Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Báo Đất Việt phát động chương trình ‘Nước ngọt cho Trường Sa’

Comments
Sáng 9/3, Lễ phát động chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa" diễn ra trọng thể tại tòa soạn báo Đất Việt.

(ĐVO) Nội dung chương trình nhằm kêu gọi các đóng góp từ nhiều nguồn lực nhằm cung cấp các máy lọc nước cho các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.

Biển đảo có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã có nhiều hành động thiết thực để chăm lo cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Hiện nay, giải quyết nguồn cung nước ngọt cho quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK01… vẫn tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội.

TBT Báo Đất Việt phát biểu khai mạc trong lễ phát động. Ảnh: Như Ý

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Hữu Nghị, Tổng biên tập báo Đất Việt, cho biết: “Chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa" nhằm góp phần khơi dậy và vun đắp tình yêu nước, yêu biển đảo cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Đây là một hành động thiết thực nhằm kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ bộ đội Trường Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, góp phần tuyên truyền giáo dục ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, và chung tay góp sức cùng Trường Sa. Chương trình cũng nhằm góp phần giải quyết một vấn đề lớn ở Trường Sa hiện nay, đó là thiếu nước ngọt.”

Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh.

Trả lời phỏng vấn của Đất Việt, Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh – Phó chủ nhiệm Chính trị (Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân) : “Lực lượng Hải quân rất hoan nghênh tinh thần vì Trường Sa, điều này sẽ góp phần giải quyết cung cấp nước ngọt cho bộ đội trên đảo. Qua đó, giúp một phần đảm bảo sức khỏe người chiến sĩ trên đảo xa hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Việt Nam.”

Tại buổi lễ, Công ty F Cubed quyết định trao tặng 5 hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất nước ngọt từ nước biển có tên gọi Carocell. Với 5 tấm Carocell này (có tổng diện tích 15m2) có thể cung cấp được 120 lít nước ngọt tinh khiết mỗi ngày.

Chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa” kêu gọi đồng bào cả nước, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, đoàn thể, các nhà hảo tâm… tham gia đóng góp. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được chuyển cho BTL Hải quân mua thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt để trang bị cho các đảo và nhà giàn, khắc phục một phần khó khăn về nước ngọt ở Trường Sa hiện nay.

* Thời gian tiếp nhận đóng góp: Từ 0 giờ ngày 9/3/2012 đến hết ngày 8/5/2012.

* Các phương thức đóng góp:

1. Chuyển khoản vào tài khoản đã mở riêng cho chương trình này tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Nội dung ghi rõ “Nước ngọt cho Trường Sa”.

Tên tài khoản: Báo Đất Việt
Số tài khoản đồng Việt Nam: 0691133338888
Số tài khoản USD : 0691133668888
Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Hoàn Kiếm.

2. Đóng góp bằng tiền mặt hoặc thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt trực tiếp cho Tòa soạn Báo Đất Việt tại trụ sở chính 108 Trường Chinh, Hà Nội, hoặc Văn phòng của báo Đất Việt tại 174 Hoa Lan, Q. Phú Nhuận, TP. HCM.

Cán bộ, nhân viên báo Đất Việt đóng góp cho chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa".


3. Nhắn tin qua đầu số nhân đạo 14** mà Bộ TT-TT cho phép khai thác, với giá trị mỗi tin nhắn 10.000 đồng. Đầu số này sẽ được thông báo cụ thể trên báo in và báo điện tử Đất Việt và trên các kênh sóng của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, sau khi được Bộ TT-TT chính thức cấp phép.

