Thứ Ba, 11 tháng 12, 2007

Thầy - trò và nỗi đau Hoàng Sa

Comments

Đây là tâm sự của một người thầy ở Phan Rang về thái độ hững hờ của học trò mình với sự kiện Tam Sa. Bài viết được trích từ chủ đề "Tại sao Hoàng Sa" trên diễn đàn Thạch gia trang. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Thầy: PHÉP LŨY THỪA CHO NHỮNG NỖI ĐAU!

Mấy ngày qua, TAM SA đã trở thành một nỗi nhức nhối trong lòng những NGƯỜI VIỆT NAM THỰC SỰ.

Đau! Nhục! Uất hận!

Nhiều người có chung cảm giác ấy.

Nhưng không chỉ là nỗi đau của công dân khi chủ quyền đất nước bị ngoại bang xâm phạm.

Thế giới đã đổi thay nhiều. Tình hình bang giao quốc tế có quá nhiều điều “tế nhị”. Vì thế, chúng ta có thêm nỗi đau của kẻ chưa được bộc lộ lòng mình. Vì đại cục, chúng ta nén lòng chấp nhận. Dẫu có hai lần đau thì ta cũng đau giống với mọi người.

Còn những nỗi đau khác. Nỗi đau khi quanh ta “lặng ngắt như tờ".

Tới 18h ngày 08/12/2007 khi ta hỏi “có biết TAM SA là gì không?” thì hầu hết những người được hỏi đều “không” một cách vô tư . Vài kẻ “biết” thì cũng biết kiểu “nghe qua rồi bỏ”, trong lòng không hề có một chút tơ vương. Nén giận để có thể cung cấp cho chúng một ít thông tin , ta đành giải tán lớp học vì không thể nào dạy được. “Tính nhân dân”, “tính dân tộc” – những khái niệm mà ta định cung cấp cho học trò trong bài dạy đã trở nên mai mỉa. Dạy ai và dạy để làm gì? Cách đặt câu hỏi kiểu Bác Hồ khi đặt bút khiến ta cảm nhận rõ ràng sự bất lực của mình.

Thời đại công nghệ thông tin đã mang lại cho lớp trẻ 9X những gì? Vì sao chúng lại “không” một cách vô tư như thế? Hơn 600 tờ báo lớn nhỏ, TV mở suốt ngày ở mỗi gia đình, hệ thống internet vươn tới những bản làng xa xôi… Vậy mà giữa “Phan Rang - phố thị của tôi” nạn mù thông tin vẫn là phổ biến.

Vì sao?

Ta chưa tìm đượcmột ai để nói chuyện TAM SA , ngoại trừ những học trò ở những lớp mình phụ trách. Đúng ra, chưa hẳn đã là “nói chuyện”, vì chủ yếu ta là người cung cấp thông tin và cố gắng gợi cho chúng một vài cảm xúc cần thiết. Và ta biết, cũng có những học trò bị ta “tra tấn lỗ tai”.

Chương trình phát thanh học đường nơi ta công tác vẫn đều đặn thực hiện 3 lần mỗi tuần.Vẫn có những bài báo được đọc, những ca khúc được vang lên. Vậy mà TAM SA vẫn không thể là một thông tin được truyền tải.

Những giờ giải lao, đồng nghiệp vẫn chia nhau điếu thuốc, tán chuyện giá cả, nắng mưa một cách vui vẻ. Cuộc sống vẫn yên bình “như chưa hề có chuyện TAM SA”.

Quán cà phê, quán nhậu vẫn luôn đông khách. Những câu chuyện trên trời dưới biển vẫn nổ ran. Ta cố chờ, vẫn không có Hoàng Sa, Trường Sa hay TAM SA xuất hiện.

Tất cả những thiếu vắng này khiến lòng ta làm PHÉP LŨY THỪA CỦA NHỮNG NỖI ĐAU!

---

Buổi học không thể diễn ra nhưng một vài học trò vẫn ớ lại.

Chiếc máy tính nối mạng đã “xóa mù” cho một ít học trò của ta.

Sau 20h, có nhiều nick yahoo xin add. Ta chấp nhận cho tất cả. Những link quan trọng của báo TUỔI TRẺ, blog Bùi Thanh, Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa được gửi đi và lan tỏa.

"Em xin lỗi thầy vì đã quá vô tâm" ,“Em không muốn chết vì tai nạn hay tuổi già một cách vô nghĩa…” , “bây giờ em mới hiểu ý nghĩa của cuộc sống…” “mỗi người cần có một niềm tự hào về Tổ quốc…” , “Hoàng Sa va Trường Sa sẽ không đơn độc giữa biển khơi…” – những gì nhận đựoc trên màn hình máy tính đã KHAI CĂN CHO NHỮNG NỖI BUỒN ứ đọng trong ta. Cám ơn các con, con cháu Thạch Gia Trang ạ!

