Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008

Nhật ký Trường Sa: "Bố ơi, con đã ra với bố"

Comments
Giờ này ở đất liền, có lẽ các bạn trẻ đang chuẩn bị cho mình những bộ đồ mới để đón xuân. Nhưng ở một góc trời khác, trên chuyến tàu HQ936, có những người con của Tổ quốc đang bồng bềnh theo từng con sóng để ra nhận nhiệm vụ mới ở Trường Sa xa xôi.

Có lẽ họ là những người lính phải trải qua một cuộc hành quân dài nhất trong thời bình. Hai mươi ngày lênh đênh trên biển, đối mặt với sóng gió, vượt hàng ngàn kilômet trong mùa biển động... Ấy vậy mà tiếng hát, tiếng cười vẫn tràn ngập suốt cả chuyến hải hành.

Close

Chiến sĩ Trường Sa (ảnh chụp năm 1994)

Khúc quân hành giữa trùng dương

* Ngày thứ hai của cuộc hành quân, sóng gió bắt đầu lớn dần. Anh tân binh Đinh Văn Trường đờ người bên cành mai xơ xác trước sóng gió. Lời anh lính trẻ ngắt quãng bởi từng con sóng: "Đây là lần đầu tiên tôi đi biển nên chưa quen với sóng gió. Phải mất hơn mười ngày nữa mới đến được đảo Sơn Ca, ngoài đó chắc đồng đội đang mong lắm... Mình chẳng có gì làm quà, chỉ có cành mai này để đón xuân cùng đơn vị cho mọi người đỡ nhớ tết đất liền. Ai mà chẳng mong đón tết cùng gia đình, nhưng khi Tổ quốc cần thì phải lên đường. Đối với lính, tết ở đất liền hay đảo xa đều như nhau, vì ở đâu cũng là quê hương cả...".

Nắng ở trùng khơi không bỏng rát nhưng táp cháy cả thịt da. Chỉ sau hai ngày hành quân, các anh lính trẻ đã quen dần với sự khắc nghiệt của biển khơi. Từng nhóm ngồi dựa vào nhau, lùa vội chén cơm được nấu trong sự vật vã của đại dương. Tiếng cười nói át cả tiếng sóng. Họ quây quần bên nhau như anh em một nhà. Lâu lâu một vài ánh mắt lại hướng về biển xa, nơi ấy có những người đồng đội đang trông chờ... Ai cũng mong ngày đến đảo nhanh hơn.

* Ánh dương vừa tắt, các chiến sĩ ùa ra cả mũi tàu. Những bài hát từng vang dội núi rừng Trường Sơn một thời lửa đạn nay lại được cất lên giữa biển đêm dậy sóng. Tiếng ghita bập bùng, tiếng vỗ tay hòa vào bản nhạc của biển khơi. Mọi nỗi nhọc nhằn, vất vả trên đường hành quân dường như tan biến, chỉ còn lại tiếng hát của những người lính trẻ: "Mỗi cánh thư về từ đảo xa anh thường nói rằng Trường Sa xa lắm em ơi..."; hay: "Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng...".

Ở một góc tàu khác, những chiến sĩ vừa trở về từ đảo Đá Lớn, Song Tử Tây, Đá Nam... í ới tình đồng hương, náo nức hỏi chuyện quê nhà. Chuyện ở đảo những ngày bão tố, những buồn vui đời lính được mang ra làm quà cho các tân binh. Cứ thế, chuyện quê nhà, chuyện ruộng đồng, chuyện biển ùa về cùng đồng đội. Đêm ở biển dường như ngắn lại.

* Dưới bóng đèn lờ mờ, chiến sĩ Lê Như Lưu cố gồng mình chống lại cơn sóng, nắn nót từng trang thư để kịp gửi về đất liền. Mới bước qua ngày thứ tám của cuộc hành quân nhưng Lưu đã viết đến bức thư thứ 15. Năm nay Lưu vừa qua tuổi 21, quê ở Nam Đàn (Nghệ An). Thoáng một chút ngại ngùng, anh tâm sự: "Tôi đã xong 18 tháng nghĩa vụ ở Cam Ranh nhưng xin ở lại tiếp tục cùng hành quân ra đảo Nam Yết. Giờ tranh thủ viết thư để kịp gửi các anh mang về đất liền cho gia đình trước khi tết đến".

