Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2009

Đảo xa luôn trong trái tim người Việt...

Comments

Một năm với đời người đã ngắn; đối với đất nước, với dân tộc chỉ như một cái chớp mắt. Có khi người ta không đo một năm bằng 12 tháng, bằng một vòng luân chuyển của đất trời … người ta đo một năm bằng những sự kiện diễn ra. Có những sự kiện đậm trong trí nhớ con người đến độ một năm trôi qua mà như thấy mới chỉ hôm qua.

Những ngày cuối năm 2007 đầu năm 2008, lần đầu tiên kể từ sau ngày thống nhất đất nước, thanh niên Việt Nam đã xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước khi Trung quốc công khai thể hiện dã tâm trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. Dẫu rằng vì nhiều lý do, những lần xuống đường đó không được báo chí trong nước thông tin rộng rãi. Dẫu rằng những tấm lòng yêu nước trong sáng, sự hiên ngang khí phách kia không được ngợi ca công khai… nhưng người ta sẽ phải nhớ rằng tấm lòng nhiệt tình với đất nước của thanh niên trí thức trẻ sẽ không bao giờ thay đổi.

Một năm sau, tờ giấy khổ A4 với dòng chữ vi tính: “Hoàng Sa-Trường Sa thân yêu là của Việt Nam” cùng vài chữ viết tay nguệch ngoạc: “9.12, ngày lịch sử” giờ đây đã ngả màu. Tờ giấy này của một bạn trẻ nào đó, tôi nhặt được trên lề đường Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1. Tp. HCM), đối diện lãnh sự quán Trung quốc, trong những ngày đẹp trời cuối năm 2007. Tôi đem nó về dán lên tường nhà mình như một kỷ niệm đẹp. Cái ngày 9.12.2007 có lẽ chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được cái không khí bừng bừng khí thế. Quên sao được khi tình cờ, tôi được đứng lẩn vào cùng những người đã tạo nên những ngày lịch sử. 

Tôi chưa có dịp đến Trường Sa, Hoàng Sa lại càng quá xa xôi mịt mờ… dù hòn đảo này là một huyện của thành phố nơi tôi sinh ra. Thỉnh thoảng khi đắm mình trorng làn nước biển trong veo giữa những buổi trưa hè chói chang, tôi nhìn ra phía khơi và dường như thấy thấp thoáng lá cờ phần phật của những hải đội lĩnh ấn vua ban đang vượt sóng ra trấn thủ đảo xa. Vậy nên tôi biết mình sẽ lại sẵn sàng đứng cùng những người bạn chưa từng quen để lại được hô to “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Và tôi cũng biết còn có rất nhiều người luôn đau đáu trong tim mình về nhũng phần lãnh thổ đang còn xa tay Mẹ Tổ Quốc.

Nếu có “kẻ xấu” nào đó “kích động” người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những “kẻ xấu” này. Ngược lại, khi “người tốt” tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng “người tốt” này cần phải được xem lại. Khi mà kẻ tham lam ở phương Bắc không chỉ thể hiện sự bá quyền trên các văn bản tuyên bố mà chuyển qua hành động đầu tư, khai thác dầu khí ngay trong khu vực lãnh hải của chúng ta thì sự sát cánh của nhân dân và Nhà nước lại càng cần kíp hơn bao giờ.

Lịch sử do chính chúng ta làm nên. Do chính những người đã bất chấp sợ hãi thường nhật, bất chấp thói quen trì trệ để kẻ khác quyết định thay mình… để bước xuống đường giương cao lá cờ Việt Nam, hô to: “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam”. Lịch sử cũng sẽ không bỏ qua cho chúng ta khi cứ giả như không có, không biết một phần đất nước vẫn đang còn bị xấm lấn. Vậy thì thật tự hào, vô tình tôi đã được đứng về phía mặt sáng của lịch sử.

