Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008

Ramses Amer: "Biểu tình không làm Bắc Kinh đổi ý"

Comments

Trong tuần này, Việt Nam ra tuyên bố phủ nhận cáo buộc của Trung Quốc rằng tàu vũ trang của Việt Nam đã tấn công tàu cá Trung Quốc ở vịnh Bắc Bộ.

Biểu tình phản đối Trung Quốc ngày 9 tháng 12 năm 2007

Trước đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hôm 7-1, một tàu cá ở tỉnh Hải Nam bị "tấn công, gây tổn thất về kinh tế".

Bác bỏ của Việt Nam đưa ra trong lúc một số chuyên gia cho rằng quan hệ hai nước đang ở thế cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt.

Hồi tháng 12, nhiều người dân Việt Nam xuống đường biểu tình khẳng định chủ quyền quốc gia ở hai đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Diễn biến này được cho là khiến Bắc Kinh phật ý.

Giáo sư người Thụy Điển Ramses Amer, hiện dạy tại Khoa Chính trị học của Đại học Umea của Thụy Điển, là người có nhiều nghiên cứu về tranh chấp ở vùng biển Đông.

Trả lời phỏng vấn của BBC, ông nhận xét các tranh chấp mới đây không khác nhiều so với những vụ cãi vã giữa hai nước trong nhiều năm qua.

Ramses Amer: Theo tôi được biết thì cuộc tranh cãi chính trị mới đây nhất liên quan việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vì Trung Quốc thành lập cơ quan hành chính tại đảo Hải Nam liên quan tới cả hai quần đảo ở Biển đông là Hoàng Sa và Trường Sa.

Chính vì thế mà Việt Nam đã lên tiếng phản đối chống lại hành động này của Trung Quốc hồi tháng 12. Tôi cho rằng như mọi lần, mỗi khi có một phản đối chính thức thì Trung Quốc sẽ đáp lại trước những phản đối đó và hai bên sẽ tiến tới việc bỏ qua vấn đề này và không nói tới nó nữa.

Vì thế cuộc tranh cãi kiểu như vậy không có gì là căng thẳng, sâu sắc cả. Nó chỉ là khi một trong hai nước Trung Quốc hoặc Việt Nam có một thay đổi hành chính nào đó như thành lập một đơn vị hành chính mới hay có thể thay đổi cơ cấu tỉnh mà hai quần đảo này trực thuộc thì nước kia lên tiếng phản đối bởi nó là vấn đề chủ quyền. Vì thế trên thực tế, bản chất của cuộc tranh cãi hồi tháng 12 không có gì khác so với những cuộc tranh chấp trước đây giữa hai quốc gia.

BBC: Vậy liệu ông có thể cho biết tại sao Trung Quốc lại tiến hành các hoạt động đó hồi tháng 12, thưa ông?

Tôi cho rằng vì Trung Quốc coi hai quần đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc, nếu họ cảm thấy cần tạo ra một hình thức hành chính mới hay một văn phòng mới thì họ sẽ làm thôi.

Và tất nhiên khi Việt Nam nhận thấy điều đó thì sẽ có phản đối chính thức để nêu ra khẳng định chủ quyền của Việt Nam vì nếu Việt Nam không phản đối trước hoạt động đó của Trung Quốc thì nó có thể được hiểu là Việt Nam công nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc tại đó. Phản ứng của Việt Nam gần như là thông lệ và hoạt động của Trung Quốc hồi tháng 12 có thể là có tính kích động nhưng nhìn từ phía Trung Quốc thì nó có thể chỉ là một cải tổ hành chính của các quần đảo này.

BBC: Ông nghĩ gì về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc mới đây tại các thành phố ở Việt Nam? Liệu nó có ảnh hưởng gì với cách suy nghĩ của Trung Quốc không?

Không, tôi nghĩ là sẽ chẳng có ảnh hưởng gì. Trung Quốc sẽ chỉ coi đó là một việc không cần thiết.

Nhìn từ phương diện của Việt Nam thì cũng tốt khi biết rằng dân chúng, đặc biệt là dân chúng thành thị, ủng hộ chính phủ Việt Nam vì khi Hiệp định biên giới trên đất liền đựoc ký kết với Trung Quốc hồi năm 1999, đã diễn ra nhiều phản đối, dặc biệt là trong số người Việt hải ngoại, nhưng thậm chí ngay cả trong nước thì một số cũng không hài lòng trước thực tế là các cơ quan hành chính khác nhau, đặc biệt là các cơ quan cấp vùng cũng không được biết về Hiệp ước này. Vì thế lần này việc người dân xuống đường bày tỏ ủng hộ là một biểu hiện tích cực.

Nhưng vấn đề lại ở chố việt Nam cũng khá nhạy cảm trước thực tế là việc công khai tự do biểu tình chống Trung Quốc có thể làm tổn hại tới mối quan hệ song phương với Trung Quốc và đó là một điều chính phủ Việt Nam không muốn xảy ra.

Vì thế có thể thấy đây là con dao hai lưỡi đối với Việt Nam: biết được dân chúng ủng hộ cũng tốt nhưng lại không có lợi trong việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc. Và từ phía Trung Quốc thì họ chờ đợi phía chính phủ Việt Nam không được để những cuộc biểu tình như thế được xảy ra.

BBC: Trung Quốc đang thúc đẩy cho Kế hoạch Hợp tác kinh tế Toàn Vịnh Bắc Bộ vốn được cho rằng sẽ giúp ổn định khu vực Biển Đông. Vậy ông nghĩ gì về dự án này?

Theo tôi, đây là một dự án tốt đặc biệt vì nó có thể củng cố sự hợp tác và phát triển kinh tế khu vực giữa miền Bắc Việt Nam, các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Và vì hầu như toàn bộ tranh chấp ở vịnh Bắc Bộ đều đã được giải quyết, nên lẽ tự nhiên đây là bước hợp tác tiếp theo ở vùng này.

Tôi không đồng ý khi nhiều học giả Trung Quốc nói rằng dự án này sẽ có ảnh hưởng đến cuộc tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa. Theo tôi, ngoài tác động tích cực chung để cải thiện quan hệ song phương, dự án này sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp đến các tranh chấp khác. Tôi nghĩ họ đang thổi phồng nó lên. Nó sẽ tích cực cho quan hệ hai nước, cho hợp tác ở Vịnh Bắc Bộ nhưng sẽ không có ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề ở Biển Nam Trung Hoa.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com