lịch sử, xuất phát từ vị thế địa-chính trị của đất nước mà cách diễn tả của người bạn nước ngoài về hình dáng của đất nước này trên bản đồ thế giới nêu trên đã giải thích điều ấy. Trong vị thế địa-chính trị ấy, bản lĩnh để tồn tại và phát triển đòi hỏi phải biết học bài học của ông cha, cùng với cái đó, phải biết khai thác những nhân tố mới, rất mới mà thời ông cha ta chưa có.

Lịch sử tồn tại và phát triển của một Việt nam đất không rộng, người không đông, song với ý chí quật cường, dân tộc này vẫn kiên cường tồn tại. mà vào buổi ấy, Việt nam đơn thương, độc mã. Còn ngày nay, Việt nam là một bộ phận của thế giới, là thành viên của khối ASEAN năng động và ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống quốc tế, là thành viên của WTO, là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, Việt nam không hề đơn độc. Chúng ta hiểu mình cần làm gì và phải làm như thế nào để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần tích cực gìn giữ hòa bình ở khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, thực lực của ta không đơn thuần chỉ là sức mạnh kinh tế, quân sự, mà là cái thế chiến lược ta phải khéo vận dụng. Từ thế kỷ XIII, rồi thế kỷ XV, thế kỷ XVII, đơn thương độc mã, ông cha ta đã đánh tan tác thế lực ngoại xâm, không để mất một thước núi, một tấc sông, để lại giang sơn gấm vóc cho chúng ta hôm nay. Lẽ nào, trong thế giới của thế kỷ XXI này, chúng ta lại không biết tận dụng sức mạnh của thời đại để giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ mà mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu ông cha. Máu Việt nam cũng đã đổ ở Hoàng Sa, Trường Sa, mỗi người Việt nam hôm nay không quên điều đó.

May mắn thay, báo Thanh Niên, báo Người đại biểu Nhân dân, tiếng nói đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đăng, tạp chí Tia Sáng đăng. Và rồi gần đây, đọc báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, tạp chí Xưa và Nay, báo Đại đoàn kết, tôi thấy đã có rất nhiều bào nói về Hoàng Sa, Trường Sa. Chắc là đã có sự chỉ đạo mới. Tuy vậy, là người của Mặt trận, tôi vẫn nghĩ là tờ báo của Mặt trận ta chưa có tiếng nói đúng tầm về chủ đề quan trọng và nhạy cảm này. Liệu có phải vì điều mà tôi tạm diễn đạt là "hội chứng kiểm điểm để kỷ luật" TBT báo do đăng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các nhà lãnh đạo về quyết định đập bỏ Hội trường Ba đình lịch sử, nơi ghi đậm dấu ấn những sự kiện lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo khác, nơi thể hiện ý chí và sức mạnh của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước không?

Kể cũng lạ, tiếng nói tâm huyết của một vị "khai quốc công thần" mà tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử, không chỉ của Việt nam còn là của thế giới, mà còn bị bưng bít đến như thế thì liệu làm sao để kêu gọi, động viên nhân dân phát huy tinh thần làm chủ, tham gia đóng góp ý kiến với đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước mà nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản Việt lần thứ X ghi rõ "không những là quyền mà còn là trách nhiệm" của mỗi công dân yêu nước.

Tờ báo của Mặt trận, vì đạo lý dân tộc, vì sứ mệnh của người làm báo mà đến xin phép Đại tướng để đăng bức thư đó lại được chỉ đạo, phải kiểm điểm và kỷ luật. Rất may là Đảng đoàn Mặt trận đã xử lý việc này một cách đúng đắn. Tại diễn đàn này, với tư cách là một ủy viên UBTƯMTTQVN, tôi xin chân thành bày tỏ lời hoan nghênh Báo Đại Đoàn Kết, điều tôi đã có dịp viết trong bài " Một việc đáng trân trọng" đăng trên tờ báo Pháp luật TPHCM ngày 6.12.2007. Xin chân thành cám ơn và hoan nghênh đồng chí Chủ tịch Phạm Thế Duyệt và các vị lãnh đạo khác của Mặt trận đã có sự xử lý thỏa đáng việc này.

Xin chân thành cám ơn đã cho tôi phát biểu ý kiến thẳng thắn mà không bị cắt giữa chừng, xin cám ơn các cụ và các vị đã chịu khó nghe.

* Giáo sư Tương Lai hiện đang sinh sống tại Sài Gòn, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt nam.

Nguồn: http://www.doi-thoai.com/baimoi0308_245.html

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2008

Những cái chết vẫn còn bí ẩn

Comments
Phát ngôn nhân Khổng Tuyền

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khổng Tuyền nói có đủ bằng chứng của vụ cướp thuyền

Đã ba năm kể từ ngày xảy ra vụ 9 ngư dân Việt Nam ở huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa bị lính tuần duyên Trung Quốc trong khi đánh cá xa bờ.

Dư luận trong nước lúc đó cũng tỏ ra bức xúc dù câu chuyện nhanh chóng qua đi, nhưng đối với gia đình của các nạn nhân thì cái chết của thân nhân vẫn ám ảnh họ.

Hôm cuối tháng 2 vừa qua, một số nhân viên của công ty TNHH Mùa Thu có trụ sở tại quận 2 bà Trưng - Hà Nội đã đến thăm viếng và tặng quà ủy lạo các gia đình này.

Chuyến thăm viếng đã làm cho cuộc sống thường nhật của họ bị xáo trộn vì sau đấy ít lâu, các gia đình này lại bị nhiều nhân viên an ninh dấu tên đến hỏi chuyện.

Theo lời kể của bà Lê Thị Tăm, mẹ của nạn nhân Nguyễn Hữu Biên thì những nhân viên an ninh này đã hỏi han bà rất chi tiết về cuộc viếng thăm của các nhân viên công ty Mùa Thu.

Cũng theo lời bà Tăm, những nhân viên an ninh dấu tên này cũng đã căn dặn lại bà rằng "đừng nói gì cả, hễ có người nào về hỏi thăm gia đình thì chị cứ bảo là không biết".

Về phía công ty Mùa Thu, cô Thanh Nghiên, nhân viên tập sự của công ty cũng là người có mặt trong chuyến thăm viếng đấy thì cho rằng "giám đốc của tôi cũng là người Thanh Hóa cho nên ông cũng quan tâm tới các đồng bào Thanh Hóa của mình hơn".

Đó là lời giải thích về việc công ty cô vẫn quan tâm đến gia đình những nạn nhân này sau khi vụ việc đã trôi qua hơn 3 năm.

Thế nhưng theo lời của ông Lê Phạm Lai, chủ tịch xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa thì ông hoàn toàn không biết gì về những chuyến thăm viếng của nhân viên công ty lẫn nhân viên an ninh này.

Nguyên nhân cái chết

Vấn đề là đã hơn ba năm trôi qua, cái chết của các nạn nhân này cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Bà Lê Thị Tăm và một số thân nhân của các nạn nhân cho hay gia đình họ đều yêu cầu làm sáng tỏ về những cái chết "vô cớ" này nhưng đến nay vụ việc vẫn rơi vào im lặng.

Bên cạnh đấy, theo lời ông Phạm Văn Bàn có con trai đang làm công trên một tàu đánh bắt xa bờ thì trong dân chúng địa phương lại có những dư luận "xì xào" là do phía các ngư dân Việt Nam đã nhiều lần ăn trộm lưới của các ngư dân Trung Quốc.

"Sự việc vừa rồi người ta cứ bảo là ăn trộm lưới của người ta thì người ta mới đánh, có thế thôi mà", ông Bàn nói.

Vào lúc xảy ra sự việc Tân Hoa Xã đã đưa tin (15/1) rằng tại một cuộc họp báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói lực lượng tuần duyên của Trung Quốc đã bắn chết 'vài kẻ cướp có vũ khí và bắt sống tám kẻ khác' vì những người này định cướp thuyền đánh cá của người Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khổng Tuyền nói sáng ngày 8/1, một số tàu của Trung Quốc từ đảo Hải Nam đang đánh cá trong lãnh hải Trung Quốc ở Vịnh Bắc bộ thì bị ba tàu lạ có trang bị vũ khí kéo đến định bắn phá và cướp tàu Trung Quốc.

Hai ngày trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố vào hôm 13/1: "Chúng tôi coi việc tàu Trung Quốc bắn chết 9 ngư dân Việt Nam và làm bị thương nhiều người khác, gây thiệt hại đến tài sản và ngư cụ của ngư dân Việt Nam là nghiêm trọng."

"Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người".

