Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

Đứng trước Tổ quốc

Comments

Từ bao giờ, người ta yêu Tổ quốc mà chẳng cần được dạy, tự nhiên ở mỗi người như hít thở khí trời. Tổ quốc, ở đó có những điều thân quen, gắn bó bên ta như gia đình, bạn bè, ngôn ngữ…lớn lao như dòng sông, ngọn núi hay chỉ là một hòn đảo san hô vừa đủ đặt chân người giữa biển khơi. Không ai có thể và có quyền từ bỏ bất cứ phần nào của Tổ quốc đó. Cũng chưa bao giờ dân Việt chịu cúi đầu khi có kẻ hăm he chiếm đoạt Tổ quốc, dù kẻ thù có mạnh đến đâu. Lịch sử 1.000 năm chống kẻ thù phương Bắc và 100 năm chống xâm lược phương Tây đã chứng minh sự bất khuất đó.

Trong những ngày cuối năm, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngay lập tức thanh niên ở hai đầu đất nước đã không hẹn mà cùng đứng lên với lá cờ đỏ trên tay để bày tỏ lòng yêu nước. Ở thời kỳ nào, tình yêu với Tổ quốc cũng không thay đổi cho dù có gặp sự ngăn trở nào đi nữa. Những người yêu nước đó chỉ là các sinh viên đang phải vừa làm vừa học, là những trí thức trẻ với nhiều hoài bão đóng góp cho xã hội hay đơn giản chỉ là một người lao động bình thường nhưng không bao giờ chấp nhận để một tấc đất nào của tiền nhân rơi vào tay ngoại bang. Họ bước ra khỏi những những giảng đường đại học, các công sở, quán cà phê máy lạnh hay chiếc máy tính nối mạng…để đọc sang sảng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, để nắm tay hát vang bài Quốc ca, Nối vòng tay lớn... để nói cho kẻ ngạo ngược kia biết dân tộc này không bao giờ đớn hèn, chưa bao giờ sợ hãi bạo quyền.

Sau những lần bày tỏ như vậy đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc làm này. Có người hỏi: “Làm vậy liệu có giúp chúng ta đòi lại ngay hai quần đảo không?”. Sẽ rất không thực tế nếu trả lời “Có”. Rõ ràng chỉ vài hành động biểu thị lòng yêu nước của thanh niên chẳng thể nào mang lại những phần Tổ quốc đang nằm ngoài vòng tay Mẹ Việt Nam. Những buổi sáng Chủ nhật, thay vì dạo phố, đi cà phê…có những thanh niên ra trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc, giữa công viên hay tuần hành trật tự trên đường để nói thật rõ ràng cho cả xã hội biết: “Chúng tôi không thờ ơ, không bưng mắt bịt tai trước nỗi đau mất mát đất mẹ”.

Vì vậy, những ai còn nghi ngại hay thậm chí thờ ơ với bầu nhiệt huyết của thanh niên cần hiểu rằng, những việc làm đó tuy chưa mang lại kết quả ngay tức thì nhưng nó đúng lúc và cần thiết để thanh niên thể hiện tính cách của tuổi trẻ. Nó giúp cho mọi công dân bày tỏ tình yêu đất nước một cách ôn hòa. Giúp đánh động những ai vẫn còn thờ ơ vì quen để người khác nghĩ thay, làm thay. Những bày tỏ đó khiến chúng ta thêm yêu thương mảnh đất đã nuôi ta lớn, dạy ta nên người. Khác với nhiều suy tính xa lạ, những hành động tập hợp này không thể ảnh hưởng đến ngoại giao. Trong một nhà nước pháp trị, việc người dân bày tỏ lòng yêu nước một cách đúng mực chưa bao giờ có thể gây phương hại đến đường lối ngoại giao của chính quyền mà chỉ tạo nên sức mạnh đồng thuận của nhân dân với nhà nước. Trên thực tế, vấn đề ngoại giao đã bị ảnh hưởng kể từ khi ý đồ bành trướng thể hiện trên văn bản được biến thành hiện thực nhằm xâm hại lãnh thổ của chúng ta. Đó là ý chí của người dân nhằm bày tỏ tình yêu nước trong ôn hòa, lịch sử thế giới chưa bao giờ có trường hợp chiến tranh nổ ra vì một lý do như vậy.

Qua những lần tập hợp của các công dân trẻ, điều chúng ta cần làm đó là phải có sự hướng dẫn kịp thời để tổ chức cho thanh niên, trí thức trẻ có cơ hội bày tỏ tình yêu đất nước và còn để chấn dân khí. Tránh để sự nhiệt tình của họ đi thái quá dẫn đến những ngộ nhận, việc làm đáng tiếc. Lập lờ hay giả vờ như không có gì xảy ra chỉ mang đến sự hoang mang trong quần chúng, càng dễ bị “kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc”. Sau hai dịp xuống đường, đã có những thông tin trên internet nói rằng sinh viên này bị cơ quan an ninh mời lên làm việc, công dân khác bị bắt bớ, hạch hỏi hay nghệ sĩ kia bị giám sát…Thực hư của những thông tin này rất khó kiểm chứng nhưng nó đã lan đi trên thế giới mạng, làm không ít người hoang mang. Cũng có ý kiến nói rằng người ta đã thiếu công bằng với tinh thần yêu nước của thanh niên, trí thức khi cùng thời điểm đó trên các trang báo tràn ngập thông tin về SEA Games 24 nhưng không có một bản tin ngắn ngủi nào nhắc đến những hành động đầy nhiệt huyết kia.

Có nhiều cách gọi để chỉ về những hành động bày tỏ vừa qua của những thanh niên tại Hà Nội và TP.HCM. Đó là “tụ tập bất hợp pháp” hay “biểu tình” nhưng với tư cách của một thanh niên, tôi vẫn thích gọi đó là “Đứng trước Tổ quốc”. Khi Tổ quốc cần, không ai khác hơn chính là thanh niên, trí thức sẽ tự giác khoát tay nhau đứng lên như những bậc tiền bối của mình mà chẳng cần ai phải nhắc nhở, ai phải kêu gọi.

T.B

Ps: Bài viết này được đăng trên báo Du Lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) số Xuân Âm lịch. Tờ báo mà tôi hết mực yêu quý.

Nguồn: Blogger Ginola

Ban biên tập xin cám ơn nhạc sĩ Tô Hảibạn Ginola đã thông tin về bài báo này. Hình ảnh do blogger Ginola cung cấp tại đây.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com