Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 3 tại Hà Nội, ngày 4-5/11/2011

Comments
http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/2156-chuong-trinh-hoi-thao-quoc-te-3 Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Lạm dụng khoa học để hợp lý hóa đường lưỡi bò

Comments
TTO - Bản đồ “đường lưỡi bò” (còn được biết đến là đường chữ U) là một bản đồ phi khoa học và phi lý. Khó biết bản đồ này có từ thời điểm nào, nhưng dữ liệu cho thấy nó xuất hiện từ năm 1947 trong tài liệu nội bộ của Trung Quốc.

Lúc đó bản đồ có 11 đường đứt đoạn bao trùm gần 90% vùng biển Đông Nam Á (kể cả Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta) mà Trung Quốc gọi là “South China Sea” và chúng ta gọi là Biển Đông. Sau này đường 11 đoạn biến thành 9 đoạn, và đến năm 2009, Trung Quốc cho lưu hành bản đồ 9 đoạn này trong các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Ngày nay, chúng ta đề cập đến bản đồ này là “Đường lưỡi bò” (ĐLB). Nhưng bản đồ ĐLB hoàn toàn không có cơ sở khoa học, bởi vì không ai có thể định vị trên biển. Bản đồ ĐLB cũng hoàn toàn phi pháp, vì chẳng có cơ quan quốc tế nào công nhận. Tất cả các nước trong khối ASEAN cũng không công nhận bản đồ ĐLB.

Từ can thiệp của chính phủ…

Trong vài năm gần đây, bản đồ ĐLB xuất hiện trên một số tập san khoa học quốc tế. Sự xuất hiện này không phải ngẫu nhiên. Tập san Climatic Change của Mĩ mới công bố một bài báo khoa học của nhóm tác giả Xuemei Shao (thuộc Viện Khoa học Địa lí và Tài nghiên thiên nhiên, Trung Quốc), trong đó có bản đồ ĐLB. Một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài viết thư chỉ ra rằng bản đồ đó sai, không có cơ sở khoa học. Theo thông lệ, Tổng biên tập của tập san Climatic Change (Michael Oppenheimer) gửi thư phản đối của nhóm nhà khoa học VN cho tác giả. Tác giả Xuemei Shao trả lời như sau (tạm dịch):

“Chúng tôi sẽ không sửa biểu đồ đó. Bản đồ nhỏ mà chúng tôi chèn trong biểu đồ 6 là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Xin ông báo cho Tiến sĩ Bùi Quang Hiển liên lạc với Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải cá nhân, về vấn đề này”.

Chúng ta hãy tạm bỏ qua ngôn ngữ phi khoa học đó, mà hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu trả lời trên là gì.

Thứ nhất lá thư trên là một thú nhận rằng nhóm tác giả mà Shao đứng đầu làm theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc. Thật ra, điều này không phải là một phát hiện gì mới, vì đã được biết đến từ lâu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, năm 2007 Trung Quốc ra quy định là tất cả bản đồ Trung Quốc phải có ĐLB. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng cụ thể qua thú nhận của một Giáo sư Trung Quốc rằng có sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào việc quảng bá ĐLB trên các tập san khoa học quốc tế.

Thứ hai, qua giọng văn “nên liên lạc với Chính phủ Trung Quốc”, chúng ta thấy rằng Shao không có lí lẽ khoa học. Bởi vì không có lí lẽ khoa học, nên ông “đá bóng” sang chính quyền.

... đến lạm dụng khoa học

Mấy năm gần đây, giới khoa học Việt Nam ở nước ngoài phát hiện một số (nếu không muốn nói là nhiều) bài báo khoa học của các tác giả Trung Quốc có đăng bản đồ ĐLB. Chúng ta còn nhớ trước đây, tập san Waste Management có đăng bài báo của nhóm tác giả Tai trong đó có ĐLB. Các bạn ở Pháp phát hiện và lập tức viết thư cho Tổng biên tập để phản đối bản đồ phi khoa học và phi pháp này. Tôi và một số bạn cũng có thư phản đối. Những phản đối của chúng tôi cũng gây ra vài tác động tích cực, nhưng thành thật mà nói là chúng ta cũng chỉ “chữa cháy” chứ chưa chủ động diệt cái bản đồ phi lí đó.

Đó không phải là bài báo duy nhất có in bản đồ ĐLB. Gần đây, các nhà khoa học VN ở nước ngoài phát hiện một loạt bài báo khoa học có in bản đồ ĐLB. Những bài báo này được đăng trên các tập san như Climatic Change, và gần đây nhất là Science. Science là một tập san khoa học thuộc vào hàng danh giá nhất trên thế giới, nên tác động của những bài báo trên Science là rất lớn. Bài báo của Peng [1] là một bài tổng quan (review) về lịch sử dân số Trung Quốc, nhưng tác giả (lợi dụng?) chèn vào bản đồ ĐLB, mà nếu chỉ đọc sơ qua cũng khó phát hiện.

Đó là một hành vi khó chấp nhận được và phi khoa học. Phi khoa học là vì bản đồ ĐLB hoàn toàn không có cơ sở khoa học (làm sao định vị trên nước biển?), phi pháp vì chẳng có cơ quan quốc tế nào công nhận. Công bố bản đồ ĐLB do đó là một vi phạm đạo đức khoa học.

NGUYỄN VĂN TUẤN

Đọc tiếp...

Hệ thống tên lửa chiến thuật 'bầy sói' đang về Việt Nam

Comments
(VTC News) - Theo Interfax, Nga đã bàn giao tổ hợp phòng thủ bờ biển di động Bastion thứ 2 cho phía Việt Nam.

“Lô hàng đã được gửi đi từ tuần trước”, Interfax dẫn nguồn tin thân cận trong tổ hợp quân sự quốc phòng Nga cho biết.

Như vậy Rosoboronexport và Liên hiệp khoa học sản xuất chế tạo máy (NPO Mashinostroenia) đã hoàn tất hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 2 tổ hợp phòng thủ bờ biển di động Bastion.

Hợp đồng nêu trên được 2 bên ký kết vào năm 2005, tổ hợp Bastion đầu tiên đã được phía Nga giao cho Việt Nam vào năm 2010.

Hệ thống Bastion mang đạn tên lửa hành trình siêu âm bám biển dùng động cơ phản lực tĩnh Yakhont 3M55E có khả năng tiêu diệt các loại chiến hạm từ tàu đổ bộ, tàu vận tải yểm trợ, cụm tàu chiến và máy bay thuộc nhóm tấn công, cũng như diệt các mục tiêu hạm tàu đơn lẻ ở cự ly đến 300 km.

Tên lửa của hệ thống Bastion-P có 2 loại hành trình bay cơ bản: hành trình bay tầm thấp có tầm bắn xa khoảng 120km, và hành trình bay hỗn hợp có tầm bắn xa khoảng 300km. Tên lửa thuộc loại “bắn - quên”, sử dụng chiến thuật “bầy sói” và chống nhiễu điện tử mạnh.

Hệ thống Bastion gồm 4 xe mang-phóng tự hành K-340P (mỗi xe mang 2 ống phóng TPS chứa đạn tên lửa), 2 xe điều khiển K380P MBU (trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273) có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3-4 phút, 4 xe chở đạn K-342P TZM được trang bị cần có trọng tải 5,9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K-340P và các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện chiến đấu khác. Cơ số đạn cho mỗi hệ thống Bastion có thể lên tới 36 quả tên lửa Yakhont.

PV (theo Interfax, Đất Việt)
Đọc tiếp...

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Trung Quốc phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

Comments

Truyền thông Trung Quốc vừa lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc một số nước có liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gần đây muốn quốc tế hóa vấn đề này.> Philippines tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông

Báo China Daily nhắc tới hội thảo của các chuyên gia luật biển ASEAN tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines cuối tuần trước. Báo này cho rằng đề xuất của Philippines về một khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C) là đáng chú ý. Tuy nhiên, Manila đang tìm cách quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và chia tách vùng biển này khỏi chủ quyền của Trung Quốc, thay vì tôn trọng thỏa thuận của mình về việc không làm phức tạp vấn đề Biển Đông.

Tại hội thảo nói trên, Philippines đưa ra đề xuất chia Biển Đông thành các khu vực có tranh chấp và không có tranh chấp. Các nước liên quan có thể tiến hành khai thác trên các vùng biển không có tranh chấp thuộc chủ quyền của mình, đồng thời sẽ cùng khai thác tại những vùng biển có tranh chấp. China Daily cho rằng đề xuất của Philippines có quá nhiều kẽ hở và không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Báo này cũng nhắc tới việc Việt Nam và Ấn Độ gần đây có dự án cùng khai thác dầu khí tại những vùng biển vẫn còn có tranh chấp. Ấn Độ đã bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc đối với dự án này, và cho rằng nó phù hợp với các quy tắc quốc tế.

Trong khi đó, hãng tin Xinhua cho rằng "chiến lược nhóm" (tạm dịch từ "bundling strategy") tại Biển Đông là ảo tưởng. Những diễn biến gần đây tại Biển Đông chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm tình hình và một lần nữa ảnh hưởng tới cả Trung Quốc và các nước có liên quan. Lần này, những nước không trực tiếp có liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông như Ấn Độ và Nhật Bản cũng tham gia vào một vấn đề đang ngày càng nóng lên.

Theo Xinhua, những nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam hay Philippines đang cùng nhau tìm cách tạo ra đối trọng với Trung Quốc, và cố gắng đạt được mục đích của mình thông qua "chiến lược nhóm".

Hãng tin lớn của Trung Quốc cũng cho rằng Nhật Bản, nước vốn có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkasu), đang sẵn sàng nắm bắt cơ hội can thiệp vào vấn đề Biển Đông, để nhằm vào Trung Quốc theo kiểu ăn miếng trả miếng.

Nhật Bản mới đây tổ chức cuộc thảo luận với nhiều nhà ngoại giao Philippines về việc "giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông". Một nhà ngoại giao Nhật Bản sau đó còn nói rằng Tokyo có lợi ích trong việc đảm bảo vùng biển rộng lớn này ở trong tình trạng an toàn và rộng mở đối với giao thương.

