Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008

Ngày 17-2 trong ký ức của Măng

Comments

1 - Chuyện người hàng xóm - (không phải của Dương Thu Hương mà của gia đình tôi)

Cô Định là hàng xóm sát vách nhà tôi trong khu tập thể văn công quân đội. Cô rất đẹp - dù đã có 3 con. Cũng phải thôi, vì cô là diễn viên. Cô là bạn diễn của chú Duy Hậu (sau này ra Nhà hát Tuổi trẻ và rất nổi tiếng với vai Iago trong Othello và còn nỏi tiếng hơn với vai bố dượng của thằng Núi trong series Sóng ở đáy sông). Nhưng đấy là chuyện về sau. Hồi tôi còn bé, thích nhất là được sang nhà cô Định xem TV, vì chồng cô ở đoàn Tuồng cổ hay được đi nước ngoài và vác về một cái TV Neptun đen trắng to vật vã.

Thích hơn nữa là sang nhà cô lúc mẹ cô xuống chơi. Mẹ cô Định ở thị xã Đồng Đăng. Vốn là con quan, mê hát xướng bỏ nhà theo anh kép nào đẹp trai lắm, sau sa cơ lỡ vận rủ nhau lên tận Phố Kỳ Lừa bầu bạn với Tô Thị nên bà lúc nào cũng buồn rười rượi. Bà đẹp lắm, đẹp mà lại nấu ăn ngon. Mỗi lần từ Lạng Sơn xuống Hà Nội, bà mang cho con gái nào thịt khau nhục, vịt quay lá mắc mật, bỏng nếp nhà làm... Nhà tập thể cấp 4 sát vách nhau, lại chung cơ quan nên nhà nào có gì là cả xóm cùng ăn. Thế là tất cả chúng tôi đều biết vịt quay Lạng Sơn có nhồi lá mắc mật vào bên trong nên thơm ngon hơn vịt quay Hàng Buồm (mà vài năm mới được ăn một lần).

Bà mẹ cô Định hồi ấy có một cái thói quen (mà mẹ tôi, vốn khe khắt gọi là một cái tật của người già mà không chịu già nết) là mỗi lần gội đầu thì hay đứng ngoài hiên vừa chải tóc vừa hát. Bà hát không thật hay, nhưng giọng buồn thê thảm. Bà hát toàn "làn thảm" với "sử rầu", những giai điệu ai oán của chèo cổ, và những bài dân ca Tày lạ tai. Bà xõa tóc đứng đung đưa trước cửa, tấm thân gầy, bé nhỏ, nhưng suối tóc nửa bạc nửa đen lại chảy dài, lấp lánh rất trớ trêu.

Mỗi năm bà xuống Hà Nội khoảng 4-5 lần, lần nào cũng vào buổi chiều, ở lại chừng một tuần rồi về. Dù mẹ tôi không thích bà lắm nhưng phải nói thật là tôi rất thích bà, tôi mong bà xuống, không phải chỉ vì vịt quay.

Rồi có một đêm rét mướt, hôm ấy vừa ra Tết, tôi vẫn đang được nghỉ học (cũng vì rét quá nữa, học sinh cấp 1 hồi ấy cứ nghe đài, thấy báo mai dưới 10 độ thì tự động ở nhà), tự nhiên thấy có tiếng đập cửa gấp gáp và tiếng lao xao ngay cửa nhà cô Định. Tiếng trẻ con khóc, tiếng gà kêu.

Rồi tiếng cô Định thì thào, chừng vài phút sau thì thấy tiếng cô gào lên:

"Mợ ơi, sao mình khổ thế này!

Rồi lại thấy cô cười khanh khách:

"Không ai chết là mừng rồi."

Tôi lơ mơ rồi ngủ tiếp. 7 giờ, bố mẹ tôi gọi con cái trong nhà dậy và rất trịnh trọng, căng thẳng tuyên bố:

"Trung Quốc nó đánh mình rồi! Mẹ và các em cô Định vừa chạy bộ từ Lạng Sơn xuống đây. Các con chuẩn bị về quê với ông bà. Khéo chỉ vài ngày nữa là nó đánh xuống đến Hà Nội."

Mãi sau này tôi mới biết đêm rạng sáng ngày hôm trước, 6 tỉnh biên giới phía Bắc đồng loạt bị bọn khực tấn công đúng vào lúc trẻ con đang ngon giấc còn người lớn cũng vừa đủ say sau vài lý rượu chúc tết, còn lúc ấy chỉ có mỗi một cảm giác: sợ!

Rồi người lớn vẫn đi làm, trẻ con vẫn đi học. Chúng tôi sang nhà cô Định tò mò nhìn bà mẹ cô tóc đã trắng xóa chỉ sau một đêm, nhìn đàn em lộc ngộc của cô - đứa bé nhất chỉ hơn tôi 5-6 tuổi. Lần này bà chẳng có bỏng nếp với vịt quay cho con gái, em trai út cô Định không hiểu sao vẫn ôm được theo một con gà mái. Căn nhà tập thể 15m2 vốn 5 người ở đã chật giờ thành 13 người. Bà già cứ đi ra đi vào lẩm bẩm như người tâm thần

"Mất hết rồi, cháy hết rồi. 40 năm tôi mới dựng được mái nhà tử tế".

