Thứ Năm, 24 tháng 7, 2008

Đằng sau lời đe dọa của Trung Quốc

Comments

Báo điện tử Asia Times vừa có bài của tác giả Peter Navarro nói về bất đồng mới nhất xung quanh chuyện thăm dò dầu khí ở khu vực biển Đông. Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý vị:

Hải quân Trung Quốc

Quân đội Trung Quốc thuộc hàng hùng mạnh nhất thế giới

Trong một bất đồng nữa liên quan tới quyền khai thác dầu ở khu vực Nam Hải (mà Việt Nam gọi là Biển Đông), Trung Quốc đã bắn súng cảnh báo tập đoàn ExxonMobil. Bắc Kinh tức giận vì Exxon muốn hợp tác với PetroVietnam để thăm dò dầu khí trong vùng biển quanh các quần đảo Spratlys và Paracels (Trường Sa và Hoàng Sa) còn tranh chấp.

Trung Quốc đã cảnh báo Exxon phải rút khỏi dự án, mà Bắc Kinh mô tả là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Cuộc tranh cãi mới nhất này mang lại nhiều nguy cơ, nhưng cũng có nhiều điều cần tìm hiểu thêm về chính sách biển của Trung Quốc.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng của Hoa Kỳ, khu vực Nam Hải (biển Đông) có trữ lượng dầu chắc chắn khoảng bảy tỷ thùng; và khảo sát địa chất của Mỹ cho hay có thể có khoảng 20 tỷ thùng nữa.

Về phần mình, Trung Quốc đánh giá một cách lạc quan rằng trữ lượng phải lên tới 200 tỷ thùng. Có nghĩa là Trung Quốc có thể khai thác hai triệu thùng mỗi ngày, tương đương 25% mức tiêu thụ, ước tính khoảng 8 triệu/ngày.

Phần lớn trữ lượng chưa được khai thác đó được tin là nằm ở khu vực các quần đảo đang tranh chấp.

Đối đầu?

Trung Quốc thiết lập nhiều căn cứ hải quân tại Nam Hải

Các đảo Hoàng Sa nằm xa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines một khoảng cách tương đương nhau; và ba nước Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Tuy nhiên, Trung Quốc là nước gần như thống lĩnh tại khu vực Hoàng Sa.

Năm 1974, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình chiến sự giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam để đánh chiếm Hoàng Sa, lúc đó đang do quân đội miền Nam Việt Nam nắm giữ.

Các đảo Trường Sa thì hiện đang được Trung Quốc, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền. Tại đây các đảo lớn nhỏ cũng có trữ lượng dầu tuy chưa xác định nhưng được tin là rất lớn.

Với giá trị cao như vậy, không ngạc nhiên rằng Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đụng độ vũ trang xung quanh quần đảo này. Năm 1988, đã có một trận hải chiến mà sau đó TQ chiếm thêm sáu đảo và rặng san hô nữa.

Năm 1994, tàu chiến của Việt Nam đã hộ tống thuyền thăm dò của Trung Quốc khỏi khu vực tranh chấp.

Vụ Exxon xảy ra sau một nỗ lực thành công khác của Trung Quốc trong việc đẩy một công ty dầu khí nước ngoài khác khỏi quần đảo Trường Sa. Năm ngoái, đe dọa tương tự của Trung Quốc đã khiến tập đoàn BP phải ngừng dự án hợp tác khai thác khí trị giá hai tỷ đôla với Việt Nam.

Hành động mới của Trung Quốc sẽ chỉ làm tăng căng thẳng giữa hai nước vốn có hai quân đội thuộc loại lớn. Quân đội Trung Quốc lớn nhất thế giới, còn quân đội Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á.

Trong khi quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Việt Nam gần đây đã phát triển tốt đẹp, các tiền đề lịch sử và chính trị giữa hai bên vẫn là thù hằn và thiếu tin tưởng.

Chưa có bên nào quên đi một 'cuộc chiến Việt Nam' khác xảy ra năm 1979.

Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam với xe tăng và khoảng 90.000 quân lính để trả thù hành động thân Nga của Việt Nam tại Campuchia. Chỉ trong mười ngày, từ 40.000 tới hơn 100.000 lính Trung Quốc và Việt Nam tử trận, theo các thống kê khác nhau.

Con số này có thể còn nhiều hơn số lính Mỹ chết trong cuộc chiến hơn mười năm ở Việt Nam (52.000).

Vị thế địa chính trị

Bắc Kinh tăng cường chiến lược biển

Và chúng ta không chỉ nói về quy mô quân đội. Trung Quốc đã xây dựng một loạt căn cứ quân sự tại Nam Hải và Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất tìm cách phát triển cơ sở hải quân nước sâu để đối trọng Hoa Kỳ.

Mục tiêu chính là để bảo vệ eo biển Malacca trong trường hợp xung đột và Hoa Kỳ cấm vận dầu lửa.

Eo biển nhỏ hẹp này nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và thường xuyên bị coi là điểm xung đột hàng hải.

Nó mang giá trị chiến lược cao vì đa phần dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu cho cỗ máy kinh tế của mình phải qua con đường này. Bắc Kinh lâu nay đã sợ rằng Mỹ sẽ chặn đường lưu thông qua Malacca nếu quan hệ hai bên xấu đi thí dụ về vấn đề Đài Loan hay một vấn đề nào khác.

Các căn cứ ở Nam Hải và tiềm lực hải quân ngày càng mạnh của Trung Quốc cũng mang một nghị trình chiến lược khác chứ không chỉ để bảo vệ con đường hàng hải quan trọng nói trên.

Chúng tạo ra một sự 'khoanh vùng' của Trung Quốc bao quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giàu năng lượng. Chi tiết này đã không qua được mắt Việt Nam cũng như Hoa Kỳ, khi dân biểu Dana Rohrabacher từ năm 1998 đã nhắc tới nó.

Tất nhiên bi kịch hiện nay là việc Trung Quốc hà sách, đe dọa, đang làm chậm trễ thêm quá trình khai thác nguồn tài nguyên dầu khí mà cả khu vực cần trong bối cảnh thị trường năng lượng ngày càng thu hẹp.

Một sự hợp tác để khai thác các trữ lượng này sẽ tăng lợi ích cho tất cả các quốc gia đang tranh chấp, đồng thời giảm áp lực lên thị trường dầu lửa quốc tế.

Peter Navarro là giáo sư về kinh doanh tại Đại học California-Irvine, bình luận cho kênh CNBC và là tác giả cuốn The Coming China Wars (FT Press).

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com