Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2008

Lý lẽ của kẻ yếu - Lý Nguyên Diệu

Comments

BBT: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.Tuy nhiên, nhận thấy giá trị tích cực và khách quan của bài phân tích, nên chúng tôi xin đăng lại nguyên văn, chỉ chỉnh sửa một số lỗi nhỏ.

Khi những dòng chữ này được viết ra thì tại Thế vận hội Bắc Kinh, Hoa Kỳ xếp hạng nhất với 110 huy chương, Trung Quốc hạng nhì với 100 huy chương và Nga hạng ba với 72 huy chương. Việt Nam xếp hạng 73, trên tổng số 205 quốc gia tham dự, với một huy chương bạc do Hoàng Anh Tuấn , 23 tuổi xuất thân từ trường Cao Đẳng Thể thao Thể dục Bắc Ninh, đạt được trong bộ môn cử tạ hạng cân 56 kg. Sau lễ bế mạc, Thế vận hội 2008 đã xác định vị thế cường quốc (một nước hùng mạnh có khả năng đào tạo nhiều lực sĩ khỏe nhất thế giới: 51 huy chương vàng) của Trung Quốc, đúng như dự tính của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khi nộp đơn đăng cai cuộc tranh tài quốc tế này.

Cũng trong khi những dòng chữ này được viết ra thì đoàn xe tăng của quân đội Nga đã rút về phía đường hầm Roki để vượt biên giới của Cộng hoà Georgia trong dãy núi Caucasus trên đường trở lại Nga sau hai tuần lễ chiến đấu. Hai tuần lễ với hàng ngàn nạn nhân tử vong, hàng vạn người bị thương và hàng trăm ngàn người tỵ nạn trong những thành phố từ vùng biển Bắc Hải đến vùng núi Caucasus tang hoang vì bom đạn. Hai tuần lễ với hai đoàn lực sĩ Nga và Georgia tranh đua nhau hai bộ môn bóng chuyền và nhu đạo trong tinh thần thể thao, hòa bình, nhân đạo, công bằng… trong thủ đô Bắc Kinh thịnh vượng.

Dĩ nhiên là biến cố Georgia đã tạo các phản ứng chống đối từ phía Mỹ và Âu châu. Ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ lên án hành động xâm lăng của quân đội Nga vào một nước dân chủ có Tổng thống Saakashvili được dân bầu, có hiến pháp tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo được áp dụng… là “bất hợp pháp”. Tổng thống Sarkozy của Pháp tuyên bố nước Nga sẽ phải chịu “những hậu quả nghiêm trọng” nếu chính phủ Nga không tôn trọng hòa ước đã ký với chính phủ Georgia ngày 15 tháng 8, 2008, một tuần sau khi người lính Nga cầm súng vượt biên giới Georgia để “bảo vệ sinh mạng và phẩm giá” người dân Nga đang sống trong vùng tự trị ở Abkhazia và Nam Ossetia.

Cũng dĩ nhiên là chính phủ của Thủ tướng Putin đã có tất cả lý do chính đáng để đem quân đội vượt biên giới vào một nước láng giềng để bảo vệ cư dân Nga đang sống trong vùng tự trị và đang bị chính quyền địa phương đàn áp. Chính đáng như năm 1961 Tổng thống Kennedy đem quân xâm nhập Vịnh Con Heo để lật đổ chính quyền Fidel Castro. Chính đáng như Trung Quốc đã xâm lăng Phật quốc Tây Tạng mùa Thu năm 1951. Chính đáng đến mức ngay cả Mikhail Gorbachev, người hùng đã được toàn thế giới công nhận là đã dùng Perestroika và Glasnost để đóng góp phần lớn nhất vào sự sụp đổ của đế quốc Nga Sô Viết năm 1991, cũng ủng hộ đương kim Tổng thống Nga trong một bài báo tràn đầy tinh thần ái quốc đăng trên tờ International Herald Tribune ngày 20 tháng 8, 2008: “Quyết định ngưng chiến của Tổng thống Dimitri Medvedev là một quyết định chính đáng đến từ một vị lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm. Một điều chắc chắn là mọi người sẽ phải thay đổi cách suy nghĩ: thói quen đối thoại với nước Nga một cách trịch thượng, coi thường vị thế và quyền lợi của nước Nga.” (The decision by the Russian president, Dmitri Medvedev, to now cease hostilities was the right move by a responsible leader. The Russian president acted calmly, confidently and firmly. Anyone who expected confusion in Moscow was disappointed. There is much talk now in the United States about rethinking relations with Russia. One thing that should definitely be rethought: the habit of talking to Russia in a condescending way, without regard for its positions and interests.)