Bài viết "Tản mạn cho đảo xa" của tác giả Trung Bảo được đăng tại trang 23 số Xuân Kỷ Sửu 2009 của tạp chí Du lịch (Cơ quan của Tổng cục Du lịch ­– ­ Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch)

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2009

Chia sẻ của TS Nguyễn Nhã: Các bạn trẻ & vấn đề Hoàng Sa Trường Sa

Comments

Trong một vài cuộc giao lưu với các thành viên diễn đàn HoangSa.Org, Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã đã chia sẻ và đồng cảm rất nhiều với các bạn trẻ trước vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa. Mới đây, tiến sĩ cũng đã có viết một bức Thư ngỏ gửi các bạn trẻ nhân ngày kỉ niệm thành lập tủ sách Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

BBT xin trích đăng một số ý kiến để bạn đọc tiện theo dõi:

"Có bạn trẻ hỏi tôi phải làm gì đối với Hoàng Sa & Trường Sa?
Tôi xin thưa, trước hết phải làm sao tất cả các bạn trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước phải biết thật rõ sự thật vể chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng sa và Trường Sa. các bạn cũng phải làm sao làm cho mọi người trên thế giới kể cả nhân dân cũng như các bạn trẻ Trung Quốc biết rõ sự thật lịch sự chủ quyền cũng như đầu đuôi sự tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này. Lượng đổi chất đổi các bạn ạ!
Trong Hội thảo Việt Nam học quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội từ ngày 5 đến 7 tháng 12 năm 2008, tôi đã gửi bài tham luận : “Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa- Nguyên nhân và giải pháp”. Tôi đã dịch toàn văn 31 trang ra Tiếng Anh, Tiếng Hoa. Tôi mong các bạn trẻ có trang web, blog ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ quốc gia nào đăng tải toàn văn băng Tiếng Anh, Tiếng Hoa và dịch ra mọi thứ tiếng. Các bạn có thể gửi lên bất cứ trang web nào cũng như báo , tạp chí nào trên thế giới Khi nào có hàng vạn trang web và blog , báo, tạp chí với hàng trăm thứ tiếng khác nhau, thì đấy là giai đoạn đầu tiên sự thành công của cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam.Các bạn cứ tin ở tôi đi!"

Xin đọc toàn văn tại chủ đề Thư ngỏ của Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã gửi các bạn thanh niên Việt Nam tại diễn đàn http://hoangsa.org

Đọc tiếp...

ExxonMobil tiếp tục hoạt động ở Việt Nam

Comments

Theo tin từ BBC, trong một cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 20/1/2009, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael Michalak cho biết tập đoàn dầu khí Hoa Kì ExxonMobil vẫn tiếp tục hoạt động ở thềm lục địa của Việt Nam, dù bị áp lực từ Trung Quốc.

Hồi tháng 7/2008, Bắc Kinh đã gây áp lực đòi ExxonMobil của Hoa Kỳ phải rút khỏi dự án với Việt Nam vì coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Michalak nói: "Theo tôi được biết, Exxon Mobil vẫn đang tiếp tục thương thảo với phía Việt Nam để tiến hành hoạt động".

"Hoa Kỳ không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông nhưng kêu gọi các bên đàm phán để giải quyết bất đồng."

Ông cũng khẳng định: "Hoa Kỳ không ủng hộ bất cứ ai can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các công ty đang thực hiện hợp đồng của mình." 

Exxon Mobil hay ExxonMobil hiên nay là một tập đoàn dầu khí đa quốc gia của Mỹ, có tổng doanh thu lớn nhất thế giới với 404,5 tỷ USD năm 2007, lợi nhuận 40,6 tỷ (2007), thị trường tư bản vốn cũng là lớn nhất với 517.92 tỷ USD tính 20 tháng 7 năm 2007, là tập đoàn lớn nhất trong 6 tập đoàn dầu lớn, với sản lượng dầu thô hàng ngày khai thác 6,5 triệu thùng.

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2009

Việt Nam trước chủ trương của Trung Quốc đối với Biển Đông

Comments

Đã đến lúc chúng ta phải tích cực xây dựng một tư duy Biển Đông. Từ đó, phải có một đội ngũ hùng hậu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biển, chiến lược biển, xây dựng một ý chí quốc gia, nâng cao ý thức và kiến thức về Biển Đông.

Cùng với những đòi hỏi và những hành động đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc còn thể hiện quyết tâm đòi hỏi phần lớn diện tích Biển Đông. Phần Biển Đông mà họ đòi hỏi nằm trong các đường gạch nối trên Biển Đông, được đưa ra đầu tiên vào năm 1947, có hình chữ U hay hình lưỡi bò và do vậy thường được gọi là “đường lưỡi bò” hay “ranh giới lưỡi bò”. Phần diện tích trong đường lưỡi bò này chiếm khoảng 75% diện tích trên Biển Đông, để lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%.

