Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2008

Nói với con về Tổ quốc

Comments

BBT: Bài viết gốc đăng trên tờ Nhịp Cầu Thế Giới, một tờ báo Việt ngữ ở Hungary, và được đăng lại trên tờ Báo Đất Việt. Hãy chú ý trong bài có một hình rất đặc biệt: Không liên quan mà liên quan!

Hàng xóm có bạn Hoàng, 6 tuổi, mới cùng bố mẹ về Việt Nam sống sau một thời gian dài ở nước Nga. Về nhà, con hỏi bố, vì sao ở nước Nga hay thế, đẹp thế, mà bạn Hoàng lại về Việt Nam hẳn làm gì? Bố bảo: “Vì Việt Nam là Tổ quốc của Hoàng”. Con hỏi: “Tổ quốc là gì? Và vì sao lại cứ phải trở về Tổ quốc?”.

Thật khó trả lời câu hỏi của con cho đúng. Ngay cả người lớn, không phải ai cũng có được một câu trả lời đúng cho mình, rằng thế nào là Tổ quốc.

Tranh thêu Việt Nam. Ảnh: Nhịp Cầu Thế Giới

Hồi còn nhỏ, bố từng đọc được một câu chuyện của một tác giả người Nga, bây giờ bố không còn nhớ chính xác nữa. Chỉ nhớ, nhà văn viết rằng, ngay cả những con hồng hạc kiếm ăn trên đầm lầy ở một đất nước xa xôi, đến tối cũng nhớ về Tổ quốc của mình, nơi hàng trăm năm loài hồng hạc đã từng ở, vì thế mà chúng co một chân lên mà ngẫm nghĩ. Không đêm nào là chúng không nghĩ về nơi ấy, cho dù không sống ở đó nữa.

Mà không chỉ loài chim hồng hạc. Có những con vật nếu bị đem đi khỏi nơi thân quen của mình, nơi dòng giống loài vật ấy thường sống, chúng đôi khi không thích nghi được, hoặc vì nhớ thương nơi cũ mà chết. Hồi nhỏ bố học ở Nga, một lần vào vườn Bách Thú, bố thấy có con hươu cao cổ châu Phi bị ốm nặng. Và người coi thú đã giải thích với bố rằng, hình như hươu nhớ cái nắng nóng ở châu Phi, hay nhớ những người bà con của mình nên sống không được vui.

Ngay cả cây cỏ cũng thế, con ạ. Chú Bình, bố của bạn Hoàng, mang từ Nga về một cây bạch dương bé. Nhưng dù chú ấy đã trồng cẩn thận, chăm bón đến thế nào, thì cây bạch dương cũng lụi tàn khá nhanh. Có thể, nếu không chết thì nó cũng sẽ sống rất còi cọc, thân khẳng khiu và không cao lớn được. Vì nó cũng nhớ Tổ quốc của nó, nơi những cánh rừng bạch dương thân trắng mọc bạt ngàn, nơi giá rét chứ không ấm áp như ở đây.

Trẻ em Việt tự hào với lá cờ Tổ quốc. Ảnh: Nhịp Cầu Thế Giới

Như vậy, Tổ quốc thật cần cho mỗi một con người, mỗi một con vật, thậm chí, mỗi một loài cây cỏ, con nhỉ. Vì đó là nơi gốc rễ sâu xa của ta, nơi từ ngày xửa xừa xưa, các cụ, các ông bà của mình đã sống.

