Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Biển Đông: Không có chỗ cho né tránh và chia rẽ

Comments

Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ngày 04/4, không ít người thở phào nhẹ nhõm khi Biển Đông vẫn hiện diện trong Tuyên bố chung cuối cùng, dù đã bị rút ra khỏi chương trình nghị sự chính thức, và quan trọng hơn, bởi ASEAN sẽ thống nhất Bộ nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC trước khi bàn với Trung Quốc.

Kĩ năng né?

Trước ngày hội nghị, không khí quan ngại hiện diện khắp nơi khi dư luận khu vực chứng kiến sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN, do vấn đề Biển Đông. Với tư cách chủ tịch ASEAN, Campuchia đã quyết định rút vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự chính thức, trong khi đây lại là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.

Dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, không có chuyện Campuchia chịu áp lực của nước thứ ba trong vấn đề Biển Đông, theo GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, "Không có gì nghi ngờ việc Campuchia hành xử dưới áp lực của Trung Quốc". Tuy nhiên "điều này không nằm ngoài truyền thống lâu dài tránh né các tranh cãi trực tiếp của ASEAN."

Trong quá khứ, Biển Đông cũng từng được bỏ ra khỏi chương trình nghị sự chính thức trước lời đe dọa của Trung Quốc sẽ vắng mặt tại một hội nghị quan trọng này một khi vấn đề Biển Đông được đưa vào.

Trên thực tế, với tư cách Chủ tịch ASEAN, một nước có thể tác động đến nghị trình ở một mức độ nhất định và rõ ràng sẽ quyết định vấn đề gì cần được thúc đẩy tích cực và vấn đề nào ít được ưu tiên hơn. Không có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông, việc Campuchia hạ mức quan tâm đối với vấn đề này cũng không có gì khó hiểu.

Tuy nhiên, Chủ tịch ASEAN không thể phớt lờ quan điểm của các nước thành viên khác.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 20, Biển Đông đã được nêu lên như một vấn đề cần thảo luận và tuyên bố cuối cùng đã bao gồm cả Biển Đông.

Đáng tiếc, nội dung của hai đoạn ấy lại không có bao nhiêu tín hiệu lạc quan. Đoạn đầu thuần túy chỉ là nhắc lại những tuyên bố trước đây của ASEAN trong vấn đề này. ASEAN sẽ tăng cường các nỗ lực để triển khai DOC. Không có điểm gì mới. Đoạn thứ hai cũng không hề nhắc đến COC nhưng lại đề cập việc ASEAN trông đợi vào cuộc gặp trong tương lai với Trung Quốc.

Theo quan sát của GS Carl Thayer, một thực tế rõ ràng là trong nội bộ ASEAN có những khác biệt về việc nên dự thảo chính sách về Biển Đông như thế nào. Bằng chứng cho những khác biệt ấy khá rõ ràng ngay trước Hội nghị thượng đỉnh.

Tàu hải quân Việt Nam đưa quân và dân ra quần đảo Trường Sa. Ảnh VNE

Vấn đề tranh cãi chính tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua là thời điểm Trung Quốc can dự cùng ASEAN trong việc đàm phán về COC.

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận đã có" bất đồng lớn" trong việc mời Trung Quốc tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn để thay thế cho Bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC.

Trong khi nước chủ nhà loại Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức, thì theo trang web của Bộ Ngoại giao Philippines, tại phiên họp kín, Tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Philippines xem giải pháp giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua Công ước LHQ về Luật Biển là quan trọng nhất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu cũng đã nhấn mạnh ASEAN cần khẩn trương hoàn tất xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở khởi động tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.

Trong khi đó, báo Jakarta Post (Indonesia) nhấn mạnh, với vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Campuchia phải có trách nhiệm vận động ưu tiên soạn thảo dự thảo COC.

Tại Hội nghị tháng 11 năm ngoái, Indonesia tuyên bố rõ rằng nội bộ ASEAN cần phải đạt đồng thuận về một bản COC nháp trước và sau khi đạt được thỏa thuận thì sẽ đưa bản nháp này cho Trung Quốc xem xét.

GS Carl Thayer cho rằng việc Trung Quốc muốn tham gia sớm hơn khiến ASEAN bị đặt vào thế khó, giống như phải đón một vị khách không mời.

Theo quan sát của GS Thayer, bản thân ASEAN không thích tranh cãi và Hiệp hội đã phát triển những kĩ năng sắc bén trong việc né tránh các xung đột.

