Thứ Năm, 31 tháng 7, 2008

Nhà báo Bùi Thanh bị cách chức,rút thẻ nhà báo..

Comments

Theo thông tin từ BBC thì nhà báo Bùi Thanh - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, một người có rất nhiều bài viết về Hoàng Sa - Trường Sa như: "Tại Sao Hoàng sa?", "Hải chiến Hoàng Sa 1974", "Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam", "Hồi Ký: Hoàng Sa tường trình 34 năm sau"... đã bị cách chức, rút thẻ nhà báo và cấm hành nghề vì liên quan đến vụ PMU18.

Đây là tin buồn đối với phong trào đấu tranh vì Hoàng Sa - Trường Sa của chúng ta, phải chăng là công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án PMU18 và nhà báo đã trở thành nạn nhân?

BBT Blog Hoàng Sa xin gửi lời chia buồn đến với anh Bùi Thanh, mong anh giữ vững niềm tin và hi vọng, anh nhé!

http://i122.photobucket.com/albums/o256/thongluan/bia-HoangSa1974.jpg

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2008

Trung Quốc khiêu khích Hoa Kỳ

Comments

Hôm chủ nhật 20/7/2008, tờ báo South China Morning Post phát hành tại Hồng Kông trong một bài báo nhan đề “Oil giant is warned over Vietnam Deal” do phóng viên Greg Torode viết (1), loan tin rằng trong nhiều tháng qua các giới chức ngoại giao Trung quốc tại Hoa Thịnh Đốn đã tiếp xúc với các viên chức của công ty dầu khí Exxon-Mobil của Hoa Kỳ, yêu cầu rút lại các giao kèo khai thác dầu hoả tại hai vùng trong Biển Đông đã ký với công ty quốc doanh PetroVietnam. Một vùng nằm trên thềm lục địa Việt Nam; vùng kia ở xa hơn về phía nam (xem bản đồ).

Vùng thứ nhất nằm sát bờ biển Quảng Nam và Quảng Ngãi gồm một hình tam giác ép sát bờ biển diện tích 2.166 km2 (2) và một hình chữ nhật chiều cao 153km, chiều ngang 105km, diện tích 16.065 km2 . Tổng cộng diện tích vùng thăm dò này dựa vào bản đồ chừng 18.231km2. Đường biên ngoài cùng của vùng này cách thành phố Đà Nẵng 162 km.

Photobucket - Video and Image Hosting

Vùng thứ hai là một hình chữ nhật chiều cao 96km, chiều ngang 148km, diện tích chừng 14.200 km2 phủ lên các bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường và Phúc Nguyên nằm về phía đông nam Vũng Tàu cách thành phố Sàigòn 440 km, và cách đảo Côn Sơn 374 km trực chỉ hướng 4 giờ. Vùng này nằm trong quần đảo Trường Sa.

Lên tiếng chính thức về vấn đề này hôm Thứ Ba 22/7 phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc xác nhận đã yêu cầu công ty Exxon-Mobil ngưng tiến hành việc khai thác dầu khí với Việt Nam nói là những vùng đó thuộc lãnh thổ Trung quốc. Dưới nhãn quan của Trung Quốc, vùng phía bắc lấn qua vùng khai thác kinh tế của đảo Hoàng Sa Trung Quốc chiếm năm 1974, trong khi vùng phía nam nằm trong quần đảo Trường Sa Trung Quốc từng tuyên bố là đất của mình .

Việc trong mấy tháng qua Trung Quốc áp lực hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ cho thấy có sự chuyển động căn bản trong mối quan hệ tay ba Việt Nam-Hoa Kỳ-Trung Quốc. Tháng 3 năm 2007 hãng dầu BP (British Petroleum, một công ty liên doanh Anh-Hòa Lan) ký giao kèo dò tìm dầu mỏ với Việt Nam cạnh vùng phía Nam (một trong hai vùng vừa ký với hãng ExxonMobil). Trung Quốc cũng đã áp lực BP rằng nếu tiếp tục dò tìm dầu hoả theo giao kèo với Việt Nam, Trung Quốc sẽ không ký một giao kèo làm ăn nào với BP tại Trung Quốc trong tương lai. Trước áp lực, công ty BP đã ngưng các cuộc dò tìm. Tuy nhiên bài báo nói trên của ký giả Greg Torode cũng tiết lộ rằng gần đây khi công ty Exxon-Mobil tiến hành các cuộc thảo luận với Việt Nam, công ty BP đã chuẩn bị trở lại thực hiện các cuộc dò tìm dự trù vào cuối năm nay.

Áp lực của Trung Quốc không làm cho công ty ExxonMobil ngưng tiến hành các cuộc thảo luận với Việt Nam, và vào cuối tháng 6/2008 khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm viếng Hoa Kỳ công ty Exxon-Mobil và PetroVietnam đã công bố giao kèo sơ khởi khai thác dầu khí trong Biển đông. Hoa Kỳ và Việt Nam đã chọn thái độ tiếp tục làm những gì trong quyền hạn. Đối với Việt Nam đất của mình mình khai thác bất chấp áp lực kinh tế, nếu không muốn nói cả áp lực quân sự và chính trị của Trung Quốc. Đối với Hoa Kỳ nơi nào có thể làm ăn hợp pháp thì làm ăn bất chấp sự bất bình của Trung Quốc là một quốc gia đang lớn mạnh và có khả năng làm khó Hoa Kỳ về mặt tài chánh (3).

Ai cũng biết mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là làm mọi cách để trở thành một siêu cường kinh tế và chính trị, và đối tượng tranh chấp thế lực tối hậu sẽ là Hoa Kỳ. Tuy nhiên biết mình còn thua kém Hoa Kỳ về nhiều phương diện nên Trung Quốc từ trước tới nay hết sức thận trọng trong các bước đi để tránh đụng chạm với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng vậy, kềm chế Trung Quốc một cách khéo léo và thận trọng.

Về mặt quốc tế Trung Quốc giúp Hoa Kỳ trong những vụ việc không thiệt thòi quyền lợi của mình, đồng thời cũng có lợi cho mình. Trung Quốc giúp Hoa Kỳ trong việc thương thuyết với chính quyền Bắc Hàn để dẹp bỏ chương trình phát triển hoả tiễn và vũ khí nguyên tử cũng như không dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc chống việc ban hành các biện pháp trừng phạt có giới hạn đối với Iran để áp lực Iran ngưng chương trình tinh chế uranium (một bước trong tiến trình chế vũ khí nguyên tử). Nhưng Trung Quốc không vì cần mua chuộc Hoa Kỳ mà từ bỏ chương trình kết bạn khắp năm châu, bành trướng thế lực, mở rộng không gian sinh tồn và tìm kiếm năng lượng.

Trung Quốc bắt tay với mọi chế độ trên thế giới không phân biệt dân chủ hay độc tài, thân hay không thân Hoa Kỳ. Nam Mỹ, Phi châu nơi nào Trung Quốc cũng vung tiền và phương tiện kỹ thuật để mua chuộc và bảo đảm sự cung cấp dầu hoả và vị trí chiến lược tương lai cho hải quân. Trung Quốc chơi với Venezuela và Sudan vì dầu hoả dù tổng thống Chavez (của Venezuela) công khai chống Mỹ và Sudan áp dụng chính sách diệt chủng tại Darfur. Trung Quốc yểm trợ chính quyền quân nhân toàn trị tại Miến Điện để mở cửa ngỏ chiến lược vào Ấn Độ Dương.

Trong vùng Thái Bình Dương, Trung Quốc xem là sân nhà nên thao tác có vẻ tự do. Đối với Đài Loan Trung Quốc nói không úp mở nếu Đài Loan tuyên bố độc lập Trung Quốc sẽ khởi binh chiếm đóng bất chấp sự hiện diện của Đệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ trong eo biển Đài Loan. Và gần đây lượng định Hoa Kỳ đang trong mùa tranh cử tổng thống, kinh tế đang có chiều suy thoái, Bush sắp mãn nhiệm lại đang bận tay với hai chiến trường Iraq và Afghanistan, nên Trung Quốc bắt đầu đi những nước cờ thăm dò bạo dạn hơn.

