BBT: Bài đăng trên RFI ngày 26/11/2008, tiêu đề "Biển Đông vẫn dậy sóng trên mạng". Cập nhật lần cuối ngày 27/11/2008 14:35 TU. Chúng tôi đăng nguyên văn để các bạn tiện theo dõi. Ngôn từ sử dụng trong bài là cách dùng từ của những cá nhân khác nhau, không phải quan điểm của HoangSa.Org hay RFI.
Ngày 18 tháng 11 vừa qua, một chiến hạm của Trung Quốc mang tên ''Trịnh Hòa'' đã cặp bến cảng Đà Nẳng, mở đầu chuyến viếng thăm Việt Nam trong năm ngày. Nhưng trong khi chuyến viếng thăm này được Tân Hoa Xã loan báo ngay ngày hôm đó, thì báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng. Ngược lại, sự kiện này một lần nữa đã gây tranh luận trên các trang Web, trang blog tiếng Việt trong và ngoài nước.
Chỉ cần lên trang web Đàn Chim Việt (http://www.dcvonline.net/) là ta có thể thấy nhiều phản ứng về sự kiện này, như một độc giả đã viết:
"Trung Cộng có một chiếc tàu này hay hơn một chiếc? Nếu có hơn một chiếc khác sao không cử tới ? Việt nam có thể viện một lí do nào đó để từ chối chiếc tàu có cái tên NHẠY CẢM này không?
Đây chỉ là một chiếc tàu chiến hạng tầm trung, sao lại sử dụng tới các “Các quan chức chính phủ và quốc phòng Việt Nam đã tiếp đón”?
Một blogger tên là Đinh Tấn Lực nhân dịp này đã cho phổ biến trên mạng một bài viết nhan đề : ''Trịnh Hoà là ai?'' Tác giả nhắc lại Trịnh Hòa là một thuỷ sư đô đốc của Trung Quốc cách đây 600 năm và cùng thời với các chuyến hải hành của Trịnh Hòa là giai đoạn Nhà Minh chiếm đóng Việt Nam, gây biết bao đau thương, tang tóc cho dân ta. Thành ra, chính quyền Việt Nam không muốn đưa tin nhiều về chuyến viếng thăm Việt Nam của chiến hạm Trịnh Hòa cũng là điều dễ hiểu. Bài viết của blogger Đinh Tấn Lực đã nhanh chóng được phổ biến trên mạng.
Trong tình hình mà trên mặt báo chí chính thức, tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc vẫn còn là chủ để nhạy cảm, nếu không muốn nói là cấm kỵ, thì đề tài này lại càng là một trong những đề tài tranh luận nhiều nhất trên mạng, kể cả trên những trang Web mà thoạt nhìn chẳng có liên quan gì đến chính trị, lịch sử.
Biển Đông càng dậy sóng trên mạng vào những thời điểm như phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc vào đầu tháng 12 năm ngoái sau khi Bắc Kinh quyết định thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong khi báo chí chính thức trong nước chỉ đưa tin có vài dòng, thì trên mạng, nhiều ''thông tín viên'' đã tường trình chi tiết diễn tiến những cuộc biểu tình đó, như bài viết sau đây của blogger Bulldog:
"Vậy là cuộc biểu tình trước toà lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn, phản đối hành động ngang ngược cưỡng chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã diễn ra đúng như dự kiến. Hàng trăm sinh viên, văn nghệ sĩ vỉa hè, nhà báo tự do…, với đầy đủ quốc kì, khẩu hiệu, băng rôn. Điều này quả là hơi bất ngờ với tôi, vì trước khi đi, tôi dự đoán là nó sẽ không thể diễn ra.