Trò: Mong thầy hãy đặt niềm tin vào tuổi trẻ chúng em.

Thầy đừng quá đau buồn thầy à! Thực sự thì giới trẻ bây giờ không quá tệ như thầy nghĩ đâu. Đứa "vô cảm" thì có nhiều nhưng đứa "có tình cảm" thì cũng không hiếm đâu thầy. Cách đây 2 ngày, khi em chat với thằng bạn, nói về chuyện Trung Quốc định chính thức cướp lấy Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta, nó có nói với em rằng: "trong tình cảnh đất nước như thế này, tự nhiên tao thấy việc học tập của mình không phải là vấn đề đáng phải quan tâm nhất nữa, nghĩ mà tức, tự nhiên một đất nước lớn như nó lại chơi cái trò như vậy".

Trích dẫn lới đứa bạn như vậy, thực sự em muốn thầy lấy lại niềm tin ở giới trẻ: ở đâu cũng vậy, có người này người nọ. Và chắc chắn trong những vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc, vận mệnh của đất nước như thế này thì chính giới trẻ sẽ là người tiên phong trong việc bảo vệ thành quả mà ông cha ta đã đổ bao nhiêu xương máu gầy dựng nên.

Đêm qua, em thức tới 3h giờ sáng để đọc qua (chỉ lướt thôi) các chương trong Hồi Ký Cựu Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam, em mới hiểu được vì sao Trường Sa Hoàng Sa của ta phải ra nông nổi như ngày hôm nay. Và em cũng tự trả lời cái kết cục cho Hoàng Sa, Trường Sa của chúng ta sẽ như thế nào. Lòng thực sự buồn, buồn cho sự "ra đi" của một phần xương máu ông cha, buồn cho tương lai của Việt Nam chúng ta khi gọng kìm của kẻ bành trướng ngày càng tiến sát vào đất nước, vào dân tộc Việt.

Một trái tim bé nhỏ, một cái đầu quá nhỏ như em không thể nghĩ ra cách nào để hiến một kế giúp chúng ta thoát khỏi thế kìm kẹp như thế này.

Muốn nêu lên ý kiến về một việc gì đó, hay muốn đưa ra những góp ý của mình, nhất thiết bạn phải có một hiểu biết tối thiểu về nó. Vậy mà càng tìm hiểu về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, em càng thấy bất lực, càng đi vào một đám mây đen trong suy nghĩ, và không thể nói lên điều gì. Rất muốn "như không hề có cuộc chia li", nhưng dường như điều đó bây giờ sao khó quá.

Dù rất không muốn nói về vấn đề chính trị trong TGT.com của chúng ta, nhưng thực sự em không muốn những người có tâm như Thầy phải chịu nhiều "nhức nhối" vì thế hệ trẻ ngày này.

Về việc tại sao nhiều học sinh "vô cảm" trước vận mệnh của đất nước khi trả lời "không" với vấn đề Tam Sa em nghĩ cũng không có gì khó hiểu. Lịch sử không nắm vững, báo chí thì không đọc, thông tin không chủ động nắm bắt thì nếu bản thân người đó có sẵn tình yêu đất nước thì cũng không có điều kiện để phát huy. Cũng như cách đây vài ngày, em có nhắc nhở em nào 2008 mới vào diễn đàn: hãy ít dùng ngôn ngữ chat lại, nên sử dụng tiếng Việt có dấu. Thế nhưng sau đó em mới nghĩ lại, nhiều khi em đó chưa biết gõ tiếng Việt trên máy tính thì sao?

Chuyện Hoàng Sa, Trường Sa còn dài và có những nguyên nhân sâu xa của nó. Và như Thầy nói: "Thế giới đã đổi thay nhiều. Tình hình bang giao quốc tế có quá nhiều điều “tế nhị”. Vì thế, chúng ta có thêm nỗi đau của kẻ chưa được bộc lộ lòng mình. Vì đại cục, chúng ta nén lòng chấp nhận.", là một người dân bình thường, chắc những đóng góp của chúng ta cho quê hương đất nước, chắc cũng chỉ dừng lại ở đây. Nhưng ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều trong những đường link của thầy, đó là sự khởi dậy tình thần yêu nước của Người Việt, vốn dĩ không có điều kiện phát huy trong một thời gian dài qua. Mà khi lòng tự tôn dân tộc được phát huy thì sẽ không có gì ngăn cản được chúng ta.

Mong thầy hãy đặt niềm tin vào tuổi trẻ chúng em.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com