Những “thầy bàn” chính trị đã đồng loạt phủi bụi cụm từ “chiến tranh lạnh” để đem ra xào tới xào lui trong ngữ cảnh bi thảm nhất của liên hệ quốc tế: Đây là tái khởi đầu của cuộc chiến tranh dành vùng ảnh hưởng dựa trên một yếu tố bất di bất dịch: “quyền lợi quốc gia” mà chủ thuyết Thực tiễn chính trị (Realism) đã giúp Kissinger thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm chiến tranh Việt Nam năm 1973. Vì quyền lợi của Mỹ mà Mỹ đến với Việt Nam, vì quyền lợi của Mỹ mà Mỹ rời bỏ Việt Nam. “Sông có thể cạn, núi có thể mòn”, nhưng nguyên lý đó thì không thể lay chuyển được trong liên hệ quốc tế.

Dựa trên nguyên lý này, người ta cần thấy được một giả thuyết tương tự trong một ngày không xa, sau khi Thế vận hội 2008 bế mạc: Xe tăng quân đội Trung quốc sẽ vượt qua sông Thì Nậm bắn phá tan hoang thành phố Lào Cai như đã xảy ra năm 1979 hoặc dùng hỏa tiển tầm ngắn từ Côn Minh bắn sập Kỳ đài ở Hà Nội với lý do rất chính đáng (như Đặng Tiểu Bình đã “dạy cho Việt Nam một bài học” đầu năm 1979) là để dạy cho Việt Nam biết “bảo vệ sinh mạng và phẩm giá” những dân tộc Mèo gốc Tàu, Dao gốc Tàu, Hmong gốc Tàu, Tày gốc Tàu… ở vùng biên giới Hoa - Việt.

Theo chủ thuyết Thực tiễn chính trị thì “bài học” này sẽ có nhiều khả năng xảy ra, vì trong tiến trình trở thành cường quốc, Trung Quốc phải có giai đoạn xây dựng “vùng ảnh hưởng”. Như Mỹ “có” Canada, Mexico và Nam Mỹ; như Nga “có” các nước Đông Âu. Trung Quốc không thể tập họp được một vùng ảnh hưởng gồm toàn những nước chư hầu như Bắc Hàn hoặc Miến Điện, nhưng Trung Quốc cũng không thể chấp nhận bị bao vây chung quanh bởi quá nhiều nước thân Mỹ (như Nam Hàn, Phi Luật Tân). Vì vậy, trái hỏa tiển làm sập Kỳ đài sẽ là một nhắc nhở cho Bắc Bộ Phủ nhớ câu: “Bán bà con xa mà mua láng giềng gần”. Huống chi “bà con xa” là đế quốc Mỹ trong khi “láng giềng rất gần” là một người khổng lồ với nhiều ân oán lịch sử không thể nào quên. Nhất là “bài học” lần này, nếu xử dụng hỏa tiễn, sẽ không có tốn kém về nhân mạng như năm 1979 và từ phía công đồng quốc tế chỉ có những phản ứng bằng mồm loại Condoleezza, Sarkozy ở cách xa ngàn vạn dặm.

Lý của kẻ mạnh (với 2 triệu rưỡi lính Tàu) thì như vậy, còn lý của kẻ yếu (với 450 ngàn lính Việt) sẽ như thế nào? Trong hoàn cảnh của “kẻ yếu” Việt Nam (yếu hơn Trung quốc về cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế) thì phải thực hiện một sách lược dài hạn “2 không, 2 làm”:

- Không trực tiếp khiêu khích để tạo cho Trung Quốc có lý do mà gây hấn. Như Georgia đã khiêu khích bằng cách tấn công hai vùng tự trị Abkhazia và Nam Otessia ngay biên giới Nga. Như Iraq đã khiêu khích bằng cách tấn công Kuwait, một trong những ổ dầu hỏa chính của Mỹ. Điều khó khăn hơn cho Việt Nam là chính Trung Quốc sẽ khiêu khích để Việt Nam phải phản ứng. Như Nga đã đem sổ thông hành phát cho cư dân hai vùng tự trị trong nước Georgia một tháng trước khi tấn công. Như Đại sứ Mỹ April Glaspie của Tổng thống G.H. Bush báo cho Saddam Hussein biết “Mỹ sẽ không có ý kiến gì” trong tranh chấp biên giới giữa Iraq và Kuwait. Quần đảo Trường Sa có phải là một khiêu khích của Trung Quốc? Phải hỏi như vậy để đừng phân tích tranh chấp Trường Sa (và mối liên hệ Hoa - Việt) một cách đơn giản và phiến diện như một số Việt Kiều đã nhận định.

