Thứ Năm, 17 tháng 7, 2008

Nhà "Hoàng Sa - Trường Sa học" giữa đất Sài Gòn

Comments

BBT: Bài viết của tác giả blogger Khải Đơn, một phóng viên trẻ vẫn đang còn sinh viên của trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM nhưng đã có nhiều bài viết khá chắc tay. Bài viết này đăng trên blog cá nhân của Khải Đơn ngày 07/07/2008.

Ông đem lại cho tôi cảm giác ấm áp kì lạ khi tôi bước chân vào ngôi nhà đầy những tấm ảnh trắng đen, những tài liệu lịch sử, một cái phản trong một cái “sân khấu ca trù” ở góc nhà. Ông mặc bộ áo giản dị màu xám và đeo một cặp kính hơi dày. Tôi thấy ánh sáng tỏa ra từ cái nhìn của ông. Sau tất cả thời gian theo dõi những sự kiện về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa vừa qua, ông là người đầu tiên tôi tìm thấy một cái nhìn nhân văn, sâu sắc và chín chắn. Có lẽ, cái con người văn hóa học, lịch sử trong ông đã làm nên điều đó. Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã làm một đứa trẻ (so với ông) như tôi phải vạn phần kính trọng.

Được mệnh danh là nhà “Hoàng Sa, Trường Sa học”, TS Nguyễn Nhã đã dành suốt 34 năm ròng kể từ sau ngày 20/01/1974 đau thương của dân tộc để nghiên cứu và chứng minh “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” như một chuyên đề ông đã cùng với các phóng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện. Hồ sơ này đã đạt giải nhất giải Báo Chí TPHCM lần thứ 26.

Bài viết sau đây của tôi về ông như một lời tôn kính đến một nhà khoa học đã dùng chính nội lực nghiên cứu của mình mà bước chân vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc.

NHÀ “HOÀNG SA - TRƯỜNG SA HỌC” GIỮA ĐẤT SÀI GÒN

Trong đợt trao giải thưởng báo chí TPHCM năm nay, người ta nhận ra trong nhóm báo Tuổi Trẻ đoạt giải A với đề tài: “Hoàng Sa, Trường Sa (HS-TS) là của Việt Nam” có một cái tên ít thấy xuất hiện trên báo chí trước đó: Nguyễn Nhã. Ông đã dành suốt 34 năm miệt mài chỉ để đi tìm chứng cứ lịch sử cho chủ quyền của VN đối với HS-TS.

Nhà của Tiến sĩ (TS) Nguyễn Nhã nằm ở một góc hẻm rất khuất và dịu mát bóng cây trên đường Trần Kế Xương. Bên trái căn phòng khách là một sân khấu ca trù với đầy đủ nhạc cụ treo trang trọng trên tường. Đàng sau nhà có một góc cho người yêu trà có không gian thưởng thức chén trà với bạn bè và thiên nhiên. Và trước mắt tôi, TS Nguyễn Nhã từ tốn kể lại những quyết định quan trọng của thời trẻ đã làm nên con đường nghiên cứu của ông với một vấn đề gai góc của lịch sử.

Cả đời với nỗi đau dân tộc

“Tết năm 74, tôi đến nhà giáo sư Nguyễn Đăng Thục chúc tết, nghe trên đài có tin Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục gợi ý tôi về vấn đề này, từ thời gian đó tôi bắt đầu nghiên cứu.” – Từ cái thời điểm lịch sử 20/01/1974 đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Nhã đã dành toàn bộ thời gian làm khoa học của mình để tìm tòi, nghiên cứu những cứ liệu lịch sử nhằm tìm ra sự thực về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo.

34 năm trôi qua và người chủ báo “Tập san Sử Địa” năm nào đã trở thành một vị tiến sĩ già đã về hưu đang vui vầy với cuộc sống gia đình ở một góc nhỏ giữa Sài Gòn. Nỗi đau của đất nước năm nào tưởng chừng đã chìm lắng xuống giờ trỗi dậy và một lần nữa đẩy Nguyễn Nhã quay trở lại cuộc đấu tranh mà cả đời ông không bao giờ dám ngơi nghỉ. Ông nâng niu quyển “Tập san Sử Địa” số 29 đã cũ màu và bung gần hết chỉ đóng. Ông đã làm nên một dấu mốc lớn của cuộc đấu tranh cho chủ quyền HS-TS của dân tộc VN.