Nhu cầu hỗ trợ gia đình

Về vấn đề hỗ trợ vật chất cho các gia đình nạn nhân thì chị Thanh vợ của nạn nhân Lê Văn Xuyên cho biết sau khi xảy ra việc thảm sát này thì huyện Hoằng Hóa đã trợ cấp cho mỗi gia đình nạn nhân 2 triệu đồng VN và chỉ có thế.

Ông chủ tịch xã Lê Phạm Lai cũng xác nhận điều này, với lời giải thích "việc qua lâu rồi, không nói đến nữa".

Trong khi đó các ngư dân vẫn phải tiếp tục nhịp sống của mình với những chuyến đánh bắt xa, gần. Sau ngày 8/01/2005 việc đánh bắt ngay tại nơi những ngư phủ bị sát hại vẫn diễn ra bình thường như trước đó.

Vậy chính quyền địa phương đã khuyến cáo những gì cho họ sau khi có những người bị giết hại?

Ông Lai, chủ tịch xã cho biết vẫn tiếp tục phổ biến tuyên truyền các chủ trương chính sách của đảng, nhất là hiệp định vùng đánh cá chung và "không được làm xảy ra những việc mất an ninh trên biển".

Tuy nhiên, ông không nói cụ thể bà con ngư dân đã làm mất an ninh trên biển như thế nào.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2008

Thông tin Trung Quốc rước đuốc Olympic ra Hoàng Sa là không chính xác

Comments

BBT: Vấn đề khó hiểu ở đây là cộng đồng mạng chưa hề nói rằng Trung Quốc có kể hoạch rước đuốc ra Hoàng Sa mà là lên án việc trang web rước đuốc ở phần bản đồ đường đi, Hoàng Sa và Trường Sa bị khoanh lại như là lãnh thổ của Trung Quốc và mục tiêu của chúng ta là yêu cầu Trung Quốc không được đưa vùng tranh chấp vào trong bản đồ rước đuốc Olympic 2008. Câu hỏi đặt ra ai đã cố tình nhầm lẫn để đánh lạc hướng dư luận, "dân chủ" hay là BTC lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 tại TPHCM?

Ngày 21-3, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết liệu kế hoạch rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 tại TPHCM có bị ảnh hưởng bởi một số ý kiến phản đối lễ rước đuốc trên mạng Internet vì có thông tin nói Trung Quốc có kế hoạch rước đuốc ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng BTC lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 tại TPHCM - đã phủ nhận.

Bà Hà nêu rõ: “Olympic Bắc Kinh 2008 là sự kiện thể thao lớn của thế giới do Trung Quốc đăng cai tổ chức. Mục đích cao cả của hoạt động Olympic là mở rộng giao lưu và tăng cường hợp tác hữu nghị giữa các nước, vì hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Việt Nam ủng hộ việc tổ chức thành công Olympic Bắc Kinh và đang tích cực chuẩn bị tham gia sự kiện này.

Lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 tại TPHCM là sự kiện thể thao, văn hóa lớn hướng tới Olympic Bắc Kinh 2008. BTC đã bày tỏ với phía Trung Quốc mối quan tâm sâu sắc trước các thông tin trên một số mạng nói Trung Quốc có kế hoạch rước đuốc Olympic 2008 ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đã được thông tin, qua các tiếp xúc ngoại giao giữa hai nước, phía Trung Quốc đã chính thức khẳng định với phía Việt Nam, Trung Quốc không có kế hoạch tổ chức rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 ra quần đảo Hoàng Sa, các thông tin trên mạng Internet nói Trung Quốc có kế hoạch rước đuốc ra quần đảo Hoàng Sa là không chính xác”.

Nguồn: NLĐ Online

Đọc tiếp...

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

Trung Quốc đã làm gì với "bản đồ lưỡi bò"

Comments

Sau khi phân tích về bản đồ lưỡi bò của Trung Quốc, anh Dương Danh Huy tiếp tục nêu vài hành động của Trung Quốc sử dụng bản đồ lưỡi bò này để chèn ép Việt Nam. Điều đó chứng tỏ nó không phải là võ mồm. Bài viết được trích từ diễn đàn hoangsa.org.

Năm 1992, Tàu ký hợp đồng thăm dò dầu khí với Crestone trên 25,500 km vuông Bãi Tư Chính, Bãi Huyền Trân, Bãi Phúc Nguyên và tuyên bố là sẽ dùng hải quân để yểm trợ việc thăm dò. Sau đó hải quân Tàu blockaded một số hoạt động của Việt Nam ở vùng này (mặc dù Việt Nam chiếm đóng các bãi cạn). Vùng này nằm ngoài Trường Sa nhưng trong phạm vi lưỡi bò.

Sau đó Tàu tuyên bố là vùng dầu khí Thanh Long của Việt Nam cũng thuộc về Tàu. Vùng này ở phía Tây Bãi Tư Chính, gần Đảo Côn Sơn và Hòn Hải của VN hơn trường Sa.

Năm 2007, Tàu áp lực đuổi tập đoàn dầu khí BP ra khỏi dự án 2 tỷ US ở các lô dầy khí Mộc Tinh, Hải Thạch. Vùng này ở phía Tây Bãi Tư Chính, gần Đảo Côn Sơn và Hòn Hải của Việt Nam hơn trường Sa.

Việt Nam phải cảnh giác và chống tham vọng đó bằng hành động thiết thực chứ không nên chủ quan là bọn Tàu không có cơ sở, võ mồm, vv. Thật ra về Trường Sa, bọn Tàu CHND cũng không có cơ sở chủ quyền, và bọn nó cũng "võ mồm" hơn 30 năm trước khi bọn nó chiếm một số đảo.

Đọc tiếp...

Tạp chí trực tuyến Hoangsa.org: Tại sao không?

Comments

BBT: Ý kiến của thành viên HaiAu đăng trên diễn đàn Hoàng Sa về việc nghiên cứu, tập hợp các tài liệu về Hoàng Sa - Trường Sa.Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Dù sao
cuốn sách của NXB Trẻ cuốn sách các bác hoangsa.org sưu tầm và biên tập thành cuốn ebook là một hình thức tập hợp nhiều bài từ các nguồn khác nhau để tiện cho người đọc theo dõi. Thực chất tôi xem nội dung của cả hai cuốn chưa có gì mới thêm so với những nghiên cứu có từ khoảng năm 97-98 khi mà Hội thảo hè đầu tiên của nhóm Việt Kiều tổ chức, hội thào ngày đó có bài tham luận của nhiều học giả về vấn đề Biển Đông đã được đăng trong kỷ yếu và trên mạng (ví dụ http://www.tapchithoidai.org/), đến thời điểm cuối năm 2007 bởi vì tất cả các bài trong hai cuốn đó đều đã đăng tải trên các nguồn khác nhau rồi.

Tôi đang nghĩ tại sao chúng ta có một số lượng thành viên tham gia hoangsa.org khá đông, hiện tại trên 2000 thành viên, lại không tìm cách nào đó phát động phong trào nghiên cứu để rồi viết tài liệu về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông. Những ý kiến của các thành viên trao đổi trên diễn đàn hoangsa.org này có thể tập hợp thành nhiều bài viết khác nhau với điều kiện là các bài viết cần được viết lại rõ ràng mạch lạc và có cấu trúc, có trích dẫn, có danh mục tài liệu tham khảo...

Tôi hy vọng rằng qua trao đổi này, nhiều bác có tâm huyết hãy dành thời gian tìm tòi và nghiên cứu để có những bài viết có chất lượng rồi chúng ta định kỳ tập hợp thành một tài liệu tạm gọi tên là Tạp chí trực tuyến Hoangsa.org chẳng hạn. Chúng ta nên thành lập một Ban biên tập để lựa chọn những bài viết có chất lượng và góp ý cho tác giả nhằm làm giảm thiểu sai số (chính tả, câu văn...) để cho các số tạp chí trực tuyến ngày càng có nhiều bài chất lượng hơn.

