Thứ Hai, 31 tháng 12, 2007

Thư Trường Sa: Nhớ đất liền!

Comments
Thấm thoắt đã gần hai năm kể từ ngày tôi trao em ước hẹn năm nào bên bến sông chiều ấy... Xa quê nơi đảo nhỏ tiền tiêu này, tôi gắn bó chia sẻ ngọt bùi cùng đồng đội.

Cuộc sống của những người giữ đảo vất vả vô cùng nhưng ai cũng thấy vinh dự tự hào vì được góp phần nhỏ bé vào nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có những lúc đại dương nổi giận, lính đảo phải oằn lưng gồng mình với bão tố, giọt mồ hôi rơi đọng thành muối mặn biển khơi, thêm đậm đà tình đồng đội anh em.

Có những đêm trăng sáng, giữa mênh mông điệp trùng sóng nước, cây súng chắc trong tay mắt dõi nhìn về phía trước, lòng lại nôn nao nhớ đất liền. Nhớ mẹ, nhớ em sớm hôm vất vả tảo tần nơi phố chợ, dáng hao gầy gánh mạ ra đồng, trên đường làng bập bõm vết chân trâu. Nhớ chuyến đò chiều vời vợi thẳm sâu, em đi dạy trường bên nên suốt ngày bận rộn.

Người ta nói: "Yêu lính chịu nhiều thua thiệt, gặp gỡ rồi xa xôi". Đã có lần tôi nói với em: "Yêu người lính biển em sẽ không có chiều thứ bảy để mà hò hẹn. Còn khi đã là vợ của bộ đội thì còn bao nhiêu việc em phải lo lắng thay chồng". Tôi khuyên em đừng yêu lính đảo, em dỗi hờn rồi mắng yêu tôi: "Kệ người ta... chưa chi đã sợ".

Thế rồi năm tháng cứ trôi qua, sông quê vẫn bên bồi bên lở, phù sa thời gian vẫn cứ bồi đắp bãi bờ tình yêu em dành cho tôi ngày càng mặn nồng, thắm thiết. Thư em viết:

Anh yêu thương!

Thế là lại thêm mùa hoa gạo nở, ở quê hương em vẫn đợi anh về. Bến quê bây giờ đã bắc cầu. Cây đa "ngày xưa" không còn nữa. Người ta đánh bật gốc để xây dựng bưu điện. Trai gái bây giờ không hò hẹn ở nơi đây. Chỉ có em mỗi lần đi dạy qua bến sông lại bồi hồi xao xuyến…

Thư em từ đất liền gửi tới như tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho tôi trong cuộc sống, tôi lại hăng say hơn trong luyện rèn và công tác, thấy mình như trưởng thành hơn nơi đầu sóng ngọn gió và thầm cảm ơn em. Xuân về tôi lại càng nhớ đất liền!

Đồng Xuân Thiều

(HT: 6KE-1062, Trường Sa - Khánh Hòa)

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2007

Vùng biển quần đảo Trường Sa có thời tiết xấu

Comments

Ngày 29/12, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các tỉnh, TP ven biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang.

Nội dung công điện như sau: Hiện nay, khu vực có tọa độ khoảng 8,0 - 9,0 độ vĩ Bắc, 112,0 - 113,0 độ kinh Đông thuộc vùng biển quần đảo Trường Sa có thời tiết diễn biến xấu có thể gây ra sóng gió nguy hiểm cho tàu thuyền đang hoạt động ở khu vực này.

Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, TP thực hiện các việc sau:

- Thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của vùng biển có thời tiết xấu để chủ động phòng, tránh và rút khỏi vùng nguy hiểm.

- Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố.

- Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

- Bố trí lãnh đạo trực theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của vùng biển có thời tiết xấu để đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN.

Nguồn: Quân đội Nhân dân Online

Đọc tiếp...

"Hôm nay, các anh ở Trường Sa nhớ hứng nước mưa..."

Comments

Hoàng Sa là một huyện đảo, có diện tích chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng. Năm 2004, khi mới về Ban Chuyên đề Đài phát thanh - truyền hình TP Đà Nẵng, tôi trực tiếp thực hiện một phim tài liệu về huyện đảo Hoàng Sa.

Trong quá trình thực hiện, tôi đã tìm gặp một số nhân chứng từng là công chức dưới thời chính quyền Sài Gòn, có nhiều năm làm việc ở đó để ghi lại câu chuyện của họ. Còn nhớ khi tìm đến nhà hai người có 18 năm liên tục ra đảo, mỗi năm 3 tháng, thì người anh vừa mới mất. Ông em say sưa kể về những kỷ niệm thời trai trẻ trên đảo, lại còn khoe một chiếc vỏ ốc ông mang theo về từ đó. Còn một người ở quận Sơn Trà, khi gọi điện lần đầu xin gặp, tôi vẫn nghe giọng ông ấy dè chừng lắm. Vậy mà khi ghi hình, ký ức trở về, ông ấy trở thành một con người hoàn toàn khác, say sưa, hóm hỉnh... Thậm chí ông còn ngẫu hứng chơi hẳn một bản nhạc với ngón guitar điêu luyện, mà ông bảo là hồi đó vẫn thường chơi ở đảo mỗi khi nhớ nhà.

Nhờ thực hiện chương trình đó mà tôi biết thêm khá nhiều người thú vị ở Đà Nẵng, biết thêm nhiều tư liệu về vùng đất này. Đối với tôi, đó không chỉ đơn thuần là công việc, là nhiệm vụ mà đó còn là một cơ hội, một kỷ niệm...

Hoàng Sa là một kỷ niệm đẹp, một kỷ niệm ám ảnh...

Cũng vì vậy mà mỗi lần xem bản tin dự báo thời tiết, khi những biên tập viên chương trình gọi tên chung là "khu vực biển Đông" (dĩ nhiên trên biển Đông thì bao gồm nhiều đảo nữa, trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa), tôi vẫn thấy không thích. Mà vẫn thích họ dừng lại một chút, nói rõ một chút: Hôm nay Trường Sa thế nào, Hoàng Sa thế nào... như là vẫn nói về hiện tượng triều cường hay mây mù, không khí lạnh ở TP.HCM hay Hà Nội chẳng hạn. Vì ở đó không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là ký ức của nhiều người, ở đó đang có không chỉ nhiều người chồng, người cha, người con... vẫn đang hằng ngày đối mặt với gian khó và đằng sau họ là rất nhiều những người mẹ, người vợ, đứa con, những người thân yêu đang nhớ mong... Sao không dừng lại một chút, để nói thêm một lời: "Hôm nay Hoàng Sa có thể có chim về nhiều", hay "Hôm nay, các anh ở Trường Sa nhớ hứng nước mưa", như vẫn nhắc mọi người "hôm nay nhớ mặc ấm" hoặc "đem theo áo mưa" ấy. Sao lại không nhỉ?

Trần Thị Cúc Phương

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2007

Con bướm, cái vỗ cánh tại Mỹ và cơn bão tại Trung Hoa!

Comments

Tôi không biết liệu các bạn đã từng nghe nói đến câu ngụ ngôn nổi tiếng này: "Một con bướm vỗ cánh tại Mỹ có thể tạo nên một cơn bão khủng khiếp tại Trung Hoa!" Nghe có vẻ vô lý phải không, nhưng điều đó hoàn toàn có thể.

Trên góc độ khoa học, cái vỗ cánh của con bướm tạo ra một sự thay đổi cực nhỏ tại vùng không khí xung quanh. Sự thay đổi có thể được cộng hưởng bởi một cơn gió cực nhẹ bay ngang để tạo nên một sự thay đổi lớn hơn một chút. Cứ thế, sự thay đổi này tạo nên một sự thay đổi khác lớn hơn, và khi nó rời bờ biển phía Tây nước Mĩ nó đã trở thành một cơn gió lớn. Cho đến khi nó vượt qua Thái Bình Dương để đến với bờ biển Trung Hoa, nó đã là cơn bão khổng lồ.

Các bạn chắc sẽ thắc mắc, rằng khả năng để tạo nên một kì tích như vậy từ một cái vỗ cánh nhỏ nhoi của một con bướm cũng nhỏ nhoi chắc chỉ là 1 phần tỉ.

Không sai! Chỉ là 1 phần tỉ, thậm chí còn nhỏ hơn. Nhưng nếu có 1 triệu chú bướm cùng vỗ cánh, tỉ lệ đó là tăng lên 1 phần 1000. Nếu có 10 triệu chú bướm, tỉ lệ này là 1 phần trăm. 100 triệu là 1 phần 10 và nếu có 1 tỉ con bướm, kì tích này chắc chắn sẽ xảy ra!

Bạn sẽ lại hỏi tôi, liệu chú bướm "vĩ đại" đó biết lúc nào để vỗ cánh ? Chú ta không biết, dĩ nhiên, nhưng chú ta biết rằng cái vỗ cánh của mình có thể tạo nên kì tích đó, vậy là chú ta sẽ cố gắng hết mình để vỗ cánh, và mong rằng có thể cái vỗ cánh của mình có thể sẽ tạo nên kì tích. Và nếu tỉ lệ của cái kì tích kia chỉ là 1 phần tỉ, chú ta sẽ phải nỗ lực rất lớn. 1 triệu cái vỗ cánh tăng tỉ lệ kia lên 1 phần ngàn. Và khi đạt đến 1 tỉ cái vỗ cánh, chú ta có thể tin chắc rằng, mình đã thành công!

Sẽ lại có thêm 1 câu hỏi, rằng làm sao mà 1 chú bướm có thể vỗ đến 1 tỉ cái vỗ cánh cơ chứ ? Hoàn toàn chính xác, chú ta có thể không đạt đến cái con số 1 tỉ kia, 100000 cái vỗ cánh đã là quá nhiều cho một chú bướm bé nhỏ. Nhưng hãy cứ tưởng tượng rằng sẽ có 1 chú bướm thứ hai, bị khuyến khích bởi nỗ lực của bạn mình, bay đến, khi mà chú bướm thứ nhất đã kiệt sức, để tiếp tục cái "kì tích" kia, thêm 100000 cái vỗ cánh nữa. 10 chú bướm như vậy, ta có con số 1 triệu, và tỉ lệ lại là 1 phần ngàn. 1000 chú bướm như vậy tăng cái tỉ lệ lên 1 phần 10 và với 1 vạn chú bướm liên tục giúp đỡ lẫn nhau, thì thành công đã đến.

Tôi biết rất nhiều bạn học sinh sinh viên tại Việt Nam có cái suy nghĩ khi đứng trước bất cứ 1 công việc "to tát" nào đó, rằng "đó không phải trách nhiệm của mình", "trình độ của mình chưa đủ để làm một công việc lớn lao như vậy"...

