Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2008

Những bức thư từ thành viên HoangSa.Org (chủ đề tháng 12/2008)

Comments
Để nâng cao chất lượng bài viết, cũng như tạo một chương trình có tính chất xây dựng cho hoạt động của diễn đàn. Ban Quản trị quyết định sẽ tiến hành phát động phong trào viết bài theo chủ đề hằng tháng.

Chủ đề tháng 12/2008:

Nhìn lại vấn đề chủ quyền Tổ quốc trước việc công ty dầu khí Cnooc của TQ khai thác biển Đông của Việt Nam - Những bức thư từ thành viên hoangsa.org

Sự kiện: Tập đoàn dầu khí Trung Quốc Cnooc Ltd công bố dự án gần 30 tỷ đôla để thăm dò dầu khí nước sâu tại Biển Đông. Tuyên bố được đưa ra tại Thẩm Quyến cho giới báo chí tiếng Hoa hôm 22/11 và được các hãng thông tấn đăng lại.

Chúng ta hãy cùng nhau viết thư gửi tới các cơ quan báo chí, truyền thông kêu gọi các cơ quan này có nhiều tin bài phản ánh kịp thời, định hướng cho dư luận, tạo điều kiện để chúng ta có thể giữ vững độc lập chủ quyền của Tổ quốc.

BQT kêu gọi các thành viên diễn đàn, các blogger, những người quan tâm tới chủ quyền của Tổ Quốc, hãy cùng nhau hiệp sức lại, cùng loan báo thông tin cho mọi người.

Bài viết xin đăng tại chủ đề Biểu tình biểu tình (internet, blog, yahoo, email...)

Chủ đề tháng 12 và bài viết tốt sẽ được đăng tại chủ đề Những bức thư từ thành viên hoangsa.org

Thắc mắc góp ý xin liên hệ qua Y!M: hoangsa_org hoặc email: info@hoangsa.org hoặc nêu trực tiếp tại topic Thắc mắc góp ý cho chương trình viết thư tháng 12/2008

Để tránh sử dụng sai mục đích của bài viết, khi sử dụng xin ghi rõ nguồn từ diễn đàn Hoàng Sa http://hoangsa.org

Thông báo của Ban Quản trị

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2008

Báo Philippines đăng thư ngỏ về Biển Đông

Comments

Báo Manila Times đăng thư ngỏ kêu gọi năm nước ASEAN cùng hành động chứ không theo đuổi các tuyên bố riêng lẻ trong tranh chấp biển với Trung Quốc.
Tờ báo tiếng Anh của Philippines 17/11/2008 đã đăng lá thư của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông nói rằng cần dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp. 

Tổ chức tư nhân này kiến nghị công dân và chính phủ Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam hãy gác lại những khác biệt và hãy hành động cùng nhau hướng tới một giải pháp cho Biển Đông theo Luật biển. 

Họ khuyến cáo việc các nước ASEAN không nên theo đuổi việc tranh chấp riêng rẽ với Trung Quốc. 

Lá thư viết rằng cách làm đó có nguy cơ "Biển Đông trở thành lãnh thổ hay hồ của Trung Quốc".

Cho tới nay, Trung Quốc chỉ chấp nhận đàm phán song phương về lãnh thổ và lãnh hải với các nước láng giềng.

Trong bối cảnh đó, một tờ báo của Philippines đăng thư ngỏ này có thể gây chú ý của dư luận.

Từ trước đến nay, Philippines thường có thái độ mạnh mẽ hơn một số nước ASEAN khác trong tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. 

Việt Nam cũng đang trong quá trình đàm phán với Trung Quốc về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trong không khí được giới quan sát cho là khá căng thẳng. 

Hợp tác trong ASEAN

Ngoài ra, lá thư nêu ra vấn đề xác định lại cách tính các vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa để làm cư sở cho hợp tác trong ASEAN. 

