Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2007

Thông tin về quần đảo Hoàng Sa

Comments

Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Anh: Paracel Islands; Trung Quốc gọi là 西沙群島 - Quần đảo Tây Sa) là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông (xem Đảo Biển Đông), cách miền trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Philippines. Cách Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) của Việt Nam khoảng 200 km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 km.Quần đảo Hoàng Sa (tiếng Anh: Paracel Islands; Trung Quốc gọi là 西沙群島 - Quần đảo Tây Sa) là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông (xem Đảo Biển Đông), cách miền trung Việt Nam khoảng một phần ba khoảng cách đến những đảo phía bắc của Philippines. Cách Cù lao Ré (đảo Lý Sơn) của Việt Nam khoảng 200 km, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 km.

Hình:Paracel Islands-CIA WFB Map.png

Địa lý

  • Tọa độ địa lý: từ 15°45′ đến 17°15′ Bắc, từ 111°00′ đến 113°00′ Đông
  • Chu vi bờ biển: khoảng 518 km
  • Khí hậu: nhiệt đới
  • Độ cao: chỗ thấp nhất 0 m (biển Đông), chỗ cao nhất 14 m (địa điểm chưa có tên ở đảo Rocky)
  • Tài nguyên: thiếu
  • Nguy hiểm tự nhiên: bão
  • Tên các đảo (huyện đảo Hoàng Sa): chia thành hai nhóm
    • Nhóm Đông (Amphitrite Group; Việt Nam Cộng Hòa gọi là "nhóm An Vĩnh", nguyên là tên của một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi thời trước; Trung Quốc gọi là 宣德群島 - Quần đảo Tuyên Đức): đảo Cây (Tree Island), còn gọi là đảo Cù Mộc, đảo Bắc (North Island), đảo Giữa/Trung (Middle Island), đảo Nam (South Island), đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo Linh Côn (Lincoln Island), Cồn Cát Tây (West Sand), Cồn Cát Nam (South Sand), Đá/Hòn Tháp (Rocky Island)
    • Nhóm Tây (Crescent Group; còn gọi là nhóm Trăng Khuyết hay nhóm Nguyệt Thiềm vì có hình cánh cung hay lưỡi liềm; Trung Quốc gọi là 永樂群島 - Qquần đảo Vĩnh Lạc): đảo Hoàng Sa (Pattle Island), (đảo) Đá Bắc (North Reef), đảo Hữu Nhật (Robert Island), (đảo) Đá Lồi (Discovery Reef), đảo/đá Bạch Quy (Passu Keah/Island), đảo Tri Tôn (Triton Island), đảo Quang Ảnh (Money Island), đảo Quang Hòa (Duncan Island), đảo Duy Mộng (Drummond Island), Cồn/Đá Bông Bay (Bombay Reef), Đảo/Đá Chim Yến (Vuladdore Reef).

