Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ngày 04/4, không ít người thở phào nhẹ nhõm khi Biển Đông vẫn hiện diện trong Tuyên bố chung cuối cùng, dù đã bị rút ra khỏi chương trình nghị sự chính thức, và quan trọng hơn, bởi ASEAN sẽ thống nhất Bộ nguyên tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC trước khi bàn với Trung Quốc.
Kĩ năng né?
Trước ngày hội nghị, không khí quan ngại hiện diện khắp nơi khi dư luận khu vực chứng kiến sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN, do vấn đề Biển Đông. Với tư cách chủ tịch ASEAN, Campuchia đã quyết định rút vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự chính thức, trong khi đây lại là mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới.
Dù Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định, không có chuyện Campuchia chịu áp lực của nước thứ ba trong vấn đề Biển Đông, theo GS. Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, "Không có gì nghi ngờ việc Campuchia hành xử dưới áp lực của Trung Quốc". Tuy nhiên "điều này không nằm ngoài truyền thống lâu dài tránh né các tranh cãi trực tiếp của ASEAN."
Trong quá khứ, Biển Đông cũng từng được bỏ ra khỏi chương trình nghị sự chính thức trước lời đe dọa của Trung Quốc sẽ vắng mặt tại một hội nghị quan trọng này một khi vấn đề Biển Đông được đưa vào.
Trên thực tế, với tư cách Chủ tịch ASEAN, một nước có thể tác động đến nghị trình ở một mức độ nhất định và rõ ràng sẽ quyết định vấn đề gì cần được thúc đẩy tích cực và vấn đề nào ít được ưu tiên hơn. Không có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp Biển Đông, việc Campuchia hạ mức quan tâm đối với vấn đề này cũng không có gì khó hiểu.
Tuy nhiên, Chủ tịch ASEAN không thể phớt lờ quan điểm của các nước thành viên khác.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 20, Biển Đông đã được nêu lên như một vấn đề cần thảo luận và tuyên bố cuối cùng đã bao gồm cả Biển Đông.
Đáng tiếc, nội dung của hai đoạn ấy lại không có bao nhiêu tín hiệu lạc quan. Đoạn đầu thuần túy chỉ là nhắc lại những tuyên bố trước đây của ASEAN trong vấn đề này. ASEAN sẽ tăng cường các nỗ lực để triển khai DOC. Không có điểm gì mới. Đoạn thứ hai cũng không hề nhắc đến COC nhưng lại đề cập việc ASEAN trông đợi vào cuộc gặp trong tương lai với Trung Quốc.
Theo quan sát của GS Carl Thayer, một thực tế rõ ràng là trong nội bộ ASEAN có những khác biệt về việc nên dự thảo chính sách về Biển Đông như thế nào. Bằng chứng cho những khác biệt ấy khá rõ ràng ngay trước Hội nghị thượng đỉnh.
Tàu hải quân Việt Nam đưa quân và dân ra quần đảo Trường Sa. Ảnh VNE |
Vấn đề tranh cãi chính tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua là thời điểm Trung Quốc can dự cùng ASEAN trong việc đàm phán về COC.
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario xác nhận đã có" bất đồng lớn" trong việc mời Trung Quốc tham gia đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, có tính chất ràng buộc hơn để thay thế cho Bản tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC.
Trong khi nước chủ nhà loại Biển Đông ra khỏi nghị trình chính thức, thì theo trang web của Bộ Ngoại giao Philippines, tại phiên họp kín, Tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Philippines xem giải pháp giải quyết tranh chấp ở biển Đông thông qua Công ước LHQ về Luật Biển là quan trọng nhất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu cũng đã nhấn mạnh ASEAN cần khẩn trương hoàn tất xây dựng các thành tố của COC, làm cơ sở khởi động tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc về COC.
Trong khi đó, báo Jakarta Post (Indonesia) nhấn mạnh, với vai trò nước Chủ tịch ASEAN, Campuchia phải có trách nhiệm vận động ưu tiên soạn thảo dự thảo COC.
Tại Hội nghị tháng 11 năm ngoái, Indonesia tuyên bố rõ rằng nội bộ ASEAN cần phải đạt đồng thuận về một bản COC nháp trước và sau khi đạt được thỏa thuận thì sẽ đưa bản nháp này cho Trung Quốc xem xét.
GS Carl Thayer cho rằng việc Trung Quốc muốn tham gia sớm hơn khiến ASEAN bị đặt vào thế khó, giống như phải đón một vị khách không mời.
Theo quan sát của GS Thayer, bản thân ASEAN không thích tranh cãi và Hiệp hội đã phát triển những kĩ năng sắc bén trong việc né tránh các xung đột.
"Vấn đề ASEAN phải đối mặt là liệu có thay đổi sự đồng thuận sẵn có và nếu có thì bao giờ", GS Thayer nhận định.
