Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Lạm dụng khoa học để hợp lý hóa đường lưỡi bò

Comments
TTO - Bản đồ “đường lưỡi bò” (còn được biết đến là đường chữ U) là một bản đồ phi khoa học và phi lý. Khó biết bản đồ này có từ thời điểm nào, nhưng dữ liệu cho thấy nó xuất hiện từ năm 1947 trong tài liệu nội bộ của Trung Quốc.

Lúc đó bản đồ có 11 đường đứt đoạn bao trùm gần 90% vùng biển Đông Nam Á (kể cả Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta) mà Trung Quốc gọi là “South China Sea” và chúng ta gọi là Biển Đông. Sau này đường 11 đoạn biến thành 9 đoạn, và đến năm 2009, Trung Quốc cho lưu hành bản đồ 9 đoạn này trong các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc.

Ngày nay, chúng ta đề cập đến bản đồ này là “Đường lưỡi bò” (ĐLB). Nhưng bản đồ ĐLB hoàn toàn không có cơ sở khoa học, bởi vì không ai có thể định vị trên biển. Bản đồ ĐLB cũng hoàn toàn phi pháp, vì chẳng có cơ quan quốc tế nào công nhận. Tất cả các nước trong khối ASEAN cũng không công nhận bản đồ ĐLB.

Từ can thiệp của chính phủ…

Trong vài năm gần đây, bản đồ ĐLB xuất hiện trên một số tập san khoa học quốc tế. Sự xuất hiện này không phải ngẫu nhiên. Tập san Climatic Change của Mĩ mới công bố một bài báo khoa học của nhóm tác giả Xuemei Shao (thuộc Viện Khoa học Địa lí và Tài nghiên thiên nhiên, Trung Quốc), trong đó có bản đồ ĐLB. Một số nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài viết thư chỉ ra rằng bản đồ đó sai, không có cơ sở khoa học. Theo thông lệ, Tổng biên tập của tập san Climatic Change (Michael Oppenheimer) gửi thư phản đối của nhóm nhà khoa học VN cho tác giả. Tác giả Xuemei Shao trả lời như sau (tạm dịch):

“Chúng tôi sẽ không sửa biểu đồ đó. Bản đồ nhỏ mà chúng tôi chèn trong biểu đồ 6 là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc. Xin ông báo cho Tiến sĩ Bùi Quang Hiển liên lạc với Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải cá nhân, về vấn đề này”.

Chúng ta hãy tạm bỏ qua ngôn ngữ phi khoa học đó, mà hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu trả lời trên là gì.

Thứ nhất lá thư trên là một thú nhận rằng nhóm tác giả mà Shao đứng đầu làm theo lệnh của Chính phủ Trung Quốc. Thật ra, điều này không phải là một phát hiện gì mới, vì đã được biết đến từ lâu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, năm 2007 Trung Quốc ra quy định là tất cả bản đồ Trung Quốc phải có ĐLB. Nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có bằng chứng cụ thể qua thú nhận của một Giáo sư Trung Quốc rằng có sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc vào việc quảng bá ĐLB trên các tập san khoa học quốc tế.

Thứ hai, qua giọng văn “nên liên lạc với Chính phủ Trung Quốc”, chúng ta thấy rằng Shao không có lí lẽ khoa học. Bởi vì không có lí lẽ khoa học, nên ông “đá bóng” sang chính quyền.

... đến lạm dụng khoa học

Mấy năm gần đây, giới khoa học Việt Nam ở nước ngoài phát hiện một số (nếu không muốn nói là nhiều) bài báo khoa học của các tác giả Trung Quốc có đăng bản đồ ĐLB. Chúng ta còn nhớ trước đây, tập san Waste Management có đăng bài báo của nhóm tác giả Tai trong đó có ĐLB. Các bạn ở Pháp phát hiện và lập tức viết thư cho Tổng biên tập để phản đối bản đồ phi khoa học và phi pháp này. Tôi và một số bạn cũng có thư phản đối. Những phản đối của chúng tôi cũng gây ra vài tác động tích cực, nhưng thành thật mà nói là chúng ta cũng chỉ “chữa cháy” chứ chưa chủ động diệt cái bản đồ phi lí đó.

