Thứ Năm, 28 tháng 2, 2008

Về hành trình rước đuốc Olympic 2008

Comments

Hiện nay trên trang web chính thức về hành trình của ngọn đuốc, Trường Sa và Hoàng Sa đã bị khoanh vùng lại như là lãnh thổ của Trung Quốc:

Hình ảnh

Hình ảnh

Hình ảnh

Rõ ràng TQ đã sử dụng Olympic để quảng bá hình ảnh Trường Sa - Hoàng Sa là của mình với thế giới!! TQ thích in bản đồ quốc gia có kèm Trường Sa - Hoàng Sa trong nước nó là quyền của nó, nhưng Olympic là sự kiện quốc tế, đối với vùng đang "tranh chấp", TQ không có quyền làm vậy. Vậy mà hành động trơ trẽn đó chưa bị ai lên tiếng, ngược lại chúng ta lại ráo riết "Tìm người rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008".

(Theo fanglightning Đăng trên hoangsa.org. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của TTDL Hoàng Sa)
Đọc tiếp...

Một số cách xử lý công hàm Phạm Văn Đồng 1958

Comments

Từ vài năm qua, và có thể là từ trước đó, có ý kiến là Quốc Hội CHXHCNVN cần tuyên bố vô hiệu hoá công hàm Phạm Văn Đồng (PVĐ) 1958 để cho Trung Quốc (TQ) không thể dùng công hàm đó làm cớ đòi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Ý kiến này thoạt nghe khá hay nhưng nghĩ kỹ lại thì có nguy hiểm tiềm ẩn cho vị trí pháp lý của Việt Nam trước công pháp quốc tế.

Để minh họa cho sự nguy hiểm này, tôi đưa ra 3 điều Quốc Hội Việt Nam có thể tuyên bố, trong đó, 2 điều đầu có tính cách “vô hiệu hoá” công hàm PVĐ, điều thứ 3 có tính cách cho là công hàm đó chưa bao giờ và không bao giờ có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ.

Ngoài ra, tôi cũng đưa ra điều thứ 4 là Quốc Hội Việt Nam chỉ cần tiếp tục khẳng định và bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa mà không cần đả động trực tiếp tới công hàm PVĐ.

1. “Cho tới ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN công nhận là công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN vô hiệu hoá công hàm PVĐ 1958. Sau ngày 27/02/08, công hàm PVĐ 1958 không có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ nữa.”

2. “Cho tới ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN công nhận là công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Ngày 27/02/08, Quốc Hội CHXHCNVN vô hiệu hoá việc chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ trong công hàm PVĐ 1958. Sau ngày 27/02/08, công hàm PVĐ 1958 không có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ nữa.”

3. “Quốc Hội CHXHCNVN lập lại quan điểm là công hàm PVĐ 1958 chưa bao giờ và không bao giờ có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ”.

4. Quốc Hội VN tiếp tục khẳng định là HS, TS thuộc về VN, không cần nói gì về công hàm PVĐ. BNG và các luật sư VN tiếp tục đưa ra quan điểm là công hàm PVĐ 1958 chưa bao giờ và không bao giờ có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ.

Chúng ta thử phân tích và so sánh 4 điều trên.

Điều 1 và 2 thoạt nghe có vẻ nhiệt tình, tích cực và mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều nguy hiểm cho Việt Nam là đoạn chữ nghiêng. Giả sử Quốc Hội Việt Nam không tuyên bố đoạn này đi nữa thì nó cũng là hệ quả logic của đoạn chữ thẳng đứng đậm. Nếu tuyên bố đoạn chữ thẳng đứng đậm, Việt Nam khó có thể phủ nhận logic dẫn tới đoạn chữ nghiêng. Đã đành quan điểm của TQ là là công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Nếu ngày nay Quốc Hội Việt Nam lại nói điều có nghĩa cho tới ngày 27/02/08 chính Quốc Hội Việt Nam cũng công nhận điều đó thì còn gì là vị trí pháp lý của Việt Nam trước công pháp quốc tế.

Đối với TQ, dĩ chiên họ sẽ không chấp nhận đoạn chữ thẳng đứng đậm cho nên đoạn đó cũng không có nghĩa TQ sẽ không còn dùng công hàm PVĐ được nữa.

Đối với công pháp quốc tế, đoạn chữ nghiêng có giá trị song phương (cả TQ và CHXHCNVN đều đồng ý), cho nên công pháp quốc tế chắc chắn sẽ cho là, ít nhất là tới 27/02/08, công hàm PVĐ 1958 có hiệu lực ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ.

Đối với công pháp quốc tế, đoạn chữ thẳng đứng đậm là một tuyên bố đơn phương của Việt Nam, cho nên công pháp quốc tế sẽ khó lòng loại bỏ công hàm PVĐ sau ngày 27/02/08.

Như vậy, qua việc đồng ý với TQ là công hàm PVĐ có hiệu lực cho tới ngày 27/02/08 để ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ, điều 1 và 2 đã vô tình giúp TQ khỏi phải chứng minh điều đó. Đây là một điều tai hại cho Việt Nam. Sau khi giúp TQ như vậy, điều 1 và 2 lại không có khả năng loại công hàm PVĐ đối với TQ và khó lòng có khả năng loại công hàm đó đối với công pháp quốc tế. Như vậy điều 1 và 2 sẽ để lại tai hại cho Việt Nam.

Ngược lại, điều 3 và 4 không hề giúp TQ khỏi phải chứng minh là là công hàm PVĐ có hiệu lực cho tới ngày 27/02/08 để ràng buộc CHXHCNVN chấp nhận Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về TQ. Nếu muốn, họ phải tự chứng minh điều đó. Hiện nay, đại đa số sách về Biển Đông trên thế giới (eg của Chemillier-Gendreau hay Valencia et al) và các bài báo trên các tạp chí luật quốc tế đều cho là TQ sẽ không chứng minh được, hay cùng lắm chỉ có thể làm vị trí pháp lý của VN yếu đi phần nào. Tất nhiên, Việt Nam cần có chuyên gia luật quốc tế nghiên cứu xem công hàm PVĐ 1958 có thể làm vị trí pháp lý của Việt Nam yếu tới đâu.

Trong khi đó, điều 1 và 2 có thể làm cho vị trí pháp lý của Việt Nam sụp đổ hoàn toàn.

Nhân dịp nói về một số cách xử lý công hàm Phạm Văn Đồng 1958, tôi cũng xin nói thêm về một cách nhìn công hàm PVĐ.

Cho tới nay, có nhiều phân tích về công hàm PVĐ. Một số phân tích này phạm lỗi là nói về ý nghĩa của công hàm PVĐ như một sự thật độc nhất và khách quan. Thật ra không tồn tại ý nghĩa của công hàm PVĐ như một sự thật độc nhất và khách quan mà chỉ có những quan điểm và chủ trương chủ quan. Công hàm PVĐ có thể có những ý nghĩa khác nhau, tuỳ theo quan điểm, eg,

1. Quan điểm chủ trương của CHXHCNVN.
2. Quan điểm chủ trương của TQ.
3. Quan điểm của toà án quốc tế.
4. Quan điểm của một người Việt Nam.

