Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2008

Giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần bình đẳng

Comments

Sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, cả dân tộc bừng bừng khí thế với sự tự hào, niềm vui sướng tràn ngập. Khắp các con đường, ngõ ngách...Việt Nam, từ nông thôn tới thành thị, trên các mặt báo, hai chữ Việt Nam được nhắc đi nhắc lại với một niềm tự hào. Bên cạnh đó, VietNamNet đã có một bài viết Nhìn lại 2008, dự cảm 2009 với chủ đề Giải quyết vấn đề Biển Đông trên tinh thần bình đẳng

Nhận định "Việt Nam và Trung Quốc đã có những thảo luận tích cực về Biển Đông", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Ngô Quang Xuân, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại WTO hy vọng, vấn đề sẽ được giải quyết trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Ông Ngô Quang Xuân cho rằng dấu ấn lớn nhất của năm 2008 là quan hệ với tất cả các nước lớn hầu như được đẩy lên rất mạnh. Bằng chứng là chuyến thăm của nhiều lãnh đạo các nước đến Việt Nam và của lãnh đạo ta ra nước ngoài đều khẳng định nâng tầm quan hệ song phương và ký kết nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực.

Về quan hệ với các nước truyền thống láng giềng, đáng chú ý là công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Trung Quốc.

Đường biên giới lịch sử với Trung Quốc

- Việt Nam và đối tác lớn, truyền thống, nước láng giềng Trung Quốc đang nỗ lực hoàn tất những công việc cuối cùng của công tác phân giới cắm mốc trên bộ, để lần đầu tiên trong lịch sử hai nước có một đường biên giới do chính hai Đảng Cộng sản, hai Chính phủ hoạch định. Nhận định của ông?

- Đó sẽ là sự kiện có ý nghĩa lớn lao. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa mà Đảng ta đã xác định rất cần môi trường hoà bình, trước tiên là đường biên giới, tức chủ quyền quốc gia có ý nghĩa quyết định. Đó là nền tảng để thực hiện đường lối đối ngoại.

Chỉ có đường biên giới hoà bình mới có thể giúp phát triển quan hệ kinh tế, lôi kéo đầu tư nhiều hơn giữa hai nước. Điều đó cũng củng cố vị thế của Việt Nam lên rất nhiều khi các nước bạn nhìn vào, thấy một nước láng giềng lớn, công nhận đường biên của mình. Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử trong ngoại giao Việt Nam khi có đường biên giới trên bộ hoàn thiện với Trung Quốc.

- Trong năm qua, Việt Nam cũng tích cực tiếp tục đàm phán với Trung Quốc vấn đề phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?

- Thực tế, hai nước đã giải quyết được biên giới trong Vịnh Bắc Bộ. Bây giờ là vấn đề Biển Đông. Nhưng đây không chỉ là vấn đề giữa Việt Nam với Trung Quốc mà còn giữa nhiều nước ASEAN khác với Trung Quốc. Ngay cả ở Thái Bình Dương thì giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Trung Quốc với Hàn Quốc vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Theo quy định trong Công ước Luật Biển năm 1982, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có cơ sở chủ quyền nhưng diễn biến lịch sử xảy ra có những cái trở thành tranh chấp, đòi hỏi thời gian mới giải quyết được.

Thực tế, Việt Nam và Trung Quốc đã có những thảo luận tích cực nhằm tìm ra những biện pháp. Giữa hai nước đã có những hợp tác nhất định để dần dần giải quyết vấn đề, trong đó có tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học hải dương, bảo vệ môi trường, dự báo khí tượng thủy văn, thăm dò khai thác dầu khí, tìm kiếm cứu hộ trên biển, tàu hải quân đi thăm lẫn nhau... 

Những hợp tác như trên, nếu là tranh chấp chủ quyền quyết liệt thì không có. Hy vọng với thời gian, vấn đề cũng dần dần được giải quyết trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để có giải pháp mà các bên đều chấp nhận được.