"Vấn đề ASEAN phải đối mặt là liệu có thay đổi sự đồng thuận sẵn có và nếu có thì bao giờ", GS Thayer nhận định.

Vấn đề không còn chỉ nằm ở tranh chấp Biển Đông. Theo GS Carl Thayer, "trong thời gian dài tiến trình của ASEAN đã bị phủ bóng bởi nước lớn và có vẻ ASEAN sẽ định vị lại mình để tạo chỗ cho Trung Quốc."

Bẫy kỉ niệm 10 năm?

Được đánh giá là một tín hiệu vui khi cuối cùng, Surin Pitsuwan cho biết ASEAN muốn hoàn thành dự thảo COC trong năm nay, nhân kỉ niệm 10 năm ra đời của Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông DOC 2002.

Đúng 10 năm trước, Campuchia với tư cách Chủ tịch ASEAN 8 đã đóng vai trò tích trực trong việc thuyết phục các thành viên ASEAN và Trung Quốc kí DOC vào 4/11/2002 tại PhnomPenh. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu giờ đây Campuchia có thể làm được điều tương tự, tận dụng vị thế trung lập tương đối, khi không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, để thuyết phục hai bên ASEAN và Trung Quốc kí COC để thực thi DOC?

Trong khi khả năng hiện thực của COC vẫn còn để ngỏ, thì GS. Carl Thayer cảnh báo, với việc đặt thời hạn mục tiêu cho COC vào cuối năm 2012 này, "ASEAN đã tự đưa mình vào bẫy".

Cái đích đã rất cận kề về mặt thời gian, nhưng cái đích về một Bản Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, hiệu quả, thực sự xử lý được các xung đột hiện nay là ngăn ngừa các vấn đề tranh chấp tiềm tàng trong tương lai ở Biển Đông vẫn còn quá xa vời.

10 năm nhọc nhằn, nội bộ ASEAN và ASEAN với Trung Quốc không tiến được bao nhiêu để biến DOC thành COC. Ngay tại thời điểm cách đích hướng tới chỉ hơn nửa năm, tại Hội nghị lần này, ASEAN vẫn còn đang lo tranh cãi vấn đề mang tính thủ tục như việc thời điểm nào cho sự tham gia của Trung Quốc. Chỉ hơn 6 tháng nữa, liệu ASEAN có thể làm được gì nhiều cho một COC mang tính ràng buộc pháp lý.

Theo GS Carl Thayer, cái đích kỉ niệm 10 năm sẽ là cái bẫy, bởi lẽ "điều này sẽ đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vội vàng và các bên có thể thỏa hiệp để đạt tới mức tối thiểu đồng thuận."

10 năm trước, một tuyên bố chính trị như DOC là điều mọi người trông đợi. Nhưng sau 10 năm, điều đó sẽ là không đủ. Những căng thẳng ở Biển Đông, gắn với nó là an ninh khu vực và thế giới không chấp nhận những tuyên bố suông lâu hơn nữa.

"Sẽ là một mối nguy thực sự về việc COC sẽ không phải là một hiệp định có tính ràng buộc pháp lý cứng, điều mà vài thành viên ASEAN đang tìm kiếm. Nó sẽ là một tuyên bố chính trị khác thể hiện thiện chí của các bên trong việc ứng xử một cách phù hợp," vị chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia cảnh báo.

Ông đơn cử, để thực sự hiệu quả, COC phải có những điều khoản ngăn các tàu bán quân sự của Trung Quốc sử dụng vũ lực trong thực thi quyền tài phán ở khu vực biển tranh chấp, thay vì trông chờ sự tự kiềm chế của Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc muốn tận dụng được sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Hơn nữa, một khi ASEAN và Trung Quốc còn đang thảo luận về vấn đề Biển Đông, Mỹ sẽ không có vai trò gì ở đây. Và vì thế, lựa chọn chính sách của họ sẽ là hướng tới cách tiếp cận ngoại giao mềm cho tới Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm nay. Đó cũng là quãng thời gian Trung Quốc cải thiện danh tiếng của mình và thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực trong giới lãnh đạo nước này. Tháng 12 cũng là thời điểm mà thông tin về vị Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ cũng đã rõ ràng.