    Lịch sử

    • Đầu năm 1907, Nhật Bản chiếm Đông Sa (Pratas) làm cho các nhà cầm quyền miền Nam Trung Quốc quan tâm đến các đảo trên Biển Đông. Tháng 5 năm 1909 Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Nhân Tuấn phái đô đốc Lý Chuẩn đem 3 pháo thuyền ra thăm chớp nhoáng một vài đảo trên quần đảo Hoàng Sa rồi về.
    • Năm 1921 Chính quyền miền Nam Trung Quốc ra quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) vào đảo Hải Nam. Từ đó bắt đầu có sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Pháp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và từ thập niên 1930 trên quần đảo Trường Sa.
    • Trong suốt các năm 1931 - 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
    • Trước năm 1932, quần đảo Hoàng Sa được đặt trong các bản đồ lãnh thổ Việt Nam bởi nhà Nguyễn.
    • Năm 1932, Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina) sáp nhập quần đảo vào lãnh thổ của mình. Pháp lần lượt đặt một trạm khí tượng trên đảo Woody (tiếng Pháp: île Boisée) mang số hiệu 48859 và một trạm khí tượng trên đảo Pattle mang số hiệu 48860.
    • Năm 1935, lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố một bản đồ có cả 4 quần đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc. Công hàm của Công sứ Trung Quốc ở Paris gửi Bộ Ngoại giao Pháp năm 1932 còn viết rằng: "Các đảo Tây Sa là bộ phận lãnh thổ Trung Quốc xa nhất về phía Nam".
    • Ngày 30 tháng 3 năm 1938, vua Bảo Đại ra đạo dụ tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Ngãi nhập vào tỉnh Thừa Thiên. Đạo dụ ghi rõ: Các cù lao Hoàng Sa thuộc về chủ quyền nước Nam đã lâu đời. Chính quyền Pháp và An Nam đã dựng bia chủ quyền cho quần đảo Hoàng Sa trên đảo Pattle. Trên bia có ghi: République française - Royaume d'Annam - Archipel des Paracels 1816 - île Pattle - 1938.
    • Năm 1939, Đế quốc Nhật tấn công chiếm giữ đảo.
    • Năm 1946, dựa trên Tuyên bố CairoTuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa Dân Quốc đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật. Ngày 7 tháng 1 năm 1947, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố họ đã chiếm giữ quần đảo Tây Sa nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island) mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng.
    • Ngày 17 tháng 1 năm 1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây. Khi yêu cầu này bị từ chối, quân Pháp bèn đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam chiếm giữ đảo Hoàng Sa (Pattle Island).
    • Tháng 4 năm 1950, quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm.
    • Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cho chính phủ Việt Nam, do Bảo Đại đứng đầu.
    • Ngày 6 tháng 9 năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản, vốn không chính thức xác định rõ các quốc gia nào có chủ quyền trên quần đảo, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu (chính phủ Bảo Đại) tuyên bố rằng cả quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, và không gặp phải kháng nghị hay bảo lưu nào từ 51 nước tham dự hội nghị. Tuyên bố này nhằm lợi dụng tất cả mọi cơ hội minh định trên diễn đàn quốc tế xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời trên quần đảo Spratlys và Paracels của nước Việt Nam, để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này. Tại Hội nghị này, đại biểu Liên Xô đã đề nghị trao hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc, nhưng đề nghị này đã bị Hội nghị bác bỏ với 46 phiếu chống, 3 phiếu thuận và văn kiện của Hội nghị ký ngày 8 tháng 9 năm 1951 chỉ ghi về hai quần đảo là "Nhật Bản từ bỏ mọi quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với 2 quần đảo".
    • Sau khi người Pháp rút năm 1956, tháng 4 năm 1956 Việt Nam Cộng Hoà thay thế Pháp giữ chủ quyền quần đảo. Riêng hai đảo lớn nhất là Phú Lâm và Linh Côn đã bị Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) bí mật chiếm trước khi quân đội Việt Nam Cộng hòa ra đóng quân, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Geneve năm 1954 quy định.
    • Trong thời gian này, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã luôn khẳng định và duy trì các quyền chủ quyền của mình một cách liên tục và hoà bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng các hoạt động Nhà nước.
    • Ngày 4 tháng 9 năm 1958, Chu Ân Lai, Thủ tướng nước CHNDTH công khai tuyên bố với quốc tế về quyết định của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý kể từ đất liền của Hoa Lục, có đính kèm bản đồ về đường ranh giới lãnh hải rất rõ ràng (trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa).
    • Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại diện chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã công nhận bản tuyên cáo trên của Trung Quốc về chủ quyền của họ trên các quần đảo biển Đông. Ông đã viết công hàm ngày 14 tháng 9 và cho đăng trên báo Nhân Dân ngày 22 tháng 9 năm 1958, với nội dung: "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958 của chính phủ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa về hải phận của Trung quốc"[1]. Ngoài ra, sau này, Trung quốc cũng đã nêu một số tài liệu khác do chính Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phổ biến để làm bằng cớ về sự thỏa thuận nhượng biển của Hà Nội.
    • Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 174 NV, trong đó ấn định: "Quần đảo Hoàng sa thuộc tỉnh Quảng Nam. Một đơn vị hành chánh xã bao gồm trọn quần đảo này được thành lập và lấy danh hiệu là xã Định Hải trực thuộc quận Hòa Vang. Xã Định hải đặt dưới quyền một phái viên hành chánh".
    • Ngày 21 tháng 10 năm 1969, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ký nghị định số 709-BNV/HCĐP để "Sáp nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang tỉnh Quảng Nam vào xã Hòa Long cùng quận".
    • CHNDTH chiếm quần đảo Hoàng Sa từ ngày 19 tháng 1 năm 1974 khi quân đội của họ tấn công quân đồn trú Việt Nam Cộng hòa và chiếm các đảo phía tây trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.
    • Ngày 20 tháng 1 năm 1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
    • Ngày 14 tháng 2 năm 1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố Sách trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
    • Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ các chính quyền trước, Nhà nước CHXHCN Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo.
    • Cùng với bản Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật biên giới quốc gia năm 2003, Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12 tháng 11 năm 1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam.
    • Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ Ngoại giao Việt Nam đều có công bố các Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
    • Ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
    • Nghị quyết ngày 6 tháng 11 năm 1996 tại kỳ họp thứ X Quốc hội khoá IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách huyện Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, sáp nhập vào thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
    • Ngày 23 tháng 6 năm 1994 Quốc hội Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 có Nghị quyết nêu rõ: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực". Quốc hội nhấn mạnh: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982".
    • Ngày 4 tháng 11 năm 2002 tại Phnom Penh (Campuchia), Việt Nam cùng các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc đã ký kết Bản tuyên bố ứng xử trên Biển Đông (DOC), đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề trên biển và duy trì ổn định ở khu vực.

