Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Bài phát biểu của thầy Masashi Kudo tại buổi tọa đàm "Đêm không ngủ"

Comments

Xin gửi đến mọi người tóm tắt nội dung bài phát biểu của thầy Kudo trong buổi tọa đàm "đêm không ngủ" hướng về Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu vừa qua. Thầy Kudo đã theo sát các cuộc đấu tranh của thanh niên, sinh viên Việt Nam yêu nước ngay từ thời chiến tranh Việt Nam, và bản thân thầy cũng có rất nhiều tâm huyết về 1 Châu Á hòa bình, thịnh vượng. Hi vọng bài phát biểu của thầy sẽ mang lại điều gì đó bổ ích cho những người Việt Nam đang sục sôi lòng yêu nước chúng ta. Bài viết được trích từ website dongdu.org.

Đề tài: Cái nhìn của người Nhật về những hoạt động yêu nước của du học sinh Việt Nam tại Nhật trong 50 năm qua; suy nghĩ về quan hệ quốc tế tại Biển Đông.

Thầy Masashi Kudo, đại diện người Nhật, Trưởng đại diện Asia Bunka Kaikan.

Tôi xin được phép bắt đầu bài phát biểu với câu chuyện 40 năm trước trước khi đó tôi đang học năm thứ 3 đại học, câu chuyện đã làm chuyển hướng cuộc đời tôi sang một ngả rẽ khác. Vào năm 1965 quân đội Mỹ̃ không kích miền Bắc Việt Nam, du học sinh Việt Nam tại Nhật đã tổ chức biểu tình phản đối Mỹ với khẩu hiệu:”同じベトナム人をころさないで”. Khoảng 200 sinh viên Việt Nam tại Nhật đã tham gia vào cuộc biểu tình này. Có lẽ đây là cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam đầu tiên trên thế giới. Vì tham gia cuộc biểu tình này nên có một du học sinh Việt Nam đang học ở đại học Tokyo không được chính phủ Nhật cho kéo dài hạn Visa và bị buộc phải trở về Việt Nam. Lúc đó tôi cùng thầy Nguyễn Đức Hòe (lúc đó đang là hội trưởng hội du học sinh Việt Nam tại Nhật, và là một trong những người người tổ chức cuộc biểu tình) đang sống ở Sinsei gaku ryo. Từ Sinsei gaku ryo, cuộc vận động bảo vệ du học sinh Việt Nam này được mở rộng nhanh chóng. Không chỉ có các du học sinh Việt Nam mà còn có các học sinh Nhật, cùng với các du học sinh từ khắp các nước châu Á đã tham gia cuộc vận động chính phủ Nhật cho phép người du học sinh Việt Nam đó được tiếp tục ở lại Nhật học. Có tới 10 vạn học sinh trên khắp nước Nhật tham gia cuộc vận động này, và cuối cùng thì người du học sinh Việt Nam đó cũng nhận được Visa và được tiếp tục học tại Nhật Bản. Qua sự kiện này, tôi nhận thấy rằng nếu như sinh viên các nước châu Á đoàn kết lại với nhau, tất cả đều là bạn của nhau thì sẽ tạo nên một sức mạnh rất lớn, Nhật cũng là một nước châu Á, phải có trách nhiệm hiệp lực cùng các nước khác vì một thế giới công bằng hơn. Chính vì suy nghĩ như vậy, tôi đã quyết định từ bỏ trường đại học Tokyo chuyên ngành Điện - điện tử để làm việc ở ABK (Asia Bunka Kaikan).

Về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa, ở Nhật có rất ít thông tin, và bản thân tôi cũng không tường tận được hết mọi vấn đề. Tuy nhiên, với góc nhìn của 1 người Nhật, tôi xin mạo muội có một vài suy nghĩ như sau:

Điều đầu tiên tôi muốn nói với các bạn là cả 2 quần đảo không có một quốc gia, hay một dân tộc nào định cư, sinh hoạt trong một thời gian dài (vì diện tích của mỗi hòn đảo quá nhỏ đến nước ngọt cũng không đủ dùng). Tuy nhiên theo từng thời gian mà có một bộ phận của quần đảo bị quân đội của một nước nào đó chiếm dóng và khai thác. Và Nhật cũng đã từng có thời gian chiếm đóng 2 quần đảo này (năm 1939 Nhật đuổi Pháp khỏi 2 quần đảo này). Nhưng sau năm 1945 Nhật bỏ trống 2 quần đảo. Sau này theo sự thay đổi của thời gian, ngày càng có nhiều nước tham gia vào việc tranh chấp chủ quyền tại 2 quần đảo này. Chính vì thế nên rất khó có thể phân định chính xác 2 quần đảo thuộc chủ quyền của nước nào.

