Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2008

Những cái tên không được phép lãng quên!

Comments

Hoàng Sa và Trường Sa là một phần thịt xương của Tổ quốc dẫu xa xôi giữa biển Đông nhưng chưa bao giờ mờ nhạt trong trái tim người Việt. PV Thanh Niên có dịp trò chuyện với một người cầm bút đã dành nhiều trang viết cho Hoàng Sa - Trường Sa, nhà văn - nhà báo Vĩnh Quyền.

* Nhiều năm rồi, từ diễn đàn quốc tế đến quán cà phê góc phố, với người quen kẻ lạ, anh thường mở các hội thảo mi-ni về Hoàng Sa - Trường Sa. Tại sao anh lại tự nhận vai trò người đưa tin của biển đảo Tổ quốc?

- Trước hết là để chuộc tội bản thân. Làm con dân một nước có đặc điểm địa lý đất dài tới đâu biển ôm theo tới đấy cùng với hàng nghìn đảo lớn nhỏ mà phải đến năm ngoài bốn mươi tuổi (1993), tôi mới giật mình nhận ra mình chẳng hiểu gì nhiều về biển đảo của Việt Nam, trong khi quần đảo Hoàng Sa và một bộ phận quần đảo Trường Sa đang nằm trong tay Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippines... Đó là một trọng tội. Gần đây, tôi sung sướng thấy trên mạng hàng nghìn trang viết tâm huyết của các blogger dành cho Hoàng Sa - Trường Sa, trên mặt báo xuất hiện nhiều bài về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa, trong đó có loạt bài rất quý của TS Nguyễn Nhã...

* Anh nhận ra điều đó từ khi nào?

- Năm 1993, tôi ra Trường Sa. Nghề viết phóng sự, bút ký dạy tôi phải kiểm tra kiến thức về nơi sắp đến. Và tôi có dịp nhận ra mình không đáng là con dân một nước có Hoàng Sa - Trường Sa: trong đầu và trong tủ sách gia đình tôi chẳng có gì đáng kể về hai quần đảo cửa ngõ biển Đông của Tổ quốc! Chưa hết, trước khi xuống tàu ra Trường Sa, tôi ngủ lại Nha Trang một đêm và ở đấy tôi nhận được một bài học nhớ đời. Trên bãi biển Nha Trang, tôi tình cờ gặp lại người thầy cũ trước 1975. Ông là một giảng viên thỉnh giảng. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ hải dương học ở Nhật Bản về, ông bị động viên, trở thành sĩ quan giảng dạy ở học viện hải quân của quân đội Sài Gòn.

Trong 2 giờ của môn nhiệm ý Con người và môi trường sống, ông đã để lại trong tôi hai câu nói không thể nào quên: “Du khảo địa lý cho ta thấy được, sờ nắn được lịch sử, cho ta tình yêu nước rất cụ thể”. Và: “Đề nghị các anh chị dùng từ đất nước thay cho từ sông núi - giang sơn vốn là khái niệm Tổ quốc của lục địa Trung Hoa, nơi có núi cao sông dài. Việt Nam đất tới đâu biển theo tới đó, đất nước mới là khái niệm Tổ quốc của người Việt ta”. Người thầy cũ không thể nhận ra tôi, tôi phải tự giới thiệu công việc sắp làm và xin được cho tham khảo tài liệu trước khi ra Trường Sa. Ông vui vẻ nhận lời, mời về nhà. Ông đưa các con ra chào khách, giới thiệu tên từng đứa: Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng. Đêm ấy, ở khách sạn, tôi chong đèn đọc tập bản thảo của ông. Và tôi đã trào nước mắt trước một trang văn khoa học không hề màu mè văn chương.

Tôi biết tôi đã đắc tội với Tổ quốc. Tôi đã dửng dưng không hề biết gì về những Quang Ảnh, Hữu Nhật, Duy Mộng... Mà đó lại là tên những đảo lớn của quần đảo Hoàng Sa, phần lãnh thổ của đất nước tôi đang bị Trung Quốc chiếm đóng! Tài liệu cho biết, liên tục hai năm 1815, 1816 vua Gia Long cử Suất đội thủy quân Phạm Quang Ảnh đưa đoàn khảo sát ra Hoàng Sa. Liên tục những năm 1833, 1834, 1835, 1836 vua Minh Mạng cử các Suất đội Phạm Hữu Nhật, Lê Duy Mộng, Trương Phúc Sĩ, Phạm Văn Nguyên cùng Đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm trụ chủ quyền, dựng bia, lập miếu, trồng cây, đo đạc, vẽ bản đồ... Các đời vua Nguyễn sau đã lấy tên người có công đặt tên cho đảo, những cái tên Việt Nam của người Việt Nam. Gần hai trăm năm sau, tôi đã gặp một người yêu đảo đến mức lấy tên đảo đặt tên con, để nhắc mình không được phép quên những hòn đảo đang đau đáu chờ ngày trở về với đất mẹ Việt Nam. Đêm ấy tôi đã viết trong nhật ký: “Hãy nhớ lấy những cái tên không được phép lãng quên”.