Mở màn cho cuộc biểu tình, ai đó đã rải lá quốc kì Trung Hoa ra vỉa hè (Ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai, hông Nhà Văn hoá Thanh niên), và một số người đạp lên đó. Tiếp đó, đoàn người diễu một vòng sang phía vỉa hè Toà Lãnh sự (39 Nguyễn Thị Minh Khai) rồi cố định đội hình phía đối diện cổng chính Toà Lãnh sự. Trung tâm của đoàn biểu tình là những sinh viên, mặt sáng ngời tràn đầy nhiệt huyết. Họ đồng thanh hát Quốc ca, rồi hô vang khẩu hiệu “Trả lại Trường Sa”, “Trả lại Hoàng Sa”, “Đả đảo Trung Quốc” v.v...
Trong lúc đó, tôi đếm, không dưới ba chiếc xe du lịch loại lớn đi qua, trên xe là những du khách nước ngoài. Họ thi nhau chụp hình, quay phim. Thật là vui!
Lúc này cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông được triển khai rất đông đảo (quên chưa nói, trước đó, lực lượng cảnh sát chìm đã xuất hiện rất nhiều), họ dẹp thông thoáng bốn góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch đề phòng cuộc biểu tình thêm khí thế và nhân rộng bởi những người tò mò.
Tôi, nhà thơ Phan Bá Thọ và nghệ sĩ thị giác Huy “béo” đang ngồi trên vỉa hè thì một cảch sát chìm ra hỏi: “Mấy ông ngồi đây làm gì?”, chúng tôi trả lời: “Ngồi chơi”. Lập tức một cảnh sát giao thông ra yêu cầu chúng tôi đi chỗ khác. Tôi hỏi anh cảnh sát giao thông: “Họ đang làm gì thế nhỉ?” Anh cảnh sát trả lời: “Họ biểu tình phản đối Tầu khựa cướp đảo của mình”. Tôi hỏi tiếp: “Việc làm của họ đúng không anh?”. Anh trả lời rất dõng dạc: “Đúng quá đi chớ!” Rồi anh nói tiếp, vừa nói vừa chỉ vào ngực “Nếu không mặc bộ quần áo này, tôi cũng tham gia với họ”.
Tôi bắt tay anh thật chặt.
Và tôi rất thông cảm với anh. Chỉ vì bộ quần áo, bộ sắc phục của một cơ quan đại diện quyền lực chính quyền, đã ngăn cản anh làm một điều đúng.
Cuộc biểu tình này chắc chắn không thể đòi lại được hai quần đảo đã bị cưỡng chiếm, nhưng nó mang nhiều ý nghĩa to lớn, mà ý nghĩa dễ nhìn thấy nhất là, người dân Việt Nam không chỉ biết lải nhải như một con vẹt: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…”
Biển Đông cũng đã dậy sóng một lần nữa vào thời điểm sắp diễn ra lễ rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh ở Sài Gòn vào cuối tháng tư vừa qua, nhất là khi mọi người được biết là Trung Quốc đã công bố bản đồ lộ trình rước đuốc, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị bao gồm trong lãnh thổ của họ, đồng thời, lại có tin đồn là Bắc Kinh sẽ cho tổ chức rước đuốc ngang qua Hoàng Sa ( tin đồn này sau đó được biết là không có căn cứ ). Dân trên mạng cũng đã phản ứng căm giận sau khi một website chính thức của Trung Quốc đăng bài trình bày chi tiết một kế hoạch tấn công Việt Nam.
Hoàng Sa Trường Sa dĩ nhiên cũng là chủ đề thường xuyên thu hút cư dân trên mạng trêng những diễn đàn như X- Cafe (http://www.x-cafevn.org). Nhưng có lẽ nơi tập trung nhiều thông tin nhất về vấn đề chủ quyền biển Đông, đó là Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa (http://hoangsa.org) được thành lập cách đây hơn một năm. Ngoài phần blog chuyên cung cấp những tin thời sự về biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa, Trung tâm dữ liệu này còn có một diễn đàn để mọi người có thể trao đổi với nhau những suy nghĩ về tinh thần dân tộc, về tương lai của đất nước. Ngoài ra còn phải kể đến Quỹ nghiên cứu biển Đông (http://www.seasfoundation.org), vừa mớI được thành lập ngày 14/12/2007.
