Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2008

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Trả lời phỏng vấn báo Việt Weekly về Hoàng Sa - Trường Sa

Comments

BBT: Chúng tôi tin bài phỏng vấn này là một tín hiệu cho thấy nhà nước đã tìm ra cách đối thoại với những "công dân xa xứ và xa dân tộc" của mình. Xin hoan nghênh vai trò tích cực của Việt Weekly trong sự nghiệp chung đoàn kết toàn dân tộc, nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ.

LTS: Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ trong mấy ngày, từ 23-26 tháng 6, 2008 của TT Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Việt Nam nhằm ký kết một số hiệp ước thương mại song phương. Tại Houston, hôm thứ Năm, 26 tháng 6, 2008, thủ tướng Dũng đã dành cho Việt Weekly một cuộc tiếp xúc, với tính cách báo chí. Vì giới hạn thời gian, những câu hỏi phỏng vấn đã được Việt Weekly gởi trước, và tại buổi gặp gỡ, TT Nguyễn Tấn Dũng tự tay trao lại những câu trả lời của ông.

°VW: Xin ông cho biết kết quả chuyến công du nước Mỹ lần này?

ª Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Từ khi bình thường hóa, trong 13 năm qua, quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ từng bước phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt những năm gần đây, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước đã được tăng cường cả về bề rộng và chiều sâu. Đối thoại, trao đổi giữa hai bên ở nhiều cấp, trong nhiều lĩnh vực, cả trên các vấn đề hai bên đã đạt được sự nhất trí cũng như các vấn đề còn tồn tại sự khác biệt, đã được tăng cường mạnh mẽ, tạo cơ sở vững chắc để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Quan hệ kinh tế - thương mại thời gian qua là một điểm sáng với việc Hoa Kỳ trở thành đối tác kinh tế - thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Thương mại hai chiều tăng nhanh, năm 2007 đạt trên 12 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2006, đứng thứ ba trong số trên 220 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam; Hoa Kỳ đã có gần 400 dự án đầu tư trực tiếp đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn trên 4 tỷ USD, nếu tính cả đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ qua nước thứ ba, tổng số vốn lên đến 7.6 tỷ USD, đứng thứ 6 trong số trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hợp tác trên các lĩnh vực khác như: y tế - nhân đạo, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục - đào tạo, lao động, an ninh cũng có những tiến triển tích cực.

Trong chuyến thăm này, Tôi đã có cuộc hội đàm rất thành công với Ngài Tổng thống trên tinh thần hữu nghị, xây dựng và hiểu biết lẫn nhau.

Tôi và Ngài Tổng thống vui mừng nhận thấy quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những phát triển nhanh chóng theo hướng, “đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.

Chúng tôi nhất trí với nhau trên nhiều vấn đề và đã nêu đầy đủ trong Tuyên bố chung. Tôi xin thông báo một số nội dung chính sau đây:

1. Chúng tôi nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại mới của các quan chức cấp cao hai bên về các vấn đề chiến lược về kinh tế, giáo dục, môi trường, khoa học, quốc phòng, an ninh. Tổng thống Bush tái khẳng định ủng hộ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

2. Tổng thống Bush khẳng định Hoa Kỳ đang xem xét tích cực đề nghị của Việt Nam được tham gia chương trình Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP) và ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc Hoa Kỳ công nhận Quy chế Kinh tế Thị trường. Hoa Kỳ khẳng định đang xem xét nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam. Hai bên cũng thỏa thuận sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Đầu tư Song phương (BIT).

3. Hai bên thỏa thuận sẽ thành lập một Nhóm Đặc trách Giáo dục Cấp cao để thúc đẩy có hiệu quả về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

4. Hai bên nhất trí thành lập một Tiểu ban mới để giúp Việt Nam nghiên cứu đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

5. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại như: tìm kiếm MIA, tháo gỡ bom mìn, khắc phục hậu quả chất độc da cam, tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tôi là sự tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, với mong muốn Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, các dân tộc trong cộng đồng quốc tế. Và tiếp tục tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Hoa Kỳ trong khuôn khổ mà Lãnh đạo hai nước đã xác định.

Tôi hy vọng với những kết quả đạt được của chuyến thăm này, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ được nâng lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.