Tháng 12/2007 Trung Quốc ban hành nghị định thành lập huyện Tam Sa bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù đang còn tranh chấp với Việt Nam và vài quốc gia trong khối Asean. Còn nữa, cả hai quần đảo đều nằm trên thủy đạo quan trọng nối liền Ấn Độ Dương với bắc Thái Bình Dương, con đường chuyển vận 80% dầu hoả cho Nhật Bản một đồng minh then chốt của Hoa Kỳ trong vùng tây Thái Bình Dương. Dù vậy Hoa Kỳ cũng không lên tiếng, ít nhất về mặt chính thức .

Kế tiếp là việc Trung Quốc áp lực Việt Nam không tiếp thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ John Negroponte vào cuối tháng 1/2008 khi ông này dự định đến Việt Nam sau một cuộc thăm viếng thường lệ Trung Quốc. Trong khi đó Trung Quốc âm thầm xây dựng căn cứ tàu ngầm nguyên tử tại thành phố Sanya cực nam đảo Hải Nam để chuẩn bị triển khai lực lượng tàu ngầm nguyên tử có khả năng chơi trò cút bắt với hạm đội tàu ngầm của Hoa Kỳ trên biển cả gồm Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nếu không muốn nói cả Đại Tây Dương .

Hoa Kỳ đã im lặng trước các động thái khiêu khích của Trung Quốc và âm thầm chuẩn bị đánh những đòn trả lại. Hoa Kỳ tìm cách thuyết phục Việt Nam về mối nguy của Trung Quốc, và hình như đã thành công phần nào về mặt này. Bản thông cáo chung sau chuyến thăm viếng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Hoa Kỳ cuối tháng 6/2008 vừa qua chứa đựng một số ngôn từ làm giới quan sát quốc tế ngạc nhiên.

Bản thông cáo ghi nhận Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ “trao đổi việc mở rộng và tăng cường đối thoại giữa các quan chức cao cấp của hai nước. …. sẽ ủng hộ việc lập cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách nhằm tăng cường sự trao đổi thường xuyên và sâu hơn về các vấn đề chiến lược và an ninh”.

Sau cùng Hoa Kỳ “tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.

Với chính sách mới công ty dầu hoả Exxon-Mobil đã ký giao kèo với PetroVietnam khai thác dầu hoả.

Không như áp lực đối với công ty BP, áp lực của Trung Quốc đối với hãng dầu Exxon-Mobil là một hành động có tính khiêu khích Hoa Kỳ. Quyết định này đặt ra một vấn nạn chẳng những cho Hoa Kỳ và còn cho cả Việt Nam.

Exxon-Mobil không thể đơn giản rút lui như công ty BP đã làm năm trước, và chính phủ Hoa Kỳ cũng không thể không lên tiếng. Về phía Việt Nam bị dồn vào chân tường, Việt Nam khó chọn thái độ đẩy đưa như trước mà không mạnh mẽ làm bất cứ những gì cần thiết để chứng tỏ chủ quyền lãnh thổ của mình. Giới chức công ty Exxon-Mobil (có nghĩa là Hoa Kỳ) gợi ý rằng nếu việc tranh chấp chủ quyền trên biển được đưa ra quốc tế Việt Nam có nhiều điều kiện để thắng.

Với việc áp lực hãng Exxon-Mobil, Trung Quốc đang mở ra một mặt trận mới trực diện đối đầu với Hoa Kỳ và đặt Việt Nam vào một thế phải chọn lựa. Và dù nền ngoại giao nước lớn sẽ biến chuyển như thế nào để giải quyết vụ ExxonMobil-PetroVietnam này, quan hệ tay ba Hoa Kỳ - Trung Quốc - Việt Nam sẽ kinh qua một giai đoạn mới.

Trần Bình Nam

Theo Thongluan

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2008

'PetroVietnam thăm dò khu tranh chấp'

Comments

BP, đối tác của PetroVietnam, cho biết tập đoàn dầu khí Việt Nam đã tiếp tục các hoạt động thăm dò dầu khí tại một khu vực tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa

Sáu nước tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa

Reuters dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn BP của Anh, David Nicholas, cho biết: “PetroVietnam đang tiến hành các hoạt động thăm dò ngoài khơi ở lô 5.2 và 5.3”.

Tuy nhiên, PetroVietnam hiện chưa có thông báo về các hoạt động này.

Năm ngoái, tập đoàn BP đã quyết định thôi thăm dò địa chất lô 5.2 tại thềm lục địa Việt trước sức ép từ Bắc Kinh.

Lô 5.2 mà BP dự định thăm dò nằm ở giữa Việt Nam và quần đảo Trường Sa, cách bờ biển Việt Nam khoảng 370 km.

Khu biển xung quanh quần đảo Trường Sa đang được sáu quốc gia tuyên bố chủ quyền.

Mới đây, Trung Quốc đã gây áp lực, yêu cầu tập đoàn dầu lửa ExxonMobil của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án với Việt Nam vì coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định các dự án khai thác dầu khí với nước ngoài là quyền của Việt Nam và đều phù hợp luật pháp quốc tế.

ExxonMobil và PetroVietnam đã ký thỏa thuận khung về hợp tác tại khu vực biển Đông trong khuôn khổ chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tới Hoa Kỳ tháng trước.

Tập đoàn BP bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1989 trong các lĩnh vực chính là thăm dò dầu khí cũng như phân phối khí gas lỏng LPG và dầu nhờn.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Hoàng Sa, Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế

Comments

RFA phỏng vấn nhà thơ Bùi Minh Quốc, người tích cực vận động để cuốn sách viết về vấn đề tranh chấp lãnh thổ lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc tới tay người đọc.

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Một cuốn sách viết về biên giới Việt – Trung cùng nhiều dữ kiện lịch sử có liên quan đến vấn đề tranh chấp từ xưa đến nay giữa hai nước mà đa phần là sự chèn ép của Trung Quốc đối với Việt Nam trong cả hai chế độ trước và sau Năm 1975, vừa được in ra bởi nhà xuất bản Tri Thức ở trong nước.

Những cuộc biểu tình của sinh viên và giới trẻ chống Trung Quốc bị nhà nước Việt Nam ngăn cấm đã không làm ngừng lại những hoạt động khác có tính văn hoá hơn, như viết bài trên các trang blog, liên kết những trang web cùng chủ đề tạo thành một chuỗi thông tin nhất định.

Và mới đây một quyển sách ra đời cũng trong đề tài này: Cuốn "Hoàng Sa, Trường Sa – Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế" do nhà nghiên cứu Nguyễn Phú Thắng biên soạn và được nhà xuất bản Tri Thức chịu trách nhiệm pháp lý theo phương thức liên kết giữa NXB với tác giả.

Tuy không được chính thức bày bán trên các kệ sách nhưng cuốn sách được truyền đi nhanh chóng qua nhiều hình thức, và một trong những người hăng say vận động cho cuốn sách đến với người đọc là nhà thơ Bùi Minh Quốc. Những nỗ lực của ông đã được giới trí thức trong và ngoài nước ủng hộ nồng nhiệt.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc.

Chúng tôi có cuộc nói chuyện với nhà thơ về vấn đề này. Trước tiên ông Bùi Minh Quốc cho biết:

Bùi Minh Quốc: Cuốn sách này thì tôi quan tâm tới lâu rồi, từ lúc mà anh bạn tôi - anh Nguyễn Phú Thắng soạn vào cái dịp có vấn đề Trung Quốc tuyên bố cuối Tháng 12. Lúc bấy gời tôi có một thư ngỏ lên tiếng về vấn đề này thì tôi cũng nêu cái chuyện này luôn, hình như là từ năm ngoái, trong cái bài có nội dung cứu nước thì tôi có luôn cả chuyện đó.

Tôi yêu cầu là Bộ Chính Trị phải có trách nhiệm đảm bảo cho cuốn sách này ra được. Đó là vào Tháng 10 năm ngoái. Kế tiếp đến Tháng 12 có chuyện Hoàng Sa - Trường Sa nóng lên thì tôi có một thư ngỏ cho Hội Nhà Văn, tôi nhắc lại vấn đề này, thì sau đó một thời gian mấy tháng, cuối cùng cuốn sách này in được do nhà xuất bản Tri Thức ra.

Một công trình nghiên cứu công phu

Mặc Lâm: Thưa, xin ông cho biết là cuốn sách "Hoàng Sa, Trường Sa – Lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế" của nhà nghiên cứu Nguyễn Phú Thắng có nội dung như thế nào, thưa ông?