Theo đó, "các đối tượng đang bị tranh chấp, bao gồm Quần đảo Trường Sa (Spratlys), Quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và Scarborough Shoal không được dùng để tính các vùng đặc quyền kinh tế hay là thềm lục địa," 

Từ đó, cách lập luận này nêu tiếp, "việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không phụ thuộc vào vấn đề chủ quyền trên các đối tượng có tranh chấp". 

Hơn nữa, "sự phân chia này có thể thực hiện được cho dù vấn đề tranh chấp chủ quyền của những đối tượng đang tranh chấp đó vẫn chưa giải quyết được," 

"Việc phân chia này đảm bảo quyền và an ninh của các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Việt Nam và tất cả các quốc gia khác." 

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông là một tổ chức tư nhân do nhiều người có gốc từ các nước ASAEAN trên toàn thế giới đóng góp tài chính. 

Theo bản tiếng Anh trên Manila Times, quan điểm trình bày trong thư ngỏ "không phản ánh quan điểm lập trường của các nước ASEAN." 

Nguồn BBCVietnamese

Đọc toàn văn Thư ngỏ gửi công dân và chính phủ các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại diễn đàn Hoàng Sa http://hoangsa.org hoặc click here
Đọc tiếp...

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2008

Sóng ngầm dưới mặt biển hữu nghị

Comments
Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông - www.seasfoundation.org

Việt Nam và Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình đàm phán phân định chủ quyền vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Vùng biển được đàm phán, theo Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, là “đoạn từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Huế, Đà Nẵng” . Tuyên bố chung của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày 25/10/2008 nói, “Hai bên tiếp tục thúc đẩy một cách vững chắc đàm phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và tích cực trao đổi về vấn đề hợp tác cùng phát triển, sớm khởi động khảo sát chung ở khu vực này”.


Bản đồ 1: Khu vực ngoài của Vịnh Bắc Bộ - một số thử thách đối diện Việt Nam trong đàm phán.


Cuộc đàm phán này đã diễn ra từ vài năm, Việt Nam và Trung Quốc đang “từng bước thu hẹp khác biệt” , lãnh đạo hai bên “nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán” và đẩy nhanh việc khởi động khảo sát chung. Nhưng đến nay phạm vi chính xác của vùng đàm phán hay khảo sát chung, những đòi hỏi và lập luận mà hai bên đưa ra, cũng như những thoả thuận đã đạt được vẫn chưa được công bố.

Cuộc đàm phán này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam, nhưng lại phức tạp hơn những cuộc đàm phán trước đây để phân định ranh giới với với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, với Thái Lan và với Indonesia.

Cuộc đàm phán này quan trọng vì kết quả của nó ảnh hưởng đến ranh giới biển của Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bên ngoài vùng biển này. Đặc biệt, nó có thể liên quan tới chủ quyền đối với Hoàng Sa vốn đã bị Trung Quốc chiếm đóng và đang trong tình trạng tranh chấp (nói là “có thể” vì phạm vi chính xác của vùng biển được đàm phán bởi hai bên chưa được công bố).

Những thử thách mà Việt Nam có thể gặp phải trong cuộc đàm phán đầu tiên với Trung Quốc để phân định ranh giới trên Biển Đông này trước tiên liên quan đến Hoàng Sa. Nhưng, với tham vọng bành trướng của Trung Quốc, những thử thách cũng xuất phát từ những khu vực ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa.

Yếu tố Hoàng Sa

Trong tầm ảnh hưởng có thể của Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc có thể dựa vào tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng nội thuỷ, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Hoàng Sa phía bên kia đường trung tuyến (đường màu đỏ trong bản đồ trên).