VN sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

- Một năm thực hiện thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã giúp tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trong việc tham gia sâu hơn vào đời sống chính trị quốc tế. Có vấn đề đưa ra trước khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò này còn bỏ ngỏ như việc tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ông nghĩ sao?

- Là một trong những người tham gia nghiên cứu vấn đề này từ năm 1997, thời điểm Việt Nam bắt đầu vận động để tham gia HĐBA, tôi đã rất cân nhắc quan điểm của mình đối với vấn đề này.

Việt Nam vừa mới thoát khỏi chiến tranh với hơn 1 triệu người chết, hơn 300 nghìn người mất tích trong khi hậu quả chiến tranh còn nguyên. Bản thân tôi nghĩ đưa lực lượng của mình tham gia những cuộc xung đột, hay chiến tranh ở nước ngoài, mình có thấy trong lòng yên không? Đây là cả quyết định chính trị, vận mệnh con người.

Với vị thế, vị trí đặc thù như Việt Nam, khi tham gia HĐBA, chúng ta lại càng phải cân nhắc. Chúng ta đang cân nhắc mức độ, hình thức tham gia nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ tham gia vì điều đó nhằm thể hiện vai trò, trách nhiệm của một nước thành viên LHQ, dù là ủy viên không thường trực hay không.

Dự báo đối ngoại hạn chế
- Theo ông, hoạt động ngoại giao, đối ngoại năm qua nổi lên vấn đề nào cần lưu tâm?

- Cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới trong năm qua đã ảnh hưởng nhất định đến đất nước. Trong bối cảnh đó, việc quan trọng nhất phải rút kinh nghiệm đó là công tác dự báo.

Cần phải biết rõ bây giờ các nước ra sao, tình hình thế giới thế nào, khủng hoảng đi đến đâu, lúc nào nguy kịch nhất, để cố vấn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Trong công tác dự báo, vai trò của ngoại giao, đối ngoại rất lớn.

- Ông nhấn mạnh trách nhiệm và năng lực dự báo cần thiết của ngành ngoại giao. Vậy công tác này thời gian qua ra sao?

- Tôi cho rằng công tác dự báo của chúng ta nói chung còn nhiều vấn đề, trong đó, dự báo đối ngoại còn hạn chế. Bởi vì anh là "tai mắt" chứ không chỉ làm quan hệ chính trị chung đâu. Khả năng dự báo của ngành còn hạn chế.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn với các nước, quan hệ với các tổ chức đa phương. Bên cạnh đó, thế giới đang chuyển mạnh, xu hướng đa cực đang lên. Năm 2009 sẽ chứng kiến những biến động, khủng hoảng phức tạp. Do đó, ngành ngoại giao phải tập trung năng lực dự báo đối ngoại tốt hơn để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc hoạch định chính sách.  


Nguồn VietNamNet

Đọc tiếp...

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2008

RFI viết về Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa: "Biển Đông vẫn dậy sóng trên mạng"

Comments

BBT: Bài đăng trên RFI ngày 26/11/2008, tiêu đề "Biển Đông vẫn dậy sóng trên mạng". Cập nhật lần cuối ngày 27/11/2008 14:35 TU. Chúng tôi đăng nguyên văn để các bạn tiện theo dõi. Ngôn từ sử dụng trong bài là cách dùng từ của những cá nhân khác nhau, không phải quan điểm của HoangSa.Org hay RFI.

Bản đồ Hoàng Sa

Ngày 18 tháng 11 vừa qua, một chiến hạm của Trung Quốc mang tên ''Trịnh Hòa'' đã cặp bến cảng Đà Nẳng, mở đầu chuyến viếng thăm Việt Nam trong năm ngày. Nhưng trong khi chuyến viếng thăm này được Tân Hoa Xã loan báo ngay ngày hôm đó, thì báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng. Ngược lại, sự kiện này một lần nữa đã gây tranh luận trên các trang Web, trang blog tiếng Việt trong và ngoài nước.