Nếu không phân biệt rõ ràng quan điểm nào thì ý nghĩa trong quan điểm này có thể bị lem sang quan điểm kia, dẫn tới kết luận sai lầm, hay ông nói gà, bà nói vịt.

Dương Danh Huy (Đăng trên minhbien.org)

Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2008

Phản hồi về bài viết của bác Thanh Nam đăng trên x-cafe

Comments

Trên x-cafe, một thành viên của nhóm Hoàng Sa đã tranh luận với Thanh Nam, các bạn có thể xem nội dung tranh luận ở đây. Bài viết đã được biên tập lại để các bạn tiện theo dõi.

Thưa bác thanhnam, tôi nói thật là tôi thật sự thất vọng khi đọc bài viết này của bác. Lúc đầu bác đã kết tội những người phản bác lại tính pháp lý của công hàm là yêu nước mù quáng và đến bài này tôi nghĩ bác đã xúc phạm nặng nề đến những học giả nghiên cứu về vấn đề Hoàng Sa, và cả bản thân tôi - một người bình thường.

Trích ý kiến của thanhnam:

"Vấn đề đơn giản là vậy, thế nhưng một số diễn đàn như hoangsa.org, tapchithoidai, minhbien.org vẫn cứ cố tình chạy tội bán nước cho ông Đồng bằng những lí lẽ ngụy biện trên phương diện pháp lí, bằng mọi cách chứng minh rằng văn bản đó không có tính pháp lí. Từ đó hi vọng làm cho độc giả "quên" đi tội bán nước của ông Đồng, theo cái lẽ văn bản 1958 không có tính pháp lí nên ông Đồng không phạm tội bán nước. Một trò đổi thắng thay đen trắng trợn và vô cùng bỉ ổi, thể hiện sự suy đồi về đạo đức, sự tha hóa trí tuệ, táng tận lương tâm của một số trí thức hiện nay. Những hành vi này chúng ta cần phải lên án thường xuyên."

Thưa bác, tôi nghĩ rằng bác chẳng khác nào những kẻ vì ghét chế độ mà cố gắng biến một tờ giấy lộn thành văn bản bán nước, cuối cùng chỉ để thỏa mãn thái độ chính trị ích kỷ, đặt trên quyền lợi của dân tộc, nhưng khác hơn bác đã tạo ra vỏ bọc kín đáo là vì nghĩ cho đất nước… Thú thật với bác, dẫu tôi không đồng tình về những bài viết trước của bác cho lắm, tôi đã bị lầm tin rằng bác viết như thế cũng vì muốn thào luận về chuyện có nên đưa công hàm ra Quốc Hội, và tôi đã cũng gửi mail cho bác Thu (TS. Từ Đặng Minh Thu) hỏi về việc chúng ta có nên đưa hay không! Giá như bác chỉ dừng lại ở đó, hay là phân tích sâu thêm tác dụng của việc đưa ra Quốc Hội để phủ quyết nhưng cuối cùng thì sao? Đến bài cuối bác đã tỏ rõ mục đích của mình là muốn chửi bởi chính phủ VNDCCH và cá nhân ông Đồng là bán nước, và sĩ nhục toàn bộ những người có quan điểm trái với mình!

Tôi không sinh ra thời đấy nên tôi chẳng dám nhận xét nhiều về chuyện đó nhưng giả sử như bây giờ bác thuyết phục được mọi người đó là công hàm bán nước liệu có lợi ích gì cho non sông đất nước không? Hay chỉ thỏa mãn được cái tính hiếu thắng, ích kỷ, bỏ qua cá quyền lợi dân tộc?

Đúng, những bài viết của các học giả trên sai thật, sai vì họ đã không viết như bác muốn là trước khi phản bác tính pháp lý đã không thừa nhận đó là công hàm bán nước, khiến cho bác phải bỏ công viết đề cao tính pháp lý của công hàm lên làm "Luật sư không công của Trung Quốc" để đạt được mục đích khẳng định đó là công hàm bán nước! Quả thật đúng là “tha hóa về trí tuệ” đúng không bác, giá như cứ ngoan ngoãn nghe lời bác viết là "cộng sản Việt Nam bán nước" thì giờ đây biết đâu đó lại có một loạt bài về “cộng sản Việt Nam bán nước nhưng công hàm không có giá trị pháp lý. Phân tích trên tạp chí TĐM là sáng suốt”, bác vừa thể hiện được cái tư tưởng thù hằn dân tộc vừa được mang tiếng là yêu nước.

Tiếc thật, chỉ vì cái “tha hóa về trí tuệ” mà bác đã đành phải chọn việc cố cãi cho công hàm có tính pháp lý để cho TQ nó khề khà "đấy, dân mày còn thừa nhận như vậy rồi nhé" còn hơn là thừa nhận cộng sản không bán nước. Mà ngây ngô đến nỗi đã cho rằng đó là công hàm bán nước mà "khi mang ra Quốc Hội, chỉ cần phủ quyết 1 cái là xong". Thưa bác, nếu đã là văn bản bán nước "có giá trị pháp lý" thì mang ra Quốc Hội mà giải quyết được vấn đề thì Cuba đã đòi được Guatanamo, Nga đã đòi được Alaska, Mexico đã đòi được Califorinia rồi. Mà cũng đúng thôi, nếu không nói như vậy thì sao có cớ nói là mình vì yêu nước mới làm thế này thế kia!

Tôi đã đọc rất nhiều bài viết, của cả học giả thân chính phủ, trung lập lẫn ghét cộng sản nhưng dù có thể lên án nặng nhẹ về chính phủ, về cố thủ tướng nhưng phần lớn hầu hết đều dừng lại ở chỗ kết luận công hàm không có giá trị pháp lý. Dẫu rằng tôi biết nhiều khi chúng ta phải lật ngược vấn đề nhưng bác à, tôi tin rằng người Trung Quốc dẫu họ nghiên cứu về Hoàng Sa - Trường Sa và tự cảm thấy rằng Việt Nam có lý hơn khi xác nhận chủ quyền hai quần đảo này nhưng họ vẫn cố gắng gượng để bác bỏ vì ngay từ đầu khi trước khi bước vào nghiên cứu họ đã có sẵn kết luận là Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về họ! Bác có hiểu tại sao chỉ có số ít người nghiên cứu Việt Nam cho rằng công hàm đó có tính pháp lý không, chưa rõ về luật pháp ai đúng ai sai, nhưng bác à, vì họ không bao giờ mong muốn những điều bất lợi cho đất nước mình. Khi viết loạt bài phản bác, có bao nhiêu phần trăm mục đích là muốn đưa ra Quốc Hội, bao nhiêu phần trăm là muốn chửi bới chính quyền, thể hiện thái độ hằn học với chế độ và có bao nhiêu phần trăm muốn hạ nhục những người đã phản bác lại tính pháp lý của công hàm? Tôi tin chắc là cái mục đích muốn đưa ra Quốc Hội mà bác dựa vào đó để cho rằng mình yêu nước thế này thế kia có số phần trăm chắc bằng số đầu ngón tay.