°VW: Ông đánh giá chung về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và Việt Nam - Trung Quốc hiện tại như thế nào? Liệu Việt Nam và Hoa Kỳ gần nhau hơn có làm cho Trung Quốc khó chịu không?

ª NTD: Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế trên tinh thần, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” và với một vị thế mới của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, chưa bao giờ Việt Nam lại có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước lớn như hiện nay, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang phát triển sâu rộng theo khuôn khổ đối tác hữu nghị, xây dựng và hợp tác nhiều mặt bình đẳng cùng có lợi.

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời. Hai bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm, “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, bình đẳng và cùng có lợi, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đang phát triển tốt đẹp, đáp ứng lợi ích của các bên và đóng góp cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

°VW: Một mặt Việt Nam mong muốn có quan hệ kinh tế và ngoại giao tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng mặt khác Việt Nam cần khẳng định chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Làm sao Việt Nam có thể quân bình được hai nhu cầu này?

ª NTD: Việt Nam luôn luôn coi việc phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện, bền vững với Trung Quốc là chủ trương nhất quán và một ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt-Trung thời gian qua tiếp tục được thúc đẩy, cả chiều rộng và chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai nước.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng liên quan đến vấn đề biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề trên biển Đông. Hai bên thỏa thuận cùng nhau giữ gìn ổn định tình hình Biển Đông; tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển; kiên trì thông qua đàm phán hòa bình, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà các bên có thể chấp nhận được, phù hợp với Luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là “Công ước Luật biển” năm 1982 của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước ASEAN đã cùng Trung Quốc ký và đang triển khai thực hiện, “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) và đã nhất trí xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).

Chúng tôi cho rằng, việc giải quyết vấn đề Biển Đông theo các thỏa thuận và định hướng trên đây là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các bên có liên quan, có lợi cho hòa bình và hợp tác và phát triển ở khu vực.

°VW: Xin ông cho biết cách thức Chính phủ Việt Nam giải quyết tình trạng lạm phát cao, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và tình trạng biểu tình khiếu kiện ở một số địa phương trong thời gian gần đây ở Việt Nam? Theo ông, triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai gần (2008-2009) và xa (2010-2020) như thế nào?

ª NTD: Trong những tháng gần đây lạm phát ở Việt Nam tăng cao. Có nguyên nhân khách quan là tình trạng giá cả và lạm phát tăng cao trên thế giới, thiên tai và dịch bệnh xảy ra liên tiếp trong nhiều năm ở trong nước, gây thêm nhiều khó khăn cho nhiều ngành sản xuất. Bên cạnh đó, có nguyên nhân chủ quan là những yếu kém bất cập nội tại của nền kinh tế. Chính phủ xác định kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để ổn định nền kinh tế vĩ mô và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ 8 nhóm biện pháp để kiềm chế lạm phát, trong đó đặc biệt chú ý các biện pháp an sinh xã hội, hỗ trợ giúp đỡ người nghèo, có thu nhập thấp. Các biện pháp này được sự đồng thuận, hậu thuẫn của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp và đang phát huy tác dụng.

Khiếu kiện của người dân hiện nay chủ yếu về vấn đề bồi thường khi thu hồi đất. Chính phủ Việt nam đang khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn chỉnh các quy định pháp luật về đất đai. Thực hiện tốt việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời chỉ đạo chính quyền các cấp phải đặc biệt quan tâm giải quyết các khiếu kiện của công dân theo đúng pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, của từng vụ việc, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và không để khiếu kiện kéo dài.

Trong suốt quá trình phát triển, Việt Nam luôn chú ý thực hiện đồng thời tiến bộ và công bằng xã hội, kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, phát triển văn hóa, y tế, giáo dục..., tạo điều kiện cho các bộ phận dân cư nghèo tiếp cận tốt hơn các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản. Việt Nam đã thực hiện khá toàn diện và hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ và được Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước đi đầu, hình mẫu về xóa đói, giảm nghèo.

