Thứ Tư, 23 tháng 1, 2008

GS Ang Cheng Guan: "Dù có hợp tác, khai thác biển sẽ vẫn căng thẳng"

Comments
Tuần này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Gia Khiêm sang thăm Bắc Kinh (22-26.01.2008) trong bối cảnh hai nước đều cần tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông.

Hiện vùng biển này, còn có tên là biển Nam Trung Hoa là một trong những điểm nóng tiềm tàng tại châu Á.

Cả Trung Quốc và Việt Nam đều nhận mình có chủ quyền tại Hoàng Sa, trong khi Trường Sa là điểm tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam.

Trung Quốc không muốn Việt Nam mời bên thứ ba như Anh, Mỹ, Ấn Độ vào khai thác vùng thềm lục địa nhưng cũng không có công nghệ cao đủ để mời Việt Nam cùng hợp tác.

Dư luận cả hai nước lại đều nêu cao tinh thần dân tộc chủ nghĩa, gây sức ép lên nhà cầm quyền.

Liệu các bên có ý định đưa tranh chấp ra xử tại một tòa án quốc tế hay không?

BBC Tiếng Việt đặt câu hỏi này (Có nên đưa vụ Biển Đông ra Tòa quốc tế?) cho Giáo sư Ang Cheng Guan, hiện dạy tại Viện Giáo dục Quốc gia Singapore.

GS Ang Cheng Guan: Tôi nghi ngờ khả năng này. Theo tôi, cả Trung Quốc và Việt Nam đều không quen thuộc cũng như không tin tưởng Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice). Giá trị thắng thua quá cao, không ai lại muốn đặt vào tay một nhóm các quan tòa. Vẫn chưa đến lúc để đi ra Tòa án Quốc tế, mặc dù tôi cũng không bỏ qua khả năng này về lâu dài. Ngay cả nếu Việt Nam, nước có vẻ yếu thế hơn Trung Quốc trong cuộc tranh chấp này, sẵn lòng đi nữa, thì tôi vẫn không nghĩ là Trung Quốc muốn đâu. Ở đây có sự tính toán khác với tranh chấp giữa Malaysia và Indonesia (mà trong trường hợp này kẻ thua là Indonesia), rồi tranh chấp giữa Singapore và Malaysia mà Tòa án Quốc tế hiện đang xem xét.

Ngoài ra, trong vụ này có rất nhiều hòn đảo và Tòa án sẽ phải mất nhiều năm mới giải quyết xong. Tranh chấp giữa Singapore và Malaysia chỉ liên quan một đảo là Pedra Branca, thế mà đã mất nhiều năm rồi. Trường Sa thì lại không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tự nhận chủ quyền, nhiều nước khác cũng đòi. Vì thế tất cả các bên sẽ phải cùng ra Tòa án Quốc tế, mà điều này thì không thực tế.

Cơ sở của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa

BBC: Gần đây người ta hay nghe đến Kế hoạch Hợp tác Kinh tế toàn Vịnh Bắc Bộ. Một số người cho rằng nó có tác động tích cực đến tranh chấp Biển Đông. Nhưng một số khác, như chuyên gia Ramses Amer từ Thụy Điển, thì nói nó không có ảnh hưởng trực tiếp mà chỉ góp phần cải thiện quan hệ chung chung mà thôi. Ý kiến của ông?

GS Ang Cheng Guan: Cá nhân tôi chia sẻ quan điểm của ông Ramses Amer. Mới đây một chuyên gia là ông Lý Minh Giang ở Singapore viết một bài với giọng lạc quan về chuyện này. Nhưng tôi không rõ nội dung của toàn bộ dự án. Cái quan trọng vẫn là ở chi tiết cụ thể. Chừng nào những điều khoản của dự án còn chưa được nói rõ, thì tôi vẫn nghi ngờ. Nhưng dẫu sao tôi vẫn hy vọng là khi có hợp tác thì sẽ có một số tác động tốt.

BBC: Cũng có một luồng ý kiến đề nghị rằng hãy xem các vùng tranh chấp ở Biển Đông như một khu vực ‘chia sẻ chủ quyền’. Liệu ý tưởng này có hấp dẫn được các nước?

GS Ang Cheng Guan: Không có nước nào chịu từ bỏ tuyên bố chủ quyền của họ. Nhưng ít nhất về mặt công khai thì tất cả đều đồng ý nghiên cứu một hình thức hợp tác nào đó. Cụm từ “chủ quyền có chia sẻ” nghe thì hay đấy, nhưng lại mang trong đó nhiều vấn đề pháp lý. Nó mang tính lý tưởng hóa bởi vì nếu làm theo, thì có nghĩa là mọi bên đều phải ngang hàng về sức mạnh và quyền lực pháp lý. Là nước lớn và mạnh nhất trong vùng, Trung Quốc có thể tỏ ra rộng rãi, nhưng cũng không đến mức chịu từ bỏ lãnh thổ đâu.

BBC: Quan sát những diễn biến trong một tháng qua, điều gây nhiều chú ý chính là các vụ biểu tình ở Việt Nam. Theo ông, liệu nó có ra chỉ dấu gì mới về quan hệ giữa người dân và nhà nước ở Việt Nam hay không?

GS Ang Cheng Guan: Nhiều người khác nhau sẽ có quan điểm khác nhau về chuyện này. Nói thực, tôi cho là không có ai thật sự biết điều gì ở đằng sau các vụ biểu tình vừa rồi. Tôi chỉ có thể nói rằng chính trị Việt Nam đang chuyển động. Chính phủ rất thận trọng, rất chậm trong việc mở cửa từng bước, cho người dân có thêm tự do. Nhưng đồng thời nhà nước muốn kiểm soát cả quá trình. Về các vụ biểu tình, tôi không nghĩ là chúng có bàn tay chính quyền đằng sau.

Trong một thời gian ngắn, chính phủ Việt Nam làm ngơ vì cả nhà nước và người biểu tình cùng chia sẻ quan điểm về Trung quốc. Nhưng họ cũng không thể để biểu tình lan rộng được. Nói tóm lại, cả hai nước đều nhận thức rõ về bức tranh rộng lớn hơn trong quan hệ. Quan hệ Việt - Trung không nhất thiết sẽ xấu đi vì các biến cố gần đây. Nhưng rõ ràng ngay cả khi hai bên tập trung vào phát triển kinh tế, thì những căng thẳng vẫn tiềm ẩn.

Giáo sư Ang Cheng Guan chuyên nghiên cứu về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, cuộc chiến Việt Nam và các kế hoạch chiến lược cho Á châu. Cho đến năm 2003 ông là Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore. Hiện ông giảng dạy tại Đại học Nanyang.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com