Trên thực tế, năm 1996 Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng xung quanh Hoàng Sa, đòi hỏi rằng khu vực bên trong đường cơ sở có diện tích 17.400 km² là nội thuỷ và khu vực 12 hải lý bên ngoài từ đường cơ sở đó là lãnh hải của họ, mặc dù đường cơ sở đó vi phạm UNCLOS. Trung Quốc cũng có thể sẽ đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế xa hơn những vùng này phía bên Việt Nam của đường trung tuyến. Nếu Việt Nam chấp nhận những đòi hỏi này, vùng đặc quyền kinh tế mà Việt Nam được hưởng sẽ bị thu hẹp. Nguy hiểm hơn, nếu chấp nhận như thế thì có nghĩa là Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Trong khả năng ngược lại, Việt Nam cũng có thể dựa vào chủ quyền đối với Hoàng Sa để đòi hỏi những vùng biển bên kia đường trung tuyến. Tuy nhiên, Trung Quốc, với lợi thế là nước có nhiều sức mạnh và là nước đang chiếm đóng Hoàng Sa (dù việc chiếm đóng đó là bât hợp pháp chiếu theo luật quốc tế), sẽ khó mà chấp nhận những yêu sách như vậy của Việt Nam.

Trước thử thách này, Việt Nam khó có thể đòi được sự công bằng trong đàm phán về vùng biển bên trong tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa cho đến khi nào vấn đề chủ quyền đối với Hoàng Sa được giải quyết một cách công bằng, ví dụ như bởi Toà án Công lý Quốc tế.

Khu vực ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa

Bên ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, Trung Quốc và Việt Nam hiện cũng đang tranh chấp ngay cả những vùng biển đương nhiên thuộc về Việt Nam.

Năm 2004 Trung Quốc kéo giàn khoan dầu Kantan 3 tới hoạt động tại khu vực có toạ độ 17°26′42″ Bắc, 108°19′05″ Đông, cách Việt Nam 63 hải lý và cách Trung Quốc 67 hải lý, cách các đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa 205 hải lý, tức là ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối với lý do “Căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, khu vực này hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là khu vực này nằm bên Trung Quốc của vùng biển ngoài của Vịnh Bắc Bô, do đó Trung Quốc cho rằng sự phản đối của Việt Nam không có cơ sở và không thể chấp nhận được.

Cho tới nay Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc đã công bố một số lô dầu khí lấn sang bên Việt Nam của đường trung tuyến. Trong những lô dầu khí này, vùng LD29-1 nằm hoàn toàn bên Việt Nam và phân nửa vùng LD20-1 nằm bên Việt Nam của đường trung tuyến. Theo bản đồ năm 2002 của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc thì hai vùng dầu khí này đang được triển khai. Vùng lấn sang bên Việt Nam nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, cách bờ biển đất liền của Việt Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc dưới 75 hải lý, cách các đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa từ 160 hải lý tới 215 hải lý.



Bản đồ 2: Bản đồ của Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc . Vào năm 2002, hai vùng dầu khí LD29-1 và LD20-1 được triển khai.

Việc Trung Quốc trắng trợn thừa nhận chủ quyền đối với một khu vực dù cách Việt Nam 63 hải lý, cách Trung Quốc 67 hải lý, bên ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, và đối với những khu vực tương tự, nói lên phần nào thử thách mà Việt Nam phải đối diện trong đàm phán.

Trong vùng biển ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa, Việt Nam phải vượt qua những thử thách này để đạt được một hiệp định ranh giới biển công bằng. Một hiệp ranh giới biển công bằng là cơ sở pháp lý mạnh mẽ nhất để bảo vệ chủ quyền trước những trường hợp xâm lấn như trên.