Xem thêm trao đổi ở link sau:

http://hoangsa.org/diendan/viewtopic.php?f=3&p=13502#p13502

Xin nói thêm rằng một trong những mục tiêu của Quỹ nghiên cứu Biển Đông www.seasfoundation.org là hỗ trợ các bạn trẻ đang học đại học ở VN làm đề tài nghiên cứu (cuối khóa học đại học, thạc sỹ hoặc nghiên cứu sinh) về các vấn đề trên Biển Đông (eg. giải quyết tranh chấp, lịch sử, địa lý, sử địa, địa chính trị, ngoại giao v.v...). Do vậy nếu ai có ý tưởng làm nghiên cứu và định viết bài tham dự hội nghị, đăng tạp chí trong và ngoài nước, hoặc viết luận văn tốt nghiệp với các chủ đề liên quan đến Biển Đông thì liên lạc với Quỹ, Quỹ chúng tôi sẽ xem xét và sẽ hỗ trợ một khoản kinh phí trong giới hạn tài chính của Quỹ có được. Trong lần gặp TS Nguyễn Nhã ở Sài Gòn, thay mặt Quỹ, tôi cũng đã trao đổi với nhóm của TS Nguyễn Nhã sẽ tìm cách phát động phong trào gây Quỹ học bổng để hỗ trợ cho sinh viên (học ở VN) làm nghiên cứu về Biển Đông. Ngoài hỗ trợ về kinh phí làm nghiên cứu Quỹ chúng tôi cùng với nhóm của TS Nguyễn Nhã đang xây dựng Tủ sách Biển Đông để có thể giúp người làm nghiên cứu tiếp cận tới các nguồn tài liệu được dễ dàng hơn, cũng như tạo ra một mạng lưới rộng khắp có thể tìm giúp tài liệu nhanh hơn. Trong những trường hợp cụ thể, Quỹ cũng sẽ có thể quyết định hỗ trợ một vài tài liệu (nằm trong khả năng tài chính của Quỹ) cần thiết.

Ngoài ra, nếu bạn sinh viên nào đang thực sự rất gặp khó khăn ở đại học VN, có thể xin học bổng từ Quỹ học bổng tư nhân Nguyên Mai sau:

http://www.nguyenmai.org

Qua trao đổi với người tài trợ của Quỹ Học bổng Nguyen Mai, quỹ này đồng ý sẽ dành một suất học bổng cho sinh viên làm nghiên cứu về Biển Đông với điều kiện là thỏa mãn các điều kiện xin học bổng của Quỹ này.

Hải Âu

Nguồn: www.seasfoundation.org

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2008

Tranh cãi ở Philippines về hiệp định khảo cứu địa chấn trong vùng quần đảo Trường Sa

Comments

Hiệp định khảo cứu chung về địa chấn trong vùng quần đảo Trường Sa mà Việt Nam, Trung Quốc và Philippines ký kết năm 2005 mới đây đã làm dấy lên những vụ tranh cãi ở Philippines giữa các giới chức chính phủ, các nhà lập pháp và chuyên gia pháp lý.

Theo bản tin hôm thứ tư của hãng tin ABS-CBN ở Philippines, một học giả về luật hiến pháp của Philippines - Linh mục Joaquin Bernas nói rằng chính phủ ở Manila phải tiết lộ chi tiết của hiệp định đã ký kết với Việt Nam và Trung Quốc sau khi một số các nhà lập pháp nói rằng hiệp định 3 bên này vi hiến.

Linh mục Bernas, Khoa trưởng Trường Luật Ateneo de Manila, là một trong những người soạn thảo bản hiến pháp năm 1987 của Philippines.

Ông nói với một đài phát thanh ở Philippines rằng Điều 3 của Hiến pháp 1987 có ghi rõ là công chúng được quyền có thông tin về những vấn đề liên quan tới lợi ích chung. Ông nói thêm rằng hiệp định ba bên là một vấn đề liên quan tới lợi ích chung và vì thế các thông tin trong văn kiện này cần phải được công khai.

Nhận định của chuyên gia hiến pháp này trái ngược với chủ trương của ông Sergio Apostol, Cố vấn trưởng của Tổng thống Philippines về pháp luật.

Hôm thứ tư, ông Apostol tuyên bố rằng chính phủ không thể tiết lộ mọi chi tiết của hiệp định vì đã đồng ý với Việt Nam và Trung Quốc là văn kiện này sẽ được bảo mật. Linh mục Bernas cho hay: dựa theo văn bản của hiệp định mà ông nhận được qua email, thỏa thuận này liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí, với sự hỗ trợ tài chánh và kỹ thuật của Trung Quốc.

Ông cho rằng thỏa thuận như vậy cần phải do tổng thống ký kết.

Một bài tường thuật của tuần báo Viễn Đông Kinh Tế cho rằng Philippines có thể đã làm yếu đi lập trường của mình trong việc đòi chủ quyền quần đảo Trường Sa khi Tổng thống Gloria Arroyo chấp thuận Kế hoạch Khảo cứu Địa chấn Hỗn hợp - gọi tắt là JMSU, mà các công ty dầu khí quốc doanh của Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đã ký kết.

Hiện chưa có tin gì về những vụ tranh cãi tương tự về phía Việt Nam và Trung Quốc đối với thỏa thuận ba bên. Tuy nhiên, vấn đề liên quan tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hồi gần đây đã dấy lên một phong trào chống đối khá mạnh mẽ của những người Việt Nam - ở trong và ngoài nước. Những người này cho rằng Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ của Việt Nam.

Nguồn: VOA News Đọc tiếp...

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

Tưởng niệm 14/3

Comments
Hai mươi năm, đứa trẻ xưa đã lớn

Hai mươi năm, mái đầu xanh đã bạc

Vành trắng khăn tang đã trắng những mái đầu

...........

Hai mươi năm hay ai nghìn năm nữa

Tổ quốc, Nhân dân vẫn muôn đời ghi nhớ

Những con người đã "chết cho quê hương"

Hai mươi năm 14.3.1988 - 14.3.2008

Xin nghiêng mình tưởng niệm!

Các bạn có thể download bài thơ do chính một cựu chiến binh đã từng có mặt trong Hải chiến Trường Sa đọc ở đây

Xin một vòng hoa trắng gửi đến những anh hùng...

16 giờ ngày 18-4. Chúng tôi tập trung trên boong tàu HQ 996. Tàu đang neo tại khu vực gần các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Khu vực này, bộ đội Trường Sa gọi là “Nghĩa trang đỏ”, nơi không hề có một nấm mộ hay một tấm bia. Biển trời bao la nhưng ngay lúc này không hề có một ngọn gió, ngọn sóng. Mặt biển phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Thiên nhiên, cảnh vật như đang lắng đi để nhường cho tình cảm, suy nghĩ từ những nơi sâu kín nhất trong tâm khảm con người trỗi dậy.

Dù đã được thông báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và mất tích ngay tại khu vực tàu đang neo đậu. Tại đây, cách nay 19 năm, ngày 14-3-1988, đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước cuộc tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng tàu chiến hải quân Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay vốn là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, Trung Quốc ngang nhiên đưa lực lượng quân sự xuống chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền biển đảo của bộ đội ta, lực lượng quân sự trên tàu chiến Trung Quốc nổ súng tấn công, bắn chìm 2 tàu, bắn bị thương một tàu của ta. Các tàu này đều là tàu vận tải mang số hiệu HQ 505, 604, 605. Từ cuộc chiến đấu đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tập thể cán bộ chiến sĩ trên các tàu thuộc Lữ đoàn 125, 146 và Trung đoàn công binh 83. Bên cạnh đó là những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ: Trần Đức Thông, Trung tá, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Đại úy, Thuyền trưởng tàu HQ 604. Đặc biệt là tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng bãi đá ngầm Gạc Ma. Trước sự tấn công cuồng bạo của lực lượng xâm chiếm, anh đã động viên đồng đội của mình rằng: “Không được lùi bước! Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Trong trận chiến đấu này, 64 anh hùng, liệt sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại với vùng biển nơi đây, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố và những âm mưu thôn tính đen tối của các thế lực bên ngoài. Các anh là những người đã gắn bó với quần đảo Trường Sa ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, tạm gác riêng tư, bất chấp nguy hiểm, dâng hiến trọn vẹn tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Trường Sa.

Trước bàn thờ, thay mặt tất cả những người trên tàu HQ 996, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, Chủ nhiệm Chính trị, Quân chủng Hải quân, Phó đoàn công tác, xúc động phát biểu: “Hôm nay, đoàn chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Trong niềm biết ơn vô hạn và xúc động sâu sắc này, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí. Mong hương hồn 64 anh hùng, liệt sĩ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương, bên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc! Theo tập quán của những người đi biển, chúng tôi xin được thắp nén hương và thả vòng hoa tưởng niệm hương hồn các đồng chí!”.

Tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” bi hùng, sâu lắng nổi lên. Nghi lễ tuy giản dị nhưng quá đỗi thiêng liêng! Một tràng hoa được buộc vào chiếc phao tròn, đặt trên bàn trước cờ Tổ quốc. Trên đó bày một ít hoa quả như chuối, khóm, táo, hoa đồng tiền, hoa huệ... Đây là những loại hoa quả thân thuộc luôn có sẵn ở mọi miền quê, nơi các anh đã cất tiếng khóc chào đời bên vầng trăng ngà và ngọn tre la đà trong gió đồng nội. Chúng tôi không chỉ biết ơn các anh hùng liệt sĩ mà còn biết ơn cả những miền quê đã sinh ra các anh, sinh ra những người con bất tử. Từ những miền quê ấy, mỗi lần nhớ, nghĩ đến các anh, có biết bao mẹ già, bao người vợ trẻ, bao đứa con thơ luôn hướng ánh mắt thương tiếc về phía biển khơi.

Sau khi tất cả chúng tôi lần lượt kính cẩn thắp một nén nhang, ba hồi còi tàu vang lên. Mặt biển bỗng chòng chành! Nghe lòng như có sóng cồn!

Tràng hoa từ từ được thả xuống biển. Biết bao giọt nước mắt cũng đang thánh thót rơi và tan hòa vào biển cả. Như mọi người, tôi cũng thả một bông hoa nho nhỏ và thành tâm khấn nguyện: “...Tôi không bao giờ quên các anh, những người đã hóa thân vào vùng biển này để bao con tàu lướt sóng qua đây sẽ an toàn cập bến bờ hạnh phúc!”

Nghi lễ tưởng niệm đã xong nhưng chúng tôi cứ đứng mãi trên boong tàu, vời trông theo những bông hoa đang dần trôi đi thật xa.

Nhìn muôn lượn sóng biển lung linh dưới ánh hoàng hôn, tôi tin lời khấn nguyện của mình đã được các anh đón nhận!

Trích từ bài "Nghĩa trang đỏ" giữa trùng khơi

Đọc tiếp...

Tưởng niệm liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa

Comments

Hôm nay 14-3 là ngày tưởng niệm tròn 20 năm 64 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân VN đã anh dũng chiến đấu và hi sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc tại đảo Gạc-ma và các đảo lân cận thuộc quần đảo Trường Sa, vào ngày 14-3-1988.

Chiều 13-3, ông Biện Xuân Khương - chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa - cho biết: hằng năm vào ngày này cán bộ, chiến sĩ của chúng ta trên các đảo Cô-lin và Len-đao, nằm gần đảo Gạc-ma (đều thuộc quần đảo Trường Sa, VN) vẫn luôn tổ chức thắp hương, giỗ đồng đội đã hi sinh. Còn mỗi khi các tàu đi qua khu vực biển đảo nơi các anh đã hi sinh đều có các nghi thức thả hoa để tưởng niệm những liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc...

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc tiếp...

Wikipedia và trận Hải chiến Trường Sa qua các thứ tiếng

Comments

Để hướng tới kỉ niệm 20 năm sự kiện 14.3.1988, tôi xin được phép lược dịch sang tiếng Đức (ngoại ngữ chính của tôi) và tiếng Anh về trận hải chiến Trường Sa 14.3.1988, mà 64 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ hải đảo Tổ Quốc.

Càng nghĩ đến sự việc này tôi càng thấy đau lòng nên tôi đã cố gắng trong khả năng có thể trong mấy ngày qua để chuyển thể tài liệu tiếng Việt trên wikipedia sang tiếng Đức và tiếng Anh trước ngày 14 tháng 3.

Link tiếng Việt:

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BA%A3i_chi%E1%BA%BFn_Tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Sa_1988

Trong phần dịch ở các post sau, tôi bỏ đi phần "Bố trí kiểm soát Trường Sa của các nước" vì có thể làm link sang trang tiếng Anh.Phần "Pháp lý chủ quyền" tôi cũng không dịch vì còn nhiều thiếu sót ở phần sau.Các bạn đọc sẽ biết.

Cũng có một link tiếng Anh nữa về trận Hải chiến Trường Sa 1988 nhưng viết rất ngắn gọn và sơ sài.

http://en.wikipedia.org/wiki/Spratly_Island_Skirmish_%281988%29

Mong bạn nào trên hoangsa.org thạo về wikipedia thì up phần dịch tiếng Đức và tiếng Anh của tôi lên để thế giới phần nào hiểu rõ hơn về dã tâm xâm lược của người Trung Quốc.

Phần tiếng Đức thì tôi thấy đã ổn. Còn phần dịch tiếng Anh của tôi chắc chắn có thiếu sót về câu cú, ngữ pháp. Rất hoan nghênh những đóng góp sửa chữa của các bạn và hi vọng cả hai tài liệu Đức - Anh này sẽ sớm được song hành cùng tài liệu tiếng Việt về trận Hải chiến Trường Sa 14.03.1988.

+ Đây là phần tiếng Đức mà tôi đã soạn.

+ Đây là phần tiếng Anh mà tôi đã soạn

Bài viết được trích từ chủ đề Wikipedia và trận Hải chiến Trường Sa qua các thứ tiếng.
trên Diễn đàn Hoàng Sa của thành viên Wehrmacht

Đọc tiếp...

Trường Sa - 1988

Comments
Hình ảnh

Hình ảnh

Vào chiều ngày 13 tháng 3 năm 1988 hai tàu chiến của Hải quân Việt Nam từ Đà Nẵng mang số HQ605 đi trước và theo sau là chiếc HQ505 đi về hướng Trường Sa để tiếp tế lương thực cho chiến HQ604 đang đóng quân tại đảo Gạc Ma. Đảo nầy có 4 ghềnh đá nhô lên khỏi mặt nước chừng hai mét, những mặt bằng còn lại của đảo chìm dưới lòng nước khoảng 1-2 mét, có chỗ sâu hơn. Đây chỉ là một hòn đảo chiến lược, ngoài ra không trồng trọt được gì trên đảo nầy.

Chiếc HQ604 đã đến neo tại đây trên một tháng không có chuyện gì xảy ra. Theo lệnh của bộ quốc phòng thì Việt Nam sẽ phải cắm cờ để dành chủ quyền ở các đảo nầy. Đảo Gạc Ma được liệt vào danh sách thứ 88 của các đảo thuộc chủ quyền VN. Các tàu Hải quân Việt Nam tới đây với chiến dịch CQ88 (Chủ Quyền 88).

Hai chiếc HQ605 và HQ505 đến điểm hẹn thì từ phía xa có nhiều chiến hạm Trung Quốc đang tiến lại gần. Thấy không có gì vì đây là hòn đảo của Việt Nam nên nếu có gì xảy ra thì hai bên có thể thương lượng đó là lời của Thiếu Tá Trần Đức Thông cho biết.

Vào lúc 7 giờ sáng sớm ngày 14 tháng 3 năm 1988, một toán nhỏ của Hải quân Việt Nam gồm thiếu úy Trần Văn Phương cùng hai thủy thủ là Nguyễn Văn Tư và Nguyễn Văn Lanh đang leo lên 4 gành đá cao tìm cách dựng cột cờ thì các chiến hạm Trung Quốc lúc đó đã tới gần đảo. Bốn tàu chiến Trung Quốc loại trang bị hỏa tiễn bao quanh đảo và hú còi báo động, các thủy thủ của Trung Quốc trông rất dữ tợn, đầu cạo trọc nhảy lên các dàn súng đại liên quay mũi súng chỉa vào lính Hải quân Việt Nam. Hai chiếc tàu Hải quân Trung Quốc tiến gần sát hơn và chận đường rút lui của hai chiếc HQ605 và HQ505. Hai chiếc xuồng máy chở 8 lính vũ trang mặc đồ rằn ri của Trung Quốc lao nhanh vào đảo. Thiếu tá Trần Ðức Thông lập tức ra lệnh cho các thủy thủ chiếc HQ604 lên đảo ứng chiến, bảo vệ cho thiếu úy Trần Văn Phương và hai thủy thủ. Các thủy thủ thuộc Hải quân Việt Nam đã dàn súng chung quanh 4 ghềnh cao để bảo vệ, phòng thủ 4 hướng.