Lưu đọc cho tôi nghe một đoạn trong bức thư gửi về cho gia đình: "Mẹ kính yêu, con viết thư này trên đường hành quân ra đảo. Đây là lần đầu tiên con ra nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ Tổ quốc. Con biết phía trước vẫn còn nhiều thử thách nhưng mẹ hãy yên tâm, con sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở nhà mẹ nhớ mặc ấm mỗi khi ra đồng, ngày giỗ đầu của bố con không về được, mẹ đừng buồn nhé! Năm nay nữa là tết thứ hai con không đón giao thừa cùng mẹ. Nhưng mẹ ơi, ở đây chúng con đã có đồng đội. Mẹ đừng lo...".

Cha và con

Đêm nay biển lại động. Sóng giật từng cơn. Trường đứng dựa vào thành cầu, mắt dõi về biển, người run lên từng cơn theo tiếng nấc. Lời anh chiến sĩ thì thầm trước sự thét gào của biển cả: "Bố ơi, con đã ra với bố!". Biển vẫn vô tư vỗ vào bóng đêm, chỉ có tiếng rít của gió đáp lại lời anh lính trẻ... Chuẩn úy Nguyễn Văn Đức, một đồng đội của Trường, cũng lặng người đứng nghiêng mình trước biển đêm. Mãi một hồi lâu Đức mới nói nên lời: "Anh em thương Trường lắm. Tên đầy đủ của Trường là Nguyễn Mậu Trường, quê ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Trường chính là con trai đầu của anh hùng Nguyễn Mậu Phong, người đã ngã xuống vì Trường Sa thân yêu".

Ngày bố hi sinh, Trường chỉ vừa mới được hai tuổi, còn đứa em cũng chỉ mới lọt lòng được vài tháng chưa kịp nhìn mặt bố. Chuyện xảy ra cách đây tròn 20 năm, đó là năm 1988. Câu chuyện về bố Trường chỉ biết qua lời kể của mẹ và những người đồng đội của bố. Trường nói trong nỗi xúc động: "Lúc hi sinh bố tôi mới được 28 tuổi, là đảo trưởng đảo Gạc Ma, và cũng là chiến sĩ đầu tiên cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của VN trên hòn đảo này. Bố tôi và 73 người đồng đội nữa đã ngã xuống trong trận chiến quyết tử để giữ lại hòn đảo Gạc Ma... Nhìn thấy biển mênh mông, tôi lại thấy thương nhớ bố mình!".

Trong balô hành quân của Trường, chỉ đơn sơ vài bộ quần áo, còn lại tất cả là những kỷ vật thuộc về bố - anh hùng Nguyễn Mậu Phong. Trường rưng rưng lấy tấm ảnh của bố đã ố vàng cho tôi xem, rồi những huân huy chương của bố được anh gói ghém một cách cẩn trọng như những báu vật. Trường nói: "Tôi sẽ cố gắng huấn luyện thật giỏi để được ở lại phục vụ lâu dài trong hải quân, sẽ nối tiếp bố và các đồng đội của bố để canh giữ biển đảo cho Tổ quốc".

Tôi lặng người khi thấy trong balô của anh lính trẻ mang theo cuộc hành quân hôm nay còn có một nải chuối xanh và vài thẻ nhang. "Đây là quà của bố, khi tàu đi ngang qua đảo Gạc Ma tôi sẽ thả nải chuối xuống biển và thắp cho bố nén nhang. Tôi chỉ muốn nói với bố rằng: Bố ơi, con đã ra với bố". Trường không kìm được những giọt nước mắt.

Chép link sau vào browser để nghe bài đọc:

mms://media.tuoitre.com.vn/Stream/audio/2008/thang01/16-01/Bo_oi_con_da_ra_voi_bo.mp3

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com