Nguồn Minh Biện

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2008

Những thế cờ biển Đông

Comments
Báo điện tử Asia Sentinel vừa có bài của tác giả Roger Mitton, cựu phóng viên Straits Times tại Hà Nội, nói về căng thẳng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc xung quanh vấn đề biển Đông.
BBCVietnamese.com xin trích giới thiệu cùng quý vị:
"Cuộc tranh cãi âm ỉ lâu nay xung quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại đang nóng lên trở lại.
Cho dù đã có nỗ lực của giới quan chức nhằm che dấu các bất đồng, quan hệ lịch sử gập ghềnh giữa Bắc Kinh và Hà Nội vừa có chiều hướng xấu xung quanh các hòn đảo trong biển Đông, tuy nhỏ bé về mặt địa lý nhưng lại quan trọng về mặt chiến lược, và bởi vậy được tất cả các quốc gia bao quanh tuyên bố chủ quyền.
Trong vụ mới nhất, một chiếc tàu quốc tịch Na Uy do công ty Nga thuê để tiến hành thăm dò dầu khí ngoài khơi cho Việt Nam đã bị tàu hải quân Trung Quốc chặn lại và dọa bắn, bắt rời khỏi khu vực.
Tàu Na Uy nhanh chóng rút lui, làm tăng thêm thất vọng cho Hà Nội, vốn đang u uất vì quyết định của tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil bất ngờ ngừng kế hoạch thăm dò chung với PetroVietnam. Quyết định của ExxonMobil hồi tháng Bảy, cũng giống như của công ty Mỹ khác là ConocoPhilips hồi tháng Năm, là vì áp lực của Bắc Kinh, vốn đã đe dọa rằng bất cứ công ty nào muốn khai thác vùng biển tranh chấp đều sẽ không có cơ hội làm ăn với Trung Quốc.
Để tăng sức mạnh cho quan điểm của mình, có tin hồi đầu năm Trung Quốc đã gửi năm tàu chiến và hai tàu ngầm tới khu vực xung quanh Hoàng Sa. Mới đây, một số nguồn tin quân sự cũng cho biết có thể Trung Quốc đã chuyển tàu ngầm nguyên tử hạng JIN 094 tới đây cho dù nhiều người hoài nghi vì vùng biển này khá nông và không phù hợp cho hoạt động của tàu ngầm.
Hà Nội giận dữ
Các đảng viên Cộng sản đã bày tỏ sự tức giận của mình tại Hội nghị Trung ương được triệu tập vội vã trong hai ngày 2-4 tháng ở Hà Nội. Ngay trước hội nghị, thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng đã được cử sang Bắc Kinh với tư cách đặc phái viên của lãnh đạo Việt Nam nhằm chuyển thông điệp của Hà Nội về quan hệ song phương.
Với ngôn từ mạnh mẽ một cách bất ngờ, thông điệp này đã đề cập tới nhiều chủ đề tế nhị, trong có các vụ xảy ra mới đây tại khu vực tranh chấp ở biển Đông cũng như đe dọa cho các công ty dầu khí nước ngoài mà Việt Nam thuê mướn.

Ông Negroponte đã không giấu diếm sự thông cảm của mình đối với Hà Nội và rằng Hoa Kỳ sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam.



Hà Nội đã quyết định không thể ngồi yên mà chấp nhận chiến thuật nặng tay của phía Trung Quốc, nhất là tại các khu vực tranh chấp ngoài khơi.
Việt Nam đang dần hình thành các liên minh chiến lược khác. Nga, Hoa Kỳ và Ấn Độ là các quốc gia đang được nuôi dưỡng quan hệ; và các nước này đều phản ứng một cách tích cực vì thấy Việt Nam là hàng rào tiềm năng chống lại sự thống lĩnh của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay trước Hội nghị Trung ương 8 hồi tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đi thăm Nga và Belarus, hai nhà cung cấp vũ khí, trang thiết bị hải quân và quân sự hàng đầu cho Việt Nam. Cuối tháng Mười, đối thoại an ninh đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã diễn ra một cách yên lặng và hai bên lên kế hoạch cho các cuộc thảo luận tương tự trong tương lai.
Việc các công ty dầu lửa Mỹ bị Trung Quốc buộc phải rút đi nằm trong nghị trình của không những đối thoại về an ninh, mà cả trong chuyến thăm của thứ trưởng thường trực bộ Ngoại giao Mỹ John Negroponte tới Hà Nội hồi tháng Chín.
Một số nguồn thạo tin nói ông Negroponte đã không giấu diếm sự thông cảm của mình đối với Hà Nội và rằng Hoa Kỳ sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ Việt Nam, công khai làm Trung Quốc khó chịu.
Sự hỗ trợ này đã khiến Hà Nội quyết định thay đổi chương trình chuyến thăm của tuần dương hạm phóng lôi Mỹ USS Mustin hồi tháng trước.
Thay đổi lịch trình
Nguồn tin từ ban chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Hoa Kỳ xác nhận rằng, tàu USS Mustin của Hạm đội 7 với 32 sỹ quan và 348 thủy thủ, đáng ra theo lịch trình sẽ thăm Cảng Sài Gòn vào giữa tháng Mười.
Thế nhưng sau khi Trung Quốc dọa tấn công tàu Na Uy, Việt Nam đã yêu cầu phía Mỹ cho tàu tới cảng Tiên Sa của Đà Nẵng. Washington vui vẻ chấp thuận vì hiểu rõ tầm quan trọng của thay đổi này.
Đà Nẵng là nơi có đại bản doanh của cả Quân khu 5 và Vùng 3 của Hải quân Việt Nam, vốn chịu trách nhiệm tuần tra khu vực tranh chấp quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không lãnh đạo nào ở Việt Nam có thể bảo toàn được vị trí trong Đảng và trong dân nếu không có quan điểm vững vàng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.