Trung quốc thả thêm nhiều Ca Nô loại nhỏ chở hằng trăm lính vũ trang rằn ri khác tràn lên đảo Gạc Ma. Lúc nầy tàu chỉ huy là chiếc HQ604 đã cho phóng loa nói tiếng Tàu với các bộ đội vũ trang Trung Quốc đang tràn lên bãi "Đây là đảo chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu các đồng chí thuộc Quân đội Nhân dân Trung Quốc phải rời đảo", "Các đồng chí đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam". Lời nói từ chiếc HQ604 chưa dứt thì tàu hải quân Trung Quốc chiếc 502 khai hỏa đầu tiên. Các cây đại liên trên tàu Trung Quốc đã bắn trực xạ vào thủy thủ Việt Nam trên đảo, người đứt tay, người đứt đầu, máu văng tung tóe đỏ lòm nước biển. 3 chiến hạm Trung Quốc còn lại bất ngờ xã hết dàn hỏa tiễn vào 3 tàu chiến của Hải quân Việt Nam bốc cháy nghiêng về một bên, các thủy thủ trên tàu hốt hoảng nhảy xuống nước để thoát thân. Lúc nầy hằng trăm bộ đội Trung Quốc trên Đảo Gạc Ma nã súng bắn tỉa từng người của HQVN đang bơi lỏm ngỏm dưới nước. Những tiếng la kinh hoàng, những thân xác bỗng chốc chìm sâu xuống lòng đại dương, máu đỏ nhuộm nước biển lênh láng khắp nơi.

Thấy thãm sát đã đủ, một số thủy thủ Hải quân Việt Nam được tàu Trung Quốc vớt lên làm tù binh và ra lệnh tất cả phải rời đảo vì đây thuộc chủ quyền Trung Quốc. Trên bãi Gạc Ma, 40 người lính Hải quân Việt Nam còn lại buông súng đưa cao tay lên đầu trong tư thế đầu hàng. Thượng úy Nguyễn Văn Chương và trung úy Nguyễn Sỹ Minh tổ chức đưa thương binh và những người sống sót về tàu HQ505. Chiếc HQ505 bị bắn cháy toạc hông phải, sau khi chữa lửa, khói đen còn xông lên ngùn ngụt nằm sát bãi Cô Lin. Số người còn sức, một tay bám thành xuồng, một tay làm mái chèo đưa xuồng lết trên mặt nước để tới bãi Cô lin.

Trung Quốc trao trả 9 tù binh, xác của 64 thủy thủ thuộc Hải quân Việt Nam vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khơi.

Đọc tiếp...

Các anh hùng LLVTND trong sự kiện chủ quyền Trường Sa 14/3/1988

Comments
Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương

Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 3 năm 1983. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, phó chi huy trưởng đảo Gạc Ma, lữ đoàn 146 vùng 4 hải quân đảng viên Đảng Cộng san Việt Nam.

Trần Văn Phương, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng. Học xong lớp 10 đồng chí vào bộ đội, được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo Dinh eửa quân chủng. Tháng 1 năm 1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm khẩu đội trưởng pháo thuộc tiểu đoàn 562 lữ đoàn 146, vùng 4 hải quân. Qua rèn luyện và công tác Trần Văn Phương luôn tỏ ra một cán bộ có năng lực và trách nhiệm, đơn vị cử đồng chí đi học trường Quân chính Quân khu 7. Tháng 1 năm 1986, Trần Văn Phương trở về đơn vị được bổ nhiệm trung đội trưởng và đề bạt quân hàm thiếu úy.

Đầu tháng 3 năm 1988, quân xâm lược ngang ngược cho nhiều tầu chiến khiêu khích và chiếm đóng trái phép đảo đá ngầm Chữ Thập và Châu Viên. Lúc này Trần Văn Phương được trên bổ nhiệm phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa).

17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1989, tàu chiến địch kéo đến chúng gọi loa khiêu khích, buộc tầu ta rời đảo.

Mờ sáng ngày 14 tháng 3, địch hạ xuồng cho lính giương lê dàn hàng ngang xông về phía lá cờ Tổ quốc ta. Trần Văn Phương tổ chức lực lượng, động viên chiến sĩ bình tĩnh không mắc mưu khiêu khích của địch, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc.

Địch hung hăng cậy thế đông người có vũ khí trong tay chúng xông vào cướp cờ của ta. Không sợ hy sinh, coi thường kẻ địch Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Thấy chúng đang uy hiếp tính mạng một chiến sĩ đồng chí xông vào cứu. Kẻ địch đê hèn đã nổ súng vào Trần Văn Phương.

Gương anh dũng hy sinh của Trần Văn Phương đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên đảo kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, liệt sỹ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Vũ Huy Lễ

Vũ Huy Lễ sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng khí là thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ505, lữ đoàn 125 hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Huy Lễ được đào tạo qua trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân trong nước và ở Liên Xô. Đồng khí đã được giao chỉ huy nhiều dạng tàu của hải quân. Tháng 6 năm 1982, Vũ Huy Lễ được điều làm thuyền trưởng tầu HQ505, loại tầu vận tải đổ bộ hạng lớn của Mỹ ta thu được sau ngày miền Nam giải phóng. Tầu HQ505 sản xuất từ năm 1942, nên máy móc thiết bị trên tàu hỏng hóc nhiều, Vũ Huy Lễ cùng anh em tích cực sửa chữa bảo quản giữ gìn để tăng cường sức sống cho con tầu và làm chủ nó. Do vậy nhiều chuyến đi tầu bị hỏng, Vũ Huy Lễ và anh em đã tự sửa chữa thành công tiếp tục làm nhiệm vụ.

Ngày 13 tháng 2 năm 1988 (27 Tết Mậu Thìn) Vũ Huy Lễ chỉ huy tầu chở người, vật liệu, lương thực và kéo tầu LCU 556 và Pông Tông Đ02 ra chốt giữ đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ đưa LCU 556 và Pông Tông Đ02 vào vi trí cố định trong điều kiện hết sức khó khăn.

9 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988, Vũ Huy Lễ được lệnh đưa tâu HQ505 đến chốt giữ đảo Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Cùng đi có tàu HQ604. Địch cho tầu chiến lao cắt hướng đi của tâu 604 không thành, chung quay sang chặn cắt hướng đi của tâu 505.

Vũ Huy Lê mưu trí lừa địch đưa tầu HQ505 đến đúng vị trí chiếm lĩnh ở đảo Cô Lin vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988. Địch tăng thêm 2 tàu chiến đến khiêu khích. Vũ Huy Lễ chỉ thị cho anh em trên đảo kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

7 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3 năm 1 988, địch đổ quân lên đảo Gạc Ma, giành giật cờ của ta trên đảo. Và chúng đã ngang ngược bần vào tâu HQ604. Sau đó ít phút chúng bắn vào tâu HQ505. Vũ Huy Lễ lệnh cho anh em nổ súng đánh trả địch. Đạn của địch làm lái điện hỏng, bình khí nén hỏng không đóng được ly hợp, máy thanh cũng bị đạn làm hỏng nặng. Vũ Huy Lễ bình tĩnh ra lệnh cứu chữa thương binh, vừa cho cơ điện khắc phục máy khẩn cấp, dùng tay điều khiển trực tiếp máy thay ly hợp cho tầu tiến hết tốc lực lao lên đảo. Lúc này cả 3 tàu chiến địch tập trung đánh mạnh vào HQ505. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. 8 giờ 45 phút tầu HQ505 bị bốc cháy lớn.

Tâu địch tạm thời ngừng bắn. Vũ Huy Lễ cho anh em hủy tài liệu mật và tổ chức cứu tâu. Đồng chí động viên anh em dù phải chiến đấu đến người cuối cùng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước. Biết không khuất phục được tàu HQ505 địch buộc phải lùi xa. Trong khi đó tàu 604 ở đảo Gạc Ma bị địch bắn chìm hẳn. Vũ Huy Lễ cử một tổ khẩn trương đưa chiếc xuồng còn lại đến đảo Gạc Ma đưa 44 anh em (có 8 thương binh và một tử sĩ) về tâu HQ505.

Vũ Huy Lễ cùng đồng đội và con tâu HQ505 vẫn hiên ngang ngay trên đảo Cô Lin khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc ta trên biên Đông.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, Vũ Huy Lễ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông

Trần Đức Thông sinh năm 1944 dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ ngày 7 tháng 4 năm 1962. Khi hy sinh đồng chí là trung tá, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 thuộc Quân chủng Hải quân, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1975 trở về trước, Trần Đức Thông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cương vị từ thấp đến cao (thợ sửa chữa pháo cuả lữ đoàn 335 phòng không, trạm trưởng sửa pháo của trung đoàn 227, Quân khu Hữu Ngạn, trợ lý tác chiến trung đoàn 223, Quân khu Trị Thiên). Đồng chí luôn tận tụy công tác, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Sau khi Tổ quốc thống nhất. Trần Đức Thông xác định tốt nhiệm vụ, gắn bó với quân đội. Học xong chương trình trung cấp ở trường Phòng không đồng chí về nhận công tác ở đơn vị bảo vệ đảo Trường Sa. 11 năm gắn bó với nhiệm vụ xây dựng đảo, bảo vệ Trường Sa, Trần Đức Thông luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, gương mẫu, không ngại gian khổ, có tinh thần đoàn kết giữ nghiêm kỷ luật hết lòng thương yêu bộ đội; có tác phong lãnh đạo chỉ huv sâu sát, năng nổ, tỏ ra là một cán bộ có kinh nghiệm và năng lực tổ chức thực hiện, được nhân dân và đồng đội tin yêu. Ở đảo nào, Trần Đức Thông cũng góp phần xây dựng đáo vững mạnh về mọi mặt, đảo Sơn Ca (1982) từ trung bình lên khá nhất trong quần đảo Trường Sa (1983 - 1984). Trần Đức Thông thường trực đảo Nam Yết 3 năm (1984-1987) tổ chức tiếp nhận hàng ngàn tấn vật liệu và chỉ huy xây dựng đảo Thuyền Chài, tiếp nhận vũ khí, trang bị ra đảo an toàn, đúng kế hoạch.

