Thứ Năm, 7 tháng 8, 2008

Cách "nhượng bộ" của Trung Quốc ở Biển Đông

Comments

Trong mấy năm gần đây, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông giữa các nước tương đối im ắng, sau khi ASEAN và Trung Quốc ký tuyên bố về ứng xử Biển Đông năm 2002.

Bản đồ khu vực quần đảo Trường Sa

Sáu nước tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa

Nhưng việc Bắc Kinh mới đây cảnh cáo công ty Mỹ Exxon Mobil không được thăm dò chung với PetroVietnam là dấu hiệu cho thấy vấn đề ngày càng phức tạp.

Một nguyên nhân là nhu cầu năng lượng gia tăng trong vùng, và tiến bộ công nghệ giúp tìm các mỏ dầu khí dưới đáy biển.

Nói chuyện với BBC ngày 31 tháng Bảy, Tiến sĩ Sujit Dutta, nghiên cứu viên cao cấp ở Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi, cho rằng Trung Quốc có thể nhượng bộ về Biển Đông – nhưng là theo cách riêng của họ.

Sujit Dutta: Trung Quốc có thể nhượng bộ, nhưng vấn đề là họ đòi chủ quyền rất rộng lớn trên Biển Nam Trung Hoa. Họ đã chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, lấy đảo của Philippines năm 1995, nghĩa là hiện họ ở trong tư thế thuận lợi để mặc cả. Đòi hỏi chủ quyền của anh đã rất lớn rồi, và bây giờ anh “nhượng bộ” chỉ là để nhả bớt mà thôi.

Đây là chiến thuật tiêu biểu của Trung Quốc trong thương lượng lãnh thổ. Nó buộc một số nước phải có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc, ví dụ như Philippines. Hay gần đây, báo chí đưa tin Nhật Bản và Trung Quốc đã có một thỏa thuận nhất định về Biển Đông Trung Hoa. Chúng ta thấy các nước đang phải điều chỉnh trước một thực tế cơ bản là Trung Quốc là thế lực đang lên.

BBC:Theo ông, Biển Đông có quan trọng với Trung Quốc đến mức họ sẵn sàng dùng vũ lực?

Họ đã dùng vũ lực rồi đấy chứ. Năm 1974, 1988 và 1995. Quả thực trong mắt Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng, trước tiên vì Trung Quốc, cũng như nhiều nước liên quan, tin rằng ở đó có dầu mỏ và khí gas. Họ tin có tài nguyên ở đó, Trung Quốc thì cần năng lượng vì thế vùng này có giá trị. Trung Quốc cũng tin rằng Biển Đông quan trọng về an ninh biển. Vì thế họ muốn đặt vùng biển này trong sự kiểm soát.

Cuộc tranh chấp dĩ nhiên không nên dẫn tới vũ lực. Nó cần được giải quyết bằng công cụ pháp lý. Nhượng bộ có thể có được, và cần có dựa trên căn bản lịch sử, luật pháp, dựa trên nền tảng ‘ai kiểm soát cái gì’. Đa số các hòn đảo đều chìm dưới mặt nước, không có người ở. Vì không có người ở trên nhiều đảo, rất khó xác định đảo nào thuộc về ai. Các đảo ở rất xa không chỉ Trung Quốc mà cả nhiều nước liên quan cuộc tranh chấp. Tôi hy vọng các bên sẽ có thể xây dựng được cơ chế để ngăn chặn xung đột xảy ra.

BBC: Quay lại vụ Exxon Mobil, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa một công ty nước ngoài. Theo ông, các công ty có thể làm gì?

Còn phụ thuộc vào mức độ đầu tư và quan hệ của Exxon với chính phủ Trung Quốc. Nếu họ muốn, họ có thể giữ nguyên quan điểm của mình. Nhưng thường thì họ sẽ phải cân nhắc quyền lợi của họ ở một nước cụ thể và so sánh với Trung Quốc.

Các công ty quốc tế, tôi nghĩ, họ đã quen với chuyện như thế này. Trung Quốc dùng thị trường khổng lồ làm công cụ ngoại giao với các công ty.

BBC: Người Việt Nam muốn Trung Quốc phải trả lại quần đảo Hoàng Sa. Nhưng ông không thấy kịch bản đó sẽ xảy ra?

Rất khó. Trung Quốc sẽ không đưa vấn đề ra tòa án giải quyết. Cái gì mà Trung Quốc đã chiếm thì họ sẽ không từ bỏ.

BBC: Vậy nhìn rộng ra toàn bộ vấn đề Biển Đông, làm thế nào Việt Nam có thể hợp tác với Trung Quốc đồng thời không tạo cảm giác là nhượng bộ quá nhiều?

Nếu Việt Nam tin rằng chủ quyền thuộc về mình, và họ có thể bảo vệ Exxon hay bất kỳ công ty nào khác trong vùng, thì họ có thể làm điều gì đó. Nhưng nếu không làm được, lựa chọn còn lại là đạt thỏa thuận chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc.

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com