Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2008

GS. Joseph Cheng: "Trung Quốc và Việt Nam đều cần môi trường quốc tế hòa bình"

Comments
Tháng 12 năm 2000, trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương, hai nước đã đạt thỏa thuận giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài ở Vịnh Bắc Bộ.

Trước đó, vào tháng Ba 1999, họ cũng có thỏa thuận để phân định đường biên giới trên bộ.

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi đó không được bàn đến, mặc dù trong thông cáo chung được công bố, hai phía “đồng ý duy trì cơ chế thương lượng hiện nay về vấn đề biển”.

Đối phó chắp vá

Vì quần đảo Hoàng Sa đã nằm trong tay Trung Quốc và đó lại là tranh chấp song phương Trung – Việt, Trường Sa trở thành tranh chấp lãnh thổ quan trọng nhất giữa Trung Quốc và các nước đòi chủ quyền – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Đài Loan cũng đòi chủ quyền với Trường Sa, nhưng nói chung họ bị bỏ qua trong quá trình đàm phán.

Một đảo thuộc Trường Sa

Trường Sa là tranh chấp chính giữa nhiều nước trong ASEAN với Trung Quốc

Trung Quốc và Việt Nam không hy vọng tranh chấp Trường Sa được giải quyết trong tương lai trước mắt.

Đồng thời, hai nước tin rằng mình chia sẻ quyền lợi chung khi gìn giữ môi trường ổn định, hòa bình trong khu vực để có thể tập trung phát triển kinh tế.

Nhưng các va chạm ngoại giao thường xuyên và thỉnh thoảng lại có căng thẳng quân sự đã xảy ra vì quần đảo này, và hai nhà nước đã đối phó chúng một cách chắp vá.

Mặc dù hầu như không có nguy cơ xảy ra khủng hoảng quân sự trong vùng, nhưng việc cho phép tình hình trên tiếp tục hoài chắc chắn là rủi ro và không đi đến đâu. Vì thế, tìm ra cơ chế ổn định và các biện pháp xây dựng niềm tin là bài toán khó cho quan hệ Việt – Trung và Trung Quốc – Asean.

Mấy năm gần đây, một mặt, hợp tác kinh tế Việt – Trung phát triển, và cả hai chính phủ rất muốn tiếp tục xu hướng này.

Đồng thời, họ vẫn không bỏ qua cơ hội củng cố quan điểm về vấn đề lãnh thổ. Xu hướng này được chủ nghĩa dân tộc đang lên hậu thuẫn ở cả hai nước, và cũng vì tầm quan trọng gia tăng của năng lượng trong chiến lược phát triển kinh tế của họ.

Quan hệ chiến lược

Trung Quốc nay là nguồn nhập khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, và là thị trường xuất khẩu thứ ba sau Mỹ và Nhật.

Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng từ 120 triệu đôla mỗi năm hồi cuối thập niên 1990, lên 1.2 tỉ đôla năm 2007. Vùng kinh tế biên giới ở Lào Cao, Hải Phòng và Quảng Ninh dự kiến sẽ hoạt động trước năm 2011.

GS. Joseph Cheng

Chuyến thăm hồi tháng Năm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến Trung Quốc là trong bối cảnh này.

Trong chuyến thăm, hai nước đã đẩy quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. Các lãnh đạo Trung Quốc đề nghị đẩy nhanh việc soạn thảo và thi hành chương trình hợp tác kinh tế năm năm, và mở các dự án lớn về công nghiệp, hạ tầng và năng lượng.

Ở cấp độ tỉnh, người ta cũng rất phấn khởi. Bí thư Quảng Đông và là thành viên Bộ Chính trị đã thăm Việt Nam trong tháng Chín, nói rằng Quảng Đông muốn tăng gấp đôi đầu tư vào Việt Nam, lên 5 tỉ đôla trong ba năm tới.