Vừa là cán bộ trong ban chỉ huy lữ đoàn, vừa hoạt động trong ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, Trần Đức Thông đã suy nghĩ, đóng góp và đề ra biện pháp công tác phù hợp, làm cho hoạt động quân sự và chính quyền có nền nếp. Huyện đảo Trường Sa đã thực sự trở thành nơi gắn bó đoàn kết giữa các khối đảo với các địa phương của tỉnh Phú Khánh, tạo điều kiện giúp đỡ tinh thần và vật chất có hiệu quả đối với bộ đội đảo, Trần Đức Thông được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Trong cuộc chiến đấu chống lấn chiếm các đảo ở vùng biển tháng 3 năm 1988 của hải quân xâm lược, Trần Đức Thông đã tỏ rõ bán lĩnh vững vàng và quyết tâm cao trong việc chi huy bộ đội giữ vững chủ quyền của ta trên các đảo. Đầu tháng 3 năm 1988 Trần Đức Thông đang nghỉ phép thì có điện gọi về đơn vị. Đồng chí đã chỉ huy một lực lượng ra đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 tới vị trí, Trần Đức Thông tổ chức lực lượng đi khảo sát, xác định vị trí cắm cờ, làm nhà. 4 giờ sáng ngày 14 tháng 3, đồng chí chỉ huy bộ đội bốc dỡ vật liệu từ tầu HQ604 xuống đảo Gạc Ma, lúc này tầu địch đang bao vây, uy hiếp, dùng xuồng máy đổ quân lên đảo hòng nhổ cờ, và chiếm đảo. Trần Đức Thông đã cho điện báo về sở chỉ huy và xác định quyết tâm "dù địch vây ép, dù mất tầu, chúng tôi quyết không lùi". Trần Đức Thông lệnh cho bộ đội trên tầu xuống đảo hỗ trợ lực lượng bảo vệ cờ và đấu tranh với địch, đồng thời nhắc nhở bộ đội, hãy bình tĩnh, không được nổ súng khi chưa có lệnh để tránh sự khiêu khích của địch.

Trên đảo đã xảy ra đụng độ giữa ta và địch, tầu địch vòng dãn ra xa và dùng pháo bắn nhiều loạt vào tầu HQ604. Tầu ta trúng đạn, nước tràn vào và chìm nhanh, Trần Đức Thông bị thương nặng vào đầu nhưng vẫn ở mũi tầu chỉ huy bộ đội, cho đến lúc hi sinh.

Trần Đức Thông đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, kiên quyết cùng bộ đội đấu tranh giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Quá trình công tác, đồng chí đã được tặng thương 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 12 bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, liệt sỹ Trần Đức Thông đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ

Vũ Phi Trừ sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 2 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là đại úy, thuyền trưởng tầu HQ604 thuộc lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Phi Trừ trưởng thành từ chiến sĩ lên, đã được đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (1978-1981), được điều về làm phó tầu HQ604 (1981-1983) rồi thuyền trưởng (1984-1988). Quá trình công tác và nhất là thời gian phụ trách tầu, Vũ Phi Trừ nêu cao tinh thần trách nhiệm, chịu học, chịu rèn, năng nổ sâu sát chiến sĩ và tỏ rõ năng lực tổ chức đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Mặc dù tầu HQ604 là tầu cũ, đã xuống cấp, đồng chí cùng anh em chăm lo bảo quản bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời nên duy trì sức sống cho con tầu; tập thể tầu HQ604 đã đi lại hàng chục ngàn hải lý an toàn với nhiệm vụ chi viện, tiếp tế và phục vụ bộ đội quần đảo Trường Sa. Là thuyền trưởng kiêm phó bí thư chi bộ, Vũ Phi Trừ luôn chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng chi bộ đảng đạt trong sạch ững mạnh, duy trì nền nếp kỷ luật, bảo đảm đời sống của chiến sĩ, đồng chí được quần chúng tin tưởng, quý mến.

Khi xảy ra sự kiện hải quân xâm lược khiêu khích và lấn chiếm Trường Sa, Vũ Phi Trừ cùng tập thể tầu luôn xây dựng quyết tâm, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí đã chỉ huy bộ đội chiến đấu với kẻ thù, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên các đảo và lãnh hải của Tổ quốc.

Ngày 11 tháng 3 năm 1988, Vũ Phi Trừ nhận lệnh chỉ huy tầu HQ604 chở người, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng đi chốt giữ và xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Mặc dù sóng to, biển động tấu ra khơi vẫn đúng kế hoạch trong hành trình cộng tác cùng với hai tầu bạn trong biên đội. Đoạn đường biển từ đảo Đá Lớn đến đảo Gạc Ma, địch cho tầu chiến khiêu khích, lao tầu đến cắt ngang hướng đi của tầu ta. Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, kiên quyết giữ nguyên tốc độ và hướng đi của tầu, buộc tầu địch phải lái vòng về sau. Khi tầu địch quay lại, đồng chí đã cho tầu của ta tiến thẳng đến vị trí đã định, thả neo và chốt giữ đảo Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã cùng với chỉ huy chốt giữ đảo và lực lượng công binh, tổ chức cắm cờ Tổ quốc trên đảo vào lúc 21 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988.

4 giờ 30 phút sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo, lúc này hai tầu địch cỡ lớn tới bao vây chĩa pháo uy hiếp ta và dùng loa gọi ta rút ra khỏi đao Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã lớn tiếng trả lời chúng: “Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ Việt Nam". Lời nói đó đã khích lệ, cổ vũ tinh thần bộ đội ta. Vũ Phi Trừ cùng Trần Đức Thông thống nhất báo cáo tình hình về sở chỉ huy và xây dựng phương án đánh trả địch nếu chúng tấn công ta.

Địch dọa ta không được, chúng đổ quân lên đảo để nhổ cờ, bộ đội ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Tầu địch lùi ra xa, khi trên đảo có súng nổ thì tầu địch cũng bắn vào tàu HQ604. Tình thế trở nên ác liệt phức tạp bộ đội ta chiến đấu trong điều kiện không cân sức, tầu ta bị hỏng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, chỉ huy bộ đội xuống các xuồng, dùng súng bộ binh chiến đấu tự vệ đồng thời cho băng bó cấp cứu các đồng chí bị thương còn trên tầu. Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu bằng súng AK và B40 chi viện cho anh em trên đảo. Vũ Phi Trừ bị thương nặng, tầu chìm nhanh và đã anh dũng hy sinh.

Vũ Phi Trừ là cán bộ hải quân gắn bó với tầu, với biến, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong cuộc chiến đấu giữ vững chủ quyền của nước ta trên biển Đông.

Vũ Phi Trừ đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 2 năm 1986-1987 là Chiến sĩ thi đua và được tặng 4 bằng khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, liệt sỹ Vũ Phi Trừ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh

Nguyễn Văn Lanh sinh năm 1966, dân tộc Kinh, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1985. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83) Quân chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Lanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, học lớp 7/10 đồng chí phải ở nhà làm ruộng giúp đỡ gia đình, là một thanh niên cần cù, chịu khó trong lao động và tích cực tham gia công tác đoàn ở địa phương.