Tuy tàu chiến Mỹ về mặt chính thức chỉ tham gia các chương trình mang tính cộng đồng và thi đấu bóng chuyền hữu nghị với thủy thủ Việt Nam, ý nghĩa của việc thăm Đà Nẵng quá hiển hiện.
Các nguồn tin từ SACOM nói việc thay đổi lịch trình của tàu USS Mustin trong chuyến thăm Việt Nam từ 18-21 tháng Mười là để nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới phía Trung Quốc.
Sau khi gửi thông điệp này rồi, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đi Trung Quốc tham dự Hội nghị Á - Âu 7.
Ông Dũng đến Bắc Kinh hôm 21/10, sớm hơn một ngày so với dự định. Điều này cho phép ông có thêm một ngày trước khi hội nghị bắt đầu để bàn về các diễn tiến mới về chủ quyền với người đồng nhiệm Trung Quốc Ôn Gia Bảo và để phản đối hành động đối với chiếc tàu thăm dò Na Uy.
Đây cũng là chuyến thăm chính thức Bắc Kinh đầu tiên của ông Dũng kể từ khi ông nhậm chức thủ tướng vào tháng Bảy 2006.
Sự trễ tràng này còn có hàm ý hơn, khi mà trong hai năm vừa qua ông Nguyễn Tấn Dũng không chỉ đã kịp thăm Dublin và Canberra trước Bắc Kinh, mà còn quyết định lấy Nhật Bản là nước đầu tiên ông tới công du trong vai trò thủ tướng.
Những điều nhỏ nhưng có chủ định rõ ràng và chắc chắn được Bắc Kinh ghi nhận này phản ánh sự thù địch sâu sắc mà toàn thể người Việt Nam dành cho Trung Quốc, cũng như tính tế nhị đặc biệt của bất cứ quyết định nào liên quan tới quan hệ hai bên.
Tàu Trịnh Hòa
Cho dù tháng trước [nhân chuyến thăm của thủ tướng Dũng tới Trung Quốc] hai bên đưa ra một thỏa thuận hợp tác lời lẽ chung chung, không khí giữa Bắc Kinh và Hà Nội xung quanh chủ quyền lãnh hải vẫn nguyên trạng bất hòa.