Không chỉ tranh luận vớI nhau, dân trên mạng còn tìm đọc những bài viết của những học giả có tiếng ở Việt Nam, như bài của sử gia Dương Trung Quốc, nhan đề ''Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam'', đăng trên báo điện tử Việt Nam Net ngày 8/12/200/ hay bài phát biểu của giáo sư Tương Lai tại HộI nghị Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào đầu năm nay. Nhưng có lẻ tên tuổI được cư dân trên mạng nể trọng nhất khi bàn về vấn đề chủ quyền biển Đông, đó là tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người mà từ bao năm qua vẫn miệt mài nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa và là tác giả một luận án tiến sĩ về đề tài này trước năm 1975. Trong bài viết gởi cho diễn đàn Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, ông Nguyễn Nhã tâm sự:
"Tôi rất xúc động. Tôi bắt đầu nghiên cứu Hoàng Sa, khi tôi tròn 35 tuổi. Sau 33 năm lại được giới trẻ tiếp bước.
Tôi làm luận án tiến sĩ là để dâng cho Tổ Quốc, để trả món nợ của người tri thức đối với Tổ Quốc, đối với Quê hương Đất nước. Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu lấy sự thực lịch sử là đối tượng nghiên cứu, là lý tưởng theo đuổi, là phương châm hành động. Song cũng là một công dân, nên tôi phải làm tròn bổn phận của "một kẻ thất phu". Tôi sẵn sàng để bất cứ ai sử dụng toàn văn Luận án tiến sĩ lịch sử của tôi cũng như những bài viết đã phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Tôi rất mong tất cả được dịch ra ngoại ngữ trong đó có Tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật... và được gửi cho cấp lãnh đạo của Trung Quốc và giới nghiên cứu Trung Quốc cũng như thế giới để mọi người không còn mơ hồ, nghi ngờ gì nữa về sự thật chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa. Tôi cũng mong tất cả giới trẻ Việt Nam từ học sinh đến sinh viên đều cùng biết rõ lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa.
Tôi đã phát biểu nếu cần phải mất một ngàn năm như trước đây nước ta bị Bắc thuộc thì cũng sẽ có thời cơ chúng ta giành lại được độc lập. Chính thời cơ năm 1974, sau Thông cáo chung năm 1972 ở Thượng Hải, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố đây là việc nội bộ của hai nước để không can thiệp giúp đồng minh VNCH của Hoa Kỳ nữa. GS Trần Văn Giàu đã nói rằng thời đại điện tử không phải mất 1000 năm nữa đâu. Chúng ta hãy chờ xem tương lai ra sao. Song người Việt Nam phải đoàn kết thì mới mong thành công.
Tôi rất tôn trọng những ai làm chinh trị vì đều có mục tiêu riêng của họ. Có khi những mục tiêu chính trị và những mục tiêu của người nghiên cứu giống nhau, sẽ ủng hộ nhau. Song nếu có sự khác biệt cũng là chuyện bình thường, ai phải lo phận sự người ấy.
Chào thân ái,
Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học"
Hiện giờ, luận án của tiến sĩ Nguyễn Nhã về Hoàng Sa đang được dịch sang tiếng Anh để phổ biến cho thế giới và ông vẫn tiếp tục đóng góp những bài viết về chủ quyền biển Đông, như hai bài mà tiến sĩ Nguyễn Nhã vừa gởi đến RFI Việt ngữ:
Dư âm chuyến viếng thăm cảng Đà Nẳng của tuần dương hạm Trịnh Hòa.
Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa từ đầu thế kỹ XVII đến thời Pháp thuộc (Bài tham luận tại Hội thảo về Chúa Nguyễn - Triều Nguyễn do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức trong hai ngày 18 và 19/11/2008)
Đọc tiếp...