Đó không phải là bài báo duy nhất có in bản đồ ĐLB. Gần đây, các nhà khoa học VN ở nước ngoài phát hiện một loạt bài báo khoa học có in bản đồ ĐLB. Những bài báo này được đăng trên các tập san như Climatic Change, và gần đây nhất là Science. Science là một tập san khoa học thuộc vào hàng danh giá nhất trên thế giới, nên tác động của những bài báo trên Science là rất lớn. Bài báo của Peng [1] là một bài tổng quan (review) về lịch sử dân số Trung Quốc, nhưng tác giả (lợi dụng?) chèn vào bản đồ ĐLB, mà nếu chỉ đọc sơ qua cũng khó phát hiện.

Đó là một hành vi khó chấp nhận được và phi khoa học. Phi khoa học là vì bản đồ ĐLB hoàn toàn không có cơ sở khoa học (làm sao định vị trên nước biển?), phi pháp vì chẳng có cơ quan quốc tế nào công nhận. Công bố bản đồ ĐLB do đó là một vi phạm đạo đức khoa học.

NGUYỄN VĂN TUẤN

Đọc tiếp...

Hệ thống tên lửa chiến thuật 'bầy sói' đang về Việt Nam

Comments
(VTC News) - Theo Interfax, Nga đã bàn giao tổ hợp phòng thủ bờ biển di động Bastion thứ 2 cho phía Việt Nam.

“Lô hàng đã được gửi đi từ tuần trước”, Interfax dẫn nguồn tin thân cận trong tổ hợp quân sự quốc phòng Nga cho biết.

Như vậy Rosoboronexport và Liên hiệp khoa học sản xuất chế tạo máy (NPO Mashinostroenia) đã hoàn tất hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 2 tổ hợp phòng thủ bờ biển di động Bastion.

Hợp đồng nêu trên được 2 bên ký kết vào năm 2005, tổ hợp Bastion đầu tiên đã được phía Nga giao cho Việt Nam vào năm 2010.

Hệ thống Bastion mang đạn tên lửa hành trình siêu âm bám biển dùng động cơ phản lực tĩnh Yakhont 3M55E có khả năng tiêu diệt các loại chiến hạm từ tàu đổ bộ, tàu vận tải yểm trợ, cụm tàu chiến và máy bay thuộc nhóm tấn công, cũng như diệt các mục tiêu hạm tàu đơn lẻ ở cự ly đến 300 km.

Tên lửa của hệ thống Bastion-P có 2 loại hành trình bay cơ bản: hành trình bay tầm thấp có tầm bắn xa khoảng 120km, và hành trình bay hỗn hợp có tầm bắn xa khoảng 300km. Tên lửa thuộc loại “bắn - quên”, sử dụng chiến thuật “bầy sói” và chống nhiễu điện tử mạnh.

Hệ thống Bastion gồm 4 xe mang-phóng tự hành K-340P (mỗi xe mang 2 ống phóng TPS chứa đạn tên lửa), 2 xe điều khiển K380P MBU (trọng tải 25 tấn trên khung xe MZKT- 65273) có thể chuẩn bị chiến đấu chỉ trong vòng 3-4 phút, 4 xe chở đạn K-342P TZM được trang bị cần có trọng tải 5,9 tấn dùng để tiếp đạn cho xe K-340P và các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật và huấn luyện chiến đấu khác. Cơ số đạn cho mỗi hệ thống Bastion có thể lên tới 36 quả tên lửa Yakhont.

PV (theo Interfax, Đất Việt)
Đọc tiếp...

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Trung Quốc phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông

Comments

Truyền thông Trung Quốc vừa lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc một số nước có liên quan tới tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gần đây muốn quốc tế hóa vấn đề này.> Philippines tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông

Báo China Daily nhắc tới hội thảo của các chuyên gia luật biển ASEAN tổ chức tại thủ đô Manila, Philippines cuối tuần trước. Báo này cho rằng đề xuất của Philippines về một khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C) là đáng chú ý. Tuy nhiên, Manila đang tìm cách quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và chia tách vùng biển này khỏi chủ quyền của Trung Quốc, thay vì tôn trọng thỏa thuận của mình về việc không làm phức tạp vấn đề Biển Đông.