Các vạch đỏ là ranh giới lưỡi bò Trung Quốc đòi hỏi. Các đường xanh là một cách chia các vùng đặc quyền kinh tế dựa trên UNCLOS, nhưng không chia các đảo đang bị tranh chấp. Các vòng tròn xanh lá cây là lãnh hải 12 hải lý của các đảo này.

Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò vùng Tư Chính – Vũng Mây với công ty Crestone. Năm 2007, Trung Quốc đưa ra quy định theo đó tất cả bản đồ Trung Quốc phải vẽ ranh giới lưỡi bò này. Cũng năm 2007, Trung Quốc áp lực tập đoàn dầu khí BP phải ngưng hợp tác với Việt Nam trong hai vùng dầu khí Mộc Tinh, Hải Thạch. 

Năm 2008, Trung Quốc vẽ ranh giới lưỡi bò vào bản đồ rước đuốc Olympic và Paralympic, nhưng sau đó gỡ ra khỏi bản đồ rước đuốc Olympic trên trang web chính thức sau khi có tiếng nói phản đối từ phía Việt Nam gửi đến Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế. Tháng 7 năm 2008, Trung Quốc áp lực ExxonMobil không được hợp tác với Việt Nam trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Tháng 11 năm 2008, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố dự án có vốn 29 tỷ USD để khảo sát và khai thác trên Biển Đông.

Những sự kiện trên cho thấy sự quyết tâm và leo thang của Trung Quốc trong việc thực hiện chủ trương đó.

Trước một chủ trương “không thể chấp nhận được” như vậy, Việt Nam phải đối phó thế nào? Câu trả lời đầu tiên là, mặc dù các biện pháp đối phó hẳn phải khác với trong quá khứ, chúng ta phải đối phó với một sự tích cực không kém tổ tiên chúng ta. Đối phó có thể bao gồm phương cách nhu, nhưng không được nhu nhược.

Tất nhiên, về cơ bản và lâu dài, Việt Nam phải có nền kinh tế và quốc phòng vững mạnh. Việc xây dựng kinh tế và quốc phòng là điều cơ bản nhất để bảo vệ đất nước. Nhưng đây cũng là nhiệm vụ mang tính dài hạn, cốt yếu trong bất kỳ hoản cảnh nào, thời đại nào, không chỉ khi có tranh chấp trên Biển Đông. Vì thế, chúng tôi xin đưa ra một số vấn đề cụ thể khác mà có thể bắt đầu ngay từ bây giờ.

Cần một tư duy Biển Đông

Ở Trung Quốc, sau khi thất trận ở phương Nam dưới thời Lê Lợi, nhà Minh lâm vào khủng hoảng kinh tế. Các Nho thần bảo thủ thời ấy bèn viện dẫn lời đức Thánh Khổng là “cha mẹ còn tại thế mà mình đi xa thì là bất hiếu!” để nói rằng chẳng có lý do gì khiến ta phải giong buồm ra biển. Sau khi Trịnh Hoà qua đời và được thủy táng trong chuyến hải hành thứ bảy, Minh Tuyên Đức ra lệnh cấm đóng tàu viễn dương, không ai được có tàu có quá ba cột buồm. Từ cái lệnh gọi là “hải cấm” ấy, từ giữa thế kỷ 15 trở đi Trung Quốc bế quan tỏa cảng và thu vét phương tiện phòng thủ để chỉ là cường quốc lục địa, không có tư duy hải dương. 

Sau khi họ bị các nước khác tấn công từ biển và sau khi bị Nhật thôn tính một số đảo, tư duy hải dương của Trung Quốc đã ra đời. Nhờ có tư duy này, ở Biển Đông, đến nay Trung Quốc đã phát triển rất mạnh về ý thức, đội ngũ nghiên cứu, nhất quán tích cực. 

Trong khi đó, cho tới gần đây, nói chung chúng ta vẫn chỉ nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, mặc dù những đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông liên quan đến cả những vùng biển nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa và Trường Sa theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Nói cách khác, có nhiều đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa. 

Vì thế, chúng ta phải tích cực xây dựng một tư duy Biển Đông. Từ đó, phải có một đội ngũ hùng hậu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biển, chiến lược biển, xây dựng một ý chí quốc gia, nâng cao ý thức và kiến thức về Biển Đông. 

