Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

Việt Nam muốn tiếp tục liên doanh với ExxonMobil: Các dự án đều thuộc chủ quyền Việt Nam!

Comments

BBT: Bản tin này cập nhật lại các bài bình luận từ các hãng thông tấn lớn có sử dụng Việt ngữ. Xin lưu ý khi tham khảo các thông tin này, nên theo dõi thêm những tin tức chính thống để có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về vấn đề.

Việt Nam tỏ ý muốn tiếp tục dự án dầu khí với ExxonMobil (VOA News Việt ngữ, 25/07/2008)

Việt Nam tỏ ý muốn tiếp tục dự án liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí với công ty ExxonMobil trong hải phận có tranh chấp, mặc dù có lời đe dọa của Trung Quốc đòi công ty dầu khổng lồ này của Mỹ phải hủy bỏ việc làm ăn với Việt Nam.

Theo Thông Tấn Xã AFP, tuy không đề cập gì tới hợp đồng hợp tác sơ khởi giữa ExxonMobil và công ty PetroVietnam, Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền trên nhiều vùng thuộc biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

AFP cho biết phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố rằng: Việt Nam đã xác nhận là mọi hợp tác của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lãnh vực dầu khí đều được thực hiện trong hải phận thuộc lãnh thổ Việt Nam và trong hải phận kinh tế của Việt Nam.

Phát ngôn viên Lê Dũng nói thêm rằng những kế hoạch hợp tác vừa kể hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, đồng thời phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cũng như với các hiệp định song phương và đa phương giữa Việt Nam và các đối tác nước ngoài.

Tuần này, tờ Sunday Morning Post của Hồng Kông trích dẫn các nguồn tin thân cận với công ty ExxonMobil nói rằng Trung Quốc đòi công ty hủy bỏ hợp đồng làm ăn với Việt Nam và nói rằng hợp đồng này có thể đe dọa tới các dự án mà công ty sẽ thực hiện với Trung Quốc trong tương lai.

Bắc Kinh, lâu nay vẫn tranh chấp với một số nước khi tuyên bố chủ quyền nhiều khu vực rộng lớn trên biển Đông, cho rằng hải phận bên ngoài vùng duyên hải của miền trung và miền Nam Việt Nam, nơi diễn ra dự án thăm dò dầu khí, là một phần thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư vừa rồi, phát ngôn viên Lưu Kiến Siêu của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố rằng lập trường của Trung Quốc về biển Đông rõ ràng và không thay đổi. Theo ông Lưu, trong vụ làm ăn giữa Việt Nam và công ty Exxon Mobil, Trung Quốc đã minh định rõ lập trường của mình với các phe liên hệ. Phát ngôn viên Lưu Kiến Siêu nhấn mạnh rằng Trung Quốc chống đối mọi hành động gây phương hại tới chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên biển Đông.

Tuy nhiên, hôm thứ Năm phát ngôn viên Lê Dũng của Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho hay là Việt Nam sẽ bảo đảm mọi quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam. Ông Dũng nói rằng Việt Nam hoan nghênh và giúp cho mọi hợp tác với các đối tác nước ngoài được dễ dàng, kể cả các nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam, trên căn bản tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam.

Năm ngoái, Trung Quốc đã đả kích một kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam và công ty dầu BP của Anh gần quần đảo Trường Sa bị tranh chấp trong biển Đông. Trung Quốc nói rằng vùng này là một phần lãnh thổ không thể chối cãi được của Trung Quốc kể từ ngày xa xưa.

Trung Quốc và Việt Nam, từng đụng độ trong cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi năm 1979 sau khi Việt Nam đẩy phe Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn ra khỏi vị thế cầm quyền tại Kampuchea, còn giao tranh với nhau trong một trận hải chiến năm 1988 gần Trường Sa.

Việt Nam muốn tiếp tục liên doanh với ExxonMobil thăm dò dầu khí ở Biển Đông (RFA Việt ngữ, 24/07/2008)

Việt Nam cho biết muốn tiếp tục liên doanh thăm dò dầu khí với tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ tại vùng Biển Đông, mặc dù phía Trung Quốc vừa có cảnh báo với ExxonMobil phải bỏ kế hoạch hợp tác đó.