Chúng ta, trong thế giới rộng lớn này cũng không khác gì một chú bướm nhỏ bé, và nỗ lực của chúng ta cũng không khác gì một cái vỗ cánh nhỏ nhoi. Vậy hãy học hỏi chú bướm đó. Nỗ lực của chúng ta có thể không mang đến hiệu quả như chúng ta mong muốn, nhưng biết đâu nỗ lực đó sẽ lôi kéo được ai đó, người sẽ tiếp tục công việc mà chúng ta còn đang dang dở. Và đến phần mình, có thể nỗ lực của những người đó sẽ lại lôi kéo thêm ai đó, để cùng nhau sẽ dẫn tới thành công. Sẽ thật là ngốc nghếch khi bạn nghĩ rằng, bạn không nên làm điều gì đó, khi mà điều đó không thể đưa bạn đến đích của sự thành công, hay nó thật sự quá nhỏ để thay đổi cả thế giới. Mỗi việc làm dù là nhỏ bé nhất của bạn cũng làm thay đổi cả thế giới, chắc chắn. Vì dù việc làm đấy không ảnh hưởng đến ai, không lôi kéo được ai, nó cũng đã thay đổi chính bạn của ngày hôm qua. Và vì bạn là môt phần của thế giới, dù rất nhỏ bé, thì cái thế giới ấy cũng đã được thay đổi, khi bản thân bạn thay đổi!

Hãy nói cụ thể đến scandal chính trị Hoàng Sa, Trường Sa tại Việt Nam hiện tại. Bạn nghĩ rằng bạn còn quá nhỏ tuổi để có thể tham gia, để đi biểu tình, để bàn tán, hay đơn giản chỉ nghĩ rằng, bạn sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì vì bạn quá nhỏ bé, và vì thế tốt nhất là không nên làm gì cả, đó là việc của chính phủ, và bạn chỉ có thể làm được điều tốt nhất là không a dua theo những kẻ cứ hô hào "biểu tình chống Trung Quốc".

Không, bạn vẫn hoàn toàn có thể làm điều gì đó khác hơn, có ích hơn. Hãy bắt đầu bằng việc làm nhỏ bé nhất là tìm hiểu về sự việc Hoàng Sa, Trường Sa. Hãy học hỏi để biết chúng ta có Hoàng Sa, Trường Sa từ bao giờ, mất Hoàng Sa khi nào. Hãy theo dõi xem sinh viên Việt Nam tại các quốc gia khác trên thế giới đang làm gì. Hãy nuôi lòng yêu nước thật tốt, để bạn có thể sẵn sàng bất cứ lúc nào cho Tổ quốc thân yêu.

Và hãy luôn nhớ, việc làm của bạn, dù nhỏ bé bao nhiêu, cũng đã thay đổi được thế giới rộng lớn này.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của DCSVN, một thành viên diễn đàn hoangsa.org.

Bài gốc: Con bướm, cái vỗ cánh tại Mỹ và cơn bão tại Trung Hoa!

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 27 tháng 12, 2007

Thưa cô, em là phản động?

Comments

Sự việc này chỉ xảy ra vài tiếng đồng hồ trước đây, khi em còn đang ngồi trong lớp học.

Cô giáo: Các em chú ý! Thời gian gần đây trong nhà trường đã xuất hiện một số bạn lên mạng xem và nói đại loại như Trường Sa bị Đài Loan, Trung Quốc chiếm. Đó chỉ là lời nói của bọn phản động, nên các em không được nói như thế nữa, nếu nói vậy tức là các em tiếp tay cho phản động. Chúng không nói đến tai chúng ta được nên chúng có thể rải truyền đơn, mà một số bạn đã nhặt được, chẳng hạn "... bạn phải gửi tờ giấy này cho 20 người...". Các em mà nhặt được thì vứt ngay vào thùng rác cho cô!

Học sinh: Em thưa cô, thế chuyện Hoàng Sa, Trường Sa bị mất có phải là thật không?

Cô giáo: Cô không rõ lắm, nhưng các em không được tin những thông tin trên mạng. Bọn phản động có thể dễ dàng lập một trang web để đăng những tin phản động. Trước khi nói bất cứ điều gì liên quan đến Trường Sa... thì các em phải hỏi kĩ người lớn, bố mẹ thì mới được nói...

Học sinh: Nhưng nếu báo cũng đăng tin này...

Cô giáo: Các em chỉ đọc báo Nhân dân thôi.

Học sinh: thế báo Tuổi trẻ...

Cô giáo: chính trị xã hội thì chỉ có báo Nhân dân...

Học sinh: nhưng báo nào chẳng chịu sự quản lí của Đảng...

>> đi mất>

Sự thực là thế ư? Cô năm nay khoảng 35 tuổi, cũng "không rõ lắm", tại sao lại có quyền nói rằng nếu em nói sự thật lịch sử rằng năm 1974 Hoàng Sa đã không còn của Việt Nam, năm 1988 Trường Sa bị Trung Quốc tấn công? Cô không biết, bố mẹ cũng không rõ... Chỉ có những cụ rất cao tuổi hoặc từng lãnh chức vụ hàng thủ trưởng những đơn vị Nhà nước mới biết! Và theo logic của cô thì ngoài báo Nhân dân, các báo còn lại của Việt Nam đều không đáng tin cậy hay sao?

Em là phản động? Vì sao????

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bonaparte, một thành viên diễn đàn hoangsa.org.

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2007

Đón xuân cùng Trường Sa

Comments

Để mang chút hơi ấm của đất liền đến với những người lính đảo, Tuổi Trẻ sẽ tổ chức chương trình "Đón xuân cùng Trường Sa".

Tuổi Trẻ kính mời tất cả bạn đọc cùng góp sức thực hiện chương trình nói trên. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đóng góp tiền mặt, sách, thực phẩm khô (trà, cà phê, lạp xưởng...), vật dụng cá nhân (võng, đèn pin, dầu gió...), pin mặt trời hoặc máy phát điện...

Mọi đóng góp vui lòng liên hệ báo Tuổi Trẻ theo địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên cả nước.

* Trong ngày, báo Tuổi Trẻ cũng nhận được 420 quyển tạp chí và sách đóng góp cho chương trình "Đón xuân cùng Trường Sa". Chị Dương Liễu, bí thư Đoàn cơ sở Cục Hải quan TP.HCM, góp nhiều băng đĩa và hình ảnh để gửi cho các chiến sĩ ở Trường Sa.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Nhân dịp xuân về, Báo Thanh Niên cử 3 phóng viên lên đường đi Trường Sa vào ngày 5.1, mang theo các vật phẩm, tiền của Báo Thanh Niên và bạn đọc đóng góp để cùng các chiến sĩ Trường Sa đón Tết, đồng thời tham gia xây dựng các công trình cho huyện đảo Trường Sa. Báo Thanh Niên kính mời bạn đọc cả nước và bạn đọc Việt Nam ở nước ngoài cùng đóng góp quà xuân cho bộ đội Trường Sa và xây dựng huyện đảo thân yêu của Tổ quốc.

Mọi sự đóng góp xin vui lòng gửi về địa chỉ: 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM và các văn phòng đại diện của Báo Thanh Niên trên cả nước hoặc qua tài khoản: Báo Thanh Niên - 102010000116341, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3, TP.HCM; nội dung: Đóng góp Trường Sa.

Nguồn: Thanh Niên Online

Ban biên tập Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa kêu gọi các bạn blogger và tất cả thành viên hoangsa.org hãy thể hiện tình yêu nước của mình một cách tích cực thông qua phong trào "đón xuân cùng Trường Sa" do báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên, báo Quân đội Nhân dân, Thành Đoàn Tp.HCM, Thành Đoàn Hà Nội phát động.

Mỗi sự đóng góp về vật chất và tinh thần của các bạn sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn khi nó được trao đến tận tay những người chiến sĩ trên đảo xa. Hướng ứng phong trào "Vì Trường Sa thân yêu" do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, toàn thể Ban quản trị diễn đàn hoangsa.org cũng như Ban biên tập blog Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa cũng đang tổ chức chương trình "Hướng tới Biển Đông" với mục tiêu quyên góp 1000 lá cờ Tổ quốc, 300 kg sách báo cùng các nhu yếu phẩm khác và vận động mọi người viết thư từ gửi ra Trường Sa.

Nếu các bạn muốn tham gia theo tập thể của diễn đàn hoangsa.org và Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa, xin vui lòng liên hệ:

- Khu vực miền Bắc (Hà Nội):

- Khu vực miền Trung (Đà Nẵng):

- Khu vực miền Nam (Tp.HCM):

Liên hệ đóng góp qua email: trungtamdulieuhoangsa@yahoo.com.

Đọc tiếp...

Ngày Giáng sinh vì Trường Sa

Comments

Sáng, bốn bạn trẻ tấp vội lên lề đường mua một ổ bánh mì, chia nhau, vừa đi vừa nuốt vội. Không vội sao được, kế hoạch từng điểm đến bán hàng đã lên lịch chính xác đến từng phút. Náo nức hơn nữa, những món quà cho ngày Giáng sinh này mang một ý nghĩa đặc biệt: "100% tiền thu được ủng hộ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa"...

Close

Chiều 24-12, nhóm bốn bạn HS đã đến Công ty Sơn Ca (Q.1, TP.HCM) để bán quà lưu niệm Giáng sinh. Toàn bộ tiền thu được sẽ góp vào chương trình “Đón xuân cùng Trường Sa” - Ảnh: Thanh Đạm

Ngày Giáng sinh, nếu bạn bắt gặp hình ảnh bốn học sinh vai đeo balô to đùng, tay bê giấy màu, heo đất, thiệp và chiếc giỏ tre đựng đầy những túi kẹo có thắt chiếc nơ xinh xinh, đó là: Nguyễn Thị Yên Nhàn, Huỳnh Thị Ngọc Trân, Trần Thị Bảo Ngọc (học sinh Trường THPT Marie Curie) và Võ Việt Dũng (học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai).

"Đón mùa Giáng sinh an lành, thương hơn các anh lính đảo Trường Sa phải làm nhiệm vụ giữa bốn bề sóng gió. Tụi em mong muốn gửi tấm lòng đến Trường Sa, tùy theo sức của mình" - Nhàn tâm sự. Nhân được nghỉ mấy ngày khi vừa thi học kỳ I, mỗi bạn góp 150.000 đồng rồi rủ nhau mua giấy màu, bút màu. Hai đêm ròng, các bạn thức và nắn nót vẽ. Hình ảnh đóa hoa, ngôi sao, chú bọ rùa, chú ốc… nhỏ xíu lần lượt được tái hiện sống động trên giấy thành những tấm thiệp ngộ nghĩnh. Những viên kẹo do người anh trai của Nhàn đang du học ở cách nửa vòng trái đất gửi về cũng được "ủng hộ" vào những gói quà xinh xắn, ngọt ngào.

Close

Các bạn học sinh ở TP.HCM tự tay làm thiệp và đồ lưu niệm đi bán để lấy tiền “Đón xuân cùng Trường Sa” - Ảnh: T.T.D.

80 tấm thiệp và 150 gói quà vừa "ra lò” còn thơm mùi bút màu và giấy mới sẽ là quà tặng cho đêm Giáng sinh. Khách hàng sẽ trả tiền tùy lòng hảo tâm vào chú heo đất màu vàng óng mà các bạn mang theo.