Con hỏi, có nhất thiết phải về Tổ Quốc không? Theo bố, không nhất thiết cứ phải về sống ở Tổ quốc mới thỏa lòng yêu mến, nhớ thương. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, người ta sẽ không còn hỏi nhau: “Anh là người nước nào?” nữa. Đó là lúc các con đã đi khắp nơi trên thế giới, có thể dừng chân ở bất kỳ nơi đâu mình muốn, nơi nào mình có thể làm việc và học tập một cách thoải mái. Và Tổ quốc chung khi ấy của chúng ta chính là trái đất này. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, ta vẫn biết, ta là người của một miền đất nho nhỏ, nơi có những người giống ta, nói cùng một thứ tiếng nói thân yêu, có chung một màu da, màu tóc, ánh mắt, thậm chí đến cả những thói quen. Đó còn là nơi có những người thân của ta ở. Ví dụ, bạn Hoàng có bố, có mẹ ở bên, nhưng bạn ấy vẫn biết, ở Việt Nam có ông bà, có các cô chú bác, có ngôi nhà khi xưa bố mẹ bạn ấy đã từng ở. Bạn ấy có thể nói về Việt Nam bằng từ “của tôi” một cách đĩnh đạc, còn nói về nước Nga, bạn ấy có thể dùng từ “yêu quý, tươi đẹp” mà không thể nói “Nước Nga của tôi” được. Vì thực ra, bạn ấy tuy sinh ra và lớn lên ở nước Nga, nhưng lại không phải người Nga.

Hoàng có thể chỉ nói tiếng Nga, chơi với các bạn người Nga và ở lại mãi đất nước này mà không cần về Việt Nam. Rồi lớn lên, bạn ấy có thể hoàn toàn quên hẳn mình là người Việt Nam. Thế có sao không con? Chẳng sao cả. Bạn ấy vẫn sống, vẫn làm việc, mọi điều đều ổn. Thế nhưng, bạn ấy sẽ không có được một miền đất để nói “của tôi, là của tôi”.

Ngược lại, bố biết nhiều người có bố là người Việt, mẹ là người nước ngoài, sống ở châu Âu từ nhỏ, không nói được tiếng Việt, nhưng họ luôn muốn tìm về Việt Nam để nhận “Tổ quốc”. Để làm gì nhỉ? Để được nói: “Tổ quốc của tôi”.

Con cũng vậy. Con có ông bà của con, bố mẹ của con, những đồ chơi của con, cái giường của con, căn phòng của con… Và cả Tổ quốc của con nữa. Những gì là “của con” đối với con là thân thương và yêu quý, đôi khi con có thể rời xa, nhưng không muốn mất đi mãi mãi.

Bố mẹ bạn Hoàng quyết định trở về, sống hẳn ở Việt Nam, vì bố mẹ bạn ấy muốn bạn ấy hiểu Tổ quốc mình hơn: thế nào là hoa đào nở vào ngày Tết, thế nào là hoa phượng nở mùa hè, thế nào là hoa sữa làm thơm lừng cả đường phố vào mùa thu, và thế nào là những cơn gió mùa đông Bắc tràn về khi đông tới.

Bố mẹ Hoàng muốn bạn ấy sống gần gũi với ông bà, với những người thân, để cùng có những kỷ niệm đẹp với họ. Như là đêm Trung thu tháng trước, bạn Hoàng đã rất vui vì được đi rước đèn cùng các anh chị em họ và cùng các bạn hàng xóm như con. Các con đã hát, đã cùng nhau vẽ mặt nạ, đi nặn bánh dẻo ở Viện Bảo tàng Dân tộc học. Các con đã cười to ơi là to khi bạn Hoàng nặn ra một cái bánh to đùng rất buồn cười. Sau này, có thể Hoàng sẽ lại đi một nước nào đó để học, để sống, thì bạn ấy cũng có thể hình dung ra Tổ quốc thật rõ ràng, qua những kỷ niệm của riêng mình chứ không chỉ theo lời kể của mẹ nữa.

Khi nào lớn lên, con sẽ biết, thật tuyệt vời biết bao nếu mình được nhớ về một miền đất “của mình”, về những người thân của mình qua những kỷ niệm đẹp.

Nguồn: Báo Đất Việt

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2008

Tòa án cấp tỉnh có quyền quyết định bắt giữ tàu biển

Comments

BBT: Tin này cho thấy Việt Nam đang trao quyền thực thi các công vụ bảo vệ an ninh quốc phòng biển ngày càng nhiều cho các địa phương.

Sáng ngày 23/9/2008, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Lục đã đọc lệnh công bố Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển.

Pháp lệnh gồm 6 chương, 72 điều, quy định những thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ; thủ tục áp dụng hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời bắt giữ tàu biển; thủ tục bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ để thi hành án...

Theo đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện và cụ thể hóa Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 1990.