Tờ People's Daily của Trung Quốc hôm 20/9 cho đăng một bài viết có nội dung thông báo kết quả điều tra của các tổ chức có thẩm quyền, cho hay hai lô khai thác dầu khí mà Việt Nam muốn hợp tác với Ấn Độ đều nằm trong khu vực quyền tài phán của Trung Quốc. Vì thế việc này gây tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc.

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trở nên nóng bỏng trong những tháng qua, sau những va chạm giữa tàu thuyền của các nước liên quan. Việt Nam và Philippines cùng một số bên liên quan luôn bày tỏ mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán đa phương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc luôn khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng nước liên quan.

Phan Lê

Đọc tiếp...

Philippines muốn đối thoại đa phương về biển Đông

Comments

Tổng thống Philippines cho rằng Trung Quốc sẽ “biết điều” trong giải quyết những căng thẳng liên quan đến chủ quyền ở biển Đông.

Ông Benigno Aquino, người vừa có chuyến công du chính thức Trung Quốc hồi đầu tháng này trong nỗ lực giảm căng thẳng ở biển Đông, ngày 20.9 tuyên bố điều cốt yếu hiện tại là cố gắng hiểu được quan điểm của bên khác trong tranh chấp và nhận diện những lĩnh vực có thể đạt thỏa thuận. “Trong trường hợp riêng của họ (Trung Quốc), khái niệm giữ thể diện rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ họ sẽ biết điều, nhưng họ cũng cần có cách thức nào đó để giữ thể diện cho mình”, AFP dẫn lời ông Aquino phát biểu tại Diễn đàn Hội châu Á ở New York (Mỹ), nơi ông đang có mặt để tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ.

Trong cuộc trao đổi cởi mở nói trên, nhà lãnh đạo Philippines nhắc lại sự cần thiết đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề. Theo ông, Bắc Kinh nên đạt một thỏa thuận với cả 10 nước thành viên ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. “Nếu chúng ta làm việc này theo nguyên tắc song phương, chúng ta sẽ chỉ thổi phồng và làm trầm trọng thêm vấn đề tranh chấp chủ quyền mà thôi”, ông Aquino nói.

Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố giữa các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) và đang hướng đến việc xây dựng một bộ quy tắc mang tính ràng buộc cao hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đạt nhiều kết quả và một trong những nguyên nhân, theo một số nhà ngoại giao, là do Trung Quốc muốn giải quyết bất đồng với từng nước, chứ không phải với cả khối ASEAN.

Căng thẳng tại biển Đông bùng phát từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trên biển Đông, như các vụ quấy rối ngư dân và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí.

Về phần mình, Tổng thống Aquino đã tranh thủ các diễn đàn và chuyến công du quốc tế của mình để nêu rõ lập trường với các nước về vấn đề biển Đông. Ngoài chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30.8 - 3.9, ông Aquino cũng sẽ đề cập đến chủ đề này khi đến thăm Nhật Bản từ ngày 24 - 28.9. Báo Manila Standard Today ngày 21.9 dẫn lời Đại sứ Nhật tại Philippines Toshinao Urabe cho biết 2 nước sẽ “trao đổi công hàm” về những giải pháp khả dĩ trong cuộc tranh chấp ở biển Đông. “Nhật có mối quan tâm hợp pháp đối với tình hình nhằm duy trì ổn định và giảm căng thẳng. Chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, ông Urabe nhấn mạnh. Tờ Philippine Daily Inquirer cùng ngày dẫn lời một quan chức Philippines cho biết nước này và Nhật gần đây đã có các cuộc thảo luận về việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Bên cạnh việc tích cực đưa vấn đề biển Đông ra diễn đàn quốc tế, Philippines đang tìm thêm sự hỗ trợ quân sự và củng cố quan hệ với Mỹ. Ông Aquino mới đây đã quyết định phân bổ 11 tỉ peso (252 triệu USD) để nâng cấp Hải quân Philippines với sự trợ giúp của Mỹ.

Trùng Quang

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Philippines tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông

Comments

Hội thảo Chuyên gia luật hàng hải ASEAN sắp diễn ra tại Philippines, với chủ đề chính là vấn đề Biển Đông.

Hội thảo này được diễn ra để tạo diễn đàn thảo luận đề xuất của Philippines về một Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C), nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Cuộc gặp gỡ này còn được dựa trên quyết định của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 tại Bali, Indonesia, hồi tháng 7 năm nay.

Các chuyên gia luật hàng hải đến từ 10 nước thành viên ASEAN sẽ gặp nhau tại khách sạn Sofitel Philippine Plaza, thuộc thành phố Pasay, nằm trong vùng thủ đô Manila của Philippines. Họ sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu đề xuất kể trên của Philippines. "Cuộc hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm việc thiết lập hiểu biết chung giữa các thành viên ASEAN về đề xuất ZoPFF/C", báo Sun Star của Philippines trích thông báo của Bộ Ngoại giao nước này.

Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN (SOM), để từ đây các kiến nghị sẽ được trình lên cho các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN xem xét trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 diễn ra tại Bali, Indonesia, vào tháng 11/2011.

Theo đề xuất về ZoPFF/C của Philippines, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng các khu vực có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa phải được tách khỏi các khu vực không có tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trong khuôn khổ đó, các khu vực có tranh chấp sẽ được chuyển thành một vùng hợp tác chung, trong khi những khu vực không có tranh chấp sẽ chỉ thuộc quyền tài phán của một nước cụ thể. Quần đảo Trường Sa là một nhóm các đảo nhỏ, đảo đá ngầm và đảo san hô, vốn được cho là giàu trữ lượng giàu mỏ và khoáng sản.

Trả lời phỏng vấn của VnExpress bên lề hội thảo "Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới" diễn ra tại Hà Nội hôm 21/9, giáo sư Renato Cruz De Castro của đại học De La Salle, Philippines, cho rằng Philippines và Việt Nam cũng như các quốc gia có liên quan trong vấn đề Biển Đông cần hợp tác với nhau để giải quyết, thay vì đối đầu.

Việc các hội thảo được tổ chức giữa các nước ngày một nhiều sẽ giúp sự chia sẻ về vấn đề Biển Đông có hiệu quả và sâu rộng hơn. Khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và toàn Biển Đông nói chung trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, sau khi Việt Nam và Philippines cùng cáo buộc Trung Quốc có những hành động cản trở hoạt động của các tàu, thuyền của mình.

Trong một phản ứng đáp lại hành động ngày một rõ ràng của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế về biển, và thậm chí gợi ý đưa vụ việc ra trước Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS). Ngược lại, Trung Quốc luôn tuyên bố chỉ đàm phán song phương với từng nước liên quan, chứ không đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.

Trong diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố "Trung Quốc cần phải biết điều và cũng cần có một số cách thức để tự giữ thể diện". Phát biểu mạnh mẽ của ông Aquino được đưa ra tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York, Mỹ, nơi ông đang có mặt để dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuyên bố này cũng được đưa ra không lâu sau khi ông Aquino có chuyến thăm chính thức Trung Quốc.

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Nhật muốn cơ chế an ninh hàng hải mới

Comments

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda dự kiến sẽ đề xuất thiết lập một cơ chế an ninh hàng hải mới tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) sắp tới ở Indonesia.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Ảnh: AFP

Đề xuất của Nhật Bản hướng tới việc xây dựng những cuộc thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải, Mainichi Daily News dẫn lời các quan chức Nhật cho hay. Đây là một nỗ lực nhằm ổn định tình hình tại các vùng biển trong khu vực tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản cũng hy vọng các nhà lãnh đạo của 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ sẽ đạt được sự nhất trí để đưa các cuộc gặp nói trên vào thông cáo chung của EAS.

Tokyo tin tưởng rằng những cuộc thảo luận với sự tham gia của các quan chức chính phủ cấp cao và các chuyên gia tới từ 17 nước nói trên cùng Nhật sẽ dẫn tới sự ra đời của một cơ chế đa phương mới, để giải quyết các tranh chấp trên biển tại Biển Đông cũng như những vùng biển lân cận.

Ý tưởng của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh 10 nước ASEAN đang trong quá trình phác thảo các yếu tố chính của bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC). Đây là nỗ lực nhằm hướng tới việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), được ASEAN và Trung Quốc ký kết từ năm 2002.

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm nay diễn ra trung tuần tháng 11 tại đảo Bali của Indonesia. Đây là hội nghị lần thứ 6 , với sự tham gia lần đầu tiên của lãnh đạo hai cường quốc là Nga và Mỹ.

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

EU quan tâm đến tình hình biển Đông

Comments
Ngày 19.9, tại viện nghiên cứu châu Âu về các vấn đề châu Á - EIAS (trụ sở tại thủ đô Brussels, Bỉ), đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề "An ninh hàng hải trên Biển Đông."


Đảo Đá Lớn - quần đảo Trường Sa. Ảnh: TTXVN

Đồng tổ chức sự kiện này có đại sứ quán các nước Việt Nam, Philippines và Indonesia tại Vương quốc Bỉ.

Cuộc hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các đại diện của Liên minh châu Âu (EU), bộ Ngoại giao Bỉ, các đại sứ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đoàn ngoại giao, và giới nghiên cứu cũng như các nhà báo quốc tế.

Mở đầu hội thảo ông David Fouquet, quan chức cấp cao của EIAS, đã trình bày về tình hình phức tạp hiện tại trên Biển Đông với những tuyên bố của các nước xung quanh khu vực này về chủ quyền tại các khu vực chồng lấn. Ông nhấn mạnh những tranh chấp của các nước liên quan về lãnh thổ tại khu vực Biển Đông "đã có từ nửa cuối thế kỷ 20 và dẫn đến những bất đồng kéo dài, vốn vẫn được coi là điểm nóng tiềm tàng nguy hiểm nhất của khu vực Đông Á."

Ông nêu rõ cuộc hội thảo lần thứ 4 trong khuôn khổ "Các cuộc hội thảo bàn tròn của EIAS về An ninh Hàng hải" này sẽ đề cập những vấn đề liên quan đến Biển Đông như quan điểm của các nước liên quan về tên gọi của vùng biển này ; những yêu sách của các nước liên quan đối với quyền lợi kinh tế và quyền kiểm soát tại khu vực ; sự quan tâm của của ASEAN và các bên đối tác, đặc biệt là của EU, về tình hình căng thẳng; và vai trò của EU trong việc giúp giải quyết tranh chấp...

