Thứ Năm, 28 tháng 2, 2008

Một số cách xử lý công hàm Phạm Văn Đồng 1958

Comments

Từ vài năm qua, và có thể là từ trước đó, có ý kiến là Quốc Hội CHXHCNVN cần tuyên bố vô hiệu hoá công hàm Phạm Văn Đồng (PVĐ) 1958 để cho Trung Quốc (TQ) không thể dùng công hàm đó làm cớ đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Ý kiến này thoạt nghe khá hay nhưng nghĩ kỹ lại thì có nguy hiểm tiềm ẩn cho vị trí pháp lý của Việt Nam trước công pháp quốc tế.

Để minh họa cho sự nguy hiểm này, tôi đưa ra 3 điều Quốc Hội Việt Nam có thể tuyên bố, trong đó, 2 điều đầu có tính cách “vô hiệu hoá” công hàm PVĐ, điều thứ 3 có tính cách cho là công hàm đó chưa bao giờ và không bao giờ có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ.

Ngoài ra, tôi cũng đưa ra điều thứ 4 là Quốc Hội Việt Nam chỉ cần tiếp tục khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa mà không cần đả động trực tiếp tới công hàm PVĐ.

1. “Cho tới ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN công nhận là công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN vô hiệu hoá công hàm PVĐ 1958. Sau ngày 27/02/08, công hàm PVĐ 1958 không có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ nữa.”

2. “Cho tới ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN công nhận là công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN vô hiệu hoá việc chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ trong công hàm PVĐ 1958. Sau ngày 27/02/08, công hàm PVĐ 1958 không có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ nữa.”

3. “Quốc Hội CHXHCNVN lập lại quan điểm là công hàm PVĐ 1958 chưa bao giờ và không bao giờ có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ”.

4. Quốc Hội VN tiếp tục khẳng định là HS, TS thuộc về VN, không cần nói gì về công hàm PVĐ. BNG và các luật sư VN tiếp tục đưa ra quan điểm là công hàm PVĐ 1958 chưa bao giờ và không bao giờ có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ.

Chúng ta thử phân tích và so sánh 4 điều trên.

Điều 1 và 2 thoạt nghe có vẻ nhiệt tình, tích cực và mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều nguy hiểm cho Việt Nam là đoạn chữ nghiêng. Giả sử Quốc Hội Việt Nam không tuyên bố đoạn này đi nữa thì nó cũng là hệ quả logic của đoạn chữ thẳng đứng đậm. Nếu tuyên bố đoạn chữ thẳng đứng đậm, Việt Nam khó có thể phủ nhận logic dẫn tới đoạn chữ nghiêng. Đã đành quan điểm của TQ là là công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Nếu ngày nay Quốc Hội Việt Nam lại nói điều có nghĩa cho tới ngày 27/02/08 chính Quốc Hội Việt Nam cũng công nhận điều đó thì còn gì là vị trí pháp lý của Việt Nam trước công pháp quốc tế.

Đối với TQ, dĩ chiên họ sẽ không chấp nhận đoạn chữ thẳng đứng đậm cho nên đoạn đó cũng không có nghĩa TQ sẽ không còn dùng công hàm PVĐ được nữa.

Đối với công pháp quốc tế, đoạn chữ nghiêng có giá trị song phương (cả TQ và CHXHCNVN đều đồng ý), cho nên công pháp quốc tế chắc chắn sẽ cho là, ít nhất là tới 27/02/08, công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ.

Đối với công pháp quốc tế, đoạn chữ thẳng đứng đậm là một tuyên bố đơn phương của Việt Nam, cho nên công pháp quốc tế sẽ khó lòng loại bỏ công hàm PVĐ sau ngày 27/02/08.

Như vậy, qua việc đồng ý với TQ là công hàm PVĐ có hiệu lực cho tới ngày 27/02/08 để ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ, điều 1 và 2 đã vô tình giúp TQ khỏi phải chứng minh điều đó. Đây là một điều tai hại cho Việt Nam. Sau khi giúp TQ như vậy, điều 1 và 2 lại không có khả năng loại công hàm PVĐ đối với TQ và khó lòng có khả năng loại công hàm đó đối với công pháp quốc tế. Như vậy điều 1 và 2 sẽ để lại tai hại cho Việt Nam.

Ngược lại, điều 3 và 4 không hề giúp TQ khỏi phải chứng minh là là công hàm PVĐ có hiệu lực cho tới ngày 27/02/08 để ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Nếu muốn, họ phải tự chứng minh điều đó. Hiện nay, đại đa số sách về Biển Đông trên thế giới (eg của Chemillier-Gendreau hay Valencia et al) và các bài báo trên các tạp chí luật quốc tế đều cho là TQ sẽ không chứng minh được, hay cùng lắm chỉ có thể làm vị trí pháp lý của VN yếu đi phần nào. Tất nhiên, Việt Nam cần có chuyên gia luật quốc tế nghiên cứu xem công hàm PVĐ 1958 có thể làm vị trí pháp lý của Việt Nam yếu tới đâu.

Trong khi đó, điều 1 và 2 có thể làm cho vị trí pháp lý của Việt Nam sụp đổ hoàn toàn.

Nhân dịp nói về một số cách xử lý công hàm Phạm Văn Đồng 1958, tôi cũng xin nói thêm về một cách nhìn công hàm PVĐ.

Cho tới nay, có nhiều phân tích về công hàm PVĐ. Một số phân tích này phạm lỗi là nói về ý nghĩa của công hàm PVĐ như một sự thật độc nhất và khách quan. Thật ra không tồn tại ý nghĩa của công hàm PVĐ như một sự thật độc nhất và khách quan mà chỉ có những quan điểm và chủ trương chủ quan. Công hàm PVĐ có thể có những ý nghĩa khác nhau, tuỳ theo quan điểm, eg,

1. Quan điểm chủ trương của CHXHCNVN.
2. Quan điểm chủ trương của TQ.
3. Quan điểm của toà án quốc tế.
4. Quan điểm của một người Việt Nam.

Nếu không phân biệt rõ ràng quan điểm nào thì ý nghĩa trong quan điểm này có thể bị lem sang quan điểm kia, dẫn tới kết luận sai lầm, hay ông nói gà, bà nói vịt.

Dương Danh Huy (Đăng trên minhbien.org)

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com