Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008

Truyền thông “Made in Tầu”

Comments

Chỉ nội một ứng xử về Trường Sa – Hoàng Sa đã thấy truyền thông Trung Quốc liên tục "đảo cánh". Lúc thì tuyên bố kiểu như Trung Quốc phải dạy cho Việt Nam một bài học mới, nên tấn công sớm trong lúc Việt Nam chưa chuẩn bị kịp, đổ cho Mỹ giật dây kích động SVViệt Nam biểu tình, nhắc khéo “trên bàn cờ giao tranh của những nước lớn, Việt Nam nhỏ bé sẽ chỉ là con tốt dễ bị hy sinh và tổn thất nặng nề nhất”... lúc lại xoay qua khẩu hiệu cũ “núi liền núi, sông liền sông”. Một sắp xếp theo thứ tự thời gian cũng có thể cho thấy điều đó.

Bài “Trung Quốc cần cứng rắn với Việt Nam để độc chiếm Biển Đông” trên mạng Sina ngày 28/11 có đoạn: “Có người cho rằng chúng ta cần đặt trọng tâm hàng đầu vào vấn đề Đài Loan, sau đó mới là vấn đề Nam Hải. Cách suy nghĩ này là sai lầm. Phải biết rằng vấn đề Nam Hải và vấn đề Đài Loan có sự khác biệt về bản chất. Khi cần thiết sợ gì mà không đồng thời xử lý cả hai vấn đề cùng một lúc. Trung Quốc đương nhiên cần phải giành lấy chủ quyền ở Nam Hải và trục xuất Việt Nam ra khỏi Nam Hải, với những lý do sau:

- Trung Quốc với tư cách là nước nuôi sống 1/5 dân số thế giới, tài nguyên căng thẳng. Việt Nam giành được tài nguyên ở Nam Hải liệu có thể có cống hiến gì cho nhân loại? Trung Quốc có thể có những cống hiến lớn hơn. Không nói đến những cống hiến thăm dò nghiên cứu vũ trụ chỉ hết việc nuôi sống 1/5 dân số thế giới đã là cống hiến to lớn.

- Diện tích đất liền và diện tích biển của Trung Quốc không tỷ lệ thuận với nhau. Diện tích biển của Trung Quốc nhỏ hơn bất kỳ nước lớn nào trên thế giới. Nếu Việt Nam có Nam Hải, thì diện tích kiểm soát lãnh hải sẽ vượt Trung Quốc, thậm chí tỉ lệ đất liền và biển còn vượt cả Nhật Bản và Anh. Đây là chuyện rất hoang đường.

- Việt Nam không có khả năng kiểm soát thực tế ở Nam Hải.

- Ngư dân Trung Quốc luôn bị tàu chiến Việt Nam tiến công, xâm phạm nghiêm trọng đến nước ta. Nam Hải từ trước đến nay luôn thuộc lãnh hải Trung Quốc, lẽ nào lại để Việt Nam biến Nam Hải thành biển của Việt Nam?

...Có thể nói việc không cứng rắn đối với vấn đề Nam Hải sẽ là sự tổn thất đối với chúng ta”.

Tờ Đại Công báo của Hồng Công, ngày 9/1 có bài viết "Trung Quốc không cần thiết "ăn miếng, trả miếng" với Việt Nam" có đoạn: "Vào những ngày cuối năm 2007, tại Việt Nam, nước láng giềng của Trung Quốc, liên tục xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, một sự kiện hiếm thấy trong những năm gần đây. Theo lý, những hành vi khiêu khích quan hệ hai nước Trung Quốc và Việt Nam trắng trợn như vậy, Chính phủ của một bên bị chỉ trích sẽ không thể không quan tâm, báo chí của bên bị chỉ trích cũng sẽ không để yên. Thế nhưng, kể từ khi tại Việt Nam liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phía Trung Quốc chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Tần Cương đưa ra phản ứng trong một buổi họp báo thường kỳ. Ngoài ra, không thấy báo chí Trung Quốc đưa tin hay bình luận, phân tích về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra tại Việt Nam, điều này khiến mọi người có cảm giác Trung Quốc đang lép vế trong vấn đề này. Tại sao?...