Còn về riêng tôi, dù rằng bị nói là yêu nước mù quáng và là “tha hóa trí tuệ, táng tận lương tâm” nhưng tôi vẫn luôn tin rằng công hàm đó không hề có giá trị pháp lý, và Trung Quốc không thể dựa vào nó để tước lấy Hoàng Sa - Trường Sa. Nếu có ngày Việt Nam thua khi vụ việc đưa ra tòa án quốc tế, thì đó không phải là “cộng sản Việt Nam thua” như một thành viên ở đây nói vậy mà là cả dân tộc Việt Nam thua, tất nhiên tôi không dám xếp bác và một số người Việt và đội ngũ thua của dân tộc mà có lẽ các bác lúc đó đang ăn mừng vì “cộng sản Việt Nam bán nước rõ rồi nhé, công hàm có tính pháp lý rõ rồi nhé, lũ tha hóa trí tuệ, táng tận lương tâm thua rồi nhé”. Dù thế nào đi nữa, tôi tin rằng mình dẫu bị coi là thế này thế nọ nhưng tôi không đơn độc như lời anh nbc đã nói.

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm chung của toàn bộ BQT TTDL Hoàng Sa)

Đọc tiếp...

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008

Suy nghĩ về hai tấm bản đồ

Comments
Hình ảnh

Bản đồ bên phải:

Đây là bản đồ chủ trương chính thức của Trung Quốc. Bản đồ này chủ trương chiếm 2.6 triệu km vuông trên 3.3 triệu km vuông tổng cộng diện tích Biển Đông. Điều này có nghĩa Trung Quốc chủ trương giành 75% Biển Đông cho họ, để lại trung bình 5% cho mỗi nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.

Người Trung Hoa bắt đầu dùng bản đồ này một cách không chính thức từ sau Thế chiến II. Năm 2006, Trung Quốc ra quy định chính thức là tất cả bản đồ TQ phải vạch ranh giới chủ trương này. Điều này thể hiện một sự leo thang trong vie^.c thực hiện chủ trương chiếm 75% Biển Đông.

Một điểm đáng lưu ý là các bản đồ Trung Quốc dùng cho Olympic cũng vạch ranh giới đó. Điều này hơi tiến thoái lưỡng nan cho Việt Nam và các nước trong khu vực. Nếu không phản đối, Trung Quốc sẽ dùng đó như một chứng cớ chấp thuận ranh giới chủ trương của họ. Nếu phản đối thì sợ tổn thương quan hệ.

Trên thực tế, Việt Nam chỉ từng phản đối về Hoàng Sa, Trường Sa, chứ chưa bao giờ phản đối ranh giới chủ trương của Trung Quốc. Điều nay có thể sau này sẽ nguy hại cho Việt Nam. Sau vài chục năm, Trung Quốc có thể nói "OK, thì ta chia Hoàng Sa, Trường Sa. Còn 75% Biển Đông, sau mấy chục năm mà các anh không bao giờ phản đối, theo pháp ly quốc tế, có nghĩa là các anh chấp nhận.". Như vậy, ta sẽ được chia vài đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và Trung Quốc sẽ chiếm 2.6 triệu km vuông biển và thềm lục địa.

Trong 60 năm qua, họ không chính thức nói ranh giới lưỡi bò đó có ý nghĩa gì. Các học giả cho là ranh giới dó ambiguous. Vì vậy các nước khác khó (hay cảm thấy không cần) phản đối chính thức. Gần dây, 1 số tác giả Trung Quốc bắt đầu viết bài trên các tạp chí luật quốc tế nói là Trung Quốc đã đưa ra ranh giới đó 50-60 năm rồi mà không nước nào phản đối, và 50-60 là lâu đủ để cho bên trong ranh giới đó là biển lịch sử. Tôi có bài này và có thể cho reference. Giả sử tình hình này kéo dài 20-30 năm nữa, Trung Quốc sẽ nói đó là biển lịch sử của họ với bề dày gần 1 thế kỷ.

Trên thực tế, Trung Quốc đã dùng ranh giới đó để cho là họ có quyền bán Bãi Tứ Chính cho Crestone vào thập niên 90 và đuổi BP khỏi dự án dầu khí Mộc Thinh, Hải Thạch năm nay. Những vùng này không nằm ở Trường Sa (ie Trung Quốc đòi nhiều hơn Trường Sa).

Các nước khác cũng có lên tiếng phản đối, như Indo phản đối trong các vụ đàm phán biển quan tới biển Natuna, và viện trưởng viện biển Malaysia cũng nói:

“There are parties which have claimed the entire South China Sea as their own on the basis of antiquity. Such claims cannot be serious nor treated with much respect... By no stretch of imagination can the South China Sea be considered by any nations as its internal waters or historic lake as a basis to assert claim. Since such area claims are frivolous, unreasonable and illogical, I urge the Parties concerned to drop area claims and focus instead on their claim to islands and non-islands. I would also urge all parties to reject claims to the entire South China Sea (referring to area claims) as there is no basis in law or history” (B.A. Hamzah, Conflicting Jurisdiction Problems in the Spratlys: Scope for Conflict Resolution, 1991)

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần phải phản đối, và Đông Nam Á cũng cần cùng nhau phản đối. Khác với tranh chấp Trường Sa, phản đối ranh giới lưỡi bò là điều tốt cho quyền lợi tất cả các nước Đông Nam Á và là điểm Đông Nam Á có thể đoàn kết.

Tôi nghĩ bước ngoặc quan trọng là năm 2006, khi Trung Quốc ra quy định chính thức là tất cả các bản đồ Trung Quốc phải vẽ ranh giới lưỡi bò. Lúc đó Việt Nam có phản đối nhưng chỉ nói là Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, chứ không phản đối ranh giới lưỡi bò. Nên nhớ là ranh giới lưỡi bò là ranh giới biển chứ không chỉ là ranh giới chủ quyền đảo. Có thể tôi lo xa quá, nhưng tôi thấy không phản đối khía cạnh ranh giới biển là sơ xuất.

Bản đồ bên trái:

Đây là bản đồ chia vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo đường trung tuyến giữa các nước. Tôi nhấn mạnh là chia vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chứ không phải chia Hoàng Sa, Trường Sa (có nghĩa đảo trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này vẫn có thể thuộc về nước kia). Đây là cách chia công bằng và phù hợp với luật biển Liên Hiệp Quốc. Chia như vậy, Việt Nam sẽ được 3/4 triệu km vuông. Bản đồ này được vẽ trong quyển "Sharing the Resources of the South China Sea" của những chuyên gia luật biển Valencia et al. Các bác có thể đọc phần lớn quyển này miễn phí trên Google Books.