Lên tiếng trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm thứ Năm 24-7, phát ngôn nhân Lê Dũng của Bộ Ngọai giao Việt Nam nói là mọi hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam với phía đối tác nước ngòai đều nằm trong vùng lãnh hải và đặc khu kinh tế của Việt Nam. Tất cả thuộc chủ quyền của Việt Nam hợp với Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật Biển cũng như các thỏa ứơc song và đa phương giữa Hà Nội với các đối tác nước ngoài.

Ông Lê Dũng cũng nói thêm là chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư khi đến làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhắc lại, chính phủ Trung Quốc mói đây đã tìm cách gây áp lực buộc công ty ExxonMobil của Mỹ rút khỏi dự án hợp tác với Việt Nam trong việc khai thác dầu khí ở gần quần đảo Trường Sa.

Người dân Việt Nam không muốn chính phủ quá nhu nhược với Trung Quốc

Báo South China Morning Post phát hành ở Hong Kong hôm Chủ nhật 20-7 trích dẫn một nguồn tin ẩn danh nói là các nhà ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Washington D.C. đã gặp các giới chức cao cấp của ExxonMobil để đưa ra phản đối của họ về hợp đồng giữa tập đòan này với Petro Vietnam, vì cho rằng họat động đó có thể vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Hồi năm ngoái, Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối một hợp đồng liên kết tương tự giữa Việt Nam và hãng dầu khí BP của Anh quốc gần quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc cho là vùng lãnh thổ không thể tranh cãi của Hoa Lục.

‘Ngoại giao khôn ngoan’ với Trung Quốc (BBC Việt ngữ)

Cựu quan chức ngoại thời chính phủ Bill Clinton nói bà không tin một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc tất yếu phải xảy ra.

Susan Shirk, cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương từ 1997 đến 2000, cũng khuyên Việt Nam “không thách thức trực diện Trung Quốc” và đồng thời có “quan hệ tốt với các cường quốc khác”.

Bà Susan Shirk đã viết nhiều sách về Trung Quốc

Sau nhiều năm làm trong ngành ngoại giao Mỹ, bà Susan Shirk hiện là giáo sư chính trị học và là giám đốc Viện Hợp tác và Xung đột Quốc tế ở Đại học California, San Diego.

Kể từ lần đầu tiên tới Trung Quốc năm 1971, bà đã tập trung nghiên cứu về quốc gia hơn một tỉ dân này. Năm ngoái, bà cho ra cuốn sách mới nhất, China: Fragile Superpower (Trung Quốc: Siêu cường mong manh).

Nói chuyện với BBC Việt ngữ ngày 22/07/2008, tiến sĩ Susan Shirk cho biết ý kiến về quan hệ Việt – Trung.

Susan Shirk: Trước hết tôi sẽ đề nghị [Việt Nam] hợp tác với Trung Quốc, một điều mà Việt Nam đã làm. Không thách thức trực diện Trung Quốc.

Nhưng mặt khác, tôi cũng sẽ đặt mình vào cơ cấu đa phương trong vùng, và duy trì quan hệ tốt với các cường quốc như Mỹ, Nhật, Ấn Độ. Và có lẽ đó cũng là điều Việt Nam đang làm.

BBC: Theo bà, Việt Nam có nên tăng cường khả năng quân sự hay không?

Thật khó nói. Việt Nam và Trung Quốc đã từng có xung đột, và thực tế đó là cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc. Nên tôi hiểu Việt Nam muốn có một quân đội được kính nể.

Nhưng theo tôi, sẽ là sai lầm nếu Việt Nam nghĩ khả năng quân sự sẽ bảo đảm có an ninh. Ngoại giao thông minh, nền kinh tế mạnh, sự ủng hộ của người dân trong nước, có lẽ quan trọng hơn cho an ninh của Việt Nam.

BBC: Nếu xung đột với Trung Quốc xảy ra ở châu Á, các nước có thể trông đợi gì từ Hoa Kỳ?

Đó là câu hỏi rất quan trọng. Trước hết, trong một thập niên vừa qua, Trung Quốc nói chung chưa ứng xử như một sức mạnh quân sự hung hăng. Tôi vừa đọc tin về vụ đụng chạm mới nhất với Việt Nam, quanh công ty dầu khí của Mỹ. Nhưng nhìn chung, Trung Quốc đã không có uy hiếp quân sự tại Biển Nam Trung Hoa, hay bất kỳ đâu, trong thời gian vừa rồi.