Chỉ cần lên trang web Đàn Chim Việt (http://www.dcvonline.net/) là ta có thể thấy nhiều phản ứng về sự kiện này, như một độc giả đã viết:

"Trung Cộng có một chiếc tàu này hay hơn một chiếc? Nếu có hơn một chiếc khác sao không cử tới ? Việt nam có thể viện một lí do nào đó để từ chối chiếc tàu có cái tên NHẠY CẢM này không?

Đây chỉ là một chiếc tàu chiến hạng tầm trung, sao lại sử dụng tới các “Các quan chức chính phủ và quốc phòng Việt Nam đã tiếp đón”?

Một blogger tên là Đinh Tấn Lực nhân dịp này đã cho phổ biến trên mạng một bài viết nhan đề : ''Trịnh Hoà là ai?'' Tác giả nhắc lại Trịnh Hòa là một thuỷ sư đô đốc của Trung Quốc cách đây 600 năm và cùng thời với các chuyến hải hành của Trịnh Hòa là giai đoạn Nhà Minh chiếm đóng Việt Nam, gây biết bao đau thương, tang tóc cho dân ta. Thành ra, chính quyền Việt Nam không muốn đưa tin nhiều về chuyến viếng thăm Việt Nam của chiến hạm Trịnh Hòa cũng là điều dễ hiểu. Bài viết của blogger Đinh Tấn Lực đã nhanh chóng được phổ biến trên mạng.

Quần đảo Hoàng Sa

Trong tình hình mà trên mặt báo chí chính thức, tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc vẫn còn là chủ để nhạy cảm, nếu không muốn nói là cấm kỵ, thì đề tài này lại càng là một trong những đề tài tranh luận nhiều nhất trên mạng, kể cả trên những trang Web mà thoạt nhìn chẳng có liên quan gì đến chính trị, lịch sử.

Biển Đông càng dậy sóng trên mạng vào những thời điểm như phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc vào đầu tháng 12 năm ngoái sau khi Bắc Kinh quyết định thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong khi báo chí chính thức trong nước chỉ đưa tin có vài dòng, thì trên mạng, nhiều ''thông tín viên'' đã tường trình chi tiết diễn tiến những cuộc biểu tình đó, như bài viết sau đây của blogger Bulldog:

"Vậy là cuộc biểu tình trước toà lãnh sự quán Trung Quốc tại Sài Gòn, phản đối hành động ngang ngược cưỡng chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã diễn ra đúng như dự kiến. Hàng trăm sinh viên, văn nghệ sĩ vỉa hè, nhà báo tự do…, với đầy đủ quốc kì, khẩu hiệu, băng rôn. Điều này quả là hơi bất ngờ với tôi, vì trước khi đi, tôi dự đoán là nó sẽ không thể diễn ra.

Mở màn cho cuộc biểu tình, ai đó đã rải lá quốc kì Trung Hoa ra vỉa hè (Ngã tư Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai, hông Nhà Văn hoá Thanh niên), và một số người đạp lên đó. Tiếp đó, đoàn người diễu một vòng sang phía vỉa hè Toà Lãnh sự (39 Nguyễn Thị Minh Khai) rồi cố định đội hình phía đối diện cổng chính Toà Lãnh sự. Trung tâm của đoàn biểu tình là những sinh viên, mặt sáng ngời tràn đầy nhiệt huyết. Họ đồng thanh hát Quốc ca, rồi hô vang khẩu hiệu “Trả lại Trường Sa”, “Trả lại Hoàng Sa”, “Đả đảo Trung Quốc” v.v...

Trong lúc đó, tôi đếm, không dưới ba chiếc xe du lịch loại lớn đi qua, trên xe là những du khách nước ngoài. Họ thi nhau chụp hình, quay phim. Thật là vui!