Ngoài ra, với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, nhu cầu giao thương hàng hải ngày càng lớn, đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ, phù hợp với luật pháp Việt Nam, thông lệ và luật pháp quốc tế.

Các nhà làm luật đã nghiên cứu thực tiễn hàng hải Việt Nam và tham khảo các công ước về bắt giữ tàu biển, như Công ước Brussels, Công ước Geneva và tham khảo các quy định về bắt giữ tàu biển của Trung Quốc, Nga, Úc, Hồng Kông... nhằm đảm bảo cụ thể hóa và không có sự xung đột giữa các quy định của Pháp lệnh với các quy định của các điều ước quốc tế.

Trả lời báo chí, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Từ Văn Nhũ cho biết: Chỉ có tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, nơi có cảng biển, cảng thủy nội địa mà tàu biển bị yêu cầu bắt giữ đang hoạt động hàng hải có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu biển đó để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, thi hành án dân sự, thực hiện ủy thác tư pháp của tòa án nước ngoài.

Chánh án tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công cho thẩm phán thực hiện việc quyết định bắt giữ tàu biển. Nơi ra quyết định bắt giữ tàu biển phải có sự bảo đảm về tài chính để khi xảy ra trường hợp người bị bắt giữ tàu biển đòi bồi thường thiệt hại do việc bắt giữ tàu biển sai gây ra thì có điều kiện để giải quyết bồi thường.

Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009.

Nguồn: Việt Nam Net

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2008

Đánh giá yêu sách của Trung Quốc với ExxonMobil và BP

Comments

Dù Mỹ không nghiêng về bên nào trong tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, Đại sứ Mỹ và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây cũng đã khẳng định rằng các vùng mà ExxonMobil đang hợp tác là thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Những động thái này không phải là không có lý do, bởi Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn, trong khi những tranh chấp của Trung Quốc đối với những vùng này lại hoàn toàn không có căn cứ.

Chủ quyền không thể chối cãi

Nhiều người hiểu lầm rằng những phản đối của Trung Quốc liên quan đến các khu vực nói trên là sự tranh chấp chủ quyền trên Hoàng Sa và Trường Sa.

Thế nhưng, theo luật quốc tế, giả sử như Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc về Trung Quốc một cách hợp pháp đi nữa, thì vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn nằm ở phía bắc ranh giới với Indonesia vẫn thuộc về Việt Nam. Bởi, tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chủ quyền của Việt Nam ở những vùng này.

Theo Điều 57 và 76 của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển quốc tế), các quốc gia ven biển được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa là 200 hải lý từ đường cơ sở và một vùng thềm lục địa; nếu địa lý đáy biển cho phép thì có thể rộng tối đa là 350 hải lý từ đường cơ sở hay 100 hải lý từ độ sâu 2500 mét.

UNCLOS cũng quy định là nếu có tranh chấp, trong trường hợp vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của hai quốc gia chồng lấn lên nhau, thì tranh chấp phải được giải quyết một cách công bằng (Điều 74 và 83).

Khi xét xử tranh chấp biển, Toà án Công lý Quốc Tế thường vạch đường trung tuyến giữa hai nước làm ranh giới thử nghiệm, sau đó Toà sẽ xem xét tỷ lệ diện tích được chia cho mỗi nước có gần như tỷ lệ chiều dài bờ biển liên quan tới tranh chấp hay không.

Trong việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, luật biển quốc tế không tính những đảo nhỏ, xa bờ, không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Nguyên tắc này được pháp điển hóa tại Khoản 3 Điều 121 của UNCLOS và cũng đã áp dụng trong các vụ kiện như thềm lục địa Bắc Hải, Lybia/Malta, Vịnh Maine, Guniea/Guniea-Bisseau.

Toàn thể vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn phía bắc ranh giới với Indonesia và Malaysia, hoặc nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoặc nằm trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam. Do vậy, theo Điều 57 và 76 của UNCLOS, những vùng này hiển nhiên thuộc về Việt Nam.

Ngoài Trung Quốc ra, các nước Malaysia, Philippines và Indonesia không tranh chấp chủ quyền của Việt Nam ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Riêng Brunei tranh chấp một phần nhỏ của vùng Tư Chính – Vũng Mây, nhưng không tranh chấp lô 133 và 134. Như vậy, những nước Đông Nam Á, dù có tranh chấp Trường Sa, vẫn tôn trọng UNCLOS và không có đòi hỏi lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Việt Nam.

