Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

"Trung Quốc xây căn cứ tàu ngầm hạt nhân trên biển Đông"

Comments

Báo Daily Telegraph (Anh) số ra ngày 2-5 đã đăng các bức ảnh của Hãng dịch vụ vệ tinh Digital Globe, cho thấy một hải cảng quân sự lớn được xây dựng tại căn cứ hải quân Tam Á, phía nam đảo Hải Nam.

Close

Bức ảnh vệ tinh về căn cứ tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc tại đảo Hải Nam - Ảnh: Daily Telegraph

Đây là khu vực chỉ cách vịnh Bắc bộ của VN vỏn vẹn 130km, và cách bờ biển nhiều nước khu vực cũng chỉ vài trăm kilômet. Hải cảng này đủ sức chứa hàng chục tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân, cũng như nhiều tàu sân bay lớn.

Căn cứ kiểu James Bond

Một bức ảnh cho thấy chiếc tàu ngầm hạt nhân 094 thế hệ mới của Trung Quốc đậu tại căn cứ Tam Á. Ngoài ra, có ít nhất bốn tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo thả neo tại một con đê chắn sóng. Đặc biệt một hệ thống khoảng 11 đường hầm ngầm, với cửa vào cao đến hơn 18m, được xây dựng xuyên qua các con đồi quanh căn cứ Tam Á.

Ngoài ra, các bức ảnh khác cho thấy hoạt động xây dựng, mở rộng đang diễn ra rất sôi động tại căn cứ. Daily Telegraph bình luận căn cứ này là một "dinh thự khổng lồ kiểu James Bond", có khả năng che giấu tới 20 tàu ngầm hạt nhân trước các vệ tinh do thám. Hơn nữa, vị trí của căn cứ này cho phép các tàu ngầm xâm nhập các vùng nước cực sâu, dưới mức 5.000m mà không cần phải nổi lên, khiến chúng càng khó phát hiện hơn.

Hãng tin AFP dẫn nguồn Tổ chức thông tin quân sự Janes (Anh) cho biết các nguồn tin quân sự châu Á đã nghe phong thanh về căn cứ này từ năm 2002, nhưng đây là lần đầu tiên có những bằng chứng xác thực về sự tồn tại của nó.

Hình ảnh chụp tháng 8-2005 cho thấy hoạt động xây dựng, mở rộng tại căn cứ Tam Á

Lối vào căn cứ Tam Á trong bức ảnh chụp tháng 12-2007

Hai trong số 11 đường hầm ngầm xây xuyên qua đồi

"Quá gần mạng lưới giao thông đường biển"

Janes nhận định hoạt động quân sự này quá gần với mạng lưới giao thông đường biển khu vực Đông Nam Á cực kỳ quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á, do đó chỉ có thể gây nên mối quan ngại vượt xa tầm khu vực. Báo Indian Express dẫn lời một số chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết căn cứ này sẽ cho phép Trung Quốc cắt đứt đường giao thông thương mại trên biển tại biển Đông và eo biển Malacca (Ấn Độ Dương), trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. AFP dẫn lời chuyên gia Christian Le Miere của Tổ chức Janes cho rằng sự phụ thuộc của Trung Quốc đối với dầu khí và tài nguyên thiên nhiên đang khiến Bắc Kinh ngày càng muốn kiểm soát các đường biển quan trọng, đặc biệt là khu vực phía nam.

Tuy nhiên, theo Indian Express, giới quân sự quốc tế nhận định biển Đông là khu vực khó điều khiển tàu ngầm, và Trung Quốc chưa phát triển được kỹ năng điều khiển tàu ngầm cách xa đất liền. "Còn khá lâu nữa Trung Quốc mới có được kỹ năng và hệ thống để triển khai tàu ngầm thế hệ mới theo cách tạo ra sự khác biệt chiến lược thật sự" - Indian Express dẫn lời chuyên gia Hans Kristensen thuộc dự án thông tin hạt nhân của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ nhận định.

Ấn Độ hiện đang tỏ ra rất lo ngại bởi căn cứ Tam Á chỉ cách eo biển Malacca hơn 2.000km. Indian Express bình luận sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân 094 tại Hải Nam có thể khiến New Delhi đẩy nhanh dự án phát triển tàu ngầm hạt nhân của mình. Hiện hải quân Ấn Độ đang có kế hoạch đưa vào hoạt động năm tàu ngầm hạt nhân ATV.

Chi phí quân sự khổng lồ

Theo Hãng tin news.com.au (Úc), Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính Trung Quốc sẽ có ít nhất năm tàu ngầm 094 hoạt động vào năm 2010. Mỗi chiếc tàu 094 có thể mang 12 tên lửa hạt nhân JL-2. Trong 5-10 năm nữa, quân đội Trung Quốc sẽ đóng thêm sáu chiếc tàu sân bay lớn. Hiện tại hải quân Trung Quốc có 57 tàu ngầm, trong đó có năm tàu hạt nhân.

Trong vòng 12 năm qua, Bắc Kinh đã nhập khẩu 12 tỉ USD tiền vũ khí từ riêng Nga. Tổng chi phí quân sự của Trung Quốc vào khoảng 50 tỉ USD/năm, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng con số này có thể lên đến 200 tỉ USD. Chi phí này đưa Trung Quốc trở thành nước chi tiêu cho quốc phòng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Nguồn: Tuổi Trẻ Online Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com