Sau khi đến báo Tuổi Trẻ, công ty Phước Tiến, những người bạn nhỏ mang những món quà nhỏ đến báo Pháp Luật TP.HCM, báo Giáo Dục TP.HCM, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Công ty Sơn Ca…

Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài và nụ cười trên môi của các em, chúng tôi hiểu khoảng cách hàng trăm hải lý giữa đất liền và Trường Sa chỉ là khoảng cách về địa lý. Còn trong trái tim của mỗi người VN, Trường Sa rất đỗi gần gũi và thân thương. Chiều, qua điện thoại, các em nói như reo khi báo cho chúng tôi đã thu được 3,96 triệu đồng. Ngoài ra, các em cũng sẽ dành tiền tiết kiệm để mua đàn guitar tặng các chiến sĩ ở Trường Sa.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

Bởi chiến tranh không phải trò đùa - Huỳnh Thanh Luân

Comments
Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

.

Tôi viết entry này như một cuộc nói chuyện thân tình với các bạn trẻ đang đầy nhiệt huyết, nồng nàn tình yêu đất nước và không thể khoanh tay ngồi yên khi vận nước đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm.

Cả tuần nay, dư luận trong nước đang sôi sục vì việc Trung Quốc tiếp tục gây hấn, tổ chức tập trận ở quần đảo Hoàng Sa mà họ đã xâm chiếm của Việt Nam và thành lập thành phố Tam Sa để xác lập chủ quyền đối với cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong sân trường đại học, ngoài đường phố và trên mạng đã có nhiều người mạnh dạn biểu thị thái độ sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc. Thật đáng quý, đáng trân trọng khi thấy lớp trẻ - những người đang chuẩn bị tiếp quản cơ đồ để xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh trong thế kỷ 21- biết ý thức rất rõ trách nhiệm và dám hy sinh vì đất nước.

Tôi không đại diện cho quan điểm của ai, là một người viết báo nên tôi có một số thông tin để có thể xin lạm bàn vấn đề này với tư cách cá nhân. Lâu nay, khi viết blog, tôi không viết như khi viết báo, vì tôi không có ý định gửi một thông điệp gì ngoài tâm tư khát khao được sống và yêu thương. Thế nhưng, tôi cũng hay dành thời gian viết về Trường Sa - do tôi đã được đến, đã được thấy và đã trào nước mắt khi thấy ngọn cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh bay phấp phới ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhiều bạn bức xúc la lên rằng Nhà nước Việt Nam quá nhu nhược, cam chịu nhục, phản ứng chiếu lệ trước thái độ ngang ngược và dã tâm rất rõ của những người cầm quyền Trung Quốc. Nhiều bạn đang kêu gọi thái độ quyết chiến, chấp nhận hy sinh. Thật ra mọi chuyện không đơn giản chút nào, bởi chiến tranh không phải trò đùa. Trước đây, trong chuyến hải hành ra các đảo trong quần đảo Trường Sa, tôi đã có dịp thăm hỏi một tướng lĩnh lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và vài vị lãnh đạo Binh chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (do không phải là cuộc phỏng vấn chính thức nên tôi xin phép không nêu tên các vị này). Tôi đã tìm hiểu về khả năng giữ được các đảo còn lại ở Trường Sa và khả năng giải phóng quần đảo Hoàng Sa cùng các đảo ở Trường Sa đã bị chiếm đóng. Không đơn giản như trong câu hát của ca khúc “Hội nghị Diên Hồng”: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh! Hy sinh! Thề liều thân cho sông núi!”. Vì sao? Trong khi Trung Quốc đã thành một cường quốc quân sự với lực lượng hải quân hùng hậu trên biển, có tàu sân bay, có tàu ngầm, có vũ khí hạt nhân… thì chúng ta còn quá nghèo nên vẫn còn phải tận dụng những tàu chiến từ thời chiến tranh. Máy bay Mig, Su từ Cam Ranh bay ra Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể không kích không quá 5 phút vì sẽ không đủ nhiên liệu bay về (do không có tàu sân bay đưa ra tiếp cận mục tiêu và không thể tiếp nhiên liệu trên không).

Trong cuộc chiến tranh hiện đại, không thể chiến thắng chỉ bằng ý chí và lòng ái quốc. Ngày xưa chống giặc Tống, Nguyên, Thanh, cha ông ta có thể giành chiến thắng vì dù giặc là quân đội thiện chiến, nhưng cũng chỉ có tàu buồm, ngựa và gươm giáo như chúng ta. Quân giặc lại không am tường trận địa, không thích nghi được khí hậu và cũng không thể đông đảo bằng quân dân Việt Nam có thế trận chiến tranh nhân dân và có sức mạnh đoàn kết một lòng khi sơn hà nguy biến. Trong những trận chiến giai đoạn 1945-1975, đã khốc liệt hơn vì chênh lệch lớn về phương tiện chiến tranh, nhưng địa thế hiểm trở và thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân cũng đã được khai thác hiệu quả để giành được thắng lợi cuối cùng. Chiến đấu trên biển Đông thời hiện đại, ta nắm phần thua vì đây là một chiến trường không ủng hộ người cô thế. Chúng ta có thể liều lĩnh tung quân đánh úp để giải phóng các đảo bị chiếm đóng, nhưng có cố thủ được không, hay đành tử thủ vài tiếng đồng hồ rồi hy sinh?

Khi một cuộc chiến tranh nổ ra, đất nước và nhân dân sẽ trả giá bằng những tổn thất mà phải 20-30 năm sau vẫn chưa thể gượng lại được. Hãy hình dung toàn bộ các giếng dầu khí đang khai thác trên biển Đông bị dội bom - nơi đây đang cung cấp 30% ngân sách quốc gia hàng năm. Hoạt động đầu tư nước ngoài bị ngưng trệ vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vội vàng rút khỏi một đất nước đang chiến tranh. Khách du lịch quốc tế không đến Việt Nam nữa. Hàng chục triệu lao động thất nghiệp. Biên giới phía Bắc bị tấn công trên toàn tuyến. Các âm mưu phá hoại diễn ra khắp các thành phố lớn. Cả nước tổng động viên, và sẽ lại có hàng trăm ngàn thanh niên ngã xuống. Xã hội đói nghèo, người dân phải sống trong sợ hãi và khốn khó. Hàng hóa thiếu thốn nên chế độ tem phiếu - cơn ác mộng thời bao cấp lại tái diễn. Rất nhiều bạn trẻ sinh ra sau 1975 nên chưa hình dung hết thế hệ cha ông đã có những năm tháng điêu đứng, kinh hoàng như thế nào khi lớn lên trong khói lửa chiến tranh.

Hành động liều lĩnh dám chết vì tình vẫn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc dám sống để bền bỉ đấu tranh cho tình yêu. Với tình yêu Tổ quốc cũng vậy. Đi vào một cuộc chiến tranh và dũng cảm xả thân vì Tổ quốc là điều chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Nhưng điều tốt hơn vẫn là làm sao tránh được một cuộc chiến tranh. Sự phản ứng của Nhà nước Việt Nam thật yếu ớt khi chỉ có lời tuyên bố lên án và khẳng định chủ quyền của người phát ngôn Bộ Ngoai giao. Nhưng tôi tin còn nhiều động thái đằng sau đó. Sáng nay, những người quan sát tinh ý sẽ đặc biệt chú ý một mẩu tin nhỏ trên báo: Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ thăm Việt Nam vào ngày 13-12 tới đây. Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Timothy Keating nói: “Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sớm có vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh trong vùng. Quan điểm của phía Hoa Kỳ là các nước cần tuân theo tuyên bố hồi năm 2002 về giải quyết các xung đột trên biển Đông một cách hòa bình, và Hoa Kỳ sẵn sàng ''trợ giúp hòa bình'' trong vấn đề này. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 và giải quyết mọi việc một cách hòa bình. Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ biển Đông. Tôi nghĩ tất cả các bên hiểu điều này và họ sẽ làm điều hợp lý nhất - đó là giải quyết mọi việc một cách hòa bình''.

Rõ ràng đây là một bước đi quan trong trong thế trận ngoại giao và quân sự. Chúng ta không ngây thơ trông đợi người Mỹ hay ai đó sẽ giúp chúng ta bảo vệ đất nước và giành lại phần lãnh thổ đã bị xâm chiếm, nhưng chúng ta vẫn biết linh hoạt khi tạo thế trận cho mình. Tôi rất tâm đắc khi được nghe một vị lãnh đạo ngành ngoại giao nói về kế sách dĩ bất biến ứng vạn biến và thế trận ngoại giao đa phương hóa của Việt Nam. Một hình ảnh được đưa ra rất dễ hình dung: chúng ta trồng một cây anten cao, chằng buộc rất nhiều dây căng ra nhiều phía thì không thể đổ được. Năm 2008, Việt Nam ngồi vào ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, tiếng nói của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế sẽ có sức nặng hơn. Chúng ta sẽ khó có thể xử với một kẻ côn đồ bằng vũ lực, nhưng chúng ta vẫn có những cách thông minh và mềm mỏng. Chúng ta đang tạo thế và lực để giữ được toàn vẹn lãnh thổ của mình, không dựa dẫm ai, nhưng vẫn trụ được. Trong cục diện hiện nay, chúng ta chưa thể giải phóng những hải đảo đã bị chiếm, nhưng chúng ta sẽ không chấp nhận từ bỏ chủ quyền. Vẫn còn cần có thêm nhiều thời gian, và cần tích lũy đủ thực lực. Chúng ta học bài học từ Trung Quốc, khi họ kiên trì đòi chủ quyền lãnh thổ và khi họ đủ mạnh, họ đã giải phóng Hong Kong, Macau sau cả trăm năm mà không tốn xương máu. Chúng ta cũng vững tin sẽ làm được điều đó với Hoàng Sa, Trường Sa.

Lâu nay đến với blog HTL, các bạn chỉ thấy một không khí thật bình yên. Hôm nay tôi viết một entry khô khốc, không chút mượt mà, nhưng lời lẽ, câu chữ vẫn rất bình yên giữa không khí sôi sục này. Tôi viết ra những điều mình nghĩ và tin.

__________

Ảnh: Các bạn trẻ TPHCM với thông điệp hòa bình. Ảnh: Thái Bằng.

__________

Đất Nước
Sáng tác:
Phạm Minh Tuấn - Thể hiện: Quang Thọ

Nhạc: Phạm Minh Tuấn
Lời: Tạ Hữu Yên

Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về mình mẹ lặng im

Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi!
Từ thuở còn nằm nôi
Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa
Lao xao trưa hè một giọng ca dao
Lao xao trưa hè một giọng ca dao

Xin hát về người đất nước ơi!
Xin hát về Mẹ - Tổ Quốc ơi, suốt đời lam lũ
Thương lũy tre làng, bãi dâu, bến nước
Yêu trọn tình đời muối mặn gừng cay

Xin hát về Người - đất nước ơi!
Xin hát về Mẹ - Tổ quốc ơi, mấy mùa không ngủ
Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc
Vai Mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con

Xin hát về Người - đất nước ơi
Xin hát về Mẹ - Tổ Quốc ơi, tảo tần chung thủy
Như những câu hò lắng trong tiếng sáo
Đêm lại dặt dìu tiếng mẹ ru con

Xin hát về Người - đất nước ơi
Xin hát về Mẹ - Tổ Quốc ơi, vẫn còn gian khổ
Hạt thóc chia đều dẫu no dẫu đói
Ta - bạn vẹn tình đắng ngọt cùng vui

Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi!
Sáng ngời muôn thuở khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ

Nguồn: Blogger Huỳnh Thanh Luân

Đọc tiếp...