Với mục tiêu phấn đấu cao nhất là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Việt Nam sẽ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; phấn đấu là nước có thu nhập bình quân đầu người khoảng 1,200 USD vào năm 2010, và cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

°VW: Xin ông cho biết cải tổ chính trị của Việt Nam sẽ theo mô hình nào? Vai trò của Quốc hội, tình hình cải cách tư pháp và vai trò của báo chí ở Việt Nam sẽ như thế nào?

ª NTD: Công cuộc đổi mới ở Việt Nam được tiến hành đồng bộ và toàn diện cả về kinh tế và chính trị, trong đó trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đề cao vai trò của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và có chức năng giám sát tối cao. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan hành pháp thống nhất, thông suốt, hiện đại. Xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, quyền con người.

Ở Việt Nam báo chí hoạt động theo Luật báo chí. Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng vai trò của báo chí trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Báo chí thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân và được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hoạt động độc lập, khách quan, phát huy đúng vai trò của mình, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân.

°VW: Các nhà dân chủ và bất đồng chính kiến có chỗ đứng nào trong sinh hoạt chính trị của Việt Nam hay không?

ª NTD: Đảm bảo dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu, “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách nhằm bảo đảm và phát huy các quyền tự do, dân chủ của người dân với việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, xác định các hình thức tổ chức và có cơ chế để người dân thực hiện tốt quyền dân chủ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; tham gia công việc chung của đất nước. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và phát huy các quyền tự do, dân chủ của người dân đã đem lại nhiều thành quả được cộng đồng quốc tế công nhận.

Việt Nam có nhiều tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân và hội quần chúng, để mọi người dân bày tỏ nguyện vọng, ý kiến của mình. Nhiều văn kiện, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam đều được đưa ra tham khảo lấy ý kiến nhân dân trước khi được ban hành. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân, kể cả việc phê bình, góp ý kiến về một số bất cập còn tồn tại trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không cho phép việc lợi dụng quyền tự do dân chủ để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, kích động chống Nhà nước Việt Nam. Những trường hợp này phải bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

°VW: Ông đánh giá quan hệ của Việt Nam với cộng đồng người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài như thế nào?

ª NTD: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với hơn 3 triệu người định cư, làm ăn sinh sống ở trên 90 nước và vùng lãnh thổ là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chiếm gần 50% cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, bà con người Việt ở Hoa Kỳ đã và đang trở thành cộng đồng có nhiều thành công về mọi mặt, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học và kinh doanh và có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của quê hương đất nước cả về kinh tế, tri thức, trình độ quản lý, kinh nghiệm… Bên cạnh đó, người Việt ở Hoa Kỳ đã và đang góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chính phủ Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam hoan nghênh, chào đón bà con ở nước ngoài về thăm nom, làm ăn, và góp sức xây dựng quê hương đất nước. Chính phủ Việt Nam tạo mọi thuận lợi, đáp ứng những nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đồng bào trong các vấn đề như thị thực, bảo lãnh hồi hương, mua nhà ở Việt Nam... và tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho bà con có nguyện vọng về nước làm việc, đầu tư kinh doanh.

°VW: Ông có cảm nghĩ gì khi thấy những người Việt biểu tình chống đối chính phủ Việt Nam trong những cuộc công du ở nước ngoài? Ông muốn nói với họ điều gì?

ª NTD: Cùng với quá trình đổi mới đi lên của đất nước, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang ngày càng đoàn kết, vững mạnh, góp sức ngày càng nhiều vào công cuộc xây dựng nước sở tại và xây dựng quê hương đất nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của bà con Việt kiều vào việc xây dựng đất nước của mình và xây dựng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người chưa hành động như vậy, do có thể bị mặc cảm từ quá khứ hoặc do thiếu thông tin về tình hình quê hương đất nước của mình. Tôi rất mong và tin tưởng rằng, sớm muộn gì những người này sẽ thay đổi tích cực vì rằng, không thể có người Việt Nam nào lại thù hận mãi với đồng bào mình, đất nước mình, trong khi đất nước quê hương và đồng bào mình luôn sẵn lòng khoan dung chào đón họ. Tôi cũng mong cộng đồng người Việt ở nước ngoài giúp đỡ để những người này cùng chung sức đóng góp xây dựng cộng đồng, xây dựng nước sở tại và góp phần mình vào chung sức xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu mạnh.ª

Nguồn: Việt Weekly

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com