Có thể nói, đứng trước vấn đề tranh cãi chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa do lịch sử để lại, Trung Quốc chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, đây có thể coi là sự lựa chọn sáng suốt nhất, cũng là nguyên tắc quan trọng có lợi cho ổn định khu vực. Chính là do Trung Quốc kiên trì chủ trương này, cho nên đối với các cuộc biểu tình nhỏ lẻ chống Trung Quốc tại Việt Nam thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc không cần thiết phải áp dụng phương thức “ăn miếng trả miếng” và Chính phủ Trung Quốc làm như vậy là hành động sáng suốt”.

Tờ Thái Dương ngày 23/1 đăng bài của bình luận viên Đài truyền hình Phượng Hoàng Khâu Chấn Hải với nhan đề “Trung Quốc làm thế nào thoát ra khỏi khó khăn ở Nam Hải”, có đoạn: “Mâu thuẫn Nam Hải giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn. Một mặt cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước xung quanh vốn đã tỏ ra hoài nghi đối với Trung Quốc, mà những nước này phần lớn là những nước yếu và nghèo. Nếu Trung Quốc quá cứng rắn sẽ nhanh chóng mất đi hình tượng đạo đức trên trường quốc tế. Mặt khác nếu tiếp tục gác tranh chấp, vô hình chung trở thành cái cớ để các nước khác cứ tiếp tục xâm lấn... Theo tập quán quốc tế, việc giải quyết vấn đề này có 3 cách: giải quyết chính trị, đưa ra toà án quốc tế và sử dụng vũ lực. Nếu loại trừ việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc hiện nay còn thiếu sự chuẩn bị cho việc đưa ra toà án quốc tế, nhưng việc giải quyết chính trị hiển nhiên lại rơi vào bế tắc. Những khó khăn này đang thử thách trí tuệ của Trung Quốc”.

Dưới đầu đề “Việt Nam: Đầu mối cuối cùng bao vây Trung Quốc của Mỹ”, mạng Sina ngày 23/1 có đoạn: “Mỹ với thực lực quân sự hùng mạnh, coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, đương nhiên là sự lựa chọn đầu tiên của Việt Nam. Ý đồ của Mỹ cơ bản không nhằm vào Việt Nam. Mỹ hiểu rằng Trung Quốc sẽ không bàng quan để Mỹ tác động vào Việt Nam, nếu Mỹ tác động vào Việt Nam, Bắc Kinh sẽ rất tức giận và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Sự chú ý của Mỹ tập trung vào căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam. Trong tất cả các căn cứ quân sự của các nước trên thế giới hiện nay, không có căn cứ quân sự nào có thể so sánh được với Cam Ranh về tính năng tổng hợp. Căn cứ quân sự Cam Ranh đã từng nằm trong tay các cường quốc Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp. Trong các thời kỳ các nước đóng ở Cam Ranh, đều đầu tư lớn tiến hành cải tạo hiện đại hóa cảng Cam Ranh. Cho nên cảng Cam Ranh luôn duy trì hiện đại hóa ở mức độ cao.

Gần 100 năm qua, cảng Cam Ranh luôn là nơi tranh giành giữa các cường quốc trên thế giới. Năm 1905, trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật, hàng trăm tàu chiến của Nga đã từng neo đậu ở cảng Cam Ranh. Sau đó năm 1935 và 1954, Nhật Bản và Pháp cũng đã từng đóng quân ở Cam Ranh. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam 1965-1967, Mỹ đã chi 300 triệu USD cải tạo mở rộng cảng, xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự tổng hợp và căn cứ hậu cần cho lực lượng hải-lục-không quân và tên lửa của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Cam Ranh có những kho lớn chứa máy bay, có sân bay có thể dành cho máy bay quân sự cỡ lớn như B-52 hạ cánh. Trên thế giới hầu như không có căn cứ quân sự nào có quy mô và tính năng tổng hợp lớn như Cam Ranh... Cho đến nay vẫn còn chưa biết nước nào thuê được cảng Cam Ranh. Nhưng điều có thể khẳng định là Mỹ rất muốn quay trở lại cảng Cam Ranh và hiện nay xem ra thời cơ đã đến. Sau khi rút khỏi căn cứ Subic ở Philippine, Mỹ luôn nhòm ngó Cam Ranh, nhưng liệu có thuê được hay không, vẫn chưa thật chắc chắn. Vì thế, trước đây Mỹ đã từng tung tin nói Trung Quốc có thể tiến vào cảng Cam Ranh, để lấp chỗ trống hiện nay, đồng thời cũng tung ra "thuyết về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc". Trung Quốc đã bày tỏ thái độ rõ ràng về việc này, đó là tuyệt đối không xây dựng căn cứ ở nước ngoài. Các bậc tiền bối của Trung Quốc nói: Trung Quốc không cho phép thế lực nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự ở Trung Quốc, cũng không có ý định xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Câu nói này là để cho người Mỹ nghe, càng để cho người Việt Nam nghe. Việt Nam là quốc gia độc lập có chủ quyền, cần xuất phát từ đại cục, trân trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không dễ có được.