Còn với ASEAN, câu chuyện Biển Đông và an ninh khu vực không có chỗ cho những chia rẽ nội bộ và né tránh tranh cãi. Chậm mà chắc, lùi thời hạn nhưng có được một COC thực sự hiệu quả, mang tính ràng buộc pháp lý, để xử lí được thực sự câu chuyện Biển Đông còn hơn là một văn bản đơn thuần là tuyên bố chính trị như rất nhiều lần trước đây. Nhất là giờ đây, khi chính các thành viên ASEAN còn quá khác biệt trong cách tiếp cận về tranh chấp Biển Đông, mà đòi hỏi của Philippines là xác định rõ vùng tranh chấp và không tranh chấp trên Biển Đông... là một ví dụ. Việc tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa có được đưa vào phạm vi điều chỉnh của COC vẫn là một dấu hỏi lớn, mà để có câu trả lời không hề dễ dàng.

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Philippines đem tranh chấp biển tới thượng đỉnh ASEAN

Comments

Vấn đề tranh chấp quần đảo Trường Sa, biến đổi khí hậu và an toàn cho lao động nhập cư và người đi biển... sẽ được Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đề cập tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 diễn ra ở Campuchia tuần tới.

Ảnh: wordpress

Ông Aquino sẽ đại diện Philippines tham gia hội nghị thượng đỉnh tại Phnom Penh ngày 3 và 4/4, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết.

"Ông sẽ thúc đẩy vấn đề an ninh hàng hải và Biển Đông, biến đổi khí hậu và quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ lao động nhập cư... và đóng góp vào các nỗ lực khu vực hướng tới thiết lập một Cộng đồng ASEAN năm 2015", DFA nói.

Năm ngoái, Philippines đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc xâm nhập "khu vực thuộc chủ quyền hàng hải" của họ ở Biển Đông. Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với bốn quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam) ở Trường Sa - khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn ở Biển Đông.

Vào ngày 4/4, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ cùng nhau trao đổi cách nhìn về các vấn đề quốc tế và khu vực. Đây là lần đầu tiên Campuchia chủ trì hội nghị cấp cao ASEAN với chủ đề: "ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh". Hội nghị năm nay cũng sẽ kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN.

Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN.

Bộ Ngoại giao Campuchia ngày 26/3 đã công bố chương trình nghị sự của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20. Hội nghị dự kiến sẽ thông qua các văn kiện quan trọng như Tuyên bố Phnom Penh về ASEAN: Một cộng đồng, Một vận mệnh, Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về một khu vực ASEAN không ma túy vào năm 2015 và Văn bản khái niệm về Phong trào ồn hòa toàn cầu.

Để kỷ niệm 45 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, dự kiến lãnh đạo các nước ASEAN cũng sẽ thông qua “Tuyên bố chủ tịch kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN: Một chặng đường phía trước”.

Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 cũng sẽ diễn ra cuộc họp các Bộ trưởng ASEAN và các ủy ban của ASEAN, trong đó dự kiến các quan chức sẽ thông qua Tuyên bố ASEAN về Nghị định thư ủng hộ Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và Công cụ hợp nhất quy tắc tham chiếu Hiến chương ASEAN về Cơ chế giải quyết tranh chấp và nhiều văn bản quan trọng khác.


Đọc tiếp...

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

Nga làm máy bay không người lái cho VN

Comments

Truyền thông Nga đưa tin hãng chế tạo máy bay quân sự Irkut vừa ký hợp đồng sản xuất máy bay không người lái cỡ nhỏ (UAV) cho Việt Nam.

Trả lời nhật báo Nga Izvestia, Tổng giám đốc Irkut Engineering, một công ty con của tập đoàn Irkut, ông Yury Malov, nói bản hợp đồng trị giá 10 triệu đôla vừa được ký với Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (VASA) vào hôm thứ Tư, 14/3.

VASA từ chối xác nhận là đã ký hợp đồng, theo tờ Izvestia.

Theo báo Nga, Irkut dự kiến sẽ chế tạo loại máy bay không người lái, kích cỡ mini, có kèm theo cả hệ thống anten truyền dữ liệu mặt đất và hệ thống điều khiển từ xa và máy phóng.

Bên cạnh đó Irkut sẽ "giúp đào tạo phía Việt Nam sử dụng và bảo trì máy bay” cho đến khi VASA có kinh nghiệm tự chế tạo được máy bay không người lái này, ông Malov nói.

Trọng lượng của UAV trang bị hệ thống hạ cánh bằng dù là gần 100 kg. Máy bay sẽ có thể bay liên tục trên không đến 16 giờ.

Mục đích

Ông Malov còn cho biết thêm, trước tiên, những chiếc UAV này sẽ được sử dụng vào mục đích dân sự, nhưng trong tương lai có thể sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.