Bùi Minh Quốc: Cuốn này là một cuốn nghiên cứu công phu, tập hợp tất cả dữ liệu lịch sử của Việt Nam và của nước ngoài, đề tài Trung Quốc đấy, dữ liệu đó kèm theo cả hoạ đồ, những ký sự của những tác giả Trung Quốc mà đã viết trong những thế kỷ trước đây.

Tẩt cả những cái đó hệ thống lại và minh chứng là Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Rồi hệ thống lại tất cả những văn kiện nhà nước của Việt Nam, tức là tất cả các thời kỳ, kể cả thời kỳ chia cắt: thời chính quyền Miền Bắc ra sao, chính quyền Miền Nam ra sao, thì đưa vào vấn đề chủ quyền đó.

Rồi cũng nêu những vấn đề tranh chấp, có cả những bài phân tích dựa trên công pháp quốc tế để bác bỏ những lập luận của Trưng Quốc. Cuốn này là cuốn nghiên cứu rất công phu, dày khoảng 400 trang và khổ lớn.

Mặc Lâm: Tại sao nhà xuất bản Tri Thức không phát hành mà lại do chính tác giả phải đứng ra phân phối cho độc giả ạ?

Bùi Minh Quốc: Cuốn sách này là làm theo phương thức liên kết với nhà xuất bản của tác giả. Tác giả phải tự bỏ tiền ra in và tự đi bán lấy. Đó là cách bây giờ rất phổ biên ở Việt Nam hiện nay. Và ông Nguyễn Phú Thăng gửi cho tôi mấy chục cuốn để tôi bán cho ổng, thế thì tôi đi bán ở Đà Lạt.

Tôi điện cho các bạn tôi ở các nơi là bây giờ có cuốn sách này và các ông phải làm sao giúp ổng đi quảng cáo, giới thiệu bán. Bạn bè, đồng nghiệp tôi thì họ nhận lời ngay. Trong cái đợt như thế thì tôi có viêt một bài vừa rôi "Tôi đi bán sách về Hoàng Sa - Trường Sa".

Các nỗ lực vận động

Mặc Lâm: Thưa ông, việc vận động trong những người quen để bán sách thì kết quả chắc là không lớn lắm, phải không ạ?

Bùi Minh Quốc: Cái đợt đầu thì khoảng hơn một trăm cuốn. Có cái này, tức là anh em mà đi bán thì cùng nhau để dành tiền công bán sách - khi đi bán thì được hưởng cái hoa hồng gọi là tiền công đi bán sách, thì để dành cái tiền đó lại và tôi đang giữ ở đây khoảng mấy triệu đó.

Tôi đề nghị với nhà xuất bản Tri Thức là bây giờ phải lập một cái quỹ để anh em người ta đi bán người ta gửi vào quỹ này dùng để đi thăm hỏi gia đình các liệt sĩ hy sinh ở Hoàng Sa - Trường Sa. Hiện nay thì đang dừng ở đó.

Mặc Lâm: Sau khi ông có bài công bố trên mạng về việc bán sách thì có phản hồi gì từ độc giả hay không?

Bùi Minh Quốc: Thường thường có một bài của tôi công bố thì anh Nguyễn Phú Thắng ảnh nhận được nhiều tín hiệu rất là mừng. Có những anh em người ta liên lạc, người ta đề nghị "Ông cho tôi mua 100 cuốn", theo anh Thắng nói thì người độc giả này ở nước ngoài, "Trong 100 cuốn đó thì nhờ ông gửi giúp tôi 14 cuốn cho 14 người trong Bộ Chính Trị. Số còn lại thì ông gửi cho các tỉnh uỷ".

Đại khái có chi tiết vui như thế. Cũng có những anh em họ đang đề nghị là để họ in ở nước ngoài cho bà con ở ngoài đọc.

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được biết là ông đề nghị nhà xuất bản Tri Thức cho dịch cuốn sách sang tiếng Trung Quốc. Phát xuất từ đâu mà ông có ý nghĩ này ạ?

Ông Bùi Minh Quốc: Theo ý nghĩ của tôi thì nếu cái này mà mình thông tin đến người dân Trung Quốc để người ta đọc được hay hiểu được vấn đề thì nhất định là nó sẽ rất tốt cho việc giải quyết vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa. Tôi vẫn tin người dân Trung Quốc không đồng tình với giới cầm quyền mà đi cướp đất của nước khác.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc về những thông tin mà ông vừa cho chúng tôi biết.

Nguồn: RFA.

Đọc tiếp...

Trường Sa: Ngày ấy & bây giờ

Comments

BBT: Trong công tác sưu tập tài liệu, hình ảnh của Trường Sa Bây Giờ , chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà báo Nguyễn Xuân Thủy, một người đã từng chiến đấu tại Trường Sa, tác giả cuốn tiểu thuyết viết về Trường Sa "Biển xanh màu lá" đã từng được giới thiệu trên Diễn đàn, hiện đang công tác tại NXB Quân đội Nhân dân.

Với loạt ảnh Trường Sa Ngày Ấy chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ của chú Chu Trí Thành, một cựu chiến binh đã từng tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại Trường Sa Lớn vào những ngày tháng lịch sử năm 1988, hiện đang công tác tại TP.Vinh (Nghệ An)...

Trường Sa ngày ấy

Ngày ấy, thanh niên nô nức xung phong ra Trường Sa để xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ Quốc. Đây là quang cảnh buổi đưa tiễn các anh lên đường làm nhiệm vụ

01.

Hình ảnh

Lưu luyến tiễn đưa các chiến sĩ đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

Trường Sa ngày ấy, hoang vu và cô quạnh đã bừng lên như một công trường lớn...

02.

Hình ảnh

Hàng vạn tấn ximăng, bêtông cốt thép được vận chuyển ra để xây dựng cầu cảng và xây kè chắn sóng bảo vệ Đảo trong chiến dịch CQ'88

Và những người lính ấy, những người đã cùng chia nhau một điếu thuốc, một miếng cơm... cùng trải qua những gian khó ấy, như càng thêm thấm thía, càng khắc sâu thêm ý nghĩa thiêng liêng của tình đồng đội, của tình người, tình yêu Tổ quốc...

03.

Hình ảnh

Trộn bêtông để xây kè chắn sóng bảo vệ Đảo

04.

Hình ảnh

Tàu HQ 503 (Một trong những con tàu lớn nhất của Hải quân Việt Nam thời bấy giờ, cùng loại với tàu HQ 505) vận chuyển vật liệu ra xây dựng Đảo.

05.

Hình ảnh

Cán bộ chiến sỹ thay ca nhau ngày đêm vận chuyển vật liệu lên Đảo. Đây là phút nghỉ ngơi sau gần một đêm trọn lao động vất vả

06.

Hình ảnh

Giờ giải lao bên cột mốc Chủ quyền tại Trường Sa

Trường Sa bây giờ

Trường Sa Ngày ấy, gian khổ, khó khăn và nguy hiểm như bủa vây những người lính đảo, sẵn sàng đổ ập vào từng người. Gian lao là thế, nhưng các chiến sĩ vẫn một lòng trung kiên, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ Quốc, dù có phải trả bằng tính mạng.

Mấy chục năm đã qua đi, nhiều thế hệ chiến sĩ đã tới đảo, chung sức xây dựng nên Trường Sa - Thủ đô của Quần đảo Trường Sa. Những người lính năm xưa ấy, khi trở lại, cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi nhanh chóng ấy

Hình ảnh

Màu xanh của cây cối, của rau xanh đang từng ngày phủ lên khắp hòn đảo

Hình ảnh

Những đứa trẻ, thế hệ tương lai của đảo, thật hồn nhiên và trong sáng

Hình ảnh

Hình ảnh

Thật yên bình biết bao!

Họ, những người lính đảo ấy, vẫn ngày đêm canh gác, bảo vệ cho từng tấc đất của Tổ quốc, bảo vệ cho từng cái bình yên nhỏ nhoi ấy.

Hình ảnh

Và cột chủ quyền hiên ngang bên đường băng sân bay Trường Sa cùng cờ Tổ quốc, đang tung bay trước gió.

Hình ảnh

Những con người ấy, vẫn hiên ngang, mặc cho bão tố, mặc cho súng đạn, mặc cho những khó khăn không thể kể hết bằng lời...

Và Đất liền, vẫn ngày đêm hướng về họ, nỗi nhớ, nỗi xúc động, và niềm tin yêu...