Lúc này cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông được triển khai rất đông đảo (quên chưa nói, trước đó, lực lượng cảnh sát chìm đã xuất hiện rất nhiều), họ dẹp thông thoáng bốn góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai – Phạm Ngọc Thạch đề phòng cuộc biểu tình thêm khí thế và nhân rộng bởi những người tò mò.

Tôi, nhà thơ Phan Bá Thọ và nghệ sĩ thị giác Huy “béo” đang ngồi trên vỉa hè thì một cảch sát chìm ra hỏi: “Mấy ông ngồi đây làm gì?”, chúng tôi trả lời: “Ngồi chơi”. Lập tức một cảnh sát giao thông ra yêu cầu chúng tôi đi chỗ khác. Tôi hỏi anh cảnh sát giao thông: “Họ đang làm gì thế nhỉ?” Anh cảnh sát trả lời: “Họ biểu tình phản đối Tầu khựa cướp đảo của mình”. Tôi hỏi tiếp: “Việc làm của họ đúng không anh?”. Anh trả lời rất dõng dạc: “Đúng quá đi chớ!” Rồi anh nói tiếp, vừa nói vừa chỉ vào ngực “Nếu không mặc bộ quần áo này, tôi cũng tham gia với họ”.

Tôi bắt tay anh thật chặt.

Và tôi rất thông cảm với anh. Chỉ vì bộ quần áo, bộ sắc phục của một cơ quan đại diện quyền lực chính quyền, đã ngăn cản anh làm một điều đúng.

Cuộc biểu tình này chắc chắn không thể đòi lại được hai quần đảo đã bị cưỡng chiếm, nhưng nó mang nhiều ý nghĩa to lớn, mà ý nghĩa dễ nhìn thấy nhất là, người dân Việt Nam không chỉ biết lải nhải như một con vẹt: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng…”

Một thanh niên biểu tình đối mặt với một công an ở Hà Nội

Biển Đông cũng đã dậy sóng một lần nữa vào thời điểm sắp diễn ra lễ rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh ở Sài Gòn vào cuối tháng tư vừa qua, nhất là khi mọi người được biết là Trung Quốc đã công bố bản đồ lộ trình rước đuốc, trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị bao gồm trong lãnh thổ của họ, đồng thời, lại có tin đồn là Bắc Kinh sẽ cho tổ chức rước đuốc ngang qua Hoàng Sa ( tin đồn này sau đó được biết là không có căn cứ ). Dân trên mạng cũng đã phản ứng căm giận sau khi một website chính thức của Trung Quốc đăng bài trình bày chi tiết một kế hoạch tấn công Việt Nam.

Hoàng Sa Trường Sa dĩ nhiên cũng là chủ đề thường xuyên thu hút cư dân trên mạng trêng những diễn đàn như X- Cafe (http://www.x-cafevn.org). Nhưng có lẽ nơi tập trung nhiều thông tin nhất về vấn đề chủ quyền biển Đông, đó là Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa (http://hoangsa.org) được thành lập cách đây hơn một năm. Ngoài phần blog chuyên cung cấp những tin thời sự về biển Đông, về Hoàng Sa, Trường Sa, Trung tâm dữ liệu này còn có một diễn đàn để mọi người có thể trao đổi với nhau những suy nghĩ về tinh thần dân tộc, về tương lai của đất nước. Ngoài ra còn phải kể đến Quỹ nghiên cứu biển Đông (http://www.seasfoundation.org), vừa mớI được thành lập ngày 14/12/2007.