Nguyễn Nhã cùng với nhóm nghiên cứu của ông năm 1974 đã chọn một hướng đi nghiêm túc và lâu dài đối với vấn đề HS-TS: tiếp cận vấn đề bằng khoa học và tinh thần học thuật. Ông cho rằng: “Nếu ngày đó chúng tôi tiếp cận vấn đề bằng con mắt chính trị, chúng tôi sẽ không thể giữ lại những luận cứ vững chắc của mình về vấn đề này. Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ là một cuộc đấu tranh rất lâu dài và học thuật chính là phương pháp mà chúng ta phải chú ý đến.”

Nguyễn Nhã đã không thể nào quên cái nỗi đau năm 1974 mà người Việt Nam phải gánh chịu. Ấy vậy mà, ông phải dằn nén nỗi khổ tâm ấy lại để “Tập san Sử Địa” số 29 về chuyên đề HS-TS được ra đời một năm sau đó. Thời điểm lịch sử lúc ấy rất tốt để người ta tiếp cận vấn đề bằng cái nhìn khoa học, không pha vào đó những ý đồ chính trị. Ông và nhóm cộng tác đã gìn giữ thành công kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề hệ trọng đó. Nguyễn Nhã nhớ lại: “Cuộc trưng bày về chủ đề HS-TS được tổ chức ở thư viện Tổng hợp, tôi đứng lên phát biểu khai mạc triển lãm. Tôi đã khóc. Rồi mọi người xúm lại ôm tôi khóc. Đối với tôi, có được cuộc trưng bày như thế đã là một thành công lớn của mọi người với vấn đề này. Và khi mọi người ôm tôi khóc, tôi biết ý thức về chủ quyền dân tộc luôn nằm trong huyết quản mỗi con người VN”. Đằng sau cặp kiếng dày ông đeo, ánh sáng dường như đang reo vui, nhảy múa khi ông nghĩ lại về kết quả của buổi trưng bày đầu tiên đó. Vấn đề HS-TS từ bàn giấy của những nhà khoa học đã thực sự đến được với đại chúng để cả dân tộc phải chung tay vào giải quyết. Ông tự hào chỉ cho tôi xem dòng tên: “Nguyễn Nhã” trong danh sách Ban trị sự của tờ tập san cũ.

Khi báo Tuổi Trẻ bắt đầu loạt bài về HS-TS, Nguyễn Nhã đã được mời viết về vấn đề này bằng kiến thức sử học của mình. Ông hào hứng kể lại: “Khi anh Bùi Thanh yêu cầu tôi, tôi đã đề nghị báo dành cho tôi hẳn một ngày để viết thật kĩ về vấn đề này. Tôi đã chờ đợi để được nói lên những sự thật lịch sử không ai chối cãi được về HS-TS”. Cái duyên nghề báo thuở trẻ đã cháy lại trong ông và đem lại một giải thưởng quý cho nhóm báo Tuổi Trẻ cùng với những hiệu ứng xã hội to lớn về vấn đề HS-TS.

Ngày hôm nay, ngôi nhà 191/1D, Trần Kế Xương của ông đã trở thành kho tư liệu về HS-TS cho bất kì ai mong mỏi tới tìm hiểu và nghiên cứu. Suốt 34 năm ròng rã đó, chàng trai trẻ Nguyễn Nhã ngày nào giờ đã trở thành một nhà khoa học già. Nhưng cũng trong ngần ấy thời gian, ông đã không ngừng củng cố thêm những cứ liệu sắc bén về chủ quyền của nước ta đối với HS-TS. Luận án tiến sĩ của ông sau này cũng là: “Để đấu tranh cho vấn đề HS-TS”. Ông cười dí dỏm: “Nếu tôi không làm luận án tiến sĩ là đề tài về HS-TS thì tôi không theo học nữa.”