Hình ảnh

Những chuyến tàu cập cảng, mang theo những yêu thương đong đầy nỗi nhớ

Hình ảnh

Không xa đâu Trường sa ơi....Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh...

Hình ảnh

Hãy luôn chắc tay súng nhé, các anh!

Nguồn: Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống vì Hoàng Sa và Trường Sa!

Comments

Sau khi Cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Khi chính quyền cách mạng đang còn non trẻ thì thực dân Pháp âm mưu trở lại xâm lược nước ta. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sĩ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận. Nhiều người vợ trẻ chỉ được hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Khỏi phải nói những thiệt thòi mất mát, nỗi buồn tủi của những người còn sống khi người thân mất đi. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nói với lòng mình rằng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã dành tình thương yêu của mình chăm sóc các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh - bệnh binh một cách tận tình chu đáo".

Tháng 6/1947, đại biu ca Tng b Vit Minh, Tổng Hi Ph n cu quc, Cc Chính tr Quân đội Quc gia Vit Nam, Nha thông tin tuyên truyn và mt s địa phương đã hp ti Đại T- Thái Nguyên. Ni dung cuc hp là thc hin ch th ca H Ch Tch chn ngày k nim Thương binh Lit sĩ và bo v công tác thương binh lit sĩ. Sau khi xem xét, Hi ngh đã nht trí ly ngày 27/07/1947 làm ngày Thương binh toàn quc. Ngày 27/07/1947, mt cuc mít tinh quan trng đã được din ra ti Thái Nguyên (có 2000 người tham gia). Ti đây Ban t chc đã trnh trng đọc thư ca H Ch Tch. Người đã gi tng mt chiếc áo la, mt tháng lương và mt ba ăn ca nhân viên trong Ph Ch tch. T năm 1947, ngày Thương binh được t chc thường k hàng năm. T năm 1955, ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh Lit sĩ.*

Do những điều kiện lịch sử của đất nước từ 1954 - 1975, lịch sử đã vô tình bỏ quên những người lính Việt Nam Cộng Hòa phía bên kia chiến tuyến đã ngã xuống vì Hoàng Sa.

Nhân ngày này, chúng tôi xin được phép tưởng niệm những liệt sĩ của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống vì Hoàng Sa - Trường Sa trong những giai đoạn lịch sử thăng trầm khác nhau của đất nước chúng ta. Chúng tôi tin rằng, các anh ngã xuống không phải là vô ích. Nó đã, đang và sẽ là biểu tượng cho các thế hệ sau trong công cuộc vun đắp tinh thần đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ biên cương bờ cõi nước nhà trước bất cứ cuộc xâm lược nào của các thế lực bành trướng bên ngoài.

Ý nghĩa của ngày Thương binh Liệt sĩ mong rằng sẽ luôn được trọn vẹn, khi quá khứ đã dần sang một trang mới, và người Việt chúng ta đang dần ngồi lại với nhau vì lợi ích muôn đời của dân tộc.

Ban biên tập.

* Tư liệu tham khảo lấy từ trang mạng của Tạp chí Công nghiệp: http://irv.moi.gov.vn/sodauthang/vanhoaxahoi/2003/10/12917.ttvn

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

Việt Nam muốn tiếp tục liên doanh với ExxonMobil: Các dự án đều thuộc chủ quyền Việt Nam!

Comments

BBT: Bản tin này cập nhật lại các bài bình luận từ các hãng thông tấn lớn có sử dụng Việt ngữ. Xin lưu ý khi tham khảo các thông tin này, nên theo dõi thêm những tin tức chính thống để có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về vấn đề.

Việt Nam tỏ ý muốn tiếp tục dự án dầu khí với ExxonMobil (VOA News Việt ngữ, 25/07/2008)

Việt Nam tỏ ý muốn tiếp tục dự án liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí với công ty ExxonMobil trong hải phận có tranh chấp, mặc dù có lời đe dọa của Trung Quốc đòi công ty dầu khổng lồ này của Mỹ phải hủy bỏ việc làm ăn với Việt Nam.

Theo Thông Tấn Xã AFP, tuy không đề cập gì tới hợp đồng hợp tác sơ khởi giữa ExxonMobil và công ty PetroVietnam, Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền trên nhiều vùng thuộc biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

AFP cho biết phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố rằng: Việt Nam đã xác nhận là mọi hợp tác của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lãnh vực dầu khí đều được thực hiện trong hải phận thuộc lãnh thổ Việt Nam và trong hải phận kinh tế của Việt Nam.

Phát ngôn viên Lê Dũng nói thêm rằng những kế hoạch hợp tác vừa kể hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đồng thời phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cũng như với các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài.

Tuần này, tờ Sunday Morning Post của Hồng Kông trích dẫn các nguồn tin thân cận với công ty ExxonMobil nói rằng Trung Quốc đòi công ty hủy bỏ hợp đồng làm ăn với Việt Nam và nói rằng hợp đồng này có thể đe dọa tới các dự án mà công ty sẽ thực hiện với Trung Quốc trong tương lai.

Bắc Kinh, lâu nay vẫn tranh chấp với một số nước khi tuyên bố chủ quyền nhiều khu vực rộng lớn trên biển Đông, cho rằng hải phận bên ngoài vùng duyên hải của miền trung và miền Nam Việt Nam, nơi diễn ra dự án thăm dò dầu khí, là một phần thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư vừa rồi, phát ngôn viên Lưu Kiến Siêu của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố rằng lập trường của Trung Quốc về biển Đông rõ ràng và không thay đổi. Theo ông Lưu, trong vụ làm ăn giữa Việt Nam và công ty Exxon Mobil, Trung Quốc đã minh định rõ lập trường của mình với các phe liên hệ. Phát ngôn viên Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh rằng Trung Quốc chống đối mọi hành động gây phương hại tới chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông.

Tuy nhiên, hôm thứ Năm phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho hay là Việt Nam sẽ bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam. Ông Dũng nói rằng Việt Nam hoan nghênh và giúp cho mọi hợp tác với các đối tác nước ngoài được dễ dàng, kể cả các nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, trên căn bản tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đả kích một kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam và công ty dầu BP của Anh gần quần đảo Trường Sa bị tranh chấp trong biển Đông. Trung Quốc nói rằng vùng này là một phần lãnh thổ không thể chối cãi được của Trung Quốc kể từ ngày xa xưa.

Trung Quốc và Việt Nam, từng đụng độ trong cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1979 sau khi Việt Nam đẩy phe Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn ra khỏi vị thế cầm quyền tại Kampuchea, còn giao tranh với nhau trong một trận hải chiến năm 1988 gần Trường Sa.

Việt Nam muốn tiếp tục liên doanh với ExxonMobil thăm dò dầu khí ở Biển Đông (RFA Việt ngữ, 24/07/2008)

Việt Nam cho biết muốn tiếp tục liên doanh thăm dò dầu khí với tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông, mặc dù phía Trung Quốc vừa có cảnh báo với ExxonMobil phải bỏ kế hoạch hợp tác đó.

Lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm thứ Năm 24-7, phát ngôn nhân Lê Dũng của Bộ Ngọai giao Việt Nam nói là mọi hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam với phía đối tác nước ngòai đều nằm trong vùng lãnh hải và đặc khu kinh tế của Việt Nam. Tất cả thuộc chủ quyền của Việt Nam hợp với Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật Biển cũng như các thỏa ứơc song và đa phương giữa Hà Nội với các đối tác nước ngoài.

Ông Lê Dũng cũng nói thêm là chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư khi đến làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhắc lại, chính phủ Trung Quốc mói đây đã tìm cách gây áp lực buộc công ty ExxonMobil của Mỹ rút khỏi dự án hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở gần quần đảo Trường Sa.

Người dân Việt Nam không muốn chính phủ quá nhu nhược với Trung Quốc

Báo South China Morning Post phát hành ở Hong Kong hôm Chủ nhật 20-7 trích dẫn một nguồn tin ẩn danh nói là các nhà ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Washington D.C. đã gặp các giới chức cao cấp của ExxonMobil để đưa ra phản đối của họ về hợp đồng giữa tập đòan này với Petro Vietnam, vì cho rằng họat động đó có thể vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối một hợp đồng liên kết tương tự giữa Việt Nam và hãng dầu khí BP của Anh quốc gần quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cho là vùng lãnh thổ không thể tranh cãi của Hoa Lục.