Tôi nhìn bà và không hiểu sao bà già như vậy mà có thể chạy bộ từ Lạng Sơn về Hà Nội suốt một ngày một đêm? Tôi hỏi em trai cô Định. Anh ta bảo:

"Bao nhiêu người chạy loạn như mình, xe nào mà cho đi nhờ hết, người nhà mình lại đông thế này. Chỉ đi ngược lên là sướng, toàn xe kéo pháo, đi nhờ thoải mái!"

Đúng là đồ gà tồ! Người bình thường nào mà lại chạy ngược lên biên giới để đi nhờ xe kéo pháo cơ chứ!

Đơn vị của mạ tôi phải đi công tác biên giới, phục vụ bộ đội trên ấy. Ở nàh toàn bà giá và trẻ con.

Tôi kiếm được một cái bản đồ, và hàng ngày cứ lấy thước kẻ đo rồi nhân tỷ lệ xích xem Ha Nội - Lạng Sơn là bao nhiêu cây số. Tôi nghe tin chiến sự, rồi sang thông báo cho bà nhà cô Định - vì bà không dám nghe. Tôi thông báo cho bà biết là mình tiêu diệt quân tàu nhiều nhất chính là ở Tràng Định, Thất Khê, Đồng Đăng...

"Nhiều nhất trên toàn tuyến biên giới, bà hiểu không? Một mình Lạng Sơn diệt Tàu nhiều gần bằng tất cả các tỉnh kia cộng lại."

"Vì nó ào sang Lạng Sơn dễ nhất, động nhất, vì từ Lạng Sơn về Hà Nội gần nhất, con không biết à".

Bà vừa nói vừa run, tôi nghe bà nói cũng run, tôi cảm giác như quân tàu sắp đánh vào nagy khu tập thể nhà chúng tôi rồi...

Rồi chiến tranh qua đi. Năm ấy em út tôi 2 tuổi, đến khi nó đi học thì khái niệm" quân bành trướng xâm lược" trong sách giáo khoa đã bị xóa rồi.

2 - Chuyện của một người quen trong quá khứ

Tôi có một người quen, thân phận hơi đặc biệt,không nói về những cái đặc biệt của người khác ở đây. Nhưng có một điểm chung liên quan đến ngày 17-2: đấy là ngày cưới của anh.

Anh kể: "Lễ cưới định sắn vào ngày đó rồi. Nhưng đến giờ đón dâu mà vẫn không thấy ba anh xuất hiện. Một lúc sau thì có người báo là cứ đi đón dâu đi, ông cụ bận. Đón dâu về đến nhà thì anh cũng nhận được lệnh vào đơn vị gấp. Và có thể phải bay lên biên giới. Lúc ấy mới biết đêm qua Tàu đã đánh mình. Anh không có đêm tân hôn, và ba anh cũng không dự được lễ cưới của anh."

Nhưng hỏi thêm về cái sự cố ngày cưới ấy, anh chỉ nói rất ngắn gọn: "May quá hồi ấy không đánh nhau bằng không quân, không thì chắc tụi anh cũng toi thêm vài đứa. "

Thấy buồn, chiến tranh thì thời nào cũng chỉ dân thường khổ, vì chỉ vài tháng sau là anh sang Liên Xô học - tất cả bọn họ đều đi học để tương lai về xây dựng đất nước! Còn hiện tại thì những người như mẹ cô Định cứ ngồi mà run.

Thấy buồn hơn là tưởng với thân phận như thế thì anh phải day dứt lắm, hận Tàu lắm. Sau thấy anh có khối dự định làm ăn với Tàu. Chả trách...

3 - Chuyện ngày 17-2-2006

Không biết bác nhà văn thông thái nào của cái Hội Nhà văn ăn hại ấy có sáng kiến mời một nhà văn khựa sang thăm Việt Nam đúng ngày 17-2. Báo chí trống rong cờ mở đưa tin. Cái thằng cha Vương Mông ấy hẳn là Phó chủ tịch Hội Nhà văn Khựa nhé! Mày làm đến chức ấy thì lúc quân mày đánh nước ông, mày ngồi viết báo chữ to chửi Tiểu bá Việt Nam ở đâu? Mà bây giờ mày vác mặt sang? Mình cú nó 1 thì cú cái bọn Hội nhà mình 10, cú bọn nhà báo 100. Cứ tớn lên đi chợ Đông Kinh mua hàng Tàu rởm giá bèo với dành tiền đi du lịch Traung Quốc lắm vào rồi mà ngồi tụng ca chúng nó, nó hắt xì hơi cũng rên lên nức nở. Lộn cả ruột. Lắm lúc chỉ muốn bỏ nghề vì thế!

Nguồn: Blogger Măng

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com