Lịch trình tàu Trịnh Hòa tại VN giống hệt lịch trình tàu chiến Mỹ
Thế nhưng một phần để chữa độc và trấn an lo ngại Trung Quốc về quan hệ hải quân ngày càng mở rộng giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Nga và Ấn Độ, Hà Nội vừa chấp thuận cho tàu hải quân Trịnh Hòa của Trung Quốc tới thăm Đà Nẵng từ 18/11.
Những năm gần đây, Việt Nam đã đón nhiều tàu hải quân nước ngoài như Ấn Độ, Thái Lan, Australia, Pháp, Nhật và Mỹ, nhưng đây mới chỉ là lần thứ hai tàu Trung Quốc tới thăm kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1991.
Nhận thức được độ tế nhị, phía Việt Nam cẩn thận bố trí chương trình cho tàu Trịnh Hòa giống hệ tàu USS Mustin hồi tháng trước.
Và trong khi hoạt động hữu hảo này được thực hiện, thì các website ở cả hai nước tiếp tục chuyển đi các thông điệp có tính dân tộc chủ nghĩa, khẳng định các vùng biển tranh chấp hoàn toàn thuộc chủ quyền của nước mình.
Một điều trớ trêu là, trong khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đưa ra các cử chỉ hòa hoãn như ký thỏa thuận hợp tác và cho phép chuyến thăm của tàu Trịnh Hòa, việc ông Dũng từng học tập tại Trung Quốc những năm cuối thập kỷ 1960 cũng có nghĩa ông phải rất cẩn thận để không bị cho là thân Trung Quốc.
Không lãnh đạo nào ở Việt Nam có thể bảo toàn được vị trí trong Đảng và trong dân nếu không có quan điểm vững vàng trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Vài năm trước đây, khi ông Dũng đi thăm trường học cũ của mình tại tỉnh Quảng Tây, báo chí Trung Quốc đã chạy nhiều bài vở và hình ảnh về sự kiện này thế nhưng không có tin bài hay bức ảnh nào được đăng trên các báo trong nước.

Nguồn BBCVietnamese


Đọc tiếp...

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Tàu hải quân Trung Quốc thăm Việt Nam

Comments

Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội cho hay tàu hải quân mang tên Đô đốc Trịnh Hòa sẽ có chuyến thăm 'hữu nghị' tới Việt Nam vào tuần tới.

Bộ phận quân sự của tòa đại sứ nói với BBC rằng tuần dương hạm Trịnh Hòa sẽ cập cảng Đà Nẵng trong bốn ngày từ 18-22/11.

Thông tin này chưa được đăng tải trên báo chí trong nước.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của tuần dương hạm Trung Quốc tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991.

Trước hải quân Trung Quốc, hải quân các nước như Hoa Kỳ, Anh quốc và Australia đã nhiều lần thăm viếng Việt Nam trong các chuyến đi được loan báo rộng rãi.

Nguồn tin Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng đây là 'chuyến thăm hữu nghị', nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên.

Chuyến thăm của tàu Trịnh Hòa lần này sẽ bao gồm các hoạt động: chào xã giao lãnh đạo địa phương, tiếp xúc với hải quân và quân khu 5, đồng thời tham gia thi đấu giao hữu bóng đá.

Trước Việt Nam, tàu Trịnh Hòa đã tới Campuchia và Thái Lan trong khuôn khổ chuyến công du hữu nghị. Đây cũng là lần đầu tiên tàu hải quân Trung Quốc tới Campuchia.

Chinh phục thế giới

Tuần dương hạm Trịnh Hòa là tàu huấn luyện, được đưa vào hoạt động năm 1987 với thủy thủ đoàn 411 người.

Thủy sư Đô đốc Trịnh Hòa (1371-1433) là nhà thám hiểm hàng hải lỗi lạc của Trung Quốc đời nhà Minh. Ông là người theo đạo Hồi.

Cái tên Đô đốc Trịnh Hòa, người mà Trung Quốc cho rằng đã tìm ra châu Mỹ trước cả Christopher Columbus, được coi như biểu tượng của sức mạnh hải quân Trung Quốc.

Năm 2005 Bắc Kinh đã tổ chức các hoạt động long trọng để đánh dấu 600 năm cuộc thám hiểm của hạm đội Minh Triều do Trịnh Hòa lãnh đạo.

Thời kỳ có các chuyến viễn dương của Trịnh Hòa cũng là lúc triều nhà Minh đưa quân vào xâm lăng Đại Việt, dẫn tới cuộc nổi dậy của Lê Lợi.