Tuy nhiên với vị trí rất chiến lược và quan trọng của những quần đảo này thì những nước liên quan cùng nhau chia sẻ những tài nguyên hợp tác cùng phát triển không phải là phương án tốt nhất hay sao. Tuy nhiên những hành động của Trung Quốc từ năm 56 đến nay đã cho thấy họ không muốn chia sẻ lợi ích từ 2 quần đảo này với các nước khác, với chủ trương cả 2 quần đảo này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.(Trung Quốc có vẻ dựa vào lí lẽ là từ thế kỉ thứ 2 đến thế kỉ 15 đời nhà Minh, Trung Quốc đã nhiều lần gửi hạm đội ra Hoàng Sa - Trường Sa). Hiểu được ý định muốn chiếm hoàn toàn 2 quần đảo này, mà ở Việt Nam tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Bản thân trong lịch sử Nhật cũng có sự việc tương tự và tôi rất muốn được chia sẻ cùng các bạn.

Như mọi người cũng đã biết trước và sau duy tân Minh Trị, Nhật bị rất nhiều nước đế quốc phương Tây xâu xé. Nhưng người Nhật đã luôn cố gắng và nỗ lực nâng cao thực lực với tham vọng toàn bộ châu Á sẽ thuộc tầm ảnh hưởng của người Nhật. Chính bằng thực lực của mình người Nhật đã khẳng định được quyền độc lập tự chủ của mình, và đã có lúc người Nhật đã gần như đạt được tham vọng của mình nếu không gặp phải chiến tranh với người Mỹ. Việt Nam bây giờ cũng vậy, muốn bảo vệ được chủ quyền của mình cách duy nhất là tự nâng cao thực lực của chính mình.

Năm 1951 (lúc đó 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa hình như vẫn còn bỏ hoang) Nhật đã đăng kí tại một hội nghị ở Mĩ cho Nhật quay trở lại 2 quần đảo và 2 quần đảo này sẽ là thuộc địa của Nhật. Yêu cầu này của Nhật đã không được chấp thuận, lí do chính có lẽ bởi vì thực lực của Nhật còn yếu và Nhật cũng là nước phản đối chế độ thực dân, thuộc địa. Các cuộc biểu tình phản chiến mà thầy Hòe cùng các du học sinh VN đã tổ chức về mặt hình thức là phản đối Mĩ đánh phá miền Bắc nhưng về bản chất đó không phải là phản đối nước Mĩ hay phản đối chính quyền Sài Gòn và Hà Nội lúc bầy giờ mà là phản đối chủ nghĩa đế quốc, phản đối chiến tranh. Ở thời điểm hiện tại chắc hẳn không chỉ mình Việt Nam mà cả các nước có liên quan như Philippin hay Malaysia... họ đều phản đối hành động của Trung Quốc, nhưng cũng không đồng ý rằng cả 2 quần đảo đều là của Việt Nam. Chính vì thế nên theo tôi, Việt Nam nên liên kết cùng các nước có liên quan, phản đối tư tưởng bành trướng của Trung Quốc. Nếu tổ chức biểu tình thì sẽ là tốt hơn nếu tập hợp được sinh viên các nước như Malaysia, Philippin... cùng nhau phản đối tư tưởng đế quốc của Trung Quốc và như thế sẽ có hiệu quả hơn. Và sau cuộc biểu tình, các nguy cơ sẽ ít hơn nhiều.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là, như mọi người cũng đã biết trên thực tế hiện nay các thắng lợi về mặt quân sự không có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn, các yếu tố khác như chính trị, ngoại giao, kinh tế... ngày càng trở nên quan trọng. Và sức mạnh của một quốc qia không chỉ đơn giản là sức mạnh về quân sự mà còn có sức mạnh về kinh tế. Gần đây còn có một sức mạnh khác đang ngày càng quan trọng đó là sức mạnh "Văn Hóa". Trong bối cảnh thế giới hiện tại thì việc hợp tác cùng có lợi là một yếu tố không thể thiếu. Tôi rất mong các bạn du học sinh Việt Nam sẽ là những nhân tố đi đầu trong tư tưởng “cộng sinh” cùng hợp tác cùng có lợi, chống tại tư tưởng bành trướng chỉ một dân tộc, một bộ phận được hưởng lợi.

Cuối cùng, tôi mong các bạn du học sinh Việt Nam thật bình tĩnh sáng suốt và có những hành động hợp lí mang lại nhiều lợi ích nhất cho Quốc gia, dân tộc của các bạn. Xin chân thành cảm ơn.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com