Tầm quan trọng của khu vực Biển Đông - bao gồm một vùng biển diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông - chủ yếu là do 1/3 lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển qua vùng biển cửa ngõ giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương này, và là nơi được coi là có nguồn dự trữ tiềm tàng khổng lồ về dầu lửa và khí đốt dưới đáy biển. Hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông là nguồn gốc cuộc tranh chấp lãnh thổ hết sức phức tạp liên quan đến các nước xung quanh khu vực này.

Các nước tham gia chủ trì hội thảo cũng đã tập trung giới thiệu tình hình chung ở Biển Đông, cập nhật các diễn biến phức tạp gần đây và nỗ lực của ASEAN trong việc làm dịu căng thẳng, hướng đến giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và điều quan trọng là phải tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời đề nghị EU quan tâm và đóng góp nhiều hơn cho việc giải quyết các tranh chấp và bảo đảm an ninh an toàn hàng hải khu vực.

Hội thảo khẳng định EU có lợi ích trong việc bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Nam Á, theo đó, EU cần có chính sách tổng thể đối với Đông Nam Á trong đó có vai trò tham gia giải quyết tranh chấp.

Phát biểu tại hội thảo, đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu đã nêu rõ quan điểm nhất quán về lập trường và thái độ của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, kiên trì giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và lợi ích của tất cả các bên liên quan, tuyệt đối không để xảy ra xung đột.

Ông còn nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là những vấn đề liên quan đến hai bên, hai bên đàm phán giải quyết, những vấn đề liên quan đến nhiều bên thì các bên cùng bàn bạc giải quyết.

Ông nhấn mạnh việc bảo đảm hòa bình và an ninh hàng hải khu vực cần có sự tham gia của tất cả các đối tác trong và ngoài khu vực, là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Theo ông, EU có thể đóng góp nhiều và cụ thể hơn cho việc giải quyết tranh chấp thông qua việc tiếp tục quan tâm đến tình hình khu vực, lên tiếng về vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm của các nước EU trong việc phân chia, quản lý lãnh hải và thềm lục địa.

Thỏa thuận mới đây nhất, được ký kết ngày 20.6.2011, giữa 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đưa ra một loạt nguyên tắc cơ bản có thể giúp giải quyết những tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông, phá vỡ sự bế tắc từ năm 2002.

Đọc tiếp...

Trật tự mới ở Biển Đông?

Comments
Trung Quốc đang làm căng với Ấn Độ về việc các tập đoàn dầu khí của Ấn Độ khẳng định tiếp tục thăm dò dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông với sự trợ giúp của Việt Nam. Trong lúc Tổng thống Philippines Benigno Aquino thông báo sẽ nêu vấn đề liên quan đến khu vực Biển Đông với giới lãnh đạo Nhật nhân chuyến thăm Tokyo từ ngày 24 – 29.9 tới.

>> Trung Quốc phản đối Ấn Độ khai thác dầu khí trên biển Đông
>> Vụ chạm trán Ấn - Trung ở Biển Đông và chính sách hướng Đông của Ấn Độ
>> Hải quân Ấn Độ và Trung Quốc: Thông điệp từ Biển Đông

Chủ tịch công ty Philex Petroleum Manny Pangilinan (thứ hai, phải), và ban giám đốc công ty cùng đại diện sở chứng khoán Philippines cử hành nghi thức rung chuông trong lúc công ty này được vào danh sách niêm yết tại sàn chứng khoán quận tài chính Makati của Manila hồi tuần trước. Công ty này đang bán cổ phần để gọi vốn cho một dự án khai thác khí thiên nhiên ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Ấn Độ không nhượng bộ Trung Quốc

Sau nhiều tháng phản đối ngoại giao đối với các dự án thăm dò dầu khí tại Biển Đông của Ấn Độ, cuối tuần qua, Trung Quốc lại một lần nữa cảnh báo Ấn Độ rằng đây là “vùng biển tranh chấp”. Ấn Độ đáp lại bằng yêu cầu Trung Quốc hãy thoái lui khỏi vùng Kashmir do Pakistan và Trung Quốc kiểm soát.

Đồng thời, với việc ký kết hợp tác với Việt Nam, thông cáo của bộ Ngoại giao Ấn Độ nêu rõ: “Thăm dò dầu khí là một lĩnh vực quan trọng trong tiến trình hợp tác với Việt Nam. Chúng tôi hợp tác với Việt Nam căn cứ trên luật lệ, công ước và chuẩn mực quốc tế”.

Ấn Độ cũng đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Việc tập đoàn dầu khí Ấn Độ (ONGC) triển khai công tác thăm dò tại Biển Đông được xem là cơ hội kinh doanh, trong lúc một nước khác có thể nhìn nhận đó là một vòng xoáy bất ổn địa – chính trị.

Sau khi Trung Quốc liên tục tăng cường lực lượng hải giám trên Biển Đông, Ấn Độ đã không ngại tiến bước vào khu vực này. Ngay lập tức, một bài xã luận trên Toàn cầu thời báo (Trung Quốc) đã nghiêm khắc cảnh báo: “Ấn Độ nên nhớ rằng động thái của họ tại Biển Đông sẽ đẩy Trung Quốc đến ngưỡng giới hạn. Trung Quốc trân trọng tình hữu nghị Trung – Ấn, nhưng không có nghĩa là đặt nó lên trên hết...”

Mỹ và Úc kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng đường lối ôn hoà

Năm ngoái, bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton đã nói rằng, để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, Mỹ “ưu tiên ngoại giao hàng đầu”. Nói một cách khác, Washington có quyền can thiệp vào vùng biển này.

Bắc Kinh cũng đã phản ứng mạnh bằng cách chặn chiến hạm INS Airavat của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam. Các nhà phân tích cho rằng một kịch bản khả dĩ là mối xung đột hải quân giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng lên trong thời gian tới. Harsh Pant, học giả các vấn đề quốc tế tại King’s College (Anh) nhận định, Ấn Độ phải mạnh mẽ bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên toàn bộ vùng Biển Đông. Đồng thời, Ấn Độ cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia khác trong khu vực, để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định ông sẽ thảo luận với Nhật về vấn đề thương mại không bị cản trở và quyền tự do hàng hải trong khu vực Biển Đông, trong chuyến thăm Nhật sắp tới. Coloma – người phát ngôn của tổng thống Philippines lập luận: Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc thời gian gần đây khá căng thẳng về vấn đề Biển Đông. Và cũng giống như Mỹ, Nhật là một trong các bên liên quan của trọng trách giữ hoà bình và ổn định trong khu vực. Vì vậy, đây là một vấn đề lợi ích chung giữa hai nước.

Trước chuyến thăm nêu trên, Philippines đã mạnh mẽ cáo buộc quân đội Trung Quốc nổ súng cảnh cáo đối với ngư dân Philippines, đặt phao tiêu, đánh dấu lãnh thổ của mình và quấy rối một tàu thăm dò dầu khí Philippines. Tuy mới đi thăm Trung Quốc để giảm bớt những căng thẳng tại Biển Đông, nhưng chính phủ của ông Aquino cũng đang đặt mục tiêu tìm kiếm viện trợ quân sự từ Mỹ để củng cố vị thế của họ trong khu vực.

Tuần trước, tại hội nghị Tham vấn bộ trưởng 2011 (AUSMIN), Mỹ và Úc đã cùng ra thông cáo chung phản đối sử dụng vũ lực trong tranh chấp Biển Đông. Hai nước tái khẳng định: tự do hàng hải, duy trì hoà bình – ổn định, tinh thần tôn trọng luật quốc tế, và giao thương hợp pháp không bị cản trở tại Biển Đông là lợi ích quốc gia với đôi bên, cũng như với cộng đồng quốc tế.

Mỹ và Úc kêu gọi các bên liên quan hãy minh định, theo đuổi các tuyên bố chủ quyền kèm theo các quyền lợi hàng hải theo đúng luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển. Washington và Canberra ủng hộ bản Tuyên bố hành xử của các bên ở Biển Đông 2002 giữa Trung Quốc với ASEAN, tiến tới một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc.

Đọc tiếp...

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Ấn Độ khẳng định hợp tác với Việt Nam tại Biển Đông

Comments

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash hôm qua tuyên bố New Delhi sẽ kiên quyết thực hiện kế hoạch hợp tác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông và khẳng định ý kiến phản đối của Trung Quốc là "không có cơ sở pháp lý".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash. Ảnh: Hindustan Times.

Tờ Hindustan Times dẫn lời ông Vishnu Prakash yêu cầu Trung Quốc từ bỏ việc cố ngăn cản công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại hai lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Ông khẳng định Ấn Độ sẽ quyết tâm thực hiện các kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

"Công ty ONGC Videsh Ltd đã phối hợp với Việt Nam thăm dò dầu khí ngoài khơi trong một thời gian và họ (Việt Nam) đang trong quá trình mở rộng hợp tác và một công ty khác là Essar Oil Ltd cũng đã được cấp phép thăm dò một lô khí đốt tại Việt Nam", ông Prakash nói thêm.

"Đây (năng lượng) là lĩnh vực hợp tác quan trọng và chúng tôi muốn phát triển việc này. Hợp tác giữa chúng tôi với Việt Nam hay với bất cứ nước nào khác trên thế giới đều tuân thủ luật pháp, quy tắc và công ước quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh. Ông cũng nhắc lại quan điểm của Ấn Độ về việc "ủng hộ tự do hàng hải tại Biển Đông".

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng bác bỏ việc Trung Quốc phản đối Ấn Độ hợp tác với Việt Nam thăm dò dầu khí tại Lô 127, Lô 128 thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Nghị nhấn mạnh: "Việt Nam khẳng định các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các dự án hợp tác tại Lô 127, 128, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, phù hợp với tập quán và thực tiễn quốc tế và các thỏa thuận đa phương và song phương mà Việt Nam ký kết".

Do đó theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì "các ý kiến phản đối sự hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài tại thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý và vô giá trị". Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Việt Nam yêu cầu các bên không có các hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Những tuyên bố chính thức của Việt Nam và Ấn Độ về hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai nước tại Biển Đông được đưa ra sau khi Trung Quốc gửi công hàm ngoại giao cho Ấn Độ, trong đó cảnh báo rằng nếu không có sự cho phép của Bắc Kinh thì công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) có hoạt động thăm dò tại các lô 127 và 128 là "bất hợp pháp".