Ông Malov cũng cho biết thêm, Việt Nam quan tâm nhất đến các UAV không đòi hỏi sân bay trú đóng.

Trước đó, Irkut đã chế tạo cho Bộ Quốc phòng Belarus loại UAV Irkut-10 có trọng lượng 8,5 kg, có thể bay liên tục trên không không quá hai giờ.

Nga đã đóng vai trò chủ lực trong quá trình hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hải quân, của Việt Nam, tuy gần đây Việt Nam cũng muốn mở rộng việc mua vũ khí ra các quốc gia "không truyền thống" khác.

Việt Nam đang hy vọng sẽ tự sản xuất tàu chiến ở trong nước theo bản quyền của nước ngoài. Năm ngoái, nhà máy đóng tàu Hồng Hà loan báo đã lần đầu tiên đóng mới thành công tàu pháo có vũ khí điều khiển tự động.

Quân đội Việt Nam cũng đặt sáu tàu ngầm hạng Kilo từ Nga, đồng thời có kế hoạch mua thêm hai hộ tống hạm Gepard của Nga.

Hồi tháng Giêng, hải quân Việt Nam tiếp nhận hai trực thăng EC-225 từ Pháp và công bố thành lập phi đội trực thăng EC225.


Đọc tiếp...

Cựu binh Trường Sa họp mặt

Comments
Tàu HQ 505

HQ 505 là một trong ba tàu bị chiến hạm Trung Quốc bắn cháy

Những cựu binh hải quân của tàu 505, tàu duy nhất không bị chìm trong hải chiến tháng 3/1988 với Trung Quốc sẽ có buổi họp mặt vào cuối tuần này.

Thư mời của Ban liên lạc truyền thống tàu HQ 505 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân nói cuộc gặp sẽ diễn ra vào chiều thứ Bảy ngày 17/3/2012 tại Cư xá Thanh Đa, Phường 27, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ban liên lạc nói họ tổ chức buổi gặp "nhân dịp 24 năm ngày diễn ra trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền Đảo Côlin thuộc Quần đảo Trường Sa 014.3.1988 - 14.3.2012 và ngày đón nhận danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân."

Một người trong ban tổ chức có vẻ e ngại khi nói chuyện với BBC:

"Cái này chỉ làm công tác nội bộ thôi. Anh em tôi gặp nhau, nói chuyện với nhau gọi là vui vẻ thôi chứ không có gì đâu," ông nói.

Tàu HQ 505 cùng HQ 604 đã bị tàu Trung Quốc "bắn xối xả" tại khu vực đảo Gạc Ma hôm 14/3/1988 khiến HQ 604 bốc cháy và chìm xuống biển trong khi HQ 505 bốc cháy nhưng kịp đâm vào đảo Colin và giữ được đảo này.

Trong trận đánh mà Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma, một tàu khác của Việt Nam HQ 605 cũng bị bắn hôm 14/3/1988 và chìm vào ngày hôm sau.

Sáu mươi tư sỹ quan và binh lính của Việt Nam đã tử trận, chín binh sĩ bị Trung Quốc bắt và giam hơn ba năm trước khi được trả về Việt Nam.

Một trong những người bị bắt làm tù binh, Trung sĩ Nguyễn Văn Thống nói với BBC anh đã gọi điện thăm hỏi những người cùng bị Trung Quốc bắt nhân ngày 14/3.

'Hội ngộ bất ngờ'

Ngoài cuộc gặp của các cựu binh tàu HQ 505 vào cuối tuần, một số cuộc gặp nhân 24 năm ngày hải chiến Trường Sa cũng đã diễn ra tại nhiều nơi.

Báo Tiền Phong nói về cuộc 'Bấmhội ngộ bất ngờ' của cựu binh Phan Văn Đức, lính công binh của tàu 604 trong những ngày tháng Ba năm 1988 và may mắn sống sót, với những người lính từng phục vụ ở Trường Sa.

Trước đó tờ báo này có bài "BấmHồn ở lại Gạc Ma" hôm 14/3/2012 nói về hoàn cảnh khó khăn hiện nay của cựu binh Đức ở Sơn Trà, Đà Nẵng.

Cũng trong ngày 14/3, một cuộc gặp gỡ tại nhà riêng khác nhưng được tổ chức quy mô với phông chữ kỷ niệm và sự tham dự của từ 150-200 cựu binh đã diễn ra tại Phú Yên.

Báo Thanh Niên nói trong số những người tham dự có "Bấm15 khách mời là những cựu binh Trường Sa ở Khánh Hòa".