Về yêu sách của Trung Quốc

Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở vùng Tư Chính – Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. (Các vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch nằm trong bồn trũng Nam Côn Sơn).

Năm nay, Trung Quốc gây áp lực với ExxonMobil yêu cầu không được cộng tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò dầu khí ở bồn trũng Nam Côn Sơn.

Nhưng, chiếu theo luật quốc tế, những yêu sách này hoàn toàn không có cơ sở.

Tt cả các đảo trong quần đảo Trường Sa đều có diện tích dưới 0,5 km vuông, tự thân chúng không có các điều kiện cho sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Theo các quy tắc pháp lý quốc tế đã dẫn, những đảo này không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chúng chỉ được hưởng lãnh hải tối đa là 12 hải lý (Điều 121, khoản 2 và 3 UNCLOS).

Bản đồ 2 cho thấy lãnh hải 12 hải lý của tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa nằm ngoài vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Vì vậy, tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa không cho Trung Quốc cơ sở pháp lý để tranh chấp vùng này.

Hơn nữa, vùng này nằm về phía Việt Nam của đường trung tuyến giữa bờ biển Việt Nam và các đảo Trường Sa trên thuỷ triều cao (Bản Đồ 2).

Vì vậy, Trung Quốc tranh chấp vùng Tư Chính – Vũng Mây, vùng Thanh Long, Mộc Tinh, Hải Thạch, hay bất cứ vùng nào khác trong bồn trũng Nam Côn Sơn, với Việt Nam là một điều hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, ngay cả khi đang tồn tại tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhằm bảo toàn tính toàn vẹn toàn lãnh thổ trên biển, điều tiên quyết là Việt Nam cần phải giữ vững và thực thi chủ quyền ở vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn. Việc Trung Quốc thành công trong việc xâm lấn vùng này sẽ là một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam ở Biển Đông.

Hơn nữa, không nên lẫn lộn giữa tranh chấp những vùng biển rõ ràng thuộc về Việt Nam, bao gồm các vùng biển được đề cập trên đây, với tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa. Không để cho Trung Quốc dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để ngụy trang cho việc xâm lược các vùng đó của Việt Nam, cũng như việc chiếm phần diện tích 75% trên Biển Đông.

Đây là những bản đồ cho bài anh Lê Minh Phiếu và Dương Danh Huy viết chung. Những bản đồ này cho thấy tranh chấp Trường Sa không phải là cơ sở chính đáng để Trung Quốc gây áp lực đối với BP và ExxonMobil. Điều này cũng cho thấy ý chí và hành động của Trung Quốc để theo đuổi ranh giới lưỡi bò.

Bản đồ 1: Bản đồ vùng Tư Chính – Vũng Mây và bồn trũng Nam Côn Sơn (Nam Con Son Basin). Vùng Thanh Long nằm trong lô 05-1B. Vùng Mộc Tinh nằm trong lô 05-3. Vùng Hải Thạch nằm trong lô 05-2. Vùng Lan Tây, Lan Đỏ nằm trong lô 06-1. Vạch chấm đen là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bản đồ 2: Vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam. Các hình tròn đen là lãnh hải 12 hải lý của các đảo trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ bờ biển Việt Nam. Dựa trên bản đồ của PetroVietnam.

Bản đồ 3: Vùng Tư Chính - Vũng Mây nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý của các đảo Trường Sa. Các vùng Thanh Long (05-1B), Mộc Tinh (05-3), Hải Thạch (05-2), Lan Tây, Lan Đỏ (06-1) nằm ngoài phạm vi đường trung tuyến từ Trường Sa.

Nguồn: BBC Việt ngữMinh Biện

Tác giả:

Lê Minh Phiếu, nghiên cứu sinh ở Đại học Montesquieu - Bordeaux IV, Pháp.