Ngày 15/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du còn ngang nhiên tuyên bố: "Chúng tôi phản đối bất cứ nước nào có hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở các vùng biển thuộc Trung Quốc. Các công ty nước ngoài có liên quan không được tham gia vào Biển Đông".

Những tuyên bố nói trên của Trung Quốc về các dự án hợp tác dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được đưa ra đúng thời điểm đoàn đại biểu cấp cao Ấn Độ, gồm Ngoại trưởng S.M Krishna và Thứ trưởng Quốc phòng Shashi Kant Sharma, đang ở thăm Việt Nam.

Trong các cuộc gặp giữa đoàn đại biểu Ấn Độ và các quan chức Việt Nam, hai bên nhất trí về việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, các bên liên quan cần tránh sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông.

Đình Nguyễn

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Tổng thống Philippines ra sắc lệnh bảo vệ biển đảo

Comments

Tổng thống Philippines ra sắc lệnh bảo vệ biển đảo

Giữa lúc các tuyên bố chủ quyền hàng hải chưa được giải quyết ở Biển Đông giữa một số quốc gia, Tổng thống Benigno Aquino III đã ký một sắc lệnh nhằm đảm bảo rằng, toàn bộ quần đảo của Philippines sẽ được bảo vệ chống lại những mối đe dọa hàng hải cũng như các quan ngại an ninh khác.

Ông Aquino đã ký Sắc lệnh số 57 về việc thành lập Hệ thống giám sát bờ biển quốc gia (NCWS) và coi đó như một “cơ chế trung tâm liên ngành để tiếp cận phối hợp hơn về các vấn đề hàng hải và hoạt động an ninh trên biển, nhằm nâng cao việc quản lý lĩnh vực hàng hải của đất nước”.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã ký sắc lệnh thắt chặt an ninh biển đảo. Ảnh: asiancorrespondent

Ông Aquino đã ký sắc lệnh trên sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 5 ngày, nơi ông nói ông và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã nhất trí giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Tại Trung Quốc, ông nhấn mạnh, cả hai nước mong muốn duy trì hòa bình trong khu vực được cho là rất giàu trầm tích dầu và khí tự nhiên.

Theo Sắc lệnh 57, các hoạt động an ninh hàng hải của chính phủ giờ đây sẽ bao trùm toàn bộ quần đảo. “Khi ra sắc lệnh 57, Tổng thống nhấn mạnh quyết tâm vững chắc của chính phủ dành ưu tiên cho vấn đề an ninh hàng hải của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh đối mặt với những thách thức biển và các mối đe dọa như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn ma túy và vũ khí, buôn người, buôn lậu, biến đổi khí hậu, đánh cá trái phép, suy thoái môi trường biển và những quan ngại an ninh khác”, Chánh văn phòng Phủ tổng thống Paquito Ochoa Jr. nói trong một tuyên bố.

Sắc lệnh nêu rõ, chánh văn phòng sẽ là chủ tịch Hội đồng NCWC và chịu trách nhiệm “đưa ra các chỉ dẫn chiến lược và hướng dẫn chính sách cho NCWS, đặc biệt trong các hoạt động an ninh hàng hải và hợp tác xuyên biên giới về vấn đề an ninh hàng hải”.


NCWC cũng sẽ đảm nhận chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban các vấn đề hàng hải và đại dương - được thành lập năm 2007. Sắc lệnh mới đã giải thể cơ quan này.


Những thành viên của NCWC là các bộ trưởng, quan chức cấp cao về quốc phòng, giao thông, nội vụ, tư pháp, năng lượng, tài chính, môi trường…

Theo Ochoa, sắc lệnh mới điều hòa các chính sách, chương trình và hoạt động đối với công tác tình báo, kiểm soát biên giới, ngăn chặn và thực thi pháp luật của những cơ quan chính phủ như Hải quân, lực lượng Phòng vệ bờ biển, Cảnh sát Hàng hải quốc gia Philippines…

Sắc lệnh mới quy định, ngân sách ban đầu dành cho NCWS sẽ chủ yếu đến từ một tài khoản đặc biệt trong quỹ chung của Bộ Năng lượng. Tuy nhiên, cơ quan này có thể tiếp nhận quyên góp, đóng góp từ các nguồn trong nước hoặc nước ngoài phù hợp với quy định của chính phủ.

Trước đó, các báo Philippines đưa tin, nước này sẽ chi 4,95 tỉ peso (118 triệu USD) mua trực thăng và xây dựng các trạm rađa giám sát bờ biển để tăng cường khả năng bảo vệ các dự án kinh tế trên Biển Đông.

Bộ trưởng Ngân sách và Quản lý Philippines Florencio Abad cho biết, Tổng thống Aquino đã thông qua kế hoạch mua 6 trực thăng tìm kiến cứu nạn và tuần tra mới, trong đó 3 chiếc dành cho hải quân và 3 chiếc cho không quân. Lực lượng không quân sẽ xây dựng một sân bay trực thăng nhỏ trên đảo Palawan. Còn hải quân sẽ thiết lập 4 trạm rađa cảnh giới bờ biển để giám sát giao thông tàu, hỗ trợ ngăn chặn các hành vi xâm phạm bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của đất nước.

Thái An
Đọc tiếp...

Trung Quốc đưa tàu ngư chính lớn tới Hoàng Sa

Comments
Ngư chính 306 - tàu quản lý ngư trường lớn của Trung Quốc lần đầu tiên đã lên đường trong quyết định triển khai lâu dài tới vùng nước quanh quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.

Theo Tân hoa xã, hôm qua (2/9) con tàu này đã rời một cảng ở phía nam Trung Quốc. Hãng tin này nhất mạnh, con tàu có trọng lượng nước rẽ tối đa 400 tấn sẽ cùng với hai tàu quản lý ngư trường khác nhỏ hơn tuần tra vùng nước xung quanh quần đảo và bảo vệ chủ quyền hàng hải, quyền đánh bắt các cũng như các lợi ích của Trung Quốc


Tàu Ngư chính 306 đã rời cảng ở Quảng Châu, Trung Quốc ra Hoàng Sa. Ảnh: THX

Ngư chính 306 dài 56 mét, rộng 7,8 mét và cao 3,85 mét, có tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ.

Hồi đầu tháng 6, một tàu cá Trung Quốc có sự hỗ trợ của hai tàu ngư chính đã phá cáp tàu Viking 2 do PetroVietnam thuê để tiến hành hoạt động thăm dò địa chấn ở Biển Đông khi tàu Viking hoạt động hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo luật pháp quốc tế.

Trước đó không lâu, sáng 26/5, tàu hải giám Trung Quốc đã vi phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của PetroVietnam.

Lực lượng hải giám và ngư chính là 2 trong 5 tổ chức thực thi pháp luật biển của Trung Quốc - đang được gia tăng không ngừng cả quy mô lẫn kích cỡ.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc thường thiên về xu hướng sử dụng các tàu phi quân sự hoặc bán quân sự (kiểu như tàu hải giám, ngư chính…) để quấy nhiễu các tàu nước ngoài hoạt động ở các vùng đặc quyền kinh tế hoặc các vùng biển tranh chấp.

Hiện Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền về quần đảo Điếu Ngư (tiếng Nhật gọi là Senkaku) với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Nước này cũng ngày một quả quyết hơn trong tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) tại Biển Đông.

Thái An

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Trung Quốc và chiến thuật “sóng biển” với ASEAN

Comments

Sau khi loạt bài Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của TS Nguyễn Hồng Thao (ảnh) được đăng tải, Thanh Niên đã nhận được nhiều thư của bạn đọc bày tỏ mong muốn tìm hiểu thêm.

Thanh Niên đã phỏng vấn TS Nguyễn Hồng Thao về sự ra đời của công trình trên cũng như những vấn đề ở biển Đông hiện nay dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu.

Ông đánh giá như thế nào về những diễn biến mới trên biển Đông trong hơn 10 năm qua kể từ khi công trình này hoàn thành?

Sau nhiều năm, mặc dù đã có rất nhiều thay đổi, rất nhiều phức tạp, nhưng dòng chảy chính chủ đạo trên biển Đông vẫn là kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, giữ gìn an ninh, ổn định trên biển vì lợi ích của mỗi nước, của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm qua, đã có rất nhiều tranh chấp biển trong khu vực được giải quyết, trong đó VN và Malaysia là hai quốc gia đi đầu trong khu vực về việc áp dụng UNCLOS 1982 để giải quyết các tranh chấp biển. VN đã giải quyết thành công các tranh chấp biển với Thái Lan, Malaysia, Indonesia ở biển Đông và với Trung Quốc (TQ) trong vịnh Bắc Bộ.

Tác phẩm của tôi được giải thưởng có lẽ cũng nhờ tính tổng hợp, phân tích sự kiện và dự báo xu hướng phát triển của nó. Nhiều nghiên cứu, kiến nghị trong tác phẩm như áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến điều chỉnh trong vịnh Bắc Bộ, khả năng cần xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đã được kiểm nghiệm trên thực tế. Tất nhiên tác phẩm chỉ là một ý kiến nhỏ nhoi trong rất nhiều ý kiến cùng chung ý tưởng về COC. Chúng đã được đưa ra vào thời điểm mà nhiều người cho rằng rất ít khả năng thành hiện thực. Mọi người đều biết lúc đầu có nước đã không đồng ý thảo luận bất cứ cái gì về COC.

Mặc dù được cho là không có nhiều bằng chứng xác đáng về chủ quyền ở biển Đông nhưng TQ lại có nhiều luận án, công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề này được công bố ra quốc tế. Ông nhận định thế nào về thực tế này?