Nhưng những nỗ lực hợp tác vẫn chưa đủ để gác lại tranh chấp lãnh thổ. Năm 2007, hai chính phủ đều đưa ra tuyên bố mạnh mẽ khẳng định chủ quyền. Đã có đụng độ giữa tuần duyên Trung Quốc và tàu đánh cá Việt Nam gần Hoàng Sa, trong khi cũng có các vụ biểu tình chống Bắc Kinh ở Hà Nội và TP. HCM.

Căng thẳng nảy sinh

Căng thẳng lại nảy sinh ở Biển Nam Trung Hoa hồi tháng Bảy khi cả ExxonMobil và BP dường như sẵn sàng bỏ qua cảnh báo của Trung Quốc để tiếp tục hoạt động dò tìm dầu ngoài khơi Việt Nam cùng với PetroVietnam.

Ngày 22 tháng Bảy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này phản đối mọi hoạt động “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa”. Một cảnh báo tương tự hồi năm ngoái đã khiến BP dừng kế hoạch dò tìm cũng ở chính khu vực này.

Có tin nói rằng đại sứ Trung Quốc ở thủ đô Washington đã liên tục cảnh báo các giám đốc ExxonMobil rằng kinh doanh của họ ở Trung Quốc có thể bị tổn thương nếu tiếp tục thỏa thuận dò tìm với PetroVietnam.

Phản ứng của chính phủ Bush kín đáo nhưng rõ ràng. Đại sứ Michael Michalak ở Hà Nội nói: “Các công ty có quyền quyết định làm việc ở đây và với ai”. Vị đại sứ cũng chỉ ra tuyên bố giữa Tổng thống Bush và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo đó, Washington ủng hộ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.

Trong khi đó, công ty Husky Energy của Canada, thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Hong Kong Li Ka-shing, loan báo sẽ chuyển dàn khoan nước sâu xây ở Nam Hàn sang Biển Nam Trung Hoa để bắt đầu đào giếng dầu từ tháng Chín.

Đây sẽ là giếng đầu tiên trong bốn giếng của một mỏ mà Husky Energy và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) nói họ tìm thấy vào tháng Sáu 2006 ở khu vực phía bắc của Biển Nam Trung Hoa.

Bắc Kinh cũng đang xây dựng thiết bị dò tìm nước sâu của riêng họ; cái đầu tiên chưa thể có trước năm 2011. Những diễn biến này cho thấy sự thi đua khai thác năng lượng ở Biển Nam Trung Hoa đã tăng tốc.

Dò tìm chung?

Lãnh đạo Trung Quốc vẫn thường nói họ muốn hợp tác khai thác năng lượng ở các vùng tranh cãi và gác lại tranh chấp lãnh thổ.

Hồi tháng Bảy, một thỏa thuận với Nhật Bản ở Biển Đông Trung Hoa đã đạt được dựa trên nguyên tắc này. Trung Quốc chắc chắn hy vọng lặp lại mô hình với Việt Nam.

Mặc dù mùa hè này chứng kiến căng thẳng gia tăng ở Biển Nam Trung Hoa, nhưng đã có tiến bộ về biên giới đường bộ trong đàm phán cấp thứ trưởng song phương.

Tóm lại, cả Trung Quốc và Việt Nam cần môi trường quốc tế hòa bình để tập trung phát triển kinh tế. Điều này có nghĩa là hai nước sẽ tìm cách kiềm chế tranh chấp lãnh thổ.

Nhưng chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở cả hai nước sẽ khiến lãnh đạo không thể tránh việc bày tỏ thái độ cứng rắn.

Vào thời điểm này, người ta nhận ra cách đối phó vấn đề như thế cũng có giới hạn của nó.

Tiểu sử GS. Joseph Cheng:

- Chủ tịch sáng lập Hội Nghiên cứu châu Á ở Hong Kong

- Chủ biên sáng lập tạp chí Hong Kong Journal of Social Sciences và The Journal of Comparative Asian Development

- Giáo sư chính trị học ở City University of Hong Kong

Nguồn: BBC Việt ngữ

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com