Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008

Chính phủ Việt Nam đã bị đẩy vào thế cô lập?

Comments

Chính phủ Việt Nam là lãnh tụ duy nhất trong việc đòi lại chủ quyền của ta tại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa. Thế nhưng, có vẻ như những diễn biến hiện nay đang bị lái theo chiều hướng chính phủ ta bị cô lập. Có nghĩa là một cách gián tiếp hoặc trực tiếp, các bên còn lại đều muốn tạo điều kiện cho Trung Quốc chiếm hai quần đảo này.

Chính phủ Việt Nam trong quan hệ thế giới muốn ở thế trung lập, bảo đảm độc lập tự chủ trong chính trị. Do đó mà chọn đường lối cân bằng ngoại giao giữa các bên. Sự khó khăn này tựa như kẻ làm xiếc đi trên dây, (cho nên mới dùng từ "đi dây" ), các bên luôn muốn làm cho cân bằng bị phá vỡ mà lệch qua một phía, VN phải ngả hẳn về phía họ, nói cho cùng cũng là để trục lợi từ Việt Nam. Chỉ cần kẻ làm xiếc lệch đi một chút, thì sẽ ngã nhào luôn sang một phía không dừng lại được. Chính vì thế các thế lực này luôn dai dẳng quấy rối bằng cách giật dây những nhóm nhỏ.

Phân tích:

1/ Đối ngoại: Bản chất về đối ngoại, Việt Nam ở thế yếu hơn nhiều với Trung Quốc. Khi đặt lên bàn cân lợi ích , lẽ dĩ nhiên các nước trên thế giới sẽ chọn Trung Quốc. Chỉ có một điều duy nhất khiến các nước lớn lo ngại Trung Quốc là sự bá quyền của họ. Nhưng đây chỉ là một lo ngại nhỏ trong hàng nghìn thứ lo ngại khác về an ninh thế giới. Để giải quyết lo ngại này, họ có 2 lựa chọn:

a/ Một là ủng hộ Việt Nam để làm đối trọng với Trung Quốc: xem ra đây là một điều khó, bởi lẽ Việt Nam quá nhỏ so với Trung Quốc, thực lực lại chưa có. Trừ khi Việt Nam thực sự đủ mạnh (mạnh như Hàn Quốc, Đài Loan cũng chưa chắc ăn thua gì trong bàn cân này đâu nhé) thì không nói làm gì.

b/ Thỏa hiệp cùng Trung Quốc để đôi bên cùng có lợi. Thật sự mà nói, do quan hệ làm ăn chằng chéo giữa một quốc gia có tổng tài sản đứng thứ 3 trên thế giới, lại có quân sự hùng mạnh, có bom nguyên tử, là chủ nợ của Mỹ... thì không chỉ phương Tây cần Trung Quốc mà Trung Quốc cũng cần phương Tây.

Như vậy rõ ràng là trên trường quốc tế, tuy nắm thế mạnh về lý lẽ chủ quyền, về lẽ phải, Việt Nam lại yếu hơn rất nhiều so với Trung Quốc nếu có sự tranh chấp đa phương. Trừ khi Việt Nam có thời gian chuẩn bị ráo riết, lobby hành lang, chịu nhượng bộ phương Tây nhiều mặt, tức là chịu ngả hẳn sang làm đàn em của Mỹ... thì may ra mới thay đổi được tình hình.

Nhưng Trung Quốc nằm ngay bên cạnh, chơi với họ hàng xa mà xem thường láng giềng gần thì e rằng về lâu về dài, phần thiệt vẫn là ta. Chúng nó thì thu lợi, còn ta thì "ăn ốc đổ vỏ", chưa chắc đã giữ được lâu dài.

Kết luận: Việt Nam phải có thực lực hơn, phải có chuẩn bị. Nhân dân phải đồng lòng đi theo chủ trương của nhà nước là mềm dẻo, ôn hòa mà kéo dài thời gian chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh trường kỳ. Đây là điều mà Hồ Chủ Tịch đã lãnh đạo cả nước tránh cuộc đổ máu sớm để bảo toàn, tích lũy lực lượng khi Pháp quay trở lại nước ta năm 1945. Lúc này là lúc các thế lực trong nước thù địch với Đảng Cộng sản đã định lợi dụng cơ hội để "đâm sau lưng chiến sỹ".

2/ Đối nội:

Chính phủ Việt Nam chủ trương mềm dẻo, ôn hòa. Tuy rằng bên trong thì Việt - Trung "bằng mặt mà không bằng lòng", miệng tuy cười nhưng dao giấu trong tay, nhưng cũng không thể phá vỡ mối quan hệ nhạy cảm đó. Trên cả thế giới , hai quốc gia này xem ra hiểu nhau quá rõ, cách nghĩ thâm nho sắc sảo, lấy chữ "nhẫn" làm trọng... của hai bên là rất giống nhau. Cho nên việc biểu tình bày tỏ thái độ chống đối quyết liệt của thanh niên sinh viên tuy không có gì là sai và mâu thuẫn với chính phủ (ngầm bên trong), nhưng cách làm này lại là một sự vụng về trong màn kịch "mồm cười tay dao" của Việt Nam.