Đúng là nhìn về số lượng các tác phẩm, các bài viết trên các tạp chí nước ngoài, các luận án tiến sĩ, người TQ có nhiều hơn, song chất lượng các nghiên cứu công bố khoa học của các tác giả VN ngày càng cao, ngày càng được chú ý. Ví dụ như vấn đề về đường lưỡi bò, tại các hội thảo quốc tế, các học giả TQ thường không trả lời được chất vấn của các nhà khoa học quốc tế (không phải chỉ quốc tịch VN đâu). Các nhà khoa học quốc tế đồng tình với lập luận của VN. Khoa học cần có sự khách quan, trung thực chứ không cần vũ lực. Chẳng phải Galileo bị ép buộc bằng vũ lực, đe dọa nhưng cuối cùng vẫn nói: "Dù sao thì trái đất vẫn quay" đó sao.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy rằng còn có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn phải vượt qua để nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu của VN công bố ra quốc tế. Chúng ta cần nghiên cứu vấn đề một cách tổng thể, bài bản, chứ không chỉ riêng khía cạnh lịch sử. Mọi giải pháp cuối cùng để giải quyết tranh chấp đều là giải pháp tổng thể pháp lý chính trị chứ không phải lịch sử hay quân sự, kinh tế đơn thuần. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục lịch sử, giáo dục về lòng yêu nước thì việc trang bị kiến thức luật quốc tế trong các trường ĐH, viện nghiên cứu là rất quan trọng.

Chúng ta cũng cần làm tốt công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, phân loại, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu được tiếp xúc tư liệu một cách dễ dàng, tạo môi trường học thuật trao đổi khoa học. Cần khuyến khích những nhà nghiên cứu trẻ mạnh dạn viết bài cho các tạp chí luật quốc tế và luật biển trên thế giới. Vừa qua, anh Nguyễn Đăng Thắng, một nghiên cứu sinh trẻ đang theo học tại ĐH Cambrigde (Vương quốc Anh) đã cùng tôi hoàn thành một bài viết về "đường lưỡi bò" đăng trên một trong những tạp chí hàng đầu về luật biển là Ocean Development & International Law trong quý 3/2011.

Còn về những động thái của TQ, đặc biệt trong chuỗi các hoạt động mà TQ đã thực hiện từ nhiều năm qua trong việc biến các khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp?

Các hoạt động của TQ ở biển Đông ngay từ những năm 1990 đã được các nhà nghiên cứu quốc tế đặt tên là "chiến thuật gặm nhấm". Tôi thì thích dùng hình tượng "chiến thuật sóng biển" để khái quát hóa các động thái gần đây của TQ ở biển Đông hơn. Trước mỗi cơn bão, sóng biển xô bờ với bước sóng ngày càng ngắn và cao độ ngày càng lớn hơn. Sóng xô vào rồi rút ra. Bạn nghĩ an toàn rồi, chịu được thì cơn sóng khác lại ập đến to hơn, cao hơn. Bạn vượt qua quen dần, không phòng bị cho đến khi cơn bão quật đến.

Năm 1992 khi VN có phản ứng vụ Crestone(*), TQ đã tạm dừng. Tới 1995, TQ quay sang Philippines ở Đá Vành Khăn. 1996 là vụ đường cơ sở ở Hoàng Sa. 1998, TQ đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá. Lo ngại dấy lên, các nước lên tiếng, TQ tạm thời dịu đi và ký DOC. Sau đó là Hiệp định khảo sát Trung - Phi (2004). Bị phản đối, họ lùi chấp nhận Thỏa thuận ba bên Trung - Phi - Việt (2005). Khi thỏa thuận này kết thúc 2008 thì 2009 TQ đưa đường lưỡi bò ra LHQ. Vừa qua là các vụ quấy nhiễu Philippines ở Bãi Cỏ Rong, cắt cáp tàu Bình Minh II và Viking 2 trên thềm lục địa VN. Khi bị phản đối dữ dội, Bản hướng dẫn thực thi DOC được ký nhưng sau đó lại là tàu sân bay và dàn khoan trên biển.

Mỗi lần TQ phô trương sức mạnh đều cố đạt một cái gì đó, tạo sự đã rồi và xoa dịu dư luận bằng một bước lùi nhẹ trước khi tiến một bước dài mới. Vì vậy, tình hình sẽ còn phức tạp nếu các nước ASEAN không đoàn kết, dư luận thế giới không đồng lòng ngăn chặn kịp thời các bước phiêu lưu đe dọa hòa bình ổn định ở biển Đông.

TQ từng đưa ra và hiện vẫn bảo lưu quan điểm gác tranh chấp cùng khai thác? Tuy nhiên quan điểm này dường như không được các bên liên quan đồng thuận. Xin ông phân tích, lý giải một vài vấn đề liên quan đến quan điểm này.

"Gác tranh chấp, cùng khai thác" được cho là sáng kiến của ông Đặng Tiểu Bình và lần đầu tiên được công khai năm 1991. Thực chất chủ trương đó là "Chủ quyền của ta, gác tranh chấp, cùng khai thác" nghĩa là chủ quyền trên biển Đông là thuộc TQ, hiện TQ chưa thu phục hết được thì tạm thời gác tranh chấp lại cùng nhau khai thác. Mô hình này cũng từng được áp dụng trong quan hệ Trung - Nhật ở biển Hoa Đông nhưng thất bại.

Một nhà nghiên cứu nước ngoài đã gọi chủ trương này là kiểu khai thác "vùng biển của TQ nằm trên thềm lục địa của nước khác", tức TQ chỉ chủ trương khai thác chung trên các vùng biển và thềm lục địa ven bờ thuộc chủ quyền của nước khác như Tư Chính, Bãi Cỏ Rong. Hoàng Sa cũng là khu vực tranh chấp nhưng TQ không bao giờ bàn tới "gác tranh chấp cùng khai thác" ở đây. Ngư dân VN vẫn bị bắt giữ xua đuổi ở ngay chính vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VN.

"Gác tranh chấp, cùng khai thác" nhằm vào các khu vực gần bờ nước khác, lân cận với đường lưỡi bò là một cách để hiện thực hóa con đường này nếu chủ trương trên được chấp nhận. Điều đó lý giải vì sao các nước không thể chấp nhận. Hợp tác cùng phát triển là một giải pháp tạm thời có thể áp dụng ở những khu vực thực sự có tranh chấp, có phạm vi và cơ chế hợp tác rõ ràng, không ảnh hưởng tới vấn đề chủ quyền. Hợp tác cùng phát triển không phải là "gác tranh chấp, cùng khai thác".

Trong công trình nghiên cứu của mình, ông cũng đã nêu ra một số giải pháp cho vấn đề biển Đông. Đâu là yếu tố thuận lợi và thách thức cho việc biến các giải pháp này thành hiện thực?

Theo luật quốc tế, các bên có nhiều giải pháp giải quyết tranh chấp như đàm phán, trung gian, hòa giải, hợp tác cùng phát triển, tòa án quốc tế hay tòa án luật biển quốc tế hoặc bất kỳ một biện pháp nào khác mà các bên thỏa thuận. Cái chính là thiện chí của các bên tranh chấp. Muốn có thiện chí phải xây dựng được lòng tin.

Lập trường của VN được nêu từ năm 1995 là giữ nguyên trạng, không làm gì phức tạp thêm tình hình, đàm phán song phương với những vấn đề song phương, đàm phán đa phương với những tranh chấp liên quan đến nhiều bên, xây dựng COC như biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán. Lập trường này được rất nhiều nước và tổ chức quốc tế ủng hộ. Đó là những yếu tố thuận lợi để biến các giải pháp này thành hiện thực.

Bên cạnh đó có những thách thức như sự cạnh tranh Mỹ - Trung, đường lưỡi bò, chủ nghĩa dân tộc, cơ chế kiểm soát và kiềm chế xung đột còn lỏng lẻo, chưa có một văn bản pháp lý mang tính ràng buộc cao, khả năng sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực làm cho các giải pháp chưa thể có hiệu quả, đòi hỏi các bên phải nỗ lực hơn nữa.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

Tác phẩm Việt Nam và các tranh chấp biển trong biển Đông mà Thanh Niên lược đăng thời gian qua được khởi đầu từ luận án tiến sĩ luật quốc tế "VN đối mặt với việc mở rộng biển trong biển Đông" được nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Thao bảo vệ năm 1996 tại trường ĐH Paris I Panthéon-Sorbonne.

TS Nguyễn Hồng Thao nguyên là chiến sĩ hải quân, phục vụ trong Lữ đoàn 125 mà tiền thân là đoàn tàu không số trên biển Đông. "Những chuyến đi biển gắn bó với Trường Sa trong những năm tháng khó khăn, sự hy sinh của đồng đội, những tấm gương quả cảm của những anh em cùng đơn vị như thuyền trưởng Vũ Huy Lễ, người đã lái tàu 501 thuộc Lữ đoàn 125 lao lên đá ngầm Gaven hy sinh tàu để bảo vệ đảo, bảo vệ đồng đội, những tình cảm mà Đô đốc Giáp Văn Cương không ngại tuổi già cùng chúng tôi ra đảo, sâu sát từng chiến sĩ và đồng bào, đồng chí đã dành cho chúng tôi, những người lính bảo vệ và vận tải tiếp tế cho Trường Sa... là nguồn động lực lớn để tôi hoàn thành luận văn này với hơn 1.000 trang", TS Nguyễn Hồng Thao tâm sự.

Nguyên Phong Đọc tiếp...

Trung Quốc phản đối Ấn Độ khai thác dầu khí trên biển Đông

Comments

SGTT.VN - Ấn Độ đã bác bỏ phản đối của Trung Quốc về việc ngăn cản Ấn Độ thăm dò khai thác dầu khí tại lô 127 và 128 của Việt Nam trên biển Đông.


Ngày 15.9, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du tuyên bố tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng: "Tôi muốn tái khẳng định rằng Trung Quốc được hưởng chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Đông và các hải đảo. Vị trí của Trung Quốc là dựa trên những sự kiện lịch sử và luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc".

Ngoài ra, theo báo Hindustan Times, Bắc Kinh đã gửi công hàm ngoại giao cảnh báo rằng nếu không có sự cho phép của Trung Quốc thì hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Ấn Độ ONGC Videsh Ltd (OVL) tại các lô dầu 127 và 128 là bất hợp pháp.

