Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2007

Chính phủ đang quan ngại biểu tình lan rộng

Comments

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Vinqt, một thành viên diễn đàn hoangsa.org. Nội dung đã được biên tập để các bạn tiện theo dõi.

Tất nhiên đây chỉ là dự đoán của tôi thôi. Tuy nhiên dự đoán nào thì cũng phải có cơ sở của nó. Trước tiên, dù muốn hay không thì việc biểu tình đã diễn ra và lợi hại của nó thì chúng ta vẫn tiếp tục bàn luận. Sau cuộc biểu tình lần một, Tần Cương ca một bài và lập tức Chính phủ Việt Nam có ý kiến, không phản đối cũng không ủng hộ cuộc biểu tình, chỉ xem đó là một cuộc tụ tập tự phát của người dân. Điều này chứng tỏ Nhà nước đang có sự cân nhắc.

Cuộc biểu tình lần 2 ngày 16/12 diễn ra. Những hành động của các lực lượng an ninh không thể gọi là đàn áp được, bởi vì chưa có sự đổ máu hay bắt bớ vô cớ nào.

Những người bị bắt, hoặc là những phần tử quá khích gây kích động thật sự hoặc nói xấu chính quyền (như Kim Duy - thành viên THTNDC) hoặc có những hành động nguy cơ cao (như bạn Hương Hà Nội chẳng hạn - hét lên CA bắt người thì ngang với kích động người ta rồi, không bắt không thể được). Mặc dù còn vài ông Công an, cảnh sát có hành động quá mạnh tay hoặc thô bạo, vô lễ nhưng chúng ta phải nhìn một cách toàn diện. Phần lớn họ chỉ thực thi đúng nhiệm vụ của mình và đã thực hiện rất tốt. Việc không để xảy ra sự cố lớn đã là một điều thành công lớn.

Tần Cương lại lên tiếng lần hai. Lần này có vẻ hung hăng và tức tối hơn. Cái đài hết pin đó tiếp tục cất lên cái giọng trịch thượng, kẻ cả. Vẫn là sự ra lệnh và thách thức chính phủ Việt Nam. Nhưng đến giờ phút này nhà nước chúng ta vẫn chưa đưa ra phát biểu chính thức. Như vậy là sao? Có bạn cho rằng chính phủ ta run sợ rồi, không dám nói gì nữa. Không, tôi tin là không bao giờ như vậy. Bằng chứng là trong mấy ngày gần đây liên tục có các chuyến thăm quân sự cấp cao của tư lệnh Thái Bình Dương Timothy Keating (Hoa Kỳ) và bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ. Bất ngờ nhất là quyết định mở cửa của Bộ quốc phòng, bước đầu tiên cho phép các chuyên ra quân sự nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu các trận đánh đã từng diễn ra. Những động thái dồn dập như vậy đã chứng tỏ chính phủ Việt Nam đang làm hết sức mình để nâng cao uy thế quân sự của mình trong khu vực Đông Nam Á và nhất trong con mắt Trung Quốc. Việc tìm kiếm một đồng minh quân sự chắc chắn là một điều cần thiết và Bộ chính trị đã bàn đến từ lâu. Theo thôi Ấn Độ sẽ là mục tiêu cho chúng ta hướng đến. Ấn độ có một nền quân sự quốc phòng ở trình độ cao, lại có KH-KT phát triển và không bị sa lầy vào các cuộc chiến tranh tai tiếng như Hoa Kỳ. Hơn nữa, vị trí lại khá phù hợp (gần Việt Nam, đễ dàng tương trợ khi có diễn biến). NHững cuộc tập trận chung của hai nước Việt nam và Ấn Độ đang dần khẳng định điều đó.

Có bạn cho rằng tại sao chúng ta không chọn Hoa Kỳ làm đồng minh? Hoa Kỳ vừa mạnh vừa giàu lại cũng đang hầm hè với Trung Quốc, chọn Hoa Kỳ là đúng rồi. Tuy nhiên các bạn phải nhìn nhận lại. Muốn hay không thì Hoa Kỳ đã từng xâm lược Việt Nam. Hội chứng Việt Nam vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân Hoa Kỳ và không dễ gì xoá bỏ. Ở VIệt Nam cũng tương tự như vậy khi nỗi đau da cam còn giằng xé số phận của rất nhiều con người. Hơn nữa, Hoa Kỳ đang sa lầy ở Iraq, Afghanistan; đang đối đầu với Iran. Và một điều mất mát nữa của Hoa Kỳ là đã không còn sân sau (khu vực Mỹ Latinh) với sự nổi lên của Venezuela, Bolivia. Chính phủ Argentina và Brazil cũng ngả dần theo phe cánh tả. Một nước nữa chúng ta không thể không nhắc tới là "ngọn lửa Cuba" vẫn đang cháy. Ở châu Á, cho dù vấn đề Triều Tiên đã xuôi chèo mát mái nhưng Hoa Kỳ vẫn không thể mất cảnh giác khi nước Nga vẫn còn sừng sững ở đó (cách đây vài ngày Nga chính thức công bố đã chuyển nguyên liệu hạt nhân cho Iran và sẽ tiếp tục nữa). Rõ ràng với rất nhiều vấn đề đó thì Việt nam không thể là mối quan tâm hàng đầu của Hoa Kỳ được.