Chính phủ đang quan ngại biểu tình lan rộng

Comments

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Vinqt, một thành viên diễn đàn hoangsa.org. Nội dung đã được biên tập để các bạn tiện theo dõi.

Tất nhiên đây chỉ là dự đoán của tôi thôi. Tuy nhiên dự đoán nào thì cũng phải có cơ sở của nó. Trước tiên, dù muốn hay không thì việc biểu tình đã diễn ra và lợi hại của nó thì chúng ta vẫn tiếp tục bàn luận. Sau cuộc biểu tình lần một, Tần Cương ca một bài và lập tức Chính phủ Việt Nam có ý kiến, không phản đối cũng không ủng hộ cuộc biểu tình, chỉ xem đó là một cuộc tụ tập tự phát của người dân. Điều này chứng tỏ Nhà nước đang có sự cân nhắc.

Cuộc biểu tình lần 2 ngày 16/12 diễn ra. Những hành động của các lực lượng an ninh không thể gọi là đàn áp được, bởi vì chưa có sự đổ máu hay bắt bớ vô cớ nào.

Những người bị bắt, hoặc là những phần tử quá khích gây kích động thật sự hoặc nói xấu chính quyền (như Kim Duy - thành viên THTNDC) hoặc có những hành động nguy cơ cao (như bạn Hương Hà Nội chẳng hạn - hét lên CA bắt người thì ngang với kích động người ta rồi, không bắt không thể được). Mặc dù còn vài ông Công an, cảnh sát có hành động quá mạnh tay hoặc thô bạo, vô lễ nhưng chúng ta phải nhìn một cách toàn diện. Phần lớn họ chỉ thực thi đúng nhiệm vụ của mình và đã thực hiện rất tốt. Việc không để xảy ra sự cố lớn đã là một điều thành công lớn.

Tần Cương lại lên tiếng lần hai. Lần này có vẻ hung hăng và tức tối hơn. Cái đài hết pin đó tiếp tục cất lên cái giọng trịch thượng, kẻ cả. Vẫn là sự ra lệnh và thách thức chính phủ Việt Nam. Nhưng đến giờ phút này nhà nước chúng ta vẫn chưa đưa ra phát biểu chính thức. Như vậy là sao? Có bạn cho rằng chính phủ ta run sợ rồi, không dám nói gì nữa. Không, tôi tin là không bao giờ như vậy. Bằng chứng là trong mấy ngày gần đây liên tục có các chuyến thăm quân sự cấp cao của tư lệnh Thái Bình Dương Timothy Keating (Hoa Kỳ) và bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ. Bất ngờ nhất là quyết định mở cửa của Bộ quốc phòng, bước đầu tiên cho phép các chuyên ra quân sự nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu các trận đánh đã từng diễn ra. Những động thái dồn dập như vậy đã chứng tỏ chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để nâng cao uy thế quân sự của mình trong khu vực Đông Nam Á và nhất trong con mắt Trung Quốc. Việc tìm kiếm một đồng minh quân sự chắc chắn là một điều cần thiết và Bộ chính trị đã bàn đến từ lâu. Theo thôi Ấn Độ sẽ là mục tiêu cho chúng ta hướng đến. Ấn độ có một nền quân sự quốc phòng ở trình độ cao, lại có KH-KT phát triển và không bị sa lầy vào các cuộc chiến tranh tai tiếng như Hoa Kỳ. Hơn nữa, vị trí lại khá phù hợp (gần Việt Nam, đễ dàng tương trợ khi có diễn biến). NHững cuộc tập trận chung của hai nước Việt nam và Ấn Độ đang dần khẳng định điều đó.

Có bạn cho rằng tại sao chúng ta không chọn Hoa Kỳ làm đồng minh? Hoa Kỳ vừa mạnh vừa giàu lại cũng đang hầm hè với Trung Quốc, chọn Hoa Kỳ là đúng rồi. Tuy nhiên các bạn phải nhìn nhận lại. Muốn hay không thì Hoa Kỳ đã từng xâm lược Việt Nam. Hội chứng Việt Nam vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân Hoa Kỳ và không dễ gì xoá bỏ. Ở VIệt Nam cũng tương tự như vậy khi nỗi đau da cam còn giằng xé số phận của rất nhiều con người. Hơn nữa, Hoa Kỳ đang sa lầy ở Iraq, Afghanistan; đang đối đầu với Iran. Và một điều mất mát nữa của Hoa Kỳ là đã không còn sân sau (khu vực Mỹ Latinh) với sự nổi lên của Venezuela, Bolivia. Chính phủ Argentina và Brazil cũng ngả dần theo phe cánh tả. Một nước nữa chúng ta không thể không nhắc tới là "ngọn lửa Cuba" vẫn đang cháy. Ở châu Á, cho dù vấn đề Triều Tiên đã xuôi chèo mát mái nhưng Hoa Kỳ vẫn không thể mất cảnh giác khi nước Nga vẫn còn sừng sững ở đó (cách đây vài ngày Nga chính thức công bố đã chuyển nguyên liệu hạt nhân cho Iran và sẽ tiếp tục nữa). Rõ ràng với rất nhiều vấn đề đó thì Việt nam không thể là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ được.

Rất có thể sẽ tái lặp lại thảm kịch như năm 1974 khi hạm đội 7 của Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc nhìn 51 chiến sĩ VNCH dần dần hi sinh mà không có một thái độ trợ giúp nào.

Theo thông tin của một bạn trong diễn đàn thì trong bản tin dự báo thời tiết tối, lần đầu tiên có dự báo chi tiết cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rõ ràng đây là một động thái mới của chính phủ khi muốn lên tiếng về chủ quyền với Trung Quốc. Các bạn có thể xem đây như một tuyên bố (không chính thức) của Chính phủ nhằm đáp lại phát biểu của Tần Cương. Việc minh bạch thông tin có lẽ sẽ tiến triển trong thời gian tới.

Nhưng một tin nữa đã làm rất nhiều bạn thanh niên và sinh viên buồn đó là hủy bỏ cuộc đi bộ đồng hành chào mừng thành công Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (dự kiến diễn ra vào 22/12). Tại sao lại như vậy? Khi mà công tác chuẩn bị đã hầu như hoàn tất mà phải hủy bỏ thì chắc chắn phải có nguyên nhân hết sức chính đáng. Địa điểm tổ chức đi bộ dự định tại 3 địa điểm: Hà Nội, Huế, TP Hồ CHí Minh - 2 trong 3 là những địa điểm "nhạy cảm". Theo suy đoán của Vintq thì Chính phủ lo ngại rằng cuộc đi bộ tuần hành sẽ nhanh chóng trở thành một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trên diện rộng. Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra và có cơ sở để kiểm chứng. Diễn biến của cuộc biểu tình 16/12 với qui mô và có tổ chức hơn ngày 9/12 đã chứng minh điều đó.

Vậy hậu quả của một cuộc biểu tình trên diện rộng là gì? Một cuộc bạo động đúng nghĩa.

Bất cứ một cuộc biểu tình hòa bình nào cũng chỉ ở một qui mô nhất định. Với lượng người tham gia quá lớn thì tình trạng mất kiểm soát của lực lượng an ninh sẽ xảy ra. Chỉ một hành động nguy cơ cao đều là nguyên nhân dẫn đến xô xát và hậu quả xảy ra là khôn lường. Quân đội phải ra tay can thiệp. Đó là thời cơ vàng cho các thế lực phản động hành sự. Một vài giờ sau tin tức chính quyền Việt Nam đàn áp biểu tình sẽ lan đi toàn thế giới. Đây là hiểm hoạ mà nếu xảy ra thì phải mất hàng thập kỉ mới biết hết tác hại.

Có thể nhiều bạn nghĩ rằng mình lớn rồi, đủ khả năng kiểm soát bản thân rồi. Thế nhưng bạn dám đảm bảo một tập thể hàng nghìn người như vậy ai cũng kiểm soát được như bạn không?

Theo những phân tích trên ta có thể nhận định rằng: Ngày 22/12 sẽ là một ngày cao điểm của lực lượng an ninh và không thích hợp cho việc biểu tình. Việc biểu tình nên tổ chức vào ngày nào và tại đâu thì tôi vẫn chưa chắc chắn được.

Một số ý kiến của Vintq về việc biểu tình:

- Không nên tăng thêm qui mô của lực lượng biểu tình, nó chỉ nên giới hạn từ 200 - 400 người để có thể kiểm soát được.

- Thành phần tham gia biểu tình nên có sự sàng lọc trước (tất nhiên không thể sàng hết được, chỉ là tương đối thôi). Những người tham gia nên có đồng phục để tránh nhầm lẫn.

- Lập ra đội an ninh biểu tình. Đội này có nhiệm vụ giám sát mọi hành động của những người tham gia, tìm ra đối tượng khả nghi để theo dõi và ngăn chặn kịp thời các hành động phá hoại.

Nguồn: Diễn đàn Hoàng Sa

Đọc tiếp...

"Việt Nam cần làm bạn với Mỹ"

Comments

Giáo sư Carlyle Thayer

Ông Carl Thayer cho rằng Việt Nam cần những người bạn như Mỹ

Việt Nam cần những người bạn như Mỹ nhằm duy trì sự ổn định ở vùng biển Đông, tuy Mỹ có thể sẽ không bị hút vào vấn đề tranh chấp ở vùng biển này.

Đó là nhận định của Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ học viện Quốc phòng Úc, trong một cuộc phỏng vấn với BBC:

Giáo sư Carlyle Thayer: Mới đây tôi có thăm Hà Nội và thấy rõ rằng Việt Nam có chính sách phát triển các vùng lãnh hải của mình.

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có nhấn mạnh chính sách này. Tôi nghe nói rằng Trung Quốc đã có trong tay bản copy tài liệu mật đó.

Rõ ràng là Trung Quốc đang gây áp lực đối với Việt Nam cả trên biển lẫn thương mại. Việt Nam vì thế không biết phản ứng ra sao trước động thái của Trung Quốc vì lý do phát triển kinh tế.

Các cuộc biểu tình mới đây rõ ràng là bước đi đầu tiên của Việt Nam nhằm thay đổi từ chính sách ngoại giao riêng rẽ sang sử dụng việc gây áp lực nhân dân đối với Trung Quốc nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và phát triển các vùng lãnh hải của mình.

BBC: Chính phủ Việt Nam dường như bật đèn xanh cho các cuộc biểu tình. Vậy theo ông, động thái của Việt Nam là tốt hay càng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn?

Giáo sư Carlyle Thayer: Việt Nam đã khơi dậy tinh thần chống Trung Quốc. Các phóng viên nước ngoài nói với tôi rằng họ được gọi điện và được thông báo về những nơi diễn ra biểu tình.

Cảnh sát Hà Nội cho phép cuộc biểu tình diễn ra một thời gian trước khi giải tán. Những người biểu tình nói rằng họ biết thông tin từ Internet vì chính phủ Việt Nam không công khai nói đến vấn đề đó.

Việt Nam rõ ràng đã có động thái mạnh mẽ hơn, khiến Trung Quốc buộc phải phản ứng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng sẽ quan sát kỹ mọi động thái và các vụ biểu tình có thể sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương.

BBC: Vậy có phải Việt Nam đang rơi vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan hay không, thưa ông?