Tuy nhiên, bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết việc ngăn cản của Trung Quốc là "không có cơ sở pháp lý" vì đây là khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Một quan chức bộ Ngoại giao Ấn Độ (không nêu tên) cho biết: “Trong khi Ấn Độ trả lời phản đối tuyên bố của Trung Quốc thì vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận trong chuyến thăm Việt Nam của bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ SM Krishna vào ngày 16.9 tới". Ông nói thêm: "Chúng tôi làm theo đúng những gì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nói và chúng tôi đã truyền đạt lại với Chính phủ Trung Quốc"

Theo bộ Ngoại giao Ấn Độ, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối với các lô dầu mỏ 127 và 128 theo Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982.

Tuyết Hạnh (Hindustan Times, Bloomberg, Moneycontrol.com)

Đọc tiếp...

Việt Nam ủng hộ Ấn Độ hiện diện ở châu Á - TBD

Comments
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực có đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực.


Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma đã đồng chủ trì Đối thoại Quốc phòng cấp thứ trưởng Việt Nam - Ấn Độ lần thứ 6 ngày 14/9 tại Hà Nội.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là trụ cột trong hợp tác song phương giữa hai nước, vì vậy những nhân tố tích cực trong cuộc Đối thoại lần thứ 6 sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác quốc phòng cũng như quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.

Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực đã và đang có đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy Việt Nam ủng hộ sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực.

“Việt Nam hoan nghênh các tàu chiến của Ấn Độ tới giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vận hành các trang thiết bị hiện đại, kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai”, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Nhấn mạnh tới các lĩnh vực quốc phòng cần tăng cường hợp tác trong thời gian tới, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, cần duy trì trao đổi đoàn các cấp thường xuyên; duy trì Đối thoại Quốc phòng cấp thứ trưởng; tăng cường giao lưu sĩ quan trẻ; hợp tác trong lĩnh vực đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác cứu hộ cứu nạn, cứu trợ thảm họa thiên tai.

Ngoài ra, Việt Nam cũng muốn Ấn Độ chia sẻ kinh nghiệm về công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc mà Việt Nam chuẩn bị tham gia. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng mong muốn Ấn Độ tiếp tục ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, chia sẻ thông tin và sự hiểu biết chung về tình hình khu vực và thế giới.

Thư ký Quốc phòng Shashi Kant Sharma khẳng định, Ấn Độ mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ các thông tin liên quan tới khủng bố; tăng cường hợp tác thông tin tình báo, hợp tác đào tạo ngoại ngữ cho sĩ quan cả hai phía.

Ấn Độ sẽ làm hết sức mình giúp đỡ Việt Nam trên các lĩnh vực có thế mạnh như hải quân, không quân, công nghiệp quốc phòng… So với tổng thể quan hệ với các nước, quan hệ Ấn Độ - Việt Nam là quan hệ bền chặt nhất trên tất cả các lĩnh vực”, ông nói.

Tiếp Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma chiều 14/9, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng cho hay Việt Nam mong muốn phía Ấn Độ tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong công tác xây dựng quân đội, khoa học kỹ thuật quân sự, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực quân sự.

Thư ký Quốc phòng Ấn Độ Shashi Kant Sharma nói, trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ, Việt Nam luôn là ưu tiên quan trọng nhất. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, quan hệ quốc phòng giữa hai quân đội cần nâng lên tầm cao mới.
Đọc tiếp...

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Đại sứ Mỹ: 'Biển Đông là mối quan tâm lớn'

Comments

Đại sứ Mỹ: 'Biển Đông là mối quan tâm lớn'

"Mỹ có lợi ích quốc gia đối với hòa bình, ổn định ở Biển Đông cũng như về an ninh hàng hải và tự do đi lại. Chúng tôi quan ngại về đe dọa vũ lực và Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao giữa các nước có quan hệ trực tiếp", tân đại sứ Mỹ David Shear nêu quan điểm.
> Clip Đại sứ Mỹ chào Việt Nam

Dưới đây là nội dung cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với độc giả VnExpress chiều 14/9 của tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B Shear.

Tổng biên tập VnExpress Thang Đức Thắng chào đón Đại sứ Mỹ David Shear tại tòa soạn. Ảnh: Hoàng Hà.

- Xin chào mừng ngài đến Việt Nam, xin hỏi ấn tượng mạnh mẽ nhất của ngài khi đến công tác tại đất nước chúng tôi? (Thu Mai, 24 tuổi, Hà Nội)

- Tôi muốn quay trở lại năm 2007 khi tôi cùng vợ con tới Việt Nam với tư cách là khách du lịch. Khi đó, chúng tôi đã ở khu phố cổ Hà Nội, đi Hạ Long - Hải Phòng, Đà Nẵng - Hội An. Chúng tôi rất ấn tượng về sự nhiệt tình, hiếu khách của người Việt Nam, về sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Lúc đầu, chúng tôi hơi sợ về giao thông nhưng sau đó đã quen.

Gia đình chúng tôi cũng rất thích ẩm thực, đặc biệt là đồ ăn Việt Nam. Do đó, chúng tôi quyết định sẽ trở lại Việt Nam một ngày gần nhất. Tôi rất vui khi trở thành đại sứ ở Việt Nam. Đây là thời kỳ rất thú vị của Việt Nam. Nếu các bạn đã xem video chào mừng tôi đến Việt Nam, chắc các bạn cũng biết sự phấn khởi của tôi khi tới nước các bạn. Cách đây ít hôm, tôi có đi máy bay tới Đà Nẵng. Có người ngồi cạnh tôi và hỏi: "Ông là đại sứ Mỹ mới tại Việt Nam. Tôi đã xem video của ông". Tôi rất vui vì điều đó.

- Chào mừng ngài tới Việt Nam. Gia đình ngài phản ứng như thế nào khi biết ngài sẽ tới Việt Nam công tác? (Hoàng Anh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Gia đình tôi rất phấn khởi. Bản thân tôi thấy mình có vinh dự đặc biệt khi được chọn làm đại sứ và cá nhân tôi cũng cảm thấy rất vui khi làm việc tại đây. Có lẽ tôi chưa nói điều này trước công chúng bao giờ. Trong gia đình tôi có một người họ hàng gốc Việt. Họ rất vui khi biết tôi tới Việt Nam.

- Những thách thức cũ và mới mà ông sẽ gặp phải khi nhậm chức tại Việt Nam? (Tran Quoc Tuan, 25 tuổi, Q Phú Nhuận)

- Một trong những thách thức còn tồn tại là các di sản của chiến tranh. Chúng ta đều đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm khi cùng xử lý những vấn đề đó. Còn những thách thức mới đây là duy trì đà của quan hệ kinh tế trong bối cảnh có những bất ổn trên toàn cầu. Chúng tôi cần phải làm việc chặt chẽ với các đối tác của Việt Nam để đảm bảo rằng quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn vững mạnh và tự do.

Tôi cam kết xây dựng quan hệ vững mạnh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi cũng tin rằng các đối tác của tôi cũng như vậy.

Xin hỏi Bộ trưởng nào ở Việt Nam mà ông sẽ gặp đầu tiên trên cương vị đại sứ không kể Bộ trưởng Ngoại giao? Ông có ấn tượng gì về người đầu tiên ông gặp? (Thanh Lâm, 31 tuổi, Đà Nẵng)

- Người đầu tiên tôi gặp gỡ ở phía Việt Nam là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 29/8 khi tôi trình quốc thư. Tôi đã gặp thủ tướng và tổng bí thư vào buổi tiệc nhân ngày quốc khánh mùng 2/9. Tôi cũng sẽ có cuộc gặp xã giao với quan chức ở Hà Nội vào thời điểm thuận lợi với họ.

Tôi đã gặp ông Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, khi đó ông là Thứ trưởng khi ông đi thăm Mỹ vào mùa xuân năm nay. Tôi cũng mong gặp lại ông ấy trên tư cách là đại sứ Hoa Kỳ. Tôi rất ấn tượng với các quan chức Việt Nam về năng lực và nhiệt huyết của họ trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước. Thường họ nói tiếng Anh tốt hơn là tôi nói tiếng Việt nên tôi còn phải học hỏi nhiều.

Đại sứ Mỹ David B. Shear (giữa) trong buổi phỏng vấn trực tuyến với độc giả VnExpress. Ảnh: Hoàng Hà.

Quan hệ đối tác chiến lược

- Theo như ngài nói, điều quan trọng nhất là phải xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Việt Nam. Vậy hiện nay, lòng tin đã có hay chưa và nếu có thì ngài đánh giá khoảng bao nhiêu %? (Hoàng Chí Thành, 33 tuổi, Đồng Nai)

- Tôi không biết bao nhiêu %. Tuy nhiên, tôi có thể nói quan hệ giữa hai nước đã có bước phát triển lớn. Lòng tin đó đang được xây dựng trên những mối quan tâm, lợi ích chung. Khi chúng ta có những mối quan tâm chung mạnh mẽ thì lòng tin cũng bắt đầu được xây dựng.

Nền tảng tốt nhất là trên cơ sở những mối quan tâm, lợi ích chung. Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tăng cường lòng tin và việc tìm hiểu những mối quan tâm chung, từ đó tôi hy vọng chúng ta có thể xây dựng lòng tin và cùng theo đuổi những lợi ích chung.

- Quan hệ Việt - Mỹ đang tiến triển khá tốt đẹp, xin ngài cho biết cản trở lớn nhất cho việc hai bên trở thành đối tác chiến lược của nhau hiện nay là gì, liệu có phải là quá khứ hay khác biệt chính trị không? (Lương Hùng, 24 tuổi, TP HCM)

- Tôi nghĩ những thách thức và cản trở với quan hệ hai nước ít liên quan tới quá khứ hay chính trị, mà đó là vấn đề chúng ta giải quyết hằng ngày như tăng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam. Nó ít mang tính khái niệm và mang tính thực tiễn nhiều hơn. Đây là lúc các nhà ngoại giao thể hiện vai trò của mình. Các bạn có một đại sứ quán tốt ở Hoa Kỳ. Chúng tôi và đội ngũ nhân viên ngoại giao của chúng tôi ở Việt Nam rất nhiệt tình. Một phần trong nhiệm vụ của chúng tôi là khắc phục khó khăn đó để cải thiện quan hệ hai nước.