Các thế lực "đâm sau lưng chiến sỹ" và các thế lực phương Tây thì luôn tìm cách phá màn kịch này, đẩy mâu thuẫn Việt - Trung lên cao, có nghĩa là đưa chính phủ Việt Nam vào thế không thể tiếp tục "đi dây" mà phải ngả theo yêu sách của họ, hoặc bị chiếu bí. Bản thân những thế lực này không làm gì cho đất nước, không mang lại gì tích cực cho việc bảo vệ Trường Sa và Hoàng Sa, nhưng lại vô cùng tích cực trong việc hô hào, khích bác, xúi bẩy, khích động mâu thuẫn của Việt Nam trong nước (chính quyền - người dân), và ngoài nước (Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - phương Tây). Chỉ trừ khi lực lượng an ninh Việt Nam hoan hô vỗ tay tán thành các cuộc biểu tình, để rồi tương đương với tuyên chiến cùng China thì không nói làm gì, còn bất cứ việc làm nào như hạn chế biểu tình, giải tán biểu tình, tệ nhất là phải bắt người, đánh người... thì sẽ được chúng vỗ tay nhiệt liệt vì đó là bằng chứng "Cộng sản Việt Nam dâng đất dâng biển cho Trung Cộng".

Gần đây nhất, trong lúc quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trở nên căng thẳng, thì lập tức giáo dân Thiên chúa giáo Hà Nội do Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã bày trò biểu tình "cầu nguyện" hàng trăm, lên cả nghìn người tại trung tâm Hà Nội thắp nến xuống đường, đòi chính quyền phải trả lại đất của Tòa Khâm sứ Vatican cho giáo hội. Từ năm 1959, phố "Nhà Chung" do thực dân Pháp phá chùa Báo Thiên (một trong An Nam tứ đại khí) đã được chính quyền cách mạng thu hồi để xây dựng Nhà văn hóa phục vụ toàn thể nhân dân. Bao năm nay không sao, giáo dân cũng không gặp khó khăn gì trong việc cầu Chúa, thế nhưng đúng lúc nhạy cảm này, thì họ lại bày trò gây yêu sách, làm nhiễu loạn an ninh như thể chính quyền chỉ mới cướp đất nhà thờ gần đây. Đó chính là động thái "đâm sau lưng chiến sỹ", buộc chính phủ Việt Nam phải nhượng bộ các yêu sách của phương Tây. Nếu không, chính phủ Việt Nam sẽ không có được những hậu thuẫn của họ trong tranh chấp với Trung Quốc. Và đây cũng là cách mà các thế lực chống Cộng muốn làm suy yếu chính quyền.

Các nhóm khác như những kẻ không biết ngượng tự xưng là "dân chủ", các nhóm hải ngoại... hau háu chờ những cuộc biểu tình lớn hơn. Đây là cái cách một mũi tên trúng hai con chim:

- Một là: tạo mâu thuẫn bất đồng giữa thanh niên sinh viên biểu tình và nhà nước.
- Hai là: làm quan hệ Việt - Trung càng thêm lỏng lẻo và căng thẳng, buộc lòng Việt Nam phải ngả hơn về phía phương Tây tức là chủ của họ.

(cũng là ngoại bang cả, nhưng những người này cho rằng phương Tây thì "văn minh thánh thiện", còn Trung Quốc thì là thứ bành trướng ma quỷ... bất kể thực tế không thể thay đổi là nó nằm sát sườn mình, không muốn chơi cũng phải chơi).

Gần đây, BBC còn công bố bản thâu âm điện thoại của một Việt kiều chống Cộng nổi tiếng trên Paltalk với ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ chính trị. Trong đó, BBC và các đài ngoài nước khai thác tối đa những câu nói của ông Duyệt khẳng định sự đề phòng của chính phủ Việt Nam, đại diện trong cuộc đối thoại chính là cá nhân ông, xem Trung Quốc như kẻ thù lâu dài. Đây chính là một chi tiết tuy không chính thức, nhưng sẽ tạo thêm sự thù địch giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong thế Việt Nam về kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc (với con số 10 tỷ USD, hình như kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước là cao nhất so với kim ngạch làm ăn của Việt Nam với các quốc gia khác). Quan hệ Việt - Trung căng thẳng, thì như đã nói, Việt Nam hoặc chịu sự cô lập, hoặc chỉ có nước ngả sang phương Tây.

Kẻ đáng ghét và đáng khinh nhất trong chuyện này chính là bọn người Việt "đâm sau lưng chiến sỹ".

Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng Sản từ ngày ra đời đến nay, quả là luôn phải đứng ở thế yếu đối chọi cùng rất nhiều kẻ địch. Đảng vốn không phải là một Đảng tài phiệt có sức mạnh kinh tế. Chỉ có nhân dân mới tạo được sức mạnh của Đảng. Vì thế, muốn chiến thắng trong trận chiến tranh không tiếng súng trường kỳ này, chúng ta phải hết sức khéo léo và nhận thức rõ, ai mới chính là người đang lãnh đạo hiệu quả nhất.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của NewGod Đăng trên diễn đàn hoangsa.org. ( Chính phủ VN đã bị đẩy vào thế cô lập ?)

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com