Giáo sư Carlyle Thayer: Rõ ràng Việt Nam đang trong tình thế nan giải. Trung Quốc mạnh hơn trong vấn đề lãnh hải.

Lực lượng hải quân của họ từng bắn các tàu đánh cá Việt Nam, và rất nhiều vụ việc như vậy xảy ra mà công luận không biết tới.

Như tôi đã nói, Việt Nam đang bị đe dọa khi phát triển vùng lãnh hải, cũng như hợp nhất các vùng hải phận Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Điều đó khiến các công ty nước ngoài làm ăn ở cả Việt Nam và Trung Quốc được cảnh báo rằng việc kinh doanh của họ ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu Việt Nam tiếp tục có những bước đi như vậy.

Vì thế Việt Nam đang ở trong thế yếu, nên cần phải sử dụng ngoại giao cũng như tổ chức Asean để củng cố vị thế.

Nhưng về cơ bản, trong mọi vấn đề liên quan, Việt Nam đang trong cảnh thua thiệt đủ đường.

BBC: Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố, “hy vọng chính phủ Việt Nam có thái độ trách nhiệm đồng thời có các biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc làm tổn hại đến quan hệ song phương”. Ông có nghĩ Trung Quốc đang gây sức ép và có cách hành xử kiểu “anh cả” đối với lãnh đạo Việt Nam không?

Giáo sư Carlyle Thayer: Việt Nam rõ ràng cần phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình dù với một vị thế yếu về mặt quân sự. Hải quân Việt Nam đang được hiện hiện đại hóa một cách chậm chạp, nếu xét về máy bay tuần duyên và tên lửa đối biển.

Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền nhưng rõ ràng chưa ở vị thế có thể bảo vệ đất nước một cách hiệu quả. Cho nên Việt Nam cần những người bạn như Mỹ nhằm duy trì sự ổn định ở vùng biển Đông, nhưng có lẽ Mỹ sẽ không bị hút vào vấn đề này.

BBC: Với thế yếu như vậy, theo ông Việt Nam có nên nhờ các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean) can thiệp hay không?

Giáo sư Carlyle Thayer: Theo tôi, vấn đề Việt Nam và Trung Quốc chưa đến mức đe dọa tới hòa bình quốc tế. Điều Việt Nam cần làm ngay là công khai rộng rãi hơn vấn đề tranh chấp và điều đó sẽ đánh động Trung Quốc.

Trung Quốc mới tổ chức đại hội đảng lần thứ 17, trong đó họ có đề cập tới một thế giới hòa hợp trong đó Trung Quốc phát triển và trỗi dậy một cách hòa bình.

Cho nên theo tôi vấn đề này sẽ liên quan tới tất cả các nước thành viên Asean và Trung Quốc. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc không thể thể hiện rõ vị thế xâm lược trong mọi vấn đề.

*Tiêu đề bài báo do BBC đặt.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Phân tích tương quan chính trị Biển Đông - Ngô Thế Vinh

Comments

Hình Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa từ một blog tiếng Việt

Quần đảo Trường Sa cho tới nay không phải là những đảo có dân cư trú, ngoại trừ những đơn vị quân đội của năm quốc gia đang chiếm đóng, gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Đài Loan và Trung Quốc. Thêm Brunei cũng lên tiếng tham dự vào cuộc tranh chấp.

Trong số hàng trăm đơn vị đảo, đá, cồn và bãi với tổng số diện tích không quá mười cây số vuông (10km2) với nhiều đơn vị không có tên, tính đến nay:

Việt Nam hiện chiếm giữ cả thảy 13 cao địa, 22 đơn vị có tên và một số không tên. Đảo Trường Sa (Spratly) là nơi có bộ chỉ huy Việt Nam trú đóng.

Phi Luật Tân hiện chiếm cả thảy 10 cao địa, 18 đơn vị có tên và một số không tên. Không kể đá Vành Khăn (Mischief Reef) trên thực tế đã bị Trung Quốc chiếm.

Trung Quốc hiện chiếm 2 cao địa và 9 đá chìm và bãi ngầm có tên. Đá Chữ Thập (Fierry Cross Reef, chiếm của Việt Nam năm 1988) là nơi đặt bộ chỉ huy quần đảo Trường Sa của Trung Quốc.

Mã Lai hiện chiếm giữ 2 cao địa và 4 đơn vị có tên.

Đài Loan chiếm 1 cao địa: đảo Ba Bình (Itu Aba) cũng là đảo lớn nhất tại Trường Sa (xem sơ đồ 1 / Heinemann 95, chỉ ghi những địa danh chính).

Cách làm của Phi Luật Tân

Tháng 11/98 vừa qua, ngoại trưởng Phi Domingo Siazon đã nói trước quốc hội Phi rằng các công trình xây cất quy mô mới đây của Trung Quốc là kế hoạch quốc phòng thế kỷ 21 của Bắc Kinh nhằm bành trướng ra ngoài Đông Á và bao trùm cả Thái Bình Dương.

Trước những diễn tiến dồn dập trên đá Vành Khăn, hoàn toàn bất lợi cho Phi, Siazon chỉ còn biết than thở:

“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc rút khỏi đá Vành Khăn, họ nói không. Chúng tôi yêu cầu cuộc tranh chấp được giải quyết qua một hội nghị quốc tế, họ cũng nói không. Chúng tôi đề nghị một chương trình hợp tác phát triển thì họ bảo để coi!”

Ông Siazon tiếp: “Chúng tôi thì không có khả năng tới vùng biển ấy, hải quân Phi chỉ gồm có mươi chiếc tàu tuần (patrol boats) và đã được lệnh phải tránh xa để không gây sự biến nào”. Trung Quốc đã đưa lời cảnh cáo là tàu bè Phi không được tới gần hơn 5 hải lý và máy bay tuần thám Phi cũng không được bay thấp hơn 1500m.

Do có hiệp ước liên minh quân sự với Washington, bộ trưởng quốc phòng Phi Mercado đã kêu gọi Mỹ can thiệp, nhưng chánh phủ Clinton lạnh lùng trả lời là hiệp ước không áp dụng cho các vùng lãnh hải đó.

Chẳng còn một chọn lựa nào khác, Phi chỉ còn biết tuân thủ những đòi hỏi vô lối của Bắc Kinh. Cho dù đang giữa cuộc tranh chấp nhưng trên thực tế đá Vành Khăn đã tuột khỏi quyền kiểm soát của Manila.

Một hình chụp Trường Sa

Và trong chuyến du hành cuối năm 98 vừa qua, tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, đô đốc Joseph Prueher cũng chỉ phát biểu một cách chung chung là “Hoa Kỳ sẽ theo dõi sát diễn tiến trên đá Vành Khăn”. Bề ngoài thì như vậy nhưng bên trong không thể không có mối âu lo, phản ánh bằng câu nói của viên sĩ quan hải quân Mỹ với phóng viên tờ National Geographic: “Tôi chỉ mong sao họ không tìm ra dầu ở Trường Sa”.

Dầu khí thì chắc chắn là có ngoài Biển Đông và điển hình là đang có ba bãi dầu được khai thác: bãi Tứ Chính (Vanguard) của Việt Nam, bãi Cỏ Rong (Reed Bank) của Phi và bãi Natuna của Nam Dương.

Ý thức được sự quá yếu kém về quân sự, Phi bền bỉ trong các cuộc vận động ngoại giao, đòi đưa vấn đề ra trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cả vận động giới lập pháp Mỹ quan tâm nhiều hơn tới cuộc tranh chấp Trường Sa.

Ít ra cũng đã có một nghị sĩ cộng hòa, Dana Rohrabacher (Huntington Beach, California), thuộc Ủy ban Liên lạc Quốc tế Hạ viện Mỹ lên tiếng. Ngày 10 tháng 12 1998 ông được đưa lên một chiếc phi cơ quân sự C 130 của Phi bay sáu vòng trên không phận đá Vành Khăn, chụp hình được các công trình xây cất và cả các chiến hạm của hải quân Trung Quốc và ông tuyên bố:

“Trung Quốc đang xây cất những công sự, tôi còn thấy được ánh chớp của những đèn hàn... Những điều chúng tôi thấy được vừa có tính cách báo động vừa bi thảm. Trung Quốc đã đưa các chiến hạm từ ngàn dặm xa xôi đi cướp đất của một nước láng giềng”. Ông tiếp: “Chúng ta không thể làm ngơ hành động côn đồ của Trung cộng trong quần đảo Trường Sa. Sự hiện diện quân sự của Trung Quốc không chỉ là mối quan tâm của Phi Luật Tân, đó cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ và các nước dân chủ trên thế giới”.

Ông cũng lên án chánh quyền Clinton đã coi nhẹ biến cố Vành Khăn. Bằng một ngôn ngữ ngoại giao, ông hứa là sẽ vận động quốc hội Mỹ hỗ trợ gia tăng tiềm lực hải quân Phi... “Tôi đã biếu tổng thống Estrada một chai rượu Tequilla bự. Tôi hy vọng tiếp theo đó sẽ là một tuần dương hạm”.

Dana Rohrabacher tuy không phải là một tiếng nói thế lực trong giới lập pháp Mỹ, nhưng có còn hơn không và đó cũng là một dấu hiệu an ủi cho Phi.

Dấu hiệu chuyển động

Giữa cuộc tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa đang diễn ra trên Biển Đông, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nguy cơ đối đầu nhất. Sau khi mất toàn quần đảo Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa, ngoài những cuộc đấu khẩu ngoại giao, phía Việt Nam đã có những bước ứng xử nào:

Theo tin của Thông tấn Kyodo 19-09-98, Việt Nam mới đây đã hoàn tất việc xây dựng và trùng tu nhiều cơ sở “dân sự” trên đá san hô Tây (West Reef) trong quần đảo Trường Sa... có cả sân bay trực thăng với tổn phí lên tới 4 triệu đôla, là những công trình xây dựng có tính cách lâu dài.

Tài liệu Combat Fleets of the World 98-99, Naval Institute Press, ghi nhận một số chiến hạm của hải quân Việt Nam đã được đổi tên thành Biển Đông hay Trường Sa (BD 621, 622, 105, TS 01) trong đặc nhiệm bảo vệ Trường Sa.

Tờ Orange County Register 13-12-98, trong phần châu Á Thái Bình Dương loan tin: có hai con đường của thành phố Sài Gòn được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo báo Tuổi Trẻ trong nước 06-02-99, chánh phủ Việt Nam đang ráo riết buộc toàn thể cán bộ học tập nâng cao kiến thức sử học về chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng tổ chức hội nghị khoa học về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa. Nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, địa lý địa danh, đặc điểm khí hậu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các đảo và vùng biển liên hệ đã được công bố... Thành phần tham dự hội nghị gồm các nhà khoa học thuộc nhiều lãnh vực từ các đại học và các viện nghiên cứu, đại diện các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Ủy ban Biên giới, các ban Trung ương Đảng, Văn phòng Chánh phủ...

Trên tấm bản đồ Việt Nam và Biển Đông (chứ không phải Nam Hải - South China Sea) với các địa danh thuần Việt của Tổng cục Địa chính xuất bản năm 1997 có ghi những chi tiết: (1) Quần đảo Hoàng Sa (hiện bị Trung Quốc chiếm đóng) là thuộc thành phố Đà Nẵng Quảng Nam, cách Đà Nẵng 390km, (2) Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa Nha Trang (nguyên thuộc tỉnh Phước Tuy thời Việt Nam Cộng hòa), cách Sài Gòn 670km.