- Người Việt Nam chơi với bạn bè bao giờ cũng tin tưởng tuyệt đối và chân thành hết mức, coi nhau như anh em. Ông có nghĩ quan hệ Việt - Mỹ sẽ đạt được tầm vóc ấy không? (Nguyễn Thế Hùng, 56 tuổi, Số 10, Đào Tấn, Hà nội)

- Nếu như đối tác Việt Nam nghĩ về đất nước tôi và tôi với mức độ tin cậy như vậy thì chúng ta sẽ có khởi đầu rất tốt. Ngoại giao tốt là dựa trên lòng tin. Sự hợp tác trong ngoại giao dựa trên cơ sở trao đổi thông tin một cách chân thành. Tôi mong là sẽ làm việc với đối tác Việt Nam trên cơ sở như vậy.

- Xin chào đại sứ. Việt Nam thực sự muốn là bạn của Mỹ, người Việt không còn cố chấp khi nghĩ lại đau thương trong chiến tranh. Xin hỏi ngài vấn đề mà Mỹ có vướng mắc trong vấn đề nhân quyền chiếm bao nhiêu phần trăm trong quan hệ với Việt Nam (Vũ Hải, 40 tuổi, 351 Lê Thánh Tông, TP Thanh Hóa)

- Nhân quyền là vấn đề cơ bản trong cách người Mỹ nghĩ về thế giới. Vì vậy không có đại sứ Mỹ nào ở bất cứ nơi nào trên thế giới bỏ qua vấn đề nhân quyền. Đôi khi chúng tôi có bất đồng với đối tác của chúng tôi về vấn đề nhân quyền, song chúng tôi hy vọng sẽ củng cố đối thoại về vấn đề này.

Cùng với việc quan hệ kinh tế và đối tác của chúng ta phát triển, chúng ta sẽ có khả năng nói một cách thoải mái hơn về vấn đề này song song với sự phát triển trong các lĩnh vực khác.

- Trong thời gian gần đây, quan hệ thương mại giữa hai nước liên tục phát triển. Xin hỏi trong thời gian tới những mặt hàng nào Hoa Kỳ có nhu cầu cao mà Việt Nam có thể cung cấp? Hoa Kỳ có dành ưu đãi gì cho Việt Nam trong thời gian tới không? Xin cảm ơn. (Nguyễn Phương Trang, 39 tuổi, Hà Nội)

- Quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta dựa trên cơ sở hiệp định thương mại song phương được ký năm 2001. Khi chúng ta đạt thỏa thuận về hiệp định đó, con số kim ngạch thương mại hai chiều chỉ là 1,5 tỷ USD. Chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi ký hiệp định, kim ngạch đã tăng lên 18,6 tỷ USD. Có sự mất cân đối trong cán cân thương mại có lợi cho Việt Nam.

Cả hai bên đều hưởng lợi từ quan hệ thương mại này. Tôi hy vọng chúng ta có thể mở rộng hơn nữa mối quan hệ này trong thời gian tôi làm đại sứ. Tôi tin rằng có nhiều hàng hóa của Việt Nam có tính cạnh tranh cao và có thể xuất khẩu. Tôi thấy một điều thú vị là trị giá hàng nông sản mà hai bên xuất sang nhau đều đạt hàng tỷ USD. Mối quan hệ này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm cho cả người Việt và người Mỹ.

Chúng ta đang đàm phán hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương. Chúng tôi rất vui vì Việt Nam tham gia vào cuộc đàm phán này. Cũng như mọi cuộc đàm phán thương mại, đây là cuộc đàm phán khó khăn. Nhưng nếu chúng ta thành công, lợi ích sẽ rất to lớn, giống như tự do hóa thương mại hai chiều, tự do hóa đầu tư. Khi tôi làm đại sứ ở đây, tôi sẽ làm việc tích cực cho hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

- Thưa ngài đại sứ, liệu Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể thực hiện chuyến thăm đến Việt Nam trong nhiệm kỳ của ngài hay không? (Chau Van Mot, 27 tuổi, Ha Noi)

- Tôi rất vui nếu Tổng thống Barack Obama có thể thăm Việt Nam. Một cuộc trao đổi cấp cao như vậy sẽ rất hữu ích. Tôi cũng hy vọng một chuyến thăm tương tự như vậy của Việt Nam tới Mỹ.


Hợp tác quân sự và vấn đề Biển Đông

- Quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển tốt đẹp trong 16 năm qua. Vậy ngài Đại sứ có cho rằng hai nước sẽ có kế hoạch tập trận chung như Mỹ đã làm với nhiều nước châu Á? (Lynnfield, 31 tuổi, California)

- Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sang thăm Việt Nam vào cuối năm ngoái, ông có thoả thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam rằng hai bên sẽ làm việc với nhau trong một số lĩnh vực quốc phòng.

Quân đội hai nước đã đồng ý sẽ làm việc chặt chẽ hơn với nhau về lĩnh vực cứu trợ thiên tai và nhân đạo, cứu nạn và giữ gìn an ninh hàng hải. Chúng ta cũng đã có những cuộc thăm viếng của các tàu hải quân rất thành công gần đây. Chúng ta cũng có những cuộc thăm viếng giữa các quan chức quốc phòng rất tốt đẹp.

Chúng ta sẽ sử dụng những nền tảng tốt như vậy để củng cố quan hệ quốc phòng. Sau đó, chúng ta sẽ đánh giá những bước đi tiếp theo.

- Không ai muốn chiến tranh xảy ra, nhưng trong bối cảnh Biển Đông diễn biến căng thẳng, theo ông Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu xung đột xảy ra? (Thành Quang, 32 tuổi, Hà Nội)

- Tôi nghĩ rằng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp mang tính giả định rất nhiều. Không bên nào đưa ra những tuyên bố chủ quyền muốn có xung đột. Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ đều không mong muốn chiến tranh. Mỹ ủng hộ ngoại giao hợp tác qua đó các bên có thể giải quyết được vấn đề.

Chúng tôi rất quan ngại về những lời đe dọa sử dụng vũ lực. Chúng tôi theo dõi tình hình một cách chặt chẽ và mong muốn những vấn đề này được giải quyết trong phạm vi vấn đề ngoại giao. Chúng tôi sẽ làm việc trong các diễn đàn như ASEAN để những vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình, hợp tác.

- Theo ông, khả năng vấn đề Biển Đông được đưa ra bàn tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á mà Mỹ lần đầu tham gia vào tháng 11 này như thế nào? (Huỳnh Văn Phước, 48 tuổi, Đồng Nai)

- Chúng tôi luôn mong có những cơ hội để thảo luận những vấn đề quan trọng như Biển Đông tại những diễn đàn quốc tế. Vấn đề Biển Đông sẽ được bàn thảo cụ thể như thế nào trong khuôn khổ Thượng đỉnh Đông Á là vấn đề mà các nhà ngoại giao chúng tôi sẽ thảo luận từ nay cho đến tháng 11. Tôi không thể nói vấn đề này được bàn thế nào trong Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nhưng tôi có thể nói đây là vấn đề quan trọng đối với chúng tôi.

Đây là mối quan tâm lớn của chúng tôi trong hội nghị thượng đỉnh Đông Á.

-- Cảm nhận về quan chức Việt Nam, ngài vừa nói: "Thường họ nói tiếng Anh tốt hơn là tôi nói tiếng Việt... ", ngài thật hài hước và vui tính. Xin hỏi, ngài nghĩ thế nào về những phát ngôn và hành động của Trung Quốc xung quanh những va chạm với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông thời gian gần đây. (Trần Văn Quang, 29 tuổi, Da Nang)

- Như tôi đã nói ở trước, chúng tôi theo dõi với mối quan ngại về đe dọa vũ lực. Chúng tôi ủng hộ tiến trình ngoại giao có tính hợp tác giữa các nước có quan hệ trực tiếp. Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia lớn đối với hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông cũng như về an ninh hàng hải và tự do đi lại. Chúng tôi cũng ủng hộ nỗ lực các bên có chủ quyền để đạt được bản quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

- Theo tôi hiện châu Á chưa có một nước nào đủ khả năng dẫn dắt toàn khu vực về liên kết kinh tế, xã hội, vậy theo ông Mỹ sẽ giữ vai trò thế nào về lĩnh vực này ở khu vực châu Á? (Nguyễn Thanh, 43 tuổi, Hải Phòng)

- Hoa Kỳ muốn có hòa bình, ổn định trong khu vực để tất cả các nước Đông Nam Á có sự thịnh vượng, hòa bình với mức độ linh hoạt tối đa. Chúng tôi thấy các điều kiện hiện nay trong khu vực mang lại cơ hội kinh tế rất lớn, cơ hội hội nhập hơn nữa, đặc biệt trong khu vực ASEAN.

Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ tiến trình đó và chúng tôi có lợi ích kinh tế, an ninh trong khu vực và chúng tôi muốn duy trì lợi ích, ảnh hưởng của chúng tôi trong khu vực. Tôi cho rằng Hoa Kỳ đóng góp rất lớn về kinh tế, chính trị, quân sự ở khu vực Đông Á và điều này đóng góp cho sự thịnh vượng ở khu vực. Chúng tôi mong muốn điều này sẽ tiếp tục.


Hợp tác giáo dục, du lịch

- Chúng tôi cảm thấy bất tiện khi mỗi năm lại phải gia hạn visa của mình khi học tại Mỹ. Xin hỏi tại sao các sinh viên Việt Nam học tại Mỹ chỉ được visa F1 có thời hạn một năm, trong khi sinh viên các nước khác lại được visa F1 có giá trị 5 năm? Ngài có giải pháp gì cho vấn đề này không? (Nguyen Duy, 27 tuổi, Hà Nội)

- Chúng tôi cũng muốn gia hạn thời hạn visa F1 nhưng cách mà chúng tôi quyết định thời hạn visa được dựa trên cơ sở có qua có lại. Chúng tôi đã đề xuất với phía Việt Nam về việc cả hai nước cùng kéo dài thời hạn visa cho sinh viên trên cơ sở có qua có lại. Chúng tôi cho rằng nới rộng thời hạn visa cho sinh viên sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc đi lại của họ. Chúng tôi tôi đang thảo luận về vấn đề này. Thỏa thuận phải đạt được trên cơ sở có qua có lại.