* Tại sao có sự thiếu thông tin về biển đảo Tổ quốc trong phần lớn chúng ta?

- Đó là hậu quả của một nền giáo dục lệch lạc. Chúng ta từng bị sốc trước thông tin hàng nghìn thí sinh đại học năm 2006 có điểm 0 môn sử: 3.656 em ở ĐH Thái Nguyên, 655 em ở ĐHSP Hà Nội, 923 em ở ĐHSP TP.HCM... Thực ra, đó chính là điểm 0 dành cho những người có trách nhiệm về khoa học lịch sử, cho Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho cả xã hội. Khi tuổi trẻ một đất nước nghèo nàn cảm xúc và cảm hứng về quốc sử thì đất nước ấy ắt phải trả giá đắt. Giới trẻ hiện nay có được chút ít hiểu biết, cảm xúc gì về Hoàng Sa - Trường Sa chủ yếu nhờ báo chí, chứ không phải từ hệ thống sách giáo khoa văn - sử, từ những giờ dạy sử địa hết sức vô cảm ở nhà trường. Về Hoàng Sa - Trường Sa, chúng ta phải tăng cường bài vở, tận dụng các buổi ngoại khóa, các sinh hoạt đoàn thể để truyền đến các chủ nhân tương lai của đất nước những tài liệu khoa học khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

* Là người theo học ngành Hán Nôm, đọc được các văn bản cổ, lại viết tiểu thuyết lịch sử, anh có thể nói gì về tình trạng chưa phổ biến một cách đúng mực tài sản văn hóa do ông cha ta để lại hiện nay?

- Có tình trạng trên bởi sự đứt gãy trong lộ trình kế truyền văn hóa - lịch sử, từ khi chúng ta bỏ văn tự Hán Nôm. Chữ Nôm đã được sáng tạo để bù đắp vào phần mà chữ Hán không đảm đương được (như sổ đinh, sổ điền cần ghi đúng tên người, tên đất thuần Việt, sớ cầu siêu, cầu an trong tôn giáo...). Sau năm 939, khi thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa, chữ Nôm trở thành biểu tượng tinh thần Việt. Thế kỷ 13 đã có dòng văn học chữ Nôm. Và triều đại thể hiện ý thức độc lập văn tự nhất là Tây Sơn. Trong 24 năm (1778 - 1802), toàn bộ văn kiện hành chính triều Tây Sơn được viết bằng chữ Nôm.

Từ năm 939 đến 1920, chữ Nôm song song với chữ Hán, là phương tiện ghi chép, truyền tải một khối lượng khổng lồ tư liệu lịch sử, văn học và tri thức của ông cha trên nhiều lĩnh vực: địa chí, pháp luật, y học... Con cháu đời sau không đọc hiểu được sách của ông cha trong cả một nghìn năm lịch sử chẳng phải là điều khủng khiếp hay sao? Theo khảo sát mới nhất, trên thế giới hiện nay, kể cả ở Việt Nam, chỉ còn khoảng 100 người đọc được chữ Nôm! Trong khi đó, Triều Tiên và Nhật Bản cũng vận dụng chữ Hán để sáng tạo chữ riêng của mình nhưng họ đã không phải chịu đựng tổn thất như chúng ta.

* Để tuổi trẻ Việt Nam gần gũi hơn, có trách nhiệm hơn với Hoàng Sa - Trường Sa, theo anh còn phải làm gì nữa?

- Rất mừng là giai đoạn này có rất nhiều người Việt trẻ đã dành tình yêu và sự quan tâm lớn cho biển đảo Tổ quốc, như trong nhiều blog của họ. Nhưng đó chỉ là ý thức cá nhân. Phải tổ chức cho lớp trẻ vượt sóng ra Trường Sa, phải cho sống lại các Đội Hoàng Sa như thời Nguyễn. Quá ít thanh niên được đặt chân ra đảo, để khắc ghi vào tâm khảm hình ảnh máu thịt thiêng liêng của Tổ Quốc. Vạn trang sách báo không bằng một lần đến Trường Sa. Từ Trường Sa chúng ta lại tổ chức những hoạt động hướng về Hoàng Sa... Sao chúng ta không đặt tên cho những con tàu biển mới là Hoàng Sa 1, Hoàng Sa 2...? Sao chúng ta không có những ngôi trường mang tên Hoàng Sa, Trường Sa...? Tại sao mỗi tỉnh thành không đặt tên những đường ven sông ven biển là Hoàng Sa, Trường Sa...?

Ngày nào Hoàng Sa - Trường Sa còn bị xâm phạm, sự toàn vẹn lãnh thổ còn bị đe dọa, thì mỗi người trong chúng ta, mỗi ngày, phải thường xuyên hướng về biển đảo, chứ không đợi đến ngày tết, ngày lễ mới nói đến. Càng không đợi đến khi nước này nước kia mở rộng hoạt động xâm phạm thì mới cấp tốc đưa tin, phản ứng...

Ảnh: nhà văn Vĩnh Quyền ở Trường Sa 1993

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com