Tàu Nhật Tảo của Việt Nam Cộng Hòa bị Trung Quốc bắn chìm năm 1974 khi đánh chiếm Hoàng Sa

Trên các tờ báo tiếng Việt xuất bản ở hải ngoại cũng thường xuyên có các tin và bài bình luận liên quan tới Hoàng Sa Trường Sa và chủ quyền trên Biển Đông.

Mùa hè 98, một cuộc hội thảo chuyên đề về Biển Đông của một số trí thức và chuyên gia Việt Nam hải ngoại được tổ chức ở New York với phần đúc kết sẽ được ấn hành như một tài liệu tham khảo nội bộ.

Trên Internet gần đây xuất hiện một website mang tên “Paracels Forum”, thiết trí như một diễn đàn chung cho những ai quan tâm tới vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, địa chỉ: http://members.tripod.com/~Paracels/.

Tờ Đi Tới ở Montréal Canada thực hiện một số báo chuyên đề (tiếp sau Tập san Sử Địa, đặc khảo về Hoàng Sa Trường Sa 1975) cập nhật hóa các vấn đề liên quan tới Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa Trường Sa trong bối cảnh mối bang giao lịch sử giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Vành Khăn là con bài Domino

Vào những thập niên 50-60, giữa cuộc chiến tranh lạnh, người Mỹ rất tin vào thuyết Domino về mối liên hệ của toàn vùng được hình dung bằng một hàng những con bài Domino đứng cạnh nhau, nếu con bài đầu tiên bị đổ thì sẽ đè lên con bài thứ hai và theo phản ứng dây chuyền cứ thế cả chuỗi bị sụp đổ.

Cuộc chiến tranh Việt Nam với bao nhiêu xương máu và tốn kém là một điển hình của thuyết Domino ấy.

Sau giai đoạn sụp đổ của khối Liên Xô, thập niên 90 được coi là thời kỳ “sau chiến tranh lạnh” đối với thế giới. Nhưng tại châu Á lại đang manh nha một cuộc “chiến tranh nóng” do sự bành trướng rất hung hãn của Trung Quốc.

Sau khi đã chiếm trọn Hoàng Sa và một số đảo của Trường Sa, mặc nhiên Trung Quốc đặt Việt Nam và các nước Đông Nam Á “trước một sự đã rồi”. Nhưng với tình hình hiện nay Trung Quốc có nuốt trọn được quần đảo Trường Sa hay không thì đá Vành Khăn là biểu tượng của con bài Domino đầu tiên ấy.

Do đó Vành Khăn không chỉ là mục tiêu tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung Quốc mà phải coi đó là thách đố đối với toàn thể các quốc gia Đông Nam Á. Bước tới, nếu Trung Quốc dứt khoát chiếm được đá Vành Khăn thì tất cả những đơn vị còn lại trong một chuỗi những đảo, đá, cồn và bãi của Trường Sa có tên hoặc không tên sẽ lần lượt rơi vào tay Trung Quốc, dĩ nhiên với tất cả hậu quả và hệ lụy của nó.

Lý lẽ của kẻ mạnh

Hơn 60 năm trước, vấn đề Hoàng Sa Trường Sa đã được báo chí Việt Nam dự báo và nhắc tới rất sớm: báo Nam Phong của Phạm Quỳnh (Hà Nội, NP 172, 05-1932) đã viết: “Vấn đề cương giới Hoàng Sa Trường Sa sẽ được giải quyết bằng gươm súng”.

Sáu năm sau trên báo Ngày Nay (Hà Nội 24-07-1938) của nhóm Tự lực Văn đoàn, Hoàng Đạo lúc đó mới ở cái tuổi ngoài 30 đã viết trong mục “Người và Việc” như sau: “Lấy lý lẽ mới cũ ra mà nói thì Hoàng Sa Trường Sa là của An Nam. Nhưng ở trường quốc tế người ta không ai theo luật mới cũ cả. Nó chỉ là của sức mạnh”.

Những dòng chữ ấy cho đến nay hoàn toàn đúng đối với Trung Quốc với lẽ của kẻ mạnh.

Sức mạnh thượng phong về hải, lục và không quân của Hoa lục là không thể phủ nhận. Nếu vạn bất đắc dĩ xảy ra một cuộc chiến tranh vùng trên Biển Đông, bất cứ cuộc đụng độ quân sự nào, thì sự toàn thắng đương nhiên ở về phía Bắc Kinh.

Cuộc khủng hoảng kinh tế vùng mới đây đã làm suy yếu hẳn thế liên minh của các quốc gia Đông Nam Á mà biểu hiện rõ nhất là trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN vừa qua tại Hà Nội, nguyên thủ các nước kể cả Việt Nam và Phi đều né tránh đề cập tới vấn đề gai góc này, nại lý do “còn nhiều vấn đề lớn hơn cần giải quyết, đặc biệt là lãnh vực kinh tế”.

Trước con mãnh hổ Trung Quốc, những con đà điểu Đông Nam Á thấy hiểm nguy chỉ biết có rúc đầu xuống cát.

Ai cũng biết các đảo cho dù nhỏ hẹp tới đâu, nhưng khi thuộc về một quốc gia nào, người ta sẽ viện dẫn theo Luật biển về vùng kinh tế đặc quyền 200 hải lý để đòi hưởng trọn các nguồn tài nguyên về hải sản và các mỏ dầu khí trong đó, chưa kể tới giá trị chiến lược của các căn cứ quân sự ấy.

Cho dù đang là một nước xuất cảng dầu nhưng Trung Quốc sẽ phải nhập cảng dầu vào đầu thế kỷ tới nếu không tìm ra được các mỏ dầu mới mà Biển Đông với Hoàng Sa Trường Sa có hy vọng là lời giải đáp.

Giả thiết nếu quần đảo Trường Sa hoàn toàn rơi vào tay Trung Quốc, điều này có nghĩa là Trung Quốc còn chiếm hữu luôn một phần mỏ dầu rất phong phú của Nam Dương quanh đảo Natuna - nơi đã có ký kết một hợp đồng lên tới 30 tỉ đôla giữa Công ty Dầu khí Mỹ Exxon và Djakarta. Hiển nhiên đây là một đụng chạm trực tiếp tới quyền lợi thiết thân của tư bản Mỹ và chắc chắn không dễ dàng gì Mỹ để rơi vào tay Trung Quốc.

Và Biển Đông không thể không dậy sóng nếu không đạt được một hợp tác phát triển và phân chia tài nguyên giữa các quốc gia lớn nhỏ trong vùng trên phương diện khai thác dầu khí, đánh cá và hải hành.

Trước âm mưu chia để trị, Trung Quốc sẽ áp đặt những điều kiện thật khắt khe trong các cuộc thương thảo song phương như giữa Bắc Kinh và Hà Nội hay Bắc Kinh và Manila...

Trung Quốc sẽ dễ dàng bẻ gẫy từng chiếc đũa nhưng với cả bó đũa thì không. Cọp dữ Hoa lục sẽ không dám xông vào giữa bày trâu hợp quần, nhưng sẽ giương móng vuốt chụp lấy từng con đứng riêng lẻ và cũng sẽ chẳng tha cả con trâu khỏe đầu đàn.

Chỉ có một đường sống duy nhất cho các nước Đông Nam Á là đoàn kết trong bình đẳng và tin cậy để có hành động phối hợp tạo thành một thế trận chung về chánh trị ngoại giao, kinh tế và quân sự, đủ sức đương đầu với con mãnh hổ Trung Quốc.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

Không quay cóp để có thực học xây dựng đất nước phú cường - Nguyễn Nhã

Comments
LÀM SAO MỖI NGƯỜI TỪ HỌC SINH TIỂU HỌC ĐẾN SINH VIÊN ĐẠI HỌC CÓ MỘT KẾ HOẠCH NHỎ KHÔNG BAO GIỜ QUAY CÓP ĐỂ CÓ THỰC HỌC XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHÚ CƯỜNG LẤY LẠI HOÀNG SA CHO VIỆT NAM TRONG TƯƠNG LAI?

TS. Nguyễn Nhã

Sáng lập viên Trường Đại Học Hùng Vương, TP.HCM

Gần 20 năm dạy môn phương pháp dạy học lịch sử tại Trường CĐSP. TPHCM (nay là Trường Đại Học Sài Gòn), và gần 10 năm dạy môn Phương pháp học tập đại học và môn Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam tại Trường Đại Học Dân Lập Hùng Vương, tôi thường hỏi các học trò rằng: "Ai là người hồi học ở phổ thông chưa hề có một lần quay cóp? Thường không có ai giơ tay cả. Thỉnh thoảng có vài người trong lớp rụt rè giơ tay. Song cả lớp đều nhìn, cười với vẻ hồ nghi.

GS. Ngô Gia Hy đã từng phát biểu trên báo Khoa Học Phổ Thông: "Quay cóp là quốc nạn". Quay cóp đối với giới trẻ hiện nay coi như chuyện bình thường, không hề biết xấu hổ, lương tâm cắn rứt. Trong khi đó người quay cóp thật sự đã làm một chuyện rất tồi tệ: gian dối, dối thầy, dối bạn, dối cha dối mẹ. Cũng là làm chuyện không công bằng, không minh bạch. Chính cái coi như bình thường ấy mới là một tai hoạ cho xã hội. Làm gì có thực học, thực tài để trở thành tương lai của đất nước, xây dựng đất nước! Con người như thế làm sao có thể xây dựng đất nước hùng cường để mà lấy lại Hoàng Sa! Làm sao xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, hiện đại!

Đối với giáo dục ở nước ngoài, quay cóp là một điều tối kỵ! Chỉ cần bắt được quay cóp, kể cả hành vi quăng bài cho bạn một lần thì không một trường nào cùng tiểu bang nhận vào học!

Theo tôi muốn đất nước hùng cường, xã hội công bằng, lành mạnh, văn minh, tuổi trẻ phải tuyên chiến với quốc nạn quay cóp này! Phải nói không với Quay cóp! Và như thế tuổi trẻ tiên phong mỗi người phải lên một kế hoạch tiêu diệt nạn quay cóp ngay từ chính bản thân mình, với các bạn cùng lớp, cùng trường, lan cả trường bạn. Mỗi người phải có quyết tâm cụ thể, một kế hoạch hành động nhỏ cụ thể!

Muốn kế hoạch nhỏ của mình thành công, thì phải suy nghĩ kỹ về những tai hại của quay cóp đối với cái thực học cũng như nhân cách con người, sự lành mạnh, trong sạch của học đường, của xã hội. Từ đó có một quyết tâm cao, xây dựng một lý tưởng, một ước mơ góp phần xây dựng đất nước hùng cường. Học sinh là người Tổ quốc mong cho mai sau! Phải tự tạo động cơ học tập tốt, học tập có hứng thú, say mê học tập, có kế hoạch học tập hằng tuần cũng như học kỳ, hàng năm. Có kế hoạch học tập theo theo nhóm, theo đội (teamwork)…

Các bạn hãy bắt đầu đi, làm một việc rất nhỏ, "nhất định không quay cóp". Nếu thành công, bạn đã làm một cuộc cách mạng tu thân. Tu thân rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, lấy lại Hoàng Sa cho Việt Nam.