    Tranh chấp chủ quyền

    Hình:Biển Đông.png

    Hoàng Sa nằm giữa một khu vực có tiềm năng cao về hải sản và trữ lượng dầu mỏ nhưng không có dân bản địa sinh sống. Vào năm 1932, chính quyền Pháp ở Đông Dương chiếm giữ quần đảo này và Việt Nam tiếp tục nắm giữ chủ quyền cho đến năm 1974 (trừ hai đảo Phú Lâm và Linh Côn do Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1956). Trung Quốc chiếm giữ toàn bộ Hoàng Sa từ năm 1974 sau khi dùng hải và không quân tấn công căn cứ quân sự của Việt Nam Cộng Hoà ở nhóm đảo phía tây trong Hải chiến Hoàng Sa, 1974. Đài LoanViệt Nam cũng đang tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.

    Tháng 1 năm 1982, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách trắng Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: lãnh thổ Việt Nam, trong dó nêu nhiều lý lẽ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu độc lập cho thấy Hoàng Sa là của Việt Nam.

    Ý nghĩa của quần đảo Hoàng Sa

    Quần đảo Hoàng Sa tuy chỉ gồm một số đảo nhỏ chơ vơ giữa Biển Đông, có một thời không được các nước trong khu vực chú ý, không có cư dân sinh sống thường xuyên, chỉ có người Việt ra khai thác theo mùa các tài nguyên như phân chim, tổ yến, san hô, đánh cá trong hàng thế kỷ. Nhưng cùng với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện các khái niệm về chủ quyền lãnh hải, sự ra đời của luật biển, khả năng khai thác tài nguyên biển nhất là dầu khí thì các quốc gia có tiềm lực và tầm nhìn xa bắt đàu nhòm ngó quần đảo này như một cơ sở khí tượng thủy văn, quan trọng hơn là một cơ sở hậu cần và là căn cứ quân sự chiến lược trong tương lai có khả năng khống chế Biển Đông, đường giao thông trên biển và cả trên không trong khu vực, một cơ sở luật pháp để bành trướng chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên phần lớn Biển Đông cho phép khai thác các tài nguyên biển nhất là dầu và khí.

    Việc để mất quần đảo Hoàng Sa đã có tác động xấu đến nghề cá và dự báo khí tượng thủy văn của Việt Nam.

    Công tác dự báo bão xa, đặt trạm phát tín hiệu trên Biển Đông, công tác cứu hộ, cứu nạn các tàu cá trong cơn bão số 1 Chanchu tháng 5 năm 2006 gặp nhiều khó khăn cũng do mất quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa.