Chiến lược ngoại giao và truyền thông

Là nước nhỏ, trong chiến lược của chúng ta phải tận dụng biện pháp ngoại giao. Tuy không nên tin rằng nếu Trung Quốc tiến chiếm một số đảo của Việt Nam thì sẽ có nước nào đó giúp chúng ta, nhưng phải nhìn nhận là ngoại giao có trọng lượng trên bàn cân “chiếm hay không” của Trung Quốc. Chúng ta phải tăng tối đa trọng lượng này. 

Trong chiến lược ngoại giao của ta phải có quyền lợi gì cho các nước khác. Tốt nhất là chiến lược ngoại giao của chúng ta có khía cạnh giúp những nước khác giành cho họ những quyền lợi không phải của ta.

Hơn nữa, việc tuyên truyền và thu hút sự quan tâm trên phương diện quốc tế cũng vô cùng quan trọng cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Mặc dù có cơ sở rất yếu về phương diện lịch sử và pháp lý đồi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã và đang tiến hành công cuộc tuyên truyền về chủ quyền của họ đối với quần đảo này. 

Dù yêu sách đường lưỡi bò của họ hoàn toàn vô lý, và mặc dù việc Trung Quốc tiến hành thăm dò và khai thác trên khu vực này là “không thể chấp nhận được”, phần lớn các hãng tin quốc tế, khi đưa tin về dự án này, đã không đả động gì tới thực tế là vùng biển này đang bị tranh chấp.

Vì vậy, bằng con đường truyền thông và ngoại giao, cần vận động sự quan tâm và ủng hộ của dư luận quốc tế cho một giải pháp công bằng và hoà bình cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Quốc tế sẽ ủng hộ chúng ta khi thấy công lý và lẽ phải thuộc về chúng ta, cũng như thấy được quyền lợi của họ từ những giải pháp công bằng và hòa bình đó.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác trong ASEAN. Do vậy, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cần phải tận dụng ưu thế thành viên của mình để vận động cho một tiếng nói chung. Ngoài ra, trong việc hội nhập ASEAN cũng như trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á, Việt Nam cần phải giữ thế chủ động. 

Phương diện pháp lý

Trong thế giới văn minh hiện nay, pháp luật đã trở thành nền tảng cho ứng xử giữa các quốc gia. Việt Nam, là nước nhỏ, cần phải tận dụng phương tiện và lý luận luật pháp để bảo vệ chủ quyền của mình. Việt Nam cần đào tạo và huy động các chuyên gia luật quan tâm và tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.

Đi vào một số chi tiết, đối với Hoàng Sa, Trường Sa, những sự kiện lịch sử trước năm 1954 đã xác lâp chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này theo công pháp quốc tế. Theo giáo sư luật quốc tế người Pháp Monique Chemillier-Gendreau, các lập luận của Trung Quốc dựa trên những sự kiện lịch sử trước thế kỷ 20 đều không có giá trị trên diện công pháp quốc tế. Đối với Hoàng Sa, các lập luận của Trung Quốc trước năm 1954 thua kém lập luận của Việt Nam. Đối với Trường Sa, lập luận của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và chỉ biện hộ cho chính sách mở rộng lãnh thổ trên biển.

Đối với các vùng biển không thuộc về Hoàng Sa hay Trường Sa, ranh giới lưỡi bò đe doạ chủ quyền của Việt Nam ở ngay cả những vùng biển không liên quan tới những vùng này. Việt Nam cần phải tách vấn đề chủ quyền đối với những vùng biển này ra khỏi tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để: 

(1) Trung Quốc không thể dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để nguỵ trang cho ý đồ lưỡi bò của họ;

(2) chúng ta có thể thực thi chủ quyền đối với những vùng biển này trong khi Hoàng Sa, Trường Sa còn bị tranh chấp; và 

(3) nếu chủ quyền trên những vùng biển này đã được giải quyết thì sức ép trên chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa sẽ giảm xuống rất nhiều.

Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc  



Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc (Ảnh Phạm Hải)


Trong hơn 60 năm qua kể từ khi Trung Quốc công bố bản đồ lưỡi bò khoanh 75% Biển Đông một cách mập mờ vào năm 1947 cho tới nay, Việt Nam chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Đây là một thiệt thòi tương tự như việc chiến đấu trong khi một tay bị buộc sau lưng. 