Không chỉ tranh luận vớI nhau, dân trên mạng còn tìm đọc những bài viết của những học giả có tiếng ở Việt Nam, như bài của sử gia Dương Trung Quốc, nhan đề ''Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam'', đăng trên báo điện tử Việt Nam Net ngày 8/12/200/ hay bài phát biểu của giáo sư Tương Lai tại HộI nghị Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào đầu năm nay. Nhưng có lẻ tên tuổI được cư dân trên mạng nể trọng nhất khi bàn về vấn đề chủ quyền biển Đông, đó là tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người mà từ bao năm qua vẫn miệt mài nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa và là tác giả một luận án tiến sĩ về đề tài này trước năm 1975. Trong bài viết gởi cho diễn đàn Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa, ông Nguyễn Nhã tâm sự:

"Tôi rất xúc động. Tôi bắt đầu nghiên cứu Hoàng Sa, khi tôi tròn 35 tuổi. Sau 33 năm lại được giới trẻ tiếp bước.

Tôi làm luận án tiến sĩ là để dâng cho Tổ Quốc, để trả món nợ của người tri thức đối với Tổ Quốc, đối với Quê hương Đất nước. Tôi chỉ là một nhà nghiên cứu lấy sự thực lịch sử là đối tượng nghiên cứu, là lý tưởng theo đuổi, là phương châm hành động. Song cũng là một công dân, nên tôi phải làm tròn bổn phận của "một kẻ thất phu". Tôi sẵn sàng để bất cứ ai sử dụng toàn văn Luận án tiến sĩ lịch sử của tôi cũng như những bài viết đã phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Tôi rất mong tất cả được dịch ra ngoại ngữ trong đó có Tiếng Anh, Pháp, Hoa, Nhật... và được gửi cho cấp lãnh đạo của Trung Quốc và giới nghiên cứu Trung Quốc cũng như thế giới để mọi người không còn mơ hồ, nghi ngờ gì nữa về sự thật chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa. Tôi cũng mong tất cả giới trẻ Việt Nam từ học sinh đến sinh viên đều cùng biết rõ lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã

Tôi đã phát biểu nếu cần phải mất một ngàn năm như trước đây nước ta bị Bắc thuộc thì cũng sẽ có thời cơ chúng ta giành lại được độc lập. Chính thời cơ năm 1974, sau Thông cáo chung năm 1972 ở Thượng Hải, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố đây là việc nội bộ của hai nước để không can thiệp giúp đồng minh VNCH của Hoa Kỳ nữa. GS Trần Văn Giàu đã nói rằng thời đại điện tử không phải mất 1000 năm nữa đâu. Chúng ta hãy chờ xem tương lai ra sao. Song người Việt Nam phải đoàn kết thì mới mong thành công.

Tôi rất tôn trọng những ai làm chinh trị vì đều có mục tiêu riêng của họ. Có khi những mục tiêu chính trị và những mục tiêu của người nghiên cứu giống nhau, sẽ ủng hộ nhau. Song nếu có sự khác biệt cũng là chuyện bình thường, ai phải lo phận sự người ấy.

Chào thân ái,

Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học"

Hiện giờ, luận án của tiến sĩ Nguyễn Nhã về Hoàng Sa đang được dịch sang tiếng Anh để phổ biến cho thế giới và ông vẫn tiếp tục đóng góp những bài viết về chủ quyền biển Đông, như hai bài mà tiến sĩ Nguyễn Nhã vừa gởi đến RFI Việt ngữ:

Dư âm chuyến viếng thăm cảng Đà Nẳng của tuần dương hạm Trịnh Hòa.

Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa từ đầu thế kỹ XVII đến thời Pháp thuộc (Bài tham luận tại Hội thảo về Chúa Nguyễn - Triều Nguyễn do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức trong hai ngày 18 và 19/11/2008)

