Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2007

Giải pháp về đấu tranh qua suy nghĩ của một bạn trẻ

Comments
Đây là bài viết của một bạn trẻ trên diễn đàn Hoangsa.Org, chúng tôi xin post lên đây để mọi người cùng tham khảo.

CƯƠNG LĨNH CHO CUỘC TRANH ĐẤU CỦA CHÚNG TA

Một sự thật rõ ràng rằng: Việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng tới Hiến chương Liên hiệp quốc, xâm phạm trắng trợn tới chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Hành động này là không thể chấp nhận được. Nhưng đâu mới là một giải pháp đúng đắn, một cách thức hợp lý để giữ lấy những tấc đất của tổ tiên, để bảo vệ những quyền cơ bản nhất của một dân tộc độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, như đã được ghi nhận trong Hiệp định Geneva, Hiệp định Paris, và trong Điều 1 của Hiến pháp nước ta?

Từ xưa đến nay, trước bất cứ một tranh chấp quốc tế nào thì mỗi chủ thể cũng chỉ có 4 phương cách giải quyết, đó là: đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế, đấu tranh ngoại giao và đấu tranh quân sự. Hãy cùng xem xét từng phương cách một!

1. Đấu tranh chính trị:

Cuộc biểu tình mà mọi người đang vận động tổ chức là đấu tranh chính trị. Với một quốc gia nào đó khác thì hình thức đấu tranh này có thể có hiệu quả, nhưng với Trung Quốc thì tôi cho là không.

Hẳn không ít người không biết sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, khi 6000 sinh viên Trung Quốc tiến hành biểu tình hòa bình trên quảng trường Thiên An Môn đã bị Chính phủ Trung Quốc cho xe tăng nghiền nát. Sự kiện này đặt ra cho chúng ta 3 câu hỏi:

- Cuộc biểu tình của chính người Trung Quốc, trên đất Trung Quốc còn bị Bắc Kinh dễ dàng đưa ra quyết định đàn áp dã man đến như vậy, thử hỏi cuộc đấu tranh của người nước ngoài, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có được Bắc Kinh chú ý đến ?

- Cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc có lúc lên tới con số 100.000 người vẫn chưa đủ gây sức ép bắt Chính phủ Trung Quốc chấp nhận những yêu sách của họ. Vậy liệu phong trào của chúng ta đây có thể tập hợp được hơn con số ấy ?

- Với chính sách đàn áp dã man như thế, Bắc Kinh không e ngại gì trước dư luận quốc tế. Vậy hành động của chúng ta có phải là mối bận tâm của họ ? Vậy là rõ ràng đấu tranh chính trị bằng biểu tình không phải là một cách làm hiệu quả. Điểm tích cực của nó là tập hợp được lực lượng, thể hiện ý chí và quyết tâm của toàn thể dân tộc, là một bước đánh dấu sự phát triển của phong trào: từ bàn tán trong thế giới ảo tới hành động thực tiễn trong cuộc sống thực.

Bởi vậy, theo nhận định của tôi thì: cuộc biểu tình hòa bình được dự định diễn ra ngày 9/12 sẽ không đạt được một " kết quả vật chất " nào; nhưng " kết quả tinh thần " của nó thì có thể thấy rõ. Nếu nhân cuộc biểu tình này mà tập trung những người nặng lòng với Hoàng Sa và Trường Sa thành một hội thống nhất, có sự tổ chức và chỉ đạo thống nhất, làm lực lượng cho những hành động tiếp theo của chúng ta, đó mới là thành công thực sự của cuộc biểu tình.

2. Đấu tranh kinh tế:

Phong trào vận động không sử dụng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất của chúng ta được xếp vào loại đấu tranh kinh tế. Hình thức đấu tranh này thì tôi cực lực phản đối, vì nó không những không gây được sức ép lên Chính phủ Trung Quốc, mà còn làm cho nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc năm 2006 ước đạt 10 tỉ USD, không là gì so với 2000 tỉ USD GDP của Trung Quốc, nhưng lại là 20% GDP của Việt Nam. Nếu thương mại Việt – Trung gặp trục trặc, thì chỉ có Việt Nam là chịu hậu quả mà thôi.

Kế nữa, việc sử dụng đồ có xuất sứ từ Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam có thể được xem là một sự thật bất khả kháng. Bạn có thể không dùng điện không khi mà một phần điện năng tiêu thụ tại Việt Nam là được mua từ Trung Quốc ? Bạn có thể không ăn được không khi mà cả 2 con sông lớn nhất của Việt Nam dùng để tưới tiêu thủy lợi đều bắt nguồn từ Trung Quốc ? Bạn có thể không nói được không khi 30 – 40% từ ngữ của chúng ta là từ Hán – Việt?

Nhưng có một thứ từ Trung Quốc mà chúng ta có thể không tiếp tục dùng nữa, và thực sự là không nên dùng nữa: đó là phim ảnh của Trung Quốc. Chính bởi những bộ phim này mà văn hóa Trung Quốc đang chèn ép văn hóa Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam, tuyên truyền cho một tình yêu nước kiểu Trung Quốc. Bộ phim "Anh hùng xạ điêu" chiếu trên kênh Hà Nội năm ngoái đã được quảng cáo là "giáo dục lòng yêu nước sâu sắc", nhưng thử hỏi đó là tình yêu nước nào ? Xin thưa đó là nước Đại Tống! Và ngày xưa cũng có lần lang thang trên thế giới Yahoo 360, tôi đã thực sự cảm thấy thất vọng khi tìm thấy blog của một cô gái Việt Nam, họ Nguyễn, có cái blast là "Tôi yêu đất nước Trung Hoa". Việc bành trướng tư tưởng và văn hóa này chính là một âm mưu để đồng hóa chúng ta. Hãy cùng nhau ngăn chặn nó! Hãy gửi những yêu cầu lên Đài truyền hình của tỉnh thành mình, lên Đài truyền hình Trung ương, yêu cầu không chiếu những bộ phim Trung Quốc nữa, nếu như không có gì để chiếu bù vào khoảng thời gian trống ấy, hãy phát những bài hát của Việt Nam, ca ngợi đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.