Tại hội thảo nói trên, Philippines đưa ra đề xuất chia Biển Đông thành các khu vực có tranh chấp và không có tranh chấp. Các nước liên quan có thể tiến hành khai thác trên các vùng biển không có tranh chấp thuộc chủ quyền của mình, đồng thời sẽ cùng khai thác tại những vùng biển có tranh chấp. China Daily cho rằng đề xuất của Philippines có quá nhiều kẽ hở và không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Báo này cũng nhắc tới việc Việt Nam và Ấn Độ gần đây có dự án cùng khai thác dầu khí tại những vùng biển vẫn còn có tranh chấp. Ấn Độ đã bác bỏ sự phản đối của Trung Quốc đối với dự án này, và cho rằng nó phù hợp với các quy tắc quốc tế.

Trong khi đó, hãng tin Xinhua cho rằng "chiến lược nhóm" (tạm dịch từ "bundling strategy") tại Biển Đông là ảo tưởng. Những diễn biến gần đây tại Biển Đông chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm tình hình và một lần nữa ảnh hưởng tới cả Trung Quốc và các nước có liên quan. Lần này, những nước không trực tiếp có liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông như Ấn Độ và Nhật Bản cũng tham gia vào một vấn đề đang ngày càng nóng lên.

Theo Xinhua, những nước có liên quan trực tiếp như Việt Nam hay Philippines đang cùng nhau tìm cách tạo ra đối trọng với Trung Quốc, và cố gắng đạt được mục đích của mình thông qua "chiến lược nhóm".

Hãng tin lớn của Trung Quốc cũng cho rằng Nhật Bản, nước vốn có tranh chấp với Trung Quốc tại quần đảo Điếu Ngư (Nhật gọi là Senkasu), đang sẵn sàng nắm bắt cơ hội can thiệp vào vấn đề Biển Đông, để nhằm vào Trung Quốc theo kiểu ăn miếng trả miếng.

Nhật Bản mới đây tổ chức cuộc thảo luận với nhiều nhà ngoại giao Philippines về việc "giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông". Một nhà ngoại giao Nhật Bản sau đó còn nói rằng Tokyo có lợi ích trong việc đảm bảo vùng biển rộng lớn này ở trong tình trạng an toàn và rộng mở đối với giao thương.

Tờ People's Daily của Trung Quốc hôm 20/9 cho đăng một bài viết có nội dung thông báo kết quả điều tra của các tổ chức có thẩm quyền, cho hay hai lô khai thác dầu khí mà Việt Nam muốn hợp tác với Ấn Độ đều nằm trong khu vực quyền tài phán của Trung Quốc. Vì thế việc này gây tổn hại tới chủ quyền của Trung Quốc.

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông trở nên nóng bỏng trong những tháng qua, sau những va chạm giữa tàu thuyền của các nước liên quan. Việt Nam và Philippines cùng một số bên liên quan luôn bày tỏ mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng đàm phán đa phương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc luôn khẳng định chỉ chấp nhận đàm phán song phương với từng nước liên quan.

Phan Lê

Đọc tiếp...

Philippines muốn đối thoại đa phương về biển Đông

Comments

Tổng thống Philippines cho rằng Trung Quốc sẽ “biết điều” trong giải quyết những căng thẳng liên quan đến chủ quyền ở biển Đông.

Ông Benigno Aquino, người vừa có chuyến công du chính thức Trung Quốc hồi đầu tháng này trong nỗ lực giảm căng thẳng ở biển Đông, ngày 20.9 tuyên bố điều cốt yếu hiện tại là cố gắng hiểu được quan điểm của bên khác trong tranh chấp và nhận diện những lĩnh vực có thể đạt thỏa thuận. “Trong trường hợp riêng của họ (Trung Quốc), khái niệm giữ thể diện rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ họ sẽ biết điều, nhưng họ cũng cần có cách thức nào đó để giữ thể diện cho mình”, AFP dẫn lời ông Aquino phát biểu tại Diễn đàn Hội châu Á ở New York (Mỹ), nơi ông đang có mặt để tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng LHQ.