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2008

Đôi dòng nhắn gửi

Comments
Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính đe đọa đến nồi cơm của từng gia đình, những ngày tháng 12/2008 này, câu chuyện Hoàng - Trường lại tiếp tục nóng lên trên thế giới mạng. Lần này, kịch bản vẫn xảy ra gần như cũ với hành động châm ngòi thuộc về những kẻ mạnh hơn: Ông anh cả đỏ Trung Hoa công bố dự án 30 tỷ USD thăm dò dầu khí tại vùng biển Đông, sau khi đã thẳng tay đá đít chàng Mẽo Exxon ra khỏi thềm lục địa Việt Nam.
Bài toán có quá nhiều tham số, có lẽ cũng không quá khi nói rằng ngay cả chính quyền Việt Nam cũng đang rối bời cắn bút khi nhận trách nhiệm đại diện cho nhân dân Việt Nam giải đề thi quá hóc búa này.
Mức độ quan tâm đến chính trị của mỗi người là khác nhau và mỗi người cũng chọn cho mình con đường mà họ cho là đúng. Và, chủ đề "nên hay không nên biểu tình" lại trở đi trở lại trong suy nghĩ của rất nhiều người, đặc biệt khi xuất hiện lời kêu gọi xuống đường vào ngày thứ bảy này, vẫn là trong tháng 12 lịch sử, và trong thời điểm mà ngài Quốc Vụ khanh phụ trách an ninh Trung Quốc đang đứng chân trên đất Việt.
Bài viết này không có ý định bàn đến chuyện nên hay không nên biểu tình, càng không có ý định tranh luận xem việc biểu tình là tốt hay xấu. Duy có một vài cảm nghĩ cá nhân cố gắng viết ra để thoát khỏi cảm giác rối bời chống chếnh khi theo dõi sự việc này, đặc biệt khi cảm giác rằng ngã rẽ của câu chuyện sẽ rất khó đoán biết đứng trên góc độ "an ninh nội địa" cua đất nước.
Đầu tiên, việc biểu tình chắc chắn sẽ diễn ra, nếu không phải hôm nay thì ngày mai, không phải thứ bảy thì sẽ là chủ nhật, thứ hai.... Dù muốn dù không, câu chuyện biển Đông cũng vẫn là một chủ đề âm ỉ cháy trong đời sống chính trị của đất nước nhất là khi sự phát triển kinh tế giúp cho lớp trẻ hình thành một nếp nghĩ rất khác so với thế hệ đi trước. Bao giờ cũng vậy, khi đứng trước một động thái ảnh hưởng đến xã hội sẽ có người cực lực lên án, có người ủng hộ hết mình, và có người giữ quan điểm trung lập. Người cầm quyền khôn ngoan không nên tìm cách dập tắt một dòng tiếng nói nào bởi đơn giản việc đó là không thể và sẽ đem lại hậu họa về lâu dài. Quả bóng bị dồn nén càng lâu thì càng có sức nổ lớn, sẽ ra sao nếu sức nổ đó bị dồn lại và nổ ra khi chính đội ngũ này sẽ tiếp quản đất nước trong tương lai gần?
Nói đến tính tất yếu, người viết bài không có ý định khuyến khích hay ngăn cản bất kỳ ai tham gia và bản thân cũng phân vân rất nhiều khi tìm cho mình một quyết định. Nhưng những người làm ngành an ninh của đất nước nếu hiểu được sự tất yếu của vấn đề thì sẽ có định hướng giải quyết sao cho vẹn toàn nhất đối với từng biến cố lớn nhỏ xảy đến trong cuộc biểu tình. Bởi dù muốn dù không, sẽ có những điều ảnh hưởng đến quan hệ giữa chính quyền và người dân cần được giải quyết một cách thật khéo léo và thông minh trong giai đoạn khó khăn này.
http://i180.photobucket.com/albums/x31/taphongtan/BieuTinhChongTQ9-12-2007/KyTen.jpg