Nhiều cựu binh nói họ muốn có dịp thăm lại Trường Sa, "thăm lại nơi một thời tuổi trẻ" của họ cũng như để "tưởng niệm đồng đội đã nằm xuống".

Báo BấmTuổi Trẻ nói Phú Yên có hai liệt sĩ, Phan Tấn Dư và Trương Văn Thịnh, đã hy sinh ở Trường Sa khi " cả hai còn rất trẻ, đều chưa lập gia đình, cả hai đều có mẹ già."

Đảo Trường Sa lớn

Việt Nam tuyên bố chủ quyền toàn bộ quần đảo Trường Sa

Tuổi Trẻ nói cựu binh Trường Sa đã họp mặt ở Khánh Hòa vào ngày 24/2, ngày thanh niên Nha Trang nhập ngũ đợt đầu tiên vòa Vùng 4 hải quân còn tại Bình Định, các cựu binh Trường Sa lấy ngày 10/2, ngày thanh niên Bình Định nhập ngũ được điều đi Trường Sa để gặp mặt lần đầu tiên trong hàng chục năm qua.

Trang tin của báo BấmThanh Niên nói cuộc gặp của gần 100 cựu binh hôm 24/2 ở Khánh Hòa cũng còn để "chuẩn bị cho lễ tưởng niệm lần thứ 25 ngày xảy ra trận hải chiến anh dũng bảo vệ đảo Gạc Ma sẽ được tổ chức vào giờ này năm sau."

Một loạt các chương trình liên quan tới Trường Sa trong đó có "BấmNước ngọt cho Trường Sa", "BấmTrồng rong nho ở Trường Sa", "BấmGóp đá xây Trường Sa", hay "BấmRa quân xây dựng đường Hoàng Sa và Trường Sa" đã diễn ra trong mấy tuần qua.

Báo chí Việt Nam trong hơn một năm qua cũng có nhiều bài viết và phóng sự về Trường Sa.

Hồi tháng Bẩy năm 2011, trang tin Vietnamnet đã có phóng sự nhiều kỳ về 'Bấmhải chiến Trường Sa'.

Tuy nhiên Bấmbài cuối cùng của loạt phóng sự này đã không được đăng tải chính thức.


Đọc tiếp...

TQ phản đối chư tăng VN ra Trường Sa

Comments

Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Việt Nam đưa sáu chư tăng ra trụ trì các chùa ngoài các đảo của Trường Sa.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba ngày 13/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân cảnh báo Việt Nam nên tôn trọng chủ quyền của nước này tại quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp.

“Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể thật sự tôn trọng tinh thần của bản tuyên bố chung của các bên về Biển Nam Trung Hoa và Thỏa thuận Việt - Trung về những nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển,” ông phát biểu.

Trung Quốc yêu cầu Việt Nam "làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy hợp tác và ổn định ở Biển Nam Trung Hoa, và kiềm chế không có hành động làm phức tạp tình hình".

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận nguyện vọng của sáu vị hòa thượng, đại đức trong tỉnh ra Trường Sa tiếp quản các ngôi chùa hiện không có người ở trên các hòn đảo kể từ năm 1975.

'Bảo vệ chủ quyền'

Trả lời BBC hôm nay, Đại đức Thích Giác Nghĩa, hiện đang trụ trì chùa Vạn Đức ở thành phố Nha Trang và là một trong sáu chư tăng phát nguyện ra đảo, nói rằng ông không e ngại trước sự phản đối của Trung Quốc.

“Chúng tôi khẳng định mảnh đất đó là của Việt Nam. Nếu Trung Quốc có đòi hỏi gì thì chư tăng chúng tôi sẵn sàng đứng lên để bảo vệ chủ quyền của đất nước,” ông quả quyết.

“Đó là mảnh đất thiêng liêng của chúng tôi mà nhiều đời anh em đã nằm xuống để bảo vệ,” ông nói.

Đại đức Nghĩa là người đã ba lần ra Trường Sa để tiến hành các lễ cầu siêu cho những chiến sỹ và người dân Việt Nam đã tử nạn trong quá trình khai phá và bảo vệ quần đảo.

“Nếu một tu sỹ như tôi mà có hy sinh cho Tổ quốc thì cũng là việc đáng làm,” ông nói.

Khẳng định quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Đại đức Nghĩa nói "trên đảo đã có dân Việt Nam ở từ xa xưa; các ngôi chùa cũng đã có từ xa xưa và chư tăng cũng đã từng ở đảo".