Một phép màu hàn gắn vết thương lịch sử

“Tôi tin rằng những tranh chấp về HS-TS sẽ có thể trở thành mối hàn, nối lại những xích mích, thương đau và những chia cắt dân tộc. Dù ở phe này hay phe kia, sẽ đến lúc những người con Việt Nam nhận ra rằng họ cần phải ngồi lại cùng nhau mới có thể đấu tranh cho HS-TS.” – Nguyễn Nhã đã nói điều đó ra trong nước mắt.

Có rất nhiều người đã đến tìm ông để hỏi về HS-TS, ông đã trả lời với tất cả bằng những luận điểm khoa học và những gì mà quãng đời nghiên cứu của ông đã chứng minh. Những chia cắt về chính kiến đã đẩy người ta ra xa nhau. Còn ông, ông vẫn tin những câu trả lời luôn thống nhất của mình sẽ đem lại đóng góp để dân tộc mãi là một khúc ruột liền chặt yêu thương. Ông thấu hiểu những nhọc nhằn mà một dân tộc nhỏ phải chịu đựng để bảo vệ vị trí và sự bình yên của mình.

... và làm một điều gì đó cho đất nước

“Mỗi người VN nên làm một điều gì đó, với những kế hoạch của mình, để làm cho VN lớn lên và mạnh mẽ hơn. Có mạnh mẽ hơn thì chúng ta mới có thể đấu tranh.” - Vì những tâm niệm đó, nhà “Hoàng Sa, Trường Sa học” giờ đang là Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu Ẩm Thực Việt Nam. Với chuyên ngành nghiên cứu về văn hóa, Ts. Nguyễn Nhã chọn ẩm thực làm mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Cùng với đồng nghiệp, ông mong muốn xây dựng một nền tảng khoa học thực sự về nghệ thuật ẩm thực của người Việt. Viên gạch đầu tiên mà giờ đây ông đang kiến tạo sẽ trở thành điểm bật để “bếp Việt trở thành bếp thế giới” như người Việt vẫn mong mỏi.

Những quyển album, sách vở đầy những ghi chú, công thức, giải thích về những món ăn giờ là mối quan tâm lớn của ông. Con người Nguyễn Nhã có cái say mê của một nghệ sĩ và cái nghiêm khắc vững vàng của một nhà khoa học thực sự. Nếu ai biết về ông hẳn sẽ hiểu rằng suốt 34 năm qua, từ cái ngày 20/01/1974 đau thương đó, ông đã không ngừng lao động để đấu tranh cho chủ quyền đất nước. Và ông cũng không ngừng lao động để làm vững cái nền sức mạnh của dân tộc bằng công việc của một người thầy, một nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ở ông tỏa ra cái bình tĩnh của nhà khoa học tin vào chân lí lịch sử và sục sôi tình yêu dành cho Tổ Quốc.

Giữa cơn mưa bất chợt của Sài Gòn, Nguyễn Nhã ngồi trước mắt tôi và giở từng cái bản đồ, giở từng trang sách, từng dòng ông viết về vấn đề HS-TS ra. Ông đọc to những điều như đã luôn âm vang trong tâm hồn ông:

"Chúng tôi cũng đặt vấn đề Hoàng Sa trước lương tâm của tất cả người Việt Nam, ở bên này hay bên kia, hãy đặt quyền lợi tối thượng muôn đời lên trên mọi tranh chấp nhất thời, đừng đổ lỗi cho nhau, đừng chia cách, mà hãy nhìn thẳng vào thân phận nhược tiểu để sáng suốt tìm cách bảo vệ di sản của tiền nhân. Vấn đề Hoàng Sa như thế biết đâu là nỗ lực để tìm hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau không chối bỏ nhau và đi tới việc ngưng chém giết giữa người Việt một cách phi lý và vô ích."

Liệu có ai ngờ rằng chàng trai trẻ ngày nào trong ông đã có thể viết lên những tâm sự đau đáu và tha thiết đó trong “Tập San Sử Địa” (1975)? Riêng tôi, tôi tin rằng những dòng “đặt vấn đề” đó xuất phát từ đáy lòng của một con người yêu nước trong tận cùng nỗi đau của dân tộc.

Nguồn: Blogger Khải Đơn

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com