Chính quyền chắc chắn sẽ lo ngại có sự lợi dụng vấn đề biểu tình để chống lại nhà nước. Việc lợi dụng chắc chắn cũng không thể không có trong bối cảnh chính trị hiện tại. Tuy nhiên, kết quả lợi dụng như thế nào, có được hay không phụ thuộc rất nhiều vào mối liên hệ giữa lực lương an ninh và những người biểu tình. Bản thân những gì diễn ra vào tháng 12 của năm 2007 cho thấy, sẽ là cực kỳ ấu trĩ nếu cố chụp cho những người biểu tình chiếc mũ phá hoại an ninh đất nước và đẩy họ sang bên kia chiến tuyến. Bản thân người viết bài tin chắc rằng phần đông các em học sinh- sinh viên tham gia đều là những cá nhân tràn đầy nhiệt huyết, với lòng yêu quê hương vô bờ bến. Khi mà sách giáo khoa luôn dạy cho họ về tinh thần yêu nước, về ý chí chủ quyền, về thời kỳ vẻ vang chống Mỹ kháng Pháp trong quá khứ thì việc bôi đen những giá trị trong sáng của thanh niên sẽ đem lại những suy nghĩ cực kỳ xấu về chế độ và gián tiếp làm mất tính chính danh của chế độ trong mắt giới trẻ. Việc nên làm là hướng dẫn cho họ kiềm chế và tỉnh táo trong đám đông, hướng dẫn họ tự tổ chức và tự giải tán khi đã thỏa mãn trong việc nói lên tiếng nói của mình. Không cần can thiệp thô bạo, bản thân họ sẽ tự đẩy ra ngoài những ai đi chệch ra ngoài mục tiêu bày tỏ tiếng nói về chủ quyền đất nước, ủng hộ cho một đất nước phát triển trong thanh bình.
Vả chăng, khi mà câu chuyện Hoàng-Trường đang chưa có lối thoát, tại sao không coi trọng tiếng nói của họ như một cánh tay ủng hộ để chính quyền vững tin hơn? Chỉ nghĩ khác lối mòn đi một chút, nhà nước sẽ đạt được một bước nhảy rất lớn trong việc đoàn kết dân tộc, vượt qua thời buổi khó khăn suy thoái này!
Cũng sẽ là sai lầm nếu lực lượng an ninh cố tìm ra một ai đó cầm đầu tổ chức biểu tình để dập tắt ngọn lửa, đó chẳng khác nào húc đầu vào khoảng không bởi đơn giản những người biểu tình chẳng cần một ai cầm đầu hết. Có thể sẽ có người tạm thời dẫn dắt, được bầu lên một cách cực kỳ tự phát trong đám đông nhưng yếu tố chính cầm đầu lớp trẻ, nếu có, chính là niềm tin của họ vào chính nghĩa và những giá trị được chính nhà trường XHCN dạy cho họ.
Xã hội đang biến chuyển từng ngày và đất nước đang đứng trước thời điểm có tính chất bước nhảy, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn mọi mặt đầu thế kỷ 21 này. Hy vọng những người cầm quyền không bỏ lỡ thời cơ để phản bác lại những luận điểm của các thế lực chống mình, rằng: đảng cầm quyền không phải là một lực cản cho sự tiến lên của xã hội, đảng nhận thức được sự phát triển tất yếu của dân trí xã hội và đang thích nghi với nó, và đảng thật sự xứng đáng dẫn dắt nhân dân Việt Nam trên con đường đi tới tương lai.
Câu chuyện sẽ còn rất dài nhưng hôm nay xin dừng ở đây. Đất nước ta vẫn còn quá nghèo và có quá nhiều việc phải làm. Thật sự mơ ước cháy bỏng rằng chủ đề Hoàng Sa- Trường Sa trở thành một cú hích giúp cho người dân và đảng nắm chặt tay nhau hơn để tìm cho mình một bước nhảy đến tương lai.
Các bạn trẻ, tôi kính trọng các bạn. Hãy chờ đợi những điều tốt đẹp mà niềm tin chúng ta đang đặt vào nhà nước. Nếu có đi biểu tình, nhớ kiềm chế và biết dừng đúng lúc.

(Bài viết của thành viên anhgrass trên Diễn Đàn Hoàng Sa,bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)
Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com