“Dân tộc Việt Nam đi đến đâu thì ở đó có đền chùa miếu mạo,” ông nói.

“Thịnh suy, gián đoạn là tất yếu,” ông nói thêm, “Nhưng hôm nay Giáo hội có quan tâm sửa chữa trùng tôi thì chư tăng chúng tôi lại ra.”

Đọc tiếp...

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Báo Đất Việt phát động chương trình ‘Nước ngọt cho Trường Sa’

Comments
Sáng 9/3, Lễ phát động chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa" diễn ra trọng thể tại tòa soạn báo Đất Việt.

(ĐVO) Nội dung chương trình nhằm kêu gọi các đóng góp từ nhiều nguồn lực nhằm cung cấp các máy lọc nước cho các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.

Biển đảo có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã có nhiều hành động thiết thực để chăm lo cho quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Hiện nay, giải quyết nguồn cung nước ngọt cho quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK01… vẫn tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội.

TBT Báo Đất Việt phát biểu khai mạc trong lễ phát động. Ảnh: Như Ý

Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Hữu Nghị, Tổng biên tập báo Đất Việt, cho biết: “Chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa" nhằm góp phần khơi dậy và vun đắp tình yêu nước, yêu biển đảo cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

Đây là một hành động thiết thực nhằm kịp thời động viên cán bộ, chiến sỹ bộ đội Trường Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, góp phần tuyên truyền giáo dục ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia, và chung tay góp sức cùng Trường Sa. Chương trình cũng nhằm góp phần giải quyết một vấn đề lớn ở Trường Sa hiện nay, đó là thiếu nước ngọt.”

Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh.

Trả lời phỏng vấn của Đất Việt, Thiếu tướng Bùi Sĩ Trinh – Phó chủ nhiệm Chính trị (Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân) : “Lực lượng Hải quân rất hoan nghênh tinh thần vì Trường Sa, điều này sẽ góp phần giải quyết cung cấp nước ngọt cho bộ đội trên đảo. Qua đó, giúp một phần đảm bảo sức khỏe người chiến sĩ trên đảo xa hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Việt Nam.”

Tại buổi lễ, Công ty F Cubed quyết định trao tặng 5 hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời sản xuất nước ngọt từ nước biển có tên gọi Carocell. Với 5 tấm Carocell này (có tổng diện tích 15m2) có thể cung cấp được 120 lít nước ngọt tinh khiết mỗi ngày.

Chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa” kêu gọi đồng bào cả nước, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, đoàn thể, các nhà hảo tâm… tham gia đóng góp. Toàn bộ số tiền quyên góp được sẽ được chuyển cho BTL Hải quân mua thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt để trang bị cho các đảo và nhà giàn, khắc phục một phần khó khăn về nước ngọt ở Trường Sa hiện nay.

* Thời gian tiếp nhận đóng góp: Từ 0 giờ ngày 9/3/2012 đến hết ngày 8/5/2012.

* Các phương thức đóng góp:

1. Chuyển khoản vào tài khoản đã mở riêng cho chương trình này tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Nội dung ghi rõ “Nước ngọt cho Trường Sa”.

Tên tài khoản: Báo Đất Việt
Số tài khoản đồng Việt Nam: 0691133338888
Số tài khoản USD : 0691133668888
Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Hoàn Kiếm.

2. Đóng góp bằng tiền mặt hoặc thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt trực tiếp cho Tòa soạn Báo Đất Việt tại trụ sở chính 108 Trường Chinh, Hà Nội, hoặc Văn phòng của báo Đất Việt tại 174 Hoa Lan, Q. Phú Nhuận, TP. HCM.

Cán bộ, nhân viên báo Đất Việt đóng góp cho chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa".


3. Nhắn tin qua đầu số nhân đạo 14** mà Bộ TT-TT cho phép khai thác, với giá trị mỗi tin nhắn 10.000 đồng. Đầu số này sẽ được thông báo cụ thể trên báo in và báo điện tử Đất Việt và trên các kênh sóng của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, sau khi được Bộ TT-TT chính thức cấp phép.

Mọi đóng góp của đồng bào, các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể, các nhà hảo tâm…sẽ được vinh danh trên báo in và báo điện tử Đất Việt và trên các kênh sóng của Đài truyền hình kỹ thuật số VTC.