Dương Danh Huy, tiến sĩ vật lý tại Đại học Southampton, Anh Quốc, hiện làm IT consultant tại Oxford

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2008

"Tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo Luật Biển LHQ"

Comments

Trao đổi với báo giới sáng 12/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Negroponte cho rằng: Mọi tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết hòa bình, theo Luật Biển Liên Hợp Quốc (LHQ) theo những cách thức không đưa đến việc chiếm đoạt.

Đây là lần đầu tiên sau 35 năm ông John Negroponte trở lại Việt Nam. Bằng vốn tiếng Việt lưu loát, giọng miền Nam chuẩn, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ thái độ lạc quan về triển vọng quan hệ Mỹ - Việt.

"Lý do làm cho tôi lạc quan, đó là hai nước đã trải qua một cuộc chiến tranh cay đắng và khó khăn. Nhưng cả hai bên đều quyết tâm thúc đẩy mối quan hệ tích cực trong tương lai, có thiện chí xây dựng mối quan hệ hợp tác thân thiện".

"Không đưa đến việc chiếm đoạt"

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân liên quan đến vấn đề Biển Đông và sự tham gia hợp tác khai thác dầu khí của các công ty Mỹ, Thứ trưởng Negroponte cho rằng các nước có tranh chấp giải quyết với nhau theo Luật Biển của Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi tin những tranh chấp như thế này phải được xử lý hòa bình, theo những cách thức không đưa đến việc chiếm đoạt", ông Negroponte nhấn mạnh.

Ông Negroponte cũng cho rằng: "Những công ty Mỹ có đủ quyền tham gia hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam".

Về đối thoại nhân quyền, Thứ trưởng Mỹ cho rằng hai nước sẽ tiếp tục thảo luận trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển, được cải thiện thân thiện hơn.

Theo Thứ trưởng Negroponte, Việt Nam đã có nhiều thay đổi với nền kinh tế tăng trưởng tốt từ 7-8%/năm trong suốt một thập kỷ qua. Việt Nam đã làm nên sự kỳ diệu về phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo và người dân có không gian, cơ hội rộng rãi để phát triển cá nhân.

Liên quan đến việc triển khai giải khoản hỗ trợ 3 triệu USD tẩy độc dioxin và trợ giúp con người, ông Negroponte cho biết trong các cuộc làm việc với quan chức Chính phủ Việt Nam, hai bên thống nhất trước mắt sẽ tập trung vào những khu vực ưu tiên như Đà Nẵng và tiến hành trao đổi chuyên gia.

"Tôi hài lòng về sự hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam liên quan đến vấn đề da cam/dioxin, MIA, rà phá bom mìn đang diễn ra tốt đẹp. Hai nước đối thoại và hoạt động tích cực, theo tinh thần xây dựng".

Kết nối công ty Mỹ và trường ĐH Việt

Thứ trưởng khẳng định: "Mỹ đặt mục tiêu làm sâu sắc mối quan hệ kinh tế, thương mại và mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao với Việt Nam nhằm tăng cường hòa bình, ổn định trong khu vực".

Giáo dục là một trong những lĩnh vực hợp tác được ưu tiên cao. Theo ông Negroponte, trong tuần tới, nhóm đặc trách về giáo dục giữa hai nước sẽ nhóm họp để thảo luận phương cách hợp tác, thực hiện mục tiêu gia tăng số lượng sinh viên Việt Nam theo học ở Mỹ và sinh viên Mỹ học ở Việt Nam, tăng cường trao đổi giữa các trường đại học của hai nước.

"Mỹ cũng sẵn sàng kết nối các công ty của Mỹ và các trường đại học của Việt Nam để giúp cho sinh viên tốt nghiệp tìm được công việc thích hợp, phục vụ phát triển kinh tế đất nước, mở trường đại học của Mỹ tại Việt Nam".

Nguồn: VietNamNet

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2008

Khát vọng dân tộc và sứ mệnh tiếp nối

Comments

BBT: Chúng tôi không thể nói gì hơn ngoài cụm từ: "Thật tuyệt vời, Viet Nam Net!". Mong rằng tất cả các bạn hữu cũng có chung cảm nhận đó khi đọc bài viết này.