Rất có thể sẽ tái lặp lại thảm kịch như năm 1974 khi hạm đội 7 của Hoa Kỳ đứng ngoài cuộc nhìn 51 chiến sĩ VNCH dần dần hi sinh mà không có một thái độ trợ giúp nào.

Theo thông tin của một bạn trong diễn đàn thì trong bản tin dự báo thời tiết tối, lần đầu tiên có dự báo chi tiết cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rõ ràng đây là một động thái mới của chính phủ khi muốn lên tiếng về chủ quyền với Trung Quốc. Các bạn có thể xem đây như một tuyên bố (không chính thức) của Chính phủ nhằm đáp lại phát biểu của Tần Cương. Việc minh bạch thông tin có lẽ sẽ tiến triển trong thời gian tới.

Nhưng một tin nữa đã làm rất nhiều bạn thanh niên và sinh viên buồn đó là hủy bỏ cuộc đi bộ đồng hành chào mừng thành công Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (dự kiến diễn ra vào 22/12). Tại sao lại như vậy? Khi mà công tác chuẩn bị đã hầu như hoàn tất mà phải hủy bỏ thì chắc chắn phải có nguyên nhân hết sức chính đáng. Địa điểm tổ chức đi bộ dự định tại 3 địa điểm: Hà Nội, Huế, TP Hồ CHí Minh - 2 trong 3 là những địa điểm "nhạy cảm". Theo suy đoán của Vintq thì Chính phủ lo ngại rằng cuộc đi bộ tuần hành sẽ nhanh chóng trở thành một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc trên diện rộng. Đây là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra và có cơ sở để kiểm chứng. Diễn biến của cuộc biểu tình 16/12 với qui mô và có tổ chức hơn ngày 9/12 đã chứng minh điều đó.

Vậy hậu quả của một cuộc biểu tình trên diện rộng là gì? Một cuộc bạo động đúng nghĩa.

Bất cứ một cuộc biểu tình hòa bình nào cũng chỉ ở một qui mô nhất định. Với lượng người tham gia quá lớn thì tình trạng mất kiểm soát của lực lượng an ninh sẽ xảy ra. Chỉ một hành động nguy cơ cao đều là nguyên nhân dẫn đến xô xát và hậu quả xảy ra là khôn lường. Quân đội phải ra tay can thiệp. Đó là thời cơ vàng cho các thế lực phản động hành sự. Một vài giờ sau tin tức chính quyền Việt Nam đàn áp biểu tình sẽ lan đi toàn thế giới. Đây là hiểm hoạ mà nếu xảy ra thì phải mất hàng thập kỉ mới biết hết tác hại.

Có thể nhiều bạn nghĩ rằng mình lớn rồi, đủ khả năng kiểm soát bản thân rồi. Thế nhưng bạn dám đảm bảo một tập thể hàng nghìn người như vậy ai cũng kiểm soát được như bạn không?

Theo những phân tích trên ta có thể nhận định rằng: Ngày 22/12 sẽ là một ngày cao điểm của lực lượng an ninh và không thích hợp cho việc biểu tình. Việc biểu tình nên tổ chức vào ngày nào và tại đâu thì tôi vẫn chưa chắc chắn được.

Một số ý kiến của Vintq về việc biểu tình:

- Không nên tăng thêm qui mô của lực lượng biểu tình, nó chỉ nên giới hạn từ 200 - 400 người để có thể kiểm soát được.

- Thành phần tham gia biểu tình nên có sự sàng lọc trước (tất nhiên không thể sàng hết được, chỉ là tương đối thôi). Những người tham gia nên có đồng phục để tránh nhầm lẫn.

- Lập ra đội an ninh biểu tình. Đội này có nhiệm vụ giám sát mọi hành động của những người tham gia, tìm ra đối tượng khả nghi để theo dõi và ngăn chặn kịp thời các hành động phá hoại.

Nguồn: Diễn đàn Hoàng Sa

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com