Trong hoàn cảnh hiện nay, dân tộc Việt Nam cần phải vượt qua những cách biệt và Nhà nước cần phải tạo điều kiện để phát huy sức mạnh tổng thể của toàn dân trong việc đấu tranh chống lại những hành động “không thể chấp nhận được” từ phía Trung Quốc. Ngày 9/12/2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh tại Hội nghị Quân chính toàn quân: “Phải tiếp tục làm cho toàn quân, toàn dân nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới.”

Để có thể phát huy sức mạnh của toàn dân, cần phải có một Quy tắc ứng xử chung về Biển Đông giữa Nhà nước và nhân dân và giữa các cộng đồng người Việt Nam với nhau. Quy tắc này không cần phải là luật, chỉ cần là một thoả thuận bất thành văn, được nhiều cá nhân và hội nhóm công khai tôn trọng. 

Nếu không có một quy tắc ứng xử chung về Biển Đông cho dân tộc Việt Nam, dù quy tắc đó chỉ là một sự thông cảm bất thành văn, thì nhân dân và Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó trong tình trạng một tay bị buộc chặt sau lưng, trong khi Trung Quốc càng ngày càng tiến xa, tiến mạnh với yêu sách và hành động để biến 75% Biển Đông thành “biển lịch sử” của họ.

***
Ngày nay, Việt Nam đứng trước một sự đe doạ nguy hại cho tương lai lâu dài của dân tộc. Khác với trong quá khứ, sự đe doạ này tiến triển rất chậm, nhưng càng ngày càng nghiêm trọng, qua nhiều thập niên, có thể nói là cả thế kỷ. Nhiều khi sự đe doạ này rất nhẹ nhàng, dường như không có, nhiều khi có những động thái phi bạo lực, tương đối ít khi tiến tới bằng bạo lực. Nhưng chúng ta đừng để sự nhẹ nhàng, chậm rãi này làm chúng ta coi thường hay thờ ơ. Nếu sự đe doạ này đi tới đích của nó thì hậu quả cho đất nước sẽ vô cùng trầm trọng. Chúng ta phải ứng phó sự đe doạ này với một sự tích cực không kém gì tổ tiên ta đã từng giữ nước.


Lê Minh Phiếu - Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)

Nguồn Tuần Việt Nam

Đọc tiếp...

Biển Đông: Các bên không được làm phức tạp tình hình

Comments

Trong cuộc họp báo chiều 8/1/2009 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã phản ứng trước thông tin báo chí Trung Quốc công bố chủ trương khuyến khích khai thác các đảo không người, nhằm bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc. 

Báo chí Trung Quốc ngày 10 và 11/12/2008 vừa qua đưa tin, ngày 10/12/2008, Cục Hải dương Trung Quốc đã họp báo công bố chủ trương khuyến khích các đơn vị, cá nhân khai thác, sử dụng các đảo không có người ở.

Đặc biệt, ngày 11/12/2008, mạng Kinh tế buổi chiều cho rằng đối với khu vực Hoàng Sa - Trường Sa, việc khai thác đảo không có người ở có lợi cho việc bảo vệ chủ quyền biển của Trung Quốc. Trước thông tin này, ông Lê Dũng nói :

"Chúng tôi hết sức quan tâm đến thông tin này. Như các bạn đã rõ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn manh: "Trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản và lâu dài ở Biển Đông, các bên liên quan cần duy trì ổn định, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình". 

Nguồn VietNamNet

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông (http://www.seasfoundation.org/), một tổ chức nghiên cứu, phổ biến các bằng chứng pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, sử dụng con đường truyền thông và ngoại giao để vận động sự ủng hộ của quốc tế cho một giải pháp công bằng, hoà bình và hợp pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông đã ra đời trong bối cảnh đó.

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông rất cần sự hợp tác của các bạn để cùng tiến hành một số dự án cụ thể trong khuôn khổ đấu tranh một cách hòa bình và duy lý của Quỹ.