Trung Quốc hiểu rằng các nước quan sát rất kỹ. Nếu họ có hành vi hung hăng, thì không chỉ các láng giềng mà Mỹ, Nhật sẽ có cách đối xử khác.

BBC: Về vấn đề Đài Loan, có những người lo ngại Hoa Kỳ có thể bỏ rơi hòn đảo này một khi Trung Quốc mạnh lên. Ý kiến của bà?

Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ hy sinh Đài Loan. Nhưng Hoa Kỳ suy nghĩ về quyền lợi an ninh của chính mình, cũng như về tình bạn với Đài Loan.

Trong thời của tổng thống Trần Thủy Biển, ông ta cố gắng hết sức để đưa Đài Loan đến độc lập. Và từ cả góc nhìn của Bắc Kinh và Tổng thống Bush, hành động của ông Trần rất khiêu khích. Vì thế tổng thống Bush không cảm thấy quyền lợi an ninh của Mỹ phải bị rủi ro vì một tổng thống Đài Loan, một người muốn có những hành động biểu tượng mà thực ra không có lợi gì cho người dân Đài Loan.

Chính phủ Bush đã nói rõ họ không muốn Đài Loan cư xử như vậy và không nhất thiết phải bảo đảm có sự ủng hộ 200%. Chính phủ Bush nay nói rõ với cả hai bên rằng chúng tôi tin sự hữu nghị và đối thoại xuyên eo biển có lợi cho nhân dân hai phía và cho quyền lợi an ninh của Mỹ.

BBC: Trở lại với đe dọa mới nhất của Trung Quốc với Việt Nam. Đồng ý rằng Việt Nam và Đài Loan có vị trí khác nhau trong chiến lược của Mỹ. Nhưng xin được hỏi bà, khi có những mâu thuẫn tương tự xảy ra, phải chăng khả năng “nhờ tới Mỹ” của Hà Nội là rất khó?

Hiện tại câu chuyện chỉ dừng lại ở mức độ kinh doanh. Khi nói “nhờ tới Mỹ”, tôi nghĩ chính phủ Mỹ không có quan điểm về bất kỳ vụ tranh chấp lãnh thổ nào ở các vùng khác, và vì thế Mỹ không nhất thiết đứng về bên nào.

Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ hối thúc cùng phát triển, và những cơ chế khác cho phép hoạt động kinh tế bình thường diễn ra. Chúng tôi ủng hộ luật quốc tế về biển.

Liệu quý vị có thể nhờ tới Mỹ gây sức ép mạnh trong tranh chấp lãnh thổ, Mỹ rất khó làm điều đó.

Mặt khác khi có sự đe dọa quân sự, Hoa Kỳ sẽ cố gắng đưa vấn đề ra diễn đàn khu vực, tức ASEAN.

BBC:Theo bà, liệu nhất định sẽ xảy ra đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tương lai ?

Lãnh đạo và viên chức ở Trung Quốc và Mỹ đang rất nỗ lực để ngăn chặn kết cuộc đó. Chúng tôi không tin rằng đó là điều tất yếu phải xảy ra. Có những người tin rằng khi xuất hiện cường quốc mới, tất yếu phải có chiến tranh. Nhưng chúng tôi tin ngoại giao thông minh, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, sẽ ngăn chặn xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tiến sĩ Susan Shirk

Tác phẩm mới: China: Fragile Superpower (2007)

Bằng tiến sĩ ở MIT, 1974

Phó trợ lý bộ trưởng ngoại giao, 1997-2000

Từng là thành viên ban giám đốc Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung

Dầu biển Đông (Radio Australia Việt ngữ, cập nhật 25/07/2008 6:14:35 PM)

Tài nguyên biển Đông.

Vào tuần này, công ty dầu khí quốc doanh PetroVietnam đã loan báo tiếp tục thực hiện hợp đồng liên doanh với BP và Exxon Mobil trong việc thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam. Tuy nhiên, lời loan báo vừa nêu đã đẩy hai công ty dầu khí thuộc hàng lớn nhất thế giới rơi vào vòng tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã yêu cầu Exxon Mobil hủy bỏ hợp đồng với lý do khu vực thăm dò thuộc lãnh hải Trung Quốc, riêng công ty Exxon thì từ chối rút lui. Như phóng viên Đài Úc Claudette Werden tường thuật các quan sát viên thời cuộc đang chờ xem thái độ của Trung Quốc trong vụ này vào thời gian tới.