Trong cuộc trao đổi cởi mở nói trên, nhà lãnh đạo Philippines nhắc lại sự cần thiết đối thoại đa phương để giải quyết vấn đề. Theo ông, Bắc Kinh nên đạt một thỏa thuận với cả 10 nước thành viên ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. “Nếu chúng ta làm việc này theo nguyên tắc song phương, chúng ta sẽ chỉ thổi phồng và làm trầm trọng thêm vấn đề tranh chấp chủ quyền mà thôi”, ông Aquino nói.

Vào năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố giữa các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) và đang hướng đến việc xây dựng một bộ quy tắc mang tính ràng buộc cao hơn. Tuy nhiên, nỗ lực này chưa đạt nhiều kết quả và một trong những nguyên nhân, theo một số nhà ngoại giao, là do Trung Quốc muốn giải quyết bất đồng với từng nước, chứ không phải với cả khối ASEAN.

Căng thẳng tại biển Đông bùng phát từ đầu năm nay sau khi Trung Quốc liên tiếp có những hành động gây hấn và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines trên biển Đông, như các vụ quấy rối ngư dân và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí.

Về phần mình, Tổng thống Aquino đã tranh thủ các diễn đàn và chuyến công du quốc tế của mình để nêu rõ lập trường với các nước về vấn đề biển Đông. Ngoài chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 30.8 - 3.9, ông Aquino cũng sẽ đề cập đến chủ đề này khi đến thăm Nhật Bản từ ngày 24 - 28.9. Báo Manila Standard Today ngày 21.9 dẫn lời Đại sứ Nhật tại Philippines Toshinao Urabe cho biết 2 nước sẽ “trao đổi công hàm” về những giải pháp khả dĩ trong cuộc tranh chấp ở biển Đông. “Nhật có mối quan tâm hợp pháp đối với tình hình nhằm duy trì ổn định và giảm căng thẳng. Chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế”, ông Urabe nhấn mạnh. Tờ Philippine Daily Inquirer cùng ngày dẫn lời một quan chức Philippines cho biết nước này và Nhật gần đây đã có các cuộc thảo luận về việc giải quyết tranh chấp ở biển Đông.

Bên cạnh việc tích cực đưa vấn đề biển Đông ra diễn đàn quốc tế, Philippines đang tìm thêm sự hỗ trợ quân sự và củng cố quan hệ với Mỹ. Ông Aquino mới đây đã quyết định phân bổ 11 tỉ peso (252 triệu USD) để nâng cấp Hải quân Philippines với sự trợ giúp của Mỹ.

Trùng Quang

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Philippines tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông

Comments

Hội thảo Chuyên gia luật hàng hải ASEAN sắp diễn ra tại Philippines, với chủ đề chính là vấn đề Biển Đông.

Hội thảo này được diễn ra để tạo diễn đàn thảo luận đề xuất của Philippines về một Khu vực Hòa bình, Tự do, Hữu nghị và Hợp tác (ZoPFF/C), nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Cuộc gặp gỡ này còn được dựa trên quyết định của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 44 tại Bali, Indonesia, hồi tháng 7 năm nay.

Các chuyên gia luật hàng hải đến từ 10 nước thành viên ASEAN sẽ gặp nhau tại khách sạn Sofitel Philippine Plaza, thuộc thành phố Pasay, nằm trong vùng thủ đô Manila của Philippines. Họ sẽ hỗ trợ việc nghiên cứu đề xuất kể trên của Philippines. "Cuộc hội thảo được tổ chức nhằm tìm kiếm việc thiết lập hiểu biết chung giữa các thành viên ASEAN về đề xuất ZoPFF/C", báo Sun Star của Philippines trích thông báo của Bộ Ngoại giao nước này.

Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN (SOM), để từ đây các kiến nghị sẽ được trình lên cho các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN xem xét trước Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 19 diễn ra tại Bali, Indonesia, vào tháng 11/2011.

Theo đề xuất về ZoPFF/C của Philippines, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng các khu vực có tranh chấp tại quần đảo Trường Sa phải được tách khỏi các khu vực không có tranh chấp phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trong khuôn khổ đó, các khu vực có tranh chấp sẽ được chuyển thành một vùng hợp tác chung, trong khi những khu vực không có tranh chấp sẽ chỉ thuộc quyền tài phán của một nước cụ thể. Quần đảo Trường Sa là một nhóm các đảo nhỏ, đảo đá ngầm và đảo san hô, vốn được cho là giàu trữ lượng giàu mỏ và khoáng sản.

Trả lời phỏng vấn của VnExpress bên lề hội thảo "Hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển khu vực trong bối cảnh mới" diễn ra tại Hà Nội hôm 21/9, giáo sư Renato Cruz De Castro của đại học De La Salle, Philippines, cho rằng Philippines và Việt Nam cũng như các quốc gia có liên quan trong vấn đề Biển Đông cần hợp tác với nhau để giải quyết, thay vì đối đầu.

Việc các hội thảo được tổ chức giữa các nước ngày một nhiều sẽ giúp sự chia sẻ về vấn đề Biển Đông có hiệu quả và sâu rộng hơn. Khu vực quần đảo Trường Sa nói riêng và toàn Biển Đông nói chung trở nên căng thẳng trong những tháng gần đây, sau khi Việt Nam và Philippines cùng cáo buộc Trung Quốc có những hành động cản trở hoạt động của các tàu, thuyền của mình.

Trong một phản ứng đáp lại hành động ngày một rõ ràng của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario cho rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết theo luật pháp quốc tế về biển, và thậm chí gợi ý đưa vụ việc ra trước Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ITLOS). Ngược lại, Trung Quốc luôn tuyên bố chỉ đàm phán song phương với từng nước liên quan, chứ không đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.

Trong diễn biến mới nhất về tình hình Biển Đông, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố "Trung Quốc cần phải biết điều và cũng cần có một số cách thức để tự giữ thể diện". Phát biểu mạnh mẽ của ông Aquino được đưa ra tại Hội châu Á (Asia Society) ở New York, Mỹ, nơi ông đang có mặt để dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Tuyên bố này cũng được đưa ra không lâu sau khi ông Aquino có chuyến thăm chính thức Trung Quốc.

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Nhật muốn cơ chế an ninh hàng hải mới

Comments

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda dự kiến sẽ đề xuất thiết lập một cơ chế an ninh hàng hải mới tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) sắp tới ở Indonesia.

Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda. Ảnh: AFP

Đề xuất của Nhật Bản hướng tới việc xây dựng những cuộc thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải, Mainichi Daily News dẫn lời các quan chức Nhật cho hay. Đây là một nỗ lực nhằm ổn định tình hình tại các vùng biển trong khu vực tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản cũng hy vọng các nhà lãnh đạo của 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nga, Hàn Quốc và Mỹ sẽ đạt được sự nhất trí để đưa các cuộc gặp nói trên vào thông cáo chung của EAS.

Tokyo tin tưởng rằng những cuộc thảo luận với sự tham gia của các quan chức chính phủ cấp cao và các chuyên gia tới từ 17 nước nói trên cùng Nhật sẽ dẫn tới sự ra đời của một cơ chế đa phương mới, để giải quyết các tranh chấp trên biển tại Biển Đông cũng như những vùng biển lân cận.

Ý tưởng của Tokyo được đưa ra trong bối cảnh 10 nước ASEAN đang trong quá trình phác thảo các yếu tố chính của bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC). Đây là nỗ lực nhằm hướng tới việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), được ASEAN và Trung Quốc ký kết từ năm 2002.

Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) năm nay diễn ra trung tuần tháng 11 tại đảo Bali của Indonesia. Đây là hội nghị lần thứ 6 , với sự tham gia lần đầu tiên của lãnh đạo hai cường quốc là Nga và Mỹ.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com