Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2008

Ngọn đuốc 'Hòa bình'?

Comments
Ngọn đuốc Olympic đi qua Indonesia

Ngọn đuốc Olympic dự kiến sẽ đi qua TP. HCM ngày 29-4

Đường phố Sài Gòn đang nóng dần trước ngày rước đuốc Olympic cuối tháng Tư. Đã có nhiều sự kiện xảy ra xung quanh công việc chuẩn bị, hầu hết đều liên quan đến thái độ của người Việt và chính phủ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Đáng kể nhất có lẽ là lá thư của sinh viên Lê Minh Phiếu phản đối thái độ chính trị hóa Olympic của nhà cầm quyền Trung Quốc khi vẽ bản đồ rước đuốc có ý bao hàm cả Hoàng Sa như là một phần lãnh thổ Trung Quốc. Một sự kiện khác không kém phần quan trọng là lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc vào ngày rước đuốc 29/4/2008.

Những ai quan tâm đến chuyện rước đuốc, vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, sự biến Tây Tạng và nhân quyền trên thế giới, đều có cách lý giải riêng từng vấn đề để lựa chọn cho mình một thái độ tương ứng hoặc một lời giải thích hợp lý. Tuy nhiên, điều dễ thấy hiện tại là không phải ai, đặc biệt giới trẻ, đều đồng tình với việc xuống đường chống Trung Quốc nhân Thế vận hội Bắc Kinh 2008 chỉ đơn giản vì cần phải bày tỏ lòng yêu nước.

Phản ứng ở phương Tây

Hầu hết phong trào vận động chống Trung Quốc hoặc tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2008 rầm rộ gần đây trên thế giới đều liên quan đến những diễn biến ở Dafur và Tây Tạng, những xứ tuy hẻo lánh, song mọi chuyển động đều làm lương tri loài người thổn thức.

Từ lâu lợi nhuận từ cơ hội giao thương với Trung Quốc khiến nhiều lãnh tụ phương Tây trở nên thiếu tự tin khi mở lời thuyết giáo về nhân quyền với người Trung Hoa. Bằng tiềm năng thương mại hùng mạnh của mình, suốt hơn hai thập niên qua Trung Quốc đã buộc các chính phủ phương Tây phải chấp nhận gia giảm đáng kể thang bậc giá trị nhân bản vốn là nền tảng của nền văn minh Tây Âu bấy lâu.

Chính sự biến Tây Tạng đã gióng hồi chuông cảnh tỉnh giới chính trị phương Tây, khiến họ cân nhắc lại truyền thống nhân văn, trong đó quyền và tiền không thể thay thế hoặc chà đạp các quyền tự nhiên tối thiểu mà con người khi sinh ra mặc nhiên được hưởng.

Hàng loạt nguyên thủ quốc gia đã xem xét khả năng tham gia hoặc khước từ thẳng thừng việc tham gia lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, bất kể giới doanh nhân nước họ có thể mất đi những hợp đồng thương mại như mơ ở thị trường khổng lồ này.

Giới cầm quyền ở Trung Nam Hải đã tính toán sai khi vẫn nghĩ rằng để bảo vệ giá trị kinh tế quy thành tiền hơn là giá trị nhân văn vô giá, cả thế giới có thể nhắm mắt làm ngơ hoặc phản đối qua loa cách hành xử thô bạo của họ dù ở Thiên An Môn ngày trước hay Tây Tạng bây giờ.

Làn sóng biểu tình ở những nơi ngọn đuốc Olympic đi qua cho thấy đã đến lúc người Trung Hoa phải học cách sống văn minh hơn trong cộng đồng văn minh nơi mà người ta chia sẻ những giá trị chung vĩnh hằng của toàn nhân loại về nhân quyền, tự do, công bằng và bác ái.

Trong lịch sử Olympic quốc tế chưa bao giờ ngọn đuốc vô tội bị đày đọa hơn lúc này. Song nhờ vậy mà người Trung Hoa hiểu hơn vị trí và hình ảnh của mình trong cộng đồng quốc tế, cũng như bớt ảo tưởng về văn hóa và sức mạnh hiện hữu.

Chuyện Việt Nam

Trở lại Việt Nam, tất cả lời kêu gọi biểu tình chống cuộc rước đuốc tại Sài Gòn ngày 29/4/2008 đều xem đây là cơ hội biểu thị lòng yêu nước và bày tỏ thái độ phẫn nộ đối với việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa.

Hành động của Lê Minh Phiếu, từ nhiều góc nhìn khác nhau, được khá đông người ca ngợi do quan điểm rõ ràng và khéo léo của anh, nhưng cũng không ít người trách cứ chuyến trở về Việt Nam để tiếp tục rước đuốc mà Phiếu quyết định, cho rằng việc sau đã triệt tiêu ý nghĩa của việc trước.