Mục đích của Việt Nam cho thuê Cam Ranh chỉ là như vậy, nhưng Mỹ liệu có đáng tin cậy không, tin rằng đến ngay Việt Nam cũng không thể trả lời được điều này. Về phía Mỹ rõ ràng là bên được lợi nhất. Trong thế giới hiện nay, cho dù là quan hệ Trung-Mỹ, hay quan hệ Việt-Mỹ mật thiết như thế nào thì cũng đều không thể thay đổi một sự thực, đó là Mỹ từ lâu đã coi Trung Quốc và Việt Nam là quốc gia Cộng sản. Có thể chúng ta đang làm nhạt dần quan niệm về ý thức hệ và giai cấp, nhưng thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu chưa bao giờ vứt bỏ điều này. Để có được nhiều chi phí quân sự cho chiến tranh chống khủng bố, Bush đã từng tuyên bố với Nội các: chống khủng bố tức là chống Cộng, lực lượng chống khủng bố tiến đến nơi nào thì lực lượng chống Cộng cũng tiến đến nơi đó.

Điều này cho thấy một khi Mỹ tiến vào Cam Ranh, thì "một mũi tên sẽ trúng 3 đích":

- Thứ nhất, đưa hai nước Cộng sản vào tầm quan sát, nhất cử nhất động đều bị theo dõi.

- Thứ hai, trực tiếp chẹn lấy tuyến đường vận chuyển huyết mạch của Nhật Bản, đeo lên đầu Nhật Bản chiếc vòng "kim cô", kẹp chặt Nhật Bản dưới sự chỉ đạo của Mỹ, đồng thời kiềm chế Ấn Độ, phong toả Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, khiến chiến lược toàn cầu của Ấn Độ bị Mỹ kiềm chế.

- Thứ ba, cũng là điểm quan trọng nhất, kiềm chế Trung Quốc. Mỹ tiến vào Cam Ranh cũng có nghĩa là trực tiếp tiến vào Nam Hải. Đến lúc này đã hoàn thành việc bao vây chiến lược trên biển đối với khu vực ven biển của Trung Quốc, kéo dài từ Nhật Bản, Đài Loan, quần đảo Mã Lai, quần đảo Philippin và cuối cùng là cảng Cam Ranh. Từ góc độ lợi ích chiến lược mang tính khu vực mà nói, một khi eo biển Đài Loan nổ ra chiến sự, Mỹ không chỉ có thể phái quân từ hướng Nhật Bản và Guam, mà còn có thể điều quân từ cảng Cam Ranh, khiến hải quân Trung Quốc ở vào tình thế rất khó khăn; Mỹ tiến vào cảng Cam Ranh cũng rất dễ can thiệp vào công việc Nam Hải của Trung Quốc... Nếu quả thực diễn ra cục diện này thì sẽ là điều hoàn toàn bất lợi đối với Trung Quốc.

Trong chiến lược toàn cầu, việc Mỹ tiến vào Cam Ranh rõ ràng là đầu mối cuối cùng áp sát vào Trung Quốc, và Việt Nam - núi sông liền một dải với Trung Quốc, chính là đầu mối cuối cùng này”.

Tôi đã có đánh giá của riêng mình về kiểu truyền thông này. Còn bạn?

Không biết chính xác tự bao giờ, tôi đã tạo folder riêng có tên “Hoàng Sa – Trường Sa” trong máy tính của mình...

Nguồn: Blogger Huy Bom

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com