‘Ngoại giao khôn ngoan’ với Trung Quốc (BBC Việt ngữ)

Cựu quan chức ngoại thời chính phủ Bill Clinton nói bà không tin một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tất yếu phải xảy ra.

Susan Shirk, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương từ 1997 đến 2000, cũng khuyên Việt Nam “không thách thức trực diện Trung Quốc” và đồng thời có “quan hệ tốt với các cường quốc khác”.

Bà Susan Shirk đã viết nhiều sách về Trung Quốc

Sau nhiều năm làm trong ngành ngoại giao Mỹ, bà Susan Shirk hiện là giáo sư chính trị học và là giám đốc Viện Hợp tác và Xung đột Quốc tế ở Đại học California, San Diego.

Kể từ lần đầu tiên tới Trung Quốc năm 1971, bà đã tập trung nghiên cứu về quốc gia hơn một tỉ dân này. Năm ngoái, bà cho ra cuốn sách mới nhất, China: Fragile Superpower (Trung Quốc: Siêu cường mong manh).

Nói chuyện với BBC Việt ngữ ngày 22/07/2008, tiến sĩ Susan Shirk cho biết ý kiến về quan hệ Việt – Trung.

Susan Shirk: Trước hết tôi sẽ đề nghị [Việt Nam] hợp tác với Trung Quốc, một điều mà Việt Nam đã làm. Không thách thức trực diện Trung Quốc.

Nhưng mặt khác, tôi cũng sẽ đặt mình vào cơ cấu đa phương trong vùng, và duy trì quan hệ tốt với các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ. Và có lẽ đó cũng là điều Việt Nam đang làm.

BBC: Theo bà, Việt Nam có nên tăng cường khả năng quân sự hay không?

Thật khó nói. Việt Nam và Trung Quốc đã từng có xung đột, và thực tế đó là cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc. Nên tôi hiểu Việt Nam muốn có một quân đội được kính nể.

Nhưng theo tôi, sẽ là sai lầm nếu Việt Nam nghĩ khả năng quân sự sẽ bảo đảm có an ninh. Ngoại giao thông minh, nền kinh tế mạnh, sự ủng hộ của người dân trong nước, có lẽ quan trọng hơn cho an ninh của Việt Nam.

BBC: Nếu xung đột với Trung Quốc xảy ra ở châu Á, các nước có thể trông đợi gì từ Hoa Kỳ?

Đó là câu hỏi rất quan trọng. Trước hết, trong một thập niên vừa qua, Trung Quốc nói chung chưa ứng xử như một sức mạnh quân sự hung hăng. Tôi vừa đọc tin về vụ đụng chạm mới nhất với Việt Nam, quanh công ty dầu khí của Mỹ. Nhưng nhìn chung, Trung Quốc đã không có uy hiếp quân sự tại Biển Nam Trung Hoa, hay bất kỳ đâu, trong thời gian vừa rồi.

Trung Quốc hiểu rằng các nước quan sát rất kỹ. Nếu họ có hành vi hung hăng, thì không chỉ các láng giềng mà Mỹ, Nhật sẽ có cách đối xử khác.

BBC: Về vấn đề Đài Loan, có những người lo ngại Hoa Kỳ có thể bỏ rơi hòn đảo này một khi Trung Quốc mạnh lên. Ý kiến của bà?

Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ hy sinh Đài Loan. Nhưng Hoa Kỳ suy nghĩ về quyền lợi an ninh của chính mình, cũng như về tình bạn với Đài Loan.

Trong thời của tổng thống Trần Thủy Biển, ông ta cố gắng hết sức để đưa Đài Loan đến độc lập. Và từ cả góc nhìn của Bắc Kinh và Tổng thống Bush, hành động của ông Trần rất khiêu khích. Vì thế tổng thống Bush không cảm thấy quyền lợi an ninh của Mỹ phải bị rủi ro vì một tổng thống Đài Loan, một người muốn có những hành động biểu tượng mà thực ra không có lợi gì cho người dân Đài Loan.

Chính phủ Bush đã nói rõ họ không muốn Đài Loan cư xử như vậy và không nhất thiết phải bảo đảm có sự ủng hộ 200%. Chính phủ Bush nay nói rõ với cả hai bên rằng chúng tôi tin sự hữu nghị và đối thoại xuyên eo biển có lợi cho nhân dân hai phía và cho quyền lợi an ninh của Mỹ.

BBC: Trở lại với đe dọa mới nhất của Trung Quốc với Việt Nam. Đồng ý rằng Việt Nam và Đài Loan có vị trí khác nhau trong chiến lược của Mỹ. Nhưng xin được hỏi bà, khi có những mâu thuẫn tương tự xảy ra, phải chăng khả năng “nhờ tới Mỹ” của Hà Nội là rất khó?

Hiện tại câu chuyện chỉ dừng lại ở mức độ kinh doanh. Khi nói “nhờ tới Mỹ”, tôi nghĩ chính phủ Mỹ không có quan điểm về bất kỳ vụ tranh chấp lãnh thổ nào ở các vùng khác, và vì thế Mỹ không nhất thiết đứng về bên nào.

Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ hối thúc cùng phát triển, và những cơ chế khác cho phép hoạt động kinh tế bình thường diễn ra. Chúng tôi ủng hộ luật quốc tế về biển.

Liệu quý vị có thể nhờ tới Mỹ gây sức ép mạnh trong tranh chấp lãnh thổ, Mỹ rất khó làm điều đó.

Mặt khác khi có sự đe dọa quân sự, Hoa Kỳ sẽ cố gắng đưa vấn đề ra diễn đàn khu vực, tức ASEAN.

BBC:Theo bà, liệu nhất định sẽ xảy ra đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai ?

Lãnh đạo và viên chức ở Trung Quốc và Mỹ đang rất nỗ lực để ngăn chặn kết cuộc đó. Chúng tôi không tin rằng đó là điều tất yếu phải xảy ra. Có những người tin rằng khi xuất hiện cường quốc mới, tất yếu phải có chiến tranh. Nhưng chúng tôi tin ngoại giao thông minh, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sẽ ngăn chặn xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tiến sĩ Susan Shirk

Tác phẩm mới: China: Fragile Superpower (2007)

Bằng tiến sĩ ở MIT, 1974

Phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, 1997-2000

Từng là thành viên ban giám đốc Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung

Dầu biển Đông (Radio Australia Việt ngữ, cập nhật 25/07/2008 6:14:35 PM)

Tài nguyên biển Đông.

Vào tuần này, công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam đã loan báo tiếp tục thực hiện hợp đồng liên doanh với BP và Exxon Mobil trong việc thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Tuy nhiên, lời loan báo vừa nêu đã đẩy hai công ty dầu khí thuộc hàng lớn nhất thế giới rơi vào vòng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã yêu cầu Exxon Mobil hủy bỏ hợp đồng với lý do khu vực thăm dò thuộc lãnh hải Trung Quốc, riêng công ty Exxon thì từ chối rút lui. Như phóng viên Đài Úc Claudette Werden tường thuật các quan sát viên thời cuộc đang chờ xem thái độ của Trung Quốc trong vụ này vào thời gian tới.

PV: Bao quanh biển Đông là các nước Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Brunei và Trung Quốc. Nước nào cũng tuyên bố chủ quyền cũng như tranh giành ít nhiều các vùng biển, kể cả Quần đảo Trường Sa, một nhóm hải đảo trải dài giữa biển Đông lâu nay được xem có trữ lượng dồi dào về dầu khí. Mấy năm gần đây, các nước trong vùng chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực thăm dò dầu khí với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, trong đó có hai công ty dầu lớn nhất thế giới là Exxon Mobil và BP.

Vị thế Trung Quốc.

PV: Nhưng theo lời một nhà tham vấn quốc tế về năng lượng, Tiến sĩ Fereidun Fesharaki, Bắc Kinh đã lại tỏ thái độ dọa nạt khi đòi công ty Exxon ngưng hợp đồng với Việt Nam viện cớ việc tìm kiếm dầu khí đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Ông cho rằng đây có thể là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nhanh chóng xúc tiến thỏa ước lãnh hải đã thành hình giữa Trung Quốc với Việt Nam.