Dĩ nhiên là chia vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Biển Đông theo luật biển Liên Hiệp Quốc công bằng cho Việt Nam và Đông Nam Á hơn chia theo "luật" Trung Quốc.

Các bác có thể thấy tranh chấp Biển Đông rộng hơn tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa rất nhiều trên các diện địa lý, pháp lý và sống còn của nước ta.

Bài viết của anh huydanhduong cộng tác trên diễn đàn Hoàng Sa (hoangsa.Org)

Đọc tiếp...

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

Đứng trước Tổ quốc

Comments

Từ bao giờ, người ta yêu Tổ quốc mà chẳng cần được dạy, tự nhiên ở mỗi người như hít thở khí trời. Tổ quốc, ở đó có những điều thân quen, gắn bó bên ta như gia đình, bạn bè, ngôn ngữ…lớn lao như dòng sông, ngọn núi hay chỉ là một hòn đảo san hô vừa đủ đặt chân người giữa biển khơi. Không ai có thể và có quyền từ bỏ bất cứ phần nào của Tổ quốc đó. Cũng chưa bao giờ dân Việt chịu cúi đầu khi có kẻ hăm he chiếm đoạt Tổ quốc, dù kẻ thù có mạnh đến đâu. Lịch sử 1.000 năm chống kẻ thù phương Bắc và 100 năm chống xâm lược phương Tây đã chứng minh sự bất khuất đó.

Trong những ngày cuối năm, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, ngay lập tức thanh niên ở hai đầu đất nước đã không hẹn mà cùng đứng lên với lá cờ đỏ trên tay để bày tỏ lòng yêu nước. Ở thời kỳ nào, tình yêu với Tổ quốc cũng không thay đổi cho dù có gặp sự ngăn trở nào đi nữa. Những người yêu nước đó chỉ là các sinh viên đang phải vừa làm vừa học, là những trí thức trẻ với nhiều hoài bão đóng góp cho xã hội hay đơn giản chỉ là một người lao động bình thường nhưng không bao giờ chấp nhận để một tấc đất nào của tiền nhân rơi vào tay ngoại bang. Họ bước ra khỏi những những giảng đường đại học, các công sở, quán cà phê máy lạnh hay chiếc máy tính nối mạng…để đọc sang sảng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”, để nắm tay hát vang bài Quốc ca, Nối vòng tay lớn... để nói cho kẻ ngạo ngược kia biết dân tộc này không bao giờ đớn hèn, chưa bao giờ sợ hãi bạo quyền.

Sau những lần bày tỏ như vậy đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc làm này. Có người hỏi: “Làm vậy liệu có giúp chúng ta đòi lại ngay hai quần đảo không?”. Sẽ rất không thực tế nếu trả lời “Có”. Rõ ràng chỉ vài hành động biểu thị lòng yêu nước của thanh niên chẳng thể nào mang lại những phần Tổ quốc đang nằm ngoài vòng tay Mẹ Việt Nam. Những buổi sáng Chủ nhật, thay vì dạo phố, đi cà phê…có những thanh niên ra trước cơ quan ngoại giao Trung Quốc, giữa công viên hay tuần hành trật tự trên đường để nói thật rõ ràng cho cả xã hội biết: “Chúng tôi không thờ ơ, không bưng mắt bịt tai trước nỗi đau mất mát đất mẹ”.

Vì vậy, những ai còn nghi ngại hay thậm chí thờ ơ với bầu nhiệt huyết của thanh niên cần hiểu rằng, những việc làm đó tuy chưa mang lại kết quả ngay tức thì nhưng nó đúng lúc và cần thiết để thanh niên thể hiện tính cách của tuổi trẻ. Nó giúp cho mọi công dân bày tỏ tình yêu đất nước một cách ôn hòa. Giúp đánh động những ai vẫn còn thờ ơ vì quen để người khác nghĩ thay, làm thay. Những bày tỏ đó khiến chúng ta thêm yêu thương mảnh đất đã nuôi ta lớn, dạy ta nên người. Khác với nhiều suy tính xa lạ, những hành động tập hợp này không thể ảnh hưởng đến ngoại giao. Trong một nhà nước pháp trị, việc người dân bày tỏ lòng yêu nước một cách đúng mực chưa bao giờ có thể gây phương hại đến đường lối ngoại giao của chính quyền mà chỉ tạo nên sức mạnh đồng thuận của nhân dân với nhà nước. Trên thực tế, vấn đề ngoại giao đã bị ảnh hưởng kể từ khi ý đồ bành trướng thể hiện trên văn bản được biến thành hiện thực nhằm xâm hại lãnh thổ của chúng ta. Đó là ý chí của người dân nhằm bày tỏ tình yêu nước trong ôn hòa, lịch sử thế giới chưa bao giờ có trường hợp chiến tranh nổ ra vì một lý do như vậy.

Qua những lần tập hợp của các công dân trẻ, điều chúng ta cần làm đó là phải có sự hướng dẫn kịp thời để tổ chức cho thanh niên, trí thức trẻ có cơ hội bày tỏ tình yêu đất nước và còn để chấn dân khí. Tránh để sự nhiệt tình của họ đi thái quá dẫn đến những ngộ nhận, việc làm đáng tiếc. Lập lờ hay giả vờ như không có gì xảy ra chỉ mang đến sự hoang mang trong quần chúng, càng dễ bị “kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc”. Sau hai dịp xuống đường, đã có những thông tin trên internet nói rằng sinh viên này bị cơ quan an ninh mời lên làm việc, công dân khác bị bắt bớ, hạch hỏi hay nghệ sĩ kia bị giám sát…Thực hư của những thông tin này rất khó kiểm chứng nhưng nó đã lan đi trên thế giới mạng, làm không ít người hoang mang. Cũng có ý kiến nói rằng người ta đã thiếu công bằng với tinh thần yêu nước của thanh niên, trí thức khi cùng thời điểm đó trên các trang báo tràn ngập thông tin về SEA Games 24 nhưng không có một bản tin ngắn ngủi nào nhắc đến những hành động đầy nhiệt huyết kia.

Có nhiều cách gọi để chỉ về những hành động bày tỏ vừa qua của những thanh niên tại Hà Nội và TP.HCM. Đó là “tụ tập bất hợp pháp” hay “biểu tình” nhưng với tư cách của một thanh niên, tôi vẫn thích gọi đó là “Đứng trước Tổ quốc”. Khi Tổ quốc cần, không ai khác hơn chính là thanh niên, trí thức sẽ tự giác khoát tay nhau đứng lên như những bậc tiền bối của mình mà chẳng cần ai phải nhắc nhở, ai phải kêu gọi.

T.B

Ps: Bài viết này được đăng trên báo Du Lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) số Xuân Âm lịch. Tờ báo mà tôi hết mực yêu quý.

Nguồn: Blogger Ginola

Ban biên tập xin cám ơn nhạc sĩ Tô Hảibạn Ginola đã thông tin về bài báo này. Hình ảnh do blogger Ginola cung cấp tại đây.