Bày tỏ thái độ phản đối với Ban tổ chức Thế vận hội về toan tính “tiền hậu bất nhất” của nhà cầm quyền Trung Quốc, vừa muốn phi chính trị hóa Olympic vừa cố tình đưa Hoàng Sa vào vùng lãnh thổ của mình trong lộ trình rước đuốc, có lẽ là cách hành xử cần và đủ, ít nhất đối với Lê Minh Phiếu.

Từ bỏ rước đuốc, theo Phiếu (mà tôi hiểu), sẽ vượt khỏi cách biểu lộ phản ứng đúng mực trong khi vẫn cần giữ thái độ tôn trọng cần thiết dành cho tinh thần thượng võ của ngày hội thể thao toàn cầu, mà nhiều người trên thế giới muốn duy trì.

Nếu gạt bỏ mọi phiền lụy xung quanh và ý đồ sâu xa của quốc gia nơi tổ chức Thế vận hội ở một lúc và một nơi cụ thể, thì tự bản thân ngọn lửa Olympic vĩnh hằng đã mang ý nghĩa gắn kết nhân loại với nhau trong một thế giới đa dạng bất chấp dị biệt về quốc tịch, ngôn ngữ, màu da và chính kiến.

Trong ý nghĩa như vậy, đó thực sự là ngọn đuốc hòa bình và việc được lựa chọn rước đuốc quả là niềm vinh dự đáng ghi nhớ trong đời mà không phải ai cũng có được như Lê Minh Phiếu.

Tất nhiên, đối với Ban tổ chức, nếu không có Lê Minh Phiếu này thì cũng sẽ có Lê Minh Phiếu khác cầm ngọn đuốc theo đúng kịch bản mà họ đã chuẩn bị. Và dù có bao nhiêu cuộc biểu tình chống Trung Quốc thì ngọn đuốc vẫn được duy trì và chuyển đến Bắc Kinh đúng hạn nhằm duy trì tinh thần Olympic quốc tế từ bao đời nay.

Chủ quyền và dư luận quốc tế

Giành lại và bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa là điều mà người Việt dù ở đâu và lúc nào cũng phải lưu tâm khắc cốt, nhưng đó không phải là chuyện một sớm một chiều có thể thực hiện bởi lẽ kế hoạch lâu dài luôn đòi hỏi sự hiểu biết, kiên trì và khôn khéo không chỉ của người dân, mà còn cả nhà cầm quyền.

Ông cha ta ngày trước sau mỗi lần đánh bại kẻ thù phương Bắc đều chuẩn bị kế hoạch hòa hoãn với triều đình Trung Hoa hầu kiến tạo một nền hòa bình lâu dài cho tổ quốc. Đó là giải pháp chính trị và ngoại giao khôn ngoan, giúp tránh đối đầu không cần thiết. Kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp quốc tế cũng cho thấy nhiều bất đồng có thể được giải quyết thành công thông qua đối thoại và thỏa hiệp, thay vì làm bỉ mặt nhau trước bàn dân thiên hạ.

Đành rằng Việt Nam có đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền bất khả xâm phạm đối với Hoàng Sa và Trường Sa, song một cách thẳng thắn mà nói trừ phi chúng ta xây dựng được một lực lượng hải quân hùng mạnh đủ để đánh bại mọi kẻ thù trên biển, bằng không thì chính trị, ngoại giao và pháp lý vẫn là những giải pháp hữu hiệu hơn để bảo vệ biên cương tổ quốc.

Giáo sư Richard A. Falk - chuyên gia hàng đầu về chính trị và công pháp quốc tế, tác giả tập khảo cứu lừng danh THE VIETNAM WAR AND INTERNATIONAL LAW (VOL. I, 1968; VOL. II, 1969; VOL. III, 1972) - đã nói trong khóa giảng năm 2000 tại Đại học luật Tulane (Hoa Kỳ) rằng dù tòa án quốc tế là nơi cuối cùng xét xử tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia, song tương quan quân sự vẫn đóng vai trò then chốt đưa đến giải pháp dứt khoát nhất.

Cũng tương tự như chúng ta, Nhật Bản từ lâu đã tranh chấp với nhà nước Sô Viết trước đây và nước Nga ngày nay về chủ quyền đối với quần đảo Kirin. Tuy nhiên, người Nhật không tẩy chay Thế vận hội Moscow 1980 đơn thuần vì tranh chấp lãnh thổ. Trái lại, họ cùng cộng đồng thế giới lên án Liên Xô mang quân vào Afganishtan và dùng lý do này để từ chối tham gia Thế vận hội năm ấy.

Vấn đề riêng của người Nhật sau đó đã được cộng đồng quốc tế lắng nghe và hỗ trợ vì họ biết hòa nhịp cùng thế giới trong những vấn đề chung mang tính toàn cầu, chứ không phải chỉ lưu tâm đến việc riêng của mình.

Với chúng ta cũng vậy, vấn đề toàn cầu là nhân quyền ở Dafur và Tây Tạng, còn chủ quyền quốc gia là chuyện riêng. Không nên chống rước đuốc đơn thuần chỉ vì chuyện riêng.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com