Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

Giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần bình đẳng

Comments

Sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, cả dân tộc bừng bừng khí thế với sự tự hào, niềm vui sướng tràn ngập. Khắp các con đường, ngõ ngách...Việt Nam, từ nông thôn tới thành thị, trên các mặt báo, hai chữ Việt Nam được nhắc đi nhắc lại với một niềm tự hào. Bên cạnh đó, VietNamNet đã có một bài viết Nhìn lại 2008, dự cảm 2009 với chủ đề Giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần bình đẳng

Nhận định "Việt Nam và Trung Quốc đã có những thảo luận tích cực về Biển Đông", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO hy vọng, vấn đề sẽ được giải quyết trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Ông Ngô Quang Xuân cho rằng dấu ấn lớn nhất của năm 2008 là quan hệ với tất cả các nước lớn hầu như được đẩy lên rất mạnh. Bằng chứng là chuyến thăm của nhiều lãnh đạo các nước đến Việt Nam và của lãnh đạo ta ra nước ngoài đều khẳng định nâng tầm quan hệ song phương và ký kết nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực.

Về quan hệ với các nước truyền thống láng giềng, đáng chú ý là công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc.

Đường biên giới lịch sử với Trung Quốc

- Việt Nam và đối tác lớn, truyền thống, nước láng giềng Trung Quốc đang nỗ lực hoàn tất những công việc cuối cùng của công tác phân giới cắm mốc trên bộ, để lần đầu tiên trong lịch sử hai nước có một đường biên giới do chính hai Đảng Cộng sản, hai Chính phủ hoạch định. Nhận định của ông?

- Đó sẽ là sự kiện có ý nghĩa lớn lao. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa mà Đảng ta đã xác định rất cần môi trường hoà bình, trước tiên là đường biên giới, tức chủ quyền quốc gia có ý nghĩa quyết định. Đó là nền tảng để thực hiện đường lối đối ngoại.

Chỉ có đường biên giới hoà bình mới có thể giúp phát triển quan hệ kinh tế, lôi kéo đầu tư nhiều hơn giữa hai nước. Điều đó cũng củng cố vị thế của Việt Nam lên rất nhiều khi các nước bạn nhìn vào, thấy một nước láng giềng lớn, công nhận đường biên của mình. Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử trong ngoại giao Việt Nam khi có đường biên giới trên bộ hoàn thiện với Trung Quốc.

- Trong năm qua, Việt Nam cũng tích cực tiếp tục đàm phán với Trung Quốc vấn đề phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

- Thực tế, hai nước đã giải quyết được biên giới trong Vịnh Bắc Bộ. Bây giờ là vấn đề Biển Đông. Nhưng đây không chỉ là vấn đề giữa Việt Nam với Trung Quốc mà còn giữa nhiều nước ASEAN khác với Trung Quốc. Ngay cả ở Thái Bình Dương thì giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với Hàn Quốc vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Theo quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có cơ sở chủ quyền nhưng diễn biến lịch sử xảy ra có những cái trở thành tranh chấp, đòi hỏi thời gian mới giải quyết được.

Thực tế, Việt Nam và Trung Quốc đã có những thảo luận tích cực nhằm tìm ra những biện pháp. Giữa hai nước đã có những hợp tác nhất định để dần dần giải quyết vấn đề, trong đó có tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau... 

Những hợp tác như trên, nếu là tranh chấp chủ quyền quyết liệt thì không có. Hy vọng với thời gian, vấn đề cũng dần dần được giải quyết trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để có giải pháp mà các bên đều chấp nhận được.

VN sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

- Một năm thực hiện thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã giúp tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào đời sống chính trị quốc tế. Có vấn đề đưa ra trước khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò này còn bỏ ngỏ như việc tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ông nghĩ sao?

- Là một trong những người tham gia nghiên cứu vấn đề này từ năm 1997, thời điểm Việt Nam bắt đầu vận động để tham gia HĐBA, tôi đã rất cân nhắc quan điểm của mình đối với vấn đề này.

Việt Nam vừa mới thoát khỏi chiến tranh với hơn 1 triệu người chết, hơn 300 nghìn người mất tích trong khi hậu quả chiến tranh còn nguyên. Bản thân tôi nghĩ đưa lực lượng của mình tham gia những cuộc xung đột, hay chiến tranh ở nước ngoài, mình có thấy trong lòng yên không? Đây là cả quyết định chính trị, vận mệnh con người.

Với vị thế, vị trí đặc thù như Việt Nam, khi tham gia HĐBA, chúng ta lại càng phải cân nhắc. Chúng ta đang cân nhắc mức độ, hình thức tham gia nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ tham gia vì điều đó nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nước thành viên LHQ, dù là ủy viên không thường trực hay không.

Dự báo đối ngoại hạn chế
- Theo ông, hoạt động ngoại giao, đối ngoại năm qua nổi lên vấn đề nào cần lưu tâm?

- Cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới trong năm qua đã ảnh hưởng nhất định đến đất nước. Trong bối cảnh đó, việc quan trọng nhất phải rút kinh nghiệm đó là công tác dự báo.

Cần phải biết rõ bây giờ các nước ra sao, tình hình thế giới thế nào, khủng hoảng đi đến đâu, lúc nào nguy kịch nhất, để cố vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Trong công tác dự báo, vai trò của ngoại giao, đối ngoại rất lớn.

- Ông nhấn mạnh trách nhiệm và năng lực dự báo cần thiết của ngành ngoại giao. Vậy công tác này thời gian qua ra sao?

- Tôi cho rằng công tác dự báo của chúng ta nói chung còn nhiều vấn đề, trong đó, dự báo đối ngoại còn hạn chế. Bởi vì anh là "tai mắt" chứ không chỉ làm quan hệ chính trị chung đâu. Khả năng dự báo của ngành còn hạn chế.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn với các nước, quan hệ với các tổ chức đa phương. Bên cạnh đó, thế giới đang chuyển mạnh, xu hướng đa cực đang lên. Năm 2009 sẽ chứng kiến những biến động, khủng hoảng phức tạp. Do đó, ngành ngoại giao phải tập trung năng lực dự báo đối ngoại tốt hơn để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc hoạch định chính sách.  


Nguồn VietNamNet

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com