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008

Hậu duệ Bách Việt mãi mãi không quên

Comments

Ngày 17/02/1979 Quân đội Nhân dân Trung Hoa phát động chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc, đánh chiếm 6 tỉnh biên giới của Việt Nam để "dạy cho Việt Nam một bài học" (Đặng Tiểu Bình), mục đích chính là nhằm phân tán lực lượng quân sự Việt Nam đang phải đối phó với nạn diệt chủng Pol Pốt và chiến tranh biên giới Tây Nam của chính quyền Ieng Sary gây ra dưới sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Cùng với sự kiện hải chiến Trường Sa (1988), Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một phần Trường Sa, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc sau đó kéo dài đến tận năm 1989, để lại nhiều tổn thất về kinh tế - văn hóa - lãnh thổ - nhân mạng cho Việt Nam, khiến một thời gian dài Việt Nam phải huy động một lực lượng quân sự lớn dọc biên giới gây nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế sau khi tái thống nhất nước nhà. Nó kéo dài căng thẳng biên giới tới tận sau 1991, Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Đồng thời tiến tới vận động Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế, mà giới chính trị chống cộng thường gọi là việc "gia nhập thế giới tự do".

Hậu duệ Bách Việt hãy luôn nhớ rằng: lối tư duy bành trướng lãnh thổ, hủy diệt văn hóa bằng vũ lực đã luôn nằm trong tiềm thức của các nhà lãnh đạo Trung Hoa xuyên suốt lịch sử. Nhớ để mà phấn đấu, xây dựng nước Việt hùng cường, phục hưng nền văn minh Đại Việt rực rỡ từ ngàn xưa. Có như vậy, lịch sử mới chịu đứng về phía công lý và hòa bình thật sự.

Đầu năm, xin kính chúc quý bạn bè thân hữu cùng toàn thể anh chị em nhiều sức khỏe. Chúc các nhà lãnh đạo đất nước có thêm nhiều thành công trong đối ngoại, đối nội. Chúc cho giang sơn Việt Nam sớm giành lại được lẽ công bằng.

Thay mặt Ban biên tập,

Tuấn Quốc & Thế Duyệt

Đọc tiếp...

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008

Truyền thông “Made in Tầu”

Comments

Chỉ nội một ứng xử về Trường Sa – Hoàng Sa đã thấy truyền thông Trung Quốc liên tục "đảo cánh". Lúc thì tuyên bố kiểu như Trung Quốc phải dạy cho Việt Nam một bài học mới, nên tấn công sớm trong lúc Việt Nam chưa chuẩn bị kịp, đổ cho Mỹ giật dây kích động SVViệt Nam biểu tình, nhắc khéo “trên bàn cờ giao tranh của những nước lớn, Việt Nam nhỏ bé sẽ chỉ là con tốt dễ bị hy sinh và tổn thất nặng nề nhất”... lúc lại xoay qua khẩu hiệu cũ “núi liền núi, sông liền sông”. Một sắp xếp theo thứ tự thời gian cũng có thể cho thấy điều đó.

Bài “Trung Quốc cần cứng rắn với Việt Nam để độc chiếm Biển Đông” trên mạng Sina ngày 28/11 có đoạn: “Có người cho rằng chúng ta cần đặt trọng tâm hàng đầu vào vấn đề Đài Loan, sau đó mới là vấn đề Nam Hải. Cách suy nghĩ này là sai lầm. Phải biết rằng vấn đề Nam Hải và vấn đề Đài Loan có sự khác biệt về bản chất. Khi cần thiết sợ gì mà không đồng thời xử lý cả hai vấn đề cùng một lúc. Trung Quốc đương nhiên cần phải giành lấy chủ quyền ở Nam Hải và trục xuất Việt Nam ra khỏi Nam Hải, với những lý do sau:

- Trung Quốc với tư cách là nước nuôi sống 1/5 dân số thế giới, tài nguyên căng thẳng. Việt Nam giành được tài nguyên ở Nam Hải liệu có thể có cống hiến gì cho nhân loại? Trung Quốc có thể có những cống hiến lớn hơn. Không nói đến những cống hiến thăm dò nghiên cứu vũ trụ chỉ hết việc nuôi sống 1/5 dân số thế giới đã là cống hiến to lớn.

- Diện tích đất liền và diện tích biển của Trung Quốc không tỷ lệ thuận với nhau. Diện tích biển của Trung Quốc nhỏ hơn bất kỳ nước lớn nào trên thế giới. Nếu Việt Nam có Nam Hải, thì diện tích kiểm soát lãnh hải sẽ vượt Trung Quốc, thậm chí tỉ lệ đất liền và biển còn vượt cả Nhật Bản và Anh. Đây là chuyện rất hoang đường.

- Việt Nam không có khả năng kiểm soát thực tế ở Nam Hải.

- Ngư dân Trung Quốc luôn bị tàu chiến Việt Nam tiến công, xâm phạm nghiêm trọng đến nước ta. Nam Hải từ trước đến nay luôn thuộc lãnh hải Trung Quốc, lẽ nào lại để Việt Nam biến Nam Hải thành biển của Việt Nam?

...Có thể nói việc không cứng rắn đối với vấn đề Nam Hải sẽ là sự tổn thất đối với chúng ta”.

Tờ Đại Công báo của Hồng Công, ngày 9/1 có bài viết "Trung Quốc không cần thiết "ăn miếng, trả miếng" với Việt Nam" có đoạn: "Vào những ngày cuối năm 2007, tại Việt Nam, nước láng giềng của Trung Quốc, liên tục xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, một sự kiện hiếm thấy trong những năm gần đây. Theo lý, những hành vi khiêu khích quan hệ hai nước Trung Quốc và Việt Nam trắng trợn như vậy, Chính phủ của một bên bị chỉ trích sẽ không thể không quan tâm, báo chí của bên bị chỉ trích cũng sẽ không để yên. Thế nhưng, kể từ khi tại Việt Nam liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, phía Trung Quốc chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Tần Cương đưa ra phản ứng trong một buổi họp báo thường kỳ. Ngoài ra, không thấy báo chí Trung Quốc đưa tin hay bình luận, phân tích về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra tại Việt Nam, điều này khiến mọi người có cảm giác Trung Quốc đang lép vế trong vấn đề này. Tại sao?...

Có thể nói, đứng trước vấn đề tranh cãi chủ quyền đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa do lịch sử để lại, Trung Quốc chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”, đây có thể coi là sự lựa chọn sáng suốt nhất, cũng là nguyên tắc quan trọng có lợi cho ổn định khu vực. Chính là do Trung Quốc kiên trì chủ trương này, cho nên đối với các cuộc biểu tình nhỏ lẻ chống Trung Quốc tại Việt Nam thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc không cần thiết phải áp dụng phương thức “ăn miếng trả miếng” và Chính phủ Trung Quốc làm như vậy là hành động sáng suốt”.