Nhưng những hành động " bài Hán hóa " cần phải được tiến hành thận trọng và có suy nghĩ, tránh gây xung đột, mâu thuẫn giữa hai dân tộc, tránh tạo nên sự kỳ thị, phân biệt với người Hoa tại Việt Nam.

3. Đấu tranh ngoại giao:

Đây là phương cách mà chưa thấy một ai đề cập tới, nhưng theo tôi lại là một cách làm rất hay.

Trên cấp độ nhà nước, chúng ta hoàn toàn có thể nhờ Pháp can thiệp, như đã từng can thiệp trong tranh chấp Hoàng Sa giữa Việt Nam Cộng hòa và Phillipine năm 1956. Chúng ta hãy cùng ký tên và gửi kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch nước, gây sức ép buộc Nhà nước ta phải có những hành động mạnh mẽ hơn là chỉ tuyển bố những lời " Cực lực phản đối ".

Còn về phía chúng ta, tôi nghĩ nên có một bức thư gửi tới Quốc vụ viện nhân dân Trung Hoa bày tỏ suy nghĩ, quan điểm về Hoàng Sa, Trường Sa cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của nhân dân Việt Nam. Việc viết bức thư này cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về nội dung, ngôn từ, phải được viết trên cả 3 ngôn ngữ là Tiếng Việt, Tiếng Trung và Tiếng Anh; do đó, nhóm biên soạn cần phải là những người tâm huyết và thực sự có năng lực. Bức thư này sau đó cần phải được công bố rộng rãi trong nhân dân cũng như trên thế giới, để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bè bạn quốc tế.

4. Đấu tranh quân sự:

Tôi đã thấy có nhiều người nêu cao khẩu hiệu " Đánh đuổi quân Trung Quốc xâm lược" hoặc tương tự như vậy. Với tôi thì việc giải quyết tranh chấp bằng xung đột vũ trang thực sự là một thảm họa và mong rằng điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng việc một người công an cả đời chưa rút súng ra bắn ai bao giờ không có nghĩa là khẩu súng anh đeo bên người không có khả năng trấn áp, răn đe bọn tội phạm. Điều này có nghĩa là: tôi không mong muốn có chiến tranh, nhưng việc đẩy mạnh tiềm lực quốc phòng của Việt Nam cũng không phải là một việc làm vô ích.

Quân đội ta là quân đội nhân dân. Việc xây dựng lực lượng vũ trang không phải chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước, mà bản thân chúng ta cũng có thể có những đóng góp thiết thực cho quân đội.

Nhẩm tính thế này: Việt Nam có 58 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ cần một người một ngày dành bữa ăn sáng là 10.000 VNĐ cho xây dựng lực lượng hải quân thì: một ngày ta đã có 36 triệu USD – đủ để mua 1 tàu hải quân trung bình; và chưa đến 3 tháng là đủ để mua 1 hàng không mẫu hạm hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Hãy phát động phong trào Tất cả vì Hoàng Sa thân yêu, cả nước đóng góp vì Hoàng Sa ! Chỉ có 1 lực lượng hải quân mạnh mới là biện pháp lâu dài và chắc chắn nhất để đảm bảo chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo này.

Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng người không bền bỉ, và lòng mọi người không bền chặt với nhau.

Trong lúc tôi viết những dòng này, bạn bè tôi nhiều người đã gửi cho những tin nhắn có nội dung cần phải tẩy chay cuộc biểu tình ngày 9/12 vì thực chất nó được khởi xướng do 1 nhóm các phần tử phản động muốn lợi dụng biểu tình để chống phá Nhà nước. Tôi nghĩ có thể đó là sự thật, bởi những kẻ phản quốc ấy luôn biết lợi dụng những thời điểm nhạy cảm của cả dân tộc để thực hiện mưu đồ của mình. Với chúng chẳng bao giờ có Tổ quốc Việt Nam hay dân tộc Việt Nam cả, tất cả chỉ là tham vọng muốn chiếm được quyền lực mà thôi. Do đó, hãy cảnh giác trước những kích động của bọn chúng. Những ai đã quyết tâm tham gia cuộc biểu tình cần phải luôn tâm niệm giữ cho mình 1 trái tim nóng và 1 cái đầu lạnh; hãy thể hiện mình là một người Việt Nam có tự trọng.

Để đảm bảo không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra, tôi kêu gọi biểu tình trong im lặng. Chúng ta sẽ chỉ đến, giơ cao biểu ngữ và không nói gì cả. Bởi: thứ nhất, những lời nói rất dễ khiến ta bị kích động; và thứ hai là: tôi không biết Lãnh sự quán Trung Quốc trong thành phố Hồ Chí Minh ra sao, nhưng Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nằm giữa khu những cơ quan nhà nước ta, việc hô hào khẩu hiệu sẽ rất ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan này. Mong mọi người đồng tình với tôi.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com