Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2008

Cô giáo đầu tiên 'gieo' chữ trên đảo Trường Sa

Comments

Xen lẫn từng đợt sóng biển rì rào, tiếng cô giáo Bùi Thị Nhung dạy những trẻ thơ đánh vần từng chữ thánh thót vang xa, làm ấm cả không gian đất đảo Trường Sa nhỏ hẹp.

Cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung với những học sinh trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: An Nhơn.

Gần 1 tháng trước, cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung (27 tuổi) cùng chồng và con gái hơn 2 tuổi, đã quyết định chia tay học sinh lớp 4 tại trường tiểu học Suốt Cát, Khánh Hòa để đến với các em nhỏ nơi vùng đảo xa xôi này.

"Khi quyết định đi, cô hiệu trưởng và các em học sinh khuyên tôi ở lại. Ngậm ngùi mãi nhưng tôi cũng cố thủ thỉ với các em rằng các bạn ở vùng đảo đang cần cô, các em sẽ được người khác tốt hơn cô dạy bảo", cô Nhung nhớ lại.

Tận dụng hành lang khoảng chừng 2 m2 giữa nhà trên và nhà dưới trong căn hộ mới của mình, cô Nhung kê vài cái bàn, ghế, một tấm bảng và bắt đầu sự nghiệp "trồng người". Hàng ngày, tiếng đọc sách líu lo của các em cứ thế vang lên, át đi tiếng sóng vỗ, đem lại không khí vui tươi cho vùng đất đảo. Cả cô trò đang đếm từng ngày một chờ đến khi ngôi trường xây xong, để có một mái nhà riêng cho mình.

Ngày hai buổi cô vẫn đứng lớp, sáng dạy lớp mẫu giáo và lớp 1, chiều lớp 2, 3. Sau hơn hai tuần nhận lớp, cô Nhung cho biết, các em ở đây tiếp thu bài rất tốt. "Tôi sẽ tổ chức chấm điểm, thi cử và quyết định lên lớp cho học sinh, sau đó chuyển học bạ vào đất liền để sau này Phòng giáo dục cấp bằng cho các em", cô Nhung chia sẻ.

Hiện cô giáo trẻ này cũng đang truyền đạt cho hai phụ trách đoàn trên đảo về cách giảng dạy, soạn giáo án, để chẳng may khi đau ốm có người dạy thế để không lỡ dở việc học của các em.

Thấy cô giáo trẻ mảnh mai không ngại vất vả vượt đường xa ra gieo cái chữ cho lũ trẻ nơi vùng đảo xa xôi, phụ huynh của hai cháu Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Thị Huỳnh Hương nói: "Lúc đầu gia đình tôi cứ nghĩ khi ra đảo sống các con sẽ không có được cái chữ. Rồi khi vào đất liền nó lại thua thiệt mọi người. Tuy nhiên, khi có cô Nhung dạy các cháu, tôi mừng lắm".

Còn ở lớp học, em Nguyễn Xuân An (8 tuổi) hăm hở lấy tập ra khoe các bài được cô Nhung chấm điểm 9, 10. "Cô Nhung hiền lắm. Từ khi ra đảo, em nhớ các bạn ở đất liền nhiều lắm. Nhưng khi được đến lớp cô Nhung, dù bạn bè ít, nhưng cũng cảm thấy vui hơn", bé An hồn nhiên nói.

Cô Nhung hạnh phúc cùng chồng con trên đảo Trường Sa. Ảnh: An Nhơn.

Tốt nghiệp Cao Đẳng Sư phạm Khánh Hòa năm 2002, cô Nhung về dạy lớp 2 ở trường Cam Thạnh Tây và sau đó một năm thì được đều động ra đảo Cam Bình dạy lớp 4. Bốn năm sau, cô lại chuyển về dạy lớp 4 ở trường tiểu học Suối Cát. "Chuyển nhiều rồi nhưng chắc sẽ ở lại đây mãi", cô Nhung thổ lộ.

Anh Đặng Thanh Phương, chồng cô cho biết, gia đình họ vốn đã có một cuộc sống ổn trước khi đến với vùng đất xa xôi này nhưng vì vợ muốn giúp các em nhỏ ở đây có cái chữ nên mới quyết định táo bạo. "Lúc đầu nghe vợ tâm sự, tôi cũng đắn đo. Bản thân mình từng là lính nên không sợ gian khổ, mà chỉ sợ vợ con chịu không nổi. Tuy nhiên, tôi luôn tôn trọng quyết định của vợ mình", anh Phương, nói.

Sau hơn hai tuần nếm được vị mặn của biển, từ cô giáo trắng trẻo nơi thành thị đất liền, nước da cô đã sạm đi rất nhiều.

"Cảm giác đầu tiên của tôi ở đảo đó là sự lao động vất vả của những người lính, tuổi thơ vắng vẻ của các em nhỏ, cái thời tiết mưa, nắng thất thường, còn sóng thì vỗ liên hồi. Tôi buồn, nhớ nhà và học trò cũ nhiều nhưng qua điện thoại, được nói chuyện với các em, những người thân, được động viên của chồng, và quan trọng là có những học trò mới, tôi thấy mình đã vững tâm hòa nhập", cô Nhung tâm sự.

Với bằng A Anh văn, cùng với vài cuốn sách mang theo, cô Nhung cũng thổ lộ về ước nguyện được truyền đạt chút ít kiến thức về ngoại ngữ cho học sinh. Tuy nhiên, cô giáo nhìn nhận là môi trường giao tiếp của các em ở ngoài đảo sẽ không thể tốt như ở đất liền, vi tính anh văn cho các em đang khiến cô nghi ngại.

Nguồn: VnExpress

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com