Mong vậy thay!

TS Nguyễn Nhã

Sáng lập viên Trường Đại Học Hùng Vương, TPHCM

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2007

Một người Việt gốc Hoa: Chúng tôi sống hòa bình

Comments
Đây là một tâm sự của người Việt gốc Hoa được đăng trên hoangsa.org. Nội dung đã được chỉnh sửa cho rõ nghĩa và giữ nguyên như bản gốc.

Mấy ngày nay xôn xao về việc tranh chấp Việt Nam và Trung Hoa về Hoàng Sa và lên đỉnh điểm hơn là vụ lên tiếng một cách áp đặt của Ngoại trưởng Trung Hoa ông Tần Cương. Với vai trò là một người Hoa sinh sống tại Việt Nam tôi tự cảm thấy điều đó là phi lý và không công bằng, chúng tôi sống hòa bình, sống chan hòa không hề có sự đối xử ngược đãi Việt – Hoa, đừng cất cớ một cách vô tội vạ vì như thế sẽ làm chính chúng ta bị ô nhục như một thời kỳ Cách mạng văn hóa – một cuộc cách mạng ô nhục nhất lịch sử loài người.

Bạn là người Việt nhưng tôi là người Việt gốc Hoa. Tôi đang sống ở đất Việt, tôi đang ăn ở nước Việt và tôi là người Việt gốc Hoa. Người Việt gốc Hoa nhưng thật sự tôi không thể và không thể có chút gì đó thiện cảm với những người phương bắc.

Tôi yêu Việt Nam vì tôi là người con đất Việt, tôi yêu Bác vì bác đã một đời hy sinh vì đất nước, vì dân tộc và vì một dải thống nhất bắc nam. Hãy soi mình xem lại, Bác sống vì quê hương đến ra đi Bác cũng đi một mình, không vợ con, không bà con thân thiết nhưng bác thật sự rất vui vì Bác đã dành trọn hàng triệu trái tim cùng hướng về Bác. Tôi không ghét người Trung Hoa mà cũng không thù người Việt, tôi mong muốn được sống tại nơi mà tôi lớn lên một cách hòa bình và chung tay góp sức xây dựng quê hương tổ quốc.

Việt Nam là một cứ mỗi sáng nhìn báo Tuổi Trẻ để cảm nhận sự hạnh phúc quê hương hướng về Hoàng Sa và Trường Sa hôm nay nhiệt độ bao nhiêu? Nhưng qui chiếu nhìn lại, tôi không đồng tình cách cư xử của Trung Hoa với những phát ngôn như thế như áp đặt và sai bảo: “Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khi trả lời câu hỏi của phóng viên về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc mới đây tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã nói: "Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình nhằm vào Trung Quốc tại Việt Nam". Tôi cảm thấy rất nực cười và hơi bị hổ thẹn bản thân vì mình là người Hoa, bản thân sinh sống và làm việc tại Tp HCM, hàng ngày tôi đi làm, vui chơi ấy thế không hề gặp sự trở ngại về dân tộc và sự phân biệt đối xử Việt – Hoa.

Đất nước chúng tôi thống nhất một dãi bằng sự chiến đấu kiên cường, giành lại từ sự chiếm đóng của 1000 năm tàn bạo, 100 năm tàn ác và 30 năm nội chiến. Không gì hơn chúng tôi cộng đồng những người dân Việt Nam mong mỏi sự hòa bình và chung sống nlẫn nhau trên tinh thần tôn trọng hai bên cùng có lợi. 54 dân tộc là 54 sợi chỉ anh em được gắn kết bên nhau để đưa đất nước tiến lên tươi sáng, mãi mãi vẫn giữ một lời thề : trung thành quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Việt Nam là một, 54 dân tộc Việt Nam là một, và Việt Hoa cũng là một cộng đồng chung sống hòa bình.

Anh mạnh anh dùng áp lực để không chế nhưng không thể che nỗi miệng đời, anh có thể sử dụng nhiều vũ lực áp đảo Việt Nam chúng tôi nhưng không thể lắp đi sự ô nhục của chính mình sự ăn cướp mang tính chất chính trị đầy mưu mô và xảo trá.

Cùng nắm tay nhau Việt Hoa một kề, đừng cách ly dân tộc, đừng tách biệt Việt Hoa, cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải bởi vì dù chúng tôi là dân tộc nào đi nữa thì chúng tôi vẫn là một người con Việt Nam, sống chết vì một Việt Nam độc lập và hùng cường.

Các thanh niên Việt Nam, dù bạn là người hoa hay người Việt các bạn đều sống trên một mảnh đất hình chữ S cong cong, có hai quần đảo Hoàng Sa thân yêu và Trường Sa yêu quí, hãy hành động có lý trí và sáng suốt vì tổ quốc, mỗi ngày nhìn về Hoàng Sa cũng hun đúc cho tinh thần yêu nước vực dậy, mỗi ngày hãy tự nghĩ rằng Trường Sa là của chúng tôi càng tăng thêm tinh thần cho các chiến sĩ và đến lúc nào đó thuận lợi, hành động cho một giang sơn được liền kề, cho nơi đó các dân tộc anh em đều là một, cho Người Hoa là một bông hoa nở rộ trên đất Việt thân yêu.

Người Hoa chúng tôi không xấu, và lại càng biết mình làm gì hơn cho một Việt Nam hôm nay, ngày mai và mai sau: Tất cả đều chúng sức dưới lý tưởng của Hồ Chủ Tịch, đường lối của Đảng và Niềm tin với Chính phủ.

Chúng tôi yêu Việt Nam – Trường Sa của Việt Nam – Hoàng Sa của Việt Nam.

Just

(trích từ Diễn đàn Hoàng Sa)

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2007

Bác bỏ kế hoạch xây dựng “thành phố Tam Sa” ở biển Đông

Comments

Theo tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam trước kế hoạch thành lập một thành phố quản lý các quần đảo còn đang tranh chấp giữa hai nước đã có chuyển biến mới trong ngày 18-12, khi một quan chức của Hải Nam bác bỏ kế hoạch này.

Một đại diện của chính quyền huyện Văn Xương, tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho biết không có kế hoạch thiết lập “thành phố cấp huyện Tam Sa” để quản lý các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - nguồn gốc bất đồng về lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á khác.

Quan chức này khẳng định “không có kế hoạch như vậy... ở Hải Nam, chúng tôi chỉ có Tam Á, nhưng không có Tam Sa”.

Theo một quan chức khác của chính quyền tỉnh Hải Nam, nhà chức trách chưa nhận được một văn bản nào từ chính phủ trung ương về việc thiết lập một thành phố ở khu vực nói trên.

Click để xem bài gốc trên South China Morning Post

Nguồn: An ninh Thủ đô

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2007

Thanh niên Trường Sa hướng về Đại hội Đoàn

Comments

Bài viết cập nhật từ Báo Thanh Niên vào lúc 12 giờ 49 phút ngày 19/12/2007.

Chiều hôm qua 18.12, qua điện thoại, thượng tá Tạ Trung Đức, Chính trị viên đảo Trường Sa cho chúng tôi biết, trừ các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trực ban sẵn sàng chiến đấu, toàn thể đoàn viên, thanh niên trên đảo đã tập trung tại hội trường để xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX.

Chiến sĩ trẻ ở Trường Sa

Thượng tá Tạ Trung Đức xúc động nói: Cả đảo ai cũng cảm thấy gần gũi như đang ở đất liền. Trước giờ Đại hội Đoàn khai mạc, tuổi trẻ trên toàn đảo đã nỗ lực hết mình trong mọi nhiệm vụ để chào mừng đại hội. Ngoài việc bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, đã có nhiều công trình thanh niên trên đảo hoàn thành trước thời hạn như: Xây dựng mới một vườn hoa, vườn rau thanh niên có diện tích hơn 200m2, làm thêm hàng chục vọng gác thanh niên trên đảo, củng cố toàn bộ cảnh quan môi trường trên đảo theo phương châm xanh, sạch, đẹp.

Thanh niên Trường Sa hướng về Đại hội Đoàn - Ảnh: Tấn Tú

Cũng qua điện thoại, đại úy Trần Văn Hùng, Bí thư Liên chi đoàn đảo Trường Sa thân yêu cho biết: Đoàn Thanh niên trên đảo ngay từ cuối tháng 11 đã tổ chức giải bóng chuyền chào mừng Đại hội Đoàn. Trận chung kết sẽ diễn ra vào ngay hôm nay 19.12. Đặc biệt trong thời gian diễn ra Đại hội Đoàn, toàn đảo sẽ có một đêm liên hoan văn nghệ chào mừng. Đêm văn nghệ này sẽ có hàng chục tiết mục đặc sắc được bộ đội hát cho nhau nghe.

Hát vì Trường Sa thân yêu

Chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với các đoàn viên ưu tú, có nhiều thành tích xuất sắc trong thời gian qua. Đoàn viên Bùi Văn Chiến nói trong xúc động: "Ở nơi đầu sóng ngọn gió, qua sóng truyền hình, chúng tôi được tận mắt chứng kiến lễ khai mạc đại hội một cách trọng thể. Chúng tôi ai cũng cảm thấy phấn khởi và tự hào".

Còn đoàn viên Đỗ Xuân Đoàn thì nói với giọng rất cảm động và đầy trách nhiệm: "Qua Báo Thanh Niên, xin cho đoàn viên, thanh niên trên toàn quần đảo Trường Sa thân yêu chúc đại hội thành công tốt đẹp. Và chúng tôi nguyện hy sinh cả thân mình để bảo vệ hải đảo. Chúng tôi sẽ vượt lên mọi khó khăn và cả nỗi nhớ nhà, chắc tay súng để sẵn sàng chiến đấu".

Đại úy Trần Văn Hùng khẳng định: "Dù cuộc sống trên quần đảo Trường Sa còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu luôn được đoàn viên, thanh niên trên toàn quần đảo đặt lên hàng đầu. Chiến sĩ chúng tôi ngày đêm luôn chắc tay súng quyết bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc".

Đại úy Phạm Duy Bằng - Bí thư chi đoàn một đảo chìm cho hay: Với đặc thù hoạt động phân tán, tuổi trẻ chi đoàn hướng về đại hội bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Vừa qua, biển động kéo dài, thêm vào đó cơn bão số 7 đã làm hư hại hầu hết các vườn rau trên đảo. Vì vậy, đoàn viên, thanh niên đã tích cực tăng gia, đảm bảo rau xanh cho bữa ăn hằng ngày.

Tại đảo Trường Sa Đông, cán bộ, đoàn viên, thanh niên ở đây còn tìm hiểu Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ "Về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông". Một cán bộ Đoàn ở đây giải thích: "Việc tìm hiểu nghị quyết này nhằm giúp anh em có thêm kiến thức về an toàn giao thông. Mặt khác, để cán bộ, chiến sĩ về đất liền nghỉ phép, nghỉ Tết chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông".