Bạn có thể tìm hiểu bằng cách ghé thăm blog anh Lê Minh Phiếu (click link)

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 6 tháng 1, 2009

Hội thảo Việt Nam học lần 3 với vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa

Comments

Từ 5 đến 7/12/2008, Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3 mang chủ đề "Việt Nam hội nhập và phát triển" đã được tổ chức thành công tại TT Hội nghị Quốc gia (HN) với 18 tiểu ban, gần 900 báo cáo khoa học. Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã trình bày trước hội nghị tham luận "Hoàn cảnh lịch sử dẫn đến tranh chấp chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - nguyên nhân và giải pháp". Được sự cho phép của Tiến sĩ, TT Dữ liệu Hoàng Sa xin công bố toàn văn bản tham luận:

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ DẪN ĐẾN TRANH CHẤP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM TẠI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA & TRƯỜNG SA - NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học

(Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam)


Hoàn cảnh lịch sử bắt đầu từ năm 1909, Chinh quyền tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa cho rằng Hoàng Sa của Việt Nam là đất vô chủ, nên đã có hành động khảo sát, chiếm hữu theo cung cách của Phương Tây, đã không gặp bất cứ phản ứng nào của Việt Nam vì Việt Nam bị mất chủ quyền ngoại giao vào tay người Pháp, trong khi Pháp vốn biết trước ý đồ của chính quyền Quảng Đông, song vẫn không can thiệp ngay vì sợ chủ nghĩa dân tộc “Chauvin” bùng dậy ở Trung Hoa, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa. Tùy theo từng thời kỳ lịch sử từ giai đoạn 1 (1909-1930), giai đọan 2 (1930-1945), giai đoạn 3 (1945-1954), giai đoạn 4 (1954-1975), giai đoạn hiện nay (1975 đến nay), có những hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dẫn đến những nguyên nhân tranh chấp khác nhau, tính chất tranh chấp khác nhau, liên tiếp không ngừng cho đến tận ngay nay.

Chính đầu thế kỷ XX Việt Nam bị Pháp thuộc, mất hết chủ quyền, trong khi các thế lực bành trướng mới như Nhật sau chiến thắng Trung Nhật (1894-1895) và chiến thắng Nga-Nhật (1904-1905) phát triển Chủ nghĩa Đại Đông Á đã dẫn đến chính quyền Quảng Đông e ngại lại lặp lại sự kiện như người Nhật chiếm giữ đảo Pratas mà Trung Hoa đặt tên là Đông Sa, bắt đầu hành động chủ động khảo sát Hoàng Sa vì cho rằng Hoàng Sa là đất vô chủ vào năm 1909 là hoàn cảnh cụ thể cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự tranh chấp lẽ ra không đáng có, nếu Việt Nam độc lập, không mất chủ quyền vào tay người Pháp. Sau đó vào năm 1921, chính quyền Nam Trung Hoa đã quyết định sát nhập trái phép Hoàng Sa tức Tây Sa vào tỉnh Quảng Đông. Chính quyền thực dân Pháp vì nhiều lý do trong đó có quyền lợi của Pháp ở Trung Hoa, đã tiếp tục phản ứng chậm chạp, mãi sau vài thập niên, đến năm 1930 mới hết do dự. Song khi ấy, Pháp nhân danh nước bảo hộ Annam hay đất thuộc địa đã thực thi chủ quyền chủ yếu bằng sức mạnh quân sự tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã không đủ tính thuyết phục chấm dứt tranh chấp của Trung Hoa, bởi Pháp cũng chỉ là kẻ đi xâm lược mà thôi.

Sau đó năm 1938, 1939, Nhật đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa làm bàn đạp chiếm Đông Dương trước khi bùng nổ thế chiến thứ 2. Sau khi Nhật bại trận ở thế chiến thứ 2 (1945) phải từ bỏ sự chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa.

Với những biến động sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Việt Nam dân chủ cộng hòa bận lo kháng chiến chống Pháp đô hộ trở lại, Trung Hoa dân quốc đã lợi dụng thời cơ tiếp quản nơi Nhật chiếm đóng, vào cuối năm 1946, đã chiếm đóng Hoàng Sa và Trường Sa, song đến năm 1950 đã phải rút hết khỏi Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi hải quân Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, và xây dựng chính quyền bù nhìn, quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm quốc trưởng, thực thi chủ quyền nhân danh Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Nguyên nhân tranh chấp vẫn không thay đổi, sóng về chính trị ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc thay đổi, động cơ tranh chấp có khác, nhất là còn vai trò người Pháp ở thế kẻ đi xâm lược, không có khả năng thuyết phục chấm dứt sự tranh chấp.