- Không gián tiếp khiêu khích như Georgia cố gắng xin gia nhập tổ chức Liên minh Bắc Đại tây dương (NATO), như Ba Lan ký hiệp ước cho phép Mỹ đặt dàn hỏa tiễn nhắm vào Moscow, như Omar Torrijos đem kinh tế Panama “đi đêm” với Nhật Bản. Theo lý của kẻ mạnh, những cố gắng vượt ra khỏi vùng ảnh hưởng sẽ bị coi như một đe dọa cho an ninh của cường quốc trong vùng ảnh hưởng đó. “Vùng ảnh hưởng” là một thực thể phải chấp nhận như “tư thế cường quốc” của Mỹ, Nga, Trung Hoa là một thực thể. Nói như vậy nhưng “cường quốc” khộng có nghĩa là “bất bại”. Mỹ cuốn cờ chạy ra khỏi SàiGòn, Nga Sô vác hỏa tiễn chạy ra khỏi Afghanistan là những thí dụ nhãn tiền.

- Làm lợi cho Trung Quốc và đồng thời cũng làm lợi cho Việt Nam. Như Tổng thống Hugo Chavez rất chống Mỹ nhưng vẫn bán dầu hỏa cho Mỹ dù đã có một thị trường mênh mông ở Trung Quốc. Chavez còn đem dầu hỏa của Venezuela cho dân nghèo ở Boston, New York. Như sự thành lập Ủy ban Liên hợp Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, dù Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ là đồng minh của Nga. Việt Nam cũng đã thực hiện chính sách nầy qua những phiếu thuận với Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc. Đây là một môn “lăng ba vi bộ” rất khó biểu diễn nhưng Việt Nam đã chứng tỏ khả năng này khi vận động được cả hai đàn anh đang thù nghịch nhau cùng hợp sức yểm trợ cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Giáo sư Mieczyslaw Maneli, nhà ngoại giao chuyên nghiệp đã từng làm trưởng phái đoàn Ba Lan trong Ủy hội Quốc tế Giám sát Đình chiến tại cả hai miền Nam Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1964 đã nói về khả năng này trong cuốn hồi ký nổi tiếng War of the Vanquished (“Cuộc Chiến Của Người Bại Trận”) viết sau khi ông đào thoát chế độ Cộng sản qua tỵ nạn ở Mỹ: “Đại tá Hà Văn Lâu là một nhà ngoại giao tuyệt giỏi. Tôi chắc chắn là ông ta sẽ thấy dễ dàng một cách thoải mái khi đàm phán với phái đoàn Mỹ ở Hòa nghị Paris (từ 1968-1973) so với những ván cờ bí hiểm tay ba ông đã chơi với các đồng chí Nga Sô và Trung Hoa."(…Colonel Ha Van Lau was extraordinarily skillfull. I am certain that in Paris he found the negotiations with the American enemy almost relaxing in comparison with the sophisticated three-way chess game he played with his Soviet and Chinese friends.). Đại tá Hà Văn Lâu là sĩ quan liên lạc giữa chính phủ Hà Nội và Ủy hội Quốc tế Giám sát Đình chiến.

- Làm mạnh Việt Nam từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Xây dựng nội lực là một điều dĩ nhiên cho bất cứ quốc gia nào. Nhưng điều này có mức độ ưu tiên khác nhau trong những hình thái khác nhau tùy theo hoàn cảnh của mỗi nước. Gia Nã Đại chỉ có 62 ngàn lính (cho một lãnh thổ rộng hơn cả Trung Quốc). Bhutan, để bảo vệ môi sinh, hạn chế số khách du lịch là 17 ngàn người mỗi năm (so với 1 triệu rưỡi khách du lịch đã vào Việt Nam năm 2007). Về phương diên địa lý chính trị, Việt Nam ở bên cạnh áp lực của Trung Quốc, phải đặt mục tiêu “nội lực” ở mức độ ưu tiên cao nhất, dù chỉ để sống còn. Lý tưởng là đạt được mức hùng mạnh “từ trên lãnh đạo xuống dưới toàn dân, từ trong văn hóa đến ngoài kinh tế” như thời kỳ vua Trần Nhân Tông đã nghĩ ra và thực hiện được Hội nghị Diên Hồng trong tinh thần dân chủ đại đoàn kết để tạo lực đánh tan quân Mông Cổ ba lần trong thế kỹ 13.

Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam không thể chủ trương cô lập. Sống bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam không thể thoát được áp lực thường trực và bất tận của một láng giềng khổng lồ. Nhưng lịch sử đã chứng minh là chúng ta đã lập được nước, chúng ta đã giữ được nước chống lại những cường quốc mạnh nhất thế giới. Trung Quốc tuy lớn nhưng là lớn của một tảng đá vôi. Việt Nam tuy nhỏ nhưng là nhỏ của một viên kim cương.Vì vậy Việt Nam phải luôn luôn là một viên kim cương trước khả năng tấn công của Trung Quốc. Nhất là trong thời điểm nước Nga có thể tấn công nước Georgia một cách ung dung tự tại như vậy. Hy vọng người Việt Nam nào cũng tâm niệm điều này để hình dung được mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Nguồn: Giao Điểm Online

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com