Những dân tộc xung quanh ta đã làm nên kỳ tích phát triển khi biết nung nấu ý chí dân tộc và lòng quả cảm dấn thân cho khát vọng vượt lên - được hội tụ và dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo, đại diện cho dân tộc. Khát vọng của dân tộc này, như được viết từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945: Đất nước thực sự độc lập, giàu mạnh, nhân dân tự do, hạnh phúc đang đặt trên vai Đảng Cộng sản Việt Nam sứ mệnh lịch sử mới.

Với mỗi dân tộc, Quốc khánh luôn là ngày kỷ niệm thiêng liêng - ngày để họ cùng nhau chiêm bái những giá trị lịch sử của dân tộc mình, ngày họ nhắc nhau soi vào tấm gương quá khứ để đủ tự tin, kiêu hãnh và can trường dấn bước đến tương lai.

Với riêng dân tộc Việt Nam, đó còn là ngày đánh dấu thời khắc lịch sử: ngày một dân tộc thuộc địa đã ngẩng cao đầu bước ra từ 80 năm nô lệ tủi nhục để kiêu hãnh nói với cả thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập!

Dân tộc bé nhỏ ấy, một lần nữa, như nhiều lần trong lịch sử bốn ngàn năm của mình, đã chứng minh với thế giới mình không thiếu lòng dũng cảm và ý chí ngoan cường.

Phải phơi mặt trước sóng gió Biển Đông, có mặt tiền “hở” đến mức tất cả các “ông lớn” đều có thể tiếp cận hoặc tấn công, có miền biên thùy tiếp giáp với nước lớn láng giềng phương Bắc, và đã từng đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh nhất thời đại, nhưng dân tộc Việt chưa từng một lần sợ hãi, vẫn kiêu hãnh, can đảm bước đi và ngày càng phát triển.

Trong lịch sử sự phát triển tâm lý của nhân loại, lòng dũng cảm luôn được kính phục. Uy tín và sự đáng tôn kính của một dân tộc thể hiện trước hết và trên hết ở lòng dũng cảm. Lịch sử dũng cảm của dân tộc Việt Nam, hẳn không một dân tộc nào, không một nhà nghiên cứu nào trên thế giới này dám phủ nhận.

Vậy mà, trong những ngày đất nước thanh bình, người ta cứ mãi day dứt với câu hỏi: tại sao lòng yêu nước, đức hiến dâng và bản lĩnh dấn thân của những con người hôm nay không được hiển lộ như thời ấy?

Trả lời câu hỏi đó, Hồ Chí Minh và những người như Bác dường như là chìa khóa khơi mở sức mạnh.

“Khi cụ Hồ nhìn vào mỗi người dân, thấy lòng yêu nước trong mỗi người, thì tức khắc lòng yêu nước trỗi dậy. Khi cụ nhìn thấy sự hi sinh của người đó đối với dân tộc, thì tức khắc lòng hi sinh trỗi dậy. Những đức tính đẹp và ác ẩn giấu trong mỗi người, khi ta gọi tên thì nó thức dậy” – nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Thiều.

Không cần hiểu thế nào là chủ nghĩa Mác - Lênin, không cần biết những học thuyết, chủ nghĩa, những người Việt Nam thời ấy, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, giai cấp nọ, tầng lớp kia, đã một lòng dâng hiến cho cách mạng, bởi họ nhìn thấy hình ảnh của Đảng là lãnh tụ Hồ Chí Minh, cũng như các nhà lãnh đạo và đa phần cán bộ thời ấy, lòng yêu nước và tinh thần xả thân, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.

“Hồi ấy không ai hiểu sâu tư tưởng Hồ Chí Minh như bây giờ đâu, người ta chỉ đọc những tài liệu như "lề lối làm việc" thôi nhưng ai cũng học được Bác Hồ và làm theo Bác Hồ", cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng kể.

Một triết gia đã từng nói lòng yêu nước và ý thức dân tộc là cấu thành bẩm sinh của bất kỳ con người nào trên trái đất này, nếu người đó có đất nước. Lòng yêu nước, ý thức dân tộc không được khơi dậy bởi ai cả. Người ta tìm thấy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong nhà chính trị đại diện cho mình thì người ta đi theo nhà chính trị ấy.