Khi thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam vào thágn 4/1956 để lại khoảng trống lực lượng bố phòng rồi đến thời chiến tranh chiến tranh lạnh, thế giới chia hai phe: phe Tư bản chủ nghĩa và phe Xã hội chủ nghĩa, Việt Nam bị chia cắt và chiến tranh lạnh cũng như nóng, phải gối đầu, không thể bảo vệ hiệu quả chủ quyền vốn có của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi thế giới có nhiều biến động, khiến các nước Trung Quốc, Đài Loan, Philippiines trong bối cảnh chiến tranh lạnh ấy đã vội đi chiếm cứ một số đảo tại Hoàng Sa và Trường Sa, tranh chấp với Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam dưới vĩ tuyến 17, được Mỹ bảo trợ. Khi Mỹ ký Thông cáo chung Thượng Hải với Trung Quốc năm 1972 và ký Hiệp Định Paris năm 1973, rút quân ra khỏi Việt Nam, không can thiệp để Trung Quốc chiếm toàn thể Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974. Nguyên nhân tranh chấp đã thay đổi về chất, sự đối đầu trong chiến tranh lạnh, và nhất là trong chiến tranh nóng hai chính quyền Nam Bắc có những đồng minh, đồng chí anh em ủng hộ lẫn nhau trong tranh chấp mang tính quốc tế này.

Sau năm 1975, Việt Nam đã thống nhất, thế lực chính trị quốc tế có nhiều biến động ảnh hưởng đến Việt Nam trong đó có việc tranh chấp về Hoàng Sa và Trường Sa vẫn tiếp tục, không những vì vị trí chiến lược vốn có tầm quan trọng lớn lao cũng như tài nguyên nhất là trữ lượng dầu khí tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cho là có khả năng cao cùng tiềm năng kinh tế cũng là yếu tố dẫn đến những tranh chấp khác nhau không ngừng tại quần đảo Hoàng Sa cũng như Trường Sa mà từ lâu người Việt cũng như Phương Tây vẫn cho là một dải san hô dài hàng vạn dặm.

Từ những hoàn cảnh lịch sử từng thời kỳ trện đã dẫn đến những nguyên nhân, nguyên nhân xa hay nguyên nhân gần; nguyên nhân trực tiếp hay nguyên nhân gián tiếp; nguyên nhân chủ quan, hay nguyên nhân khách quan, phần nào đã nói ở trên, dẫn đến tranh chấp từng thời kỳ.

Sự thực lịch sử ra sao và giải pháp?

Nguyên nhân chủ yếu là Việt Nam mất chủ quyền vào tay người Pháp để xảy ra sự tranh chấp rất đáng tiếc và rồi chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng, các thế lực quốc tế ảnh hưởng đến sự tranh chấp triền miên.

Bây giờ Việt Nam đã được độc lập, thống nhất và làm bạn với tất cả các nước kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nga… Các nguyên nhân tranh chấp ngoài kinh tế dầu mỏ không còn nữa, thì cái gì của César phải trả lại cho César. Đã đến lúc các sử gia, các nhà nghiên cứu các nước phải nghiêm túc nhìn vào sự thực lịch sử.

Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục qua các đời: từ đầu thời Chúa Nguyễn (tức đầu thế kỷ XVII), sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn (từ vua Gia Long), Việt Nam có khoảng gần 30 tư liệu các loại, chủ yếu là tài liệu công trong đó có đặc biệt cả châu bản, hội điển chép lệ hàng năm những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ (Hoàng Sa tự), trồng cây, đào giếng… của thủy quân triều Nguyễn chứ không còn ít ỏi như thư của Toàn Quyền Pasquier gửi cho Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa ngày 18-10-1930, mà người Pháp lúc ấy cũng đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam hết sức rõ ràng.

- Về những tư liệu của Trung Quốc minh chứng chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, người ta thấy:

+ Hải Ngoại Ký Sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696. Trong quyển 3 của Hải Ngoại Ký Sự đã nói đến Vạn Lý Trường Sa khẳng định Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa.

+ Các bản đồ cổ Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ năm 1909 trở về trước đều minh chứng Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc.