Tờ Thái Dương ngày 23/1 đăng bài của bình luận viên Đài truyền hình Phượng Hoàng Khâu Chấn Hải với nhan đề “Trung Quốc làm thế nào thoát ra khỏi khó khăn ở Nam Hải”, có đoạn: “Mâu thuẫn Nam Hải giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn. Một mặt cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước xung quanh vốn đã tỏ ra hoài nghi đối với Trung Quốc, mà những nước này phần lớn là những nước yếu và nghèo. Nếu Trung Quốc quá cứng rắn sẽ nhanh chóng mất đi hình tượng đạo đức trên trường quốc tế. Mặt khác nếu tiếp tục gác tranh chấp, vô hình chung trở thành cái cớ để các nước khác cứ tiếp tục xâm lấn... Theo tập quán quốc tế, việc giải quyết vấn đề này có 3 cách: giải quyết chính trị, đưa ra toà án quốc tế và sử dụng vũ lực. Nếu loại trừ việc sử dụng vũ lực, Trung Quốc hiện nay còn thiếu sự chuẩn bị cho việc đưa ra toà án quốc tế, nhưng việc giải quyết chính trị hiển nhiên lại rơi vào bế tắc. Những khó khăn này đang thử thách trí tuệ của Trung Quốc”.

Dưới đầu đề “Việt Nam: Đầu mối cuối cùng bao vây Trung Quốc của Mỹ”, mạng Sina ngày 23/1 có đoạn: “Mỹ với thực lực quân sự hùng mạnh, coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, đương nhiên là sự lựa chọn đầu tiên của Việt Nam. Ý đồ của Mỹ cơ bản không nhằm vào Việt Nam. Mỹ hiểu rằng Trung Quốc sẽ không bàng quan để Mỹ tác động vào Việt Nam, nếu Mỹ tác động vào Việt Nam, Bắc Kinh sẽ rất tức giận và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Sự chú ý của Mỹ tập trung vào căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam. Trong tất cả các căn cứ quân sự của các nước trên thế giới hiện nay, không có căn cứ quân sự nào có thể so sánh được với Cam Ranh về tính năng tổng hợp. Căn cứ quân sự Cam Ranh đã từng nằm trong tay các cường quốc Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp. Trong các thời kỳ các nước đóng ở Cam Ranh, đều đầu tư lớn tiến hành cải tạo hiện đại hóa cảng Cam Ranh. Cho nên cảng Cam Ranh luôn duy trì hiện đại hóa ở mức độ cao.

Gần 100 năm qua, cảng Cam Ranh luôn là nơi tranh giành giữa các cường quốc trên thế giới. Năm 1905, trong thời kỳ chiến tranh Nga-Nhật, hàng trăm tàu chiến của Nga đã từng neo đậu ở cảng Cam Ranh. Sau đó năm 1935 và 1954, Nhật Bản và Pháp cũng đã từng đóng quân ở Cam Ranh. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam 1965-1967, Mỹ đã chi 300 triệu USD cải tạo mở rộng cảng, xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự tổng hợp và căn cứ hậu cần cho lực lượng hải-lục-không quân và tên lửa của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Cam Ranh có những kho lớn chứa máy bay, có sân bay có thể dành cho máy bay quân sự cỡ lớn như B-52 hạ cánh. Trên thế giới hầu như không có căn cứ quân sự nào có quy mô và tính năng tổng hợp lớn như Cam Ranh... Cho đến nay vẫn còn chưa biết nước nào thuê được cảng Cam Ranh. Nhưng điều có thể khẳng định là Mỹ rất muốn quay trở lại cảng Cam Ranh và hiện nay xem ra thời cơ đã đến. Sau khi rút khỏi căn cứ Subic ở Philippine, Mỹ luôn nhòm ngó Cam Ranh, nhưng liệu có thuê được hay không, vẫn chưa thật chắc chắn. Vì thế, trước đây Mỹ đã từng tung tin nói Trung Quốc có thể tiến vào cảng Cam Ranh, để lấp chỗ trống hiện nay, đồng thời cũng tung ra "thuyết về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc". Trung Quốc đã bày tỏ thái độ rõ ràng về việc này, đó là tuyệt đối không xây dựng căn cứ ở nước ngoài. Các bậc tiền bối của Trung Quốc nói: Trung Quốc không cho phép thế lực nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự ở Trung Quốc, cũng không có ý định xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài. Câu nói này là để cho người Mỹ nghe, càng để cho người Việt Nam nghe. Việt Nam là quốc gia độc lập có chủ quyền, cần xuất phát từ đại cục, trân trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ không dễ có được.

Mục đích của Việt Nam cho thuê Cam Ranh chỉ là như vậy, nhưng Mỹ liệu có đáng tin cậy không, tin rằng đến ngay Việt Nam cũng không thể trả lời được điều này. Về phía Mỹ rõ ràng là bên được lợi nhất. Trong thế giới hiện nay, cho dù là quan hệ Trung-Mỹ, hay quan hệ Việt-Mỹ mật thiết như thế nào thì cũng đều không thể thay đổi một sự thực, đó là Mỹ từ lâu đã coi Trung Quốc và Việt Nam là quốc gia Cộng sản. Có thể chúng ta đang làm nhạt dần quan niệm về ý thức hệ và giai cấp, nhưng thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu chưa bao giờ vứt bỏ điều này. Để có được nhiều chi phí quân sự cho chiến tranh chống khủng bố, Bush đã từng tuyên bố với Nội các: chống khủng bố tức là chống Cộng, lực lượng chống khủng bố tiến đến nơi nào thì lực lượng chống Cộng cũng tiến đến nơi đó.

Điều này cho thấy một khi Mỹ tiến vào Cam Ranh, thì "một mũi tên sẽ trúng 3 đích":

- Thứ nhất, đưa hai nước Cộng sản vào tầm quan sát, nhất cử nhất động đều bị theo dõi.

- Thứ hai, trực tiếp chẹn lấy tuyến đường vận chuyển huyết mạch của Nhật Bản, đeo lên đầu Nhật Bản chiếc vòng "kim cô", kẹp chặt Nhật Bản dưới sự chỉ đạo của Mỹ, đồng thời kiềm chế Ấn Độ, phong toả Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, khiến chiến lược toàn cầu của Ấn Độ bị Mỹ kiềm chế.

- Thứ ba, cũng là điểm quan trọng nhất, kiềm chế Trung Quốc. Mỹ tiến vào Cam Ranh cũng có nghĩa là trực tiếp tiến vào Nam Hải. Đến lúc này đã hoàn thành việc bao vây chiến lược trên biển đối với khu vực ven biển của Trung Quốc, kéo dài từ Nhật Bản, Đài Loan, quần đảo Mã Lai, quần đảo Philippin và cuối cùng là cảng Cam Ranh. Từ góc độ lợi ích chiến lược mang tính khu vực mà nói, một khi eo biển Đài Loan nổ ra chiến sự, Mỹ không chỉ có thể phái quân từ hướng Nhật Bản và Guam, mà còn có thể điều quân từ cảng Cam Ranh, khiến hải quân Trung Quốc ở vào tình thế rất khó khăn; Mỹ tiến vào cảng Cam Ranh cũng rất dễ can thiệp vào công việc Nam Hải của Trung Quốc... Nếu quả thực diễn ra cục diện này thì sẽ là điều hoàn toàn bất lợi đối với Trung Quốc.