Hơn mọi khẩu hiệu, mọi học thuyết và chủ nghĩa, điều đó tự thân đã tạo nên động lực tinh thần để tập hợp và gắn kết nguồn lực vĩ đại của cộng đồng dân tộc.

Sẽ là không công bằng và vội vã khi nhận định người hôm nay không yêu nước như người hôm qua, thế hệ trẻ hôm nay không dũng cảm và dám dấn thân như thế hệ cha ông họ. Bởi người trẻ hôm nay, khi lòng tự hào và tự tôn dân tộc bị xúc phạm, đã không e ngại mà lên tiếng mạnh mẽ, bằng cách riêng của mình. Chỉ có điều, dường như những hành động đó còn mang nặng tính bộc phát, tức thời, thay vì được dẫn dắt để trở thành một giá trị phổ quát, thậm chí một đức tin của thời đại.

Trong cuộc bàn tròn trực tuyến ngày 19/8 trên VietNamNet, nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã cùng đi đến một đúc kết: Cần những người đứng mũi chịu sào, dẫn dắt cộng đồng để có sự hiến dâng thực sự.

Lịch sử đã chứng minh khi bị dồn đến chân tường, như khi đối diện với họa xâm lăng của những kẻ thù hùng mạnh, hay khi chênh vênh bên bờ vực khủng hoảng những năm tiền ĐỔI MỚI, dân tộc này đủ can đảm và dũng khí để đứng lên, vượt lên để phát triển.

Nhưng lịch sử còn thiếu những câu chuyện về sự dũng cảm vượt lên chính mình để đột phá, để vượt qua những nguy cơ của dân tộc, của đất nước trong tương lai.

Vượt lên được chính mình, vượt qua được quán tính tư duy , vượt qua được lợi ích cá nhân… bao giờ cũng khó khăn gấp bội.

33 năm hòa bình thực sự, trong đó có 22 năm đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc, được ghi nhận và đáng để tự hào. Nhưng món nợ với cha ông, kể từ ngày Độc lập 2/9/1945 vẫn chưa trả được. Việt Nam vẫn là một nước nghèo, một công dân hạng hai trên thế giới.

Lịch sử phát triển của các dân tộc trong khu vực này đã chứng minh một thực tế rằng 30 năm là một thời gian đủ để một quốc gia lạc hậu trở nên phát triển.

Chỉ mất 30 năm để một Nhật Bản hoang tàn trong đống đổ nát chiến tranh, nhục nhã bởi cảm giác thất trận vươn lên trở thành siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ mất 30 năm để một Hàn Quốc bị xâu xé bởi nội chiến và ly loạn, mấp mé bên bờ vực của sự chết đói vươn lên thành một trong những nước công nghiệp phát triển.

Và cũng chỉ ngần ấy thời gian để một đảo quốc bé nhỏ Singapore vừa bỡ ngỡ độc lập trở thành trung tâm kinh tế - tài chính khu vực.

Họ đã làm nên điều kỳ vĩ bởi biết nung nấu ý chí dân tộc và hun đúc lòng quả cảm dấn thân cho giấc mơ chung, khát vọng chung của dân tộc mình – được kết tinh và dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo kiệt xuất của dân tộc họ.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã dẫn dắt dân tộc này giành độc lập, thống nhất cho đất nước, chiến thắng qua hai cuộc chiến tranh, qua công cuộc Đổi Mới thành công cũng chính vì Đảng đã đồng hành cùng giấc mơ, khát vọng độc lập, tự do thuở ấy của dân tộc.

Giấc mơ chung của dân tộc Việt Nam hôm nay, như được viết từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, hơn bất kỳ mô hình, học thuyết nào, chỉ giản dị là: Đất nước thực sự độc lập, giàu mạnh, dân tộc được tự do và hạnh phúc.

Đất nước, dân tộc đang đặt trên vai Đảng sứ mệnh mới, vinh quang nhưng đầy thách thức, đòi hỏi lòng quả cảm, trí tuệ và bản lĩnh phi thường.

Nguồn: Viet Nam Net


(chú thích hình: "Giới trẻ ASEAN là cầu nối văn hóa hướng tới một cộng đồng ASEAN nhất thể hóa trong tương lai")

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com