Khảo sát tất cả bản đồ cổ của Trung Quốc từ năm 1909 trở về trước, người ta thấy tất cả bản đồ cổ nước Trung Quốc do người Trung Quốc vẽ không có bản đồ nào có ghi các quần đảo Tây Sa, Nam Sa. Tất cả bản đồ cổ ấy đều xác định đảo Hải Nam là cực nam của biên giới phía nam của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Hoàng Sa tháng 1-1974, nhiều đoàn khảo cổ Trung Quốc đến các đảo thuộc quần đảo này và gọi là “phát hiện” nhiều cổ vật như tiền cổ, đồ sứ, đồ đá chạm trổ trên các hòn đảo này, song đều không có giá trị gì để minh xác chủ quyền Trung Quốc, trái lại họ lại phát hiện ở mặt bắc ngôi miếu “Hoàng Sa Tự” ở đảo Vĩnh Hưng, tức đảo Phú Lâm (Ile Boisée), lại là bằng chứng hiển nhiên vết tích của việc xác lập chủ quyền của Việt Nam.

- Về những tư liệu Phương Tây cũng xác nhận chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng có rất nhiều như: Nhật Ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam, “Le Mémoire sur la Cochinchine” của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels, “Univers, histoire et description de tous les peuples, de leurs religions, moeurs et coutumes” của giám mục Taberd xuất bản năm 1833 cho rằng hoàng đế Gia Long chính thức khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa năm 1816. Đặc biệt An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838, phụ bản của cuốn từ điển La tinh- Annam, ghi rõ « Paracels seu Cát Vàng » với tọa độ rõ ràng như hiện nay chứ không phải như Trung Quốc cho là ven bờ biển. (« Seu » tiếng Latinh có nghĩa « hay là », Cát Vàng: chữ Nôm, Hoàng Sa: chữ Hán). Cũng như “The Journal of the Geographycal Society of London” (năm 1849) GutzLaff cũng ghi rõ tọa độ và ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...

Sự thực chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa đã rõ ràng như trên.

Vì thế một chính quyền nào cũng như bất cứ người Việt Nam nào dù khác nhau chính kiến đều coi trọng việc đòi lại Hoàng Sa về với Việt Nam và bảo toàn toàn vẹn Trường Sa. Lịch sử cho biết dù có hàng ngàn năm bị lệ thuộc rồi cũng có ngày với sự kiên cường, bất khuất, sẽ có ngày, khi có thời cơ, sẽ đấu tranh thành công.

Đối với các nước ASEAN trên cơ sở Công ước 1982 về luật biển sẽ tương nhượng trong tinh thần hợp tác giữa các thành viên trong khối càng ngày càng chặt chẽ, đôi bên đều có lợi.

Việt Nam và Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông, đã có những bài học lịch sử quí giá. Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm luôn kiên quyết bảo vệ quyền độc lập tự chủ của mình, song luôn luôn tôn trọng nước đàn anh Trung Quốc, luôn theo truyền thống làm “phên dậu của Trung Quốc”, không bao giờ làm hại đến quyền lợi Trung Quốc.

Bất cứ giải pháp nào dựa vào sức mạnh như người Nhật đánh chiếm bằng vũ lực Hoàng Sa, Trường Sa năm 1938, 1939 hoặc thực dân Pháp suốt thập niên 20 đến thập niên 50 thế kỷ XX dựa vào ưu thế quân sự của mình cũng như Trung Quốc dùng võ lực năm 1974 chỉ mang tính nhất thời. Có đế quốc nào mạnh như đế quốc Lã Mã thời Cổ đại hay đế quốc Mông Cổ thời Trung đại hay đế quốc Anh, Pháp thời cận đại, rồi có ngày cũng suy yếu, phải bỏ những lãnh thổ chiếm giữ bằng võ lực.

Bất cứ giải pháp nào muốn vững bền phải dựa trên sự thực lịch sử nhà nước Việt Nam trực tiếp hay được nhân danh đã chiếm hữu thật sự trước tiên, chưa có ai tranh chấp và phải dựa vào trật tự thế giới hiện hành khi có Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945 và những Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc sau đó và Công ước quốc tế về luật biển năm 1982.

Mọi người kể cả người Trung Quốc phải thấy rõ sự thật lịch sử trên!

Khi nội lực Việt Nam chưa đủ mạnh thì dứt khoát không ký kết bất cứ một hiệp định nào gây sự thiệt thòi cho Việt Nam.

Việc cần làm ngay là làm rõ, quảng bá lịch sử nhà nước Việt Nam đã từ lâu chiếm hữu thật sự Hoàng Sa & Trưởng Sa và xây dựng nội lực Việt Nam vững mạnh, đoàn kết hùng cường.

Nguồn diễn đàn HoangSa.Org

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com