Trong chiến lược toàn cầu, việc Mỹ tiến vào Cam Ranh rõ ràng là đầu mối cuối cùng áp sát vào Trung Quốc, và Việt Nam - núi sông liền một dải với Trung Quốc, chính là đầu mối cuối cùng này”.

Tôi đã có đánh giá của riêng mình về kiểu truyền thông này. Còn bạn?

Không biết chính xác tự bao giờ, tôi đã tạo folder riêng có tên “Hoàng Sa – Trường Sa” trong máy tính của mình...

Nguồn: Blogger Huy Bom

Đọc tiếp...

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2008

Lời kêu gọi của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông

Comments

Mục đích của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông

Ngày nay Việt Nam đứng trước hai ngưỡng cửa lịch sử. Một cửa là giữ được 3/4 triệu km vuông vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông, một diện tích lớn hơn gấp đôi lãnh thổ trên bộ, như hình bên trái. Một cửa là mất nó, như hình bên phải.

Để giữ được phần Biển Đông của Việt Nam, cần sức mạnh từ dân. Dân mạnh vì ý chí, ý thức và kiến thức.

Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông được thành lập vào năm 2007 bởi sự đóng góp tài chính của nhiều người và công việc của một số thành viên. Mục đích của quỹ là phổ biến ý thức và nâng cao kiến thức về tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, mặt biển và thềm lục địa.

Các mục tiêu chiến lược

Để thực hiện mục đích trên, Quỹ có những mục tiêu chiến lược:

  • Sưu tầm tài liệu.
  • Viết và công bố tài liệu.
  • Dịch tài liệu.
  • Xuất bản tài liệu.
  • Tư vấn.
  • Cộng tác với những phong trào hoà bình về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

Các dự án cụ thể

Năm 2008

  • Xây dựng nhân sự cho Quỹ.
  • Xuất bản quyển “Địa Lý Biển Đông” của ông Vũ Hữu San
  • Xuất bản quyển “Tập San Sử Địa 29: Đặc Khảo Hoàng Sa – Trường Sa” trên mạng.
  • Dịch luận án tiến sĩ “Quá trình xây dựng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa” của ông Nguễn Nhã sang tiếng Anh.
  • Viết sách giới thiệu tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.
  • Viết 3 bài được đăng trên báo hay tạp chí có uy tín.
  • Đóng góp trên 10 diễn đàn trên mạng.
  • Cộng tác với một số phong trào hoà bình về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông.

Năm 2009-2010

  • Hỗ trợ biên tập và xuất bản luận án tiến sĩ “Quá trình xây dựng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa” của ông Nguyễn Nhã.
  • Tóm tắt quyển “Sharing Resources of the South China Sea” của ông Mark Valencia et al bằng tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam.
  • Tóm tắt quyển “Chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa” của bà Monqiue Chemillier-Gendreau và xuất bản ở Việt Nam.

Các dự án đang được xét:

  • Hỗ trợ tái bản quyển “Tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa” của ông Lưu Van Lợi.
  • Hỗ trợ tái bản quyển sách về Hoàng Sa, Trường Sa của ông Phạm Kim Hùng.
  • Hỗ trợ tái bản tài liệu của ông Nguyễn Quang Ngọc.
  • Hỗ trợ tái bản quyển “Chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa” của bà Monqiue Chemillier-Gendreau.
  • Sửa những bài thiên vị Trung Quốc trên Wikipedia.
  • Viết thư đính chính bản đồ dùng tên Trung Quốc cho Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhân sự

Biết rằng trách nhiệm và khả năng chính trong việc bảo vệ lãnh thổ nằm trong tay chính phủ, nhưng dựa theo tinh thần của JF Kennedy, cố tổng thống Mỹ, có thể nói: Hảy hỏi chính phủ có thể làm gì cho đất nước, và hãy hỏi bản thân bạn có thể làm gì cho đất nước.

Một thí dụ về thường dân như chúng ta có thể làm gì:

http://en.wikipedia.org/wiki/Spratly

Ở trang Wiki trên, bạn có thể thấy người Trung Quốc trình bày (thật ra là xuyên tạc) sao cho có lợi cho quan điểm của Trung Quốc trong tranh chấp Trường Sa.

Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông hiện đang cần một số thành viên có thể làm việc nghiêm túc vài giờ mỗi tuần trong vòng vài tháng.

Nếu bạn nghĩ có thể giúp được trong các dự án của Quỹ, xin liên lạc huydanhduong@gmail.com

Nguồn: minhbien.ORG (hậu thân của biendong.ORG)

Đọc tiếp...

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2008

Giúp đỡ Đại biểu Hội đồng Nhân dân trẻ Tp.HCM

Comments

Đại biểu Nguyễn Thanh Tú, sinh viên trường Đại học Nông lâm Tp.HCM, vừa qua gặp phải tai nạn giao thông, chấn thương sọ não rất nặng, hiện đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tiền viện phí quá cao trong khi gia đình của Tú rất khó khăn.

Trong không khí cả nước đang đón chào xuân mới, kính mong toàn thể các Đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ, mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội hãy giang rộng vòng tay giúp đỡ bạn Tú trong thời điểm này, để bạn Tú vượt qua cơn hiểm nghèo, phục hồi sức khoẻ và tiếp tục học tập.

Mọi sự hỗ trợ, đóng góp xin liên hệ trực tiếp với Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch HĐND Trẻ, số điện thoại 0988668211; hoặc liên hệ Trung tâm hỗ trợ SV TPHCM và Thành Đoàn TPHCM.

Kính mong được sự đóng góp giúp đỡ của tất cả mọi người.

Chủ tịch HĐND Trẻ

Nguồn: Hội đồng Nhân dân trẻ Tp.HCM Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2008

Còn dân là còn nước - Hồ Chí Minh

Comments

Trong một tài liệu cũ mình vô tình đọc được ở thư viện, có 1 câu chuyện này về Bác Hồ trong số vô vàn câu chuyện khác về cái tài tình của Bác. Sở dĩ mình chú ý đến câu chuyện này và post lên blog vì hoàn cảnh của đất nước, về cách xử trí của chính phủ, nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hao hao giống như hoàn cảnh lịch sử và cách xử lý của chính quyền cách đây gần 1/2 thế kỷ.