Mọi đóng góp của đồng bào, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể, các nhà hảo tâm…sẽ được vinh danh trên báo in và báo điện tử Đất Việt và trên các kênh sóng của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Mọi thông tin về chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”, xin vui lòng liên hệ:

Ban tổ chức chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”.
Địa chỉ: 108 Trường Chinh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại đường dây nóng của BTC: 04.36290080 (máy lẻ: 181)

>> Sức sống mới trên quần đảo Trường Sa
>> Cận cảnh hệ thống năng lượng sạch ở Trường Sa

>> 'Phép thử' và lòng yêu nước
>> Thách thức Biển Đông và 'chiếc nỏ thần' Việt Nam

Lê Nam
Hieu

Gửi bạn Nguyễn Tuấn Huy: Hoan nghênh bạn đóng góp ý kiến đề xuất. Nhưng vấn đề đặt ra là lấy đâu vật liệu vừa đủ bền để vừa kinh tế có thể hoạt động lâu dài ở giữa không khí đầy hơi nước muối bởi vì ngay cả vũ khí ở ngoài đó hàng năm phải thay đổi do không khí biển ăn mòn chứ không như ở trong đất liền. Biện pháp đang được sử dụng là dùng sắc ký nhưng lượng nước chỉ đủ dùng và đắt.



đình anh

Gửi bạn Tuấn Huy: Nguyên tắc bạn nêu ra là đúng, ngay chính tôi cũng đang lọc nuớc máy lạnh để uống vì nó gần như tinh khiết (sau khi lọc bụi bẩn) nhưng luợng điện để chạy thiết bị lạnh rất lớn dễ hư hỏng với khí hậu biển và không phù hợp với nhu cầu tác chiến, dùng hệ thống mặt trời cũa các bạn trẻ gửi ra đảo là phù hợp nhất.



Nguyễn tuấn Huy

Tôi xin đề nghị quân chủng hải quân chế tạo thiết bị làm ngưng tụ nước từ không khí bằng sức gió. Về nguyên tắc rất đơn giản. Ở vùng biển đảo, sức gió là vô tận đồng thời độ ẩm trong không khí rất cao nên việc tách nước từ không khí là rất khả thi để cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt chiến sĩ một cách rẻ tiền. Nguyên lý chung của thiết bị là dùng sức gió để tạo năng lượng để vận hành hệ thống làm lạnh không khí. Nước trong không khí khi bị làm lạnh sẽ ngưng tụ lại tạo giọt và sẽ được thu vào thùng chứa. Không khí sau khi làm mát sẽ được cung cấp cho sinh hoạt chiến sĩ.

Về cách chế tạo thiết bị có 2 nguyên lý.

Nguyên lý gián tiếp: Dùng sức gió để vận hành máy phát điện bằng sức gió. Sau đó dùng điện thu được để vận hành máy lạnh (máy điều hoà)để làm mát không khí và ngưng tụ nước.

Nguyên lý trực tiếp: là dùng sức gió để vận hành trực tiếp hệ thống bơm dung môi làm lạnh đẩy dụng môi làm lạnh chuyển động tuần hoàn trong dàn lạnh thu nhiệt của môi trưòng làm lạnh không khí.

Nguyên lý trực tiếp đơn giản hơn, mà không cần nhiều thiết bị phụ trợ về điện. Dễ ứng dụng hơn.

Nếu hoạt động suốt ngày đêm sẽ tạo ra một lượng nước đáng kể. Đây là ý tưởng nhỏ. Mong báo Đất Việt chuyển đến những cán bộ có chức năng ở quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng để nghiên cứu triển khai phục vụ cho chiến sỹ biên giới hải đảo.

Trân trọng!



Trần Kiên
Tôi rất tán thành với ý kiến của Bạn Bùi Công Chính: Toà soạn nên mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác như BIDV, VCB... để chuyển từ máy ATM cho thuận lợi. Cảm ơn Toà soạn về ý tưởng hết sức ý nghĩa này.

Bùi Công Chính

Rất tán thành sáng kiến trên, tuy nhiên xin góp ý với quý Báo nên mở thêm tài khoản ở các Ngân hàng khác như VCB, Nông Nghiệp, Công Thương... để mọi người tiện chuyển khoản. Nếu không cứ mỗi lần chuyển khoản trái hệ thống đã tốn hàng chục ngàn lệ phí rồi. Tôi đang chờ nếu có TK ở VCB tôi sẽ đóng góp. Cảm ơn!

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com