FESHARAKI: “Hiện nay, Việt Nam là một trong những vùng cuối cùng còn tài nguyên dầu khí, những nơi khác đều đã nằm dưới quyền kiểm soát của các công ty dầu quốc gia. Vì vậy, các tổ hợp quốc tế tìm mọi cách chiếm lĩnh; ngược lại Trung Quốc lại muốn xua đuổi những công ty này đi chỗ khác. Tất cả sự việc này khiến Việt Nam phải đi đến chỗ thành hình những thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc.”

PV: Việt Nam khẳng định các hợp đồng thăm dò đều nằm hẳn trong lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Riêng Exxon Mobil, công ty này cho biết chưa ký hợp đồng thăm dò nào hết trong lãnh hải Việt Nam mà chỉ nhắm tới những dự án liên doanh với PetroVietnam về việc cùng khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam. Tương tự như vậy hồi năm ngoái, vì tình hình căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ, công ty dầu BP đã phải ngưng tìm dầu ngoài khơi miền nam Việt Nam. Nhưng đến tuần này, BP lại loan báo tiếp tục hoạt động thăm dò với PetroVietnam.

Quyền lợi trên hết.

PV: Theo lời một chuyên gia phân tích dầu hỏa làm việc ở Singapore, Victor Shum, tuy đang đầu tư rất lớn ở Trung Quốc, cả hai công ty đều quyết định không làm theo yêu cầu của Bắc Kinh sau khi đã cân nhắc thiệt hơn.

SHUM: “Ở giai đoạn hiện nay, các tổ hợp quốc tế có vẻ tỏ ra khôn ngoan mỗi khi đương đầu với áp lực của chính phủ một nước. Bởi nếu họ nhượng bộ thí dụ như ở Trung Quốc thì sang nước khác như Nga hoặc các nước Châu Mỹ La Tinh, họ cũng sẽ phải lùi bước, cuối cùng các công ty sẽ không khai thác được gì hết. Do đó các tổ hợp dầu hỏa Phương Tây bây giờ phải chống chọi với áp lực của nhiều quốc gia. Đối với Exxon Mobil, đây không phải là lần đầu mà công ty từng phải đối phó với Venezuela. Riêng trường hợp BP, công ty cũng đã thương lượng với Nga thành ra chuyện tranh chấp chẳng mới mẻ gì đối với các tổ hợp quốc tế.”

PV: Các công ty đẩy mạnh nỗ lực thăm dò vào lúc giá xăng dầu lên cao và nguồn cung cấp giới hạn dần. Tiến sĩ Fereidun Fesharaki nhận định rằng các công ty dầu quốc tế sẽ có thể được Bắc Kinh dành cho nhiều đặc ân hơn nếu chịu nhân nhượng mà hủy bỏ hợp đồng với Việt Nam.

FESHARAKI: “Hiện nay, tổng số vốn đầu tư của BP và Exxon Mobil ở Trung Quốc lên tới cả mấy triệu đô-la. Mới đây Exxon Mobil lại vừa hoàn tất công trình xây dựng nhà máy hóa dầu cả tỷ đô-la. Tôi ước tính cả 2 tổ hợp hiện đầu tư vào Trung Quốc ít nhất 2 tỷ đô-la bao gồm các trạm xăng, những nhà máy khí đốt. Nói chung vì đã bắt rễ rất sâu đậm vào thị trường Trung Quốc, 2 công ty phải chiều ý Bắc Kinh thôi. Giả như hai tổ hợp có bỏ vốn ở Việt Nam mà Trung Quốc yêu cầu ngưng lại thì họ thể nào cũng nghe theo để được nhận những hình thức ưu đãi.”

PV: Một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Đông Tây ở Hawai, Tiến sĩ Kang Wu cho rằng Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc phải lên tiếng phản đối vì vùng biển thăm dò thuộc khu vực lãnh thổ tranh chấp. Theo ông, đối với tất cả mọi bên, đây chỉ mới là giai đoạn đầu của tiến trình vận động ngoại giao mà thôi.

WU: “Nhà nước Trung Quốc lúc nào cũng muốn thể hiện lập trường. Có thể cả hai bên nghĩa là các công ty dầu quốc tế như Exxon Mobil và bên kia là nhà nước Trung Quốc đều muốn giải quyết vấn đề lãnh hải nhưng hiện thời tôi không biết rồi ra hai bên sẽ có lập trường như thế nào.”

"Các dự án đều thuộc chủ quyền Việt Nam!" (BBC Việt ngữ, cập nhật 14h22 GMT 25 Tháng 7 2008)

Bộ Ngoại giao VN khẳng định các dự án khai thác dầu khí với nước ngoài là quyền của VN và đều phù hợp luật pháp quốc tế.

VN cũng hứa sẽ bảo vệ ‘quyền lợi hợp pháp’ của các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong lĩnh vực dầu khí.

Khu vực biển Đông được cho là giàu tài nguyên dầu khí

Không nhắc tới thỏa thuận hợp tác đang gây tranh cãi với tập đoàn ExxonMobil, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng hôm thứ Năm nói với các nhà báo: “Chúng tôi khẳng định rằng tất cả các dự án hợp tác của VN với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí đều được thực hiện trong lãnh thổ và đặc khu kinh tế của VN”.

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận Bắc Kinh đang ép ExxonMobil rút khỏi dự án đang tiến hành với tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tại khu vực biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Tuy nhiên, ông Lê Dũng tuyên bố trong buổi họp báo thường kỳ rằng các dự án dầu khí của VN với nước ngoài “hoàn toàn thuộc chủ quyền của VN và phù hợp Công ước Luật Biển của LHQ ký năm 1982 cũng như các thỏa thuận song phương và đa phương giữa VN và các đối tác”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN cũng nói: “VN sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ hoạt động ở VN”.

Tôn trọng chủ quyền

Ông Lê Dũng nhắc lại rằng VN hoan nghênh và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư, kể cả Trung Quốc, “trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của VN”.

Báo chí nước ngoài gần đây nói Trung Quốc thông qua các đại sứ quán tại nước ngoài đã gây áp lực lên các công ty dầu khí muốn cùng VN khai thác dầu khí tại khu vực biển đang tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải rất rõ ràng và kiên định. Chúng tôi đã nói rõ quan điểm của chúng tôi cho các bên liên quan trong vụ này.”

“Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động nào vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc tại Nam Hải.”

Bắc Kinh trong khi ép Exxon đã đe dọa các hợp đồng trong tương lai giữa tập đoàn này và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện chưa rõ phản ứng của ExxonMobil sẽ như thế nào tuy công ty này đã ra thông cáo nói hiện chưa có dự án khai thác dầu mà mới chỉ tiến hành ‘đánh giá sơ bộ về kỹ thuật và kinh doanh một số vị trí ở ngoài khơi’ với VN.

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

Cần đoàn kết trong chuyện Biển Đông

Comments

Một nhà nghiên cứu châu Âu nói với BBC rằng các nước Đông Nam Á cần biết hợp tác để đưa ra quan điểm chung trước Trung Quốc trong vụ tranh chấp tại Biển Đông.

Các lãnh đạo cười tươi, nhưng một số nước trong ASEAN đang tranh chấp ở Biển Đông

Tuần qua, Trung Quốc công khai tỏ ý không hài lòng khi công ty Mỹ Exxon Mobil muốn hợp tác với PetroVietnam để thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn tranh chấp.

Tiến sĩ Albrecht Rothacher, hiện làm ở Phái bộ Ủy hội châu Âu tại Vienna, từng viết bài “Territorial sovereignty in the South China Sea” (Chủ quyền lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa) trên tạp chí Asia Europe Journal năm 2007.

Trả lời BBC ngày 23/07, ông nói cảnh báo công khai của Trung Quốc với Exxon đã làm ông ngạc nhiên.

Albrecht Rothacher: Thật ngạc nhiên vì người ta nghĩ rằng trước Thế vận hội, Trung Quốc sẽ rất “hiền lành” và không khơi ra các tranh chấp lãnh thổ. Họ cũng có vẻ đã đồng ý nguyên tắc khảo sát biển Nam Trung Hoa trong hòa bình. Nhưng bây giờ họ đã hâm nóng nhiệt độ.

Trung Quốc chưa bao giờ có nhượng bộ trong các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ, dù là với Nga, Ấn Độ hay Việt Nam. Lần này chỉ là nhắc lại những tuyên bố chủ quyền trước đây. Tôi chỉ ngạc nhiên về chuyện thời gian, tại sao lại là bây giờ mà không phải sau Olympic.