Anh Đồng Minh Sĩ, Phó bí thư Huyện Đoàn Trường Sa thông báo: Để chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, ngay từ đầu tháng 12.2007, Huyện Đoàn đã phát động phong trào thi đua trong toàn đoàn viên, thanh niên với chủ đề "Tuổi trẻ Trường Sa thi đua xung kích, lập công dâng mừng đại hội". Phong trào thi đua tập trung vào 3 nội dung lớn: 100% tổ chức Đoàn và cán bộ, đoàn viên, thanh niên hoàn thành tốt nội dung chương trình huấn luyện năm 2007.

Luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao trong mọi tình huống. 100% tổ chức Đoàn và cán bộ, đoàn viên, thanh niên thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ. Các chi đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, tăng gia sản xuất, đảm bảo đời sống tinh thần và vật chất cho bộ đội.

Ngay sau khi phát động, Ban chấp hành các chi đoàn đã triển khai đến từng đoàn viên, thanh niên. Kết quả là phong trào thi đua đã góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, giữ vững kỷ luật, xây dựng lực lượng chính quy, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và vật chất cho bộ đội. Đây cũng là thành tích của cán bộ, đoàn viên, thanh niên huyện Trường Sa chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX.

* Anh Đỗ Minh Tuấn, Trưởng ban thanh niên quân chủng hải quân: Các đảo thuộc quần đảo Trường Sa tổ chức phát động nâng cao chất lượng học tập, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao. Đặc biệt, Cục Chính trị quân chủng đã chỉ đạo các đảo xem ti vi để theo dõi trực tiếp chương trình Đại hội Đoàn.

* Ông Đỗ Đình Tao, Phó chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân (đơn vị quản lý đoàn M46 trực tiếp quản lý bộ đội trên các đảo Trường Sa): Chỉ huy vùng quán triệt các đơn vị thực hiện nếp sống văn minh trong lực lượng hải quân, bao gồm văn minh quân nhân, trong học tập công tác và đạo đức lối sống. Tại các đảo, đã tổ chức các diễn đàn. Đồng thời, các đảo tiếp tục xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp trên biển Đông.

* Anh Trần Đăng Ninh, đại biểu tỉnh Đồng Nai tại tổ thảo luận số 9: T.Ư Đoàn đã phát động một cuộc vận động lớn mang tên "Nghĩa tình biên giới hải đảo" từ năm 1998. Tuy nhiên, cần được đẩy mạnh vấn đề tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hệ thống của Đoàn để đoàn viên, thanh niên hiểu biết. Tại đại hội này, có thể phát động làm một công trình vì Trường Sa thân yêu.

Hướng về Trường Sa thân yêu

Cuộc thảo luận tại trung tâm “tuổi trẻ bảo vệ Tổ quốc” ở Đại hội IX diễn ra rất sôi nổi, hào hứng của các đại biểu liên quan đến các vấn đề đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt hai vấn đề đại biểu quan tâm nhất là làm thế nào để phát huy lòng yêu nước của thanh niên một cách tích cực và phong trào "Vì Trường Sa thân yêu".

Đại biểu Lê Thị Hà Tĩnh đến từ Thanh Hóa cho rằng phải tăng cường việc giáo dục quốc phòng trong trường PTTH, chú trọng tới việc giáo dục tư tưởng để các em hiểu rõ được lòng yêu nước là như thế nào, chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" là ra sao?... Tuy nhiên, phương pháp giáo dục quốc phòng cũng nên có những thay đổi để các em cảm thấy hứng thú, dễ tiếp thu bài học hơn. Đại biểu Lê Chí Dũng - đại biểu đoàn ở nước ngoài cũng đã chia sẻ: "Tôi nghĩ ngay trong Đại hội IX lần này, Đoàn hãy phát động phong trào góp tay xây dựng một công trình không chỉ ở đảo Trường Sa, mà còn ở đảo Hoàng Sa. Chính phong trào đó sẽ khơi dậy lòng yêu nước tiềm tàng trong thanh niên và hướng họ vào những hành động thiết thực, ý nghĩa".

Sau hơn 3 tiếng, đại tá Phan Văn Long đã tổng kết buổi thảo luận. Đại tá đánh giá cao ý kiến của các đại biểu trình bày như vấn đề đẩy mạnh công tác giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên Việt Nam; vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên sau khi xuất ngũ; việc nâng cao chất lượng của các tân binh.

Các đại biểu đều nhận định rằng lòng yêu nước luôn thường trực trong trái tim con người Việt Nam, tuy nhiên, thể hiện nó như thế nào là đúng và ý nghĩa thì thanh niên vẫn còn thiếu. Việc các bạn trẻ bất bình trước sự việc Hoàng Sa và Trường Sa vừa qua cũng phần nào đó thể hiện tinh thần yêu nước nhưng việc mà các bạn đã hành động thì hoàn toàn không có ý nghĩa tích cực. Hơn thế nó còn thể hiện sự thiếu bản lĩnh và dễ bị lợi dụng trước thế lực thù địch.

Đoàn đã có phong trào: "Vì Trường Sa thân yêu", ngay lúc này, các chiến sĩ Trường Sa của chúng ta đang rất cần nhận được sự động viên, tình cảm của các bạn từ đất liền như những lá thư tay, những món quà nhỏ, để họ cảm thấy "Trường Sa nhưng không xa".

HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ ra Nghị quyết về Trường Sa

Sáng nay 19.12, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa IV khai mạc tại TP Nha Trang. Ông Mai Trực, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết trong kỳ họp này, HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ ra nghị quyết về Trường Sa, trong đó có nội dung:

1- Phản đối Trung Quốc thành lập thành phố hành chính quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

2- Khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, của tỉnh Khánh Hòa... Huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận.

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2007

Phải bắt đầu từ chuyện rất nhỏ - Nguyễn Nhã

Comments
CHÚNG TA PHẢI BẮT ĐẦU LÀM TỪ CHUYỆN RẤT NHỎ MỚI MONG LÀM ĐƯỢC CHUYỆN LỚN NHƯ LẤY LẠI HOÀNG SA THÂN YÊU VỀ CHO TỔ QUỐC.

Những ai đã đi ra nước ngoài nhiều trong đó các nước trong khu vực không khỏi buồn tủi khi thấy nước nhà có khoảng cách tụt hậu rất xa so với người.

Mong các thế hệ trẻ hãy thấy mối nhục tụt hậu này mà hãy cố làm từ một chuyện rất nhỏ thôi. Chẳng hạn nhất định không chịu quay cóp khi làm bài để mình có thực học chuẩn bị tương lai xây dựng đất nước phú cường. Chẳng hạn như nhất định không vứt rác bừa bãi để xây dựng thành phố văn minh sạch đẹp. Nhất định không chen lấn mà xếp hàng chờ đến lượt mình, chạy xe không lấn tuyến để xây dựng trật tự đô thị văn minh... Chuyện thật rất nhỏ sao ta không làm được nhỉ? Mà nếu mọi người trẻ bảo nhau làm được những chuyện nhỏ như trên thì chúng ta đã xây dựng được cái rất to tát: trật tự văn minh đô thị tiến tiến rồi.

Vừa qua, ngày 15-12-2007 hầu hết giới trẻ đã chấp hành đội mũ bảo hiểm, tạo văn hoá rất tốt đẹp. Bây giờ đề nghị bất cứ nơi nào bị kẹt xe vì chen lấn, giới trẻ sẵn sàng có người tự đứng ra sớm giải quyết thông thoáng và mình sẽ đi sau. Có khi mình sẽ đi nhanh hơn là không ai tự giải quyết thông thoáng. Bởi khi càng ngày lấn tuyến, càng ùn tắc, ta càng đi chậm hơn mà thôi.

Hoặc đến ngày Kỷ niệm Hoàng Sa sắp tới: ngày 20-1, tất cả mọi người trẻ bảo nhau đội mũ có dán chữ Hoàng Sa và nhất định không chạy lấn tuyến nữa. Mỗi người cố làm một chuyện nhỏ xây dựng đất nước này trở nên phú cường, thành phố trở nên văn minh sạch đẹp. Một ngày không xa ta sẽ lấy lại Hoàng Sa.

Bởi khi ấy đất nước ta phú cường, có nội lực mạnh, không ai coi thường ta nữa!

Mong vậy thay,

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
Đọc tiếp...

'Thái độ đúng đắn' về Hoàng Sa và Trường Sa - Nguyễn Nhã

Comments
Học giả Hoàng Xuân Hãn đã viết: “Một gương sáng lịch sử là mỗi khi thế nước suy hèn vì chia rẽ và nội loạn thì mỗi khi bị lân bang lấn cõi: Hồ chịu mất đất Cổ Lâu (thuộc Lạng Sơn năm 1405), Mạc dâng đất La Phù Quảng Ninh 1540), Trịnh mất đất nhiều động ở biên giới Tây Bắc và triều Nguyễn khi bị quân Pháp đặt chế độ bảo hộ, ta đã mất nhiều đất, nhất là mỏ đồng Tụ Long.

“Ngày nay vụ quần đảo Hoàng Sa bị chiếm là triệu chứng cụ thể của những thiệt hại gây nên bởi sự bất hoà giữa dân ta.

Hoàng Sa là đất Việt Nam, là đất của nước Việt Nam thống nhất.

Khi nước Việt Nam còn chia đôi thì khó lòng điều đình để Hoàng Sa trở lại đất ta, tuy rằng nhiều bằng chứng xưa nay, trong ngoài bảo rằng đó là đất Việt.” (Tập San Sử Địa, số 27&28, tháng 7-12-1974, tr.215).

Những người yêu nước chân chính phải nhớ nằm lòng những bài học lịch sử, những kinh nghiệm lịch đắt giá như học giả Hoàng Xuân Hãn đã nhắc nhở chúng ta.

'Kiên trì'

Mọi hành động làm cho thế nước suy yếu đều là trọng tội đối với đất nước. Lịch sử sẽ công minh và nghiêm khắc với tất cả mọi người kể cả chúng ta.

Đối với vụ việc Hoàng Sa, người Việt Nam chúng ta phải đoàn kết, đừng chia cách, đừng đổ lỗi cho nhau, mỗi người hết lòng với Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu.

Bằng mọi cách phải làm sao cho mỗi người dân nhất là thế hệ trẻ biết rất rõ quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Học sinh từ mẫu giáo đến đại học đều biết lịch sử của Hoàng Sa và Trường Sa. Bằng mọi cách làm sao cho nhân dân toàn thế giới biết được điều đó.

Phải kiên trì, đừng nôn nóng, nếu cần phải đợi đến ngàn năm như dân tôc Việt nam đã từng giành được độc lập tự chủ vào thế kỷ X.

Như năm 1974 sau Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa, Hoa Kỳ đã tuyên bố đây là nội bộ của hai bên, Chúng ta hãy vững tin một ngày nào đó thời cơ sẽ đến Việt Nam sẽ lấy lại Hoàng Sa! Sức mạnh của Chân lý, lẽ phải, sự thật rồi ra cũng phải thắng!

Tôi làm luận án tiến sĩ sử học “Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng sa và Trường Sa”, trước hết là hành trình đi tìm sự thật lịch sử của một người nghiên cứu lịch sử. Song cũng là để trả món nợ của người công dân trí thức đối với Đất nứơc.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com