Vấn đề không còn chỉ nằm ở tranh chấp Biển Đông. Theo GS Carl Thayer, "trong thời gian dài tiến trình của ASEAN đã bị phủ bóng bởi nước lớn và có vẻ ASEAN sẽ định vị lại mình để tạo chỗ cho Trung Quốc."
Bẫy kỉ niệm 10 năm?
Được đánh giá là một tín hiệu vui khi cuối cùng, Surin Pitsuwan cho biết ASEAN muốn hoàn thành dự thảo COC trong năm nay, nhân kỉ niệm 10 năm ra đời của Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông DOC 2002.
Đúng 10 năm trước, Campuchia với tư cách Chủ tịch ASEAN 8 đã đóng vai trò tích trực trong việc thuyết phục các thành viên ASEAN và Trung Quốc kí DOC vào 4/11/2002 tại PhnomPenh. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu giờ đây Campuchia có thể làm được điều tương tự, tận dụng vị thế trung lập tương đối, khi không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, để thuyết phục hai bên ASEAN và Trung Quốc kí COC để thực thi DOC?
Trong khi khả năng hiện thực của COC vẫn còn để ngỏ, thì GS. Carl Thayer cảnh báo, với việc đặt thời hạn mục tiêu cho COC vào cuối năm 2012 này, "ASEAN đã tự đưa mình vào bẫy".
Cái đích đã rất cận kề về mặt thời gian, nhưng cái đích về một Bản Quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc, hiệu quả, thực sự xử lý được các xung đột hiện nay là ngăn ngừa các vấn đề tranh chấp tiềm tàng trong tương lai ở Biển Đông vẫn còn quá xa vời.
10 năm nhọc nhằn, nội bộ ASEAN và ASEAN với Trung Quốc không tiến được bao nhiêu để biến DOC thành COC. Ngay tại thời điểm cách đích hướng tới chỉ hơn nửa năm, tại Hội nghị lần này, ASEAN vẫn còn đang lo tranh cãi vấn đề mang tính thủ tục như việc thời điểm nào cho sự tham gia của Trung Quốc. Chỉ hơn 6 tháng nữa, liệu ASEAN có thể làm được gì nhiều cho một COC mang tính ràng buộc pháp lý.
Theo GS Carl Thayer, cái đích kỉ niệm 10 năm sẽ là cái bẫy, bởi lẽ "điều này sẽ đồng nghĩa với việc các cuộc đàm phán sẽ diễn ra vội vàng và các bên có thể thỏa hiệp để đạt tới mức tối thiểu đồng thuận."
10 năm trước, một tuyên bố chính trị như DOC là điều mọi người trông đợi. Nhưng sau 10 năm, điều đó sẽ là không đủ. Những căng thẳng ở Biển Đông, gắn với nó là an ninh khu vực và thế giới không chấp nhận những tuyên bố suông lâu hơn nữa.
"Sẽ là một mối nguy thực sự về việc COC sẽ không phải là một hiệp định có tính ràng buộc pháp lý cứng, điều mà vài thành viên ASEAN đang tìm kiếm. Nó sẽ là một tuyên bố chính trị khác thể hiện thiện chí của các bên trong việc ứng xử một cách phù hợp," vị chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia cảnh báo.
Ông đơn cử, để thực sự hiệu quả, COC phải có những điều khoản ngăn các tàu bán quân sự của Trung Quốc sử dụng vũ lực trong thực thi quyền tài phán ở khu vực biển tranh chấp, thay vì trông chờ sự tự kiềm chế của Trung Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc muốn tận dụng được sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN. Hơn nữa, một khi ASEAN và Trung Quốc còn đang thảo luận về vấn đề Biển Đông, Mỹ sẽ không có vai trò gì ở đây. Và vì thế, lựa chọn chính sách của họ sẽ là hướng tới cách tiếp cận ngoại giao mềm cho tới Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm nay. Đó cũng là quãng thời gian Trung Quốc cải thiện danh tiếng của mình và thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực trong giới lãnh đạo nước này. Tháng 12 cũng là thời điểm mà thông tin về vị Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ cũng đã rõ ràng.
Còn với ASEAN, câu chuyện Biển Đông và an ninh khu vực không có chỗ cho những chia rẽ nội bộ và né tránh tranh cãi. Chậm mà chắc, lùi thời hạn nhưng có được một COC thực sự hiệu quả, mang tính ràng buộc pháp lý, để xử lí được thực sự câu chuyện Biển Đông còn hơn là một văn bản đơn thuần là tuyên bố chính trị như rất nhiều lần trước đây. Nhất là giờ đây, khi chính các thành viên ASEAN còn quá khác biệt trong cách tiếp cận về tranh chấp Biển Đông, mà đòi hỏi của Philippines là xác định rõ vùng tranh chấp và không tranh chấp trên Biển Đông... là một ví dụ. Việc tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa có được đưa vào phạm vi điều chỉnh của COC vẫn là một dấu hỏi lớn, mà để có câu trả lời không hề dễ dàng.