Mọi thông tin về chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”, xin vui lòng liên hệ:

Ban tổ chức chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”.
Địa chỉ: 108 Trường Chinh, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại đường dây nóng của BTC: 04.36290080 (máy lẻ: 181)

>> Sức sống mới trên quần đảo Trường Sa
>> Cận cảnh hệ thống năng lượng sạch ở Trường Sa

>> 'Phép thử' và lòng yêu nước
>> Thách thức Biển Đông và 'chiếc nỏ thần' Việt Nam

Lê Nam
Hieu

Gửi bạn Nguyễn Tuấn Huy: Hoan nghênh bạn đóng góp ý kiến đề xuất. Nhưng vấn đề đặt ra là lấy đâu vật liệu vừa đủ bền để vừa kinh tế có thể hoạt động lâu dài ở giữa không khí đầy hơi nước muối bởi vì ngay cả vũ khí ở ngoài đó hàng năm phải thay đổi do không khí biển ăn mòn chứ không như ở trong đất liền. Biện pháp đang được sử dụng là dùng sắc ký nhưng lượng nước chỉ đủ dùng và đắt.



đình anh

Gửi bạn Tuấn Huy: Nguyên tắc bạn nêu ra là đúng, ngay chính tôi cũng đang lọc nuớc máy lạnh để uống vì nó gần như tinh khiết (sau khi lọc bụi bẩn) nhưng luợng điện để chạy thiết bị lạnh rất lớn dễ hư hỏng với khí hậu biển và không phù hợp với nhu cầu tác chiến, dùng hệ thống mặt trời cũa các bạn trẻ gửi ra đảo là phù hợp nhất.



Nguyễn tuấn Huy

Tôi xin đề nghị quân chủng hải quân chế tạo thiết bị làm ngưng tụ nước từ không khí bằng sức gió. Về nguyên tắc rất đơn giản. Ở vùng biển đảo, sức gió là vô tận đồng thời độ ẩm trong không khí rất cao nên việc tách nước từ không khí là rất khả thi để cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt chiến sĩ một cách rẻ tiền. Nguyên lý chung của thiết bị là dùng sức gió để tạo năng lượng để vận hành hệ thống làm lạnh không khí. Nước trong không khí khi bị làm lạnh sẽ ngưng tụ lại tạo giọt và sẽ được thu vào thùng chứa. Không khí sau khi làm mát sẽ được cung cấp cho sinh hoạt chiến sĩ.

Về cách chế tạo thiết bị có 2 nguyên lý.

Nguyên lý gián tiếp: Dùng sức gió để vận hành máy phát điện bằng sức gió. Sau đó dùng điện thu được để vận hành máy lạnh (máy điều hoà)để làm mát không khí và ngưng tụ nước.

Nguyên lý trực tiếp: là dùng sức gió để vận hành trực tiếp hệ thống bơm dung môi làm lạnh đẩy dụng môi làm lạnh chuyển động tuần hoàn trong dàn lạnh thu nhiệt của môi trưòng làm lạnh không khí.

Nguyên lý trực tiếp đơn giản hơn, mà không cần nhiều thiết bị phụ trợ về điện. Dễ ứng dụng hơn.

Nếu hoạt động suốt ngày đêm sẽ tạo ra một lượng nước đáng kể. Đây là ý tưởng nhỏ. Mong báo Đất Việt chuyển đến những cán bộ có chức năng ở quân chủng Hải quân Bộ Quốc phòng để nghiên cứu triển khai phục vụ cho chiến sỹ biên giới hải đảo.

Trân trọng!



Trần Kiên
Tôi rất tán thành với ý kiến của Bạn Bùi Công Chính: Toà soạn nên mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác như BIDV, VCB... để chuyển từ máy ATM cho thuận lợi. Cảm ơn Toà soạn về ý tưởng hết sức ý nghĩa này.

Bùi Công Chính

Rất tán thành sáng kiến trên, tuy nhiên xin góp ý với quý Báo nên mở thêm tài khoản ở các Ngân hàng khác như VCB, Nông Nghiệp, Công Thương... để mọi người tiện chuyển khoản. Nếu không cứ mỗi lần chuyển khoản trái hệ thống đã tốn hàng chục ngàn lệ phí rồi. Tôi đang chờ nếu có TK ở VCB tôi sẽ đóng góp. Cảm ơn!

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

“Tàu mẹ - tàu con” ra quân bám biển Trường Sa, Hoàng Sa

Comments
TT - Sáng 16-2, ông Lê Đức Vinh - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đã phát lệnh ra quân tổ hợp tác gồm sáu ngư đội với 30 chiếc tàu chuyên nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và tàu hậu cần Hải Vương 68.