PV: Bao quanh biển Đông là các nước Việt Nam, Phillipines, Malaysia, Brunei và Trung Quốc. Nước nào cũng tuyên bố chủ quyền cũng như tranh giành ít nhiều các vùng biển, kể cả Quần đảo Trường Sa, một nhóm hải đảo trải dài giữa biển Đông lâu nay được xem có trữ lượng dồi dào về dầu khí. Mấy năm gần đây, các nước trong vùng chủ yếu là Trung Quốc và Việt Nam đã đẩy mạnh nỗ lực thăm dò dầu khí với sự giúp đỡ của các đối tác nước ngoài, trong đó có hai công ty dầu lớn nhất thế giới là Exxon Mobil và BP.

Vị thế Trung Quốc.

PV: Nhưng theo lời một nhà tham vấn quốc tế về năng lượng, Tiến sĩ Fereidun Fesharaki, Bắc Kinh đã lại tỏ thái độ dọa nạt khi đòi công ty Exxon ngưng hợp đồng với Việt Nam viện cớ việc tìm kiếm dầu khí đã xâm phạm lãnh hải Trung Quốc. Ông cho rằng đây có thể là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm nhanh chóng xúc tiến thỏa ước lãnh hải đã thành hình giữa Trung Quốc với Việt Nam.

FESHARAKI: “Hiện nay, Việt Nam là một trong những vùng cuối cùng còn tài nguyên dầu khí, những nơi khác đều đã nằm dưới quyền kiểm soát của các công ty dầu quốc gia. Vì vậy, các tổ hợp quốc tế tìm mọi cách chiếm lĩnh; ngược lại Trung Quốc lại muốn xua đuổi những công ty này đi chỗ khác. Tất cả sự việc này khiến Việt Nam phải đi đến chỗ thành hình những thỏa thuận có lợi cho Trung Quốc.”

PV: Việt Nam khẳng định các hợp đồng thăm dò đều nằm hẳn trong lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam. Riêng Exxon Mobil, công ty này cho biết chưa ký hợp đồng thăm dò nào hết trong lãnh hải Việt Nam mà chỉ nhắm tới những dự án liên doanh với PetroVietnam về việc cùng khai thác dầu ngoài khơi Việt Nam. Tương tự như vậy hồi năm ngoái, vì tình hình căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ, công ty dầu BP đã phải ngưng tìm dầu ngoài khơi miền nam Việt Nam. Nhưng đến tuần này, BP lại loan báo tiếp tục hoạt động thăm dò với PetroVietnam.

Quyền lợi trên hết.

PV: Theo lời một chuyên gia phân tích dầu hỏa làm việc ở Singapore, Victor Shum, tuy đang đầu tư rất lớn ở Trung Quốc, cả hai công ty đều quyết định không làm theo yêu cầu của Bắc Kinh sau khi đã cân nhắc thiệt hơn.

SHUM: “Ở giai đoạn hiện nay, các tổ hợp quốc tế có vẻ tỏ ra khôn ngoan mỗi khi đương đầu với áp lực của chính phủ một nước. Bởi nếu họ nhượng bộ thí dụ như ở Trung Quốc thì sang nước khác như Nga hoặc các nước Châu Mỹ La Tinh, họ cũng sẽ phải lùi bước, cuối cùng các công ty sẽ không khai thác được gì hết. Do đó các tổ hợp dầu hỏa Phương Tây bây giờ phải chống chọi với áp lực của nhiều quốc gia. Đối với Exxon Mobil, đây không phải là lần đầu mà công ty từng phải đối phó với Venezuela. Riêng trường hợp BP, công ty cũng đã thương lượng với Nga thành ra chuyện tranh chấp chẳng mới mẻ gì đối với các tổ hợp quốc tế.”

PV: Các công ty đẩy mạnh nỗ lực thăm dò vào lúc giá xăng dầu lên cao và nguồn cung cấp giới hạn dần. Tiến sĩ Fereidun Fesharaki nhận định rằng các công ty dầu quốc tế sẽ có thể được Bắc Kinh dành cho nhiều đặc ân hơn nếu chịu nhân nhượng mà hủy bỏ hợp đồng với Việt Nam.