Tháng 8 năm 1985 Nguyễn Văn Lanh nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, đồng chí về công tác tại trung đoàn 83 công binh hải quân. Từ tháng 11 năm 1985 đến tháng 2 năm 1988, Nguyễn Văn Lanh tham gia xây dựng công trình K25 (Hải Phòng), sau đó xây dựng khu hậu cứ Hòa Thượng (Đà Nẵng). Trong hơn hai năm, Nguyễn Văn Lanh luôn nhiệt tình công tác, hăng hái, chịu khó rèn luyện và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 25 tháng 2 năm 1988, đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ ở Trường Sa, Nguyễn Văn Lanh xác định quyết tâm, phấn khởi lên đường. Ngày 8 tháng 3 năm 1988 Nguyễn Văn Lanh được giao làm tiểu đội trưởng, cùng đơn vị xây dựng công trình tại đảo Gạc Ma, đồng chí đã làm tốt việc bốc dỡ, vận chuyển vật liệu và tham gia xây dựng công trình theo kế hoạch.

Sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tầu HQ604 lên đảo, thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, vây ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào biết bơi, bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ" . Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ hy sinh. Nguyễn Văn Lanh đã xông đến bảo vệ cờ; mặt giáp mặt với kẻ thù, đồng chí vân bình tĩnh, dũng cảm và kiên cường đấu tranh với địch. Khi địch tiến đến giằng cờ Nguyễn Văn Lanh kiên quyết giữ lại, đôi bên giằng co, địch nhổ xà beng đánh, Nguyễn Văn Lanh né tránh được. Địch dùng lê đâm, đồng chí tránh nhưng bị sạt qua bả vai. Khi thấy tên sĩ quan địch cùng súng ngắn định bắn, bằng một động tác bất ngờ, Nguyễn Văn Lanh đánh bật khẩu súng trong tay hắn. Địch bên ngoài điên cuồng nổ súng, đồng chí bị thương, đạn vào bả vai. Một tên xông tới gí lưỡi lê vào bụng Nguyễn Văn Lanh, hăm dọa bắt hạ cờ. Đồng chí kiên quyết gạt lê ra thì tên địch nổ súng, đạn xuyên vào bả vai trái, làm đồng chí mất đà, ngã nhào xuống nước.

Đồng đội đã vào tiếp cứu và tiếp tục giương cao cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của ta trước mặt kẻ thù.

Khi địch rút ra xa, Nguyễn Văn Lanh được đồng đội tìm kiếm và đưa ra tầu HQ505 cấp cứu, sau đó được đưa về sau điều trì. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, Nguyễn Văn Lanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Lanh đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm kiên quyết chiến đấu mặt giáp mặt với kẻ thù và đã chiến thắng, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma.

Nguyễn Văn Lanh đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Nguyễn Văn Lanh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân.

Đọc tiếp...

“Nghĩa trang đỏ” giữa trùng khơi

Comments

Image

Tàu HQ 996 đang tiến hành nghi lễ thả tràng hoa tưởng niệm xuống biển. (Ảnh: Hoàng Vũ)

16 giờ ngày 18-4. Chúng tôi tập trung trên boong tàu HQ 996. Tàu đang neo tại khu vực gần các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Khu vực này, bộ đội Trường Sa gọi là “Nghĩa trang đỏ”, nơi không hề có một nấm mộ hay một tấm bia. Biển trời bao la nhưng ngay lúc này không hề có một ngọn gió, ngọn sóng. Mặt biển phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Thiên nhiên, cảnh vật như đang lắng đi để nhường cho tình cảm, suy nghĩ từ những nơi sâu kín nhất trong tâm khảm con người trỗi dậy.

Trên boong có đông đủ các đại biểu, sĩ quan trong đoàn công tác và thủy thủ trên tàu. Gương mặt Chuẩn Đô đốc Phan Khuê Tảo, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, Đại tá Nguyễn Văn Liên và các sĩ quan trong đoàn công tác hôm nay trông rất nghiêm trang, và buồn. Nét tươi vui, niềm nở của các anh thường ngày với chúng tôi nay chợt biến mất.

Dù đã được thông báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và mất tích ngay tại khu vực tàu đang neo đậu. Tại đây, cách nay 19 năm, ngày 14-3-1988, đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước cuộc tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng tàu chiến hải quân Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay vốn là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, Trung Quốc ngang nhiên đưa lực lượng quân sự xuống chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, các cán bộ chiến sĩ ta đã kiềm chế, chủ động tránh đối đầu, giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng, không dùng vũ lực để tranh chấp. Điều này phù hợp với xu thế đối thoại và tập quán quốc tế vì lợi ích hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực. Trước ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền biển đảo của bộ đội ta, lực lượng quân sự trên tàu chiến Trung Quốc nổ súng tấn công, bắn chìm 2 tàu, bắn bị thương một tàu của ta. Các tàu này đều là tàu vận tải mang số hiệu HQ 505, 604, 605. Từ cuộc chiến đấu đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tập thể cán bộ chiến sĩ trên các tàu thuộc Lữ đoàn 125, 146 và Trung đoàn công binh 83. Bên cạnh đó là những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ: Trần Đức Thông, Trung tá, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Đại úy, Thuyền trưởng tàu HQ 604. Đặc biệt là tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng bãi đá ngầm Gạc Ma. Trước sự tấn công cuồng bạo của lực lượng xâm chiếm, anh đã động viên đồng đội của mình rằng: “Không được lùi bước! Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Trong trận chiến đấu này, 64 anh hùng, liệt sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại với vùng biển nơi đây, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố và những âm mưu thôn tính đen tối của các thế lực bên ngoài. Các anh là những người đã gắn bó với quần đảo Trường Sa ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, tạm gác riêng tư, bất chấp nguy hiểm, dâng hiến trọn vẹn tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Trường Sa.

Image

Chuẩn Đô đốc Phan Khuê Tảo dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ. (Ảnh: Hoàng Vũ)

Trước bàn thờ, thay mặt tất cả những người trên tàu HQ 996, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, Chủ nhiệm Chính trị, Quân chủng Hải quân, Phó đoàn công tác, xúc động phát biểu: “Hôm nay, đoàn chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Trong niềm biết ơn vô hạn và xúc động sâu sắc này, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí. Mong hương hồn 64 anh hùng, liệt sĩ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương, bên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc! Theo tập quán của những người đi biển, chúng tôi xin được thắp nén hương và thả vòng hoa tưởng niệm hương hồn các đồng chí!”.

Tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” bi hùng, sâu lắng nổi lên. Nghi lễ tuy giản dị nhưng quá đỗi thiêng liêng! Một tràng hoa được buộc vào chiếc phao tròn, đặt trên bàn trước cờ Tổ quốc. Trên đó bày một ít hoa quả như chuối, khóm, táo, hoa đồng tiền, hoa huệ... Đây là những loại hoa quả thân thuộc luôn có sẵn ở mọi miền quê, nơi các anh đã cất tiếng khóc chào đời bên vầng trăng ngà và ngọn tre la đà trong gió đồng nội. Chúng tôi không chỉ biết ơn các anh hùng liệt sĩ mà còn biết ơn cả những miền quê đã sinh ra các anh, sinh ra những người con bất tử. Từ những miền quê ấy, mỗi lần nhớ, nghĩ đến các anh, có biết bao mẹ già, bao người vợ trẻ, bao đứa con thơ luôn hướng ánh mắt thương tiếc về phía biển khơi.

Sau khi tất cả chúng tôi lần lượt kính cẩn thắp một nén nhang, ba hồi còi tàu vang lên. Mặt biển bỗng chòng chành! Nghe lòng như có sóng cồn!

Tràng hoa từ từ được thả xuống biển. Biết bao giọt nước mắt cũng đang thánh thót rơi và tan hòa vào biển cả. Như mọi người, tôi cũng thả một bông hoa nho nhỏ và thành tâm khấn nguyện: “Xin vong hồn các anh linh thiêng phù hộ cho hải lộ của tôi luôn được bình an, chuyến đi thành công! Tôi không bao giờ quên các anh, những người đã hóa thân vào vùng biển này để bao con tàu lướt sóng qua đây sẽ an toàn cập bến bờ hạnh phúc!”

Nghi lễ tưởng niệm đã xong nhưng chúng tôi cứ đứng mãi trên boong tàu, vời trông theo những bông hoa đang dần trôi đi thật xa.

Nhìn muôn lượn sóng biển lung linh dưới ánh hoàng hôn, tôi tin lời khấn nguyện của mình đã được các anh đón nhận!

Đọc tiếp...

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Bài phát biểu của thầy Masashi Kudo tại buổi tọa đàm "Đêm không ngủ"

Comments

Xin gửi đến mọi người tóm tắt nội dung bài phát biểu của thầy Kudo trong buổi tọa đàm "đêm không ngủ" hướng về Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu vừa qua. Thầy Kudo đã theo sát các cuộc đấu tranh của thanh niên, sinh viên Việt Nam yêu nước ngay từ thời chiến tranh Việt Nam, và bản thân thầy cũng có rất nhiều tâm huyết về 1 Châu Á hòa bình, thịnh vượng. Hi vọng bài phát biểu của thầy sẽ mang lại điều gì đó bổ ích cho những người Việt Nam đang sục sôi lòng yêu nước chúng ta. Bài viết được trích từ website dongdu.org.

