BBT: Tin này cho thấy Việt Nam đang trao quyền thực thi các công vụ bảo vệ an ninh quốc phòng biển ngày càng nhiều cho các địa phương.
Sáng ngày 23/9/2008, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Lục đã đọc lệnh công bố Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.
Pháp lệnh gồm 6 chương, 72 điều, quy định những thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ; thủ tục áp dụng hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển; thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án...
Theo đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện và cụ thể hóa Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 1990.
Ngoài ra, với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, nhu cầu giao thương hàng hải ngày càng lớn, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ và luật pháp quốc tế.
Các nhà làm luật đã nghiên cứu thực tiễn hàng hải Việt Nam và tham khảo các công ước về bắt giữ tàu biển, như Công ước Brussels, Công ước Geneva và tham khảo các quy định về bắt giữ tàu biển của Trung Quốc, Nga, Úc, Hồng Kông... nhằm đảm bảo cụ thể hóa và không có sự xung đột giữa các quy định của Pháp lệnh với các quy định của các điều ước quốc tế.
Trả lời báo chí, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Từ Văn Nhũ cho biết: Chỉ có tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của tòa án nước ngoài.
Chánh án tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công cho thẩm phán thực hiện việc quyết định bắt giữ tàu biển. Nơi ra quyết định bắt giữ tàu biển phải có sự bảo đảm về tài chính để khi xảy ra trường hợp người bị bắt giữ tàu biển đòi bồi thường thiệt hại do việc bắt giữ tàu biển sai gây ra thì có điều kiện để giải quyết bồi thường.
Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009.
Nguồn: Việt Nam Net
Đọc tiếp...