Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

Tưởng niệm 14/3

Comments
Hai mươi năm, đứa trẻ xưa đã lớn

Hai mươi năm, mái đầu xanh đã bạc

Vành trắng khăn tang đã trắng những mái đầu

...........

Hai mươi năm hay ai nghìn năm nữa

Tổ quốc, Nhân dân vẫn muôn đời ghi nhớ

Những con người đã "chết cho quê hương"

Hai mươi năm 14.3.1988 - 14.3.2008

Xin nghiêng mình tưởng niệm!

Các bạn có thể download bài thơ do chính một cựu chiến binh đã từng có mặt trong Hải chiến Trường Sa đọc ở đây

Xin một vòng hoa trắng gửi đến những anh hùng...

16 giờ ngày 18-4. Chúng tôi tập trung trên boong tàu HQ 996. Tàu đang neo tại khu vực gần các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Khu vực này, bộ đội Trường Sa gọi là “Nghĩa trang đỏ”, nơi không hề có một nấm mộ hay một tấm bia. Biển trời bao la nhưng ngay lúc này không hề có một ngọn gió, ngọn sóng. Mặt biển phẳng lặng như mặt nước hồ thu. Thiên nhiên, cảnh vật như đang lắng đi để nhường cho tình cảm, suy nghĩ từ những nơi sâu kín nhất trong tâm khảm con người trỗi dậy.

Dù đã được thông báo trước nhưng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và mất tích ngay tại khu vực tàu đang neo đậu. Tại đây, cách nay 19 năm, ngày 14-3-1988, đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước cuộc tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng tàu chiến hải quân Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ bao đời nay vốn là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, Trung Quốc ngang nhiên đưa lực lượng quân sự xuống chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền biển đảo của bộ đội ta, lực lượng quân sự trên tàu chiến Trung Quốc nổ súng tấn công, bắn chìm 2 tàu, bắn bị thương một tàu của ta. Các tàu này đều là tàu vận tải mang số hiệu HQ 505, 604, 605. Từ cuộc chiến đấu đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tập thể cán bộ chiến sĩ trên các tàu thuộc Lữ đoàn 125, 146 và Trung đoàn công binh 83. Bên cạnh đó là những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ: Trần Đức Thông, Trung tá, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ, Đại úy, Thuyền trưởng tàu HQ 604. Đặc biệt là tấm gương của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, Thiếu úy, Phó chỉ huy trưởng bãi đá ngầm Gạc Ma. Trước sự tấn công cuồng bạo của lực lượng xâm chiếm, anh đã động viên đồng đội của mình rằng: “Không được lùi bước! Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”. Trong trận chiến đấu này, 64 anh hùng, liệt sĩ của Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại với vùng biển nơi đây, với quần đảo quanh năm chịu nhiều bão tố và những âm mưu thôn tính đen tối của các thế lực bên ngoài. Các anh là những người đã gắn bó với quần đảo Trường Sa ngay từ những ngày đầu mới giải phóng, tạm gác riêng tư, bất chấp nguy hiểm, dâng hiến trọn vẹn tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Trường Sa.

Trước bàn thờ, thay mặt tất cả những người trên tàu HQ 996, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa, Chủ nhiệm Chính trị, Quân chủng Hải quân, Phó đoàn công tác, xúc động phát biểu: “Hôm nay, đoàn chúng tôi đi qua nơi các đồng chí đã chiến đấu kiên cường và anh dũng hy sinh. Trong niềm biết ơn vô hạn và xúc động sâu sắc này, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các đồng chí. Mong hương hồn 64 anh hùng, liệt sĩ yên nghỉ ngàn thu giữa lòng đại dương, bên quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc! Theo tập quán của những người đi biển, chúng tôi xin được thắp nén hương và thả vòng hoa tưởng niệm hương hồn các đồng chí!”.

Tiếng nhạc “Chiêu hồn tử sĩ” bi hùng, sâu lắng nổi lên. Nghi lễ tuy giản dị nhưng quá đỗi thiêng liêng! Một tràng hoa được buộc vào chiếc phao tròn, đặt trên bàn trước cờ Tổ quốc. Trên đó bày một ít hoa quả như chuối, khóm, táo, hoa đồng tiền, hoa huệ... Đây là những loại hoa quả thân thuộc luôn có sẵn ở mọi miền quê, nơi các anh đã cất tiếng khóc chào đời bên vầng trăng ngà và ngọn tre la đà trong gió đồng nội. Chúng tôi không chỉ biết ơn các anh hùng liệt sĩ mà còn biết ơn cả những miền quê đã sinh ra các anh, sinh ra những người con bất tử. Từ những miền quê ấy, mỗi lần nhớ, nghĩ đến các anh, có biết bao mẹ già, bao người vợ trẻ, bao đứa con thơ luôn hướng ánh mắt thương tiếc về phía biển khơi.

Sau khi tất cả chúng tôi lần lượt kính cẩn thắp một nén nhang, ba hồi còi tàu vang lên. Mặt biển bỗng chòng chành! Nghe lòng như có sóng cồn!

Tràng hoa từ từ được thả xuống biển. Biết bao giọt nước mắt cũng đang thánh thót rơi và tan hòa vào biển cả. Như mọi người, tôi cũng thả một bông hoa nho nhỏ và thành tâm khấn nguyện: “...Tôi không bao giờ quên các anh, những người đã hóa thân vào vùng biển này để bao con tàu lướt sóng qua đây sẽ an toàn cập bến bờ hạnh phúc!”

Nghi lễ tưởng niệm đã xong nhưng chúng tôi cứ đứng mãi trên boong tàu, vời trông theo những bông hoa đang dần trôi đi thật xa.

Nhìn muôn lượn sóng biển lung linh dưới ánh hoàng hôn, tôi tin lời khấn nguyện của mình đã được các anh đón nhận!

Trích từ bài "Nghĩa trang đỏ" giữa trùng khơi

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com