Đề tài: Cái nhìn của người Nhật về những hoạt động yêu nước của du học sinh Việt Nam tại Nhật trong 50 năm qua; suy nghĩ về quan hệ quốc tế tại Biển Đông.

Thầy Masashi Kudo, đại diện người Nhật, Trưởng đại diện Asia Bunka Kaikan.

Tôi xin được phép bắt đầu bài phát biểu với câu chuyện 40 năm trước trước khi đó tôi đang học năm thứ 3 đại học, câu chuyện đã làm chuyển hướng cuộc đời tôi sang một ngả rẽ khác. Vào năm 1965 quân đội Mỹ̃ không kích miền Bắc Việt Nam, du học sinh Việt Nam tại Nhật đã tổ chức biểu tình phản đối Mỹ với khẩu hiệu:”同じベトナム人をころさないで”. Khoảng 200 sinh viên Việt Nam tại Nhật đã tham gia vào cuộc biểu tình này. Có lẽ đây là cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam đầu tiên trên thế giới. Vì tham gia cuộc biểu tình này nên có một du học sinh Việt Nam đang học ở đại học Tokyo không được chính phủ Nhật cho kéo dài hạn Visa và bị buộc phải trở về Việt Nam. Lúc đó tôi cùng thầy Nguyễn Đức Hòe (lúc đó đang là hội trưởng hội du học sinh Việt Nam tại Nhật, và là một trong những người người tổ chức cuộc biểu tình) đang sống ở Sinsei gaku ryo. Từ Sinsei gaku ryo, cuộc vận động bảo vệ du học sinh Việt Nam này được mở rộng nhanh chóng. Không chỉ có các du học sinh Việt Nam mà còn có các học sinh Nhật, cùng với các du học sinh từ khắp các nước châu Á đã tham gia cuộc vận động chính phủ Nhật cho phép người du học sinh Việt Nam đó được tiếp tục ở lại Nhật học. Có tới 10 vạn học sinh trên khắp nước Nhật tham gia cuộc vận động này, và cuối cùng thì người du học sinh Việt Nam đó cũng nhận được Visa và được tiếp tục học tại Nhật Bản. Qua sự kiện này, tôi nhận thấy rằng nếu như sinh viên các nước châu Á đoàn kết lại với nhau, tất cả đều là bạn của nhau thì sẽ tạo nên một sức mạnh rất lớn, Nhật cũng là một nước châu Á, phải có trách nhiệm hiệp lực cùng các nước khác vì một thế giới công bằng hơn. Chính vì suy nghĩ như vậy, tôi đã quyết định từ bỏ trường đại học Tokyo chuyên ngành Điện - điện tử để làm việc ở ABK (Asia Bunka Kaikan).

Về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, ở Nhật có rất ít thông tin, và bản thân tôi cũng không tường tận được hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, với góc nhìn của 1 người Nhật, tôi xin mạo muội có một vài suy nghĩ như sau:

Điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn là cả 2 quần đảo không có một quốc gia, hay một dân tộc nào định cư, sinh hoạt trong một thời gian dài (vì diện tích của mỗi hòn đảo quá nhỏ đến nước ngọt cũng không đủ dùng). Tuy nhiên theo từng thời gian mà có một bộ phận của quần đảo bị quân đội của một nước nào đó chiếm dóng và khai thác. Và Nhật cũng đã từng có thời gian chiếm đóng 2 quần đảo này (năm 1939 Nhật đuổi Pháp khỏi 2 quần đảo này). Nhưng sau năm 1945 Nhật bỏ trống 2 quần đảo. Sau này theo sự thay đổi của thời gian, ngày càng có nhiều nước tham gia vào việc tranh chấp chủ quyền tại 2 quần đảo này. Chính vì thế nên rất khó có thể phân định chính xác 2 quần đảo thuộc chủ quyền của nước nào.

Tuy nhiên với vị trí rất chiến lược và quan trọng của những quần đảo này thì những nước liên quan cùng nhau chia sẻ những tài nguyên hợp tác cùng phát triển không phải là phương án tốt nhất hay sao. Tuy nhiên những hành động của Trung Quốc từ năm 56 đến nay đã cho thấy họ không muốn chia sẻ lợi ích từ 2 quần đảo này với các nước khác, với chủ trương cả 2 quần đảo này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.(Trung Quốc có vẻ dựa vào lí lẽ là từ thế kỉ thứ 2 đến thế kỉ 15 đời nhà Minh, Trung Quốc đã nhiều lần gửi hạm đội ra Hoàng Sa - Trường Sa). Hiểu được ý định muốn chiếm hoàn toàn 2 quần đảo này, mà ở Việt Nam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Bản thân trong lịch sử Nhật cũng có sự việc tương tự và tôi rất muốn được chia sẻ cùng các bạn.

Như mọi người cũng đã biết trước và sau duy tân Minh Trị, Nhật bị rất nhiều nước đế quốc phương Tây xâu xé. Nhưng người Nhật đã luôn cố gắng và nỗ lực nâng cao thực lực với tham vọng toàn bộ châu Á sẽ thuộc tầm ảnh hưởng của người Nhật. Chính bằng thực lực của mình người Nhật đã khẳng định được quyền độc lập tự chủ của mình, và đã có lúc người Nhật đã gần như đạt được tham vọng của mình nếu không gặp phải chiến tranh với người Mỹ. Việt Nam bây giờ cũng vậy, muốn bảo vệ được chủ quyền của mình cách duy nhất là tự nâng cao thực lực của chính mình.

Năm 1951 (lúc đó 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa hình như vẫn còn bỏ hoang) Nhật đã đăng kí tại một hội nghị ở Mĩ cho Nhật quay trở lại 2 quần đảo và 2 quần đảo này sẽ là thuộc địa của Nhật. Yêu cầu này của Nhật đã không được chấp thuận, lí do chính có lẽ bởi vì thực lực của Nhật còn yếu và Nhật cũng là nước phản đối chế độ thực dân, thuộc địa. Các cuộc biểu tình phản chiến mà thầy Hòe cùng các du học sinh VN đã tổ chức về mặt hình thức là phản đối Mĩ đánh phá miền Bắc nhưng về bản chất đó không phải là phản đối nước Mĩ hay phản đối chính quyền Sài Gòn và Hà Nội lúc bầy giờ mà là phản đối chủ nghĩa đế quốc, phản đối chiến tranh. Ở thời điểm hiện tại chắc hẳn không chỉ mình Việt Nam mà cả các nước có liên quan như Philippin hay Malaysia... họ đều phản đối hành động của Trung Quốc, nhưng cũng không đồng ý rằng cả 2 quần đảo đều là của Việt Nam. Chính vì thế nên theo tôi, Việt Nam nên liên kết cùng các nước có liên quan, phản đối tư tưởng bành trướng của Trung Quốc. Nếu tổ chức biểu tình thì sẽ là tốt hơn nếu tập hợp được sinh viên các nước như Malaysia, Philippin... cùng nhau phản đối tư tưởng đế quốc của Trung Quốc và như thế sẽ có hiệu quả hơn. Và sau cuộc biểu tình, các nguy cơ sẽ ít hơn nhiều.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, như mọi người cũng đã biết trên thực tế hiện nay các thắng lợi về mặt quân sự không có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn, các yếu tố khác như chính trị, ngoại giao, kinh tế... ngày càng trở nên quan trọng. Và sức mạnh của một quốc qia không chỉ đơn giản là sức mạnh về quân sự mà còn có sức mạnh về kinh tế. Gần đây còn có một sức mạnh khác đang ngày càng quan trọng đó là sức mạnh "Văn Hóa". Trong bối cảnh thế giới hiện tại thì việc hợp tác cùng có lợi là một yếu tố không thể thiếu. Tôi rất mong các bạn du học sinh Việt Nam sẽ là những nhân tố đi đầu trong tư tưởng “cộng sinh” cùng hợp tác cùng có lợi, chống tại tư tưởng bành trướng chỉ một dân tộc, một bộ phận được hưởng lợi.

Cuối cùng, tôi mong các bạn du học sinh Việt Nam thật bình tĩnh sáng suốt và có những hành động hợp lí mang lại nhiều lợi ích nhất cho Quốc gia, dân tộc của các bạn. Xin chân thành cảm ơn.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com