FESHARAKI: “Hiện nay, tổng số vốn đầu tư của BP và Exxon Mobil ở Trung Quốc lên tới cả mấy triệu đô-la. Mới đây Exxon Mobil lại vừa hoàn tất công trình xây dựng nhà máy hóa dầu cả tỷ đô-la. Tôi ước tính cả 2 tổ hợp hiện đầu tư vào Trung Quốc ít nhất 2 tỷ đô-la bao gồm các trạm xăng, những nhà máy khí đốt. Nói chung vì đã bắt rễ rất sâu đậm vào thị trường Trung Quốc, 2 công ty phải chiều ý Bắc Kinh thôi. Giả như hai tổ hợp có bỏ vốn ở Việt Nam mà Trung Quốc yêu cầu ngưng lại thì họ thể nào cũng nghe theo để được nhận những hình thức ưu đãi.”

PV: Một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Đông Tây ở Hawai, Tiến sĩ Kang Wu cho rằng Trung Quốc không còn cách nào khác ngoài việc phải lên tiếng phản đối vì vùng biển thăm dò thuộc khu vực lãnh thổ tranh chấp. Theo ông, đối với tất cả mọi bên, đây chỉ mới là giai đoạn đầu của tiến trình vận động ngoại giao mà thôi.

WU: “Nhà nước Trung Quốc lúc nào cũng muốn thể hiện lập trường. Có thể cả hai bên nghĩa là các công ty dầu quốc tế như Exxon Mobil và bên kia là nhà nước Trung Quốc đều muốn giải quyết vấn đề lãnh hải nhưng hiện thời tôi không biết rồi ra hai bên sẽ có lập trường như thế nào.”

"Các dự án đều thuộc chủ quyền Việt Nam!" (BBC Việt ngữ, cập nhật 14h22 GMT 25 Tháng 7 2008)

Bộ Ngoại giao VN khẳng định các dự án khai thác dầu khí với nước ngoài là quyền của VN và đều phù hợp luật pháp quốc tế.

VN cũng hứa sẽ bảo vệ ‘quyền lợi hợp pháp’ của các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong lĩnh vực dầu khí.

Khu vực biển Đông được cho là giàu tài nguyên dầu khí

Không nhắc tới thỏa thuận hợp tác đang gây tranh cãi với tập đoàn ExxonMobil, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng hôm thứ Năm nói với các nhà báo: “Chúng tôi khẳng định rằng tất cả các dự án hợp tác của VN với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí đều được thực hiện trong lãnh thổ và đặc khu kinh tế của VN”.

Hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận Bắc Kinh đang ép ExxonMobil rút khỏi dự án đang tiến hành với tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tại khu vực biển Đông, mà Trung Quốc gọi là Nam Hải.

Tuy nhiên, ông Lê Dũng tuyên bố trong buổi họp báo thường kỳ rằng các dự án dầu khí của VN với nước ngoài “hoàn toàn thuộc chủ quyền của VN và phù hợp Công ước Luật Biển của LHQ ký năm 1982 cũng như các thỏa thuận song phương và đa phương giữa VN và các đối tác”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN cũng nói: “VN sẽ bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ hoạt động ở VN”.

Tôn trọng chủ quyền

Ông Lê Dũng nhắc lại rằng VN hoan nghênh và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư, kể cả Trung Quốc, “trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của VN”.

Báo chí nước ngoài gần đây nói Trung Quốc thông qua các đại sứ quán tại nước ngoài đã gây áp lực lên các công ty dầu khí muốn cùng VN khai thác dầu khí tại khu vực biển đang tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu nói: “Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải rất rõ ràng và kiên định. Chúng tôi đã nói rõ quan điểm của chúng tôi cho các bên liên quan trong vụ này.”

“Trung Quốc phản đối bất kỳ hoạt động nào vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc tại Nam Hải.”

Bắc Kinh trong khi ép Exxon đã đe dọa các hợp đồng trong tương lai giữa tập đoàn này và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện chưa rõ phản ứng của ExxonMobil sẽ như thế nào tuy công ty này đã ra thông cáo nói hiện chưa có dự án khai thác dầu mà mới chỉ tiến hành ‘đánh giá sơ bộ về kỹ thuật và kinh doanh một số vị trí ở ngoài khơi’ với VN.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com