Đây là hình thức tổ hợp tác “tàu mẹ - tàu con”, thực hiện quy trình khép kín khai thác - thu mua - chế biến - xuất khẩu hải sản, nâng cao giá trị đánh bắt cho ngư dân Khánh Hòa.



“Tàu mẹ” còn tham gia kịp thời việc cứu nạn, cứu hộ trên biển khi “tàu con” gặp nạn. Bên cạnh đó, theo thượng tá Lê Hồng Chiến - phó tham mưu trưởng tác chiến Vùng 4 hải quân, việc hình thành các ngư đội bám biển dài ngày tạo nên sự liên kết vững chắc giữa các tàu đánh bắt xa bờ, góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thực hiện mô hình “tàu mẹ - tàu con”, sáu ngư đội Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây, Đá Nam và Đá Lát khai thác ở các vùng biển thuộc hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và xung quanh các nhà giàn DK1 của VN, sẽ bán ngay số cá đánh bắt được trong vòng một tuần cho “tàu mẹ” Hải Vương 68 có công suất 1.200CV, có thể mua 25-30 tấn cá ngừ/ngày. Sản phẩm sẽ được sơ chế và cấp đông ngay trên “tàu mẹ”.
Đọc tiếp...

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Philippines bất ngờ 'dịu giọng' với Trung Quốc

Comments

Philippines tỏ ra mềm mỏng với Trung Quốc và khẳng định quan hệ hữu nghị song phương sau khi Bắc Kinh phản ứng giận dữ về việc Manila bắt tay với Mỹ.

Soái hạm Gregorio del Pilar của hải quân Philippines mua từ Mỹ năm ngoái. Ảnh: Flirk

Trái ngược với những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc trước đây trong vấn đề tranh chấp chủ quyền các đảo trên Biển Đông, Philippines tuyên bố sẽ áp dụng chính sách ngoại giao thân thiện với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với sự giúp sức từ Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi đánh giá cao mối quan hệ với Trung Quốc", Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario nói trên nhật báo Inquirier. "Là những người bạn thân thiết với tình cảm gắn bó giữa nhân dân hai nước, Trung Quốc và Philippines đang nỗ lực để vượt qua mọi thử thách trong quan hệ song phương, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau".

Khi được hỏi về những hành động cụ thể của Philippines nhằm xóa bỏ khoảng cách trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, ông del Rosario cho hay nước này và ASEAN đang hợp tác để tạo ra khuôn khổ hành động, hướng đến tách biệt những khu vực tranh chấp trên Biển Đông khỏi những vùng không xảy ra tranh chấp, trong đó có việc doạn thảo Quy tắc ứng xử giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông (COC).

"Chúng tôi cũng đang lựa chọn cách thức tốt nhất để đạt được cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các đề xuất mà Hội nghị Liên Hợp Quốc về Luật biển (Unclos) đưa ra", ông del Rosario nói thêm và khẳng định Liên Hợp Quốc có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp khu vực.

Del Rosario nói ông tin rằng Trung Quốc dự kiến sẽ đồng thuận quan điểm của chính phủ Philippines trong vấn đề này. Trong khi đó các nhà phân tích nhận xét rằng Manila đang tỏ một thái độ mềm mỏng và "dịu giọng" hơn so với những tuyên bố trước đó liên quan đến Trung Quốc.

Đầu tuần này Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ trước việc Philippines đề xuất sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở quốc đảo. Hôm 30/1, Global Times, phụ bản của một cơ quan phát ngôn của đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cần áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Philippines vì đã bắt tay với Mỹ. Tờ báo này cũng kêu gọi Bắc Kinh đóng băng các hoạt động kinh doanh với Philippines.

Philippines bắt đầu tăng cường hợp tác hải quân với Mỹ sau các vụ đụng độ với Trung Quốc trên Biển Đông năm ngoái. Manila tăng cường tập trận chung với Washington, bên cạnh cải thiện năng lực quân sự bằng cách mua các khí tài từ Mỹ.

Chính sách này của Philippines lại phù hợp với chiến lược trở lại Thái Bình Dương và tăng hiện diện quân sự của Tổng thống Barack Obama. Mỹ cũng nhiều lần ra tuyên bố về vấn đề Biển Đông, kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp theo cách hòa bình đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ Philippines trong vấn đề chủ quyền.

Biển Đông là tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa 5 nước gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Đây là tuyến đường thương mại quan trọng và có nguồn tài nguyên dồi dào.

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com