- Hi Mr. David Shear, Firstly, I would like to thank you for spending your precious time to answer our questions. Secondly, my question is: I know that the US is now facing with some certain difficulties. So will these adversely impact on your committed effort in providing educational assistance for Vietnamese students? (Nguyễn Thái Thanh, 28 tuổi, 12 Nguyen Thi Dinh, Trung Hoa, Cau Giay)

(Thưa ngài, tôi xin cảm ơn ngài đã dành thời gian quý báu để trả lời câu hỏi của chúng tôi. Tôi được biết nước Mỹ hiện nay cũng có các khó khăn. Liệu những điều này có ảnh hưởng đến cam kết trợ giúp giáo dục cho sinh viên Việt Nam hay không?)

- Về tình hình hiện nay của nước Mỹ thì nước Mỹ có nền kinh tế và xã hội kiên cường. Chúng tôi đã từng trải qua những khó khăn và sau đó đều phục hồi được. Chúng tôi rất nồng nhiệt chào đón các sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ. Chúng tôi cho rằng sự hiện diện của sinh viên Việt Nam ở Mỹ làm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước chúng ta.

Chúng tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội lớn cho sinh viên Việt Nam tìm học bổng và các hỗ trợ khác khi theo học ở Mỹ. Các bạn có thể bắt đầu tìm kiếm các cơ hội đó bằng việc tới thăm trung tâm Hoa Kỳ và Trung tâm tư vấn giáo dục Hoa Kỳ (Education USA) của chúng tôi tại Đại sứ quán Mỹ. Chúng tôi có rất nhiều thông tin về đại học cao đẳng và học bổng ở đây. Chúng tôi hoan nghênh và chào đón bất cứ ai có tiềm năng đi thăm Mỹ.

Chúng tôi cũng có hai trang web rất tốt của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Hai trang web đó có nhiều thông tin rất bổ ích.

- Tôi đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về ADN, với chuyên đề xác nhận danh tính cho các liệt sỹ trong chiến tranh. Tôi rất muốn được tiếp cận với kỹ thuật này của khoa học Mỹ. Ông có thể giúp tôi điều kiện để thực hiện ý định này không?(Vũ Anh Tuấn, 33 tuổi, Hà Nội)

- Giữa hai nước có sự hợp tác tích cực để tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh và trên cơ sở hợp tác này chúng ta xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp như hiện nay. Đó là lý do tôi thăm Đà Nẵng, dự một lễ trao trả hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích, tới một điểm khắc phục hậu quả chất da cam ở Đà Nẵng, thăm một bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng ở Đà Nẵng. Chúng tôi cũng giúp đỡ Việt Nam tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh.

Vào vào tháng 11/2010, chúng tôi đạt thỏa thuận với Việt Nam về việc cung cấp một triệu USD và kỹ thuật để trợ giúp Việt Nam tìm kiếm người mất tích. Vì vậy chúng tôi hoan nghênh mối quan tâm của anh trong lĩnh vực này. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác trong tương lai và cám ơn sự quan tâm của bạn.

- Tôi muốn hỏi sắp tới ông sẽ có chính sách nào dành cho người Việt Nam có nhu cầu du lịch Mỹ hay không? Hiện tại tôi vừa mới bị từ chối cấp thị thực vào Mỹ với mục đích tham quan du lịch. Tôi có việc làm và thu nhập ổn định, đã tốt nghiệp đi làm 4 năm Nhưng dường như chưa đủ, ngài có thể cho tôi một lời khuyên hay không? (Dang Khoa, 37 tuổi, Hà Nội)

- Chúng tôi muốn có càng nhiều người Việt sang Mỹ du lịch, với tư cách doanh nhân, du học càng tốt. Lãnh sự của chúng tôi tại Hà Nội và TP HCM cũng làm việc tích cực để trả lời băn khoăn về visa. Nếu bạn bị từ chối một lần không có nghĩa bạn không bao giờ được vào nước Mỹ nữa. Nếu bạn có thể chứng minh củng cố cho trường hợp của mình thì tôi hoan nghênh bạn nộp đơn lần nữa.


Cuộc sống cá nhân của Đại sứ

- Tôi được biết là ngài có thể nói được nhiều ngoại ngữ khó như tiếng Trung, tiếng Nhật và giờ lại có ý định học thêm tiếng Việt. Vậy ngài có thể chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ được không, xin cảm ơn ngài! (Nguyễn Thị Liên, 33 tuổi, Hà Nội)

- Điều tôi yêu thích nhất là học ngôn ngữ của những dân tộc khác và ngồi xuống cùng những người dân của những nước khác để lắng nghe những gì họ suy nghĩ và về quan hệ với nước Mỹ và đó cũng là nguyên nhân khiến tôi trở thành một nhà ngoại giao. Vì vậy tôi cũng mong sẽ ngồi cùng các đồng nghiệp Việt Nam để lắng nghe họ và giúp quan hệ Mỹ - Việt Nam mạnh mẽ hơn. Và để mà học giỏi tiếng Việt còn là quãng đường dài với tôi.

Như tôi có nói thì ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thách thức tôi phải họp được với ông ấy bằng tiếng Việt khi tôi kết thúc nhiệm kỳ. Đó là một bài tập về nhà rất khó nhưng tôi chấp nhận lời thách thức đó.

- Tôi được biết ông có tập môn kiếm đạo của Nhật Bản, vậy xin hỏi vì sao ông lại tập võ và ông có vệ sĩ riêng không? (Hoàng Nam, 36 tuổi, Berlin, Đức)

- Tôi không có vệ sĩ. Tôi tập kiếm đạo 3 năm và tập 5 buổi sáng mỗi tuần cùng vợ trước khi tôi đi làm. Nếu có ai đó có thể là vệ sĩ thì đó là vợ của tôi.

- Xin hỏi ông một câu hỏi riêng tư là hết giờ làm việc ông thường làm gì? (Lê Phan, 33 tuổi, TP HCM)

- Do mới đến nhiệm sở nên tôi rất bận. Tôi thường phải làm việc từ sáng tới đêm khuya, lắng nghe nhân viên để tìm hiểu tình hình. Vì vậy tôi thường về nhà rất muộn và lên giường ngủ.

Nhưng tôi luôn luôn cảm thấy hài lòng về những việc tôi làm. Và tôi cũng mong sẽ còn có cơ hội tiếp tục trao đổi ý kiến với các bạn Việt Nam thông qua cách thức này hoặc những cách khác. Đó cũng là điều khiến cho công việc của một nhà ngoại giao trở nên vui vẻ, thú vị và xứng đáng.

Xin cảm ơn các bạn.

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

Danh sách ủng hộ chương trình "Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội"

Comments

Như chúng tôi đã đưa tin, theo dự kiến, vào dịp 2/9/2011, Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa sẽ tổ chức buổi gặp mặt giữa những cựu chiến binh Hải quân nhân dân Việt Nam và thân nhân các liệt sỹ Hải quân đã tham gia trong Hải chiến Trường Sa 1988, chương trình có sự tham dự của những nhân chứng Hoàng Sa là những người đã làm việc, chiến đấu tại quần đảo Hoàng Sa trước khi bị Trung Quốc cưỡng chiếm.


Để thực hiện chương trình này, chúng tôi cần rất nhiều sự hỗ trợ, ủng hộ của các bạn, những người quan tâm đến biển đảo, muốn tri ân với những người đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.


Dưới đây là danh sách ủng hộ chương trình "Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội" (được cập nhật thường xuyên) trong topic http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=61312


- Một độc giả của HSO ủng hộ chương trình 500.000 VND (năm trăm nghìn đồng)

Khu Du Lịch Suối Lương - Haivan Park (Đà Nẵng) đã nhận lời làm nhà đồng tài trợ chương trình


- Ngày 27/7/2011, một nhà văn gốc người làng Hành Thiện (Nam Định) ủng hộ 1000.000 VND (một triệu đồng)


- Ngày 05/8/2011:

Bạn Trần Vương ủng hộ chương trình 100 USD (một trăm đô la Mỹ) qua Paypal của diễn đàn.

Bạn dominhduc ủng hộ chương trình 1.000.000 VND (một triệu đồng)


- Ngày 07/8/2011: Bạn Phan Khanh gửi ủng hộ chương trình 700.000 VND (bảy trăm nghìn đồng)


- Ngày 09/8/2011: Một bạn đọc hỗ trợ chương trình 200.000 VND (hai trăm nghìn đồng)


- Ngày 07/8/2011: Một bạn đọc có địa chỉ lamson.ngo....@......com ủng hộ chương trình 100 USD (một trăm đô la Mỹ) qua paypal ( chưa trừ phí)

- Ngày 08/8/2011: Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu ủng hộ chương trình 500.000 VND (năm trăm nghìn đồng).

- Ngày 10/8/2011: Họa sĩ Phạm Huy Thông (Hà Nội) ủng hộ chương trình 1.000.000 VND (một triệu đồng).


- Ngày 8/8/2011: Nhận đc chuyển khoản 100.000 VNĐ (một trăm nghìn đồng) của một bạn đọc hỗ trợ cho chương trình

- Ngày 10/8/2011: Bạn Van Hoang chuyển 10 USD (mười đô la Mỹ) qua Paypal cho chương trình ( chưa trừ phí dịch vụ)


- Ngày 13/8/ 2011: Một bạn đọc chuyển khoản ủng hộ chương trình 1.000.000 VND (một triệu đồng)


- Ngày 15/8/2011: Bạn Tiến Dũng chuyển khoản ủng hộ chương trình 250.000 VND (hai trăm năm mươi nghìn đồng)


Bạn Nguyễn Trường Sa chuyển khoản ủng hộ chương trình 1.000.000 VND (một triệu đồng)


Một bạn đọc chuyển khoản ủng hộ chương trình 1.000.000 VND (một triệu đồng)


- Ngày 16/8/2011: Bạn Phạm Quang Hùng chuyển khoản ủng hộ chương trình 1.000.000 VND (một triệu đồng)


Bạn Hoàng Thanh Tùng chuyển khoản ủng hộ chương trình 500.000 VND (năm trăm nghìn đồng)


- Ngày 17/8/2011: Bạn Đỗ Sami ủng hộ chương trình 500.000 VND (năm trăm nghìn đồng)


Số tiền chương trình nhận được tới thời điểm này là 10.250.000đ 210 USD trên Paypal (chưa trừ phí dịch vụ)


Xin chân thành cảm ơn những tấm lòng luôn ủng hộ và giúp đỡ Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa thực hiện sứ mệnh của mình!

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com