    Đến tháng 9 năm 2006 khi cơn Bão Xangsane (2006) vào biển Đông thì Trung Quốc lại ngăn cản không cho tàu cá Việt Nam vào tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa [2]

    Bộ đội biên phòng Việt Nam sau này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam trên biển Đông. Theo tin của Bộ đội biên phòng tại Đà Nẵng[3], khoảng 16h20’ ngày 27 tháng 6 năm 2006, lúc tránh bão số 2, 18 tàu đánh cá xa bờ của Đà Nẵng đã neo đậu tại phía bắc quần đảo Hoàng Sa, có một tàu lạ của nước ngoài đã thả ca nô số 301, trên đó có 6 người, tới cập mạn tàu ĐNa 90052 TS, cướp 25 phi dầu, 4 tấn mực khô, 10 thùng nước ngọt, 18 vỏ phi nhựa sau đó xua đuổi tàu không cho tránh bão.[4]

    Quan trọng hơn việc mất quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa tạo cơ sở cho Trung Quốc tiếp tục yệu cầu bành trướng lãnh thổ, lãnh hải về phương nam, chí ít cũng là qua việc công bố và cung cấp qua mạng các bản đồ "chuẩn" của Cục bản đồ quốc gia Trung Quốc trong đó lãnh hải và thềm lục địa mà Trung Quốc yêu sách bao gồm phần lớn Biển Đông, tới tận lãnh hải Malaysia.

    Quan điểm của Chính phủ Việt Nam là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền và quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình.

    Tổ chức hành chính

    Việt Nam

    Việt Nam tổ chức quần đảo thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.

    • Ngày 15 tháng 6 năm 1932, Toàn quyền Đông Dương thiết lập đại lý hành chính ở Hoàng Sa.
    • Trước năm 1938, quần đảo Hoàng Sa thuộc phủ Quảng Nghĩa, tỉnh Quảng Nam.
    • Ngày 30 tháng 3 năm 1938, vua Bảo Đại ký đạo dụ chuyển Hoàng Sa về tỉnh Thừa Thiên.
    • Ngày 5 tháng 5 năm 1939, Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié chia quần đảo thành hai đại lý hành chính: délégation du Croissant et dépendences (đại lý Trăng Khuyết và phụ cận) và délégation de l'Amphitrite et dépendences (đại lý Tuyên Đức và phụ cận).
    • Ngày 13 tháng 7 năm 1961, Tổng Thống Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 175-NV đặt tên là xã Định Hải, quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
    • Nghị định số 709-BNV-HC ngày 21 tháng 10 năm 1969 của Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa đã sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
    • Từ năm 1982 là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng và từ năm 1996 thuộc thành phố Đà Nẵng.

    Huyện đảo Hoàng Sa được thành lập từ tháng 1 năm 1997, là một quần đảo san hô nằm cách thành phố Đà Nẵng 170 hải lý (khoảng 315 km), bao gồm các đảo: đảo Hoàng Sa, đảo Đá Bắc, đảo Hữu Nhật, đảo Đá Lồi, đảo Bạch Quy, đảo Tri Tôn, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Giữa, đảo Nam, đảo Phú Lâm, đảo Linh Côn, đảo Quang Hòa, Cồn Bông Bay, Cồn Quan Sát, Cồn Cát Tây, Đá Chim Yến. Huyện đảo Hoàng Sa có diện tích: 305 km2, chiếm 24,29% diện tích thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên hiện nay toàn bộ huyện đảo này đang bị Trung Quốc xâm chiếm từ năm 1974.

    Trung Quốc

    Quần đảo Hoàng Sa được Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa coi là một phần của tỉnh Hải Nam. Về mặt hành chính nó thuộc cấp biện sự xứ, bao gồm cả ba quần đảo Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa: Tây Nam Trung Sa quần đảo biện sự xứ (西南中沙群島辦事處).

    Trung Quốc tuyên bố kế hoạch mở cửa du lịch quần đảo vào năm 1997. Họ mở rộng những cảng nhỏ ở đảo Phú Lâmđảo Quang Ảnh. Tại đây có một phi trường với đường băng dài 1200 m.

    (trích đăng và biên tập lại từ Wikipedia)

    Nguồn gốc: http://vi.wikipedia.org/wiki/Hoàng_Sa

  • Đọc tiếp...

    Người theo dõi

     

    Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com