Chuyến thăm của tàu mang tên Đô đốc Trịnh Hòa tới Đà Nẵng xảy ra một tháng sau khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có chuyến thăm Trung Quốc.

Thời gian gần đây, lãnh đạo Việt - Trung nhiều lần khẳng định cam kết tăng cường quan hệ hợp tác láng giềng.

Thông cáo chung hai bên đưa ra trong chuyến thăm của ông Dũng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp 'cơ bản và lâu dài' cho các tranh cãi giữa Hà Nội và Bắc Kinh về vấn đề lãnh hải.

Trong năm nay, đã có nhiều vụ căng thẳng xảy ra trong khu vực thềm lục địa biển Đông mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. 

Nguồn BBCVietnamese 

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2008

Bên dưới Trường Sa

Comments
TTCT - Đáy đại dương luôn là chủ đề thú vị và khơi dậy trí tò mò của con người. Trước đây, người ta chỉ có thể tưởng tượng ra đáy đại dương nhờ những truyện khoa học viễn tưởng như Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne. Ngày nay, nhờ tiến bộ của khoa học kỹ thuật, việc thám hiểm đáy đại dương trở nên dễ dàng hơn đối với con người. 

Những thước phim, bức ảnh chụp dưới nước giúp con người khám phá vẻ đẹp kỳ diệu của những rạn san hô, thảm cỏ biển cùng những loài cá và động vật đáy đầy màu sắc không thể tìm thấy trên đất liền.

Tại VN, hiện chỉ có một số cơ quan nghiên cứu khoa học biển như Viện Tài nguyên môi trường biển, Viện Hải dương học Nha Trang hay Viện Nghiên cứu hải sản có đủ điều kiện về thiết bị và con người để thực hiện các chuyến khảo sát chụp ảnh và quay phim dưới đáy biển. Để thực hiện một chuyến khảo sát chụp ảnh như vậy, ngoài trang thiết bị chuyên dụng đắt tiền như máy ảnh chụp dưới nước, máy quay phim dưới nước, hệ thống đèn chiếu và trang thiết bị lặn Scuba, người tham gia còn phải được đào tạo về kỹ thuật lặn và làm việc dưới biển. 

Để có được những thước phim và ảnh đẹp dưới nước, các nhà khoa học phải làm việc vất vả và đối mặt rất nhiều nguy hiểm khi lặn. Ví dụ như hỏng hóc thiết bị, hết khí, gặp các loài động vật biển hung dữ như cá mập, cá chình..., hoặc động vật độc như mực xanh, rắn biển, thủy tức, sứa độc... Chính vì lý do đó, thợ lặn phải trải qua những khóa luyện tập vất vả để có được kỹ năng đối phó với những tình huống bất ngờ và nguyên tắc không bao giờ được lặn một mình.

Mời các bạn thưởng thức vài bức ảnh chụp dưới nước được thực hiện tại quần đảo Trường Sa.

Photobucket
Một loài san hô mềm 

Photobucket
Sao biển gai đang ăn san hô. Loài động vật này đang là một trong những nguyên nhân gây suy thoái rạn san hô. Chúng phát triển rất mạnh do những loài thiên địch (tức là loài ăn sao biển gai) như ốc tù bị con người khai thác hết 

Photobucket
Cá lượng là loài cá rất phổ biến trong rạn san hô 
Photobucket
San hô sừng và thủy tức 
Photobucket
Hải miên và hải sâm. Nhiều loài hải sâm và hải miên chứa những hợp chất hóa học có thể ứng dụng trong việc chữa trị bệnh ung thư 
Photobucket
Sao biển thường. Loài này rất phổ biến trong các rạn san hô 

Photobucket
Cá hề hay cá khoang cổ sống trong hải miên 

CHU THẾ CƯỜNG - NGUYỄN VĂN QUÂN 
(phòng bảo tồn và đa dạng sinh học Viện Tài nguyên và môi trường biển) thực hiện
Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com