“Ngay sau khi ta vừa giành được độc lập (Ngày 2/9/1945) – Quân Tưởng ồ ạt kéo quân vào Miền Bắc (1946), kéo theo bọn Việt quốc, Việt cách, âm mưu lật đổ Chính phủ ta, lập ra một chính quyền tay sai phục vụ cho chúng. Nhân dân ta rất xôn xao, cán bộ đều căm phẫn. Trong tình hình đó, Đảng ta và Bác chủ trương tỏ thái độ hợp tác và hữu nghị, không được để xảy ra xung đột. Nhưng nhân dân và cán bộ thì chưa thông suốt. Sợ các tỉnh có quân đội Tưởng đóng không kìm được nóng nảy, để xảy ra xung đột, Bác liền triệu tập chủ tịch một số tỉnh miền Bắc về Bắc Bộ Phủ - Hà Nội. Người gặp và bảo:

- Chính phủ cho gọi các chú về có một số việc. Hình như quân Tưởng đóng ở các tỉnh đã gây cho các chú nhiều chuyện rắc rối lắm phải không?

Được lời như cởi tấm lòng, các đại biểu thi nhau kể tội Tàu Tưởng. Chừng một lát, Bác giơ tay ra hiệu im lặng, ý muốn nói: Bác hiểu cả rồi!

- Bác nói để các chú hiểu: Họ nhân danh Đồng minh vào tước vũ khí quân đội Nhật, mình không tỏ ra thái độ hợp tác, họ sẽ vịn vào cớ ấy để gây khó dễ cho mình.

- Thưa Bác, mình muốn hợp tác hữu nghị, nhưng họ lại không muốn, muốn cướp đất của ta thì làm thế nào ạ?

Bác giải thích vắn tắt: Mình hữu nghị vì họ có 500 triệu dân trong khi mình chỉ có 20 triệu. Họ có 4 triệu quân mà quân đội ta lại mới đang xây dựng. Hữu nghị là như thế, các chú hiểu không? Các chú nói mất đất là mất bao nhiêu? Thế các chú có thấy dân ta hợp tác với họ, tin tưởng vào họ không? Nếu dân ta không đứng về phía chúng, không tin tưởng vào chúng thì ta không mất gì cả. Như thế nếu có mất đất nhưng không mất nước. Còn dân là còn nước. Các chú phải nắm vững đường lối của Đảng và Chính phủ, phải tuân theo chỉ thị của trung ương.

Đọc xong câu chuyện ngắn này. Tôi bỗng sực nhớ ra, Thanh niên của ta và bao nhiêu thế hệ khác đang – đã sống trên đất Việt Nam trong giai đoạn này. Có bao nhiêu người biết kìm chế, có bao nhiêu người bị kích động, rồi gây xung đột với chính quyền, rồi hiểu nhầm chính quyền… Tôi bỗng nghĩ rằng, Chính phủ ta đang tiếp nối cái hướng đối nội – đối ngoại rất tài tình cảu Bác Hồ - Thì tại sao chúng ta lại không ủng hộ, tại sao chúng ta lại không tin tưởng vào Chính Phủ. Chúng ta gào thét yêu nước, nhưng liệu điều đó có sáo rỗng hay không khi chúng ta không đứng về phía chính quyền trong cách xử lý. Chúng ta không hiểu điều đó, hay là chúng ta cố tình không hiểu. Bài học của hơn 1 thế kỷ trước vẫn còn đầy giá trị. Nếu chúng ta nắm vững đường lối của Đảng và Chính Phủ, tuân theo chỉ thị của trung ương, một lòng tin chính quyền thì tôi tin rồi mọi chuyện sẽ qua đi. Và chúng ta sẽ không mất đất, dù chỉ là 1 milimet.

Sự thắng lợi của chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” đã chứng minh điều đó. Thế hệ Việt Nam ngày nay, liệu có dám đứng về chính quyền chứng minh lại bài học đó???

Nguồn: Blogger Nắng mưa 8X

Đọc tiếp...

Giải pháp nước ngọt đầu tiên cho Trường Sa

Comments

Sau gần một tháng phát động "hiến kế giải pháp nước ngọt cho Trường Sa", Thanh Niên đã nhận được hàng ngàn thư của độc giả trong, ngoài nước quan tâm, hiến kế... Và đã có một giải pháp đầu tiên được chọn để lắp đặt thí điểm.

Ông André Menras, Nguyễn Đức Phương và Hồng Lê Thọ (từ trái qua) - Ảnh: Thái Hòa

Hôm qua 1.2, ông André Menras, một người Pháp yêu Việt NamThanh Niên đã có bài viết cùng các ông Hồng Lê Thọ (Việt kiều Nhật), Nguyễn Đức Phương - chủ bút Báo Đoàn kết ở Pháp và chị Lương Bạch Vân - Chủ tịch Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài tại TP.HCM, đã cùng với đại diện Báo Thanh Niên gặp gỡ và bàn các bước tiến hành thử nghiệm chiếc máy lọc nước biển, giải pháp đầu tiên mang tính khả thi cho Trường Sa. Đó là chiếc máy Power- Survivor 160 với công suất 25 lít nước/giờ chạy bằng sức gió bằng cánh quạt Eolienne AIR-X và những tấm pin mặt trời Photowatt PW6-110Wp-12V.

Ông André Menras cho biết, máy Power-Survivor 160 thường sử dụng cho các thuyền buồm tham gia các cuộc đua vượt đại dương và sẽ được đặt mua ngay hôm nay. Máy có turbin AIR-X chạy bằng sức gió 12 nds và công suất tối đa sẽ đạt được là 400W. Trọng lượng của turbin nhỏ phù hợp với kích thước đảo chìm. Thân cánh quạt bằng nhôm có vernis chống ăn mòn đảm bảo trong nhiều năm. Kết hợp giữa năng lượng từ gió với năng lượng pin mặt trời Photowatt PW6-110Wp-12V, có thể đủ năng lượng để vận hành máy mà không cần nhiên liệu khác. Máy được bảo hành 5 năm với thời hạn sử dụng là 25 năm... (Các thông số kỹ thuật có thể tìm trong trang http://photowatt.com).

Ông André Menras đã thông báo ngay trong buổi gặp gỡ với chúng tôi rằng ông sẽ góp 1.000 euro, các bạn ông cũng đang sẵn sàng đóng góp. Các ông Nguyễn Đức Phương và Hồng Lê Thọ cũng bày tỏ sự sẵn sàng góp kinh phí cho chương trình nhiều ý nghĩa này. Bà Đinh Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Công ty TNHH Quảng Thái, Đà Lạt (thương hiệu trà Atiso Thái Bảo) cũng đã tuyên bố sẽ ủng hộ 5.000 euro để mua máy và gửi tặng trà Atiso cho các chiến sĩ Trường Sa với lượng quà trị giá 10 triệu đồng...

Thanh Niên chân thành cảm ơn và mong bạn đọc trong và ngoài nước tiếp tục hiến kế, đóng góp cho chương trình "Nước ngọt cho Trường Sa".

Nguồn: Thanh Niên Online

Đọc tiếp...

Người theo dõi

 

Copyright 2008 All Rights Reserved Revolution Two Church theme by Brian Gardner Converted into Blogger Template by Bloganol dot com