Thứ Hai, 12 tháng 5, 2008

Tiếng hát giữa biển khơi

Comments

Thành viên của đoàn nghệ thuật Quân khu 3 trong lần ra đảo Trường Sa còn rất trẻ. Tiếng hát của họ vượt muôn nghìn con sóng, bay bổng giữa đất trời tạo nên hương vị mặn nồng gửi đến các chiến sĩ trên đang đêm ngày canh giữ biển khơi…

Ca sĩ Nhật Thuận (trái) và Quỳnh Trang trên đảo Trường Sa lớn. (Ảnh: Trần Hưng)

Gần lắm Trường Sa ơi

Rồi tàu HQ 936 cũng đến điểm đầu tiên là đảo Đá Lớn. Ở một góc công sự, tiếng hát bay bổng “Không xa đâu Trường Sa ơi…” của ca sĩ Nhật Thuận mang hơi ấm đất liền gửi đến các chiến sĩ trên đảo Đá Lớn.

Trước chuyến đi, Thuận đã chuẩn bị kỹ lắm, nhưng điều mà cô ca sĩ mang quân hàm trung uý này đặc biệt chờ đợi là mong ngày đặt chân lên đảo. Nơi ấy, tiếng hát của Thuận phát ra từ đáy lòng, gửi gắm vào đó những ước mơ, hoài bão, và cả những khát khao mong một lần được ra thăm các anh, những chiến sĩ canh giữ đất trời nơi biển đảo xa xôi.

Tiếng hát Nhật Thuận đã "lôi kéo" máu văn nghệ của một chiến sĩ tại nhà dàn DK1

Có nhiều hôm, Thuận và các bạn diễn trong đoàn say sóng đến nhừ tử. Chỉ chờ tàu cập mạn là tìm ngay chỗ ngồi mà đầu vẫn lắc, tai thì ù đặc. Hôm lên đảo Đá Lớn, anh em trong đoàn phải chia nhỏ từng tốp để “hát mộc” cho các chiến sĩ thưởng thức. Trên bệ công sự, Quỳnh Trang, cô ca sĩ mang quân hàm thiếu uý vẫn say mê đứng giữa hai chiến sĩ cất tiếng hát ngọt lịm. Rồi tiếng vỗ tay, và những câu hát hoà vào dòng biển mặn.

Lần đến đảo Nam Yết, tôi có điều kiện quan sát và chứng kiến được nhiều xúc cảm của anh em chiến sĩ trên đảo. Chưa đến bảy giờ tối nhưng hội trường của đảo đã chật kín anh em đến tìm chỗ ngồi. Và rồi, khi chương trình nghệ thuật được bắt đầu thì cả khán phòng im lặng. Quỳnh Trang, Nhật Thuận xuất hiện. “Gần lắm Trường Sa ơi”, tên bài hát được đồng thanh cất lên. Không ai bỏ sót một giọng hát, để rồi những gương mặt chiến sĩ thẫn thờ vì xúc động. Nghĩa tình đất liền - biển đảo như hằn lên trên từng câu hát. Những giọt nước mắt ứa ra, nhiều chiến sĩ không muốn anh em phóng viên biết được tình riêng đành dõi ánh mắt xa xăm tránh đi ống kính máy ảnh.

Xung kích ra đảo

Thượng tá Đỗ Trọng Sơn, đoàn trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu 3 là người lần đầu tiên ra đảo. Trọng đợt đi này, 11 người trong đoàn thuộc anh em xung kích. Kể chi khó khăn, đoàn trưởng Sơn nói được ra đảo thì vinh dự và rất xúc động.

Những ngày lênh đênh sóng biển, nhiều chị em trong đoàn say đến lắc lư, lên bờ rồi mà vẫn thấy mình như đang chao nghiêng cùng con sóng. Có những hôm biển động, sóng đánh bạt lên cả boong tàu, bữa cơm hôm đó lại được dọn vào phòng nghỉ. “Có nhiều khi ngửi thấy mùi thức ăn là say sóng rồi, nhưng cố nuốt trôi để ngày mai còn hát”, Quỳnh Trang tâm sự.

Đoàn nghệ thuật Quân khu 3 hát cho chiến sĩ tại đảo Nam Yết thưởng thức

Nếu ở đất liền mỗi đêm biểu diễn có đầy đủ âm thanh, có sân khấu tráng lệ, thì nơi biển đảo, nhiều khi anh em chỉ “hát mộc”. Theo thượng tá Sơn, điều đặc biệt của những lần đi diễn ở Trường Sa là đối tượng thưởng thức, nhiều khi cả đoàn chỉ hát cho một chiến sĩ nghe. Hôm trên nhà dàn DK1, buổi khai diễn của anh em trong đoàn văn nghệ cũng được bắt đầu để phục vụ… ba chiến sĩ. Nhưng buổi diễn vẫn thành công, vẫn có những tràng pháo tay át tiếng sóng nhà dàn.

Đi đến đâu, đoàn nghệ thuật cũng dành được sự ưu ái rất đặc biệt của chiến sĩ biển đảo và anh em báo chí. San hô, vỏ ốc, và những thức ăn thuộc loại “hàng hiếm” cũng được anh em lôi ra hết, chỉ mong “giọng hát của các em khoẻ hơn, hay hơn và cố gắng ra đảo nhiều hơn”, như chiến sĩ Hưng, đảo Nam Yết nói.

Không chỉ các chiến sĩ trên đảo có “ưu đãi” đặc biệt với anh em trong đoàn văn nghệ, mà đoàn nghệ thuật Quân khu 3 luôn là “tâm điểm” của anh em trên tàu HQ 936 của chuyến công tác. Từ lúc tàu khởi hành chưa được mấy hải lý, ai cũng muốn lân la làm quen, rồi xin số điện thoại, rồi hẹn gặp lại trên đất liền. Tàu về cảng Ba Son khi trời chiều ngả bóng, cơn mưa bất chợt xối xả như nêm hạt rơi xuống sông Sài Gòn, rơi xuống nhiều nhạc cụ mà anh em từng “khiêng” ra đảo biểu diễn. Đoàn nghệ thuật Quân khu 3 được bố trí thành một đoàn và nơi nghỉ mới. Rồi xe đón các ca sĩ mang quân hàm người lính hoà vào nhịp sống Sài thành.

Hôm nay nhận được điện thoại của Quỳnh Trang, cô thiếu uý trẻ nói nhớ Trường Sa lắm. Mới đi chưa được mười ngày mà thấy gắn bó, thấy thương và thấy yêu hơn những con người ngày đêm ở đảo xa.

Nguồn: Dân trí

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com