BBC: Khi đánh giá toàn bộ tranh chấp ở Biển Đông, ông thấy có giải pháp trọn vẹn không?

Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra được bằng chứng vững chắc về chủ quyền. Họ bảo từ thời xa xưa đã có người Trung Quốc ở đó, họ trưng ra một số vật dụng mà ngư dân bỏ lại trên một số đảo. Nhưng dĩ nhiên các ngư dân có thể bỏ lại bất kỳ thứ gì, trong các chuyến đi biển, trên những hòn đảo không người ở và điều đó không chứng tỏ được chủ quyền. Nên rất khó chứng thực đòi hỏi của Trung Quốc, kéo dài 2000 cây số từ đảo Hải Nam về phía nam, tiến tới cả vùng biển của Indonesia. Theo tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi như thế là quá đáng.

Về giải pháp, dĩ nhiên có thể thương lượng, nhưng Trung Quốc không bao giờ chịu thương thượng. Thành ra giải pháp đành là cứ để yên các tuyên bố chủ quyền như hiện tại, lên án mọi phương thức bạo lực và đồng ý cùng khảo sát và chia sẻ tài nguyên với nhau, đồng ý cùng bảo vệ môi trường tại đây.

BBC: Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ có sự quan tâm thế nào đến vấn đề Biển Đông?

Cho tới nay, họ chủ yếu quan tâm tới tự do đi lại cho các tàu trên biển. Nhưng nay dính đến quyền lợi của Mỹ, vì vụ ExxonMobil. Vì thế, Mỹ cũng có quyền lợi để muốn xung đột được giải quyết yên bình, có thể có một hình thức phân xử nào đó của quốc tế.

BBC: Liệu có thể xảy ra việc Hoa Kỳ gây sức ép nào đó với Trung Quốc?

Vẫn còn quá sớm để nói. Đây chưa phải là một cuộc xung đột rõ rệt. Phản ứng của Trung Quốc, so với những gì mà ta đã biết về họ, vẫn còn là khá nhẹ nhàng.

BBC: Ở góc độ cá nhân, ông có cho rằng Trung Quốc đang kéo dài thời gian. Một khi họ trở nên thực sự mạnh hơn, những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ cũng sẽ mạnh mẽ hơn?

Chắc chắn rồi. Chiến lược của họ lâu nay là thế, dù là với Đài Loan hay các tranh chấp khác.

BBC: Vậy theo ông, các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines làm gì để đối phó?

Họ có thể hợp tác, trước tiên giải quyết các tranh chấp song phương với nhau. Cho tới nay, tất cả các bên, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines, cùng tranh với nhau. Nên nếu các bên có một quan điểm chung, có thể chia phần công bằng cho nhau, trong đó có cả phần cho Trung Quốc, thì rất có ích. Điều đó mở đường cho một sự trung gian của quốc tế, có thể là của Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc thì muốn chia nhỏ từng bên ra, đe dọa từng nước riêng rẽ.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Đằng sau lời đe dọa của Trung Quốc

Comments

Báo điện tử Asia Times vừa có bài của tác giả Peter Navarro nói về bất đồng mới nhất xung quanh chuyện thăm dò dầu khí ở khu vực biển Đông. Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị:

Hải quân Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc thuộc hàng hùng mạnh nhất thế giới

Trong một bất đồng nữa liên quan tới quyền khai thác dầu ở khu vực Nam Hải (mà Việt Nam gọi là Biển Đông), Trung Quốc đã bắn súng cảnh báo tập đoàn ExxonMobil. Bắc Kinh tức giận vì Exxon muốn hợp tác với PetroVietnam để thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh các quần đảo Spratlys và Paracels (Trường Sa và Hoàng Sa) còn tranh chấp.

Trung Quốc đã cảnh báo Exxon phải rút khỏi dự án, mà Bắc Kinh mô tả là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi mới nhất này mang lại nhiều nguy cơ, nhưng cũng có nhiều điều cần tìm hiểu thêm về chính sách biển của Trung Quốc.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Hoa Kỳ, khu vực Nam Hải (biển Đông) có trữ lượng dầu chắc chắn khoảng bảy tỷ thùng; và khảo sát địa chất của Mỹ cho hay có thể có khoảng 20 tỷ thùng nữa.

Về phần mình, Trung Quốc đánh giá một cách lạc quan rằng trữ lượng phải lên tới 200 tỷ thùng. Có nghĩa là Trung Quốc có thể khai thác hai triệu thùng mỗi ngày, tương đương 25% mức tiêu thụ, ước tính khoảng 8 triệu/ngày.

Phần lớn trữ lượng chưa được khai thác đó được tin là nằm ở khu vực các quần đảo đang tranh chấp.

Đối đầu?

Trung Quốc thiết lập nhiều căn cứ hải quân tại Nam Hải

Các đảo Hoàng Sa nằm xa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines một khoảng cách tương đương nhau; và ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Tuy nhiên, Trung Quốc là nước gần như thống lĩnh tại khu vực Hoàng Sa.

Năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình chiến sự giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam để đánh chiếm Hoàng Sa, lúc đó đang do quân đội miền Nam Việt Nam nắm giữ.

Các đảo Trường Sa thì hiện đang được Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền. Tại đây các đảo lớn nhỏ cũng có trữ lượng dầu tuy chưa xác định nhưng được tin là rất lớn.

Với giá trị cao như vậy, không ngạc nhiên rằng Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đụng độ vũ trang xung quanh quần đảo này. Năm 1988, đã có một trận hải chiến mà sau đó TQ chiếm thêm sáu đảo và rặng san hô nữa.

Năm 1994, tàu chiến của Việt Nam đã hộ tống thuyền thăm dò của Trung Quốc khỏi khu vực tranh chấp.

Vụ Exxon xảy ra sau một nỗ lực thành công khác của Trung Quốc trong việc đẩy một công ty dầu khí nước ngoài khác khỏi quần đảo Trường Sa. Năm ngoái, đe dọa tương tự của Trung Quốc đã khiến tập đoàn BP phải ngừng dự án hợp tác khai thác khí trị giá hai tỷ đôla với Việt Nam.

Hành động mới của Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng căng thẳng giữa hai nước vốn có hai quân đội thuộc loại lớn. Quân đội Trung Quốc lớn nhất thế giới, còn quân đội Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á.

Trong khi quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây đã phát triển tốt đẹp, các tiền đề lịch sử và chính trị giữa hai bên vẫn là thù hằn và thiếu tin tưởng.

Chưa có bên nào quên đi một 'cuộc chiến Việt Nam' khác xảy ra năm 1979.

Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam với xe tăng và khoảng 90.000 quân lính để trả thù hành động thân Nga của Việt Nam tại Campuchia. Chỉ trong mười ngày, từ 40.000 tới hơn 100.000 lính Trung Quốc và Việt Nam tử trận, theo các thống kê khác nhau.

Con số này có thể còn nhiều hơn số lính Mỹ chết trong cuộc chiến hơn mười năm ở Việt Nam (52.000).

Vị thế địa chính trị

Bắc Kinh tăng cường chiến lược biển

Và chúng ta không chỉ nói về quy mô quân đội. Trung Quốc đã xây dựng một loạt căn cứ quân sự tại Nam Hải và Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất tìm cách phát triển cơ sở hải quân nước sâu để đối trọng Hoa Kỳ.

Mục tiêu chính là để bảo vệ eo biển Malacca trong trường hợp xung đột và Hoa Kỳ cấm vận dầu lửa.

Eo biển nhỏ hẹp này nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và thường xuyên bị coi là điểm xung đột hàng hải.

Nó mang giá trị chiến lược cao vì đa phần dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu cho cỗ máy kinh tế của mình phải qua con đường này. Bắc Kinh lâu nay đã sợ rằng Mỹ sẽ chặn đường lưu thông qua Malacca nếu quan hệ hai bên xấu đi thí dụ về vấn đề Đài Loan hay một vấn đề nào khác.

Các căn cứ ở Nam Hải và tiềm lực hải quân ngày càng mạnh của Trung Quốc cũng mang một nghị trình chiến lược khác chứ không chỉ để bảo vệ con đường hàng hải quan trọng nói trên.

Chúng tạo ra một sự 'khoanh vùng' của Trung Quốc bao quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu năng lượng. Chi tiết này đã không qua được mắt Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, khi dân biểu Dana Rohrabacher từ năm 1998 đã nhắc tới nó.

Tất nhiên bi kịch hiện nay là việc Trung Quốc hà sách, đe dọa, đang làm chậm trễ thêm quá trình khai thác nguồn tài nguyên dầu khí mà cả khu vực cần trong bối cảnh thị trường năng lượng ngày càng thu hẹp.

Một sự hợp tác để khai thác các trữ lượng này sẽ tăng lợi ích cho tất cả các quốc gia đang tranh chấp, đồng thời giảm áp lực lên thị trường dầu lửa quốc tế.

Peter Navarro là giáo sư về kinh doanh tại Đại học California-Irvine, bình luận cho kênh CNBC và là tác giả cuốn The Coming China Wars (FT Press).

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008

Việt Nam trước sức ép từ Trung Quốc

Comments

Một chuyên gia về Trung Quốc có tiếng tại Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam cần tăng cường khả năng quân sự để đối phó với nước láng giềng.

Quân đội Trung Quốc

Không có thống kê chính xác về chi tiêu quân sự của Trung Quốc

Arthur Waldron, giáo sư Quan hệ Quốc tế của Đại học Pennsylvania, cho biết ông đã đọc tin về việc Trung Quốc đòi tập đoàn dầu lửa ExxonMobil của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án với Việt Nam “mặc dù theo luật quốc tế, thềm lục địa và vùng biển là thuộc về chủ quyền Việt Nam”.

Waldron, được xem là thuộc nhóm trí thức bảo thủ Mỹ có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, nói ông “bi quan về triển vọng có dân chủ thực sự ở Trung Quốc” nhưng nhấn mạnh “sớm hay muộn, hệ thống phải thay đổi đơn giản vì nó không bền vững”.

Arthur Waldron: Trung Quốc có vẻ là một siêu cường khi anh nhìn từ ngoài. Nếu ngồi trong Trung Nam Hải, hình ảnh mà lãnh đạo thấy là một đất nước ngày càng hỗn tạp và khó kiểm soát.

Về câu hỏi các nước nên làm gì với Trung Quốc, tôi luôn thấy thú vị khi cái tên Hoa Kỳ được nhắc tới đầu tiên. Nhưng nếu Trung Quốc trở thành siêu cường quân sự hung hăng, chính các láng giềng sẽ cảm nhận sức mạnh ấy trước tiên.

Tôi vừa đọc tin cho hay Trung Quốc vừa bảo với công ty khoan dầu của Mỹ ngừng dò tìm dầu trên thềm lục địa Việt Nam, mặc dù theo luật quốc tế, thềm lục địa và vùng biển là thuộc về chủ quyền Việt Nam. Và dĩ nhiên còn chuyện đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam.

Còn có nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và các láng giềng gần. Và có ba nước láng giềng quan trọng nhất. Nhật Bản có tiềm năng trở thành nước mạnh nhất châu Á nếu họ quyết định có quân đội. Nga đã cung cấp vũ khí cho Trung Quốc, nhưng Nga có đường biên giới dài với Trung Quốc và giữa hai nước có khả năng bất đồng về mặt chiến lược. Nước thứ ba là Ấn Độ, với đường biên giới trực tiếp sát ngay Trung Quốc sau khi Tây Tạng bị chiếm và thôi không còn là vùng đệm.

Như thế, sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc sẽ tạo ra các vấn đề cho Trung Quốc về đối ngoại. Và cả đối nội, bởi vì tốc độ thay đổi quá nhanh đến mức không thể kiểm soát.

Nói về Hoa Kỳ, chúng tôi là đồng minh của nhiều nước trong khu vực. Nhưng hiện tại, chính quyền Mỹ tự ru ngủ mình, tin rằng Trung Quốc rất có ích trong vụ Bắc Hàn, Iran. Vì thế Mỹ ngày càng hy sinh quyền lợi của bạn bè như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, để có quan hệ tốt với Trung Quốc.

Tôi nghĩ Việt Nam sẽ càng ngày càng gặp sức ép từ Trung Quốc, khi mà Trung Quốc đã có căn cứ hải quân ở đảo Hải Nam. Sẽ là vấn đề cho Việt Nam khi nghĩ phải làm gì để an toàn trước Trung Quốc.

BBC:Nhưng Việt Nam thì có thể làm gì trước một siêu cường ngay trước mặt?

Việt Nam không phải là một nước nhỏ, tầm thường. Vị trí chiến lược của Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc vô cùng có lợi. Các bạn có đường biển dài bao quát toàn bộ các tuyến đường ra bên ngoài của Trung Quốc. Điều đầu tiên các bạn cần làm là khôi phục sức mạnh của hải quân. Phải có tên lửa chống hạm chất lượng cao, như Đài Loan, tàu ngầm như Hàn Quốc. Khi đó, các bạn ở trong vị trí có thể chống đỡ mọi đe dọa biển của Trung Quốc. Các bạn phải bảo đảm đường biên giới, buộc quân đội đúng nghĩa là quân đội, rút họ ra khỏi các dịch vụ làm ăn.

Điều thứ ba tôi nghĩ các bạn cần làm là tái phát triển chương trình hạt nhân. Tôi cho rằng các bạn sẽ không được an toàn chừng nào chưa có vũ khí hạt nhân.

BBC:Nhưng chính phủ Việt Nam đã khẳng định Việt Nam chỉ áp dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, thưa ông.

Tôi không khuyến cáo Việt Nam có vũ khí hạt nhân như Ấn Độ. Nhưng trừ phi Trung Quốc bớt “ăn hiếp” Việt Nam, các bạn sẽ phải tăng cường khả năng quân sự và tìm kiếm đồng minh.

Việt Nam ở trong vị trí khó khăn vì đã có cuộc chiến hai miền Nam – Bắc, rồi Hoa Kỳ dính líu vào. Sau đó Việt Nam nói vì là nước cộng sản, nên ta phải làm bạn với Trung Quốc, Bắc Hàn. Nhưng có lợi nhất cho Việt Nam là làm thành viên trong cộng đồng các nước dân chủ, tự do, hợp tác với nhau bảo vệ quyền lợi chung. Nếu ở trong những nước như thế, người ta không cần vũ khí hạt nhân.

BBC:Nhưng thật khó thuyết phục các lãnh đạo cộng sản Việt Nam rằng họ có thể nhờ cậy đồng minh phương Tây. Ít nhất về danh nghĩa, Trung Quốc và Việt Nam vẫn có điểm tương đồng là chế độ cộng sản.

Đúng vậy. Hồ Chí Minh và các đồng chí đã có quyết định mang tính định mệnh, tức là họ nghĩ có một đảng cộng sản nắm quyền là điều quan trọng nhất, dẫu cho phải giết nhiều người Việt Nam yêu nước và mời cố vấn từ Nga, Trung Quốc. Để giải quyết những vấn đề của mình, theo tôi, nhân dân và chính phủ Việt Nam phải xem xét lại văn hóa Việt Nam có gì chung với Lenin, với Marx?

BBC:Nhiều người ở Việt Nam vẫn nghĩ rằng mô hình Trung Quốc gần gũi cho Việt Nam hơn cả.

Vài năm trước, tôi thăm Hà Nội, tôi rất vui vì đó là một nơi tuyệt vời. Thu nhập đầu người có vẻ ở khoảng 900 đôla một năm, tương đương với Đài Bắc, khi tôi học ở đó gần 40 năm trước.

Mô hình các bạn nên học là Đài Loan hay Hàn Quốc: phát triển kinh tế để đứng hàng đầu thế giới, nâng cao giáo dục và rồi chuyển đổi sang dân chủ. Mô hình độc tài của Trung Quốc, Singapore đem lại mức sống cao nhưng nhiều khiếm khuyết trong hệ thống kinh tế, sẽ không tồn tại được lâu dài. Nó hủy hoại tinh thần con người.

Tôi tin rằng người Việt Nam hiểu dân chủ là gì, tự do là gì. Chắc chắn họ biết đi bầu cử, tự ra quyết định. Giống như người dân Trung Quốc, người Việt không cần ông Hồ Cẩm Đào chỉ bảo họ.

Tiểu sử GS. Arthur Waldron

Bằng tiến sĩ Harvard 1981

Dạy ở ĐH Pennsylvania

Sáng lập và là phó chủ tịch Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, Washington, DC

Sách: The Great Wall of China: from History to Myth (1992)

From War to Nationalism: China’s Turning Point 1924-1925 (1995)

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com